Dinh dưỡng cho người bị sỏi thận
Sỏi thận xuất hiện khi trong nước tiểu có quá nhiều thành phần không hoà tan được. Nguyên nhân có thể do:
- Thể tích nước tiểu được bài tiết quá ít do uống nước ít hoặc điều kiện làm việc không thuận lợi, không có điều kiện uống nước hoặc đi tiểu "thoải mái"... lượng nước vào ít nên cơ thể "tiết kiệm" nước và bài tiết nước tiểu ít đi so với bình thường.
- Bài tiết quá mức một số hợp chất chọc lọc: Nếu dinh dưỡng không hợp lý, ăn uống quá mức một số thực phẩm thì cơ thể sẽ thải bớt phần thừa này qua nước tiểu, nồng độ các chất này trong nước tiểu tăng cao, chúng dễ ứ đọng lại và hình thành sỏi thận.
- Một số yếu tố như dị tật đường tiểu... gây tắc nghẽn hoặc làm ứ đọng nước tiểu trên đường bài tiết nước tiểu.
- Hoặc do nhiều yếu tố khác như độ pH của nước tiểu không phù hợp với chế độ ăn (như độ pH nước tiểu có tích acid mà bệnh nhân lại ăn nhiều thức ăn làm acid hoá nước tiểu)... làm giảm sự hoà tan các chất trong nước tiểu nên các chất này dễ ứ đọng lại và tạo sỏi.
Chế độ ăn người bị sỏi thận
- Tất cả bệnh nhân sỏi thận đều cần phải uống nhiều nước; nếu có thể, mỗi ngày nên uống hơn 1,5 lít nước.
- Bệnh nhân có sỏi urat cần theo nguyên tắc: Dùng các thức ăn làm kiềm hoá nước tiểu, giúp loại bỏ acid urique dưới dạng những urat kiềm dễ hoà tan. Đó là những thức ăn thực vật (trái cây và rau), sữa và các sản phẩm từ sữa.
Ngoài các thứ vừa kể, bệnh nhân có thể ăn không hạn chế mì, nui, bánh mì, đường và mật ong; cần hạn chế những thức ăn giàu acid uricque như cá mòi, cá hồi, gan, cật, óc, thịt heo, thịt nai, gà, vịt, chim bồ câu, bông cải, nấm và măng tây. Cần theo dõi thường xuyên độ pH của nước tiểu và giữ cho độ pH nước tiểu luôn lớn hơn hoặc bằng 7,5.
- Đối với bệnh nhân có sỏi calci: Nếu lượng calci thải ra trong nước tiểu ở mức bình thường thì dùng các thức ăn làm toan hoá (acid hoá) nước tiểu. Các thức ăn này chủ yếu có nguồn gốc từ động vật như: cá, thịt bò, thịt gia cầm, phomát và ngũ cốc. Lưu ý rằng thức ăn làm toan hoá nước tiểu không phải là thức ăn có vị chua; chẳng hạn như chanh tuy chua nhưng lại kiềm hoá nước tiểu.
Nếu lượng calci thải trong nước tiểu cao quá mức, trên 300mg, bệnh nhân cần giảm bớt lượng calci trong thực phẩm, hạn chế sữa và các sản phẩm từ sữa.
BS Bùi Thị Hoàng Mai (Trung tâm Dinh dưỡng trẻ em)
(còn tiếp)