Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> HẠT SƯƠNG MONG MANH

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7836 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: lanngoc 11 năm trước
HẠT SƯƠNG MONG MANH
Nguyễn Thị Ngọc Lan

phần mười ba
13
Năm đó hai Mẹ con tôi ở lại ăn Tết ở Sài Gòn, một phần tôi muốn dành dụm tiền trả cho hết nợ sau khi làm nhà, một phần vì T.H muốn tôi ở lại ăn Tết với gia đình cho vui. Vậy là lần đầu tiên tôi có một cái Tết xa nhà.
Đêm giao thừa, vợ chồng T.H tổ chức ca hát trong gia đình. Tôi tham gia hát hò cho vui nhưng rồi chỉ được một lát, nhớ con cháu quay quắt nên vào phòng ngủ nằm khóc.
Mấy ngày Tết tôi ở lại nhà T.H, không đi đâu. Loay hoay lui tới chờ đến ngày nhà trẻ mở cửa làm việc lại cho khuây bớt nỗi buồn
Ngày mồng 6, chị T. gọi điện thoại rủ tôi và T.H đến nhà chơi.
Chị ra cửa đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ. Bước vào nhà, tôi bỡ ngỡ vì thấy có những người khách chị mời đến đang ngồi trò chuyện.
Thật bất ngờ hay là có sự sắp đặt từ trước tôi cũng không hiểu. Tôi ngỡ ngàng khi một người đàn ông đứng dậy chào tôi. Anh là N.P.T. Tôi ngạc nhiên vì anh thay đổi nhiều quá, tóc bạc trắng. Anh đang đợi tôi. Ngồi bên cạnh anh là một người khác. Sau này tôi biết anh là Linh Vũ, nhà thơ, người cùng cộng tác với báo Calitoday với Nguyễn Xuân Nam, bạn học cùng lớp với tôi ngày trước.
Nhận thấy sự ngạc nhiên trên khuôn mặt tôi, chị T. cho biết là anh NPT có hay hỏi thăm về tôi từ sau lần vào SàiGòn gặp bạn bè 2003, nên nhân dịp này muốn mời tôi đến cho anh được gặp mặt. Anh T. chính là người đã tặng tôi bức tranh do anh vẽ năm 1972. Trong tranh là chân dung một cô gái ngồi bên ánh đèn màu, chính là tôi. Trước mặt mọi người, anh chẳng ngại ngần nhắc lại ngày xưa khi tôi còn là con bé lớp 9, lúc ấy anh rất muốn nói với tôi lời yêu thương nhưng nhìn tôi bé nhỏ như một thiên thần nên anh cứ lặng câm giấu kín tình yêu ấy vào tim.
Tôi còn nhớ. Năm ấy có một lần khi đến quầy tính tiền anh nói: “Anh sắp đi xa, một năm sau anh trở về em vẫn là bé con như bây giờ, đừng vội lớn L. nhé!”. Rồi anh đưa cho tôi quyển “Hoa Tím”, nơi hai trang bìa anh viết những câu thơ mà giờ tôi không nhớ hết:

Lan nhẹ hơn hình sương bóng khói
Vào hồn anh ở mãi không đi
Lan thơm như nụ hoa hàm tiếu
Ngát đời anh hạnh phúc như mơ

Lan ngồi nhắm mắt khẽ ôn bài
Tội nghiệp em tôi thơ dại quá
Giữa tiếng nhạc cuồng reo thú tính
Quán đêm sàm sỡ lũ con trai.

Đến giờ anh phải đi dạy Hội Việt Mỹ. Anh bịn rịn cầm bàn tay tôi thật lâu. Anh nói nhiều lắm. Kể lại ngày ấy anh đã gởi gắm tình cảm của anh cho tôi như thế nào. Hằng đêm anh đến quán cà phê ngồi nhìn ngắm cô bé chưa kịp lớn ra sao? Tôi thật sự xúc động vì tình cảm anh dành cho tôi quá lớn, nhưng tôi cương quyết rút tay về, tỏ vẻ khó chịu… Chị T.,
T.Hoa nhìn anh ái ngại. Hôm đó giữa những người xa lạ và quen thân, tôi thật sự xấu hổ vì lời chân tình muộn màng của anh T. Tôi đã đọc được trong mắt anh một nỗi buồn sâu thẳm, như ngày xưa.
