11
Tối đó tôi lên giường nằm thao thức không sao ngủ được, miên man với những kỷ niệm ùa về.
Giàn hoa giấy. Anh ngồi quay lưng. Những mãnh giấy viết vội.
Hàng cây hai bên đường lướt nhanh. Tiếng cười rộn rã của đám con trai nghịch ngợm mỗi khi tiếng phanh rít lên. Ngã nhào.
Nụ hôn nhẹ trên má như con chuồn chuồn chạm nước. Mênh mang.
Buổi sáng Nha Trang. Giận. Tan biến.
Màu đỏ hoa phượng ngập bóng anh. Khuất dần nơi sân trường rồi tan nhanh sau cánh cổng màu xanh.
Nụ cười anh, nụ cười của Mona Lisa. Đôi mắt nhìn nghiêng, giếng sâu bên má.
Anh dựa lưng vào tường, hai tay ôm ngực, đầu cuối xuống trong buổi lễ hỏi Đôi mắt u buồn.
Dáng anh khắc khổ đứng bên kia đường. còn tôi bên này, ngậm ngùi nhìn nhau, không nói được gì trong buổi chiều nắng đẹp.
Ôi! Biết bao kỷ niệm của tôi và anh vội vả về cùng lúc trong tâm hồn tôi đêm nay. Tôi hạnh phúc quá.
Chiều hôm sau anh không gọi như đã hứa. Tôi bần thần trông ngóng tiếng chuông điện thoại. Im lặng. Hôm sau và hôm sau nữa, đến ngày thứ tư, đúng 5 giờ chiều anh gọi. Tiếng chuông điện thoại khiến cho tôi hoảng hốt, run rẩy. Phải anh đó không?.Tôi cầm ống nghe:
- A lô.
- Anh đây, em khỏe không?
Tôi trả lời có chút giận hờn:
- Em khỏe, sao mấy ngày nay anh không gọi?
Anh lúng túng:
- Anh muốn lắm.Đêm nào anh cũng cầm điện thoại lên nhưng rồi lại thôi. Anh ngại, sợ em không muốn nghe.
Tôi trả lời thật nhanh:
- Không, không. Em chờ anh gọi mà.
- Có thật không em?
Tôi nghe tiếng anh nghẹn ngào bên kia đường dây.
Tôi im lặng, không nói gì, chỉ thấy lòng mình ấm lại sau câu nói của anh. Bất ngờ anh nói:
- Anh đang ở Dục Mỹ. Anh muốn gặp em.
Tôi hoảng hốt:
- Anh nói sao? Sao lại ở Dục Mỹ?
- Mấy ngày qua anh suy nghĩ rất nhiều về em. Nếu em đồng ý vài giờ nữa mình sẽ gặp nhau. Được không em?
Tôi lo lắng thật sự:
- Không được đâu anh, đừng đến. Em sợ lắm
- Em sợ ai? Có phải em đang sống với người đàn ông khác phải không?
- Không, không – tôi nói nhanh- Không có ai đâu anh. Nhưng em sợ lắm!
- Tại sao em phải sợ. Anh chờ ngày hôm nay lâu rồi. Hai bảy năm anh luôn đi theo bước chân em...Em ở đâu, làm gì, những gì xảy ra trong cuộc đời em anh đều biết. Em đừng nghĩ rằng anh quên em. Không đâu em. (sau này anh kể cho tôi nghe, làm sao mà anh đã biết về cuộc sống của tôi như thế nào trong những năm qua)
- Em muốn lắm nhưng mình không thể gặp nhau bây giờ được. Em sợ! Còn nhiều việc mình phải suy nghĩ đã anh. Nếu còn thương em, xin anh đừng đến.
- Anh chuẩn bị cho chuyến đi này lâu lắm rồi em. Một chuyến đi mà anh phải sắp đặt hơn hai mươi năm mới làm được. Em phải tin anh. Anh không thể về mà không gặp lại em được.
