Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> HẠT SƯƠNG MONG MANH

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7832 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: lanngoc 11 năm trước
HẠT SƯƠNG MONG MANH
Nguyễn Thị Ngọc Lan

HẠT SƯƠNG MONG MANH
HẠT SƯƠNG MONG MANH

Mồng Tám Tết.
Tiếng chim hót ríu ra, ríu rít trên ngọn cây… cao vút. Dưới gốc cây, trước khoảng sân rộng chạy dài ra đến lề đường, một thảm hoa màu vàng nhạt rực rỡ, còn tươi thắm. Những cánh hoa nhỏ li ti chồng lên nhau, chỗ dày chỗ mỏng như tấm thảm chòng chành.
Chiếc xe khách đang giảm tốc độ, chậm lại bên kia đường. Nơi có một đoạn ổ gà không sâu lắm nhưng rộng. Đám bụi khói đằng sau xe cuộn lên cao.
Không gian những ngày này thật vắng vẻ. Qua rồi những ngày Tết đông vui người qua lại. Nơi vùng quê này nhà cửa thưa thớt. Thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe máy vụt qua.
Tuyến đường này dẫn lên Đà Lạt. Thỉnh thoảng có chiếc xe khách băng ngang qua đây. Từ ngã ba Ninh Hòa hướng về Ban Mê Thuột khoảng bảy tám cây số, qua khỏi núi Đeo, rẻ trái sẽ có con đường tắt lên huyện Khánh Vĩnh rồi đến thành phố mù sương.
Nhà tôi nằm trên đoạn đường này, từ ngã ba vào khoảng năm cây số. Ở đây buồn hiu hắt. Nhắm mắt lại sẽ nghe được tiếng chim hót nơi xa xa, bên trong cánh đồng mía.
Hôm nay mồng sáu Tết. Ngồi bó gối là cách tôi thư giãn hằng ngày sau một ngày buôn bán mệt nhọc. Về nhà ăn Tết được mười ngày rồi. Hai đứa cháu đi học. Vợ chồng con trai vẫn còn ham vui nên chở nhau đi đâu đó. Chỉ còn lại mình tôi không biết làm gì lại ngồi bó gối nhìn ra đường.
Không mấy khi tôi được thả hồn theo những chiếc lá rơi. Một vài chiếc lá từ từ, lắc lư, lơi lả rơi xuống rồi lại cuốn ngược gió lên cao.

Nó cuốn ngược tôi về quá khứ xa xăm…
Tôi chợt nhớ ngày trước sân nhà Ba Mẹ tôi cũng trồng một cây như vậy. Hoa rụng kín sân. Đó là thời gian tôi còn nhỏ. Một cô gái trẻ trung nhưng hay buồn. Một thời nhan sắc xa xôi.
Ký ức ấy hôm nay trở về theo chiếc lá rơi xuống sân nhà..

