Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> SÔNG CÔN MÙA LŨ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 114482 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SÔNG CÔN MÙA LŨ
Nguyễn Mộng Giác

Chương 93

Núi Bân ở về phía đông nam thành Phú Xuân
(1) Đó là một quả đồi không cao lắm ở các cồn mồ thuộc xóm Hành, ấp Tứ Tây xã An Cựu, phía đông tiếp giáp với động Trọc và núi Ngự Bình. Hai phía tây và bắc giáp với thôn Tường Cởi. Phía nam là khu vực cư trú của dân ấp Tứ Tây. Xa hơn nữa là vùng núi trùng điệp gồm núi Thiên Thai, Động Lỡ, Động Lăng, Động Ba, Động Bồng và Động Tranh.
Chung quanh ngọn đồi có nhiều đồn trại của quân Tây Sơn. Về phía nam tây nam, cách đồi gần một dặm, là một khu đất bằng phẳng làm nơi diễn binh tập trận với đầy đủ nào chuồng voi, chuồng ngựa, kho súng. Hằng ngày, quanh núi Bân có tới ba vạn quân thường xuyên luyện tập. Họ trang bị bằng dao găm, giáo mác, súng điểu thương, và rất nhiều súng lớn có miệng loe.(2)
Từ thành Phú Xuân lên núi Bân có hai con đường. Đường thứ nhất từ An Cựu vòng qua phía Bắc núi Ngự Bình, dẫn đến khu tập trận cạnh đồi. Đường thứ hai là con đường đất khá rộng chạy từ Phủ Cam qua An Lăng rồi gặp đường Ngự Bình. Trước đó, cả hai con đường đều nhỏ hẹp, gồ ghề, uốn lượn ngập ngừng tùy theo dấu chân dân làng Tứ Tây đi đi về về, hoặc những khách nhàn tản xa tạm nơi đô hội đi tìm khoảng rộng. Từ khi Chính Bình vương định đô tại Phú Xuân và ra lệnh quân sĩ phải thường xuyên luyện tập đao kiếm ở khu tập trận, hai con đường nhỏ ấy không còn đủ sức chịu đựng lượng voi ngựa và mấy vạn con người đi về nữa. Nội những dấu chân đất không thôi cũng đủ mở rộng hai con đường. Sau đó, bộ Công huy động nhân lực san bằng những chỗ lồi lõm, phát bỏ gai góc, cỏ dại, biến hai đường mòn thành hai đường quan rộng rãi. Về mùa khô, từ đỉnh đồi Bân nhìn xuống, lúc nào hai con đường ấy cũng tỏa lên một đám bụi hồng do nhịp đi về của người, voi, ngựa; và tiếng quân lính tập trận hò reo, tiếng ngựa hí, tiếng voi thét cũng theo gió dội lên tận đỉnh đồi. Nguyễn Huệ thường bỏ nhiều buổi chiều đứng đấy, ngắm những đám bụi tỏa theo nhịp quân đi, lắng nghe âm thanh tở mở của quân sĩ, hít thứ không khí trong lành của trời đất rộng rãi, tận hưởng đến ngây ngất cái thú sống hết cung bậc của cảm giác và mơ ước. Vương thường tâm sự với Trần Văn Kỷ rằng chính những giây phút đứng trên đỉnh đồi Bân đó, Vương đã tìm được những lựa chọn đúng giữa mớ bòng bong của tình thế, đã xóa hết những chán nản mệt nhọc, và đạt được niềm hạnh phúc tràn đầy. Nguyễn Huệ cảm thấy an toàn giữa ba quân, gần gũi cuộc sống đang sôi động mà cũng gần gũi với đất trời bao la. Chỉ có một điều Vương không được hài lòng, là về phía ấp Tứ Tây, các cồn mồ mả cứ dần dần loang rộng ra, theo với năm tháng. Nguyễn Huệ đã định bàn với Trần Văn Kỷ tìm cách dời khu mồ mả ấy đến vùng khác, nhưng vì nhiều việc quá, Vương quên ý định ấy hoài. Còn cái ý phải đứng ở giữa đỉnh cao này để "chính danh định vị", Vương không quên. Từ giữa tháng chín, những người lính tập trận quanh đồi Bân bắt đầu thấy nhiều dân phu hằng ngày theo đường mòn trôn ốc leo lên đỉnh đồi đào xới, khiến bụi hồng lại tỏa mù ngay trên chóp cao. Công việc ấy gây nên nhiều cuộc bàn tán. Giữa hai cuộc tập võ, quân sĩ thường tụ năm tụ ba nhìn về phía đỉnh đồi tỏa bụi, phỏng đoán thế này thế khác. Người thì đoán sẽ lập một doanh trại ở đỉnh đồi để phòng vệ mặt tây nam kinh thành. Người thì đoán Vương thượng muốn xây một vọng lâu ở đấy để quan sát các cuộc tập võ. Đa số thạo tin đoán rất đúng rằng Nguyễn Huệ chuẩn bị lập đàn tế cáo trời đất trên đỉnh Bân để lên ngôi.