Có nhiều lý do tôi không muốn gặp anh lúc này. Tôi sợ anh thất vọng khi nhìn thấy tôi không như xưa nữa. Nhan sắc tàn phai. Sống trong căn nhà mái tole lụp xụp nghèo nàn, không có nỗi bộ bàn ghế đàng hoàng để tiếp anh. Nhưng điều tôi lo sợ nhất khi gặp anh còn một lý do khác, lớn hơn nhiều.
Tôi cương quyết:
- Không được, em không thể gặp lại anh.
- Em khác ngày xưa nhiều quá. Nếu ngày đó em cũng cương quyết như bây giờ có lẽ anh và em không phải khổ mấy chục năm.
Nghe anh nói tôi hơi buồn nhưng vẫn không thay đổi.
- Anh nghe em! Chuyện cũ qua lâu rồi, anh đừng nhắc lại nữa, buồn lắm. Mình có thể gặp nhau nhưng không phải là bây giờ, em mong anh hiểu cho em.
- Anh không muốn hiểu gì hết. Anh chỉ muốn gặp lại em thôi. Anh biết vì sao em ngại gặp anh. Nhưng em đừng nghĩ như vậy. Anh biết em không còn đẹp như xưa nữa. Yêu em không phải vì điều đó. Anh yêu mối tình đầu của anh. Mối tình đó đi theo suốt cả đời anh. Em hiểu không?
Anh nói một hơi dài, vừa giận dỗi vừa như muốn kéo tôi lại gần anh hơn. Nhưng tôi không thể nào nghe theo lời anh bây giờ được, dứt khoát là như vậy. Thật sự là tôi rất sợ. Tôi nói với anh:
- Anh, hãy để cho mọi thứ qua đi. Hãy xem em như một người bạn cũ. Em sợ gặp lại nhau lắm. Chúng ta, mỗi người đều đã có cuộc sống riêng, đã an phận với những gì mình đã có lâu nay. Em xin anh nghe lời em, đừng đến nếu anh vẫn còn yêu thương, còn nhớ đến em.
Tôi nói một hơi không dứt, nước mắt ràn rụa trên hai má, chảy dài xuống nơi ống nghe điện thoại khiến tay tôi không cầm chặt được nó.
Anh van nài:
- Một lần này đi em. Anh nhớ em, muốn vào gặp được em. Gần ba mươi năm rồi, anh mới đủ can đảm làm điều này. Em biết không?
Tôi càng cương quyết hơn anh:
- Em nói rồi. Không được là không được. Anh đến, em sẽ bỏ nhà đi ngay.
Tôi không nghe tiếng anh nói nữa mà chỉ còn những tiếng thở dài. Anh im lặng, lòng tôi nặng nề lắm nhưng biết làm sao hơn. Không thể được, dứt khoát là không thể gặp nhau trong lúc này được. Có thể là mãi mãi về sau này cũng vậy. Gặp nhau qua điện thoại đã là một hạnh phúc quá lớn với tôi rồi. Bây giờ tôi đâu còn là gì nữa đâu. Cô bé học trò ngày xưa kiêu sa,xinh đẹp của quá khứ rồi. Tình yêu của tôi và anh cũng vậy, đã qua rất xa và nằm sâu trong ký ức mỗi người. Hãy để cho tình yêu ấy đẹp hơn nữa, nếu vẫn là ký ức. Tôi không muốn mất đi mối tình đẹp đẽ đó, không muốn cho những ngày xa xưa với tình yêu đầu đời tan biến đi sau khi gặp lại nhau. Vì nó là một phần của cuộc đời tôi. Tôi không muốn gặp anh là vì vậy.
Lâu sau anh thì thầm với tôi:
- Vậy thôi, em đã cương quyết, anh không muốn em không vui, khó xử. Anh sẽ đợi.
Tôi im lặng.
- Nhưng em hãy biết rằng, mấy chục năm qua, chưa bao giờ anh quên được em. Hình bóng em vẫn nằm mãi trong tim anh. Sau này có dịp, anh sẽ kể cho em nghe, anh đã đi tìm em như thế nào trong suốt thời gian ấy. Nhất là cái ngày anh vào tìm em sau khi em về làm vợ anh Trí một tháng. Thôi, anh chúc em mạnh khỏe. Một ngày gần anh sẽ gọi lại cho em.
