LTS: "Cẩm nang an toàn sức khỏe là tập hợp hàng trăm bài báo chọn lọc từ chuyên mục An toàn sức khỏe Báo Sài Gòn giải phóng. Nó mang đến cho bạn kiến thức tổng thể trong việc giữ gìn sức khỏe và phòng chữa bệnh. Sách do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành".
Chương 1: Các bệnh mắt
Viêm mí mắtLà tình trạng viêm mạn tính của bờ mi, thường do vi trùng gây ra. Biểu hiện của viêm mí mắt: chắp, lẹo, đỏ mắt tái đi tái lại, khô mắt thứ phát, kích thích mắt mạn tính.
Viêm mí mắt có thể gây những biến chứng: nhiễm trùng giác mạc, lông mi mọc lệch (lông xiêu), quặm (cụp mí) do sẹo (sẹo ở bờ mí mắt làm cho mí mắt xoay vào trong). Có thể điều trị viêm mí mắt bằng cách lau mắt hằng ngày, bôi thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ.
Phương pháp lau chùi mắt: Đắp gạc nóng trên mí mắt trong 5 phút; chùi bờ mí bằng tampon hoặc một khăn mềm nhúng vào xà phòng nhẹ (như xà phòng trẻ em của Johnson).
Lặp lại đắp gạc nóng: Trong trường hợp viêm bờ mí nặng, có thể cần phải chùi mí mắt 3 lần/ngày.
Màng và mộng thịt ở mắt
Màng che ở mắt (từ dân gian thường dùng) thực chất là sẹo của giác mạc - phần tương ứng với lòng đen. Bình thường, giác mạc phải trong suốt thì mắt mới nhìn thấy rõ.
Giác mạc trong suốt nhờ được cấu tạo bởi các tế báo đặc biệt. Khi giác mạc bị viêm loét phá hỏng tạo thành sẹo, các tế bào trong suốt được các tế bào sợi (không trong suốt) thay thế. Sẹo đục giác mạc to hay nhỏ, dày hay mỏng là do viêm loét nhiều hay ít. Thị lực của mắt sụt nhiều hay ít là tùy thuộc sẹo đục dày hay mỏng, nằm ở trung tâm hay vòng ngoài của giác mạc.
Nếu sẹo dày ở trung tâm là thị lực sụt nhiều, cách điều trị duy nhất là ghép giác mạc. Các bác sĩ sẽ lấy giác mạc của người chết thay vào chỗ sẹo đục. Hiện ở nước ta, việc ghép giác mạc chưa được phát triển lắm.
Để phòng ngừa sẹo đục giác mạc, cần phòng ngừa bệnh viêm loét giác mạc. Bệnh này do vi khuẩn, vi nấm gây ra, chúng xâm nhập sau các chấn thương hoặc do các virus. Khi bị chấn thương mắt hoặc bị viêm loét giác mạc, nên đến các cơ sở chuyên khoa mắt để điều trị, không nên tự ý mua thuốc nhỏ. Nếu dùng thuốc có chứa chất corticoid như Dexacol, Neodex, Polydexan, Cebedexacol, Spersadex, Maxitrol, Polydexa, bệnh sẽ nặng hơn.
Sẹo giác mạc nằm ở lòng đen, còn mộng thịt là một tổ chức xơ có mạch máu bò lên giác mạc từ lòng trắng. Mộng thịt dễ điều trị hơn sẹo đục nhưng sau khi cắt bỏ, mộng thịt rất hay tái phát dày hơn, to hơn. Chỉ nên cắt bỏ mộng thịt khi nào nó xâm lấn nhiều vào trung tâm giác mạc. Bệnh nhân lớn tuổi thì tỷ lệ tái phát thấp.
BS Nguyễn Hữu Châu (Giám đốc Trung tâm Mắt TP HCM)
Các bệnh chảy nước mắt
Nước mắt được sản xuất đều đặn bởi tuyến lệ nằm ở dưới mí mắt trên. Nước mắt là yếu tố cần thiết bởi vì chúng hình thành nên một lớp phim mỏng bao phủ mặt trước của mắt, nhanh chóng được dẫn lưu khỏi mắt qua một hệ thống ống phức tạp dẫn từ góc trong của các mí mắt vào trong mũi. Hệ thống ống này được gọi là lệ đạo.
Bất cứ xúc cảm mạnh hoặc sự kích thích mắt nào cũng có thể gây sản xuất nước mắt quá mức. Sự tắc nghẽn của hệ thống lệ đạo là một nguyên nhân quan trọng gây chảy nước mắt nhiều. Điều này thường có xu hướng xảy ra ở người lớn tuổi và nguyên nhân tắc nghẽn thường được xác định là do những thay đổi của ống lệ mũi.
Những trường hợp nặng, chảy nước mắt có thể thành dòng xuống gò má. Nếu tắc nghẽn không được giải quyết, sự ứ đọng nước mắt trong các ống dẫn lệ có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng với chảy dịch mủ nhầy.
Nếu bạn bị nhiễm trùng cấp ở hệ thống lệ đạo, có thể điều trị bằng kháng sinh. Bước tiếp theo là xác định mức độ và vị trí của tắc nghẽn. Có thể đến bệnh viện chuyên khoa để bơm các ống lệ bằng nước muối. làm giảm triệu chứng thoáng qua (thường tái phát sau đó). Phẫu thuật là biện pháp rất cần thiết để điều trị sự tắc nghẽn nghiêm trọng của các ống dẫn lệ, hoặc ở những người bị nhiễm trùng tái phát hệ thống lệ đạo.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến chảy nước mắt ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh có thể có một mắt "ướt", thường vào lúc một đến hai tuần tuổi. Thỉnh thoảng có thể chảy dịch nhầy mủ. Nguyên nhân là có một màng làm nghẽn hệ thống dẫn lưu của nước mắt vào mũi. Sự nghẽn tắc này thường tự động giải phóng trong vòng 4 đến 6 tuần sau sinh. Việc xoa nhẹ góc trong của mí mắt có thể thúc đẩy nhanh chóng việc mở tắc nghẽn. Nếu nghẽn tắc còn dai dẳng sau khi đã xoa góc trong và bơm rửa, thông lệ đạo, cần làm phẫu thuật để giải phóng chỗ nghẽn tắc.
Bệnh chảy nước mắt có thể do kích thích của mắt hoặc bệnh của hệ thống dẫn lưu. Cần đến khám ở một bác sĩ chuyên khoa mắt, tiến hành một số thử nghiệm đơn giản để chẩn đoán nguyên nhân.
(còn tiếp)