Suy thận và ghép thận
Thận là cơ quan nằm sâu sau phúc mạc ngoài ổ bụng, được thành hông lưng che chở. Mỗi người có hai quả thận giữ nhiệm vụ bài tiết chất thải và điều hoà nhiều chức năng của cơ thể thông qua bài tiết các hoóc môn. Vì nhiều bệnh khác nhau, thận có thể suy, không hồi phục, dẫn đến việc bài tiết nước tiểu kém hoặc không bài tiết được nữa, khiến cơ thể không thải được chất độc.
Ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, lượng chất thải như nước, u rê, creatinine, kali... ứ đọng trong máu tăng cao hoặc xuất hiện tình trạng toan huyết, có thể dẫn đến tử vong do cơ thể bị ngộ độc. Ngoài ra, suy thận còn dẫn đến các tình trạng thiếu máu nặng, cao huyết áp, loãng xương, liệt dương...
Có hai dạng suy thập: cấp tính và mãn tính.
- Suy thận cấp tính có thể do ngộ độc thuốc, choáng vì nhiều nguyên nhân, các bệnh của cầu thận, sỏi thận và niệu quản hai bên. Trong những trường hợp này, thận tạm ngừng hoạt động, sau khi chữa trị, có thể hồi phục.
- Suy thận mạn có thể do nhiều nguyên nhân: bệnh ngoài thận (bệnh tự miễn, đái tháo đường). Bệnh tại thận bao gồm bệnh của cầu thận (thận hư, viêm cầu thận, xơ hoá cầu thận), bệnh ống thận và mô kẻ (viêm thận ngược dòng, viêm mô kẻ, lao thận...). Bệnh sau thận gồm sỏi thận, tắc đường tiểu mạn tính do nhiều nguyên nhân (u lành tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo...). Có thể phòng ngừa suy thận mạn nếu các bệnh nhân trên được kịp thời phát hiện và điều trị. Tuy nhiên, có những bệnh như xơ hoá cầu thận, dù biết trước cũng khó làm gì hơn là chờ đến khi suy thận mới can thiệp.
Khi suy thận, người bệnh cần bình tĩnh nghe theo lời chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không nên tin vào lời mách nước của những người không có chuyên môn. Người bệnh cần theo kế hoạch điều trị và theo dõi các chỉ số sinh hoá của máu để nắm vững và theo sát tình trạng bệnh. Người bị suy thận mạn có thể áp dụng một trong hai biện pháp điều trị sau:
- Chạy thận nhân tạo: Thận nhân tạo có khả năng lọc chất thải ứ đọng trong cơ thể. Biện pháp này có nhiều hạn chế như phải chạy thận trung bình mỗi tuần 3 lần, mỗi lần 4 giờ, người bệnh lệ thuộc vào máy, chất lượng cuộc sống kém; có thể bị lây nhiễm chéo do nhiều người dùng chung một máy. Ngoài ra, thận nhân tạo không sửa chữa được chức năng nội tiết (phải dùng thuốc tạo máu hoặc truyền máu, vẫn còn khả năng bị loãng xương, cao huyết áp...).
- Ghép thận: Là một phẫu thuật, lấy một quả thận còn hoạt động tốt từ cơ thể người cho thận đặt vào cơ thể người suy thận (người nhận thận). Sau ghép, bệnh nhân không phải lệ thuộc vào máy, chi phí về lâu dài thấp hơn 30%-40% so với chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, người nhận thận vẫn phải tiếp tục khám và theo dõi chặt chẽ vì có thể bị thải ghép cấp tính hoặc mạn tính. Ngoài ra, do phải dùng thuốc ức chế miễn dịch nên cơ thể rất dễ bị nhiễm các bệnh do vi trùng và siêu vi.
Đối tượng ghép thận là người đã được xác định là suy thận mãn giai đoạn cuối (có thể đang chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng...), sức khỏe chịu đựng được cuộc mổ, không bị nhiễm các bệnh như lao, bệnh do vi rút nguy hiểm như viêm gan C, HIV...
Các nguồn thận có thể sử dụng cho ghép thận là từ cơ thể sống của người thân trực hệ hoặc từ vợ, chồng, bạn bè, người hiến thận tự nguyện. Cũng có thể từ người đã chết não, ngưng thể (phải thở máy) nhưng tim chưa ngừng đập hoặc vừa ngừng tim (nhưng chỉ có 15-30 phút để lấy thận, trường hợp này cho kết quả thấp).
BS Nguyễn Ngọc Sinh (Đại học Y Dược TP HCM)
(còn tiếp)