Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> HẠT SƯƠNG MONG MANH

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7844 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: lanngoc 11 năm trước
HẠT SƯƠNG MONG MANH
Nguyễn Thị Ngọc Lan

phần tám
8
Qua năm 1976, đội văn nghệ chúng tôi ráo riết luyện tập để đón mừng Xuân Bính Thìn. Mẹ không muốn cho tôi tham gia nữa vì sợ tôi thoát khỏi sự kiểm soát của Mẹ. Anh T. đã đến nhà thuyết phục để cho Mẹ hiểu vai trò của người thanh niên trong chế độ mới, phải có đoàn thể chứ không tách rời ra được. Anh khuyên Mẹ tôi nên để cho tôi được tham gia vì điều đó sẽ tác động tốt đến việc cải tạo của Ba tôi. Không còn cách nào khác nên Mẹ phải đồng ý. Tôi rất mừng vì nếu cứ ở nhà hoài sẽ làm cho con người tôi héo khô hơn. Tôi muốn quên đi mọi chuyện đã qua, quên thời đi học tung tăng cùng bạn bè, quên đi trường lớp, quên đi tất cả vì nếu càng nhớ càng thêm đau khổ mà thôi. Nhất là mối tình đầu đời chưa chết hẳn, cứ gặm nhấm tâm hồn yếu đuối tội nghiệp của tôi. Vì vậy đi tập văn nghệ hằng đêm là sự an ủi cho tôi được thanh thản hơn.
Anh T. luôn nổi bật giữa đám đông mỗi lần sinh hoạt thanh niên vì lời nói chuyện dí dỏm, lưu loát và hay cười của anh. Mọi người ngưỡng mộ, khâm phục vì anh đàn, hát rất hay. Càng ngày anh càng tỏ ra quan tâm, gần gũi tôi hơn. Anh động viên, an ủi cho tôi vơi đi buồn phiền và tôi cảm động vì những điều đó.
Thời gian này nhiều cô gái ở đây có cảm tình với anh, mong được quan tâm nhưng anh vẫn thờ ơ với họ. Anh muốn cho mọi người biết anh đang theo đuổi tôi, lúc nào anh cũng tìm cách gần bên tôi như muốn nói cho mọi người biết anh là của tôi và tôi là của anh.
Nhưng lúc đó tôi chỉ có cảm tình với anh vì những gì anh đã làm cho tôi thôi. Tôi không nghĩ sẽ có lúc tôi sẽ yêu anh. Thật lòng trái tim tôi vẫn còn thương nhớ về một người khác. Người đã khiến cho trái tim tôi tổn thương nhưng đã khắc sâu hình ảnh của người ấy rồi. Đó là anh.
Anh Trí chính là người được tôi dành tình cảm nhiều nhất lúc đó. Không phải tổ ấm gia đình mà chính là anh vực tôi dậy để hòa nhập với cuộc sống này. Tôi biết anh yêu tôi rất nhiều và mong được tôi đáp lại.
Thời gian sau này anh T. hay đến gần tôi thường xuyên hơn. Muốn chứng tỏ cho mọi người ở đây hiểu rằng anh yêu tôi, theo đuổi tôi. Thái độ của tôi lúc ấy rất chừng mực trong quan hệ với anh. Những lá thư tỏ tình của anh trao vội vào tay tôi khi vắng người thực ra không làm cho tôi xúc động lắm. Lời trong thư không bay bổng, hoa mỹ. Anh nói về tình yêu bằng lời lẽ chân thật nhưng chưa làm trái tim tôi rung động được. Tôi chưa trả lời đồng ý yêu anh, không phải vì không có cảm tình với anh nhưng sự thật tôi chưa thể đón nhận được tình cảm anh dành cho tôi. Tôi suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này bởi vì sợ những gì sắp đến sẽ xảy ra với tôi. Đến với anh, cuộc đời sau này của anh sẽ ra sao? Tôi là con của một sĩ quan chế độ cũ, còn anh là một nhân viên làm việc ở xã, liệu điều đó có đem lại một tương lai tốt đẹp cho anh? Tôi suy nghĩ rất nhiều vì tôi không có cách lựa chọn hoàn hảo nào.
