6
Ba Mẹ không cho tôi ra quầy ngồi nữa. Khi nào cần lắm cũng chỉ một giờ, sau gọi tôi vào nhà vì không muốn tôi gặp gỡ bất cứ ai. Có lẽ Ba Mẹ tôi đã chọn sẵn con đường cho tôi rồi và bắt buộc tôi đi trên con đường ấy bằng bất cứ giá nào. Bằng phẳng hay gập ghềnh cũng mặc kệ. Có muốn hay không cũng ráng mà đi, dù biết rằng tôi sẽ đi một cách khó khăn.
Và rồi Tết đến, tôi không vồn vã đợi chờ. Năm nay ông G. về ăn Tết ở nhà nên tôi được thanh thản hơn không phải lo đối đầu với ông ấy, dành thời gian đi lại thăm hỏi bạn bè, người thân.
Mồng một Tết tôi mặc áo dài đi lễ nhà thờ. Chắp tay nguyện cầu cho Ba Mẹ được mạnh khỏe, gia đình bình yên. Tôi nguyện cầu cho tôi thoát khỏi ông G. Nguyện cầu cho anh được bình yên nơi thành phố anh ở, cho anh quên được tôi và sống vui cùng mọi người.
Khi ra khỏi nhà thờ, đi giữa hàng thông cao vút trong sân, tôi bỗng nhận ra thấp thoáng bóng anh đứng tựa lưng vào một gốc cây phía bên trong. Anh nở nụ cười tươi, vẫy tay gọi tôi đến. Tôi ngẩn ngơ giây lát rồi chợt bừng tỉnh. Đâu có ai đứng tựa lưng vào gốc cây để vẫy gọi. Đó chỉ là ảo ảnh tôi mơ.
Qua những ngày Tết tôi trở lại trường, vừa học vừa tham gia văn nghệ nên tôi ra sức rất nhiều, nhưng bù lại tôi cảm thấy vui nhiều hơn, nét mặt tươi hơn.
Ông G. vẫn đến nhà thường xuyên, tôi luôn tìm cách lẫn tránh cặp mắt của ông ấy. Thoáng thấy bóng dáng ông ấy ở nhà trên là tôi trốn ngay xuống bếp và ngược lại. Biết rõ thái độ của tôi như vậy nhưng vẫn không làm ông chùn bước. Một hôm vào khoảng tháng ba năm 1974, ông G.đến nhà, đem theo hai tấm bằng cử nhân Luật và Cử nhân Văn chương rồi đưa cho Ba Mẹ tôi xem. Ông muốn khoe thành tích học tập của mình. Ông G. nói còn có ý định trở về theo học cao học Quốc Gia Hành Chánh. Đòn tâm lý ấy đã thay đổi được suy nghĩ của Ba tôi. Một chàng rể tương lai rực rỡ như vậy thật quá tốt. Đến tối Ba gọi tôi lại nói:
- Ba thấy nó tuy lớn tuổi nhưng cũng được. Nó có học thức, sau này đời con sẽ không khổ, con đồng ý lấy nó đi cho Ba Mẹ yên tâm. Nó chọn con làm vợ thực sự là một hạnh phúc, may mắn cho nhà mình lắm rồi con.
Tôi nói thật nhỏ với Ba:
- Con còn nhỏ mà Ba… Con muốn đi học, hơn nữa lấy chồng thì ít ra phải là người con có chút tình cảm. Ba biết con không ưa ông G. tí nào sao Ba lại muốn con lấy ông ta?
Mẹ từ nhà dưới đi lên, ngồi xuống cạnh ba góp ý:
- Lấy nhau rồi sẽ yêu thương nhau thôi con. Mẹ muốn con được sung sướng cả đời. Sau này em con còn được nhờ nữa.
Tôi im lặng vì biết nói gì với Ba Mẹ cũng vô ích mà thôi.
Đêm đó tôi lại nằm úp mặt vào gối khóc. Cuộc đời tôi sao lại bất hạnh đến như vậy.
Tôi tuyệt vọng. Tôi nhớ anh vô cùng. Phải chi lúc này có anh bên cạnh để cùng chia sẻ nỗi buồn, cùng tôi toan tính một con đường khác. Tôi giận anh hèn nhát ra đi, bỏ tôi lại với nỗi khổ này mà không biết phải đối phó làm sao?
Tôi lại nghĩ giờ này có lẽ anh đang vui với người con gái nào đó bên cạnh. Tôi biết anh là một con người lãng mạn, dễ gần nên chinh phục một người con gái không khó đối với anh.
