10
Cuối năm 1994 sức khỏe anh đã kiệt quệ. Thương cho hoàn cảnh, mến anh và thích cách dạy của anh nên học trò vẫn đến học rất đông. Anh ngồi kê gối dựa vào thành giường giảng bài, còn học trò ngồi chung quanh ghi chép. Khi thấy anh mệt thì thay phiên nhau quạt, xoa bóp cho anh, lại còn nấu từ nhà mang đến cho anh những món ăn bồi dưỡng sức khỏe. Cứ như vậy anh cố gắng dạy cho đến gần ngày ra đi.
Anh Trí mất vào một buổi tối giữa tháng giêng âm lịch tại bệnh viện tỉnh Daklak. Trước đó vài giờ, khi anh đang còn nhận máu từ những đứa học trò hiến cho anh thì vị bác sĩ trực tiếp điều trị cho anh đã gọi tôi ra ngoài hành lang hỏi: “Chị đã có con trai chưa?” Tôi gật đầu trả lời "Dạ,tôi được hai cháu trai". Bác sĩ nhìn tôi, giọng nhỏ lại: “Vậy là tốt rồi. Bệnh anh nặng lắm, bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, không qua được đâu. Có lẽ một vài hôm nữa thôi”…
Tôi gục ngay xuống hành lang bệnh viện, ôm mặt khóc.
Trở vào phòng ngồi bên cạnh nhìn anh thoi thóp thở, tôi cứ ôm lấy đôi chân gầy guộc, xanh xao của anh như muốn níu giữ anh ở lại với tôi, với hai con trai. Tôi xin anh đừng bỏ tôi, bỏ hai con mà đi. Tôi yếu đuối quá, cần anh che chở biết bao. Hai con tôi còn thơ dại quá, cần anh nuôi nấng, dạy dỗ mới khôn lớn nên người.
Bón cho anh từng muỗng sữa rất nhỏ mà anh vẫn nuốt thật khó khăn. Nước mắt anh chảy dài trên gối và nước mắt tôi thì rơi từng giọt trên ngực anh.
Bác sĩ bước đến bên anh, tôi nhìn ông với ánh mắt van lơn khẩn cầu nhưng chỉ được đáp trả lại bằng tia nhìn ái ngại. Rồi anh sờ soạng, cầm lấy hai bàn tay tôi bóp chặt như muốn dồn vào đó tất cả sức lực còn lại của mình. Giọng anh lạc hẳn đi: “Em gởi D. cho chú B. dạy nghề. Anh sợ em nuôi không nổi. Tội em quá!...” Rồi bàn tay anh lơi dần, mắt khép kín và cả đôi chân anh nữa lạnh đi.
Tất cả đã vội vã ra đi thật lạnh lùng, không chút tiếc thương dù tôi và hai con đã ghì chặt anh, đã kêu tên anh biết bao lần.
Nhà tôi quá chật chội không thể tổ chức tang lễ cho anh được nên quan tài phải đặt ở nhà Mẹ ruột anh.
Tôi trở thành người đàn bà góa phụ năm 38 tuổi…
Đám tang anh thật lặng lẽ. Bà con không có nhiều. Đông nhất là học trò của anh và hàng xóm tiễn đưa đến nơi cuối cùng.
Sau đám tang anh một tuần tôi lại phải lao vào công việc. Đau đớn và thương tiếc chồng cũng đành nén lòng lại để kiếm đồng tiền nuôi hai con và trả nợ. Cuộc đời cơ cực cứ vậy mà lôi tôi đi. D. con trai lớn tội nghiệp của tôi phải nghỉ học để đi học nghề, đau lòng lắm nhưng đành phải vậy thôi. Làm sao một mình tôi có thể gánh vác được để cho con tiếp tục đến trường. Tôi thật sự bất lực, để kiếm đồng tiền nuôi. Nước mắt chỉ biết nuốt vào trong nhìn con mới mười lăm tuổi phải vào đời kiếm miếng cơm.