Còn một rắc rối lớn nữa là làm sao thoát khỏi lễ giáo gia đình, khi tôi đã nhận lời hứa hôn với một người khác và Mẹ có đồng ý để tôi lấy anh T. không? Bao nhiêu câu hỏi cứ xoay trong đầu tôi.
Riêng về phần anh Trí. Anh chỉ là con trai cùng cha khác mẹ. Khi Ba anh lấy người phụ nữ khác, anh về ở cùng. Ba anh đã mất nên anh cũng trở thành mồ côi giữa chợ đời. Điều này khiến cho tôi cảm phục và mến anh.
Mẹ không thể cấm tôi đi sinh hoạt văn nghệ dù rất ghét điều ấy. Tôi thì ngược lại, cứ lợi dụng việc sinh hoạt đó để tìm cách thoát ra khỏi nhà, thoát khỏi ánh mắt Mẹ. Cuối cùng rồi Mẹ cũng phát hiện chuyện anh T. theo đuổi tôi nên giao cho H., cô em gái tôi lúc đó mới mười hai tuổi giám sát tôi chặt chẽ. Tôi đi đâu, làm gì cũng có cặp mắt của H. dõi theo. Điều ấy khiến tôi bị ức chế rất nhiều. Sao Mẹ không tha cho tôi, cô con gái yếu đuối, tội nghiệp của Mẹ. Sao Mẹ không cho tôi được làm một đứa con bình thường như bao người khác để tôi được chút thời gian thanh thản trong tâm hồn và thể xác? Sao Mẹ nỡ trói buộc cuộc đời tôi từ khi chưa kịp lớn cho đến bây giờ? Tôi tủi thân cho số kiếp của mình. Cuộc sống đã đổi thay rồi nhưng tôi vẫn bị trói chặt. Đó là thời gian tâm thần tôi bấn loạn trở lại. Có đôi khi ngồi một mình tôi nói lảm nhảm nhưng không biết mình đã nói gì. Mọi người trong nhà và cả anh T. nữa bắt đầu lo sợ cho tôi.
Những lá thư của anh T. cuối cùng cũng đến được tôi với những lời an ủi, động viên. Đó là liều thuốc chữa bịnh cho tôi lúc này. Chỉ còn anh T. bên cạnh tôi thôi.

Ngày đen tối rồi cũng đến.
Ngày 15/ 6/1977. Ngày ấy tôi không thể nào quên được vì là ngày tôi bước qua một cuộc đời mới, khác hơn.
Sau nhiều lá thư của ông G. gởi về thuyết phục, hứa hẹn một cuộc sống tươi đẹp.
Mẹ buộc tôi phải làm đám cưới với ông G. Biết không thể nào ngăn cản Mẹ được nữa nên tôi im lặng ra vẻ đồng ý nhưng trong lòng thì đang âm thầm tìm cách thoát cho bằng được cuộc hôn nhân này. Đêm đó tôi đã quyết định viết lá thư từ hôn gởi cho ông G. với những lời lẽ thật cay đắng và cả van xin. Tôi đề nghị một cách dứt khoát ông G. ra nhận lại lễ vật đã tặng cho tôi trong lễ hỏi. Mọt quyết định liều lĩnh đầu tiên trong đời mà tôi dám làm để giải thoát cho mình. Tôi chọn con đường tìm lại tự do cho mình đồng thời cũng chấp nhận một cuộc đời đắng cay, tủi nhục khác.
Nhận thư, có lẽ ông G. không còn hy vọng gì nơi tôi nên mười ngày sau, chú và em trai từ Bình Định vào xin được nhận lại những lễ vật đính hôn. Chiếc nhẫn đính hôn bằng kim cương có giá trị lớn cùng những lễ vật khác tôi cẩn thận gói sẵn và để trong tủ.