Công việc tiến hành gấp rút một thời gian, ngưng vài ngày, tiếp tục một cách cầm chừng, rồi lại hối hả bất kể mưa nắng. Kết quả công lao nhọc của mấy ngàn dân phu rất dễ nhận ra nếu đứng từ dưới chân đồi mà nhìn. Dần dần, quân sĩ tập trận trông thấy một đỉnh đồi được san bằng, rồi một vành đỏ, hai vành đỏ, ba vành đỏ hiện ra quanh đồi xanh, làm thành ba tầng hình nón cụt chồng chất lên nhau thật kỳ vĩ, đẹp mắt. Đồi Bân mau chóng bị đổi tên. Quân sĩ đặt ngay cho nó cái tên mới: Ba Tầng. Dân phu thì đùa cợt gọi là núi Ba Vành.
*
* *
Từ tờ mờ sáng ngày 25 tháng 11 Mậu thân (1788), bảy vạn quân điều động ở phủ Thuận Hóa, theo hàng ngũ tề chỉnh, đã đổ về đen nghịt vùng đất bằng quanh núi Ba Tầng. Quân lính có gì mặc nấy, chân đi đất, nên không khác bao nhiêu với đám dân chúng tụ họp hai bên đường để đưa tiễn những người con người chồng ra đi cứu nước. Đối với từng người lính, đó là điều khổ tâm. Được lựa chọn chiến đấu trong trận này là niềm hãnh diện lớn. Cho nên dù việc điều quân cấp bách, mỗi người cũng tự tìm cách xoay xở để làm cho mình một cái nón lính. Họ lấy mo cau khô cắt thành một cái nón dấu, chóp có sơn một vòng đỏ, còn mép nón thì viền một vòng vàng. Quai nón tạm làm bằng dây lạt, dây mây, hoặc cọng chiếu. Vì vậy, dưới vành nón trắng còn thơm mùi cau, màu đỏ của cờ xí cộng với màu chóp nón nhuộm hồng những khuôn mặt rạng rỡ, phấn khởi.
Dòng người áo vải chân đất nối tiếp mãi từ các làng xóm, các khu phố, các bến đò đổ về núi Ba Tầng, tưởng không thể nào dứt. Cờ đào bay phần phật trong gió, bụi đường tỏa lên bám vào thân áo vải, bước chân dồn dập che lấp cả những tiếng rì rầm nói chuyện, tiếng thở leo dốc, tiếng ơi ới gọi người thân, lời dặn dò cuối cùng. Lâu lâu đám bộ binh phải tránh giạt sang hai bên đường nhường bước cho kỵ binh và các đội voi trận. Bụi đường lại bốc lên nhiều hơn. Ho sặc sụa. Cười nói lớn tiếng. Thấp thoáng phía sau màn bụi dày, vẫn những khuôn mặt hân hoan, ánh mắt rạng rỡ. Gươm giáo không được giữ ngay tầm người mà được giơ cao lên hết tầm tay, tua tủa hướng về phía trời cao. Nắng sớm mai tô thắm màu cờ đào phất phới, đồng thời cũng chiếu lên những ngọn giáo mài sáng, khiến từ chóp Ba Tầng nhìn xuống, người ta có cảm tưởng đang nhìn một con rắn dài uốn mình bò chậm chạp để khoe những chiếc vảy bạc óng ánh.
Ở một khúc đường quanh, mấy bô lão lấy vạt áo che miệng mũi cho đỡ bụi, và nói chuyện với nhau qua màng vải the cũ:
- Gớm! Không biết voi ở đâu mà nhiều thế! Từ nãy đến giờ tôi đếm được trên hai mươi thớt voi rồi.
