Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> HẠT SƯƠNG MONG MANH

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7848 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đăng bởi: lanngoc 11 năm trước
HẠT SƯƠNG MONG MANH
Nguyễn Thị Ngọc Lan

phần bảy
7


Tôi cố gắng học hành chăm chỉ, bù lại những kiến thức còn thiếu trong thời gian tập diễn văn nghệ, nên ít làm việc nhà và phụ trông quán. Hơn nữa thời gian này Mẹ không muốn tôi giao du với người khác. Mẹ muốn bảo vệ tôi cho ông G. đến ngày cưới để không xảy ra điều gì không hay. Tôi không suy nghĩ nhiều về cuộc hôn nhân sắp đến, tôi muốn quên hết. “Chỉ có nơi gia đình ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại những tai ương của số mệnh”. Tôi đã đọc được câu này ở đâu đó. Nhưng số mệnh của tôi thì không có chốn nương thân. Mà chính từ nơi đó đã đem lại cho tôi một cuộc đời khổ đau, bất hạnh.

o O o

Tháng hai năm 1975
Tết đã qua một tháng rồi. Tình hình chiến sự lúc này rất căng thẳng. Bắc quân đang tấn công Buôn Mê Thuột. Đến đầu tháng 3 dương lịch, từng đoàn người dân thường, quân đội lẫn lộn đổ xô chạy về từ đèo Phượng Hoàng Dục Mỹ như quá tải. Khuôn mặt ai cũng hốt hoảng, kéo theo sự âu lo của người dân ở đây. Nhiều gia đình tìm đường vào Sài Gòn khi nghe tin Buôn Mê Thuột đã mất.
Tôi không còn nhớ gì xảy ra lúc này. Cũng không còn đầu óc nghĩ về anh nữa. Mọi chuyện rối tung lên không riêng gì gia đình tôi. Đâu đâu cũng nghe bàn chuyện di tản. Một hôm, đến trường nghe tin thầy Hiệu Trưởng đã cho nghỉ học. Thầy cô và học sinh giải tán trở về gia đình. Đó là những ngày cuối cùng thời áo trắng của tôi. Mãi mãi không bao giờ còn được cắp sách đến trường nữa. Tôi cũng không bận tâm lắm đến chuyện nghỉ học. Chiến tranh khốc liệt đã chiếm hết tâm trí rồi.
Tôi mãi mãi vĩnh biệt một thời áo trắng một cách lạnh lùng như vậy.
Là sĩ quan quân đội nên Ba tôi có phần hoảng sợ. Nét hoang mang lộ rỏ trên khuôn mặt và giọng nói của Ba. Mẹ bàn với Ba nên bỏ nhà thoát theo đoàn người di tản sớm may ra tìm đường về Sài gòn. Lúc này đường bộ đã bị tắt nghẽn không dể gì đi được. Vậy là cả nhà tôi gom hết những vật dụng cần thiết để chuẩn bị ra đi. Phần tôi chỉ có những kỷ vật là được gói ghém kỹ nhất.
Đầu tháng tư 1975 tôi theo gia đình di tản xuống Ninh Hòa, tá túc tại nhà T.H. một ngày đêm trước khi tiếp tục vào Nha Trang và ở lại nhà người quen của Ba tôi gần quân trường Đồng Đế. Ngày ngày Ba tôi chạy xuống bến tàu xem xét tình hình thế nào. Nếu ra đi thì phải cùng cả nhà mười một người. Không được thì đành quay về chứ nhất định không có ai phải ở lại.
Trong lúc hỗn loạn căng thẳng thì tôi nhận được lá thư tay nhờ chuyển của ông G. từ Sài Gòn. Tôi không còn nhớ ai đã đem lá thư ấy về cho mình và bằng cách nào. Ông G. viết: “Lan em, tình hình này anh không thể nào về với em và gia đình được. Anh nóng lòng quá, không biết em và gia đình thế nào rồi. Em thưa lại với Ba và tìm mọi cách để vào đây với anh, rồi anh sẽ thu xếp. Đừng để chậm trễ, em nhé! Thời gian bây giờ chỉ tính từng giờ thôi. Nhớ là phải nhanh lên, anh nhớ mong em từng phút giây – Anh G.”
Tôi đọc thư nhưng không nói lại cho Ba Mẹ biết. Lòng bình thản, không một chút âu lo, nghĩ ngợi dành cho ông ta. Trong lúc hỗn loạn này đâu có gì chi phối được tâm trí của tôi. Sự sợ hãi chiếm hết đầu óc rồi còn đâu.
