Từ An Thái, Huệ được lệnh anh gọi về Kiên thành có việc gấp. Huệ giao binh quyền lại cho Mẫm, vội vàng lấy ngựa phóng đi ngay giữa khuya. Anh chạy dọc theo sông Côn, lòng bồn chồn không hiểu vì đâu Nhạc gọi mình về khẩn cấp như vậy. Mặc dù trời đêm mát dịu và gió có nhẹ, đến trại Kiên Thành thì cả người lẫn ngựa đều đẫm mồ hôi. Quẳng dây cương cho người lính gác dẫn ngựa đi ăn thóc và uống nước, Huệ lên thẳng phòng anh cả.
Trong phòng đèn sáng, đó là triệu chứng bất thường. Cửa lớn đóng, bên trong có tiếng nói chuyện mặc dù lúc đó đã gần sáng. Người lính hầu vội vã vào trong báo cho Nhạc tin Huệ đã về. Trong khi chờ đợi dưới mái hiên, Huệ không đứng yên một chỗ được, cứ đi qua đi lại cho vơi bớt nỗi băn khoăn. Cửa lớn xịch mở, Bùi Văn Nhật từ phòng Nhạc đi ra. Thấy Huệ, Nhật có vẻ bối rối, muốn dừng lại nói với Huệ vài câu xã giao nhưng không biết nghĩ sao lại rẽ sang trái đi thẳng ra cổng.
Huệ càng hoang mang hơn, vội bước vào phòng anh cả. Anh thấy Nhạc đang ngồi trên chiếc trường kỷ gỗ, mệt nhọc dựa người lên lưng tựa, hai chân gác cả lên cái bàn thấp. Nét mặt Nhạc mỏi mệt và ngái ngủ. Thấy em về, Nhạc vẫn không sửa lại tư thế ngồi bải hoải, hỏi Huệ:
- Chú vừa về đấy à?
Huệ lo sợ đáp:
- Dạ. Em mới về.
Tiếng Nhạc nhừa nhựa, trễ nải và cay đắng:
- Đường xa đi mệt nhỉ!
Huệ lại dạ nhỏ, lòng hồi hộp, không hiểu nổi thái độ của anh.
Đột nhiên, Nhạc lớn tiếng, gần như quát tháo:
- Ai cho phép chú đưa quân xuống An Thái?
Bấy giờ thì Huệ hiểu hết. Lúc khởi quân, Nhạc chỉ giao cho Huệ nhiệm vụ đem một cánh quân xuống chiếm Xuân Huề, án ngữ và nút chặn của hai ngả đường quan trọng: một ngả xuống An Thái theo đường quan qua phủ Qui Nhơn rồi về Tuy Viễn, một ngả hướng về phía nam theo đường rừng về Phú Yên qua Đồng Sim. Huệ đã hoàn tất nhiệm vụ dễ dàng. Sau đó, không chờ anh cả đồng ý, Huệ cho quân thọc sâu xuống phía đông, chiếm An Thái. Anh tự nghĩ vị trí chiến lược của An Thái quan trọng hơn Xuân Huề, và không nên bỏ lỡ cơ hội quân triều đang tán loạn rệu rã chiếm ngay lấy trục giao lưu đường bộ lẫn đường thủy quan yếu này. Không ngờ... không ngờ anh cả đã nghĩ khác Huệ.
Biết mình có lỗi, Huệ không dám nói gì, chỉ cúi đầu đứng chờ những lời quở trách của anh. Giọng Nhạc đay nghiến, rít giữa hai kẽ răng:
- Chú làm tài khôn phải không? Chú có biết như vậy là dại dột không? Chiếm được An Thái thì được cái gì? Chú kể cho tôi nghe coi!
Thấy em vẫn giữ im lặng, Nhạc càng nổi giận. Ông choàng dậy, ngồi ngay ngắn trên trường kỷ, hai tay chống lên hai đầu gối chồm tới phía Huệ:
- Ông Nhật lại vừa đánh thức tôi dậy để báo thêm một tin dữ nữa. Chung qui cũng tại sự ngu si của chú. Tại chú dẫn xác xuống tận An Thái đấy. Lợi đâu không thấy, còn cái hại thì dồn dập tới. Nguyễn Thung vội cho người lên đây hỏi có phải chúng ta xé bỏ thỏa ước hôm rằm, lấn sâu vào vùng đất của họ không. Ông Nhật có gài tay trong ở dưới phủ, nên vừa được biết phủ nghe tin An Thái mất, rục rịch chuẩn bị giáo mác, quân lính, voi ngựa để ứng chiến. An Thái chỉ cách họ không đầy một buổi đường. Nếu dưới phủ chúng nó đánh bạo tiến lên tấn công ta trước thì chú tính sao?
Huệ nghe anh cả nói, sợ toát mồ hôi. Có thể đây là lần đầu tiên Huệ biết thế nào là sự sợ hãi. Anh không có bất cứ lý lẽ nào để tự biện hộ, nên đành đứng trân một chỗ gánh chịu cơn giận dữ của Nhạc:
- Chú vẫn quen thói rắn mắt, liều lĩnh. Nhưng chú phải nhớ trước kia khác, bây giờ khác. Trước kia chú rắn mắt muốn làm gì thì làm, cái hại quá lắm là mất vốn một chuyến trầu. Bây giờ không phải là mất trầu, mà mất cái này này, mất cái đầu của chú và của cả gia đình, bà con, bạn bè nữa. Chú đã hiểu chưa?