- Hơn nữa chứ. Chúng ta ra đây thì đã có mấy đội voi trận đi qua đây rồi. Phải thế không cháu?
Cậu bé đứng bên cạnh cố nhón gót để trông cho rõ, quay lại đáp:
- Dạ. Từ sáng đến giờ đã có bốn lượt voi qua.
- Voi ngựa thế này thì "tụi chó Ngô" phải phát khiếp. Không biết chúng nó có dùng voi không nhỉ?
- Có chứ!
- Voi chúng nó có lớn bằng voi ta không?
- Có lẽ lớn hơn. Nhưng nhất định không quen xông trận như voi ta.
- Sao bác biết?
- Còn hỏi! Tôi mà việc gì chả biết.
- Bác chỉ giỏi nói bừa.
- Có bác nói bừa thôi. Tôi nói có sách, mách có chứng.
- Chứng cớ đâu? Đâu? Lại bịa.
- Này nhé. Bác biết thằng em thứ sáu nhà tôi là lính cấm vệ đấy chứ?
- Biết. Rồi sao nữa?
- Khi hôm, về thăm nhà, nó bảo đô đốc Tuyết có đem về Phú Xuân bản quân luật của bọn chó Ngô. Trước khi xua quân sang xâm lấn nước ta, tên tổng đốc Lưỡng Quảng có căn dặn quân lính kỹ càng lắm. Có đến tám điều quân luật, trong đó có một điều chỉ vẽ kỹ cách chống lại voi trận của ta.
- Đúng là rau nào sâu nấy. Em bác, dù là lính cấm vệ, làm sao biết được những điều cơ mật như vậy?
- Bác biết một mà chưa biết hai. Sở dĩ nó biết, không phải nhờ đọc lén được giấy tờ của ông đô đốc. Không đâu. Bác ngờ là phải. Nhưng chính Chúa công đã cho đọc điều quân luật ấy cho các đội tượng binh nghe. Thằng em tôi còn thuật là theo thú nhận của quân Ngô, bên đó không quen đánh voi như bên ta. Nào, lại một đội voi nữa. Cả thảy mấy đội rồi nhỉ?
Cậu bé bên cạnh đáp:
- Năm đội tất cả. Đó là chưa kể các đội voi đi ngã Phủ Cam.
Cụ già quay nhìn thằng bé, thấy hay hay, vuốt đầu tóc khét nắng của nó hỏi:
- Lớn lên cháu thích đánh giặc bằng voi không?
Mắt cậu bé sáng lên khác thường, giọng háo hức:
- Thích chứ. Cưỡi voi cao hơn cưỡi ngựa.
Người bạn nãy giờ vẫn kháo chuyện với cụ già, chợt nhớ ra điều quan trọng, vội hỏi:
- À quên, tôi chưa hỏi bác bên nhà có ai đi kỳ này không?
Cụ già đáp với vẻ hãnh diện:
- Có chứ! Những ba đứa đấy.
- Ấy chết! Đi hết cả à. Còn vụ đám cưới thằng cả?
- Nó xin hoãn lại.
- Bên nhà gái chịu à?
- Sao không chịu. Bên đó cũng định như vậy. Chờ lũ anh thắng trận trở về đông đủ, dự đám cưới em gái út mới vui.
- Nếu lỡ...
- Bác đừng nói dại. Không lỡ được. Chúa công cầm quân trăm trận trăm thắng. Lòng dân lòng quân thế này, bác chỉ cần nhìn nét mặt từng người cũng đủ biết. Còn bên bác, không có ai đi à?
- Tôi chỉ được có một trai, còn bao nhiêu là gái cả.
- Vì vậy nên bác cố nài cho nó ở lại?
- Không. Nó đi chứ.
- Khá lắm. Bác đã trông thấy nó qua đây chưa?
- Chưa. Bác đứng xê vào trong này cho đoàn voi kia qua. Đội thứ mấy rồi nhỉ?
Cậu bé đáp:
- Dạ đội thứ sáu.
*
* *
Ở một ven đường khác, có một chị đàn bà trạc ba mươi tuổi, mặc cái áo đen vá còn lấm bùn, mặt mày hơ hải, ngấn nước mắt còn rõ trên đôi má lấm bụi, đang tìm cách an ủi một chị đàn bà mắt đỏ hoe:
- Rồi sẽ tìm ra thôi, chị ạ. Đừng sốt ruột.