Vậy là gia đình tôi đã không thể ra đi được nên đành ở lại Nha Trang chờ đợi điều không hay sắp xảy ra.
Vài ngày sau, gia đình tôi cùng nhau trở về.
Tôi hụt hẫng và cảm thấy buồn vô hạn khi quay trở lại Dục Mỹ. Cảnh hoang tàn đổ nát trên suốt con đường trở về nhà. Có những tiếng khóc than bên những quan tài đóng vội. Chiến tranh vừa qua đây như cơn thác lũ tràn về. Một màu tang thương trong vùng đất trước đây luôn sôi động, ồn ào. Không còn náo nhiệt như trước nữa. Mấy con đường trở nên vắng hoe. Hàng quán chẳng còn gì.
Tôi cùng mọi người trong gia đình bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa. Công việc thật nặng nề. Ai cũng im lặng làm việc. Muốn dọn thế nào cũng được vì bây giờ cũng chẳng cần cho nhà cửa đàng hoàng. Miễn sao có chỗ để ăn ngủ là được.
Tôi ngơ ngác mỗi khi chiều về. Có căn nhà bị sụp đổ bên kia đường, tôi hay qua ngồi thẫn thời bên đống gạch vỡ này với hai hàng nước mắt.
Cảnh vật điêu tàn quá! Người đã buồn nhưng cảnh còn buồn hơn khiến tôi như chơi vơi, hụt hẫng trong những tháng ngày tiếp theo sau đó. Không suy nghĩ được gì.
Tôi khóc cho tuổi trẻ tôi qua mau một cách đột ngột, bất ngờ. Tiếc thương cho tà áo trắng giờ nằm im lìm, lạnh lẽo trong góc tủ. Khóc cho bút vở tội nghiệp và khóc cho cuộc đời tôi.
Tôi tiếc thương tuổi trẻ đã mất và những gì tôi phải chịu đựng. Trong 3 năm, khoảng thời gian đẹp nhất của một đời người. Từ tuổi 15 tôi đã phải trải qua biết bao đau khổ, tâm hồn bị tổn thương mà lẽ ra tôi xứng đáng được hưởng những gì tốt đẹp nhất trên đời này.
Tôi đánh mất tình yêu của mình để đón nhận cuộc hôn nhân vô nghĩa và cuối cùng đánh mất luôn thời áo trắng cặp vở.
Tôi khóc cho nỗi bất hạnh của mình.
Ba tôi là một sĩ quan quân đội chế độ cũ nên phải tập trung đi cải tạo. Hôm tập trung để đi, Ba nói với tôi: “Bây giờ con có thể làm điều gì con muốn được rồi. Nhưng hãy đợi Ba về rồi lấy chồng nghe con”. Tôi nhìn thấy giọt nước mắt của Ba trên bàn tay tôi.
Vắng Ba, cả nhà như mất phương hướng. Mẹ tôi cứ than thở rồi khóc vì Mẹ bây giờ phải đương đầu với cuộc sống. Đây chính là thời gian khó khăn nhất mà Mẹ phải gánh vác thay Ba. Toàn bộ thu nhập của những năm kinh doanh quán cà phê Ba Mẹ tôi đều gởi hết vào Ngân Hàng nên xem như không còn nữa.
Quán cà phê được mở lại nhưng chỉ bán vào buổi tối. Tôi tiếp tục trông coi quán vì thời gian này Mẹ cũng phải ra bươn chải ngoài chợ đời để kiếm cái ăn cho gia đình.
Lúc này quán không còn xanh màu áo lính như xưa. Tôi nấu chè bán thêm để phục vụ cho nhiều thành phần khách. Công việc rất vất vả vì tôi chỉ mới bắt đầu làm quen, tất cả hãy còn mới mẻ và lạ lẫm đối với tôi. Quán cũng không còn tiếng nhạc dặt dìu với khung cảnh mờ ảo ánh đèn màu. Tất cả đã tắt lịm. Mọi thứ cứ như chưa hề có. Một sự trống vắng, một nỗi cô quạnh đến rợn người.
Sau một ngày cực nhọc vất vả, hằng đêm trước giấc ngủ tôi phải đối diện với thực tại và ngụp lặn, chới với kiếm tiền, nhưng không hề dễ dàng chút nào.
