5
Tôi nuốt nỗi buồn vào trong để đến trường, không để lộ ra cho bạn bè biết chuyện gì xảy ra với tôi. Lúc nào cũng như muốn khóc, có lẽ mọi người nghĩ tôi buồn chuyện Ba Mẹ bắt lấy chồng nên cũng không hỏi điều gì, chỉ nhìn tôi ái ngại.
Một tuần sau đó tôi mới tin chắc rằng anh đã bỏ tôi ra đi. Không một lời từ biệt. Anh không nói đã hờn giận hay oán trách tôi. Chẳng còn gì hết ngoài hình ảnh anh bước vội trên hành lang buổi chiều hôm trước. Tiếng bước chân và ánh mắt buồn rười rượi của anh cứ ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau này.
Anh đã dứt khoát ra đi. Có lẽ anh đau khổ nhiều lắm khi bỏ lại đây một mối tình thơ dại. Tôi nghĩ vậy.
Nhưng tôi lại nghĩ khác nữa. Không hiểu vì sao ra đi mà anh không từ giã lời nào với tôi, đi đâu về đâu tôi không thể biết được. Tôi bắt đầu có ý nghĩ giận anh, hay anh về lại thành phố của mình với một người con gái nào khác. Tôi nhớ thương anh lẫn lộn với một chút giận hờn, ghen tương, nghĩ tới điều ấy tim tôi như thắt lại. Phải chi trước lúc anh ra đi cho tôi một lời giải thích, hoặc một câu từ giã có lẽ đời tôi sau này cũng đỡ ray rứt hơn.
Đúng vậy! Tôi đã ray rứt suốt cuộc đời còn lại của mình, kể từ lúc ấy. Sau này có gia đình rồi cũng vậy. Tôi đã cố gắng quên đi, dấu đôi mắt u buồn của anh lúc ấy vào tận sâu trong trái tim mình để làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình. Tôi đã làm được điều ấy một cách thật khó khăn.
Hằng đêm tôi ôm hai tấm thiệp chúc tết và những lá thư anh gởi vào lòng để ngủ. Cuốn Đặc San hè 1973 (Thềm Xưa) có hai bài viết của chúng tôi. Nếu tinh tế, sâu sắc hơn, mọi người sẽ nhận ra nhiều điều giống nhau ở hai bài này. Cái buồn man mác, cái hụt hẫng của người con gái khi sắp chia xa người mình yêu thương để lấy chồng, tôi đã gởi gắm vào trong bài viết ấy. Tôi và anh đã chia sẻ buồn vui trong tháng ngày qua, hòa tan trong những câu văn mình viết.
Thật ra hai bài văn ấy là đứa con tinh thần, cùng tác giả là hai chúng tôi. Anh đã chỉnh sửa và bỏ bớt những lời thương yêu mà đáng ra chúng tôi viết về nhau trong bài của mình lúc đó vì tuổi của chúng tôi vẫn còn quá nhỏ so với một tình yêu quá lớn như vậy.
Cuốn đặc san này tôi vẫn còn giữ cho đến hôm nay cùng với những lá thư và hai tấm thiệp chúc Tết như một kỷ vật quý giá đời mình.
Số Phận Nghiệt Ngã
Mùa hè năm 1973 nóng kinh khiếp. Mấy tháng ở nhà tôi không đi chơi đâu. Dục Mỹ thì chẳng có chỗ nào để chơi. Thỉnh thoảng giúp mẹ ra ngoài đi chợ hoặc đến tiệm tạp hoá Tiến Lợi lấy cà phê đã được xay về pha chế. (Và đây cũng là cơ hội cho anh Trí, chồng tôi sau này có dịp gặp gỡ tôi). Chỉ với mấy con đường mặc dù ít qua lại nhưng tôi cũng thuộc lòng từng ngõ ngách. Dục Mỹ chỉ có con suối là thơ mộng thôi, Nơi đây tôi có dịp soi mình dưới giòng nước chảy róc rách, trải tâm hồn mình với tiếng suối reo. Ngoài ra chẳng biết đi đâu. Ra đường là gặp sắc áo lính khiến tôi đôi lúc hoảng sợ vì những lời chọc ghẹo. Ngoài những lúc như vậy hầu như tôi chỉ biết ở nhà phục vụ khách trong quán cà phê hoặc chăm sóc mấy đứa em nhỏ, dạy thêm cho chúng học hành, không giao tiếp với ai bên ngoài.