Huệ không thể giữ mãi im lặng, đáp nhỏ:
- Em đã hiểu.
Nhạc quát:
- Đã hiểu sao còn mang quân xuống An Thái? Chú nghĩ sao mà làm chuyện động trời vậy?
Huệ cố gắng lấy giọng bình tĩnh đáp:
- Em nghĩ việc binh, cần nhất là biết nắm lấy thời cơ. Bọn quân phủ rã hàng chạy tán loạn, tàn quân từ Xuân Huề đến Lai Nghi thì quân ở Lai Nghi rã, quân Lai Nghi chạy đến An Thái thì An Thái đã bỏ trống. Giữ được An Thái thì ta chặn được đường sông, không cho chúng tập kích Kiên Thành. Đường bộ từ phủ Qui Nhơn lên phía tây cũng bị cắt đứt.
Nhạc lắng nghe em trình bày, dần dần lấy lại được sự điềm tĩnh. Giọng Nhạc đã hơi dịu lại:
- Chú tưởng quân phủ bao nhiêu voi ngựa khí giới đó mà chịu mất bấy nhiêu tiện nghi một cách dễ dàng thế sao? So quân số, lương thực, trang bị, hiện giờ họ là trái bí ta chỉ mới bằng hạt đậu.
Huệ lấy bạo đáp lời anh:
- Nhưng trái bí đó đã thúi rữa trong ruột, còn hạt đậu chắc đang nẩy mầm.
Nhạc cười khinh mạn, chế giễu:
- Chú vẫn có tài miệng lưỡi, tôi biết:
Rồi đột nhiên, Nhạc đổi sang giọng tâm sự:
- Anh nuôi chú từ nhỏ, còn lạ gì tính chú. Lâu nay anh vẫn lo, biết thế nào chuyện đó cũng xảy ra, không sớm thì muộn. Thôi, thà nó xảy ra sớm để anh còn thì giờ khuyên răn chú. Anh chừng này tuổi đầu, tóc đã có sợi bạc rồi. Mỗi sợi tóc bạc là một bài học khôn cay đắng và đắt giá. Chú biết không? Anh cũng đã từng trải qua thời thanh niên đam mê như chú, anh hiểu hết. Những người trẻ tuổi cứ tưởng mình là kẻ đầu tiên biết chuyện thương yêu. Lớp già trước kia không hiểu gì hết. Lớp sau cũng không thể đủ khôn ngoan để hiểu. Nhưng chú nghĩ mà xem, trên đời này có điều gì hoàn toàn mới lạ đâu. Đến một lúc khôn ngoan trầm tĩnh hơn, chú sẽ thấy tất cả đều phù phiếm như nhau mà thôi! Nhan sắc tàn còn mau hơn danh vị ở đời nhiều lắm. Đừng lụy vì nó. Chú nhớ không, cái lần chú cằn nhằn với anh về chuyện lấy thêm một nàng hầu người Bana trên Tây Sơn thượng, làm buồn lòng mẹ con Thọ Hương. Bây giờ chắc chú đã hiểu suy tính của anh rồi. Ít lâu nữa, ta kéo hết xuống đồng bằng, căn cứ trên đó giao lại cho ai giữ, để làm chỗ rút an toàn? Chú thấy chưa?
Nhạc nói một thôi dài, ý tứ cứ lượn lờ, vờn quanh những điều mà hai anh em cùng không muốn nói thẳng. Nhạc tin là em đã hiểu mình, còn Huệ thì hoang mang, Huệ lờ mờ hiểu ý nghĩa lời khuyên của anh, nhưng Huệ sợ chính cái nghĩa đó.
Bên ngoài đã có tiếng gà gáy, rồi tiếng cồng báo giờ đổi gác. Dĩa đèn trên cái bàn thấp kê ở góc phòng hết dầu, tim đèn lụn. Nhạc nhìn em lạc thần vì trầm tư, tự nhiên thấy lòng thương hại, ông bảo Huệ:
- Thôi chú về ngủ một giấc, rồi chiều xuống lại An Thái. À, thẻ bài của chú đâu?
Huệ ngạc nhiên hỏi:
- Em mà cũng cần thẻ bài à?
Nhạc nghiêm mặt hỏi:
- Thế ai cho chú vào?
- Lính gác. Chẳng lẽ chúng không biết mặt em?
- Ai không biết chú là em ruột tôi. Nhưng luật là luật. Chú ra gọi tên gác vào đây!
Huệ vâng lời anh, vừa đi ra vừa ngoái nhìn Nhạc với đôi mắt ngỡ ngàng.
