Cấy ốc tai chữa điếcỐc tai điện tử thay thế ốc tai thật nên nó có một vai trò rất quan trọng trong toàn bộ quá trình nghe. Ốc tai điện tử sẽ chuyển âm thanh thành tín hiệu điện, những tín hiệu này sẽ kích thích các sợi thần kinh tai trong, giúp người điếc nghe được âm thanh và lời nói. Cấy ốc tai là một thành tựu lớn của y học, giúp cho người điếc nặng và sâu có thể nghe được. Kỹ thuật này được thực hiện trên thế giới cách đây 20 năm, đến nay đã có hàng chục ngàn người được cấy và sau đấy đã nghe rất tốt. Ở Việt Nam, kỹ thuật này chỉ mới được thực hiện khoảng vài năm nay do giá tiền ốc tai điện tử khá đắt. Nếu thực hiện ở nước ngoài thì chi phí cho một lần cấy ốc tai lên đến 30.000 USD. Đó là chưa kể chi phí cho những lần khám định kỳ để kiểm tra hiệu chỉnh máy và luyện nghe nói.
Khi các tế bào lông trong tai bị hư hại hoặc mất đi một phần, tai sẽ nghe kém. Người bệnh nên chọn đeo loại máy nghe thích hợp. Khi toàn bộ tế bào lông bị mất hoặc hư hại, tai sẽ điếc; thường thì các sợi thần kinh thính giác còn nguyên, không hư hại gì nhưng lại không nhận được các tín hiệu xung điện.
Không phải trường hợp điếc nào cũng cần cấy điện ốc tai để nghe lại bình thường. Nếu dây thần kinh thính giác còn nguyên hoặc hư hại ít thì mới có thể cấy điện ốc tai. Các đối tượng có thể cấy ốc tai được là người lớn hoặc trẻ em sinh ra đã điếc hoặc điếc sau khi sinh (phải là điếc ốc tai, từng sử dụng máy nghe mà không có kết quả).
Còn người điếc sử dụng máy nghe có hiệu quả; người điếc sâu quá lâu, dây thần kinh thính giác chưa từng được kích thích; người điếc mà nguyên nhân không phải do ốc tai hoặc dây thần kinh thính giác bị hư hay không có, người không đủ sức khỏe chịu đựng cuộc phẫu thuật... không phù hợp với cấy ốc tai.
Các loại ốc tai điện tử
Có 2 loại ốc tai điện tử chính: ốc tai điện tử đơn kênh và ốc tai điện tử đa kênh. Ốc tai điện tử đơn kênh rẻ hơn, chỉ khoảng 5.000 - 6.000 USD nhưng chỉ nhận biết được âm thanh. Muốn giao tiếp, người sử dụng phải kết hợp nhìn hình miệng.
Ốc tai điện tử đa kênh đắt hơn, giá 17.000 - 25.000 USD tùy loại vì có thiết kế cực nhạy với độ trầm bổng của âm thanh, như ốc tai người thật. Người bệnh sẽ nghe được và khi giao tiếp, không cần kết hợp nhìn hình miệng của người đối diện.
Hiệu quả cấy điện ốc tai
Hiệu quả khác nhau đối với mỗi người, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian điếc, số tế bào thần kinh thính giác còn sót lại và sự nhanh nhạy của từng người. Thời gian bị điếc càng ngắn thì kết quả càng tốt; người bị điếc đột ngột được cấy ốc tai trong vòng một tháng sau điếc thì có thể nghe và giao tiếp gần như thời gian trước khi bị điếc. Trẻ điếc từ trong bụng mẹ được cấy ốc tai khoảng 2 - 3 tuổi là tốt nhất; so với những trẻ khác, các cháu có thể phát triển ngôn ngữ gần như bình thường.
Với ốc tai điện tử đa kênh đời mới 24 điện cực, người bệnh sẽ nghe được các âm thanh hằng ngày xung quanh mình; đặc biệt là các âm thanh của giao thông như còi xe, còi báo động, nhờ đó tránh được tai nạn. Với thời gian, người được cấy ốc tai sẽ hiểu được lời nói không cần nhìn miệng, giọng nói sẽ được tự chỉnh ngày một đúng hơn và nhờ thế giao tiếp sẽ tốt hơn. Đặc biệt với hai loại ốc tai điện tử Combi 40+, người được cấy có thể nghe và hiểu trong môi trường ồn, một số người đạt hiệu quả tốt có thể nói chuyện qua điện thoại.
Đoán bệnh qua nước mũi
Bình thường nước mũi không màu, trong suốt và hơi nhầy. Khi nước mũi quá nhiều hoặc có màu sắc, tính chất, trạng thái không bình thường, chúng ta cần lưu ý để chẩn đoán và điều trị bệnh sớm. Sau đây là một số cách phân biệt bệnh qua nước mũi:
- Nước mũi loãng, trong suốt, như nước trong: Thường thấy khi cảm cúm, phong hàn hoặc viêm mũi cấp tính, viêm mũi do dị ứng. Nếu cảm cúm, phong hàn thì niêm mạc mũi, amiđan và vách sau họng bị xung huyết (nhìn thấy đỏ). Nếu viêm mũi thì niêm mạc mũi trắng nhợt, phù, màu xám xanh. Sau phẫu thuật nếu có nước mũi trong nhỏ giọt đều và nhanh, cần đến bác sĩ ngoại khoa thần kinh khám và điều trị.
- Nước mũi màu vàng thỉnh thoảng chảy ra ở một bên mũi: Do nhọt bọc ở hàm trên chảy ra.
- Nước mũi mủ vàng: Thường gặp khi cảm cúm phong nhiệt, viêm mũi mãn tính; ở trẻ em còn có thể do dị vật nằm trong mũi lâu ngày. Nước mũi không nhiều nhưng sệt dính, khó xì (hỉ) ra.
- Nước mũi hôi, màu vàng lục hoặc có vảy mũi: Gặp ở dạng viêm mũi do teo héo (cổ họng thường khô khốc, ngạt mũi, khứu giác giảm, kèm theo đau đầu và chảy máu mũi).
- Nước mũi nhầy, màu trắng: Thường thấy ở viêm mũi mạn tính.
- Nước mũi như bã đậu trắng, có mùi hôi kỳ lạ: Thường thấy ở bệnh viêm mũi do chất casein.
- Nước mũi có máu: Do chấn thương mũi, phẫu thuật, viêm nhiễm do dị vật hoặc mắc bệnh toàn thân như cao huyết áp, xơ cứng động mạch... Đây cũng có thể là triệu chứng thời kỳ đầu của bệnh ung thư họng mũi.
- Nước mũi có màu đen: Do hít phải các chất bụi màu đen, thường gặp ở công nhân mỏ than, công nhân đúc.
(còn tiếp)