o O o

Tôi giã từ chuyến tàu tuổi thơ để bước sang một chuyến tàu khác. Chuyến tàu của tình yêu đầu đời và một định mệnh khắc nghiệt. (Xem “Chuyến Tàu Tuổi Thơ” cùng tác giả).
Thời mà trái tim bắt đầu đập nhanh hơn. Đó là những rung động đầu đời khi tôi gặp anh. “Cậu bé”, người đã đánh cắp trái tim tôi.
Tôi là con gái lớn trong gia đình có chín anh chị em. Tôi thứ hai nhưng lại là chị đầu nên nhiều việc trong nhà phải gánh vác cùng với Mẹ.
Quán cà phê nhà tôi khá đông khách vì Ba tôi với tâm hồn nghệ sĩ, bài trí không gian quán tuy nhỏ hẹp nhưng thân thiện với mọi người. Khách đến quán uống cà phê đa phần là sĩ quan của chế độ cũ đang làm việc tại các Trung Tâm huấn luyện, những người có học thức và… đa tình. Họ đến để nghe nhạc và chắc chắn không ít người đến đây để… ngắm tôi, cô nữ sinh mảnh mai nói giọng Huế.
Phần nhạc Ba tôi rất kén chọn để phục vụ cho khách và cả theo yêu cầu của khách. Giòng nhạc tiền chiến êm ả, trữ tình. Ba tuyển chọn luôn được khách yêu chuộng thưởng thức. Cứ mỗi tối ra ngồi thu tiền ở quầy, tôi luôn nhận được những mảnh giấy nhỏ ghi tên những bài hát được yêu cầu.
Ngày ấy tôi chỉ là cô học trò lớp chín, có khuôn mặt dễ nhìn nên có nhiều đôi mắt dõi theo. Tôi biết rõ điều đó khi mỗi lần đi học về, bước vào quán để vào nhà. Những ánh mắt đã làm cho tôi hoảng sợ và lo lắng. Không biết làm cách nào để trốn tránh nên tôi cứ cúi mặt và bước đi thật nhanh. Và rồi những ai đã nhìn tôi thì tôi chẳng hề biết, chẳng cần quan tâm, bởi vì tôi lúc đó chỉ là một con bé vô tư, còn nhảy nhót bước chân chim với một tâm hồn nhẹ nhàng chưa vướng bận, âu lo điều gì. Tâm hồn tôi lúc đó trong veo như hạt sương mai.
Hằng ngày tôi đi học bằng xe quân đội của Trung tâm huấn luyện Lam Sơn. Mỗi lần bước lên xe cũng không thiếu những cái nhìn, mấy anh học lớp trên hay mấy bạn cùng lứa thỉnh thoảng như vô tình “tặng” tôi những cái nhìn thân mến, những cái nhìn mà lúc đó tôi cho là không… an toàn. Vì vậy tôi luôn khép nép bên bạn gái của mình và lúc nào cũng chọn chỗ ngồi trong cùng, trốn tránh những cái nhìn kỳ lạ, bất thường đó. Tôi gọi là bất thường vì có nhiều ánh mắt khác nhau nhưng cái nhìn nào cũng hơi lâu và lướt khắp người tôi để cuối cùng dừng lại nơi đôi mắt tôi đang lơ đãng nhìn nơi khác một cách cố ý.
Tôi chỉ là con bé chưa kịp lớn, chưa biết rung động trước cái nhìn của chàng trai nào, tôi dửng dưng tất cả. Tôi yếu đuối, nhút nhát và luôn cần được sự che chở của bạn bè. Hằng ngày đến trường là niềm vui duy nhất của tôi. Đêm ngủ mong sao trời mau sáng để được ôm cặp đến trước cổng nhà thờ chờ xe chở đến trường. Tôi hồn nhiên, vô tư và không vướng bận gì đến chuyện tình cảm mà chỉ biết học, vui cùng bạn bè. Đến trường là niềm hạnh phúc của tôi, vì ở đó tôi thấy mình được chở che và vui vẻ hơn.
Mẹ tôi, một người phụ nữ quê Thừa Lưu, Huế. Phụ nữ Huế đẹp dịu dàng và thơ mộng, luôn tạo được tình cảm với người chung quanh, nhất là khi ở xa xứ. Ở nơi đâu con gái Huế cũng được mọi người yêu mến vì tính cách nhẹ nhàng. Mẹ tôi, người phụ nữ sống khép kín với mọi người, với ngoài xã hội nhưng trong gia đình mẹ là người vợ, người Mẹ luôn luôn muốn được làm chủ gia đình chứ không phải là Ba tôi. Có lẽ vùng đất sinh ra Mẹ, quê ngoại tôi được trời phú cho bản lĩnh người phụ nữ như vậy. Mẹ khắt khe với con cái, nhất là với con gái như tôi. Mẹ không muốn con gái Mẹ vướng vào chuyện tình cảm quá sớm nhưng lại lo cho tương lai của con, muốn cho con gái mình lấy chồng sớm, được một người chồng có một địa vị xã hội và giàu có.
Điều đó đã làm khổ cả đời tôi cho đến tận bây giờ. Đã đẩy tôi vào cảnh khốn cùng trong bao nhiêu năm qua. Làm khô héo cuộc đời tôi cho đến một ngày tôi nghe lại tiếng nói của anh.

