Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> SÔNG CÔN MÙA LŨ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 109332 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SÔNG CÔN MÙA LŨ
Nguyễn Mộng Giác

Chương 17

Vâng lệnh anh, Huệ về gấp Tây Sơn thượng để xem xét việc chuẩn bị vũ khí. Đợt tấn công mới qui mô lớn hơn trước nhiều, đòi hỏi vũ khí cải tiến thêm. Số lượng cũng phải tăng lên gấp bội. Giáo mác cung tên nghĩa quân đang dùng không đủ sức để chống lại quân triều nếu gặp địch trong các trận chiến tuyến dài và thời gian lâu. Nhạc dặn em:
- Chú phải bàn bạc kỹ với thằng Thận. Lò rèn trên đó nhỏ quá, thép lại thiếu. Chú hỏi thằng Thận thử trong vòng một tháng, có thể rèn đủ chừng ấy vũ khí không. Cần thêm bao nhiêu sắt thép, bao nhiêu thợ. Việc vận chuyển khó khăn, ta lại thiếu ngựa thồ. Tốt hơn hết, là dời ngay lò rèn xuống dưới này. Việc gấp lắm, anh mới sai chú đích thân lo liệu. Chừng nào chú lại xuống?
Huệ lẩm nhẩm tính một lúc, đáp:
- Khoảng rằm em xuống.
Nhạc lắc đầu:
- Không được. Chú bỏ đội mà đi, anh phải lo thêm việc. Mồng mười được không?
- Em sợ gấp quá. Thôi, em xuống ngày 12.
- Cũng được. Bảy ngày đủ rồi. Trừ đi mấy ngày đường, chú còn bốn ngày lo hết mọi thứ, nhưng anh tin ở chú.
Vì thời gian quá eo hẹp, nên về đến Tây Sơn thượng lúc chạng vạng, chưa kịp cơm nước và nghỉ ngơi Huệ đã tìm gặp Thận.
Thợ rèn đã về hết, nhưng Thận vẫn còn ở tại lò. Thận vừa và cơm vừa hí hoáy vẽ lên đất một mẫu đao mới. Thấy Huệ đến, Thận vội vàng bỏ đũa xuống cái mâm gỗ, định đứng dậy chào. Huệ vội can:
- Anh cứ ăn tiếp đi. Còn nhiều cơm không, cho tôi ăn với. Đói quá, lên đến đây tìm lại anh ngay.
Thận vồn vã đáp:
- Còn nhiều lắm. Tôi nấu dư để sáng mai ăn luôn thể. Chỉ sợ... chỉ sợ anh nuốt không vô. Đồ ăn dở quá. Chỉ có mắm ruột nai thôi.
Huệ ngồi xuống trước mặt Thận, cười nói:
- Không sao. Có mắm nia là nhất rồi. Có cái chén nào không?
Thận lúng túng vì sự lơ đãng của mình, vội chạy đến chỗ cái ống bể lục tìm cái chén và đôi đũa. Anh bới cho Huệ một chén cơm đầy, đổ thêm một ít mắm ra dĩa. Bị bất chợt phải tiếp khách "có uy thế" trong chỗ đơn sơ và thân tình, dù lớn tuổi hơn Huệ, Thận cũng không tránh khỏi bối rối. Anh cảm động mời Huệ:
- Mời anh ăn cơm. Không sợ thiếu đâu.
Huệ tự nhiên cầm đũa và chén. Thấy Thận không và cơm tiếp, quay mặt ra phía sau nhổ miếng cơm đang nhai xuống đất, Huệ hỏi:
- Bị sạn ạ?
Thận quay lại nói:
- Tôi lú lẫn quá đi mất. Và cơm bằng đầu đũa dùng để vẽ mẫu đao.