Tôi không còn để ý gì về mọi chuyện chung quanh nữa. Công việc bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào 9 giờ tối hàng ngày. Ban ngày tôi nấu chè bán cùng các loại nước giải khát và đồ tạp hóa. Hàng gì bán được tôi cũng gom góp mua về bán. Đêm đến tôi làm nhiều loại bánh để sáng sớm hôm sau đạp xe đi bỏ khắp nơi.
Khổ cực đến nỗi tôi không còn nhớ chuyện gì đã xảy ra trong cuộc đời mình hơn hai mươi năm qua. Không có thời gian để nhớ về thân phận mình, để nhớ về những ngày xưa rằng tôi đã có một thời đi học vui đùa cùng các bạn, đã có một tình yêu đầu đời thật đẹp. Thậm chí tôi cũng quên luôn mình đã từng có chồng, có một gia đình êm ấm,hạnh phúc. Quên luôn những khổ đau tôi đã trải qua, vì chính thời gian này là thời kỳ bi đát nhất khó khăn nhất trong đời tôi.
Một điều kỳ lạ nhưng may mắn đã xảy ra. Vào đúng ngày mãn tang anh T. Mới sáng sớm, bất ngờ L, em chồng tôi đã chạy qua nói với tôi:
- Chị L. ơi! đêm qua em nằm mơ thấy anh Trí về. Khuôn mặt anh buồn bã lắm. Anh T. vừa khóc, vừa nói với em là đừng đòi lại số vàng đã cho anh chị mượn. Anh xin em cho chị vì biết chị trả không nổi. Sáng nay em ra mộ thắp hương trả lời là em đồng ý với anh T. không đòi nợ chị đâu. Thôi chị đừng lo nữa, em cho chị để nuôi cháu. Chị yên tâm nhé!
Tôi mừng rỡ đến nghẹn ngào không nói được lời cảm ơn cô em chồng. Chỉ biết ôm chặt lấy L mà khóc nức nở.
Vậy là tôi bớt đi một nỗi lo. Tôi biết ơn L. vô cùng. Tình cảm và sự cưu mang của L. tôi nhớ mãi mãi.
Sau hai năm học nghề, D. bắt đầu kiếm được tiền giúp đỡ Mẹ và em. Tôi sung sướng khi con tôi đem đồng tiền đầu đời của nó kiếm được đưa cho tôi. “Con đã trưởng thành rồi, Mẹ mừng lắm!”. Tôi xúc động nói với con như vậy. Con trai tôi đã lớn, chững chạc, hiền lành và giống ba như đúc. Tôi không phải làm công việc của người đàn ông nữa, không phải leo lên mái nhà để lợp lại tấm tôn tốc mái. Đóng những cây đinh để treo hàng hóa hay cầm cái cưa xẻ tấm ván làm ghế ngồi. Tôi sung sướng nhìn con đóng cái bàn, cái ghế, sửa lại hàng rào… làm những việc mà trước đây tôi phải gánh vác thay chồng.
Bây giờ nhà tôi thực sự đã có người đàn ông rồi.
Vất vả để nuôi con, thân xác héo hon, nhan sắc cũng úa tàn theo. Tôi đóng chặt trái tim mình như sợ ai đó biết được nó đang cô đơn mà gõ cửa. Những đêm mệt nhoài, buồn tủi với vài tiếng thở dài.
Nhiều người đàn ông nhìn ngó, đánh tiếng. Trong số họ cũng có vài người không vướng bận gia đình, kinh tế khá giả nhưng tôi không màng. Tôi đã có hai con trai và đó là chính cuộc đời của tôi. Con tôi ngày càng khôn lớn và tôi cảm thấy mình được bảo vệ, chở che. Tôi ấm lòng, hạnh phúc trong cảnh mẹ góa con côi, luôn cầu mong sao quãng đời còn lại được bình yên, may mắn.