- Làm sao tìm được! Cha thằng Chút nhà tôi nhỏ người, đi vào đám đông hút mất khó tìm lắm. Vả lại, sao người nào người nấy giống nhau như đúc.
- Tại cái nón dấu chứ gì? Chị có nhớ cái nón mo cau anh ấy ra sao không?
- Không. ổng giấu không cho xem, sợ tôi chế nhạo. Đêm qua...
- Anh ấy về được à?
Chị đàn bà đỏ mặt, đáp lúng ta lúng túng:
- Có gì đâu. Anh ấy nhân việc công tạt qua nhà. Chỉ tạt qua được đủ thì giờ chằm nón thôi, vì lén lút nên sợ trễ.
- Vậy là chị mau mắn hơn tôi. Anh ấy chỉ kịp nhắn gặp nhau sáng nay ở đây thôi.
- Nãy giờ chị có trông thấy người lính nào thấp và có nốt ruồi ở mép trái hay không?
Chị đàn bà kia cười, quên cả lo lắng riêng:
- Chị rõ lẩn thẩn. Làm như đang tìm người ngửa mặt lên mà hóng mát.
- Ừ, tôi lẩm cẩm quá rồi. Đêm qua tôi khóc, cha thằng Chút cũng chê tôi lẩn thẩn. Này, chuyến này đánh nhau với quân Tàu, có nguy hiểm không chị?
- Có chứ. Nghe nói chúng nó đông những mấy chục vạn.
- Chết. Thế mình được bao nhiêu?
- Hình như khoảng mười vạn thì phải.
- Chỗ đầu tên mũi đạn, tôi lo quá. Lỡ có việc gì, ai lợp lại mái nhà cho khỏi dột mùa đông này đây.
- Ối! Đàn ông biết lợp nhà còn thiếu gì. Vừa lợp nhà, vừa biết làm nhiều chuyện ghê gớm hơn nữa kia!
- Chị thì lúc nào cũng đùa được. Tôi lo quá đi mất! Lúc nãy chị bảo chồng chị thuộc toán quân ngựa phải không? Có một đội ngựa đến kia kìa.
Người vợ chàng kỵ binh vô danh vội quay tìm chồng. Giống như bạn, chị thấy người lính nào cũng giống nhau như đúc: chiếc nón dấu, nụ cười, mắt hăm hở, bộ ngồi hơi ưỡn ngực trên lưng ngựa khỏe. Bụi đường che mờ dấu ngựa và người. Chị ta thất vọng, quay bảo bạn:
- Chịu. Không tìm ra được. Hoài công đi tìm mua quế và dầu cả đêm!
- Chị mua được quế tốt không? Mua ở đâu thế?
- Ở chỗ cái quán đầu cầu.
- Tôi cũng mua ở đấy. Phải đổi những mười bát thóc mới được một thỏi bằng ngón tay út.
- Thế à! Tôi thì phải mất đến mười lăm bát.
- Chị mua hồi nào?
- Hồi chạng vạng.
- Phải rồi. Càng về sau, giá càng cao. Tôi mua hồi xế.
- Làm sao chị biết tin sớm thế?
Chị đàn bà bẽn lẽn đáp:
- Nhờ cha thằng Chút lén về trước.
- Như vậy là chồng chị về nhà được hai lần.
- Phải. Lần trước về bảo tôi đi mượn bộ quần áo dày, sợ ra bắc mùa này rét.
Chị vợ lính kia lo lắng nói:
- Chồng tôi chẳng mang theo quần áo gì khác ngoài bộ áo lính. Cũng chẳng có thuốc men gì phòng thân. Tội nghiệp quá. Làm sao tìm anh ấy bây giờ?
- Hay là ta lên núi Bân?
- À phải. Đến đó có lẽ tìm dễ hơn.
Hai người vợ lính vấn lại tóc, lúp xúp chạy theo đoàn người đang ùn ùn kéo về chân núi Ba Tầng dự lễ đăng quang.
*
* *
Lãng lấy ngựa chạy đến các chỗ quen biết tìm An và các cháu. Không có. Ra bến đò. Không ai biết. Hốt hoảng quên cả suy tính, Lãng chạy vào thành để báo tin cho Chính Bình vương.