Tâm trạng tôi dần ổn định lại sau một thời gian dài. Nhưng chuyện đã xảy ra trước đây bắt đầu trở về lại. Những niềm vui và nỗi buồn xen lẫn với nhau. Nhớ được gì cứ nhớ. Thế nào cũng được. Dù sao thì mọi thứ xảy ra trước đây vẫn còn hơn bây giờ.
Thỉnh thoảng vắng khách, tôi ngồi nhìn gốc cây bông giấy mà thẫn thờ, tôi nhớ anh. Cái thời tình yêu chớm nở ấy đã trôi qua 2 năm rồi mà tôi cứ ngỡ anh vẫn đang ngồi đó, lưng quay về phía tôi. Nhớ những lá thư trao vội qua khung cửa sổ, nhớ nụ cười anh. Nhớ lắm, “Cậu bé” của tôi.
Tháng bảy năm bảy lăm, tôi nhận được thư ông G.”… Anh không nhìn thấy trở ngại nào cả và nếu có thì cũng cố vượt qua cho bỏ hết những xui xẻo dỉ vãng – Anh đã tìm một tổ ấm cho tụi mình và sau ngày cưới em sẽ vào luôn với anh trong này, anh nôn nóng lắm và cứ sợ tương lai khi đưa em vào thì thành phố này buồn hơn cũ nhiều, bây giờ thì vẫn đẹp?...”
Tôi nghĩ, không lẽ đến giờ này mà ông G. vẫn chưa chịu buông tha tôi sao? Đâu còn cái ngày mà ông chễm chệ ngồi trong phòng nhà tôi mà tự đắc nữa chứ? Ông G. thừa biết tôi sẽ từ chối thẳng thừng lời đề nghị của ông, nhưng sao ông ta vẫn còn gởi lá thư này mới thật là điều khó hiểu. Hay ông G. nghĩ rằng bây giờ gia đình tôi sa cơ rồi. Tôi không còn chổ nào để dựa nữa nên thế nào cũng gật đầu bằng lòng. Còn Mẹ tôi nữa chứ. Liệu tôi có vượt qua được sự độc đoán của Mẹ không? Chắc chắn Mẹ sẽ là trở ngại đáng sợ mà tôi phải đối đầu trong câu chuyện hôn nhân này.
Tôi viết thư trả lời: “… Em xin lỗi, chưa được đâu anh, phải chờ Ba em đi học tập cải tạo về rồi tính…”. Tôi khéo léo trả lời như vậy để trì hoãn chuyện cưới xin, tìm cách thoát khỏi cuộc hôn nhân áp đặt này. Cứ tưởng sau giải phóng mọi chuyện sẽ thay đổi để ngày cưới sẽ kéo dài không biết đến khi nào vì tôi cứ vịn vào việc chờ Ba cải tạo về.
Nhưng thật ra tôi đang chờ đợi một điều khác. Tôi chờ anh!
Tôi không ngờ là ông G. viết thư cho Mẹ tôi: “.Thưa Mẹ, nhà cửa con đã chuẩn bị rồi, mọi thứ cho một tổ ấm con đã lo đầy đủ. Con xin Mẹ thuyết phục L. cho con được tổ chức cưới…”.
Trời ơi! Sao ông ta lại ép tôi vào tận cùng thế này? Đâu còn là ông sĩ quan quyền hành như xưa nữa. Tại sao ông ta không chịu hiểu chứ?
Nhận được thư của ông G. Mẹ tôi như người giữa giòng nước gặp lại chiếc phao đã trôi đi trước đó. Trong hoàn cảnh bi đát như thế này mà ông G. vẫn còn chung thuỷ với tôi thì còn gì quý hơn, Mẹ tôi nghĩ vậy. Ở Sài gòn dù sao cũng khá hơn đây nhiều. Có sẵn nhà cửa cho tôi rồi, vậy thì cần phải tiến hành chuyện cưới xin càng sớm càng tốt. Không cần thiết phải chờ Ba tôi trở về, Hơn nữa, làm sao có thể chờ được khi không biết ngày về của Ba tôi là khi nào. Năm năm, mười năm.. không lẽ cứ chờ hoài vậy sao?
Vậy là Mẹ tôi lại thúc hối, dỗ dành tôi để cho họ cưới dù Ba không về kịp cũng được. Tôi nhất định không bằng lòng, cứ khăng khăng phải chờ ba về vì chỉ có cái cớ đó thì ông ta mới không cưới được tôi.
Tôi còn hai lý do không thể chấp nhận việc cưới xin vào lúc này. Đó là trước khi đi tập trung Ba đã dặn dò rằng chờ Ba về. Thứ hai là tôi muốn chờ đợi anh.