Tôi nhớ anh quay quắt. Gần một năm rồi, từ ngày anh ra đi không lúc nào tôi quên anh được. Tôi nhớ nụ cười và ánh mắt anh, nhớ buổi sáng đi “bụi” cùng anh ra biển. Nhớ bàn tay anh nắm chặt tay tôi. Nước mắt tôi cứ chảy dài suốt đêm. Nhớ tiếng giày anh khua vội vã trên hành lang. Nhớ đôi mắt anh nhìn tôi u buồn rồi vội quay đi. Nhớ bóng mờ dần dưới tán cây phượng, vụt qua sân trường rồi khuất hẳn sau cánh cổng trường.
Tôi tuyệt vọng, đau khổ và buông xuôi.
Một tháng sau Mẹ gọi tôi lại và cho biết ngày đám hỏi. Ông G. bây giờ đã trở về Sài Gòn và đi học cao học Quốc Gia Hành Chánh. Mọi chuyện phải trao đổi qua thư từ. Nhà trai sẽ ra bốn người, lễ hỏi tổ chức vào ngày 18/6/1974. Vậy là còn hơn tháng rưỡi nữa.
Tâm hồn tê tái, nỗi đau tận cùng. Tôi không còn biết mình là ai nữa. Tôi im lặng như một sự đồng ý. Ba Mẹ nghĩ vậy.
Lễ hỏi diễn ra trong một ngày hè nóng bức.
Buổi sáng hôm ấy tôi nằm trên giường khóc sướt mướt, Bên cạnh tôi là dì Út. Dì an ủi tôi đủ điều. Nói nhiều lắm nhưng tôi có nghe được gì đâu. Một tí nữa thôi tôi sẽ vĩnh viễn không còn là mình nữa. Tôi sẽ thuộc về người đàn ông mà mình không yêu thương, thậm chí rất ghét đó. Trong buổi sáng hôm ấy chỉ có hai khuôn mặt luôn hiện ra trong tâm trí tôi. Ông G. và anh.
Hình ảnh khuôn mặt đem sạm, người vạm vỡ, dáng đi dứt khoát, mạnh mẽ của ông G. ám ảnh tôi liên tục. Nó như cuốn phim chiếu đi, chiếu lại nhiều lần cũng chỉ với khuôn mặt ấy, con người ấy khiến cho tôi run sợ. Khi cuộn phim ấy dừng lại, tâm hồn tôi dễ chịu hơn. Ấy là lúc một khuôn mặt khác, nhẹ nhàng, thanh thoát tươi vui của anh hiện về thay thế khuôn mặt như tượng kia.
Anh bây giờ ở đâu tôi nào biết. Cố gạt ra nét u buồn khi anh băng qua lớp học của anh, tôi hình dung lại những ngày hạnh phúc ngắn ngủi dù không phải lúc nào cũng được bên nhau. Nhớ lại khi chúng tôi chuyển lén lút cho nhau những mảnh giấy ghi lời yêu thương. Nhớ lại anh cùng tôi đi trên đoạn đường từ cổng trường về đến bến xe Lam Ninh Hoà, hai đứa không dám đi sát bên nhau. Thì thầm nói chuyện với nhau như hai người bạn chung lớp. Đó là những khoảnh khắc hiếm hoi chúng tôi được bên cạnh nhau. Phải lừa được mấy cô bạn học, nhất là hai người luôn theo sát để bảo vệ tôi. Đó là G. và C.
Tôi nhớ lại một lần theo dì Út xuống suối vô tình gặp anh đang ngồi thẫn thờ trên tảng đá, mắt nhìn vào giòng nước trôi từ từ. Chiếc lá khô xoay tròn khi bị nước cuốn vào hốc đá. Anh lúc đó như một thiên thần, mái tóc phất phơ, bập bềnh trong gió. Có đàn chuồn chuồn bay cao, thỉnh thoảng lại sà nhanh xuống mặt nước. Tôi trốn dì Út, đi sau bụi cây đến bên cạnh anh. Khuôn mặt anh lúc ấy giãn ra, tươi lên bất ngờ. Anh làm sao có thể ngờ được một buổi chiều đẹp như vậy, đang thẫn thờ bên tảng đá nhìn đám chuồn chuồn chạm nước và trông thấy tôi? Anh nhìn quanh rồi vội vàng nắm tay tôi. Hoảng hốt, tôi giật mạnh tay về khiến anh ngã chúi về phía trước.