Một lần nữa. Trong cuộc họp mặt đồng hương Dục Mỹ tổ chức tại nhà hàng Quán Tây, Anh N.P.T. đã có ý đến gặp tôi. Hôm đó tôi vì buồn phiền, mặc cảm nên không đến dự. Anh buồn bã ra về. Sau này anh có viết một bài về lần hội ngộ đó. Bài viêt ấy đến năm 2012 mới đăng trên ninh- hoa.com có nhan đề là “Nguyễn Phan Thịnh, Tình yêu của anh”. Người đăng chuyện là tác giả B.T.X
Vài tháng sau, T.Hoa gọi điện báo tin anh mất, tôi hụt hẫng, hối hận, buồn và hôm đó đã khóc rất nhiều. Khóc cho tình yêu anh đã dành cho tôi. Một tình yêu cao thương đã không được tôi đáp lại dù chỉ một cái nắm tay, một số điện thoại và một lời mời đi ăn.
Tôi chao đảo trong một thời gian dài sau khi anh mất. Hình ảnh anh T. hiện về trong tôi mỗi khi nhớ đến anh.
Bây giờ nhớ về anh N.P.T. tôi chỉ biết nguyện cầu cho anh được bình yên trên thiên đường.
Quay về nhà tôi chưa biết làm gì. Số tiền kiếm được cũng chưa trả hết nợ. Về nhà đi ra, đi vô cảm thấy mình bất lực vì không làm sao thoát được bể khổ cuộc đời nên tôi chán nản nhiều. Bước qua tuổi 50 rồi mà số phận hẩm hiu vẫn không buông tha tôi.
Một lần nữa cuộc đời lại xô đẩy tôi về góc phố ồn ào, náo nhiệt. Tôi rời SàiGòn với một tâm hồn rách nát và một thể xác tiều tụy. (đó là hình ảnh mà cô bạn gái ngày xưa cùng học với tôi một lớp, đã diễn tả chân dung tôi trong bài thơ “Khóc Cô Nữ Sinh” trong Đặc san tết năm 2003)
Tôi trôi dạt về bến xe BMT vào một tháng đầu hạ 2007.
Em gái tôi, (cô bé ngày trước được Mẹ giao nhiệm vụ giám sát tôi chặt chẽ) mở một quán phở cạnh bến xe. Công việc buôn bán bận rộn nên em tôi không có thời gian lo cho gia đình. H. gọi tôi về giúp quản lý công việc ở quán. Tôi thì nghĩ về đó khoảng cách gần hơn nếu tôi muốn về thăm nhà nên đã đồng ý ngay. Nói là quản lý cho sang tí thôi chứ thực sự công việc của tôi là lo việc dọn dẹp nấu nướng cho quán ăn. Ba giờ sáng thức dậy đốt lò than chuẩn bị nấu phở. Kết thúc ngày làm việc có khi đến bốn năm giờ chiều. Công việc bận rộn đến nỗi tôi không thể nào dứt ra được dù chỉ một ngày. Thậm chí ngày giổ chồng cũng phải vội vả, sáng còn phải dậy sớm để bán cho xong. Trưa lên xe về Dục Mỹ, sáng mai giỗ chồng xong lại phải quay lên ngay. Tết đến, hai chín Tết mới được về nhà, vội vả mua sắm gì đó cho mấy ngày Tết, mồng năm lại quay lên. Ngày lại ngày trong gian quán vắng vẻ, mình tôi với nỗi buồn, tủi nhưng biết làm sao hơn. Chỉ biết mong ngày tháng qua mau đến ngày Tết, ngày giỗ chồng để được về sum họp gia đình, rồi lại lên với công việc.
Một hôm, 3 giờ sáng điện thoại báo thức. Tôi với tay tắt chuông và thấy có tin nhắn từ anh: “Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. “Anh chúc em một ngày vui vẻ”. Tôi xúc động vì lời chúc đơn giản của anh. Giờ này anh cũng đã thức dậy để gởi tôi lời chúc này, trời rét buốt nhưng lòng tôi ấm lại, vì biết luôn có anh ở bên tôi.
Rồi mùa đông khác lại đến.