Cuộc sống của tôi lúc ấy lại khuấy động một cách bất an trở lại như xưa. Không có ai cho tôi than thở cùng nên rất buồn phiền. Bạn bè ở Ninh Hòa biết tôi đang lâm vào hoàn cảnh như vậy nên thỉnh thoảng viết thư cho tôi. Đọc những lá thư đó tôi lại càng tủi thân hơn. Mọi người vẫn được cắp sách đến trường còn tôi không còn cái diễm phúc đó. T.H. viết: “… Nhớ cái thuở tụi mình xa lắc xa lơ mà buồn chán chê mi nợ - Đừng có sợ tụi ta quên mi, vào lớp nhắc, đi chơi nhắc luôn, chẳng còn dịp nào để nghe mi hát nữa. L. ơi! muốn ứa nước mắt khóc thuở tụi mình, nhớ không hôm mi chui trốn dưới bàn học nhà tao? Hình như là lần cuối mình cười nhiều nhất L. hở?
L. này, hôm trăng sáng tháng trước tụi Quỳnh, Thành, Tân, Huỳnh có đến nhà ta uống trà đến khuya. Hôm đó ta thức gần sáng luôn. - Quỳnh có nhắc “Ngọc Lan tuyệt vời, hôm nào mình lên pha lại cà phê cho nàng uống chắc khóc quá – Ta nghe như đang khóc cho mi và cho ta…”
Mỗi ngày tôi đều mong ngóng thư của bạn bè để được lịm đi trong buồn bã và tiếc nhớ. Còn trong tim, tôi nén chặt nỗi đau khi tự hỏi sao anh không viết một dòng nào cho tôi? Sau cuộc chiến rồi, mọi chuyện thay đổi rồi sao anh không đi tìm tôi? Đâu còn trở ngại gì nữa để cho chúng tôi được tìm đến nhau. Phải chi có anh bên cạnh tôi lúc này thì mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Tôi nghĩ như vậy và cảm thấy như bị anh bỏ rơi trong lúc này. Tôi vẫn còn yêu anh nhiều lắm. Nhớ anh biết chừng nào.
Một hôm đang ngồi bán hàng trong nhà thì có người đến đưa cho tôi một lá thư. Bì thư tự làm thật đơn giản. Nó không như bình thường mà có phần nhỏ hơn, xinh xắn hơn. Giấy xếp bì thư là loại giấy cứng, lấy ra từ một tập hồ sơ nào đó có in những sọc ngang. Ngoài bì thư ghi người nhận là tôi, quán cà phê Dung, Dục Mỹ. Tôi nhận ra ngay nét chữ của anh. Trời ơi! Tôi mừng muốn bật khóc ngay giữa quán.
Từ từ, cẩn thận tôi dùng kéo cắt bì thư ra. Bên trong có hai lá thư. Tôi mở một lá ra đọc trước.
“ H.T... Thân mến.
... Có gì vui sau cuộc chiến không..? Vẫn còn đến trường cùng bạn bè hay đã nghỉ rồi. Nhớ những ngày còn đến trường đi học với bạn bè mà buồn quá…”
Tôi giận dỗi xé ngay bức thư không thương tiếc. Định không đọc tiếp lá thư thứ hai nữa. Tim tôi hồi hộp vì lo sợ không biết lá thư này có phải gởi cho tôi không. Hay là cho người bạn nào đó nhờ tôi chuyển giúp. Vừa giận dỗi nhưng cũng vì tò mò, tôi mở ra đọc.
“ Ngọc Lan thân mến.
Những ngày mưa nơi thành phố của ta buồn hiu hắt. Lan bây giờ thế nào rồi. Vẫn còn ngày ngày cắp sách đến trường cùng bạn bè đó chứ..
Nhờ Lan chuyển thư cho H.T... nhé.”
Trời ơi! Tôi không thể tin được là anh viết cho tôi những giòng chữ quá đơn giản như vậy. Còn tệ hơn viết cho một người bạn. Tôi giận anh, tôi ghét anh.
Đêm đó tôi nằm úp mặt vào gối khóc như một đứa trẻ con. Không lẽ anh quên mối tình đầu của tôi rồi sao? Lời trong thư của anh tàn nhẫn như vậy sao? Hơn hai năm chờ đợi, trông ngóng để rồi tôi nhận được những giòng chữ vô hồn của anh. Anh phải hình dung được cuộc sống của tôi bây giờ tệ hại như thế nào chứ. Không biết anh còn một chút tình cảm nào không mà lại gởi cho tôi lá thư như vậy. Điều xấu xa nhất của anh là đã đùa cợt tôi bằng cách gởi hai lá thư chung với nhau. Nhờ tôi chuyển lá thư ấy đi cho cô gái ấy.