May mà không chuyện gì xảy ra hôm đó. Cái may này là dì Út tôi không hề biết chuyện chúng tôi đã hôn nhau vội vã bên suối lần ấy.
Một nụ hôn như chuồn chuồn chạm nước khi môi anh lướt nhẹ lên má tôi.
Nước mắt tôi không còn chảy khi nhớ đến anh.
Nhà trai đến trên một chiếc xe Jeep màu vàng nhạt. Khi tiếng xe dừng trước nhà, H. em gái tôi lúc đó mới 10 tuổi vào báo cho tôi biết để chuẩn bị. Nước mắt tôi lại tuôn trào. Nỗi lo sợ khủng khiếp tra tấn tôi, đầu óc như muốn vỡ tung ra. Giấc mơ đẹp về anh đang còn trong tôi đột ngột bị cắt ngang bởi tiếng gọi của H. Tâm hồn tôi đang yên bình với anh bên bờ suối bỗng nhiên như bão tố nỗi lên khi tôi nghe âm thanh của chiếc xe đang dừng lại trước nhà mình, bên gốc cây trứng cá. Tôi hoảng loạn, tâm trí như đang bị dập vùi dưới trời giông bão.
Mẹ vào phòng khuyên tôi bình tĩnh, vui vẻ lên để đi ra chào hỏi nhà trai. Tôi nắm lấy tay Mẹ, khóc lớn:
- Mẹ đừng nhận lễ của họ… Con lạy Mẹ! Đừng bắt con…
Mẹ tôi lúc đó không còn kiên nhẫn nữa. Mẹ cũng khóc nhưng ở một tâm trạng khác, chì chiết tôi:
- Đến giờ này rồi mà mày còn như vậy hả? Mày muốn tao chết phải không?
Tôi vẫn khóc. Giọng Mẹ nhỏ lại vừa thuyết phục, vừa dọa dẫm:
- Bây giờ nhà trai đến rồi tao biết phải làm sao đây? Mày muốn làm nhục cả cái nhà này phải không? Tao chết để mày muốn làm gì thì làm. Mẹ vật vã trên giường còn tôi vật vã cả tâm hồn.
Cái tâm hồn nhỏ bé của tôi run rẫy, sợ hãi vì lời Mẹ nói. Tôi lo sợ Mẹ làm thật nên chỉ còn thút thít khóc.
Ngoài kia, Ba tôi đang tiếp đón nhà trai nên không biết sự việc xảy ra. Khi tôi không còn khóc được nữa, Mẹ bước ra ngoài chào hỏi nhà trai, nhận lễ của họ rồi nhờ Dì tôi mang chiếc áo dài màu đỏ cùng chiếc quần trắng mà nhà trai đem đến vào phòng, mặc cho tôi.
Tôi ngồi đó như vô hồn, Dì bảo làm gì tôi làm theo mà không ý thức được rằng mình đang mặc chiếc áo bó chặt đời mình. Dì chải tóc lại cho tôi, và tôi bước sau lưng Dì từng bước chậm chạp, thẫn thờ, mắt vẫn chưa khô lệ.
Ông G. mặc bộ complet màu xám chỉnh tề, mặt hớn hở, không còn tác phong quân sự như trước nữa. Ba tôi giới thiệu tôi với nhà trai, giọng chùng xuống:
- Tôi xin nhận những lễ vật đính hôn này…
Tôi nhìn thấy đôi mắt Ba như sâu hơn vì chất chứa nỗi buồn. Một con người hiền hậu nhưng yếu đuối.
Ông G. mở nắp hộp, cầm chiếc nhẫn đính nhiều hạt kim cương đeo vào tay tôi. Cúi mặt không nói lời nào. Chiếc nhẫn từ từ đẩy sâu đốt thứ ba, ngón áp út. Ông G. vẫn cầm tay tôi, xoay chiếc nhẫn lại cho ngay ngắn. Nó như nhát dao oan nghiệt đâm sâu vào trái tim tôi, xoáy hai lần trước khi lưỡi dao được rút ra. Tôi cảm thấy ngạt vì nhát dao vừa đâm trúng tim mình. Khi ông G. buông tay, tôi rút bàn tay về thật vội. Một hành động như sợ hãi và bất cần. Hành động ấy không che giấu được những cặp mắt đang chăm chú nhìn tôi. Mặc kệ.
Không còn nghe mọi người nói với nhau điều gì nữa.