Hai người cùng cười lớn. Không khí dè dặt khách sáo biến mất, hai người vừa ăn vừa quay đầu đũa vẽ xuống nền đất mềm cạnh cái mâm gỗ những mẫu vũ khí, tranh luận sôi nổi về các lợi hại của từng thứ. Thận trỏ hình mẫu đao vẽ cạnh nồi cơm giải thích với Huệ:
- Cái đao kiểu này khá nặng, phải cầm hai tay lấy hết đà mà chém thì mới ngọt. Như vậy có nhiều điều bất lợi: một là sức vóc người mình nhỏ, dùng hết sức chém nhát đầu thì còn công hiệu, nhưng đến các nhát sau thì hết chính xác. Đã thế đầu đao nặng nên đà chém tăng thêm, làm mất thế quân bình. Tôi đang nghĩ xem có cách nào chế biến lại, cho con dao vừa nhẹ vừa dễ đâm và chém. Mình ít sắt nên phải làm thế nào mỗi người chỉ cần một thứ vũ khí mà dùng được nhiều việc.
Huệ và một miếng cơm, nhai vài lần, nuốt vội để nói:
- Phải đấy. Ta cần một thứ vũ khí đa dụng. Gần thì chém được, xa thì đâm được. Nếu cần cột lại làm thang để leo thành, hoặc làm cán để khiên lương thực, tải thương.
Thận e dè nói:
- Khó được như vậy lắm. Vì còn tùy thuộc vào cái cán. Để đâm gần phải dùng gươm. Đâm từ xa đã có giáo. Cán dài thì tất nhiên khó xoay trở lúc xáp sát địch.
Huệ nói:
- Theo kinh nghiệm mấy lần xáp trận, tôi thấy khó nhất là đánh từ xa. Đánh gần thì dao găm, dao quắm cán ngắn, lưỡi thật sắc nhọn cũng đủ. Lúc đó điều quan trọng là lòng can đảm, là ý chí quyết thắng. Còn đánh từ xa thì có nhiều điều phải tính toán hơn. Phải tìm đồ chắn tên, nhất là tên mang mồi lửa. Phải có cách vượt hào, leo thành. Vũ khí vì vậy cần phải dài. Tôi có ý này anh Thận nghĩ thử xem: ta thử tìm cách chế một loại vũ khí vừa đâm được, vừa móc địch mà kéo ngã được, vừa đốt cháy địch được, vừa làm thang leo thành được, cán nó dài như thế này, còn ở đầu kia... còn ở đầu kia...
Huệ trở đầu đũa vẽ xuống đất một thứ liềm rồi đăm đăm suy nghĩ, vì thấy phác đồ chưa đáp ứng được đòi hỏi, Thận cũng lặng lẽ theo dõi. Lâu lắm, trong lò rèn chỉ có tiếng cây đèn chai cháy nổ lép bép. Khói từ lò rèn tỏa nhẹ, mang theo mùi thơm nồng của một loại gỗ dại nào đó. Thấy Huệ suy nghĩ lâu quá, Thận nhắc:
- Anh ăn cơm đã.
Huệ vẫn không rời mắt khỏi phác đồ, đưa chén cơm lên và một tiếng. Anh nhăn mặt, vội vã quay sang bên phải nhổ miếng cơm trong miệng ra. Thận ngơ ngác nhưng hiểu ngay lý do, cười ha hả nói:
- Anh lại và cơm bằng đầu đũa dơ chứ gì. Khỏi cười nhạo tôi nữa nhé!
Huệ cười nhỏ chữa thẹn, trở đầu đũa và thêm một miếng cơm nữa, vừa nhai vừa hỏi Thận:
- Đòi cho được một thứ vũ khí mà làm được nhiều việc khó lắm nhỉ? Hay ta gom lại hai ba thứ vũ khí làm một, gắn lại với nhau thế nào cho thật gọn, thật chắc, khi cần tháo ra dễ dàng? Như ta chế một loại gồm cái giáo để đâm, cái liềm móc để kéo, và cái đuốc để đốt.
Thận cười, nhận xét:
- Anh tham lam quá. Tôi chịu thua rồi!