Giữa mẹ và tôi là bức tường ngăn cách vô hình. Mẹ không nặng lời nhưng tôi biết Mẹ giận vì thái độ của tôi nhiều lắm. Sai bảo gì tôi cũng nghe, cũng làm như cái máy mà không hề phản đối hay cãi lại Mẹ. Mẹ biết bây giờ trạng thái tâm lý tôi không ổn khi biết vì Mẹ là nguyên nhân gây ra sự chia ly của tôi và anh. Mẹ sợ sự bùng nổ không kìm chế được trong tôi nên cũng không nói gì. Mẹ không muốn tạo một không khí căng thẳng trong lúc này.
Mà đúng như Mẹ nghĩ, nếu lúc ấy Mẹ chì chiết tôi, không biết điều gì sẽ xảy ra với tôi. Tâm hồn luôn bấn loạn, mất thăng bằng trong thời điểm này nên có thể làm điều dại dột nếu đầu óc bị kích động. Chuyện tình cảm của tôi và anh được Ba Mẹ tôi giấu kín với mọi người bên ngoài. Còn tôi cũng không thể biểu lộ điều gì nên cũng chẳng ai biết có gì đang thay đổi trong tôi. Mọi người chỉ thấy nét mặt tôi u sầu, buồn bã, nước mắt luôn chực chờ tuôn trào như muốn gây sự nên cũng chẳng ai muốn lại gần mình. Tôi cảm thấy được yên thân lúc ấy.
Ba thì u sầu nhìn tôi khô héo dần, nên khuyên Mẹ khoan đề cập đến việc ép tôi lấy ông G. Vì vậy tôi yên thân được vài tháng.
Một lần Ba đến bên tôi an ủi: “Chuyện của con Ba rất hiểu. Nhưng đừng vì điều ấy mà huỷ hoại thân xác mình. Con còn trẻ dại lắm, con biết không” Nghe Ba nói như vậy, tôi bật khóc nức nở: “Biết con còn nhỏ dại sao Ba Mẹ lại ép con lấy chồng?”. Ba lau nước mắt cho tôi: “Ba có lỗi với con. Mẹ đã muốn như vậy, Ba cũng bất lực thôi. Hơn nữa, đâu có ép con lấy chồng ngay bây chừ đâu. Khi nào học xong mười hai rồi Ba mới cho cưới kia mà”. Bỗng nhiên không kìm chế được, tôi hét lên: “Còn tuổi trẻ của con đâu? Thời đi học đẹp đẽ của con đâu? Sao Ba Mẹ lại tàn nhẫn như rứa chứ?”. Nghe tôi gào thét như vậy Ba chỉ biết thở dài.
Ông G vẫn quanh quẩn trong nhà nhưng không dám đến gần. Tôi nghĩ ông ta đã biết hết mọi chuyện và đang tìm cách nào đó để tiếp cận và chinh phục được tôi, hoặc mong tôi vì quá đau khổ với mối tình đầu, quá thất vọng mà gật đầu đồng ý.
Ông ta không còn thái độ ngạo mạn như trước nữa. Dịu dàng, nhỏ nhẹ hơn. Cách đi lại cũng có phần khác trước. Phong cách người sĩ quan biến mất. Thay vào đó là những cử chỉ ân cần và hay ngồi suy tư. Tôi biết đó là chiến thuật của ông G. Nhân cơ hội tôi suy sụp tấn công tôi bằng tình cảm. (Sự việc sau này diễn ra đúng như ý đồ của ông. Không còn một lối thoát nào nữa. Không có ai đồng cảm, chia sẻ, bênh vực nên tôi buông xuôi tất cả. Tôi đã buộc phải đồng ý dưới áp lực của Ba Mẹ, trong cô đơn, lẻ loi đau khổ tột cùng).
Ngày khai giảng năm học mới tôi nhờ anh trai chở xuống trường. Con đường dẫn đến trường phất phơ những tà áo trắng. Tiếng cười nói, nét mặt hân hoan của bạn bè khiến tôi cũng vui lây. Nhưng khi chuẩn bị bước qua cánh cổng trường tôi bỗng khựng người dừng lại, bất động nhìn chăm chăm vào hai cánh cổng đã mở toang rồi nhìn lên dãy hành lang trên lầu.
Như nghe tiếng giày vội vã trên hành lang. Anh nghiêng đầu nhìn vào lớp tôi học. Đôi mắt anh chạm mắt tôi rồi anh quay mặt bước nhanh. Đôi mắt mờ lệ, tôi nhìn xuống sân trường. Dáng anh mờ mờ. Màu hoa phượng choàng lên người anh một màu đỏ. Anh mất hút sau cánh cổng này.
