Hen phế quản
Hen phế quản là rối loạn viêm mãn tính trên đường hô hấp, do các chất kích thích khác nhau làm phế quản dễ bị co thắt lại, làm tắc nghẽn sự lưu thông khí trên đường dẫn khí, gây những đợt ho, khò khè, nặng ngực và khó thở... Đây không chỉ là triệu chứng đặc thù riêng của hen phế quản mà có thể gặp trong các bệnh khác của lồng ngực, nên hen phế quản dễ bị chẩn đoán nhầm và điều trị không thích hợp. Vì thế, cần phải theo dõi kỹ bệnh nhân để sớm nhận ra bệnh hen phế quản. Chúng ta có thể nghĩ hen phế quản khi:
- Các triệu chứng trên xảy ra về đêm, đặc biệt khoảng nửa đêm, hoặc gần sáng khiến bệnh nhân phải thức giấc.
- Bệnh nhân phải ngồi dậy để thở dễ hơn.
- Các triệu chứng xuất hiện thành cơn, biến mát tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc trị hen phế quản. Bệnh nhân chỉ có triệu chứng trong những khoảng thời gian ngắn, có chu kỳ.
- Các triệu chứng xuất hiện khi tiếp xúc với các loại kích thích khác nhau như: bụi, mùi nồng, hoá chất, không khí lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi.
- Bệnh nhân đã từng bị viêm mũi dị ứng, nổi mề đay hoặc những người có quan hệ ruột thịt với người mắc bệnh dị ứng.
Điều trị
Có hai loại thuốc được dùng để kiểm soát
1. Những thuốc cắt cơn: Là những thuốc làm giãn phế quản, có tác dụng làm thông thoáng nhanh đường hô hấp, nhằm làm giảm triệu chứng của cơn hen phế quản.
2. Những thuốc phòng ngừa lâu dài: Giữ cho các triệu chứng và các cơn không xảy ra, từ đó giữ hen phế quản được kiểm soát tốt. khi cơn hen phế quản xảy ra. Thuốc có tác dụng rất hạn chế nhưng lại rất an toàn cho việc điều trị hằng ngày trong một thời gian dài.
Trong các dạng thuốc điều trị cắt cơn hen phế quản thì dạng hít có hiệu quả cao hơn, ít có tác dụng phụ hơn so với thuốc dạng uống (viên hay sirô) hay thuốc dạng chích (tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch).
Cần chú ý một số yếu tố trong cuộc sống có thể ảnh hưởng lên cơn hen, và dễ đưa người bệnh đến tử vong như:
- Đang điều trị corticoid dài hạn.
- Trước đây đã phải đặt ống nội khí quản hoặc đã có tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất trng hen phế quản nặng.
- Có hai lần nhập viện hoặc khám cấp cứu ở năm trước, vừa nhập viện hoặc khám cấp cứu ở tháng trước.
- Có bệnh lý tim mạch hoặc hô hấp nặng đi kèm.
- Tâm thần, kém thông minh.
- Nghiện rượu, tiếp tục uống rượu.
- Trẻ dậy thì và người trẻ.
- Người sợ corticoid, người không tin tưởng vào điều trị hoặc không nghĩ mình có bệnh.
Để kịp thời cứu chữa cho người bệnh, chúng ta cần biết một số dấu hiệu sau đây của hen phế quản nặng:
- Tăng số cơn hen phế quản xảy ra trong ngày.
- Khó thở ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày.
- Mức độ nặng của cơn hen phế quản không giảm hoặc giảm ít sau khi dùng thuốc giãn phế quản.
- Tăng sử dụng thuốc giãn phế quả và corticoid.
Khi bệnh nhân có các triệu chứng của cơn hen phế quản nặng và rất nặng (như lo lắng, kích động, rối loạn ý thức, tím tái; khó nói hoặc khó ho; khó thở khi nằm đầu thấp; co kéo hõm ức hoặc các khoảng liên sườn, nhịp thở hơn 30lần/phút; ngưng hoặc chậm nhịp hô hấp, mạch hơn 120 lần/phút) cần đưa bệnh nhân đến đơn vị y tế chuyên khoa để được chăm sóc kịp thời.
Phòng ngừa
Ngày nay, người ta chú ý đến các biện pháp kiểm soát môi trường nhằm ngăn chặn các yếu tố kích thích gây ra cơn hen phế quản hoặc làm cho bệnh hen phế quản nặng hơn như:
- Làm giảm sự tiếp xúc hoặc loại bỏ hoàn toàn với các chất gây dị ứng đối với bệnh nhân như không cho vật nuôi gây dị ứng ở trong nhà hoặc vào phòng ngủ của bệnh nhân, giảm độ ẩm trong phòng thấp hơn 50%; không trải thảm trong phòng ngủ, trên sàn bê tông, mỗi tuần giặt gối, chăn, màn của bệnh nhân trong nước nóng (hơn 130 độ F); dùng thuốc diệt gián; đậy kỹ thức ăn, nếu bệnh nhân có vấn đề với phấn hoa, (từ cây cối, cỏ, cây dại) và nấm mốc, nên tránh tiếp xúc với các thứ này.
- Bệnh nhân phải ngưng hút thuốc và tránh tiếp xúc với người hút thuốc lá nhiều. Người sống trong nhà cũng nên ngưng hút thuốc hoặc hút thuốc lá ở ngoài nhà. Tìm cách giúp bệnh nhân giảm tiếp xúc với nguồn thuốc lá, khi phải sống và làm việc chung với người hút thuốc lá nhiều.
- Tìm cách giảm chất gây ô nhiễm môi trường, và gây kích thích cho người bệnh ở cả bên trong và bên ngoài nhà như: nước hoa, chất tẩy rửa, các loại thuốc xịt... Hoặc khói từ bếp lò đun củi, từ bếp lò thông gió.
BS Nguyễn Hữu Lân (TT Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch)
(còn tiếp)