Còn gì đau đớn hơn khi đối diện với sự thật là anh đã quên tôi và đùa cợt với tình yêu của tôi dành cho anh từ hơn hai năm nay.
Tôi bật hộp quẹt, tần ngần một lúc rồi tắt đi. Định đốt bỏ lá thư anh gởi nhưng rồi cuối cùng cũng không đành. Tôi còn giữ mãi cho đến hôm nay.
Cứ ngỡ mọi chuyện qua đi và tôi sẽ quên lá thư ấy. Nhưng không, một tháng sau anh gởi cho tôi một lá thư nữa. Trong đó cũng gởi kèm một lá thư với giòng chữ nhờ chuyển cho H.T..Lần này thật sự là quá sức chịu đựng của tôi rồi. Hai năm rưỡi tính từ ngày anh ra đi cho đến nay tôi mong ngóng tin anh, không biết anh lưu lạc về đâu, làm gì, cuộc sống anh có được bình yên hay không? Vậy mà cuối cùng anh lại đối xử với tôi như vậy. Thà rằng anh đừng gởi cho tôi hai lá thư ấy. Cho tôi giữ mãi hình ảnh đẹp đẽ về anh và kỷ niệm một thời yêu nhau có lẽ tốt hơn không?
Đôi mắt tôi ráo hoảnh. Nước mắt không còn để khóc được nữa. Tôi cay đắng xếp lại lá thư một cách cẩn thận, cất vào ngăn tủ. Hai lá thư được tôi nhét sâu dưới chồng sách vở. Chất đầy lên trên những gì có thể được.
Tôi chôn sâu mối tình đầu.
Quyết định đoạn tuyệt mãi mãi tình yêu dại khờ của tôi.
Tôi làm quen buôn bán. Mẹ tôi lúc này tháo vát hơn bằng cách đi buôn chuyến từ SàiGòn về. Cuôc sống gia đình khó khăn nhiều khi trong nhà không có người đàn ông cột trụ, vì Ba tôi đang ở trong trại cải tạo.
Tôi là chị gái lớn trong nhà nên phải chăm sóc, cơm nước cho các em, vừa buôn bán ngoài chợ. Tôi bán hàng thực phẩm hải sản khô. Từ sáng sớm, em trai đẩy chiếc xe cọc cạch chở hàng ra chợ cho tôi nhưng cũng có lúc không có ai, tôi phải gồng gánh trên đôi vai. Đoạn đường từ nhà tôi đến chợ khoảng vài trăm mét thôi nhưng với tôi nó dài thăm thẳm. Chân tôi rã rời và lòng đau lắm khi phải đi qua đoạn đường này. Đoạn đường ngắn thân yêu, quen thuộc từng viên sỏi, hàng cây, vệ cỏ bên hè. Từng căn nhà lùi lại đằng sau mỗi bước chân tôi. Đoạn đường trước đây với áo dài, cặp vở tôi đã qua lại nhưng bây giờ là quang gánh trên vai. Đôi vai gầy ngày trước có người ví như cánh vạc trong nhạc Trịnh, nay oằn xuống dưới sức nặng số phận. Cánh vạc ngày nào bây giờ tả tơi rồi.
Tính tình tôi nhút nhát, ít nói nên ra chợ một thời gian tôi bị người đời đánh bật không thương tiếc. Người ta giành giật từng miếng ăn với nhau, còn tôi chỉ biết đứng nhìn.
Mẹ gom góp mua được miếng rẫy ở thôn Đống Đa. Ngày ngày theo anh trai lội qua con suối nhỏ để đến rẫy trồng khoai, sắn, nuôi heo. Tôi trở thành nông dân một cách bất đắc dĩ. Cuốc xẻng gì cũng sử dụng được sau vài tháng nắng mưa. Tôi biết trồng các loại rau quả phải cần những điều kiện nào. Ban đêm vẫn bán chè, café với hai đứa em gái.
Trong rẫy nhà tôi đặc biệt có cây me ra trái quanh năm, hướng đông cho trái ngọt, còn hướng tây trái lại chua. Và chính nơi gốc me này Ba tôi trút hơi thở cuối cùng sau này.