*
* *
Trại Kiên Thành dựng ngay trên nền đất tổ tiên của gia đình Huệ, dĩ nhiên qui mô rộng hơn trước nhiều. Đại gia đình của anh em Nhạc vẫn còn ở Tây Sơn thượng, nên phần lớn các phòng trong trại đều là chỗ làm việc và nơi tạm trú cho khách khứa, quân lính. Huệ về nghỉ ở một gian hẹp, gần chái tây, cửa sổ trông ra cây me tàn lá đang chuyển sang màu xanh nõn. Dưới gốc me, một lớp lá vàng trải dày, làm tấm khăn liệm chờ hứng những chiếc lá sắp úa của mùa cũ. Lấy gốc me và bụi chuối đã cháy héo định hướng, Huệ hân hoan nhận ra rằng chỗ hiện giờ mình đang đứng cũng là chỗ ngày xưa mẹ đặt cái phản cho Huệ ngủ. Phải rồi. Đúng chỗ này đây. Còn chỗ kia là cửa thông xuống nhà lẫm. Chỗ xó này, Huệ vẫn giấu cái cần câu, và dưới mái tranh chếch bên phải cái cửa sổ là nơi Huệ giấu cây kiếm để đêm đêm lén cha đi tập võ. Từ gốc me hướng thẳng về phía mặt trời lặn, khoảng cách một con sào, là cây cột gỗ sao láng bóng, trên đó Huệ từng lấy mũi dao vạch lấy chiều cao của mình hằng năm. Huệ bồi hồi nhớ lại những ngày thơ ấu, lan man nghĩ từ chuyện nọ sang chuyện kia nên không có hình ảnh nào trọn vẹn và rõ nét. Rồi không biết từ lúc nào, do đâu, anh nghĩ đến sự thay đổi của anh cả. Anh ấy trông lạ hẳn đi. Tuy nhìn phớt qua anh ấy vẫn y như thời còn ở Tây Sơn thượng với cử chỉ linh hoạt, khuôn mặt xương xương, nước da tái, đôi mắt hơi xếch sắc sảo đến nỗi không ai có thể giấu gì được khi bị Nhạc xoi bói, quan sát, nhưng khuya hôm nay, Huệ ngờ ngợ cảm thấy anh mình có vài thay đổi. Cử chỉ có chậm lại, như cân nhắc tính toán trước lúc đưa tay lên cao, cất chân bước tới. Không còn thói quen ngồi chồm tới trước vồ vập chờ đón một cách cởi mở rộng lượng lời nói của kẻ khác. Nhạc ngồi thẳng trên ghế, vững chãi hơn, nghiêm túc và khinh bạc hơn. Nhất là cách nói, gần như chậm hơn trước nhiều. Nhạc đã bỏ thói quen nói từng câu ngắn rồi dừng lại để đo lường độ thẩm thấu của lời mình trên gương mặt người nghe, do dự tìm một cách thích hợp hữu hiệu hơn để nói câu sau. Bây giờ Nhạc cất cao giọng như quá tự tin những lời nói ra đều đúng, kẻ khác không còn phải bàn cãi gì nữa, chỉ việc vâng lời mà thôi.
Chỉ có những câu tâm sự ở cuối cuộc nói chuyện hôm trước còn giữ được lối nói của Nhạc. Nhưng thực ra anh ấy muốn nói gì? Muốn khuyên ta thế nào? Tình yêu? Đam mê của tuổi trẻ? Nhan sắc? Kinh nghiệm? Sự tính toán trầm tĩnh? Anh ấy không tin ta đem quân xuống chiếm An Thái vì điều lợi về chiến thuật? Nhưng sự thực vì sao ta hăng hái dấn sâu vào cuộc phiêu lưu kỳ thú đó? Vì đâu? Ta có dối lòng ta hay không? Những gì ta nói với anh ấy chỉ là cái lý đến sau. Thế thì cái gì đã thúc đẩy ta trước? Chái nhà học? Ngôi nhà quay mặt về hướng tây mái thấp lòa xòa trên hai khuôn cửa sổ có tấm phên chống nửa vời, dưới nắng chiều trông thật giống với một khuôn mặt ngái ngủ? Cây gạo "thơm tho" ở bến sông? Cái miễu cô độc ở giữa đồng trống? Ánh đuốc canh lúa lập lòe? Cái bếp thấp nơi một người con gái mắt sáng, cổ cao và trắng, mặc chiếc áo có vết rách ở cùi chỏ? Bao nhiêu công phu cho một cuộc chuyển quân nguy hiểm chỉ vì bao nhiêu hình ảnh mờ nhạt, tầm thường ấy sao? Thực sự ta đã nghĩ gì? Ta muốn gì?
Huệ đứng bên cửa sổ nhìn những giọt lá me vàng rơi đều rơi đều, lòng bập bềnh bồi hồi. Buổi sáng qua mau trong cảm giác bảng lảng đó của tâm hồn Huệ.
*
* *
An Thái được giải phóng vào một ngày mưa. Bầu trời màu chì sa xuống thấp, mưa rả rích lê thê trên một xóm làng hoang vắng. Thấy bọn lính phủ hớt hải chạy trốn, dân chúng trong làng cuống cuồng kéo nhau lánh nạn, xuống miệt sông Cạn, hoặc lội sông qua An Vinh. Toán quân của Huệ lùng khắp làng,chợ chỉ gặp được có gã khùng và một ông lão mù lòa.
Hai ba ngày sau mới có lác đác vài bà lão dắt cháu bé liều lĩnh về dò đường, nếu ở được thì cho trẻ con qua sông báo cho những người đàn ông còn lại trong gia đình,bằng không thì cũng lén vơ vào vài cái áo, chăn chiếu, gạo khoai để tiếp tục sống tạm cuộc đời tản cư. Họ gặp được những "tên cướp hiền lành" và nhân từ đến nỗi chẳng những họ được quyền thu vén giữ gìn số của cải lương thực vương vãi bừa bộn lúc chạy loạn, mà còn được cấp phát thêm vô số gạo, mắm tịch thu từ kho lẫm của nhà giàu. Tin mừng bay nhanh qua bên kia sông Côn, lan xuống phía đông nên không bao lâu số dân lục tục bồng bế mang xách kéo về càng nhiều.
Huệ, Mẫm bận bịu suốt ngày mà không giải quyết hết những công việc cứ từng ngày tăng lên bề bộn.
