Rối loạn thần kinh tim
Rối loạn thần kinh tim là cách gọi chung để giải thích những hiện tượng khác nhau thường xảy ra ở vùng tim mà thầy thuốc cũng như bệnh nhân chưa xác định rõ nguyên nhân xuất phát. Những hiện tượng đó thường là: tim đập nhanh, dễ hồi hộp; hoặc tim đập chậm; dễ choáng váng, chóng mặt, ngất, loạn nhịp tim loại ngoại tâm thu. Đôi khi bệnh nhân có cảm giác đau nhói, đau tức, nặng nề ở vùng tim, khi ngủ có hiện tượng bóng đè... khám tim không phát hiện thấy các tổn thương thực thể ở các hệ thống van tim, trên bảng ghi điện tim không thấy có biến đổi gì rõ ràng. Những hiện tượng khác thường xảy ra ở vùng tim, không có các tổn thương thực thể ở trong tim, nhưng có ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của toàn cơ thể, trong đại đa số các trường hợp đều do tình trạng không ổn định của hệ thống thần kinh trung ương và một phần của hệ thống thần kinh tự động trong tim gây ra.
Phòng trị
- Bệnh nhân phải được nghỉ ngơi hoàn toàn trong thời gian nhất định từ 1 đến 3 tháng ở nơi yên tĩnh, tốt nhất là không có tiếng động ồn ào, ở nơi đồng quê mát mẻ có không khí trong lành càng hay.
- Phải kiên quyết tránh các hiện tượng kích thích quá mạnh đối với hệ thống thần kinh, gây xúc động quá mức hoặc gây căng thẳng về thần kinh, nhất là đối với những người dễ xúc động, như tránh đọc truyện, xem phim gây cấn, tránh họp hành căng thẳng, thức khuya...
- Không uống rượu, hút thuốc lá, thuốc lào hoặc ăn uống thoái quá, không uống trà đậm hay cà phê buổi tối làm mất ngủ. Ăn nhiều rau quả tươi có nhiều sinh tố, ăn điều độ, đủ chất (đạm, béo, bột).
- Tập thể dục thể thao đều đặn. Các môn thể thao như bơi lội, bóng bàn, tập uốn dẻo, thái cực quyền... Nếu làm công việc bắt buộc phải ngồi hay đứng, phải tập trung tư tưởng, tập trung động tác liên tục... thì phải có thời gian nghỉ ngơi giữa giờ.
- Thỉnh thoảng tham gia các loại hình giải trí nhẹ nhàng như xem phim vui, nghe nhạc nhẹ...
- Chỉ dùng thuốc một cách hạn chế khi xúc động mạnh, tim đập dồn dập, khó ngủ hoặc mất ngủ, có thể dùng thuốc an thần loại Valium 5 mg/1 viên, nằm nghỉ ngơi. Uống sinh tố nhóm B, C hoặc uống thuốc trợ tim theo chỉ định của bác sĩ.
BS Phạm Văn ĐảmNgất và khả năng điều trị chứng ngất tim
Ngất là một chứng thường gặp, đặc biệt ở tuổi thanh thiếu niên, xảy ra đột ngột, làm cho người bệnh bất tỉnh, da tái nhợt và hoàn toàn mất tri giác một lúc, sau đó lại tỉnh dậy. Lúc này, tim có thể ngừng đập hoặc đập rất chậm và rất khẽ. Người bệnh không thở hoặc như ngạt thở. Ngất xảy ra do không có đủ máu đến nuôi dưỡng não, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, không nhất thiết chỉ là do bệnh tim mạch.
Ngất trong bệnh tim mạch hay còn gọi là ngất tim, có thể gặp trong tất cả các bệnh lý của tim mạch. Ở những người bị bệnh tim, khi có thêm một yếu tố bên ngoài tác động vào như hốt hoảng, lo sợ, căng thẳng quá mức, làm việc gắng sức hay dùng thuốc không đúng, người bệnh ở trong tình trạng tim ngừng đập trong một thời gian rất ngắn, mà y học gọi là chết lâm sàng (tạm hiểu là chết một lúc nhưng còn có khả năng sống lại được). Ngất tim thường gặp trong các bệnh lý về tim và mạch máu làm lượng máu đến não nuôi dưỡng không đầy đủ, chẳng hạn:
- Bệnh của cơ tim và bệnh của động mạch vành; bệnh hẹp van động mạch chủ; bệnh hạ huyết áp. Ngoài ra ngất còn xảy ra đối với trường hợp tim đập quá chậm (dưới 25 lần trong một phút) hoặc tim đập quá nhanh (trên 180 lần trong một phút).
Ngất trong các bệnh không do tim có thể gặp là:
- Bệnh ở phổi kèm theo khó thở làm giảm hấp thụ oxy vào máu hoặc trong trường hợp điện giật, chết đuối, ngộ độc gây ngừng thở.
- Bệnh hạ đường trong máu.
- Bệnh thiếu máu nặng.
- Rối loạn về thần kinh: Thường thấy ở người dễ cảm xúc. Có thể gặp ở người bị chấn thương sọ não...
Như vậy, ngất có thể gặp trong bệnh tim mạch cũng như ở một số bệnh khác. Và tình trạng ngất xảy ra vì máu không đủ ở trong não chứ không hẳn là do suy tim gây ra mà nhiều người đã lầm tưởng trong bệnh suy tim.
Điều cần lưu ý, ngất có thể ở một số người bị động kinh (người dân hay gọi là lên kinh phong). Trường hợp có những xúc động tình cảm quá mạnh như tức giận (mà người ta hay nói là "tức đến chết lịm đi") hoặc do quá sợ hãi, quá đau đớn hay quá buồn... cũng có thể gây ra ngất.
Ngất do tụt huyết áp có thể là sự cảnh báo khi nó kết hợp với cơn động kinh. Hình thức điều trị ban đầu thông thường là dùng thuốc. Những thuốc khác nhau có thể gây những tác dụng ngoài ý muốn và tốn kém. Một liệu pháp thay thế là gia tăng lượng nước uống bằng cách cho uống nước duy trì ở những bệnh nhân bị ngất do tụt huyết áp. Người ta đưa ra nghiên cứu về "liệu pháp uống nước": Một liệu trình dùng nước uống, cho bệnh nhân có bệnh sử bị ngất do tụt huyết áp, bao gồm:
- Bắt đầu từ buổi sáng, cho bệnh nhân uống nước mỗi ngày một lượng tối thiểu là 920 ml, tương đương nhu cầu hằng ngày của người nặng 40 kg.
- Nước uống không có cà phê để tránh tiểu nhiều.
- Cho phép ăn mặn nhẹ nhưng không nhiều.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, liệu pháp uống nước là một trị liệu có hiệu quả, cải thiện được tình trạng ngất do hạ huyết áp, các tác giả đã đề nghị áp dụng liệu pháp uống nước như là một sự can thiệp ban đầu về phòng tránh ngất do hạ huyết áp.
BS Lê Thiện Anh Tuấn
(còn tiếp)