Lây lất rồi cũng qua năm. Bạn bè bây giờ đã giã từ áo trắng hết rồi. Bọn con gái có đứa học sư phạm, có đứa về nhà bươn chải với cuộc sống khó khăn. Tôi phải tham gia vào đoàn thể thanh niên. Đêm đêm ra sinh hoạt chung với những thanh niên nam nữ trong xã. Dù không quen với đám đông nhưng không thể trốn tránh được. Thanh niên gồm đủ thành phần nên không phù hợp lắm với cách sống nhẹ nhàng, âm thầm của tôi nhưng biết làm sao hơn.
Một thời gian sau tôi được đề nghị tham gia văn nghệ ở xã. Như vậy cũng tốt hơn trước nhiều. Ít ra cũng còn có chút niềm vui.
Lúc này người phụ trách Đội trưởng đội văn nghệ là anh Trí (chồng tôi sau này). Mẹ tôi không muốn con gái mình tham gia nhưng cũng phải miễn cưỡng sau nhiều lần anh T. đến thuyết phục cùng với anh Đ. Trưởng ban văn hoá thông tin của xã. Làm sao mẹ có thể chống đối lại chính quyền được. Riêng tôi đồng ý vì mong khỏa lấp được nỗi trống trải, cô đơn.
Anh Trí là một thanh niên trí thức, học Đại Học Sư Phạm ở Sài Gòn năm cuối cùng. Sau 30/4, vì hoàn cảnh gia đình, Ba anh đau nặng không ai chăm sóc nên phải bỏ học trở về. Trong số thanh niên còn ở lại Dục Mỹ có lẽ anh là người nỗi bật nhất. Anh nói chuyện dí dỏm, thông minh, nhưng rất mạnh mẽ. Anh ở Sài gòn trọ học nhiều năm nên phong cách của anh rất khác những thanh niên ở đây.
Một hôm, sau buổi tập văn nghệ trở về, anh đi bên tôi:
- Sáng mai anh sẽ đến nhà tập riêng cho Lan. Để chuẩn bị tiết mục đơn ca.
- Dạ…
- Anh biết L. từ ngày còn học ở Sài gòn. Mỗi lần về thỉnh thoảng anh có lên quán L. uống cà phê. Lúc ngồi dưới ánh đèn màu L. đẹp lắm!
- …
- Tối mai anh lại đến đón L. đi tập văn nghệ nhé!
- Cám ơn anh – Em đi một mình cũng được. Anh đừng đón, không tiện.
Thỉnh thoảng anh tặng cho tôi một vài món quà đầy ý nghĩa. Anh quan tâm đặc biệt đến tôi, về công việc, sức khỏe và cả những buồn vui trong cuộc sống.
Thời gian này Dục Mỹ điêu tàn. Con người ở đây cũng vậy, những gia đình khá giả ra đi rất nhiều. Những người ở tầng lớp trên trước đó không còn lại bao nhiêu. Họ ra đi để tìm một cuộc sống khá hơn, văn minh hơn nên thời gian này ở đây rất buồn, không còn náo nhiệt như trước nữa.
Anh Trí thường gần gũi, an ủi những lúc tôi buồn phiền nên cũng có chút tình cảm và tôn trọng anh như người anh trai của mình. Điều mà anh tôi không làm được. Tôi rất quý mến con người học thức này nhưng vẫn luôn giữ một khoảng cách nhất định.
Trong khi bao nhiêu người tìm cách ra đi thì anh lại từ Sài Gòn ngược về đây. Đôi khi tôi nghĩ về anh như vậy. Một con người có trình độ đại học, ở Sài Gòn nhiều năm sao lại có thể quay về ở nơi hiu hắt này. Anh có thể làm việc trong đó, sẽ có điều kiện để anh tiến thân hơn. Vì vậy, tôi khâm phục sự dũng cảm của anh. Dưới suy nghĩ của tôi, Dục Mỹ không ai có thể hơn anh lúc này.
Sau khi nhận hai lá thư của anh, tôi hụt hẫng, buồn tủi thời gian dài nhưng rồi cũng cố quên đi để sống bình thản. Điều đó rất khó nhưng tôi quyết tâm sẽ làm được. Cố gắng hòa nhập vào cuộc sống mới, tham gia sinh hoạt thanh niên, văn nghệ để cố tìm quên.
Thời gian dần trôi, lúc này tôi đã nguôi ngoai với mối tình đầu rất nhiều rồi. Tôi đã quên được anh phần nào. Chấp nhận làm lại cuộc đời mình.
(xem tiếp phần tám)
<< phần sáu | phần tám >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 264

Return to top