- Em xin lỗi anh.
- Em không có lỗi gì hết, cả anh cũng vậy. Tất cả đều là định mệnh.Trước khi vào đây anh nghĩ em sẽ vui. Anh sẽ được em mừng rỡ đón tiếp. Nhưng không phải vậy, đó cũng là lý do vì sao bao nhiêu năm anh không dám gặp lại em. Anh sợ em từ chối, anh sợ cái nhìn lạnh lùng, xa lạ của em. Vì trong anh luôn có một ý nghĩ từ lâu lắm rồi, từ ngày anh bỏ ra đi. Anh chẳng là gì của em. Thôi vậy cũng được. Chiều nay anh sẽ quay về.
Nước mắt tôi ràn rụa trên má. Anh dừng lại một lúc lâu vẫn chưa chịu tắt máy điện thoại
- Lan này. Em có thật sự không muốn gặp anh?
Tôi ngập ngưng:
- Dạ...không!
- Không...là sao em.
- Dạ… muốn!
- Anh nhớ em rất nhiều, sẽ chờ em. Thôi, anh tắt máy đây. Khi nào anh có thể gọi lại cho em được?
Nghe anh nói mà lòng tôi buồn hiu hắt:
Tôi nói nhanh.
- Lúc nào cũng được, thuận tiện thì anh gọi.
- Anh mong em luôn vui vẻ và khỏe mạnh. Mong mọi an lành đến với em.
- Em cũng mong anh như vậy, anh nhớ giữ gìn sức khỏe.
Tôi cúp máy và lau nhanh những giọt nước mắt còn lại trên má.
Anh không gọi lại cho tôi một thời gian dài. Vắng đi một thời gian dài ấy, có lẽ cũng để cho anh và tôi có thời gian suy ngẫm về chuyện vừa qua.
Rồi một tối, anh gọi cho tôi:
- Này em. Anh nhớ em lắm. Khỏe không em?
- Dạ, em khỏe.
- Anh chưa hỏi em cuộc sống bây giờ như thế nào, vất vả lắm phải không em?
Tôi bối rối:
- Dạ… không sao anh. Mẹ con em vẫn sống được, không giàu sang lắm nhưng đủ sống. Thậm chí sống tốt hơn nhiều người lắm anh.
Tôi nói dối anh một cách trơn tru, nhưng lòng không e thẹn chút nào.
Im lặng một lúc, anh nói:
- Em nói dối anh phải không? Em đừng nghĩ anh không biết gì về em.
Tôi tiếp tục nói dối:
- Thật mà anh. Hai đứa con em lớn rồi. Một đứa đi làm còn một đứa đang đi bộ đội. Có gì đâu phải lo.
- Anh không tin lời em nói là thật, nhưng anh cũng không hỏi nữa. Để lúc khác.
- Anh đang làm gì vậy?
- Cũng công việc hằng ngày. Thỉnh thoảng viết văn. Rãnh rỗi thì gặp gở bạn bè, còn không thì ngồi nghe nhạc ở quán cả phê.
- Anh vẫn còn viết văn sao? Viết được gì nhiều không anh?
Anh cười.
- Ôi, cũng chẳng được gì nhiều. Cuộc đời phủ bụi bặm rồi em. Chẳng có câu chuyện nào nên hồn hết.
Những ngày sau chiều, tối nào anh cũng gọi cho tôi, hỏi thăm đủ thứ chuyện. Có lần tôi hỏi anh.
- Anh chưa cho em biết, vì sao anh ra đi mà không nói với em lời nào?
- A, em hãy xem đó là một tai nạn, một lỗi lầm của anh.Thôi em, chuyện qua lâu rồi, em đừng hỏi làm gì.
- Nhưng em muốn biết tại sao?
- Thì anh nói rồi, em hãy xem như một tai nạn. Nó để lại vết thương khó lành trong mỗi chúng ta. Một vết cắt trong tim, sâu hoắm. Vậy thôi, em đừng nhắc lại nữa.