Huệ chế nhạo:
- Chịu thua sớm thế! Nghĩ chút nữa, phải tìm ra mà!
Thận muốn làm vừa lòng khách, đáp bừa:
- Vâng. Thế nào cũng nghĩ ra thôi. Nhưng anh ăn đi chứ!
Huệ lại tiếp tục ăn, không liếc nhìn cái phác đồ dưới nền đất nữa. Thận hỏi:
- Chuyến này anh lên đây được lâu không?
-Gấp lắm. Tôi bàn với anh một chuyện quan trọng ngay bây giờ đây. Anh làm ơn xới cho tôi chén nữa. Cơm cháy cũng được không sao. Chuyện như thế này. Anh biết đấy, hơn hai tháng nay ta tấn công nhiều nơi, kiểm soát được một dải dài dọc theo núi, vắt ngang qua hai phủ Qui Nhơn và Phú Yên. Nhưng cái khó là dân chưa tin chúng ta, chỉ mới qui thuận cầm chừng. Họ còn sợ quân phủ trở lại. Cho nên tình thế cứ dùng dằng, nếu theo lối cũ mà nống lấn như tằm ăn dâu thì không biết đến chừng nào mới đến sát được chân thành Qui Nhơn. Lương thực ta ít, quân số ít, thời gian càng kéo dài lòng quân càng sa sút. Ta phải đổi lối đánh thôi. Dồn hết sức lực, chuẩn bị đầy đủ lương thực và vũ khí, ta làm một mũi nhọn đánh thẳng xuống Kiên thành lập căn cứ tại đó, rồi theo đường sông ta tiến thẳng xuống phủ. Phủ Qui Nhơn mất, tất nhiên bọn hào lý các nơi sợ hãi bỏ trốn, ta khỏi mất công cử từng đội đến bao vây tấn công hết làng này đến làng khác như lâu nay. Việc của anh là vũ khí. Anh liệu xem, lò rèn này có đủ sức rèn đủ vũ khí trong vòng một tháng không?
Thận e dè đáp:
- Tôi sợ không đủ. Thợ ít quá. Còn chuyên chở sắt từ dưới đó lên đây nữa. hôm qua tôi chờ chuyến ngựa thồ...
Huệ cắt lời Thận:
- Tôi hiểu. Tôi hiểu. Hay là thế này. Ta dời trại rèn xuống dưới trạm, để tiện việc thêm thợ và sắt.
- Còn trại trên này thế nào?
- Tùy tình hình. Về được Kiên Thành, tất nhiên chúng ta phải về cả dưới xuôi, chỉ để một số nhỏ lại đóng giữ trại, phòng khi lại cần đến. Trước mắt, ta dời trại rèn xuống đó. Vâng, tôi biết anh đang lo cho gia đình. Bác Hai với chị Nhõi, hãy tạm ở trên này cho an toàn. Chỉ một mình anh xuống trước. Lúc nào ta lấy được An Thái anh hãy đem chị về luôn. Không lâu đâu! Anh cứ tin tôi đi.
*
* *
Cả buổi sáng, Huệ bận bịu nhiều việc ở lò rèn, việc nào cũng quan trọng và cấp thiết như nhau, tuy mới nhìn có vẻ như những chuyện lặt vặt. Cái tin lò rèn sẽ dời xuống dưới đèo, đối với toàn trại không có gì đáng chú ý, vô nghĩa như một chiếc lá rụng về cội mà thôi. Nhưng đối với thân nhân các thợ rèn tin đó đặt ra cho họ nhiều vấn đề.
Huệ phải tiếp một người đàn bà già yếu, tóc bạc rụng nhiều và lưng đã còng, bước đi yếu ớt phải vịn vai một đứa cháu gái khoảng 10 tuổi. Bà lão tự giới thiệu:
- Tôi là mẹ thằng Bảy Búa. Nghe nói các ông dẫn nó xuống đồng không cho ở đây nữa. Vợ nó chết lâu rồi. Hai bà cháu tôi đây thoi thóp cho đến ngày nay là nhờ nó. Bây giờ các ông dẫn nó đi, ai nuôi hai bà cháu tôi đây?