Một năm qua tôi đã quen với công việc nơi góc bến xe phố núi này. Mỗi đêm về một mình trong quán vắng, ngoài những lúc anh gọi điện thoại chuyện trò với nhau tôi được an ủi rất nhiều. Thời gian còn lại chỉ biết đi lên, đi xuống. May mà nhờ có chị bán báo dạo để lại những tờ báo chưa bán được mới có thứ mà giải trí. Cũng nhờ vậy mà tôi biết được thêm nhiều thông tin bên ngoài.
Những lúc buồn ngồi ôm gối nhìn ra con đường hun hút đầy bụi, hay những đêm nằm nghe tiếng tắc kè kêu, tôi lại nhớ đến anh. Trông tiếng chuông điện thoại reo để nghe tiếng anh nói.
Nhưng tôi cũng biết và ý thức một điều rằng anh có một gia đình êm ấm và hạnh phúc. Tôi quý mến anh nhiều vì biết anh là một người con hiếu thảo, một người chồng, người cha yêu thương vợ con, biết hy sinh vì gia đình. Khi nói chuyện với anh, chưa bao giờ tôi nghe anh than trách về người vợ của mình lần nào.
Chúng tôi luôn giữ một khoảng cách nhất định trong quan hệ với nhau. Đôi khi tôi có hỏi thăm về người vợ của anh, lúc nào anh cũng dùng những lời tôn trọng chị ấy. Chưa bao giờ tôi nghe anh phàn nàn một lời về người phụ nữ anh đã chung sống gần 30 năm. Điều đó khiến tôi khâm phục và ngưỡng mộ vô cùng.
Mỗi năm tôi nhận được từ anh lời chúc Tết. Không bay bổng như ngày xưa, anh chúc tôi mạnh khỏe và yêu đời. Chúc hoa Ngọc Lan nở bốn mùa thơm ngát. Lời chúc của anh làm ấm lòng tôi.
Ngày tháng cứ trôi dần về cuối đời. Đôi khi trong gian quán nhỏ về đêm, nỗi cô đơn buồn tủi làm nát lòng tôi. Xem ti vi, đọc báo, rồi cũng chán, lần khần cầm điện thoại muốn nhắn cho anh vài giòng, nhưng tôi lại sợ phá vỡ cái yên bình của anh. Những lúc như vậy nước mắt tôi chảy dài trên gối. Số phận cuộc đời tôi phải vậy nên chịu.
Và chính những lúc như vậy tôi chợt nhớ tới Duyên, người bạn gái có một gia đình hạnh phúc nhưng cũng nhiều bất hạnh vì con cái ốm đau bệnh tật. Anh T. chồng D. là một người hiền lành, cả gia đình theo đạo Phật nên sống rất có tình người. D. nhắc lại cho tôi nghe về chuyến đi NhaTrang của bọn tôi. Đó là lần tôi chiêu đãi đám bạn sau ngày đám hỏi, gọi là tiệc chia buồn với tôi. Hôm đó, leo những bậc tam cấp lên Tháp Bà, mỗi bậc có một người ăn xin ngồi. Theo triết lý nhà Phật, D. có cái nhìn sâu xa về số phận con người. Mỗi bậc thang là một con người với một số phận, phải chấp nhận cái số phận đó đến cuối cuộc đời, không thể trốn chạy.
Cái triết lý đó đã đem lại niềm vui sống cho D, an ủi cho nỗi bất hạnh của D. Và những lúc buồn phiền, tuyệt vọng tôi lại nhớ đến D. Cám ơn người bạn của tôi.

Vầng Sáng Hoàng Hôn
Đã năm năm từ ngày anh gọi điện thoại cho tôi lần đầu tiên, cuộc sống của tôi có được nhiều ý nghĩa hơn. Tôi sống hạnh phúc và cảm thấy cuộc đời này đáng sống hơn. Dù còn nhiều điều khổ đau nhưng tôi luôn tâm niệm một điều rằng mình còn nhiều hạnh phúc lắm. Hơn được nhiều người lắm. Vậy là tôi quên hết buồn phiền.
Một hôm vào khoảng tháng mười, anh nhắn tin cho tôi: “Mình gặp nhau nghe em”. Tôi nhắn lại: “Anh sao vậy?”. “Không có gì, chỉ là anh muốn gặp em thôi”. “Không được”. “Sao lại không được?” “Đã nói là không thể được” “Không được là không được thế nào?” “Dai quá. Không được mà”. “Được”. “Không được”. “Được”. Được và không được. Cứ như vậy chúng tôi nhắn qua lại hàng chục lần. Cuối cùng tôi hơi mềm lòng.