Vào thành, Lãng mới thấy mình lầm. Giữa cảnh tấp nập, hối hả chuẩn bị cho hai cuộc lễ trọng diễn ra cùng một lúc (lễ đăng quang và lễ xuất quân chống xâm lăng), xin được gặp Chính Bình vương đã là việc khó. Gặp để nhờ vả chuyện tìm mẹ con An, chao ơi, có thể tưởng tượng được điều gì lố bịch hơn chăng? Dù hoang mang cực độ, Lãng vẫn không dám hé môi kể cho ai biết chuyện đau khổ riêng.
Trần Văn Kỷ gặp Lãng mừng rỡ reo lên:
- A, tìm được người thích hợp đây rồi. Quan Lễ bộ đang lúng túng chưa biết chọn ai làm cái việc đơn giản mà tối quan trọng này. Chỉ có cậu là thích hợp hơn cả.
Lãng được quan Trung thư kể cho biết các sự việc đang diễn ra: phần điều động binh lính dự lễ đăng quang cũng như xuất quân ngay sau đó, do các đô đốc Đông, Bảo, Lộc và Tuyết, phối hợp với bộ Binh đảm nhiệm. Đô đốc Đông và đô đốc Bảo lo bộ binh, đặc biệt là tượng binh và kỵ binh vì hai binh chủng ấy giữ vai trò chủ yếu trong buổi lễ và khi xuất phát. Đô đốc Lộc và đô đốc Tuyết phụ trách thủy binh, vừa chỉnh đốn ghe thuyền (kể cả thuyền chở khí giới, lương thực và thuyền bầu chở voi) sẵn sàng ở bến, vừa gửi một bộ phận thủy binh tham dự cuộc lễ. Trung thư đường và bộ Lễ thì phối hợp nhau bố trí tổ chức từ đầu đến cuối lễ đăng quang. Trần Văn Kỷ phải ở lại triều từ sáng hôm 24, thức một đêm trắng, và sáng nay, vẫn còn lo âu vì những yếu tố bất ngờ, có thể làm giảm hiệu quả của buổi lễ.
Lãng được giao cho cái nhiệm vụ được bưng cái mâm bạc trên đó đặt tấm áo cổn và mũ miện của Chính Bình vương. Trần Văn Kỷ vỗ vai Lãng khuyến khích:
- Cả tình lẫn lý, cậu đều xứng đáng để lãnh phận sự vinh quang này. Không có quan nào xứng đáng hơn cậu. Gắng giữ phong thái nghiêm chỉnh nhưng đừng quá gượng ép. Làm sao đi đứng, quì xuống hoặc đứng dậy cho khoan thai, thung dung. Cậu thử bưng cái mâm này đi vài bước cho tôi xem...
Lãng bị cái guồng máy khổng lồ vô hình cuốn hút vào cuộc, không còn chủ động suy nghĩ hoặc lo âu gì nữa. Anh theo các quan bộ Lễ lên núi Ba Tầng, cùng với họ diễn tập nhiều lượt các nghi thức của lễ lên ngôi tại đàn Nam Giao, trí óc ngây ngây như trong một cơn say dài. Lần đầu tiên trong đời, Lãng chờm ngợp trước một khung cảnh bao la, kỳ vĩ chưa từng thấy.
Những cơn mưa đầu mùa đông đã giúp cho lớp cỏ cây thấp trên sườn đồi bỏ lớp áo héo úa, màu lá xanh mởn như tấm thảm vui trải bọc lấy ba vòng đồi. Bảy vạn quân thủy bộ đã tụ họp đông đủ ba mặt dưới đàn Nam Giao. Từ trên chóp Ba Tầng nhìn xuống, trước hết là hằng hà sa số những chấm đen di động liên tục, như một đàn kiến xếp trật tự theo từng vạt vuông vức. Cờ đào nhuộm hồng khoảng cách sát chân đồi, và mỗi khi mặt trời chui ra khỏi những đám mây lạc lơ lửng, thì nắng sáng chiếu lên các lưỡi gươm giáo, biến vùng đất bằng phẳng dưới đó thành một vùng dát bạc lấp lánh.