Sau đó đến lượt hai người vợ, và một ông cha. Rồi Hai Nhiều cũng đến than phiền số cuốc và rựa lò rèn cung cấp chưa đủ, việc vỡ hoang bị trễ nại sợ không kịp gieo lúa rẫy và tỉa bắp. Huệ hứa hẹn với người này, trấn an người kia, giải thích thêm nhu cầu ưu tiên của việc quân. Không có người nào hoàn toàn thỏa mãn, nhưng nét mặt của họ bớt vẻ hốt hoảng lo lắng hơn lúc đến.
Đã thế, Thận lại không dồn hết tâm trí vào việc xếp dọn lò rèn. Vẻ mặt anh có vẻ lơ đãng, hình như mải lo cho gia đình trước lúc chia xa. Huệ thông cảm tâm trạng của Thận, cáng đáng giúp Thận một số việc. Cho đến giờ ngọ, Huệ thấy Thận hấp tấp tìm anh, gương mặt rạng rỡ hẳn lên. Huệ nói đùa:
- Được chị Nhõi cho phép xuất hành rồi phải không?
Thận ngớ người một lúc, sau khi hiểu ý Huệ, liền nói:
- Không phải đâu. Tôi có chuyện cần nói với anh. Lại đây, không, lại chỗ kia, chỗ gần gốc cây có mặt đất phẳng. Thế này nhé! Hôm qua anh nói cần một thứ khí giới làm được nhiều việc, có phải không? Cả đêm hồi hôm tôi không ngủ được. Đừng cười nhạo tôi, không phải chuyện ấy đâu. Tôi nói thật mà. Tôi cứ nghĩ mãi: làm sao chắp nhiều thứ khí giới vào làm một, chẳng hạn như anh gợi ý là gom cái giáo, cái liềm móc với cây đuốc vào nhau. Tôi thấy anh nói cũng có lý. Tại sao không chế biến được? Chỉ tại ta lười suy nghĩ mà thôi. Quá khuya, lũ nhỏ đi ngủ nhà hoàn toàn yên tĩnh, tôi ngồi một mình ráng tìm. Gần sáng vẫn chưa được gì. Sáng nay tôi lại nghĩ, chắp thế nào cũng không tiện. Lúc nãy vừa nghe anh nói chuyện với ông già tôi, tôi vừa nghĩ ngợi. Dần dần tôi thấy mẫu khí giới mới dùng được nhiều việc đó hiện ra rõ ràng hơn. Tôi vẽ cho anh xem nhé.
Huệ giục:
- Thì anh cứ vẽ đi. Chuyện dông dài quá rồi.
Thận vừa lấy một nhánh cây nhỏ vẽ lên đất vừa nói:
- Vũ khí này ta dùng để đánh kẻ địch từ xa, nên cần loại cán dài (1) . Tôi nghĩ phải dài như cỡ cái dao, hay một cái sào. Trên đầu sào có trét dày một thứ nhựa dễ bắt lửa, như là nhựa dầu chai chẳng hạn. Bên ngoài lớp nhựa có quấn một lớp lá. Như vậy là ta có một cây đuốc rồi nhé. Bây giờ ở đầu sào này ta buộc thêm một cái gậy ngắn. Buộc bằng gì ư? Bằng dây dừa chắc chắn, hoặc bằng xích sắt, miễn là phải quấn thế nào để khi ta vung mạnh một cái, khúc gậy ngắn có buộc nhiều lưỡi câu sẽ bắn ra xa hơn. Như vậy là ta thêm được một cái đoản côn và cái liềm móc đấy nhé! Khi ra trận, ta đốt nhựa cho cháy rồi lao sào ra phía trước, những giọt mưa vung bắn vào quần áo, thân thể kẻ địch. Chúng sẽ bị cháy, hoặc nhẹ hơn nữa cũng phải lúng túng nên bị bắt sống. Một bộ phận điều khiển ở cán sào có thể giúp ta khóa mở nút buộc cuộn dây cột cái côn ngắn vào đầu sào. Nhờ đó, khi cần đánh địch ở tầm xa hơn, ta múa sào, lao mạnh đầu gậy vào địch. Đầu gậy có nhiều móc câu nàu đủ sức đập chết kẻ địch, đánh gãy gươm giáo của chúng, hoặc móc đúng vào quần áo và kéo ngã chúng xuống. Tôi mới nghĩ đến đó chưa kịp nghĩ bộ phận điều khiển sẽ như thế nào.