Tôi chẳng nhìn thấy ai đang đứng trước mặt mình.
Trong Lễ hỏi, căn phòng khách trống rỗng. Một mình tôi đang đối diện với anh
Khoảnh khắc ấy tôi như thấy anh đang đứng ngay góc phòng nhìn tôi, khuôn mặt buồn bã cúi xuống, lưng tựa vào tường, hai tay khoanh trước ngực. Anh thì thầm trách móc: “Tại sao em làm vậy?”
Tôi chạy đến bên anh, ôm chầm lấy anh. Tôi và anh cùng bay lên cao. Bay lên cao mãi!
Tôi và anh nhìn nhau hạnh phúc với những giọt nước mắt.
Mẹ nhận ra điều không ổn trong tôi nên đã xin phép nhà trai cho tôi vào nghỉ. Tôi như thoát cảnh bị tra tấn, bước đi nhưng vẫn ngoái đầu lại nhìn vào góc nhà.
Cứ như anh vẫn còn đứng đó, lưng tựa vào tường cúi đầu buồn bã, hai tay khoanh trước ngực. Anh im lặng, không nhìn thấy tôi đang khóc.
Hình ảnh ấy cứ theo tôi, ám ảnh tôi cho đến một ngày tôi thực sự có một gia đình riêng mới phôi phai đi được.
Nhà trai và gia đình tôi ngồi lại ăn uống, không ồn ào như những lễ hỏi cưới bình thường. Mọi người nói chuyện với nhau trong không khí không được vui cho lắm, tôi nghĩ vậy bởi vì lúc đó tôi đã vào trong phòng nằm khóc rưng rức. Tôi không hiểu vì sao ông G. và cả gia đình ông ta lại có thể chịu đựng được một lễ hỏi như vậy, khi mà người được hỏi làm vợ đã tỏ thái độ lạnh lùng như tôi lúc này. Khi mà người con dâu tương lai của họ đứng trong lễ hỏi chỉ là một pho tượng không hồn?
Có một điều như một điềm báo trước cho cuộc hôn nhân không thành sau này. Cuộn phim chụp lễ đính hôn hoàn toàn bị hỏng, khi rửa phim chỉ có một màu trắng, không ghi lại một hình ảnh nào. Sau này tôi cảm thấy hối tiếc vì không ghi lại được một kỷ niệm trong đời mình, dù đó là kỷ niệm đớn đau, xô đẩy đời tôi vào những cơn sóng dữ cuộc đời.
Tôi tiếc là đã không xem lại được bộ dạng của tôi lúc đó ra sao.
Và tôi tiếc bởi đó là khoảnh khắc thiêng liêng nhất đời tôi.
Một phút trôi qua nhưng dài vô tận. Cái khoảnh khắc tôi đã nhìn thấy anh tựa lưng vào tường, hai tay khoanh trước ngực và hỏi tôi: “Tại sao em làm vậy?”
Khoảnh khắc kinh khủng ấy nhưng tôi đã thăng hoa trên cung bậc tình yêu tuyệt diệu. Đúng vào lúc rối loạn, mất thăng bằng nhưng tôi vẫn hình dung được bay lên cùng anh. Dù biết rằng trái tim anh dang co thắt, bóp nghẹt. Anh cúi đầu, lưng tựa vào tường.
o O o
Tôi không hề chấp nhận cuộc hôn nhân này. Mặc dù tay tôi đã đeo chiếc nhẫn đính hôn, đã mặc chiếc áo dài màu đỏ mà gia đình ông G. sắm cho tôi. Cảm thấy mình sao ngu ngốc, dại dột và dễ chấp nhận như vậy. Tại sao tôi không cứng rắn, mạnh mẽ đối diện với chuyện này. Nó là cuộc đời tôi kia mà. Tại sao tôi không đủ can đảm để đối phó và quyết định, không chịu đấu tranh mà phải chấp nhận nó. Một cuộc hôn nhân vô nghĩa như vậy.
Trong tuyệt vọng tôi như người mù chấp nhận tất cả. Không có ai dẫn đường cho tôi đi, tự mình mò mẫm trong bóng tối, không lối thoát. Nhưng bản năng trong con người tôi vẫn còn. Dù đã chấp nhận thua cuộc một cách đắng cay như vậy nhưng tôi cũng muốn cho người chiến thắng là ông G. biết rằng, ông ấy chỉ có thể chiếm được thân xác tôi. Còn tâm hồn nó vẫn cứ là riêng tôi.