Trước hết là vấn đề quân sự. Đúng như lời Nhạc, việc tiến quân sâu xuống An Thái đã khiến phủ Qui Nhơn hoảng loạn, vội vã tìm mọi cách tăng cường phòng thủ. Quân lính được rút bớt từ núi Bích Kê về, từ chợ Giã lên, đóng ken dày bên kia cầu Phụng Ngọc và Thiết Trụ. Một toán nhỏ bộ hạ của Nguyễn Thung không hiểu luồn lách cách nào, lên được tận Phú Thiện để cắm mốc phân ranh. Phải đối đầu cùng một lúc với hai lực lượng mạnh và đông đảo, toán quân của Huệ hóa ra nhỏ yếu. Huệ không cho quân đóng trong làng, một phần vì nhu cầu phòng vệ, một phần sợ các nghĩa quân nổi lòng tham lấy của cải của dân. Huệ phân quân làm hai toán, một nửa đóng trên bãi cát nhìn qua An Vinh kiểm soát đường sông, một nửa đóng trên Gò Miễu. Mẫm được giao nhiệm vụ điều khiển mặt sông.
Khổ một nỗi là phần lớn dân nghèo trong làng không chạy theo đám quan quân và bọn chức sắc theo ngả Phụng Ngọc để xuống phủ, mà lội sông qua trú ở An Vinh. Cho nên công việc của Mẫm nặng nề, nhất là vừa kiểm soát vừa giúp đỡ cho làn sóng người hồi cư này.Việc cứ sinh sôi nhanh chóng lên, rắc rối bề bộn đến nỗi Huệ chỉ vắng mặt có một ngày mà Mẫm lo âu đến phờ phạc cả người, già đi trông thấy.
Nghĩa quân phải làm tất cả công việc của một chính quyền mới, một trách vụ mà từ trước đến nay chưa có ai trong toán quân trẻ trung hăng hái này có chút kinh nghiệm. Kể cả Huệ và Mẫm. Đốt đống sổ thuế, phá cửa kho thóc và lẫm nhà giàu phân phát cho dân nghèo, rồi rút ra khỏi làng như họ từng làm trước đây không quá khó khăn. Công việc hiện nay khác hẳn. Nghĩa quân phải ở lại, tổ chức đời sống, ổn định trật tự mới. Dân chúng ùn ùn kéo về, làm sao phân biệt được những người dân lương thiện với bọn lưu manh tứ xứ nhân cơ hội hỗn loạn trà trộn vào đoàn người hồi cư, đến cái chợ nổi tiếng giàu có tiền bạc và hàng hóa này để kiếm chác? Lục sổ đinh để kiểm tra ư? Sổ sách cũ đã bị thất lạc hoặc bị đốt cháy tiêu cả rồi!
Khuyến khích, thúc giục dân làng vạch mặt bọn vô lại chăng? Gươm giáo của nghĩa quân ở xa, còn mũi dao liều lĩnh và độc ác của bọn vô lại kề sát ngay bên hông họ!
Đó là chưa kể những vụ tranh tụng nhau về số đồ đạc bỏ vương vãi chỏng chơ trên lối đi, dấu tích cuộc chạy trốn hỗn loạn. Ai mới thực sự là chủ của cái bàn đã gãy mất một chân đó? Con heo nái vú viếc bèo nhèo này là của ai? Cái bình trà sứt vòi lăn lóc nơi gốc gạo là của ông Ất hay của bà Giáp? Lại thêm việc cứu đói cần kíp trong lúc tiếng trống quân phủ bên kia cầu Phụng Ngọc cứ đổ từng hồi nhắc nhở hoặc dậm dọa! Khối lượng công việc chồng chất cả lên vai hai thanh niên chủ chốt của toán nghĩa quân tiền phương là Mẫm và Huệ.
Tuy nhiên, hình như luật tạo hóa cũng khá công bằng, nên cả hai đã được bù đắp cho những may mắn và niềm vui xứng đáng. Mẫm dồn hết tâm trí vào việc giúp đỡ những người hồi cư, nên mãi lâu về sau, anh mới để ý đến một công dân đặc biệt gắn bó với An Thái là gã khờ. Đó là điều bất thường không thể hiểu nổi, như hai người thân yêu gặp nhau hằng ngày trên một con đường hẹp mà hàng tháng, hàng năm vẫn chưa tìm ra nhau. Đâu phải gã khờ sợ hãi cảnh biến đổi trốn biệt vào cái xó chợ nào đó! Cả An Thái dáo dác chạy trốn, chỉ có gã và ông lão mù lòa bị bỏ lại. Gã không đủ trí khôn để sợ, còn ông lão, thì thiếu một lòng nhân từ nào đó nơi kẻ khác, nên bị bỏ lại. Ông lão nằm chờ chết đói. Gã khờ thì không. Gã chạy khắp làng, tìm đến bất cứ cái gì còn cử động. Chính gã là người đại diện duy nhất An Thái đón chào nghĩa quân vào làng, chính gã hứng chịu những ngược đãi xốc nổi đầu tiên của những nghĩa quân hăng say tỏ vẻ uy quyền và giàu nghi ngờ. Làng hoàn toàn hoang vắng, kẻ độc nhất ở lại trở thành kẻ đáng ngờ. Gã chịu hai cái tát nổ đom đóm mắt, ba cái đá đít. Thay vì khóc lóc, van xin, gã cười. Nhờ thế, người ta hiểu ngay gã thuộc loại người nào, và cái tát thứ ba, cái đá đít thứ tư không xảy đến. Gã thành trò vui của bọn nghĩa quân trẻ tuổi. Họ cho gã ăn uống no nê, gã còn được đãi rượu nữa. Hơi men bốc lên, gã múa may, hát hỏng. Rồi chính gã ôm cờ đào đi cắm khắp nơi trên từng lều chợ, ở tiệm tạp hóa của người Tàu, ở chuồng ngựa, cả trên nhánh cây gạo cao ngất nữa. Nhờ gã mà từ bên kia sông Côn, dưới cầu Phụng Ngọc, từ gò Miễu, mọi người có thể thấy được lá cờ đỏ phấp phới ở chợ An Thái, tăng thêm thanh thế cho lực lượng nghĩa quân và khiến cho quân phủ nơm nớp khiếp sợ.