Trên đàn Nam Giao, màu cờ sắc áo sặc sỡ đập vào mắt Lãng, khiến anh choáng váng điên đảo. Lá cờ đào thật lớn phất phới trên kỳ đài, ngay đỉnh đồi biến mọi vật trên đàn trở nên hồng hào, hớn hở. Rồi những lá cờ đào hình đuôi nheo cắm quanh lễ đài. Rồi màu áo thêu của phẩm phục đại lễ. Tiếng chiêng, tiếng trống giục giã, hỏi đáp, hưởng ứng phụ họa với nhau từ bốn phía. Cuộc sống ngồn ngộn, rực rỡ và sôi sục, chói chang hừng hực như ánh sáng và hơi thở mặt trời. Lãng cảm thấy mất mình, tan loãng vào cái chung thành một tiếng trống, một sắc cờ. Anh không thể ý thức rõ rệt đang làm gì, anh bị cuốn hút vào cái vĩ đại chung quanh. Anh vừa rạo rực vì ngoại cảnh, vừa hoang mang lo sợ không thể nào giữ được, từ đây, chút gì riêng tư cho cái thú được lặng lẽ đếm bước chân mình trên đường vắng, cái thú được lạc lõng giữa những cảm giác nhẹ hẫng thanh thoát lúc cô độc. Anh cũng bỡ ngỡ thấy mọi người đổi khác. Quan Trung thư có nét mặt bất động như mặt tượng. Quan Lễ bộ đọc bài chiếu lên ngôi với cái giọng trẻ trung phấn kích ít thấy nơi một cụ già quen nhỏ nhẻ. Trên từng khuôn mặt, cái nhìn mọi người đều bừng sáng do một thứ lửa nội tâm nào đó làm sôi các mạch máu. Mỗi người bị màu cờ đào và tiếng chiêng trống giục giã, đều phải rướn cao hơn, cao hơn gấp bội bình thường. Ai nấy đều thắc thỏm, chờ được dấn tới trước, muốn được vượt qua một trở ngại nào đó, làm được điều gì khác thường. Màu cờ, tiếng chiêng trống càng ngày càng giục giã mạnh mẽ. Chân ngựa nóng nảy, nện vó một chỗ. Tay người nắm chặt cán giáo để nén một tiếng hò reo quá sớm. Chờ. Chờ. Thời gian như chậm lại. Chính Bình vương và các quan đại thần văn võ đến. Mọi người nô nức, tưởng cái giờ được vươn cao rướn tới đã điểm. Nhưng không. Lại phải chờ. Nghi thức lễ đăng quang chậm chạp hơn mọi người tưởng. Màu cờ thúc giục. Chiêng trống tạm im trong suốt buổi lễ, nên nỗi chờ đợi thêm khắc khoải. Cho đến lúc Nguyễn Huệ mặc áo cổn mới, tự đội vương miện để chính thức nhận vương hiệu Quang Trung trước trời đất và toàn dân, đứng trên chóp Ba Tầng chỉ về phương bắc ứng khẩu vài lời hô hào giết giặc giữ nước, và tiếp theo đó, trống chiêng từ trên đàn Nam Giao đột ngột nổi lên rộn rã, thì lòng mọi người đều chấn động. Lễ xuất quân bắt đầu.
*
* *
Ba quân nao nức nhìn lên đỉnh Ba Tầng để tìm cho được vua Quang Trung. Mọi người đều nhón chân nghểnh cổ để nhìn chếch lên đầu ngọn giáo phía trước. Họ lần lượt thấy một lá cờ đào lớn di chuyển dần từ đàn Nam Giao xuống chân đồi, theo sau có đoàn lễ nhạc đánh chiêng trống và nhiều người lính cầm cờ hiệu. Một chiếc lọng vàng đi giữa hai chiếc lọng khác nhỏ và thấp hơn, cũng dần dần xuống chân đồi. Quân sĩ xôn xao bàn tán, chỉ trỏ về phía chiếc lọng. Đám rước dừng lại ở chân núi Ba Tầng, ngay chỗ dàn hàng của đội tượng binh. Quân lính mất kiên nhẫn, hàng ngũ bắt đầu lộn xộn. Chợt có lời truyền miệng cho nhau lan khắp các đạo quân:
- Coi chừng hàng ngũ. Hoàng đế sắp tới.