- Không. Em muốn biết vì sao? Anh có biết hình ảnh anh đi băng ngang qua lớp học, tiếng giày của anh vội vả trên hành lang, ánh mắt anh nhìn em, rồi dáng anh đi như chạy trốn ra khỏi sân trường, mất hút sau cánh cổng. Anh không nói một lời từ giã, đã theo em suốt nửa đời người không?
Tôi nghe giọng anh run run
- Thật vậy sao em? Anh xin lỗi. Ừ ngày đó sao anh dốt, nông nổi quá, anh cũng không hiểu nữa.
- Sau ngày anh đi em chịu bao đau khổ anh có biết không?
- Anh xin lỗi, thật lòng anh không biết được nhiều lắm. Anh nghĩ em có nhiều người đàn ông tìm đến, rồi em sẽ quên. Anh chỉ là cậu học trò nhỏ bé thôi mà, Làm sao có thể đối đầu với những con người hơn anh được. Làm sao có thể yêu em trong hoàn cảnh ấy được chứ. Anh chịu thua và cần phải ra đi thôi.
- Anh đâu có nhỏ bé trong em lúc ấy, và cả bây giờ nữa.
Anh cười:
- Em khéo tán. Bao nhiêu người đưa đón, họ là người lớn hết rồi còn anh trẻ con. Phải không em.?
- Em nói rồi. Anh không bao giờ là trẻ con hết. Họ theo em tán tỉnh kệ họ, em có nghe theo ai đâu. Anh còn nhỏ thật nhưng với em, anh là một người thật sự lớn. Lớn hơn bất cứ ai lúc đó. Anh biết không?
- Thôi mà em. Chuyện qua lâu rồi. Đang an ủi anh phải không? Em quên rồi sao? Em quên cái buổi chiều mình đi Nha Trang về, em vào học còn anh chờ em suốt buổi bên kia đường?
- Dạ, em không quên. Hôm đó anh và em đều rất buồn.
- Ừ, đúng rồi. Buổi chiều sau khi mình vào Nha Trang về, lúc tan trường em xuất hiện trước cổng trường cùng với bạn, còn anh vẫn đứng bên kia đường chờ em. Lúc ấy anh đã nhìn thấy một ông Trung úy lái xe Jeep đến bên em, mời em lên xe. Anh đã bị sốc thật sự và giận lắm. Đó là giọt nước làm tràn ly. Và rồi anh quyết định ra đi.
Tôi nhớ lại; hồi lâu trả lời anh, giọng nghẹn ngào:
- Anh nói sai rồi. Em không chờ và cũng không cho phép ai đón em cả. Ông Trung úy đó dai dẳng theo em từ nhà đến trường, sau này đã bị em nặng lời ngay giữa quán – sau đó không còn thấy mặt ông ta nữa. Anh hiểu lầm rồi, chiều đó em chạy trốn như ma đuổi, may nhờ có bạn.
Anh có vẻ không tin:
- Vậy là sao em?
- Anh nông nổi lắm! Chiều đó em đợi anh trên xe.
- Còn trước đó nữa, cái ông sĩ quan BĐQ đến tận văn phòng nhà trường gặp em thì sao?
- Em nhớ. Buổi sáng đó Văn phòng gọi em xuống có người gặp. Khi bước vào V.P em giật mình khi nhận ra ông ta, cũng là một người rất nhiều lần chọc ghẹo em khi đến quầy tính tiền – Em đã hỏi: “Tôi đang học, anh gọi tôi để làm gì?” Nói xong em quay về lớp – Sau đó ít lâu tiểu đoàn ông ta chuyển đi nơi khác. Bởi nhan sắc của em nó hại đời em.
Tôi không kể cho anh nghe cuộc sống khó khăn hiện nay của tôi, chỉ sợ làm cho anh buồn và lo lắng – Tôi cũng không hỏi về công việc làm ăn của anh, không muốn anh hiểu lầm về tôi – Những lần nói chuyện chúng tôi hay nhắc về bạn bè. Anh hỏi tôi:
- Em có liên lạc với Cần và Giúp không? Hai cô đó “quỷ” lắm.