Mắt của Mẫm để ở đâu mà không trông thấy gã! Thật khó hiểu, nhưng sự thực vẫn thường xảy ra như vậy. Đến một buổi sáng, hình như buổi sáng sau hôm Huệ từ Kiên Thành trở về, Mẫm "thấy" gã khờ nhờ sắc cờ đào. Trời hôm ấy trong xanh, nắng thủy tinh nhảy múa rải hoa lên các lối đi dưới những tàn cây. Gã cầm một cây cờ đào - về sau Mẫm biết gã đã gỡ lá cờ này từ một lều chợ - đi về phía nhà Hai Nhiều, vừa đi vừa hát một điệu khách, Mẫm thì vừa gặp Huệ ở gò Miễu và đang trở ra bến sông. Họ gặp nhau chỗ bụi tre gần chái nhà cháy của ông giáo. Hai người cùng dừng lại, nhìn nhau ngỡ ngàng. Ánh mắt hoang dại và rạng rỡ nhờ phản chiếu màu cờ, trở nên xao xuyến, dò hỏi, lúng túng, lo âu. Chính lúc đó chính Mẫm nhận ra được anh mình! Và kỳ diệu thay, cũng chính lúc đó, do sự kích động đột ngột và cực độ, gã khờ tìm lại được trí nhớ. Gã bập bẹ, run run hỏi:
- Mẫm... có phải Mẫm không?
Mẫm chỉ chờ có thế. Hai anh em ôm chầm lấy nhau, nghẹn lời không nói được câu nào, hết khóc lại cười, hết cười lại rời nhau ra mà nhìn nhau. Vẫn chưa dám tin ở mắt và tai mình, gã khùng hỏi:
- Có phải em không hở Mẫm?
Mẫm nuốt nước mắt nói:
- Phải, em đây. Sao anh ra nông nỗi này!
Gã khờ nhìn xuống quần áo, thân thể mình, và lần đầu tiên sau bao năm, gã thấy mình xơ xác, dơ dáy. Gã xấu hổ đưa tay kéo cái quần lên cho che bớt cái rún bẩn, cùng lúc đó gã cảm thấy lành lạnh nơi háng. Quần gã mặc đã rách đáy từ bao lâu rồi! Gã tủi thân, òa lên khóc như một đứa con nít vừa bị giành mất cái bong bóng lợn ngay giữa đêm ba mươi.
*
* *
Niềm vui của Huệ trầm lắng và phức tạp hơn. Sau khi đưa Mẫm đến chỗ gốc mít trên gò Miễu, căn dặn Mẫm kỹ càng những điều phải làm, Huệ đứng một mình nhìn mãi mấy đám ruộng hoang quanh gò. Từ lâu bị bỏ giá, đất ở đây trở lại cằn cỗi, cỏ dại mọc lơ thơ không che nổi mặt ruộng khô nứt. Huệ thấy lòng lâng lâng, buồn vui lẫn lộn. Từ bao lâu nay, anh ao ước được một mình tận hưởng cảm giác hạnh phúc của giờ phút này, ở tại đây, nhưng đạt được buổi sáng mơ ước đó, anh thấy chưa vui trọn. Cảm giác khoái lạc, hương vị của hạnh phúc không rõ ràng như anh tưởng, mà hình như bị nhòe đi, như một trang sách gặp mưa. Có cái gì thiêu thiếu, dang dở, cái gì vương vấn, lỡ làng! Kỷ niệm lẩn quất làm nhạt cả ánh nắng. Phải rồi! Chỗ kia, nơi cỏ mọc dày sắc xanh hơn, là con mương nhỏ thoát úng mà ông giáo, Chinh và Huệ đã họp sức nhau đào suốt hai buổi chiều mới xong. Mô đất cao kia là nơi mà anh và ông giáo ngồi bên con cúi leo lét bàn chuyện ông Tử Trường, quanh co không lối thoát giữa hai nẻo chính tà, lúng túng chưa biết lẽ phải thuộc về kẻ ăn trộm lưỡi câu hay thuộc kẻ ăn trộm nước. "Căn nhà ngái ngủ" quay về phía mặt trời lặn đã bị thiêu rụi, dĩ nhiên chái nhà học cũng không còn! Dấu tích của một thời chỉ là tro bụi! Huệ nhớ lại những mơ ước thầm kín của mình, nhớ lời quở trách nghiêm khắc và những câu khuyên răn dè dặt mơ hồ của anh cả. Lòng Huệ chùng xuống, ngùi ngùi!
Anh ngạc nhiên thấy Mẫm trở lại gò Miễu với một người nữa. Họ tới gần hơn, Huệ nhận ra gã khùng. Điều lạ là họ nói chuyền rôm rả với nhau, anh đoán thế nhờ cử chỉ và gương mặt của họ. Tay Mẫm cầm một lá cờ đỏ. Đến chỗ mô đất cao, Mẫm giơ cán cờ cao lên phất mạnh, lá cờ phần phật reo vui trong gió. Mẫm la lớn cho Huệ nghe:
- Anh có biết ai đây không?