Tim tôi se thắt, sống mũi cay cay… Tôi muốn khóc quá!
Thật ra tôi là một cô gái đầy nghị lực. Trải qua những sự việc đau buồn nhưng tôi vẫn đến trường như bao nhiêu người khác. Tiếng trống khai giảng rộn ràng cho năm học mới bắt đầu. Nuốt đau vào lòng để cố hòa nhập với mọi người là điều khó khăn với tôi nhưng tôi đã làm được.
Những ngày kế tiếp tôi lao vào học tập để cố quên đi hình ảnh của anh. Quên đi dáng anh tựa lan can, khuôn mặt buồn nhìn về cuối cầu thang, cố quên đi mối tình đầu thơ dại. Nhưng mỗi lần ra chơi đứng trên hành lang nhìn xuống sân trường đông vui rộn rã tiếng cười. Qua những kẽ lá bàng gần văn phòng và cây phượng rũ nhánh cuối thu, sân trường sao mênh mông, im vắng quá!.
Còn đâu nữa ánh mắt nhìn nghiêng và nụ cười mỉm của anh. Mất rồi dáng anh nhảy nhót trên hành lang mỗi lần trông thấy tôi. Còn đâu nữa những bức thư trao nhanh vội vã. Mất hết rồi ánh mắt tìm mắt những giờ ra chơi hay tan học. Mọi thứ bây giờ trở nên vô nghĩa.
Không gian vắng lặng giờ ra chơi. Có ai cảm nhận được điều này một lần như tôi chưa?
Tôi hay đứng một mình nhìn xuống sân trường như vậy. Tôi hình dung cái nhìn cuối cùng dành cho tôi khi bước chân anh vội vã băng qua dãy hành lang này.
Nhưng đôi lúc tôi hình dung thấy anh đứng đó, lưng dựa vào tường, hai tay khoanh trước mặt, không nhìn thấy tôi. Hoặc không muốn nhìn thấy tôi, cô bạn học trò nhỏ bé đã gởi trái tim cho anh mang đi.
Thời gian này có nhiều người theo đuổi nhưng tôi không hề mở lòng ra để đón nhận một ai. Tôi lặng lẽ như một cái bóng nhưng vẫn bị đeo bám.
Chàng trai mà tôi cảm thấy tội nghiệp nhất có lẽ là anh D. Một thi sĩ. Nhà anh ở Nha Trang nhưng có một vài bạn bè Dục Mỹ nên anh hay về thăm. Vậy là quán cà phê Dung nhà tôi thêm một chàng si tình.
Tôi sống dở, chết dở với anh một thời gian dài. Thậm chí khi tôi đã lấy chồng, anh vẫn còn quay lại tìm tôi.
Trong thời gian này anh D. hay về Ninh Hòa, đứng trước cổng trường chờ tôi. Không biết bao nhiêu lần tôi phải trốn chạy như ma đuổi để thoát được anh. Nhớ nhất là lần ở lại buổi trưa nhà T.H. để chiều học tiếp, Anh D. đã tìm đến tận nơi gặp tôi. Khi mấy bạn phát hiện ra anh trước sân nhà T.H, quá hoảng hốt tôi đã chui tọt xuống gầm bàn học để trốn. Lúc chui ra khỏi bàn, mặt tôi tái xanh như tàu lá, B.N, L.H, T.H tưởng tôi sắp ngất nên sợ lắm. Nhưng khi thấy tôi hỏi nhỏ: “Ổng đi chưa?” cả bọn rủ ra cười khi nhìn lại bộ dạng tội nghiệp của tôi.
Sợ nhất là khi các đơn vị tác chiến từ chiến trường về an dưỡng ở các T.T.H.Luyện. Những người lính này ngang tàng, hành vi của họ rất khiếm nhã khi tụ tập uống cà phê ở quán nhà tôi sau khi nhậu say ở đâu đó rồi.
Những lúc như vậy tôi thường trốn biệt trong nhà, đi học phải có Ba dẫn ra và chở đến nơi chờ xe học sinh.
Ký ức tôi vẫn còn nhớ đến một người Trung uý Đại đội trưởng Tiểu đoàn 37 BĐQ. Anh ấy khoảng hai mươi lăm tuổi nhưng dáng người trông có vẻ già dặn, cứng cáp hơn nhiều vì lăn lộn không biết bao nhiêu chiến trường. Anh rất nghiêm khắc với những người lính vô kỷ luật. Anh đã dùng kỷ luật nghiêm cấm lính của anh vào quán phá phách và chọc ghẹo tôi.