Không ai bảo ai, mọi người đều đứng im tại vị trí cũ, mắt nhìn thẳng tới trước. Tiếng xôn xao cũng dần dần tắt lịm. Chỉ còn nghe tiếng gió thổi vào các lá cờ đào, tiếng ho khẽ và tiếng ngựa hí lạc lõng. Một lúc sau, có tiếng chân ngựa dồn dập: hoàng đế mặc nhung phục, đeo kiếm, cưỡi con ngựa ô cao lớn, đang dẫn đầu một đoàn các tướng lãnh và quan đại thần đến tận các đạo quân để thị sát. Đi đến đâu, quân sĩ cũng nô nức reo to: "hoàng đế vạn vạn tuế". Lời hô lan truyền nhanh chóng khắp nơi, vang dội như sấm rền. Vua Quang Trung đi thị sát một lượt, đưa tay vẫy chào các quân sĩ, rồi trở về chỗ quân tượng.
Một phát súng thần công từ trên đỉnh Ba Tầng bắn vang rền, báo hiệu giờ xuất phát. Bộ binh theo đường An Cựu, còn thủy quân thì rẽ theo lối An Lăng qua Phủ Cam trở lại bến thuyền. Mở đầu cuộc xuất quân là các toán quân kỵ. Bụi đường lại tỏa mù, từ xa chỉ thấy những đầu ngựa, chóp nón dấu nhấp nhô và những lá cờ đào. Tiếp theo là đoàn quân tượng. Vua Quang Trung chuyển qua ngồi trên bành voi đi giữa hàng quân. Dân chúng hai bên đường được dịp nhìn vị hoàng đế trẻ tuổi uy dũng, không hẹn cùng hô to "vạn tuế" khi thớt voi ngự đi qua. Cuối cùng là các đạo bộ binh theo đường An Cựu tiến ra bờ nam sông Hương để lần lượt lên thuyền qua bờ bắc.
Vua Quang Trung cùng các đô đốc Long, Bảo và các quan đại thần dừng lại ở bờ nam để quan sát việc đưa quân qua sông. Những người lính, biết hoàng đế đang nhìn họ bước, nên tự chỉnh đốn hàng ngũ, cầm ngay ngọn giáo, tuy trong lòng ao ước được ngoái lại nhìn nhà vua nhưng mắt cứ ngó thẳng phía trước.
Việc đưa lính qua sông hơi chậm, nên chẳng mấy chốc, binh mã dồn lại ở bến thêm đông. Hàng ngũ hơi lộn xộn. Tiếng ồn ào, tiếng ngựa hí, tiếng khí giới va chạm làm rộn cả một bờ sông. Lại thêm dân chúng đổ ra đường để trầm trồ bàn tán về biến cố lịch sử hiếm có ở kinh thành này, hoặc để tìm thân nhân dặn dò gửi gắm lần cuối. Đô đốc Lộc cho huy động tất cả thuyền chiến còn rảnh, để chở lính bộ qua sông, nhưng số người còn lại bên bờ nam vẫn lớn.
Đúng vào lúc đó, một toán lính bộ mất kiên nhẫn chờ đợi hoặc được phấn kích vì biết phía sau lưng hoàng đế đang quan sát, đã rủ nhau bơi qua sông. Vài người còn dám cầm theo lá cờ đào. Nhiều đám quân khác bắt chước theo. Số quân còn lại và dân chúng thích thú trước hành động liều lĩnh bất ngờ nổi lên reo hò khuyến khích. Mặt sông Hương lại phất phới cờ đào. Vua Quang Trung truyền lệnh cấm chỉ hành động liều lĩnh nguy hiểm ấy, vì mặt sông quá rộng, lại ở vào mùa nước sâu. Tuy vậy, khi quân sĩ đã qua hết bên kia sông, kiểm điểm quân số, các tướng lãnh mới biết có khoảng hơn hai mươi người bị chết đuối vì yếu sức không bơi nổi đến bờ bắc.
(1)Tiết này dựa theo bài Đàn Nam Giao Tây Sơn tại Huế của Đỗ Bang, đại học tổng hợp Huế, in trong Tây Sơn Nguyễn Huệ, kỷ yếu hội nghị nghiên cứu phong trào nông dân Tây Sơn và anh hùng Nguyễn Huệ của Ty VH và TT Nghĩa-Bình, 1978, từ trang 302-312.
(2)Imbert. Le séjour de l embassade de lord Macartey 1793. Idéo Hà nội 1924, trang 28.

<< Chương 92 | Chương 94 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 767

Return to top