Rượu và bệnh tim
Rượu gây xơ gan là điều hầu như mọi người đều biết, nhưng rượu hại tim còn là vấn đề bất ngờ đối với nhiều người. Thực ra, với liều vừa phải, rượu có lợi cho hệ tim mạch của con người. Nhưng khi số lượng và thời gian uống rượu vượt quá giới hạn nào đó thì rượu sẽ là chất độc.
Các bệnh tim mạch do rượu gồm huyết áp cao, đau ngực, rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, bệnh cơ tim do rượu, suy tim, đột tử. Suy tim xuất hiện khi uống 80 g ethanol mỗi ngày (khoảng 250 ml rượu mạnh như rượu đế, whisky, vodka, hoặc 1 lít rượu vang) và uống liên tục trong khoảng 10 năm.
- Triệu chứng giai đoạn sớm: Bệnh nhân chưa cảm thấy gì khó chịu, chỉ khi khám bệnh, thấy huyết áp hơi tăng, siêu âm thì thấy tim bắt đầu lớn (cả dày vách tim lẫn giãn buồng tim) đồng thời khả năng giãn ra của tim đã suy giảm. Người trung niên (50 tuổi) bị chóng mặt, hồi hộp, muốn ngất xỉu hoặc ngất xỉu sau khi nhậu xong hay vào ngày hôm sau. Điều nguy hiểm là ngất xỉu lại bị đoán lầm do say rượu. Đây là triệu chứng hay gặp vào các ngày nghỉ lễ, chủ nhật do uống rượu nhiều. Đo điện tim thấy rung nhĩ, cuồng nhĩ hoặc nhanh thất, ngoại tâm thu thất. Một số người có thể bị chết đột ngột (đột tử) vào giai đoạn này do rung thất. Đó là lý do tại sao khi nhậu xong có một số người "đi" luôn, thường được gọi là "trúng gió" (dĩ nhiên cần phải loại trừ nguyên nhân bị đầu độc).
Nếu cai rượu vào giai đoạn này thì tim sẽ phục hồi hoàn toàn.
- Giai đoạn muộn khi đã suy tim: Bệnh nhân thường là một người từ 30-50 tuổi, có tiền sử nghiện rượu gần 10 năm, mỗi ngày 250 ml (1 xị rượu đế), rượu whisky hoặc gần một lít rượu vang... Đến bệnh viện thì mệt, khó thở dữ dội, phải ngồi dậy do suy tim trái, hoặc nặng hơn là kèm cả phù chân, bụng to do suy tim toàn bộ.
Siêu âm tim cho thấy, các buồng tim đều giãn to, chức năng bơm máu bị suy giảm nặng. Các bác sĩ gọi là bệnh cơ tim giãn nở do rượu. Nếu ngưng rượu tuyệt đối vẫn còn khả năng phục hồi. Tuy nhiên nếu tiếp tục uống, không thuốc điều trị suy tim nào hiệu quả. Tình trạng này là hậu quả của tác dụng độc, trực tiếp của rượu lên cơ tim, do thiếu sinh tố B1 (do khi nhậu thường ít ăn đủ chất dinh dưỡng) thiếu kali.
Uống quá nhiều bia có bị bệnh tim? Dù là rượu whisky, rượu đế, rượu vang hay bia đều có kết quả như nhau. Nhất là một số bia người ta hay pha thêm chất Cobalt nhằm giữ bọt bia lâu tan.
Chẩn đoán bệnh tim do rượu
Gần 80% bệnh nhân bị bệnh tim do rượu không được chẩn đoán sớm và đúng, một phần do bệnh nhân ít khi chịu khai thật về tình trạng uống rượu của mình. Hơn nữa, vào giai đoạn sớm, khi khả năng hồi phục hoàn toàn còn rất cao, khám nghiệm lâm sàng và cả các thử nghiệm lại không có gì rõ rệt.
Cách duy nhất là bác sĩ phải nghi ngờ khi thấy bệnh nhân có một vài trong các dấu hiệu sau: rối loạn chức năng gan, cao huyết áp, phì đại tuyến nước bọt mang tai, tay run, lo lắng do trầm cảm, hơi thở có mùi rượu.
Rượu hại tim theo 3 cách:
- Tác hại trực tiếp lên cơ tim: Gây tiêu hủy một số tế bào cơ tim, một số khác phì đại, gây xơ hoá khoảng gian bào.
- Thiếu các chất dinh dưỡng như sinh tố B1 gây suy tim gọi là Beriberi. Ngoài ra, thiếu Potasium gây loạn nhịp tim, thiếu Selenium.
- Chất Cobalt có trong một số loại bia.
Ở đây không nói đến các chất độc mà trước đây hay gặp ở nước ta như rượu đế có pha 1 lít thuốc trừ sâu có Phosphore hữu cơ nhằm làm rượu trong vắt. Hoặc uống methanol (cồn dùng trong y tế) hoặc pha rượu với đủ loại thuốc đáng ngờ khác.
Như vậy, người bệnh cơ tim do rượu không phải chỉ là người chuyên nhậu đói với khế hay me mà là cả những người ăn uống đầy đủ và uống toàn rượu ngoại đắt tiền.
BS Nguyễn Công Tâm
(còn tiếp)