Huệ không dám nói hai tiếng "gã khờ", vì đoán trước phải có điều gì bất thường và quan trọng lắm Mẫm mới quay lại. Mẫm chạy đến chỗ Huệ đứng, trỏ gã khùng phía sau và nói:
- Thật bất ngờ! Anh ruột của tôi đó!
Huệ quay ngoắt lại, hỏi bạn:
- Anh ruột? Đừng nói đùa!
- Thật mà! Hai anh em lưu lạc xa nhau bao năm không tìm ra, ai ngờ... Vui hơn hết là đột nhiên anh ấy hết dở người... hết điên rồi! Chuyện khó tin nhưng có thật đấy!
Người anh của Mẫm đã đến nơi hai người đứng. Ông ta lúng túng kéo quần lên, chợt nhớ chỗ rách đáy xấu hổ, vội thả lưng quần trụt xuống, kéo hai vạt áo bẩn che cái bụng lại. Mẫm quá vui, không chú ý đến vẻ bối rối của anh, bảo Huệ:
- Chuyện anh ấy ly kỳ lắm. Để tối, à quên, tối nay tôi phải đi tuần dọc sông, không được, để mai tôi kể cho anh nghe. Anh ấy đau đớn, u uất quá phát điên lên, bỏ mất cả trí nhớ bao năm nay. Bây giờ... à quên...,anh ấy vừa hỏi tôi cái cô bé trước đây ở cái nhà này, ý anh ấy bảo nhà thầy giáo đó mà, anh ấy hỏi cô bé đó bây giờ ở đâu rồi! Anh thấy lạ không. Chuyện đời quanh quẩn lung tung, cuối cùng mọi sự lại xoay về thành cái vòng tròn. Mà anh có biết vì sao anh tôi hỏi cô An chưa?
Huệ đưa mắt ngầm hỏi "gã khờ". Hai tay vẫn giữ chặt lấy vạt áo để che cho kín bụng, ông ta buồn rầu đáp:
- Khuôn mặt cô bé đó giống y khuôn mặt vợ tôi. Phải, giống nhau như hai giọt nước. Nhờ ơn trời, bây giờ tôi nhớ rõ cả mọi sự. Nhưng giá tôi quên hết được mọi sự thì hay hơn nhiều!
Huệ tế nhị không muốn tò mò tìm hiểu những khúc mắc chắc là đau buồn của anh em Mẫm, tìm chuyện khác vui hơn, Huệ nói:
- Người mà bác tìm không còn là cô bé nữa. Đã lớn lên, cao đến bằng chừng này rồi.
Người anh Mẫm hỏi:
- Thực à! Nhưng cô ấy ở đâu?
Mẫm đáp thay Huệ:
- Ở trên Tây Sơn thượng. Cũng sắp về đây thôi.
- Chừng nào mới về?
Huệ nhìn về phía Phụng Ngọc đáp:
- Còn tùy. Phải chờ xem chúng nó động tĩnh thế nào!
*
* *
Lá cờ đào dài hai ba thước phất phới trên ngọn cây gạo của một kẻ vừa tìm lại được trí nhớ và phẩm chất làm người,càng ngày càng trở nên nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với đám quan quân bạc nhược dao động cực độ bên kia cầu Phụng Ngọc. Đúng như lời Huệ nói, guồng máy triều đình ở phủ Qui Nhơn thời bấy giờ vẫn còn lớn như một quả bí, nhưng là một quả bí thúi ruột. Kinh đô dùng dằng, quan phủ hoang mang, quân đội rệu rã, bàn tay cầm gươm của tướng lẫn bàn tay cầm giáo của quân đều rịn mồ hôi sợ. Chưa cần đến tiếng ó xông trận đâu! Chỉ cần một lá cờ đỏ tung bay trên ngọn cây gạo cũng đủ cho chúng bủn rủn chân tay. Không cần chờ lâu, Huệ đã hiểu rõ sức mạnh của phía mình. Các tin tức Bùi Văn Nhật thu lượm được thêm bằng chứng mới để Nhạc yên tâm, bớt ái ngại lo âu vì sự xốc nổi thuần cảm tính của Huệ.
Nhờ thế, Tây Sơn mạnh dạn ổn định tổ chức chính quyền ở các vùng chiếm được. Dân An Thái bớt thái độ chân trong chân ngoài, bắt đầu tuân phục các "mệnh lệnh" của "mấy cậu trẻ con". Đối với các bô lão đã từng chứng kiến bao nhiêu đổi thay, phế hưng trong đời, thì tuổi tác của Huệ và Mẫm còn quá trẻ để họ tin tưởng. Họ chờ xem thời thế biến chuyển ra sao đã! Nhưng chờ mãi họ không thấy quân phủ dám vượt qua cầu Phụng Ngọc. Tiếng trống dội từ hướng đông rời rã, yếu ớt dần từng ngày. Dân làng tự thấy phải mau mau thích nghi với đổi thay mới. Công việc của Mẫm trở nên dễ dàng hơn. Các vụ kiện tụng, trộm cướp, ẩu đả ít đi. Bọn vô lại lẩn trốn qua bên kia sông, rơi vào tay toán quân của Tuyết. Nhưng các thuận lợi khách quan ấy không khiến cho Huệ có ảo tưởng về khả năng mình. Anh biết mình còn quá trẻ để đảm đương công việc hành chánh. Cho nên, hai tuần sau khi chiếm được An Thái, Huệ yêu cầu anh cả tìm người về tổ chức guồng máy cai trị cái làng quan yếu về chiến lược này. Nhạc suy nghĩ một đêm, và không tìm được ai thích hợp hơn Hai Nhiều.