Tôi còn nhớ rất rõ cái ngày định mệnh hôm đó. 25/6/1977.
Đang cầm chiếc cuốc xới cho tơi đất để trồng mì, anh trai từ nhà qua báo cho tôi biết gia đình ông G. vào nhận lại lễ hỏi theo đề nghị trong thư của tôi, Mẹ cho gọi tôi về ngay. Tôi nghe báo tin mà rụng rời cả tay chân. Chiếc cuốc trên tay lúc đó tôi nắm chặt, không muốn thả ra. Một thời khắc sợ hãi kinh hoàng tôi cần phải đối mặt trong lúc này.
Tôi biết một trận đòn tàn bạo đang chờ tôi trong chút nữa thôi. Tôi sợ hãi tột cùng. Tôi điên loạn hay tôi đã chết rồi trong lúc ấy?
Sợ Mẹ tôi, sợ họ hàng ông G. và sợ cả trận đòn trên thân thể yếu đuối. Tôi trốn biệt vào một bụi rậm cây bên rẫy. Không ai có thể tìm ra tôi cho đến tối mịt. Chung quanh là bóng đêm. Sương bắt đầu rơi xuống trên những tán cây, trên lá và trên tóc tôi ướt đẫm. Cái lạnh buốt xương và cái đói hành hạ tôi lúc ấy. Nhắm mắt lại tôi bắt đầu rơi vào cơn mê loạn.
Có ánh sáng đom đóm bay đêm chập chờn. Tôi nghe tiếng gió rít, ve vuốt, rượt đuổi. Âm thanh răng rắc. Tiếng lá rơi xào xạc, lã lơi. Có tiếng hát ru em của Dì Út vọng về.
Đêm tàn bến ngự. Tôi lượt là trong bộ Hoàng bào vàng óng.
Những hạt sương mong manh trên má. Cái lạnh thấm dần vào thân thể yếu mềm hoà với cái đau bị muỗi đốt vẫn còn đỡ hơn cái đau trong tâm hồn mà tôi đang gánh chịu lúc này. Tôi muốn mình được thiếp đi một cách nhẹ nhàng, không đau đớn nữa. Tôi muốn bay vào hư vô mãi mãi để không còn phải giáp mặt những bất hạnh mình đã chịu từ bao nhiêu năm nay.
Sương lạnh xuống nhiều hơn.
Tiếng muỗi vo ve hát ca, tiếng côn trùng ran ran bên cạnh lẫn với tiếng sột soạt của con thú nào đó.
Có tiếng hú gọi đến như tiếng người.
Tôi giật mình bừng tỉnh lại. Một không gian rờn rợn. Chung quanh những cây cao và bụi rậm. Đêm của lũ côn trùng ma quái. Đói cồn cào!
Tôi muốn nằm yên trong bụi cây này mãi. Tôi mong mình khép chặt đôi mắt, thiếp đi nhẹ nhàng và đừng bao giờ mắt mở ra nữa. Tôi muốn mình cứ bay bỗng lên, nhẹ nhàng rồi tan ra, biến vào hư không. Xin đừng cho tôi đau đớn. Tôi đau đớn nhiều rồi. Tôi muốn trốn chạy đi đâu đó thật xa cái xứ Dục Mỹ này. Nhưng trốn đi đâu bây giờ.
Sương lạnh buốt tim! Tôi đói.
Trở mình bên bụi cây gai. Có vết đau trên lưng. Không! Nó nhói từ trái tim tôi. Nắm nhánh cây gai đang đong đưa trước mặt, níu chặt, chập choạng đứng dậy.
Không có nơi nào tôi có thể nương thân. Về thôi!
Tôi lủi thủi bước cao, bước thấp mò mẫm từng đoạn đường mòn, bước qua con suối lạnh tìm đường về nhà.
Bọn dế giun đang hát khúc hoan ca hay khúc bi ai bên kia bờ suối?