- Dạ có, nhưng dạo sau này thì bặt tin. Sao anh nói hai đứa nó là “quỷ”
- Em không nhớ sao? Lúc nào hai cô ấy cũng đi hai bên, em ở giữa, không thoát ra được, cứ quay lui nhìn anh mà chịu. Ngày nào cũng vậy. Anh tức lắm, không cách nào đến nói chuyện được với em. Nhưng mà hai bà đó hiền, lúc nào nói năng cũng nhẹ nhàng – Em còn nhớ Lê Khắc Huỳnh không?
- Dạ có, sau 30/4 em có nhận thư thăm hỏi của Huỳnh gởi về từ Thuận Hải.
- Ừ, anh gặp nó sau 35 năm. Lúc đó nó làm việc ở quận 8 – Anh mời nó dự chia vui với con gái anh ngày bảo vệ đồ án kiến trúc năm 2005 tại SàiGòn. K.Huỳnh lúc nào cũng vui vẻ, quí mến bạn bè cũ. Nó vậy mà tốt.
Anh biết nhiều hơn tôi vì thỉnh thoảng anh có vào SàiGòn hay Dục Mỹ nên có dịp gặp lại bạn bè. Còn tôi như cánh hoa rủ tàn, sống ẩn dật không liên hệ bất cứ ai. Tôi mặc cảm vì thân phận mình – Bao nhiêu năm rồi tôi không được một lời hỏi thăm từ người thân, bạn bè – sống cam chịu và lặng lẽ.
Thời gian kế tiếp sau đó, gần như chúng tôi nói chuyện với nhau thường xuyên hơn, Anh gọi bất cứ lúc nào thuận tiện. Nhất là những khi tôi thức dậy vào ba giờ sáng để chuẩn bị cho công việc. Tôi phải mang earphone rồi cùng anh nói chuyện. Tôi cũng rất ngại, sợ phá vỡ cái êm ấm của gia đình nhưng anh nói không sao. Nhờ vậy lúc nào tôi cũng có cảm giác anh ở bên tôi.
Món quà sinh nhật anh tặng tôi thật bất ngờ. Một hôm có người đàn ông đến gặp và hỏi:
- Xin lỗi, chị có phải Ngọc Lan không?
Tôi nhìn người ấy, ngạc nhiên.
- Đúng rồi, có gì vậy em?
Người đàn ông trao cho tôi một túi xách và nói: “có người ở xa gởi cho chị cái này.”
Tôi nhận và cám ơn. Sau này mới biết người đàn ông đó có quen với anh, là một tài xế lái xe khách đi Buôn Mê Thuột. Tôi cũng đoán được là quà anh gởi. Nhẹ nhàng mở gói quà. Bên trong là quyển truyện “Mưa Trên cây Sầu Đông” của Nhã Ca và cuốn “Bác sĩ Zhivago” được gói chung với nhau. Còn một gói khác nhỏ hơn. Chiếc máy nghe nhạc có thêm thẻ nhớ đã thu sẵn những bài nhạc ngày xưa cả hai chúng tôi đều thích. Kèm theo đó là mãnh giấy có ghi giòng chữ: “Mừng sinh nhật 04 - 01. Gởi về em với tất cả yêu thương muộn màng. Mong ngày chúng ta được gặp nhau.”
Tôi thật sự xúc động với món quà bất ngờ. Bởi vì tôi không hiểu làm sao anh vẫn còn nhớ ngày sinh nhật của tôi sau ba mươi năm xa cách. Tôi cũng hơi ngỡ ngàng bởi chính tôi cũng không còn nhớ được ngày sinh nhật của mình kia mà.
Sau này tôi hỏi anh vì sao còn nhớ lâu như vậy, anh cười: “Có gì đâu em! Những điều mà mình cố quên thì lại cứ nhớ hoài”
(xem tiếp phần mười hai)