Hai Nhiều vồ lấy đề nghị của Nhạc giống y cách một chú mèo đói vồ con chuột béo. Trong cơn say mê quyền hành, ông ta trở nên liều lĩnh khác thường. Nhận được thư của Nhạc lúc tờ mờ tối, Hai Nhiều bỏ cả bữa ăn dở, hối thúc vợ con thu dọn quần áo đồ đạc, để khởi hành ngay đêm ấy. Báo hại bà Hai lính quýnh không biết nên đem về thứ gì bỏ lại thứ gì! Hai Nhiều quát mắng vợ và Kiền ầm ĩ. Hai người đàn bà vừa lo thu xếp hành lý vừa khóc ấm ức, không dám nói lên sự sợ hãi nguy hiểm trên đường rừng. Những nhà lân cận tưởng chỉ là chuyện cãi vã thông thường giữa hai vợ chồng, không ai buồn đến tìm hiểu nữa. Họ "về quê" đột ngột, gần như lén lút, không ai hay biết gì.
Huệ biết trước Hai Nhiều sẽ về An Thái, nhưng không ngờ ông ta dám dẫn luôn cả gia đình về chỗ tranh chấp nguy hiểm ấy. Từ chỗ đóng quân của Huệ trên gò Miễu, ông băng đồng chạy thẳng về nhà. Vợ con ông ôm xách đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh mếu máo chạy theo không kịp ông. Chạy một đỗi, ông chợt nhớ đến họ, quay lại thấy bà Hai và Kiền còn ở tít phía sau. Bà Hai đánh vỡ cái bình sứ, Kiền để tuột tay bọc quần áo rơi cả xuống vũng lội. Ông lại quát tháo, chửi mắng, nhưng nhất định không chịu trở lui giúp vợ con. Ông để mặc họ, tiếp tục chạy trước về nhà cũ.
Những lời đồn đãi lâu nay Hai Nhiều đã nghe đều sai sự thực. Quân phủ chỉ đốt rụi nhà ông giáo, còn nhà Hai Nhiều không hề hấn gì. Nó vẫn còn đó. Nó vẫn còn đó. Nó vẫn còn đó. Hai Nhiều vừa chạy vừa nhắc đi nhắc lại cho mình nghe lời mừng rỡ khôn xiết ấy, tuy thở hổn hển nhưng ông không thấy mệt nhọc chút nào. Vâng, nó vẫn còn đó, mái nhà thân yêu của ông. Của ông! Của ông! Của ông!
Cửa cổng bị trật ngàm nghiêng ngả. Ai đó cột tạm hai cánh cổng chắc chắn dính đầy phân trâu bằng một sợi mây. Không đủ bình tĩnh tháo nuột dây ra, Hai Nhiều lóng ngóng leo đại qua cổng. Ông suýt té chúi vào phía trong. Ông gượng lấy được thăng bằng, đứng thẳng người nhìn căn nhà. Và lòng ông đau buốt, như có ai đâm kim vào ngực ông. Những khuôn cửa lớn, cửa sổ, bằng gỗ lim chắc chắn và láng bóng trau chuốt từ thời Tư Thới đến thời Hai Nhiều, niềm hãnh diện thầm kín nhưng lớn lao của ông, đã bị gỡ tháo đi mất! Căn nhà trống toang hoác như một khuôn mặt người mù trúng phong. Chân ông bủn rủn. Ông khuỵu xuống, trước mắt mái nhà biến thành một bệt khói điên đảo quay cuồng!
*
* *
Hai Nhiều bận đi truy tầm những kẻ dám tháo gỡ mấy khuôn cửa quí của mình nên dành cho vợ cái quyền tự do lựa chọn một căn nhà để ở. Bà Hai chỉ chờ có thế. Căn nhà cũ đối với bà là một dấu tích của một đời làm dâu làm vợ nhọc nhằn, tủi cực, cay đắng. Mấy khuôn cửa trời đánh ấy bị mất ư? Càng tốt. Biết bao buổi trưa trong đời bà, trong khi mọi người được quyền ngả lưng đâu đó để tạm nghỉ, bà phải lấy giẻ đánh bóng từng khuôn cửa một, nhiều hôm mồ hôi và nước mắt nhỏ giọt trên tấm vải cũ!
Gia đình bọn hào lý trong làng chạy theo đám quan quân xuống trốn dưới phủ,nên An Thái còn nhiều nhà vô chủ. Hai mẹ con chạy đến nhà tên tri áp. Sự sang trọng vượt quá sức tưởng tượng của họ. Đây rồi, căn nhà mơ ước! Nhưng hôm sau, ra chợ bà Hai lại nghe tin bọn trộm đêm qua cạy cửa vào khiêng cái tủ chè khảm xa cừ ở nhà chánh tổng. Tủ xa cừ? Trời hỡi! Sao hắn không khiêng theo mà bỏ lại! Hoài của! Có mất gì thêm không? Chắc còn nhiều đồ đạc quí giá hơn chứ!