Đời tôi đã một lần tai tiếng đẩy gia đình tôi đến tận cùng. Mong làm sao điều này không xảy ra lần nữa nên rất nghiêm khắc với bản thân mình trong lời ăn tiếng nói, trong cư xử với mọi người. Tốt nhất là im lặng, đừng biểu hiện bất cứ một cử chỉ thân mật nào với những người đàn ông đến gần.
Vậy mà chuyện cứ xảy ra.
Một ông khách thường dẫn cậu con trai 3 tuổi đến quán tôi mua kem và lần nào cũng chọn kem nhãn hiệu “Ngọc Lan” chứ không chọn loại kem khác.
Vậy là một buổi tối, khi chuẩn bị đóng cửa quán thì từ bên kia đường tôi nhìn thấy vợ chồng ông khách nọ đang giằng co, lôi kéo nhau giữa đám đông vây quanh. Giọng người vợ gào to:
- Tối nào ông cũng đi mua cho bằng được kem “Ngọc Lan” nghĩa là sao? Nó không chồng. Muốn dụ dỗ ông đó có biết không?
Tôi còn chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào thì X. em chồng tôi ở bên cạnh chạy sang kéo tay tôi:
- Chị cứ dọn dẹp đóng cửa đi ngủ đi… Em phải ra nói cho bà ấy biết chứ không khéo chị mang tiếng.
Thì ra bà ấy cho rằng ông chồng mê tôi nên cứ đến quán để mua loại kem có tên như tôi. Oan cho tôi là hễ cứ thấy chồng mua kem nhãn hiệu Ngọc Lan mang về, bà ấy lại nghĩ ông ta đến quán tôi để mua. Bà ấy không biết là rất nhiều quán bán loại kem này, ông ta có thể mua ở quán khác, chẳng hạn như tối nay.
Vẫn còn có những người khác tin lời bà ấy. Tôi một lần nữa chịu đựng nỗi nhục vô cớ này.
o O o
Cuộc sống cứ trôi đều. Tôi cũng vậy, cuộc sống cuốn tôi đi với những tháng ngày cực nhọc, buồn tủi… Tôi không còn nhớ ai và cũng không muốn nhớ về ai. Thật ra cũng chẳng còn ai để cho tôi nhớ về. Tôi quên hết, sống khép kín trong vỏ ốc cô đơn. Cũng chẳng ai còn nhớ đến tôi. Bạn bè ư, một thời đã xa rồi. Tình yêu ư? Trái tim tôi héo khô rồi. Nơi vùng đất xa xôi cao nguyên này chỉ còn lại mình tôi và hai đứa con tội nghiệp sống trong nghèo khổ mà thôi. Một thời nhan sắc đã qua, cái khổ tàn phá dung nhan tôi, một người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh.
Có những chiều ngồi giặt áo quần bên giòng kênh nhìn nước chảy cuồn cuộn, tôi chợt nhớ đến con suối Dục Mỹ năm xưa. Tôi nhớ những đêm trăng cùng chồng ngồi trên tảng đá to nhìn trăng lên.
Tôi nhìn xuống giòng kênh ấy và nhìn thấy ánh trăng bên suối Dục Mỹ, thấy chồng tôi ngồi trầm tư nhìn ánh trăng trên giòng nước chảy lửng lờ. Nhìn thấy từng mảnh trăng vỡ vụn dưới những bọt nước bên khe đá.
Con kênh đưa giòng nước chảy về đâu? Có đem theo được nỗi lòng tôi về lại chốn củ. Nơi những đêm trăng xưa, tôi ngồi bên anh Trí nghe hạnh phúc trào dâng.
Có mang dùm tâm hồn nhỏ bé tội nghiệp của tôi về đâu đó xa xa, nơi ấy có anh, mối tình đầu vụng dại của tôi. Giòng kênh nước chảy ơi!
Để rồi cho đến một ngày. Buổi sáng đang xoay vần với công việc, bỗng tôi nghe tiếng chuông điện thoại reo vang. Tôi cũng chẳng có ai thân quen nhiều và cũng chẳng có việc gì để gọi và nghe điện thoại nên tôi hay hờ hững với tiếng chuông reo. Tôi lần khần mãi rồi cuối cùng cũng bước đến bên điện thoại và nhấc ống nghe lên. Một giọng nói nhẹ nhàng từ đầu giây bên kia:
- Ng.Lan phải không? M.Ng. đây.