Rồi cũng đến được trước cổng nhà. Khi đứng dưới gốc cây trứng cá người tôi run lên bần bật, thân thể co rúm lại, bước chân không còn nhấc lên nổi nữa. Chờ một lúc lâu, nghe trong nhà im vắng tôi rón rén đi vào bằng lối bên hông nhà. Vừa đến sân, nhìn thấy Mẹ ngồi trên ghế, nét mặt giận dữ đang chờ tôi. Thân thể tôi đổ sụp xuống dưới chân Mẹ.
Không còn cảm giác để mà đau nữa. Không còn đủ sức đưa tay lên. Tôi tê dại. Khù khờ. Có tiếng gió rin rít. Gãy đổ. Lào rào. Rền rĩ.
Không kêu khóc, không van xin. Rã rời. Nước mắt tôi cạn khô rồi. Miệng bỏng rát. Da thịt phồng rộp do muỗi đốt. Nham nhám vỏ cây. Tôi lạnh!
Đã bao nhiêu lần trong đời tôi sống bên ngoài gia đình. Đó là những đêm đi biểu diễn văn nghệ cùng với bạn bè thời đi học. Những lúc ấy tôi chỉ có niềm vui.
Đêm nay tôi cũng có một đêm bên ngoài ngôi nhà của mình. Bên ngoài đúng nghĩa của nó vì tôi đang ngồi dựa gốc cây trứng cá trước nhà mình giữa đêm khuya.
Tâm hồn khô khốc, trống rỗng, nhạt thếch. Đã khóc như một phản ứng tự nhiên nhưng không hiểu vì sao mình khóc. Tôi chẳng ý thức được gì, không hiểu mình đang làm gì và chuyện gì đang xảy ra với mình. Sự trống rỗng đến ngạc nhiên.
Đến một lúc nước mắt không còn chảy nữa. Tôi mơ.
Mơ mình hoá thân thành con đom đóm nhỏ lập loè bay lên với các vì sao. Sao sáng quá khiến tôi sợ hãi,
Tôi mơ mình bay trên sân trường phủ đầy hoa phượng đỏ có những tà áo trắng phất phơ.
Tôi mơ xoay tròn trên sân khấu với vũ khúc Vọng cố đô trong vai cô Công chúa mặc áo Hoàng bào.
Mơ mình ngồi bên giòng sông, nước êm đềm lững lờ cuốn trôi chiếc lá khô vừa rơi xuống. Ba vớt chiếc mũ rộng vành của tôi bị gió thổi bay. Mũ chọc cười tôi, lắc lư vành mũ.
Tôi mơ đang đứng đằng trước, hai tay nắm chặt ghi đông xe Vespa được Ba tôi chở đến trường Tiểu học Đoàn thị Điểm ở Huế khi còn bé.
Tôi mơ được Ba đưa vào đài phát thanh Huế khi người còn làm việc trong ban văn nghệ ở đây.
Mơ! Tôi mơ nhiều lắm.
Tôi mơ cái êm êm của tuổi thơ bên giòng sông Hương. Mơ con chuồn chuồn ớt đỏ vụt bay trong khoảnh khắc hai ngón tay tôi vừa chạm vào cái đuôi mềm mại, âm ấm của nó. Mơ con đường đất nhiều sỏi đá dẫn tôi đến trường tiểu học và thằng bạn mập xịt, kẻ thù của tôi thời thơ ấu. (Xem “ Chuyến tàu tuổi thơ” cùng tác giả)
Tôi mơ tiếng chuồn chuồn chạm nước. Nhẹ nhàng như nụ hôn bất ngờ anh lướt nhẹ trên má tôi.
Mơ nhiều khuôn mặt lướt qua trong trí nhớ vội vàng. Nhoè nhoẹt. Rõ nét.Vui nhộn. Lặng lẽ. Như có thể chạm được nhưng lại xa vời vợi.
Mơ, mơ mãi trong giấc ngủ mê hoảng loạn, lưng tựa vào gốc cây trứng cá trước nhà.