Tôi đâu ngờ người sĩ quan phong trần ấy đã đem lòng yêu tôi, mặc dù vẫn xưng hô là chú – cháu. Đêm cuối cùng còn ở Dục Mỹ, anh ngồi suốt từ chiều cho đến khuya, im lặng nhìn tôi ngồi bên quầy. Khi khách đã ra về hết, anh nhẹ nhàng đến cạnh quầy, nhìn vào mắt tôi rồi nói: “Cháu đẹp lắm! Chú xin gởi lại tình yêu của chú nơi đây. Chú xin lỗi cháu” Dứt lời, rất nhanh anh choàng tay qua đầu tôi kéo sát lại đặt lên trán tôi một nụ hôn bất ngờ rồi vội vã ra đi.
Tôi không cảm xúc với nụ hôn ấy nhưng thật lòng nụ hôn thứ hai từ một người đàn ông tặng lên trán, tôi vẫn còn giữ mãi cho đến bây giờ. Tôi không hề yêu anh, bất ngờ khi nghe anh tỏ lời. Nhưng tôi trân trọng mối tình câm lặng của anh. Trân trọng nụ hôn thứ hai ấy. Nó là một kỷ niệm khó quên. Nhớ đến anh như một người chú, người anh đã bảo vệ tôi trong những ngày đơn vị anh an dưỡng nơi này. Quý mến con người biết trân trọng một tình yêu đúng nghĩa của nó.
Anh là Trung úy Thuận.
Nửa năm sau, có người lính mặc quân phục BĐQ, mang lon thiếu uý đến quán tôi ngồi uống cà phê. Khi ra về anh ấy đến quầy nói nhỏ với tôi: “Xin lỗi em! Có phải là Ngọc Lan không?” Tôi ngước mặt lên nhìn, hơi ngạc nhiên về câu hỏi nhỏ nhẹ của người sĩ quan trẻ mang sắc phục binh chủng BĐQ. Nhìn anh không có vẻ là người đến bên để tán tỉnh. Tôi trả lời; “Dạ, đúng. Có chi vậy anh?”. Anh ấy nói một cách nghiêm túc: “Trước đây em có biết Đại uý Thuận không?” “Dạ có! Nhưng trung uý chứ?” “Anh Thuận đã lên đại uý và mất sau đó hai tháng trong một trận đánh tại Quảng Nam. Anh ấy thỉnh thoảng có nhắc đến L., cô hàng cà phê Dung, Dục Mỹ”. Thông tin cuối cùng tôi biết về anh T. là vậy.
Đêm ấy tôi rơi rất nhiều nước mắt cho người đã thầm yêu tôi. Mong anh được siêu thoát trên Thiên đường.
o O o
Để chống lại sự đeo đuổi suốt ngày của ông G., tối về tôi thường ra quầy ngồi. Một cô gái mềm mỏng, rụt rè yếu đuối như tôi mà lại có thể cười nói với bất cứ người Sĩ quan nào đến tán tỉnh là phải biết lúc ấy tôi chán nản và tuyệt vọng đến mức nào rồi. Làm điều ấy, tôi cố tình cho ông G. thấy rồi nản đi, tha cho tôi mà rời khỏi gia đình tôi nhưng không ngờ ông ấy vẫn không chịu buông tha. Không gần được tôi thì ông luôn tìm cách gần Ba Mẹ tôi, đi cửa trước không được ông chặn cửa sau, tôi thoát đầu này ông chặn đầu khác. Cứ như vậy, tôi bị dồn vào chân tường không lối thoát. Không còn suy nghĩ được gì. Tôi bị phong toả khắp nơi, từ tâm hồn cho đến thể xác. Bị tra tấn liên tục, từ ngày này qua ngày khác.
Và cuối cùng, tôi gục ngã!
Năm học này tôi tham gia văn nghệ của Trường với vũ khúc “Vọng Cố Đô” – Đây là lý do chính đáng để tôi thoát ra khỏi nhà.
Chúng tôi say mê luyện tập, biên đạo múa là thầy Nguyễn Quang Phước hiền hòa. Tôi nguôi ngoai bớt nỗi buồn xa anh cũng nhờ tham gia văn nghệ và nhất là đám bạn nữ chung lớp của tôi. Mọi người như nhận ra điều đau buồn nào đó trong tôi nên luôn tìm cách cho tôi vui. Trong nhóm bạn, tôi là người yếu đuối nhất, phản ứng chậm chạp, nói năng lúc nào cũng nhẹ nhàng nên được sự bảo vệ của bạn bè rất nhiều. Biệt danh “người em sầu mộng” được dành cho tôi một cách trìu mến. Tôi xúc động vì điều này và luôn mang ơn tình yêu thương mà các bạn đã dành cho tôi. Chính lúc này bạn bè mới là người gần gũi, sẻ chia với tôi. Bạn bè luôn xem tôi như một cô em gái thì đúng hơn.