Cảm giác của tôi lúc đó như một người bị lôi ra từ khỏi bóng tối. Nước mắt từ bấy lâu tôi nuốt vào trong giờ có dịp tuôn trào. Tôi khóc thật nhiều vì tủi thân. M.Ng. nói mọi người đều rất muốn biết về tôi, biết tôi đang có cuộc sống cơ cực thì bạn bè đã có ý chung tay giúp đỡ.
Vài ngày sau tôi nhận được từ M.Ng. số tiền 1400 USD. Với tôi, lúc ấy số tiền đó là rất lớn, sẽ giúp tôi giải quyết được nhiều việc. Tôi và con trai bối rối trước số tiền quá lớn này. Biết làm gì đây vì tôi chưa bao giờ có ý nghĩ làm ăn khác, lớn hơn ngoài công việc cũ.
Thời gian này tôi có quen với một đôi vợ chồng. Trông hiền lành, tử tế. Họ chuyên nuôi cá chình. Nghe tôi than vãn chuyện mình không biết làm ăn khác. Người vợ bàn với tôi chung vốn nuôi cá. Họ thuyết phục, tô vẽ cho tôi về cái lợi sau khi thu hoạch. Sự dốt nát và dể tin. Cuối cùng nghe theo lời hai vợ chồng quen thân hay lui tới gia đình tôi lúc anh T. còn dạy con họ học hành. Tôi góp vốn với họ để đặt lồng, mua giống cá chình về nuôi ở một con đập cách xa năm km..
Một người phụ nữ đơn độc, yếu đuối và dễ tin người như tôi, dễ mềm lòng trước những lời ngon ngọt của đôi vợ chồng kia. Tôi vẫn nghĩ họ là người tốt, biết rõ hoàn cảnh Mẹ góa con côi lại quá vất vả nên muốn tạo cho tôi cơ hội. Tôi đâu ngờ rằng họ lợi dụng lòng tin của mình để lừa gạt tôi. Tôi gật đầu đồng ý, giao nhiệm vụ này cho D. Con trai tôi mỗi tối dù có mưa bão cũng phải ngủ lại tận nơi để trông coi cá, còn lại mọi chi phí họ sẽ ghi chép, tính toán. Tin họ nên tôi không bao giờ xem qua sổ sách ghi chép, vả lại tôi cũng không có một chút thời gian rảnh, tôi quá tất bật với công việc hằng ngày.
Một năm sau, đúng thời điểm thu hoạch cá thì rớt giá. Vợ chồng họ than vãn đủ điều, nói sao tôi nghe vậy. Cuối cùng cái được của tôi là nhận lại một phần tư số vốn đã bỏ ra kể cả công sức cả năm trời của D. Tôi chỉ biết im lặng đau đớn, đắng cay cho lòng dạ con người. Số tiền của M.Ng giúp tôi xem như mất trắng.
Sau này tôi có viết thư xin lỗi M.Ng. vì đã không đáp lại kỳ vọng của bạn. Tôi không còn tin tức của M.Ng từ đó.
Chán nản cho cuộc đời của mình chỉ toàn gặp những rủi ro, bất hạnh, tôi chẳng còn một niềm tin nào trong cuộc sống. Tôi làm việc như một cái máy hết công suất, cố dùng sự bận bịu, vất vả để quên đi nỗi đắng cay của số phận …
Có những đêm mệt lả người, tôi thiếp đi – trong mơ màng giấc ngủ hiện về những ngày tươi đẹp hiếm hoi của đời mình.
Tôi mơ thấy Ba chở tôi đến Đài phát thanh Huế, nơi Ba làm việc. Tôi đứng đằng trước hai tay vịn vào ghi đông. Ba ngồi trên xe hai đầu gối kẹp giữ tôi lại, vừa chạy vừa cúi xuống hôn lên tóc tôi.