Tiếng muỗi vo ve, tiếng chó sủa trong đêm vắng vẻ. Con đường khuya thỉnh thoảng có ánh đèn xe vụt qua.
Có tiếng xì xào xa xa. Tiếng chim non gọi mẹ. Thống thiết.
Có cánh tay choàng qua vai ôm chặt tôi. Hơi ấm từ đâu đó sưởi ấm bờ vai gầy yếu của tôi. Tôi vẫn đang mơ trong tuyệt vọng.
Có ai đó lay nhẹ vai tôi. Lờ mờ nhận ra một giọng nói quen thuộc. Tiếng âm âm từ rừng núi dội về.
Tiếng hỏi dồn. Tôi bay lên. Nhè nhẹ. Từ từ. Chậm rãi. Tôi chạm vào mây. Mềm mại. Âm ấm.
Mây cọ sát vào má tôi. Có bàn tay vuốt nhẹ lên mặt. Có cánh tay dìu tôi đứng dậy. Lướt hay bay đi. Nhẹ tênh.
Tôi như vô cảm lúc đó. Bước chân bềnh bồng. Chệnh choạng.
Anh Trí!
Hình như tôi đang gọi tên ai đó.
Chênh chao!
Anh Trí dìu tôi về căn nhà nhỏ nằm sâu trong rẫy của anh.
Sáng hôm sau, cơn mê bừng tỉnh. Anh nói: “Bây giờ thì em quyết định được rồi đó, em phải tự chọn con đường mình đi, không ai ép buộc em được. Nhìn em như thế này anh cảm thấy uất ức lắm. Anh muốn đưa em thoát khỏi cuộc hôn nhân vô nghĩa này, anh sẽ bất chấp tất cả nếu em đồng ý”.
Anh an ủi, dỗ dành, thuyết phục, vỗ về tôi mãi. Có còn nơi đâu để về nữa?.
Cơn gió rin rít thổi qua mái lá. Có tiếng róc rách của con suối chảy qua ngang đây. Bản nhạc rừng líu lo.
Tôi gật đầu đồng ý.
Về làm vợ anh Trí từ đó.
Anh Trí là người được tôi yêu thương nhất trong lúc này. Tôi cũng được anh yêu thương nên đồng ý về làm vợ anh, tôi cũng chẳng cần gì khác nữa.
Sau này, khi hai vợ chồng tâm sự cùng nhau, Anh hay ôm đầu tôi vào lòng, nói đùa: “Mẹ vô tình tặng cho anh món quà vô giá này”
Một tuần sau, Ủy ban xã cấp cho tôi giấy công nhận kết hôn và cho ở nhờ căn nhà nhỏ vắng chủ. Của hồi môn tôi mang theo chẳng có gì nhiều. Ngoài áo quần, chỉ còn vài ba cuốn sách và những kỷ vật thời học trò. Tôi cũng mang theo cả câu nói của Mẹ tôi: “Mày làm nhục gia đình, tao coi như mất đứa con, có khổ cũng ráng mà chịu, đừng bao giờ bước chân về nhà này nữa”.
(Tôi đã sống đúng như lời Mẹ nói. Hơn ba mươi năm nghèo khổ, tôi chưa một lần xin Mẹ bất cứ thứ gì, khổ đành chịu thôi. Nhưng Mẹ vẫn luôn là Mẹ yêu quý của tôi. Tôi đã mồ côi một lần nữa rồi. Mẹ vừa rời bỏ chúng tôi ra đi.)
Chúng tôi sống với nhau thật hạnh phúc. Anh rất yêu thương tôi, lo lắng cho tôi đủ điều, từ những việc nhỏ nhặt nhất trong gia đình. Kinh tế khó khăn, nhưng chúng tôi không lấy đó làm buồn phiền. Vợ chồng tôi chăm lo hạnh phúc gia đình Quyết định không có con vội trong lúc này.