o O o

Chiều nắng nhảy múa trên mặt sân bụi bặm. Ánh nắng cuối Thu xuyên qua tàn cây trứng cá, lắc lư theo cơn gió. Con đường quốc lộ xe cộ rủ nhau gầm rú trên mặt nhựa còn bốc mùi khen khét dầu mở. Mùi hăng hắc theo gió tạt vào tận căn nhà mái tôn thấp lè te của mẹ con tôi trú ngụ mấy năm qua. Thời tiết cuối Thu trên cao nguyên không mưa nhưng lạnh. Hơi lạnh cuốn theo sau những chiếc xe hòa lẫn với bụi bay thốc vào mũi một mùi khó chịu. Gió vẫn ràn rạt trên mái tôn, nhấp nhô như cánh buồm của chiếc thuyền mất lái.
Tôi đang vật lộn với đống bột nhão nhoẹt, hai tay dính chất bột dẽo mà tí nữa đây nó sẽ trở thành những chiếc bánh thơm ngon được trưng bày ở trước những cổng trường học. Tôi đang làm những thứ bánh để đem bỏ mối khắp nơi.
Có tiếng chuông điện thoại đổ vang, liên hồi. Tôi ngần ngừ không muốn nghe bởi vì tôi ít khi liên lạc với ai và cũng đã từ lâu lắm rồi chẳng còn ai nhớ về tôi, gọi cho tôi. Gần ba mươi năm tôi sống khép kín mình, chôn vùi cả trái tim và tâm hồn trong sâu lắng. Ngoại trừ anh chị em tôi đang sống ở xa, gọi về hỏi thăm. Đôi khi cũng có tiếng chuông đổ vang như vậy, những tiếng chuông của những người đàn ông nào đó biết được cuộc sống của tôi hiện nay hay của một vài người ngày xưa biết tôi gọi đến chọc ghẹo, tán tỉnh. Đó là lý do tôi không quan tâm đến tiếng chuông điện thoại lắm. Muốn nhấc cái ống nghe lên đối với tôi khá công phu. Tay tôi đang dính đầy chất bột dẻo.
Tiếng điện thoại reo vang nhưng tôi vẫn ngồi làm việc. Rồi tiếng chuông cũng tắt. Có lẽ do mệt mỏi vì những hồi chuông dài vô vọng. Tôi vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục nhồi đống bột làm bánh.
Rửa tay để chuẩn bị đổ bột vào khuôn đặt lên lò nướng. Chuông điện thoại vang lên lần nữa. Tôi nghĩ: “Lạ! Ai vậy? Hay là mấy đứa em ở xa có chuyện gì chăng?” Tôi bước đến bên điện thoại. Tiếng chuông lại tắt.
Đến tối, khi chuẩn bị dọn dẹp bếp nướng, tiếng chuông điện thoại lại vang lần nữa. Tôi đứng gần bước đến cầm ống nghe.
- A lô!

- Alô!
Có tiếng thở nhẹ trong ống nghe. Rồi chậm rãi đọc cho tôi một đoạn văn... “Em ước ao được nói với những kỷ niệm thương yêu của ngày xưa cũ rằng. Những ánh mắt và ý nghĩ trầm mặc đã đưa em vào cõi thần tiên. Để em lạc lối trên những đường mây rộng thênh thang…". Im lặng lúc lâu. Lại thêm tiếng thở dài, rồi cúp máy.
Đó là đoạn khởi đầu quay trở về ký ức, tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi ngạc nhiên vì sao lại có một cú điện thoại kỳ lạ như vậy. Rồi quên đi…
Nhưng thật ra tôi không quên. Mấy ngày sau cũng vậy. Có cái gì đó như thúc giục, như mời gọi tôi. Thật lạ lùng! Giọng nói trong điện thoại và đoạn văn ngắn đó nó cứ âm âm, vang mãi trong tôi bất cứ lúc nào. Thỉnh thoảng đôi lúc nó lại vang lên trong đầu một cách kỳ lạ.
Đoạn văn tôi nghe quen lắm, không biết mình đã đọc nó ở đâu rồi thì phải. Còn giọng nói…
Suốt những ngày sau không hiểu vì sao ký ức tôi đôi khi lại hiện về dần dần. Nó mơ hồ, mỏng manh như màn sương. Thực thực, mơ mơ cái quá khứ một thời của mình. Mờ mờ, ảo ảo. Tôi ngẩn ngẩn, ngơ ngơ mỗi khi nhớ lại giọng nói và đoạn văn đã nghe được. Có thể của một ông không bình thường nào đó nhầm số hay có thể để chuẩn bị mở lời tán tỉnh.
Nhưng nó ám ảnh tôi. Ký ức bắt đầu hành hạ tôi.