Một tháng sau ngày lễ hỏi tôi viết cho ông G. bức thư với lời lẽ cay đắng (bức thư này, năm 1977 ông G. đã gởi trả lại cho tôi trong lần bên gia đình ông đến nhận lại lễ vật từ hôn. Tôi vẫn còn giữ cho đến bây giờ).
“... Có lẽ anh lúc này cũng thường! À! mà mới hỏi vợ xong mừng quá chắc cũng lên được vài kg? Anh cũng đang cầu mong sao cho tôi lên được thêm 10 kg để thiên hạ bớt nhìn và để anh khỏi sốt ruột. Thế mà tôi vẫn không sao mập được, có lẽ vì lúc nào trong tôi cũng có sẵn một nỗi buồn. Tôi biết không ai hiểu được nỗi buồn tôi mang, vì ai cũng cho rằng tôi hạnh phúc, diễm phúc lắm rồi… Tôi chấp nhận tất cả (anh đừng lo), chấp nhận để thấy Ba Mẹ tôi, anh được vui, và làm cho người được vui là điều hạnh phúc nhất”.
Bây giờ thì đã qua, đã xong một ngày anh mong đợi. Chiếc nhẫn đính hôn chừ là một gạch nối quan trọng cho hai đời người, là một ràng buộc. “Anh nghĩ rằng tôi vui? Không đâu anh! Đúng ra thì tôi thản nhiên, không buồn, không vui. Vì biết rằng đời tôi đã bị thứ định mệnh tím trói buộc, thế nên dẫu không cùng một nhịp đập yêu thương với anh, thì tôi vẫn cứ là của anh”.
Tôi đến trường mang theo nỗi buồn canh cánh bên lòng, không hồn nhiên, vô tư như ngày trước.
Năm nay chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài, phải tập trung vào chuyện học nên tôi không tham gia văn nghệ nữa. Điều này khiến tôi mất đi niềm vui nhưng bù lại việc học cũng chiếm khá nhiều thời gian rồi. Tôi cố quên đi tất cả. Quên lễ hỏi, quên anh.
Ông G. đang ở Sài Gòn lo việc học Cao Học nên tôi cũng không phải lo giáp mặt với ông. Bây giờ thì ông ta cũng đã toại nguyện với chiến thắng của mình. Không cần ở cạnh tôi để chiếm giữ nữa, bởi vì đã có Mẹ tôi bên cạnh. Người mà ông tin tưởng vì lúc nào Mẹ cũng để mắt đến tôi.
Tình yêu của tôi cũng đã bay xa thì không việc gì ông G. phải lo âu. Bạn bè tôi nhắc nhở, khuyên tôi thỉnh thoảng viết thư cho ông G. và đừng dùng lời cay đắng quá. L.D. bảo tôi: “mày giờ xem như ván đã đóng thuyền, không phải như trước ngày đám hỏi nữa. Đừng để sau này về làm vợ bị người ta hành hạ trả thù. Mềm mỏng lại đi nhé”
Tôi đem nỗi buồn của mình kể cho bạn bè nghe những vẫn giấu kín tình cảm tôi dành cho anh.
Đến trường nhìn cánh cổng sắt và hành lang hay bất cứ nơi nào trước đây anh ghé đến, tôi lại nhìn thấy anh ở đó. Anh vẫn luôn hiện hữu khắp nơi. Quán nước bên đường, trong xe chở học sinh toi vẫn thấy anh mỉm cười với tôi. Những lúc như vậy nước mắt tôi lại rơi. Nỗi buồn này chôn kín, có ai hiểu cho tôi không?
Một cái Tết nữa lại đến. Hơn hai trăm ngày tôi mất anh, không được nhìn thấy anh.
Không còn ai tặng cho tôi thiệp đóa hồng nhung. Tôi nhớ anh da diết, tưởng rằng đã quên được anh, nhưng mỗi lần ra ngồi quầy hoặc bước lên xe đi học tôi lại nhớ nụ cười của anh, đôi mắt nhìn nghiêng làm tôi xao xuyến lòng. Không còn ai nhìn theo tôi mỗi chiều đi học về đoạn đường từ nhà Thờ đến quán cà phê của nhà tôi. Không còn ai đến ngồi dưới giàn hoa giấy nhìn tôi học bài, trao vội vả lá thư ngây ngô. Tôi thèm được nhận thư anh, thèm được nhìn nét chữ tròn vo, mềm mại của anh.
( xem tiếp phần bảy)