Dù khao khát được gặp anh nhưng cũng rất ngại ngần. Tôi suy nghĩ nhiều đêm. Tại sao chúng tôi đã chịu được năm năm, từ lúc anh gọi điện thoại cho tôi mà bây giờ lại không thể vượt qua. Gặp lại anh tôi có lỗi với vợ con anh không? Rồi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo giữa tôi và anh, có tự kềm chế mình được không? để không phải đi quá cái ranh giới đạo lý cho phép.
Mấy ngày sau anh nhắn: “Suy nghĩ chưa, công chúa. Được không em?” “Em sợ lắm”. ”Một lần thôi, anh hứa”. “Nhưng em vẫn sợ”. “Bớt chút sợ đi em”. “Đừng dụ dỗ em”. “Ai thèm dụ em làm chi”. “Thôi. Anh quỷ lắm. Em biết mà”. Anh gọi cho tôi: “Làm chi mà dữ rứa em. Gặp một lần thôi, có chi đâu”. Tôi trả lời: “Em sợ lắm anh. Sợ đủ thứ hết” “Gặp anh một lần em sẽ thấy. Anh hiền lắm. Không có chi làm em sợ đâu” Tôi mềm lòng “Thôi được. Mà gặp nhau ở đâu anh?”. “Anh đến nhà em được không?” Tôi hơi phân vân, do dự: “Dạ, vậy cũng được, khi nào anh?”. “Em chọn ngày đi”. “Tết em về nhà, mồng sáu được không anh?”. “Được, mồng sáu anh sẽ vào”.
Mới tháng mười âm lịch, tôi gọi điện thoại về nhà cho Duy, con trai tôi:
- Con sửa soạn lại nhà cửa cho đẹp nha, Mẹ có vài người bạn về ăn Tết nhà mình…
Hai tháng trước Tết là khoảng thời gian tôi mất ăn mất ngủ vì lo lắng, hồi hộp. Tôi lo con tôi sẽ nghĩ gì khi người về nhà tôi ăn Tết là anh, một người đàn ông xa lạ. Chúng nó, hai con trai và con dâu tôi sẽ phản ứng ra sao, khi người đàn ông ấy xuất hiện trong nhà mình. Tôi lo lắng chuyến đi của anh có bình yên không khi mà mới qua Tết anh đã rời bỏ công việc, xa gia đình. Tôi lo lắng sẽ nói gì khi giáp mặt với anh. Tôi suy nghĩ đủ điều… ba mươi mấy năm qua sóng đời xô đẩy, thời gian tàn phá con người. Tôi đâu còn được như xưa nữa. Nhan sắc tàn phai, thân xác gầy mòn đâu còn gì để cho anh ngắm nhìn.
Thường thì thời gian chờ đợi chậm trôi, nhưng với tôi trong lúc này sao quá nhanh như vậy. Tôi rộn ràng, tôi âu lo, hồi hộp mất ăn, mất ngủ mong ngày ấy từ từ đến. Vậy mà…
Chưa có cái Tết nào tôi vui như vậy trong đời, vui trong đủ mọi trạng thái tâm lý. Mấy ngày Tết tôi rộn rã tiếng cười với con cháu. Duy ngạc nhiên vì thấy mẹ vui hơn bình thường như vậy nên hỏi “Có phải mẹ gần được gặp bạn cũ nên vui phải không?”. Tôi nhìn con chỉ biết cười, nhưng thật sự rất lo lắng, rồi đây con sẽ nghĩ gì về mẹ mình?
Đêm mồng năm tết tôi gần như thức trắng, lòng nôn nao hồi hộp. Nơi nhà tôi ở nằm trong vùng kinh tế mới, chung quanh là núi. Cái lạnh cắt da cắt thịt. Năm giờ sáng, tôi vẫn còn trùm kín chăn, tiếng điện thoại reo:
- Em! anh đã ra sân bay rồi, bốn giờ nữa anh đến nơi.
- Dạ, em chờ anh.
Tôi tung chăn ngồi dậy, hai đứa cháu cũng thức dậy theo để chuẩn bị đi học. Tôi nói với con trai:
- Sáng nay bạn Mẹ đến nhà mình.