Mối Tình Đầu
Mùa Thu 1971.
Mùa khai giảng mới bắt đầu, tôi mười lăm tuổi.
Gặp lại bạn bè sau 3 tháng hè nghỉ ngơi thật là vui. Mọi người ai cũng cảm thấy mình lớn hơn một tí, tôi cũng vậy. Những ngày đầu vào lớp rộn ràng tiếng cười nói Thầy cô và học trò đều vui mừng ngày hội ngộ, bắt đầu một năm học mới. Tôi như con chim sẻ đã đủ lông cánh bay nhưng vẫn còn nương nhờ bên Mẹ. Đến trường tôi luôn cần sự che chở của bạn bè. Điều vui nhất của lớp là năm nay chúng tôi được một thầy giáo dạy Văn từ chiến trường trở về. Thầy rất gần gũi học trò và dạy văn rất hay – Thầy Đặng Thành Thân.
Tôi luôn trông được đến giờ học của thầy để nghe thầy giảng bài. Cách dạy lôi cuốn học trò trong suốt giờ học đem lại sự phấn chấn trong chúng tôi. Thầy luôn có những mới lạ trong văn chương pha lẫn chút hài hước. Mỗi lần giảng bài, thầy thả hết tâm hồn mình vào đó, luôn có những phá cách trong cách dạy. Say sưa với giọng nói nhẹ nhàng, Thầy lim dim mắt khi đứng trên bục giảng. Tôi ngưỡng mộ cách dạy của Thầy
Nhập học trở lại gần nửa tháng. Bất ngờ trong một giờ học buổi sáng xuất hiện trước cửa lớp một thư sinh nhỏ nhắn, rụt rè bước vào, hai tay cầm mảnh giấy trình cho cô giáo xin vào nhập lớp. Anh chàng học trò nhập học trể này nói giọng lai Huế hơi run, nhìn cô giáo rồi lại nhìn xuống lớp học có vẻ rụt rè. Một sự rụt rè dể thương của lứa tuổi học trò. Cô Hà Lê Hoa dạy Vạn Vật là giáo sư hướng dẫn lớp 9/2 chúng tôi lúc đó dẫn “cậu bé” xuống ngồi vào dãy bàn học của đám nữ sinh chúng tôi, ngay phía sau tôi.
Đó phải chăng là sự sắp đặt của định mệnh. Cậu bé, tôi hay nghĩ về anh lúc ấy như vậy. Im lặng trong suốt buổi học đầu tiên. Mọi người trong lớp không biết cậu này từ đâu đến và vì sao đến sau nửa tháng nhập học. Có lẽ ai cũng tò mò muốn biết, nhưng không ai hỏi cậu ấy một lời nào. Ngày còn đi học bọn con gái chúng tôi thường xem các bạn trai cùng lớp ''thấp'' hơn mình một bậc. (tôi xin lỗi). Nhất là anh, ngày đầu tiên bước vào lớp học không dám ngước mắt lên nhìn, đi đứng khép nép trước mặt bọn con gái chúng tôi. Đâu ngờ rằng trong con người ấy là một tâm hồn lãng mạn, nóng bỏng và thích nổi loạn. Khi yêu nhau, những bức thư tôi gởi cho anh thỉnh thoảng gọi anh là ''cậu bé'' thay vì tên anh. Anh không giận mà trái lại còn tỏ ra thích thú khi được gọi như vậy...
Thời gian này tôi không còn vui vẻ như trước nữa. Những suy tư, âu lo và những hoảng loạn luôn tra tấn tôi mỗi khi bước chân về nhà. Không phải vì cái cậu bé mới vào nhập học đó mà là bắt đầu những chuỗi sự kiện xảy ra trong đời tôi. Đó là những suy nghĩ lo lắng và cả toan tính của Mẹ. Bà đang có ý định tìm cho tôi một người chồng… Thời gian này rất có nhiều người theo đuổi, dù lúc đó tâm hồn tôi vẫn như tờ giấy trắng trong veo, trái tim chưa lỗi nhịp đập.
Một tối đang ngồi học bài, tôi nghe được câu chuyện giữa Ba và Mẹ. Mẹ nói: “Mười lăm tuổi rồi, mình cứ việc đồng ý. Vài năm nữa chờ con nó lớn rồi cho họ cưới cũng được. Con gái lớn có nơi như vậy còn mong gì nữa chứ?” Im lặng một lát, tôi nghe Ba trả lời Mẹ: “Không được, con nó còn nhỏ, để cho nó học”. Tai tôi như vang một tiếng sét. Lơ mơ tôi cũng hiểu được Mẹ muốn Ba nhận lời xin cưới tôi của một ai đó mà tôi chưa hề biết mặt. Sau này khi Ba và tôi trò chuyện với nhau mới hiểu được đó là một ông thiếu úy hai mươi hai tuổi người SaiGon, đang làm việc tại quân trường Biệt Động Quân, tên ông ấy là H.B.Q. (Từ chị Thái, tôi vừa được biết thông tin về anh Q. hiện nay đang sống tại Pháp. Anh vừa gởi thư cho chị hỏi thăm về tôi.)
Nhờ có Ba yêu thương, che chở mà tôi thoát được sắp đặt đầu tiên của Mẹ. Tôi muốn được đi học, được đến trường với bạn bè, được hồn nhiên chạy nhảy, vui đùa. Tôi thật sự còn nhỏ bé, chỉ là một đứa trẻ con thôi mà.
Quán cà phê nhà tôi luôn đông khách, đông nhất là các sĩ quan trẻ của ba quân trường nơi thị trấn nhỏ bé này. Họ đến từ bốn phương trời, như đàn ong bướm bay kín trời Dục Mỹ. Với tôi lúc đó họ là những người lớn, học thức, chững chạc và từng trải. Tôi dù ít tuổi hơn họ nhiều nhưng cũng nhận biết được tình cảm mà họ dành cho tôi. Trong những người này cũng có không ít người tôi rất ngại chạm mặt vì những lời tán tỉnh “thô bạo”, mất lịch sự. Tôi cần phải bình tĩnh, có đủ nghị lực để chống trả lại họ. Vô tình mà tôi trở thành người lớn một cách bất đắc dĩ. Tôi lạnh băng với tất cả những lời ong bướm, ghét tất cả những ai gởi cho tôi những lá thư tỏ tình. Cho đến một ngày…