Tôi mơ đang chơi cờ cá ngựa cùng anh Trí. Khi tôi bị thua, anh vừa nhẹ nhàng vuốt mũi vừa nheo mắt chọc tôi. Tức quá, tôi lao vào đấm đá anh túi bụi.
Mơ những đêm trăng lẽo đẽo theo anh đi dọc con suối, tay cầm giỏ đựng cá, hai vợ chồng vừa đi vừa hát nho nhỏ.
Tôi mơ về mối tình đầu vung dại, miệng mỉm cười và đôi mắt nhìn nghiêng của anh. Mơ thấy anh băng nhanh qua hành lang lớp học, anh nghiêng đầu nhìn tôi, mờ dần dưới sân trường rồi mất hút đằng sau cánh cổng.
Tôi mơ cùng bạn bè tung tăng ngoài cửa lớp, mơ điệu múa quạt Vọng cố đô.
Tôi mơ nhiều lắm để rồi khi tỉnh giấc, những giọt nước mắt lăn dài trên má.
Và như vậy tôi cứ mơ, mơ và mơ. Những giấc mơ an ủi tôi, đem lại hơi thở cuộc sống cho tôi sau những giờ mệt nhọc. Giấc mơ cho tôi thêm nghị lực sống, dìu tôi đi như đứa bé con mới lớn chập chững những bước chân vụng về.
Tôi mơ nhiều lắm, vì chỉ có mơ mới đem lại cho tôi niềm hạnh phúc mà thôi, dù biết rằng đó là hạnh phúc trong mơ.
o O o
Và rồi một ngày cuối thu năm 2000.
Có tiếng chuông điện thoại đổ vang, liên hồi. Tôi ngần ngừ không muốn nghe bởi vì tôi ít khi liên lạc với ai và cũng đã từ lâu lắm rồi chẳng còn ai nhớ về tôi, gọi cho tôi. Gần ba mươi năm tôi sống khép kín mình, chôn vùi cả trái tim và tâm hồn trong sâu lắng. Ngoại trừ anh chị em tôi đang sống ở xa, gọi về hỏi thăm. Đôi khi cũng có tiếng chuông đổ vang như vậy, những tiếng chuông của những người đàn ông nào đó biết được cuộc sống của tôi hiện nay hay của một vài người ngày xưa biết tôi gọi đến chọc ghẹo, tán tỉnh. Đó là lý do tôi không quan tâm đến tiếng chuông điện thoại lắm. Muốn nhấc cái ống nghe lên đối với tôi khá công phu. Tay tôi đang dính đầy chất bột dẻo.
Tiếng điện thoại reo vang nhưng tôi vẫn ngồi làm việc. Rồi tiếng chuông cũng tắt. Có lẽ do mệt mỏi vì những hồi chuông dài vô vọng. Tôi vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục nhồi đống bột làm bánh.
Rửa tay để chuẩn bị đổ bột vào khuôn đặt lên lò nướng. Chuông điện thoại vang lên lần nữa. Tôi nghĩ “Lạ! Ai vậy? Hay là mấy đứa em ở xa có chuyện gì chăng?” Tôi chùi tay, bước đến bên điện thoại. Tiếng chuông lại tắt.
Rửa tay để chuẩn bị đổ bột vào khuôn đặt lên lò nướng. Chuông điện thoại vang lên lần nữa. Tôi nghĩ “Lạ! Ai vậy? Hay là mấy đứa em ở xa có chuyện gì chăng?” Tôi bước đến bên điện thoại. Tiếng chuông lại tắt.
Đến tối, khi chuẩn bị dọn dẹp bếp nướng bánh, tiếng chuông điện thoại lại vang lần nữa. Tôi đứng gần bên điện thoại nên cầm ống nghe.
- A lô…
…
- A lô…
- “…Tôi ước ao được nói với những kỷ niệm của ngày xưa cũ rằng. Những ánh mắt thương yêu và những ý nghĩ trầm mặc đã đưa em vào cõi thần tiên. Để em lạc bước trên những đường mây rộng thênh thang…”
- Tôi xin lỗi, ai vậy?