Đời người đẹp nhất là thời đi học, là tuổi học trò. Biết bao kỷ niệm buồn vui của một thời cắp sách vẫn còn đọng mãi trong ký ức tôi. Nhiều kỷ niệm được vun đắp trong thời gian này. Tôi thích đến trường ngoài việc học, trốn tránh gia đình còn có bạn bè an ủi tôi. Những chuyện từ lớp học khiến cho tôi quên đi thực tại trong chốc lát nào đó. Nhiều lắm nhưng tôi không nhớ hết. Riêng câu chuyện vui trong thời gian học này không thể nào quên được. Đó là một trận cười vỡ bụng và trở thành một kỷ niệm không thể nào phai được trong lớp của chúng tôi ngày ấy, dù đã trải qua thăng trầm của cuộc đời gần 40 năm.
Hôm đó là giờ học đầu tiên buổi chiều, môn Văn do thầy Ngô Văn Ban phụ trách.
Sau khi đứng dậy chào thầy, mọi người ngồi xuống và chờ đợi. Thầy đưa ánh mắt quét một vòng cả lớp rồi từ từ giở sổ điểm ra. Thời khắc mà tất cả bọn học trò chúng tôi như bị tra tấn, run rẩy, tim đập thình thịch dõi theo cây bút của thầy rà từ trên xuống trong cuốn sổ điểm. Tôi mừng rỡ vì nhìn thấy cây bút đã qua gần hết cuốn sổ điểm. Bất ngờ bàn tay của thầy quay ngược từ dưới lên khiến tim tôi muốn nhảy vọt ra ngoài. Cây bút dừng lại ở quãng giữa, thầy ngước mắt nhìn xuống lớp rồi gọi tên:
- Ng.T!
Tôi nghiệp cho anh chàng “xấu số” bị thầy “chiếu tướng” mặt mày xanh như tàu lá, run lẩy bẩy đứng dậy, hai tay níu chặt mép bàn như sợ bật ngửa ra sau
- Em hãy đọc bài thơ…. của… (tiếc là tôi không còn nhớ được tựa đề bài thơ cũng như tên tác giả) và nói lên tâm trạng của nhân vật..
Ông bạn thân mến của tôi im lặng một lúc, mắt nhìn lên trần lớp học
- Dạ… “Giai nhân nan…”
Đọc được đến đó, lưỡi người bạn của tôi như líu lại. Chỉ nghe tiếng… “à… à…” tiếp theo rồi tắt hẳn.. Mắt thầy nhìn xoáy vào mặt cậu học trò gặp “rủi”
- À... à… “Giai nhân nan…”
Đọc thêm lần nữa thì bí. Bỗng có tiếng thì thầm của V.P. ngay sau lưng.
- “TẮC… (V.P. đã cố tình nói lái hai từ “tái đắc” này)
Như người sắp chết đuối trên biển vớ được tấm gỗ mục, bạn tôi vừa nghe nhắc vậy đã không ngần ngại mà đọc tiếp:
- À... à... “Giai nhân nan TẮC…”, nguyên văn của câu thơ đó là:
“Giai nhân nan tái đắc”
Con mèo ướt vừa đọc dứt lời là một trận cười như động đất nổ ra. Cả lớp không ai giữ được vẻ thanh tao, lịch lãm của người học văn chương nữa.
Có lẽ thầy Ban lúc đó cũng muốn cười như chúng tôi lắm nhưng tư cách của một giáo sư dạy Văn nên thầy cố giữ vẻ nghiêm nghị:
- Cả lớp trật tự! Trời ơi!, giai nhân mà TẮC… thì còn gì là giai nhân nữa trời!!
Đó là một kỷ niệm khó quên trong đời mà sau này những lúc buồn phiền, chợt nhớ lại tôi không khỏi bật cười một mình.
Những chuyện như vậy cứ râm ran trong lớp học đem lại tiếng cười cho mọi người và tôi cũng vui lây, nhưng là cái vui chung với bạn bè, nỗi buồn riêng tôi vẫn giữ trong tim
(xem tiếp phần sáu).