Một ngày cuối đông.
Sau đợt thi học kỳ I năm lớp chín, gần một tuần nữa là Tết âm lịch. Tôi ngồi học bài bên cửa sổ bên trong nhà, vừa học vừa giúp chị thu ngân ngồi quầy, thỉnh thoảng nhìn ra ngoài trông quán. Mẹ nói vậy chứ tôi biết Mẹ có một ý khác. Muốn cho những ông khách đa tình thoải mái ngắm nhìn tôi, nhờ vậy quán luôn được đông khách.
Vậy là hằng đêm, thay vì lên lầu ngồi học cho yên tĩnh, tôi lại phải xuống "trình diễn" khuôn mặt mình bên khung cửa sổ cho mọi người ngắm nhìn. Chưa được mười lăm tuổi, tôi đã bị tra tấn bởi những cặp mắt đa tình và còn tệ hơn như vậy nữa.
Giữa nhà và quán có khoảng sân nhỏ, bên gốc cây bông giấy ấy, “cậu bé” đang ngồi uống cà phê cùng V.Q.T. người bạn học chung lớp với tôi. “Cậu bé” ngồi quay lưng lại phía tôi nhưng giọng nói thì không lẫn vào đâu được, nhỏ nhẹ vừa đủ cho tôi có thể nghe vì “cậu bé” chọn ghế ngồi gần cửa sổ nhất – giọng nói pha lẫn chút Huế của tôi.
Lúc gần xong hết bài học, tôi định đứng dậy ra phụ chị ngồi quầy thu tiền của khách. Nhìn ra cửa sổ, tôi thấy “cậu bé” đang đứng đó thật bất ngờ, nhìn tôi không chớp mắt – Tay phải vịn song cửa, tay trái cầm một tấm thiệp chúc Tết, lóng ngóng đưa qua cửa sổ:
- Tặng Lan. Chúc mừng năm mới nhé!
Tôi ngạc nhiên và bối rối. Sự xuất hiện của anh thật bất ngờ và tấm thiệp cũng bất ngờ. Tôi chưa bao giờ nhận của ai một tấm thiệp chúc Tết nào, trừ bạn gái chung lớp. Không hiểu sao tôi lại đưa tay ra đón nhận nó. Phải chăng là một định mệnh. Cái định mệnh oan nghiệt đã buộc tôi nhìn vào đôi mắt của “cậu bé” và nhận tấm thiệp. Tôi im lặng, không nói lời cám ơn và cũng không hề nhoẻn miệng cười, có lẽ do chạm mặt với nhiều người đàn ông đến quán nên tôi vậy đó. “Cậu bé” hơi xấu hổ vì cái nhìn lạnh lùng của tôi nhưng vẫn cố nở nụ cười, một chút cười nhếch môi có phần lạnh lùng, xa xăm. Tôi nhận tấm thiệp và vô tình nhận luôn nụ cười và ánh mắt của “cậu bé”.
Nụ cười của Mona Lisa đã theo suốt cuộc đời tôi.
Nụ cười ấy không phải tôi mới gặp lần đầu. Tôi đã nhìn thấy nó bao nhiêu lần rồi, trong sân trường, trong lớp học, trên xe học sinh và ngay cả trong sân nhà tôi, dưới giàn hoa giấy đỏ. Không hiểu “cậu bé” là ai mà lại có nụ cười như vậy. Tôi ghét lắm nụ cười trẻ con ấy. Nó như thách thức, như chiếm đoạt. Nó lạnh lùng nhưng quyến rũ. Vậy mà không hiểu tại sao tối nay tôi lại đưa tay nhận tấm thiệp chúc Tết và nhận cả nụ cười kia. Nó ám ảnh tôi suốt mấy ngày sau đó, ngay cả trong giấc ngủ, nó làm tôi mất thăng bằng trong những giờ học. Đến trường tôi lại như hớt hãi quét đôi mắt tìm nụ cười ấy.