- Mẹ có đi đón “Cô” ấy không Mẹ?
Tôi bật cười với từ “Cô”
- Không con, bạn Mẹ tự đến, Mẹ đã chỉ đường rồi nên không phải đi đón đâu.
Khi cả nhà cùng ăn sáng xong, con dâu đi chợ mua thêm thức ăn để mời cơm anh, còn tôi cứ loay hoay không biết cần phải làm gì, không biết con tôi sẽ phản ứng với “cô” bạn trai của Mẹ mình thưở xưa như thế nào? Tôi hồi hộp, lo lắng.
Đến gần 10 giờ, tôi chải lại tóc ra phòng khách ngồi đón anh. Ngồi hoài sốt ruột lại đứng lên, đi tới, đi lui mà kim đồng hồ vẫn không chịu nhích thêm chút nào. Tôi xuống bếp kiếm một việc gì đó để làm, đem mấy cái ly đã được rửa úp khô ráo rồi ra rửa lại.
Định mở vòi nước, nghe tiếng xe ngừng lại trước sân, tôi vội vã đứng lên nhìn ra. Cửa xe taxi mở. Một người đàn ông ốm gầy từ từ bước xuống, nhìn vào nhà, miệng mỉm cười. Tôi nhận ra anh ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy. Toàn thân tê cứng, run rẫy. Anh vào nhà, vẫn với nụ cười, dáng đi nghịch ngợm ngày xưa. Không ngại ngùng dè dặt, anh bước thẳng đến bên tôi đang chôn chặt cả hai chân dưới nền nhà.
- Em…
Tôi không làm sao thốt lên được lời chào với anh, nhìn anh sững sờ.
- Anh đến rồi em..
- Dạ, em cũng đang chờ anh
- Em gầy quá.
- ..Dạ…Mà anh cũng gầy..
- Có thật em chờ anh không?
- Dạ...có.
Tôi đã lấy lại bình tĩnh.
- Anh đi xa có mệt lắm không?
- Không em, anh chỉ thấy quãng đường dài quá thôi.
Tôi nhìn anh… Ba mươi lăm năm rồi anh thay đổi rất nhiều, gầy hơn, chỉ có điều tóc anh chưa bạc và nụ cười vẫn vậy, cái lúm đồng tiền trên má ngày xưa, bây giờ là một nếp nhăn dài, và dáng đi, vẫn nhún nhẩy như trẻ con.
Tôi không nói được gì lúc ấy. Không mời anh ngồi xuống mà chỉ nhìn anh chằm chằm. Anh tự ngồi xuống rồi cầm tay tôi. “Em ngồi đi.” Cả hai chúng tôi ngồi nhìn nhau thật lâu, cứ như vậy không nói lời nào nữa cho đến khi Duy, con trai tôi vừa đi chơi với bạn về. Tôi giới thiệu:
- Con trai em.
Anh đứng dậy, bước tới:
- Duy phải không? Mẹ rất tự hào và nói về con nhiều lắm!
Tôi thật bất ngờ với cách xử sự tình huống này của anh. Không có khoảng cách, không một chút e ngại.
- Dạ, con chào chú
Tôi đứng dậy theo, nói với con trai:
- Chú.., bạn học mà Mẹ đã nói với con.
Duy bật cười:
- Vậy mà lâu nay con cứ tưởng bạn Mẹ là… Cô. Sao Mẹ không nói trước để con chuẩn bị..
Anh đặt tay lên vai Duy:
- Có gì đâu con. Chú “ăn” ít lắm mà!
Phút xã giao ban đầu giữa anh và con trai tôi đem lại sự thân thiện bất ngờ. Tôi thở ra nhẹ nhỏm. Anh không nói chuyện với tôi nữa, quay sang Duy:
- Hôm nay vẫn chưa làm việc sao con?
- Dạ, rồi chú. Nhưng đầu năm ít việc nên con tranh thủ đi chơi tiếp
- Chú thấy có vài việc đang dang dở, cho chú làm với nghe.
Tôi nói với Duy:
- Chú cũng làm nghề cơ khí như con.