Im lặng rồi cúp máy. Tôi đứng bần thần suy nghĩ không hiểu ai đã đọc đoạn văn nghe thật quen nhưng tôi vẫn không nhớ ra, Ừ, thôi thì có thể một ông nào đó rảnh rang trêu chọc cho vui.
Tôi quên cuộc gọi đó, tiếp tục công việc hằng ngày của mình. Quang, con trai út tôi đang phụ Mẹ để nước sirô vào những túi nylon nhỏ, cột lại rồi đem bỏ vào tủ lạnh cho đông cứng để chiều tôi giao cho mấy người bán lẻ ở trường học - Còn tôi chuẩn bị ba lò than đỏ rực để nướng bánh đem bỏ chợ - Công đoạn xay bột, bào dừa, đánh trứng tôi đã làm xong từ 5 giờ sáng – Giờ là lúc tôi phải “đánh vật” với một thau bột to và cái nóng của ba lò than dưới chái bếp thấp lè tè cho đến gần trưa mới xong.
Nhưng thật ra tôi không hẳn cuộc gọi bất ngờ, kỳ lạ đó. Có một điều gì là lạ khiến tôi tò mò. Nhưng cũng không phải vây. Nó như bản năng trỗi dậy trong tôi khi nghe đoạn văn với cái chất giọng vừa lạ, vừa quen kia. Có điều gì đó thôi thúc tôi, nhác nhở tôi quay về một nơi mình đã ra đi. Nó không phải là một vùng đất, một nơi chốn. Nó mơ hồ, mong manh, mờ nhạt. Nhưng nó đã có thật. Nó ở trong sâu thẳm tiềm thức tôi. Chắc chắn vậy. Tôi cố nhớ!
Cuộc sống của tôi không có ngày Chủ Nhật “Một ngày như mọi ngày”, kể cả những ngày lễ tết vẫn thui thủi một mình kiếm cái gì để sống, nuôi con. Vì những ngày này nó đem lại cho tôi nguồn thu khá lớn, phục vụ cho những người đi chơi. Vậy là tôi làm việc đủ ba trăm sáu mươi lăm ngày trong năm.
Một tuần sau, tiếng chuông điện thoại lại đổ vang trong lúc công việc dang dở như lần trước – Tôi lẩm bẩm: “lại cái ông khùng này đây”. Ai đó muốn chọc ghẹo tôi sao? Tôi thầm nghĩ vậy. Tiếng chuông thôi thúc rộn ràng hơn, tôi đến bên điện thoại:
- A, lô.
Im lặng, tôi nghe tiếng thở nhẹ trong ống nghe
- A, lô.
Một giọng nói nhẹ, trong veo:
- Ngọc Lan đó phải không? Có phải em đó không?
Hai chân tôi chôn chặt, toàn thân cứng đờ, mười đầu ngón tay như có giòng điện chạy qua. Tôi không còn cầm nổi cái ống nghe nữa, bàn tay tôi rơi xuống mặt bàn cùng với nó và tôi nghĩ tim tôi đã ngừng đập mất rồi. Cái giọng nói như xa, như gần. Như quen, như lạ. Âm thanh ấy như đâu đó trong tiềm thức vọng về. Khó khăn lắm tôi mới cầm được ống nghe đưa lên.
- Phải không..?
Tiếng nói nhỏ, van xin.
- Anh đây! Lan phải không?
Tôi nghẹn ngào:
- Anh phải không? Dạ, em đây!
Giọng run run:
- Anh gọi cho em đây!.
Tôi nói trong hai hàng nước mắt chảy dài:
- Sao anh biết số điện thoại của em?
- Anh biết qua một người quen. Anh xin lỗi. L. đang bận phải không?
- Dạ, cũng bận nhưng mình nói chuyện với nhau được mà anh.
- Vậy giờ nào, ngày nào trong tuần em rảnh?
- Khoảng 5 giờ chiều, anh.
