Chứng khó tiêu, đầy bụng
Khó tiêu, đầy bụng là triệu chứng cảm thấy no hơi, nặng bụng, chướng bụng, có khi buồn nôn và nôn ói. Thường xảy ra sau khi ăn và do hệ tiêu hóa hoạt động không tốt.
Để trị chứng khó tiêu đầy bụng, ta có thể dùng các thuốc sau đây:
1. Thuốc kháng acid, chống tiết acid và chống đầy hơi: Maalox Plus, Maloxals, Phosphalugel, Gasvicon, Pepsen... được dùng khi bị chứng khó tiêu, đầy hơi do dư acid dịch vị tức là chất chua trong dạ dày. Các thuốc này vừa có tác dụng trung hòa acid vừa chống đầy hơi trong dạ dày. Có thể dùng thuốc dạng sủi bọt như: Normogastryl. Hoặc dùng thuốc chống tiết acid như: Cimetidin, Ranitidin, Omeprazol...
2. Thuốc giúp điều hòa sự co bóp dạ dày như Metoclopramid (Primpéran), Domperidon (Motiliun-M). Dùng khi sự co bóp dạ dày kém, làm chậm sự chuyển hóa thức ăn từ dạ dày xuống ruột.
3. Thuốc giúp tiêu hóa: Chứa các men tiêu hóa, giúp sự tiêu hóa thức ăn ở dạ dày dễ dàng như Festal, Pancrélase, Neopeptine, Alipase...
Trên đây là các thuốc mà người bị khó tiêu đầy bụng có thể dùng để cải thiện tình trạng rối loạn. Liều lượng và cách uống có thể hỏi dược sĩ, nhân viên bán thuốc tại các nhà thuốc để được hướng dẫn dùng đúng. Có một số điều chúng ta cần lưu ý như sau:
- Nên quan tâm đến cách ăn uống để tránh chứng khó tiêu đầy bụng như ăn chậm, nhai kỹ, tạo các yếu tố thoải mái trong bữa ăn, tránh dùng các thực phẩm mà kinh nghiệm cho thấy gây chứng khó tiêu (như thức ăn chiên quá nhiều dầu mỡ) không lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích tiết nhiều dịch vị.
- Trước khi dùng thuốc có thể dùng gừng giã nhỏ lấy nước hòa với nước âm ấm uống mà theo nhiều người nhận thấy có thể làm giảm chứng khó tiêu.
- Chỉ nên dùng thuốc khoảng 5-7 ngày, nếu chứng khó tiêu đầy bụng không cải thiện rõ rệt, nên đi bác sĩ khám bệnh.
Có một số trường hợp rất cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, nếu chậm trễ trong chẩn đoán sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả điều trị. ở người đã ngoài 45 tuổi, triệu chứng khó tiêu đầy bụng có thể khởi đầu của viêm loét dạ dày - tá tràng, thậm chí của ung thư dạ dày, hoặc ở những người có dấu hiệu sụt cân, đi tiêu phân đen, bị vàng da, nuốt khó.
DS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y dược TP HCM)
(còn tiếp)