Chương 11: Các loại sốt thông thường
Phân biệt các loại sốt
Sốt là khi nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường. Có nhiều căn bệnh khác nhau, đều chung một triệu chứng sốt. Để chữa bệnh đúng hướng, điều quan trọng là phải biết phân biệt bệnh này với bệnh kia. Sau đây là một số bệnh cấp tính quan trọng, trong đó sốt là một dấu hiệu nổi bật:
Bệnh sốt rét: Bắt đầu đột ngột với nhiệt độ lên cao và rét run. Sốt kéo dài độ vài giờ. Khi nhiệt độ xuống thì cơ thể ra mồ hôi. Thông thường cơn sốt cứ cách một hoặc hai ngày một lần. Giữa các đợt sốt người bệnh cảm thấy dễ chịu nhiều hoặc ít.
Sốt thương hàn: Bắt đầu như khi bị cảm lạnh. Nhiệt độ mỗi ngày tăng một ít. Mạch tương đối chậm. Đôi khi tiêu lỏng và kiệt nước. Run rẩy hoặc nói sảng, tinh thần lơ mơ.
Sốt phát ban: Tương tự sốt thương hàn. Có phát ban giống như trong bệnh sởi với nhiều vết thâm tím rất nhỏ. Tình trạng rất nặng.
Viêm gan: Người bệnh không muốn ăn. Không đòi ăn hoặc hút thuốc. Buồn nôn. Mặt và da trở nên vàng; nước tiểu màu da cam hoặc nâu; phân trắng. Sốt nhẹ. Người rất mệt.
Viêm phổi: Thở nhanh, nông. Nhiệt độ tăng nhanh. Ho có đờm xanh, vàng hoặc lẫn máu. Có thể đau ngực. Bệnh rất nặng.
Bệnh thấp: Thường thấy nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đau khớp. Sốt cao. Thường xảy ra sau viêm họng. Có thể đau ngực với nhịp thở ngắn. Có thể có những cử động bất thường ở chân và tay.
Sốt hậu sản: Bắt đầu sau khi sinh hoặc sinh được nhiều ngày. Khởi đầu sốt nhẹ, về sau thường sốt cao lên. Ra huyết hôi ở âm đạo, đau và đôi khi ra máu.
Ngoài những bệnh nguy hiểm trên, còn nhiều bệnh khác có thể gây ra những cơn sốt và những triệu chứng tương tự, không phải bao giờ cũng dễ phân biệt. Nếu có thể, nên tìm sự giúp đỡ của bác sĩ.
Bệnh sốt rét
Sốt rét là một trong những bệnh truyền có số người mắc cao nhất thế giới, chủ yếu ở các vùng nhiệt đới. Bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra và được truyền từ người này sang người khác do muỗi đòn xóc Anopheles.
Loại ký sinh trùng này được phát hiện vào năm 1980 tại châu Phi. Khi ký sinh trùng xâm nhập cơ thể sẽ vào gan và tiếp đến là hồng cầu, làm bể hồng câu, liên tục gây nhiều biến chứng và dẫn người bị bệnh đến tử vong. Tại Việt Nam, loài thường gặp và gây tử vong nhiều là ký sinh trùng Plasmodium falciparum.
Triệu chứng
Sau khi bị muỗi mầm bệnh đốt từ 7-14 ngày, bệnh nhân sẽ lên cơn sốt trong vài hôm với những triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu và sốt nhẹ. Sau đó xuất hiện cơn sốt điển hình với rét run khoảng từ nửa giờ đến một giờ, rồi sốt cao 39-400C, nhức đầu chóng mặt, buồn nôn và những triệu chứng khác. Cơn sốt kéo dài nhiều giờ và kết thúc khi bệnh nhân vã mồ hôi và trở lại trạng thái bình thường. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời trong 2-3 ngày từ khi sốt, bệnh sẽ biến chứng.
Biến chứng thường gặp nhất là: hôn mê, co giật (thể ác tính não) suy thận cấp (thận không còn hoàn thành được chức năng thải chất độc trong cơ thể ra ngoài qua nước tiểu; chất thải gia tăng trong máu) và bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng 7-10 ngày. Biểu hiện trên lâm sàng là nấc cụt, đi tiểu ít. Bệnh nhân còn có dấu hiệu vàng da niêm đi kèm hoặc rối loạn chức năng nội tiết như giảm chất đường glucose trong máu. Các biến chứng khác ít gặp hơn - nhưng tử vong rất cao - là phù phổi cấp, sốc, tiểu ra huyết cầu tố, thiếu máu nặng.
(còn tiếp)