- Ô! Vậy con gặp may đầu năm rồi.. Chiều nay chú dạy cho con với nghe chú
Chiều đó tôi thấy anh xách xô nước ra tưới vào hai chậu bông cúc, xong đi ra chỗ chiếc xe công nông đang sữa dang dỡ, anh nói gì với Duy tôi nghe không rõ. Hai chú cháu nói chuyện với nhau say sưa, tâm đắc lắm
Tôi lăng xăng đủ thứ việc trong nhà, lòng rộn ràng như trẻ nhỏ. Trong khi anh và Duy cùng làm gì đó bên cạnh chiếc công nông, tôi nấu ăn chuẩn bị cho bữa trưa. Mười ba năm rồi, kể từ ngày anh T. mất, hôm nay tôi mới thật sự hạnh phúc vì có một người đàn ông khác trong nhà mình. Điều hạnh phúc lớn hơn nữa là thấy con trai tôi rất quý mến anh dù mới gặp lần đầu tiên. Trong lúc ăn cơm, thỉnh thoảng nó quay sang nhìn tôi cười dể ghét. Con trai tôi chắc chắn đã đoán ra được quan hệ của tôi và anh như thế nào rồi
Chiều hôm đó anh mượn xe của Duy chạy lên thăm Cô anh ở tại Dục Mỹ. Anh ở lại ăn cơm trên đó đến bảy gờ tối mới trở về nhà tôi.
Ăn tối xong Duy bật máy và mời anh cùng hát Karaoke. Nó giống tôi ở cách thưởng thức nhạc và anh cũng vậy. Ba chúng tôi thay nhau hát những bài ca tiền chiến. Đến 9 giờ tôi nhắc anh nên đi nghỉ. Tôi đứng dậy chuẩn bị chỗ ngủ cho anh. Căn phòng của tôi dành lại cho anh đêm đó, còn tôi qua phòng ngủ với hai đứa cháu nội.
Mười hai ngàn bảy trăm mười lăm ngày, kể từ ngày anh mất hút ngoài cổng trường. Đêm đó tôi nằm thao thức, tính nhẩm ngày anh và tôi xa nhau. Đêm nay anh hiện hữu nơi đây như một chuyện cổ tích.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm. Cầm chổi quét khoảng sân đầy lá rụng mà lòng cứ miên man bao suy nghĩ. Ba mươi lăm năm. Bốn trăm hai mươi tháng. Mười ba ngàn ngày. Anh giờ đang có một gia đình ấm êm hạnh phúc. Và tôi, qua bao ghềnh thác của giòng đời, giờ cũng đã có những tháng ngày bình yên trong tâm hồn.
Anh trở về đánh thức trái tim tôi. Niềm hạnh phúc lẫn buồn tủi như những vết cắt sâu làm thành nỗi đau khôn xiết. Nếu có được những phút giây chỉ với riêng anh, tôi biết mình sẽ không thể nào ngăn được những giòng nước mắt.
Anh và Duy uống cà phê quán bên kia đường đối diện với nhà tôi. Nhìn sang, tôi trông thấy anh ngồi quay lưng, dáng anh vẫn như vậy. Anh ngồi tựa bên gốc cây nhưng không phải cây bông giấy. Hình ảnh cũ xưa hiện về trong tôi, lòng thắt lại. Nhìn từ sau lưng trông anh gầy lắm. Không trịnh trọng như tôi nghĩ lúc chưa gặp. Anh hòa đồng rất nhanh với mọi người trong gia đình tôi. Phá bỏ khoảng cách giữa anh với con trai một cách nhẹ nhàng, điều này tôi thật sự bất ngờ. Cách ăn mặc của anh cũng đơn giản, chiếc áo ấm màu nâu bình thường, đôi giầy sandal màu đen đơn sơ. Anh đã đem lại cho tôi sự ấm cúng gần gũi như một người thân đi xa mới về. Cách xử sự bình dị của anh khiến cho tôi kiềm chế được cảm xúc trong phút giây đầu tiên. Tôi cám ơn anh vì điều đó, điều mà tôi thật sự lo sợ trái tim mình sẽ vỡ òa, không kìm chế được khi gặp lại anh. Nếu điều đó xảy ra thì thật là tệ hại, bởi bây giờ đã già hết rồi. Còn con cháu nữa, chúng nó sẽ cười cho mà chết.
(xem tiếp phần mười bốn)
<< phần mười hai | phần mười bốn >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 413

Return to top