Khi lấy nhau vợ chồng tôi tay trắng. Mẹ đã từ bỏ tôi không thương tiếc, không cho gì khi con gái đi lấy chồng. Tôi rất tủi thân nhưng cam chịu, không dám đòi hỏi. Việc mình làm mình chịu, không than vãn để làm gì. Đời tôi mấy khi than vãn điều gì.
Chúng tôi thường hay ngồi bên nhau hằng giờ mỗi đêm, anh đàn, tôi hát, và cả hai vợ chồng cùng hát những tình khúc xưa thật say sưa. Anh cũng rất mê câu cá.
Khi chưa vướng bận chuyện con cái, tôi và anh thường hay xuống suối vào những đêm trăng sáng. Đêm trăng bên giòng suối vắng thật huyền ảo, ánh trăng tràn ngập khắp nơi. Trăng như rơi vỡ trên giòng nước.
Tôi và anh đi dọc theo bờ suối hoặc ngồi trên tảng đá cùng nhau câu cá. Thường thì anh cầm cần câu còn tôi cầm đèn, ngồi giữ chiếc lồng đựng cá và nhai bắp rang cho đỡ buồn ngủ. Nhưng cũng có đôi lúc tôi thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi anh gọi dậy, cùng nhau trở về trời cũng bắt đầu sáng.
Cuộc sống vợ chồng khi mới lấy nhau thật lãng mạn dù muôn vàn khó khăn phải đối mặt hằng ngày.
Năm 1980 tôi sinh đứa con trai đầu lòng. Cuộc sống bây giờ khó khăn hơn nhiều, với đồng lương của anh làm sao nuôi được vợ con nên anh quyết định xin nghỉ việc ở Uỷ ban xã để ra ngoài làm ăn.
Cuộc sống vất vả hơn nhiều. Anh bươn chải khắp nơi để kiếm sống. Kiến thức anh học được không giúp gì cho cuộc sống gia đình. Ở Dục Mỹ đâu có bao nhiêu người cần phải học thêm trong thời kỳ đó để cho anh mở lớp dạy.
Rồi khi tôi sinh cháu thứ hai vào năm 1983 thì tháng ngày vất vả của anh bắt đầu từ đây. Anh tham gia đoàn người đi tìm trầm. Mỗi chuyến đi của anh lặn lội trong rừng sâu nước độc, từ nửa tháng đến một tháng đã đày ải thân xác anh.
Căn nhà vợ chồng tôi ở bên cạnh nhà thờ Dục Mỹ được Ủy Ban Xã cho ở tạm, thấp lè tè và nóng bức vô cùng. Láng giềng mà tôi quý mến nhất là chị Yến, một nữ hộ sinh sống một mình nuôi con. Chị là một người trí thức sống đạm bạc và hòa nhã với mọi người. Tôi được chị giúp đỡ rất nhiều. Mỗi lần vợ chồng tôi bất hòa, chị là người hòa giải. Tôi buồn phiền có chị an ủi, nhờ vậy mà mỗi lần chồng tôi đi vắng, tôi và hai con trai tôi vẫn được an tâm, che chở.
Lấy nhau đã 5 năm mà tài sản gia đình tôi chẳng có gì. Thậm chí cái quạt máy cho con mát trong những ngày hè nóng bức cũng không có. Tôi làm việc ở ủy ban xã đồng lương èo uột nhưng vẫn cố gắng sống sao cho vừa đủ. Điều này có nghĩa bản thân tôi phải biết tính toán và tiết kiệm một cách tối đa. Một đồng quà cho con cũng phải tính toán.
Chồng tôi đi núi vất vả vậy nhưng không kiếm được bao nhiêu. Lúc trầm khan hiếm thì lại không được gì. Lúc tìm được trầm thì hàng không ai mua phải bán rẻ. Phải nói là số phận gia đình tôi thật bất hạnh. Người ta cũng như mình nhưng lại gặp may mắn còn anh thì xui rủi cứ đeo đuổi mãi cho đến ngày anh ra đi.
(xem tiếp phần chín)
<< phần bảy | phần chín >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 339

Return to top