(Tôi mang theo nụ cười của anh trong buồn vui của cuộc đời này – Những lúc đớn đau nhất, tôi hay suy nghĩ về nụ cười đó như liều thuốc vực tôi đứng dậy, tiếp hơi thở cho tôi. Ngày đó tôi tròn mười lăm tuổi, và anh, mười lăm tuổi tám tháng.)
“Cậu bé” không phải là người đầu tiên tặng thiệp cho tôi mà là tấm thiệp đầu đời tôi nhận từ một người con trai. Bởi một điều đơn giản, dù chỉ là một cô gái mới lớn, học lớp chín thôi nhưng tôi được rất nhiều chàng trai vây quanh, tán tỉnh. Tôi không nghĩ là mình đẹp. Cho đến bây giờ cũng vậy. Tôi luôn sợ nghĩ mình đẹp. Nó là tai hoạ gắn liền với đời tôi.
Lúc đó tôi nghĩ bọn họ chỉ muốn chọc ghẹo cho vui, chọc cho tôi cười vì tôi quá nghiêm trang và lạnh lùng. Tôi ghét bọn họ. Hơn nữa, tại Dục Mỹ này đất hẹp người đông nhưng con gái xinh đẹp không nhiều nếu so với tỉ lệ đàn ông, con trai ở đây. Hàng ngàn sĩ quan của ba quân trường tụ hội về, toả khắp các con đường nhỏ. Những cô gái tương đối xinh đẹp được các anh săn đón, tán tỉnh là chuyện bình thường. Nhà tôi lại có quán cà phê khá đông khách. Đó là điều kiện cho mấy chàng sĩ quan lui tới vừa uống cà phê, nghe nhạc và với nhiều người còn có mục đích khác nữa.
Những ngày cuối năm, thiệp chúc Tết được các chàng trai đem đến đặt trên quầy rất nhiều dù tôi từ chối không nhận bất cứ tấm thiệp nào.
Nhưng không hiểu sao tôi đã nhận tấm thiệp chúc tết của “cậu bé”?
Đêm đó tôi không vội vàng mở tấm thiệp bởi vì có một chút hồi hộp, mà chờ đến khi xong tất cả công việc, đến lúc lên giường tôi nhẹ nhàng lôi tấm thiệp ra khỏi phong bì.
Tấm thiệp nhỏ nhắn thật đẹp, một đóa hồng bằng vải nhung được lắp ghép rất công phu. Cánh hoa óng ánh, cành lá xanh mượt trông như thật. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ở đâu có tấm thiệp đẹp như vậy. Bên trong tấm thiệp có hai mảnh giấy pelure xanh và trắng. Mảnh giấy màu xanh ghi lời chúc. Mảnh giấy màu trắng ghi 6 câu thơ. Lời thơ như một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng. Tôi thật sự xúc động vì lời chúc và những câu thơ này. Nó làm tôi xao xuyến không phải vì “cậu bé” mà vì chính những câu thơ lạ lùng như mời gọi. Và lúc đó tôi không hiểu hay không nhận ra, đó là lời thơ tỏ tình dễ thương của anh.

Áo em vẫn trắng như lòng trắng
Hay đã bắt đầu thương nhớ chưa
Em đã bắt đầu thương nhớ chưa
Hỡi người con gái tóc mây đùa
Ru ta từng thoáng cơn đời mộng
Mai buổi em về ai đón đưa.

Thời gian này là điểm khởi cho mọi thay đổi cuộc đời tôi sau này.
(xem tiếp phần hai)
<< phần cuối |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 922

Return to top