Ung thư khoang miệng
Thể thường gặp của ung thư miệng là ung thư biểu mô tế bào gai, hình thành trên lớp bề mặt của miệng. Một khi những tế bào gai này bị suy giảm chức năng bảo vệ, chúng sẽ sinh trưởng nhanh chóng và vô tổ chức, tạo thành các khối u.
Từ khối u này các tế bào ung thư sẽ xâm nhiễm vào các mạch, đi tới những vị trí xa của cơ thể tạo thành những u mới.
Vì vậy cần dự phòng, chẩn đoán và điều trị sớm ung thư miệng. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm, lúc u còn nhỏ, việc điều trị sẽ đơn giản và kết quả lại rất tốt. Ngược lại nếu u đã lan rộng, di căn xa, việc điều trị sẽ rất phức tạp và kết quả rất hạn chế.
Các tỷ lệ về thống kê ung thư miệng:
Ung thư miệng chiếm từ 5% - 10% tổng số các loại ung thư và chiếm 2% - 3% tổng số các bệnh nhân tử vong trong ung thư. Nhóm đàn ông trên 40 tuổi dễ phát hiện ung thư miệng. ở Việt Nam tỷ lệ ung thư miệng ở nữ giới cao có thể do ăn trầu thuốc.
Ung thư lưỡi thường gặp nhiều trong ung thư miệng.
Các nguyên nhân gây ung thư miệng chưa được xác định rõ nhưng các yếu tố sau có thể là chủ yếu:
- Hút thuốc lá trong một thời gian dài.
- Niêm mạc miệng luôn bị kích thích bởi một chiếc răng nhọn hoặc đôi khi do xương cá đâm vào.
- Niêm mạch miệng bị tác động do ăn trầu thuốc sau một thời gian dài.
- Ánh nắng là yếu tố quan trọng gây ung thư môi.
Ta có thể phát hiện những dấu hiệu báo trước ung thư miệng:
- Bất kỳ điểm sùi hoặc loét nào ở lưỡi, niêm mạc má hay lợi đã được điều trị 2 tuần mà không khỏi.
- Các điểm có màu trắng đỏ ở trong miệng hoặc trên môi.
- Có một điếm sưng tấy hoặc nổi một u ở bất cứ điểm nào trong miệng hoặc ở cổ.
- Cảm thấy khó khăn, trở ngại trong việc nói và nuốt.
- Có những tổn thương bị tái phát nhiều lần trong miệng.
- Bị tê dại hoặc mất cảm giác ở bất cứ điểm nào trong miệng.
Hầu hết các bệnh nhân bị ung thư miệng không có cảm giác đau ở giai đoạn sớm.
Triệu chứng đầu tiên thường là cảm giác khó chịu do kích thước của khối u gây ra.
Việc điều trị ung thư miệng sẽ đơn giản và đạt hiệu quả cao nếu bệnh nhân được điều trị ở giai đoạn sớm (lúc u còn nhỏ và chưa di căn xa) bằng phẫu thuật, tia xạ hoặc hoá chất.
Trà có thể chống ung thư miệng
Nghiên cứu trên 59 bệnh nhân có tổn thương tiền ung thư ở miệng, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Dược phẩm dự phòng Trung Quốc ở Bắc Kinh nhận thấy sau một thời gian được uống hoặc ngậm trà thì các tế bào tiền ung thư ngừng phát triển và các tổn thương ở miệng bắt đầu lành. Đó là do trong trà có nhiều chất chống oxy hoá (antioxidants) giúp làm giảm sự hình thành các gốc tự do có khả năng làm tổn thương tế bào.
(còn tiếp)