Hai mẹ con chạy đến nhà tên chánh tổng. Lại đây rồi, ước mơ của đời mình! Mâm thau có chạm nổi, sập chén bát toàn sứ Tàu, chuồng ngựa, bàn chân nai, trường kỷ gỗ trắc có khắc đủ mai lan cúc trúc, liễn đối thêu sặc sỡ! Lại dọn nhà. Hai Nhiều tức tối vì tra chưa ra bọn ăn cắp khuôn cửa nên không có thì giờ nghe những lời khoe khoang của vợ, nhìn bao nhiêu xa hoa quí giá với đôi mắt dửng dưng. Vả lại, trong thâm tâm, ông cho rằng đấy là phần thưởng xứng đáng với chức vị và trách nhiệm to tát của mình, không có điều gì mà phải nói thêm. Công việc của Hai Nhiều tuy không còn nặng nhọc như công việc của Mẫm và Huệ trước đây, nhưng phải nhận là khá vất vả. Gần như toàn bộ những gì liên quan đến việc hành chánh đều là trách vụ của ông. Nhờ thuộc làu gia cảnh từng nhà ở An Thái, biết tường tận nét mặt, nghề nghiệp, quá khứ tính tốt và nết xấu của từng người (kể cả những đứa trẻ lên bảy) Hai Nhiều thanh lọc dễ dàng những kẻ vô lại trà trộn trong dân chúng để thừa cơ hôi của. Nghe tin Hai Nhiều về hôm trước, hôm sau chúng đã chuồn đi sạch. Hai Nhiều nở mặt nở mày, tự ngắm nghía cái uy của mình. Giọng ông nói cao lên một bậc, mắt nhìn chếch lên trên đỉnh đầu kẻ khác. Ở đình làng, chỗ làm việc chính thức của ông, Hai Nhiều đã bỏ cái tật ngồi ghé vào một góc ghế, cùng một lúc bỏ luôn cái đức nhún nhường lắng nghe kẻ khác nói từ câu đầu tiên. Gặp ông bất cứ lúc nào ở đình cũng thấy ông đang bận. Nhắc nhở cho ông nhớ rằng dân họ đã ngồi chờ ông rảnh một chút để giải quyết giùm công việc cho họ là một xúc phạm lớn lao, nặng nề đến danh dự, thế giá, uy quyền của ông.
Mà ông có nhiều uy quyền thực! Quân phủ vẫn án binh bất động bên kia cầu Phụng Ngọc, nhưng ai hiểu được chúng đang toan tính những gì? Chúng có dám vượt cầu tấn công An Thái không? Chắc chắn chúng đã tung vào làng nhiều tên do thám để nắm rõ tình hình An Thái. Đó là chưa kể những vụ cạy cửa trộm cắp vẫn chưa dứt tuyệt. Nhu cầu an ninh ở vùng đất tranh chấp đã khiến quyền uy của Hai Nhiều trở nên tuyệt đối. Vì lợi ích của chính "bà con", vì sự an toàn sinh sống làm ăn của từng người, vì giấc ngủ, muỗng cơm của từng cháu bé, vì... vì đủ mọi thứ thiêng liêng trên đời, đặc biệt đối với quê hương Hai Nhiều, ông buộc lòng chứng tỏ quyền uy của mình. Buộc lòng phải áp dụng một thứ kỷ luật sắt. Phải trừ cho hết bọn do thám và bọn trộm cắp, trước mắt là tìm cho ra và trừng phạt gắt gao bọn dám gỡ mấy khung cửa nhà ông! Ở vào hoàn cảnh ấy, bọn xu nịnh và bọn lẻo mép muốn tâng công nhờ vả hoặc thanh toán hiềm khích oán cừu tích lũy từ lâu đời thật không thiếu! Hai Nhiều nhận được nhiều nguồn tin sai, trừng phạt oan một vài người quen biết. Ông dè dặt được một lúc, lại gặp những kẻ xu nịnh lẻo mép khôn khéo linh lợi hơn. Cái trò lẩn quẩn đó làm rối đầu Hai Nhiều, cuối cùng ông phải bỏ ý định tìm cho ra thủ phạm vụ trộm dơ dáy! Ông cảm thấy uy tín bị sút giảm, uy quyền bị sứt mẻ. Chưa biết làm cách nào phục hồi thế giá của mình, Hai Nhiều may mắn được Bùi Văn Nhật khuyên nên cấp thẻ bài cho dân An Thái để dễ kiểm soát họ hơn.
Ông vồ vập chụp lấy cơ hội quí giá đó như đã vồ vập nhận lời đề nghị của Nhạc. Hai Nhiều ra nghiêm lệnh bất cứ ai đến tuổi vào sổ đinh khi ra khỏi nhà đều phải đeo thẻ bài. Mỗi thẻ lớn bằng ba ngón tay, có đề tên họ và dấu điểm chỉ của từng người. Để đề phòng bọn lưu manh làm thẻ giả, Hai Nhiều ký một chữ nhỏ vào góc phải mép trên thẻ bài. Đây là sáng kiến riêng của ông. Hai Nhiều quên nghĩ là mình ít học, mỗi lần cầm cây bút lông ông cứ lúng ta lúng túng. Tay ông run, mắt ông lại kém, vợ con ông nhìn ông đêm đêm phải nhíu mày méo miệng, đổ mồ hôi gò cho được một chữ ký vào góc thẻ, thương hại ông mà không dám nói. Cuối cùng ông tìm ra được một sáng kiến chín chắn. Thay vì ký trọn chữ Nhiều quá nhiều nét, ông chỉ khuyên lấy một cái vòng méo, cho nó xong nợ!