- Vậy chiều mai, 5 giờ anh gọi cho em nghe. Anh muốn được nói chuyện thật nhiều, thật lâu với em. Anh nhớ em lắm.
Tôi hốt hoảng:
- Thôi bây giờ nói chuyện luôn đi. Mai em bận rồi.
Thật ra chiều mai tôi chẳng có việc gì phải bận cả, công việc hằng ngày cứ trôi đều như vậy. Ngày nào mà không bận. Nhưng có gì bận rộn hơn được nghe anh nói, điều mà tôi đã chờ đợi suốt gần ba mươi năm qua. Giọng nói anh ấm và chậm rãi:
- Vậy thì mình nói chuyện với nhau nhé.
- Dạ, anh nói trước đi. Em không biết nói chi với anh hết.
Anh cười tôi:
- Thì em nói cái chi cũng được mà. Anh muốn nghe được em nói lắm. Anh nhớ em. Nhớ giọng nói của em quá!
Tôi thì thầm:
- Dạ, em cũng vậy.
- Anh cũng chờ em lâu lắm rồi. Anh chờ cả đời mình.
Lúc này tôi đã lấy lại bình tỉnh hơn, chọc anh:
- Mà sao giọng anh nói nghe lạ dữ rứa.
Hình như khi nghe tôi nói, anh có vẻ không vui:
- Họ già rồi thì giọng nói phải khác đi chứ? Lạ lắm sao?
- Không, em nói vậy thôi, vì em không nhận ra giọng của anh ngay từ đầu, em xin lỗi.Thật ra giọng anh nói nghe hay và truyền cảm lắm.
(điều này tôi nhận xét rất đúng, ai đã một lần nói chuyện với anh qua điện thoại, chắc chắn sẽ nghĩ như vậy, giọng anh nói nhẹ nhàng và rất hay.)
Anh nghe tôi khen, cười nhẹ:
- Tại em quên anh từ lâu rồi nên mới không nhận ra thôi. Anh vẫn nói giọng bình thường mà em.
- Không, không bình thường đâu anh. Em nói thật mà.
- Thôi, bỏ qua cái giọng anh đi – Em có khỏe không? Còn chuyện chồng con?
- Anh Trí mất lâu rồi, anh không biết sao?
- Anh biết. Ngày anh Trí mất, anh định vào chia buồn với em, nhưng nghĩ lại không hay lắm, mọi người và cả em nữa lại nghĩ không tốt về anh, nên thôi.Anh có lỗi với em.Còn bây giờ thì sao, em sống với ai?
- Sao anh lại nghĩ về em như vậy? Có người đàn ông nào có thể đi vào đời em được kia chứ?
- Anh… nh xin lỗi em.
- Em vẫn ở vậy từ ngày anh Trí mất, với hai con trai em. Anh đang ở đâu mà gọi cho em vậy?
- Quán cà phê, một mình. À, Mà không phải dưới giàn bông giấy đâu nghe, anh về quê từ lúc sau 30/4.
Giọng nói anh trở lại bình thường và vẫn cách nói bông đùa ngày xưa:
- Anh đang uống cà phê, nghe nhạc Trịnh. Không thập thò đưa thư như ngày xưa nữa đâu. Nhưng mà bỗng dưng nhớ em quá. Anh nói thật.
- Còn vợ con anh ra sao?
- Ừ, thì một người vợ bình thường, không đẹp như em nhưng tuyệt vời, anh có hai con, một trai một gái.
Tôi muốn nói chuyện với anh nhiều nữa nhưng e ngại vì thời gian xa cách quá lâu, giữa chúng tôi đang có một khoảng cách hai bảy năm không gặp. Cả hai đều ấp úng không biết nói những gì dù muốn nói mãi.
- Em chúc anh hạnh phúc. Lúc khác mình nói chuyện nha anh!
- Ừ, thôi em nghỉ. Mai anh gọi. Em chờ anh năm giờ chiều nhé.
- Da, em chờ.
(xem tiếp phần mười một)