Huệ chú ý theo dõi hình vẽ loại vũ khí mới do Thận sáng chế, càng nghe càng khâm phục tài chế tạo của người thợ rèn. Thận giải thích xong, ngửng lên dò xem phản ứng của Huệ. Huệ rạng rỡ nét mặt, nắm lấy hai cánh tay Thận giật giật, tỏ dấu vui mừng, nói với Thận:
- Anh nghĩ được một kiểu khí giới lạ lắm. Chưa biết khi đem ra dùng sẽ gặp các khó khăn nào, nhưng tôi tin là phải thành công. Xuống trạm đặt xong ống bễ, ta bắt tay làm thử cái mẫu khí giới này, cái... cái gì nào? Lao, côn, đuốc, câu đều không đúng cả. Anh tìm cho nó cái tên đi!
Thận đỏ mặt vì mừng rỡ và ngượng, lúng túng nói:
- Đặt tên ư? Tôi chịu! Đến tên đứa con trai đầu lòng tôi còn chưa biết đặt như thế nào, đến nay vẫn gọi là thằng Cu.
Huệ suy nghĩ một lúc, đề nghị với Thận:
- Nhất định dùng vũ khí này thì quân địch phải chết khiếp, sợ ta như sợ cọp. Không chết cháy thì cũng vỡ đầu bươu trán vì đoản côn lao tới. À, tôi nghĩ ra rồi. Ta đặt nó là cọp lửa. Hoặc nói cho văn hoa thì là "hỏa hổ". Hỏa hổ, hay lắm. Hỏa hổ. Cọp lửa. Anh xem tên nào được hơn?
Cứ thế, hai người bàn cãi liên miên về công dụng loại vũ khí mới, quá bữa cơm trưa lúc nào không biết. Đến xế chiều, các thợ rèn bu đến hỏi Thận đủ việc, Huệ mới có cơ hội ghé qua trại chính để gặp Lữ.
*
* *
Huệ ghé thăm nhà ông giáo vào sáng hôm sau, theo lời gửi gắm của thầy. Anh muốn đến sớm hơn, nhưng có một sức mạnh nào đó cứ làm vướng chân anh. Hai lần trên đường đến lò rèn đi qua nhà ông giáo, Huệ đều dùng dằng, lo âu vu vơ, khổ sở, xấu hổ vì cảm giác e ngại xao xuyến khác thường của mình. Cả hai lần ấy cửa nhà ông giáo đóng, nhờ thế Huệ yên tâm hơn, tự cho rằng mình đã cố làm đủ bổn phận.
Buổi sáng Huệ đến nhà thầy, anh cũng lo lắng, chần chừ, hồi hộp y như hai lần trước. Khác một điều là cửa nhà ông giáo mở. Anh không có cách tự dối mình nữa, phải bỏ đường lớn rẽ vào nhà thầy.
Anh vừa thất vọng vừa vui mừng khi chỉ gặp Láng ở nhà. Lãng trách:
- Nghe anh lên từ hôm kia. Báo hại hai chị em cứ lóng ngóng chờ anh mãi!
Huệ cảm thấy nhịp chảy của máu nóng trong thân thể dồn dập rộn rã hẳn lên. Mí mắt anh giật. Hơi nóng râm ran ở đầu mũi. Lòng anh bồn chồn, như sắp ôm trọn được tất cả những gì đáng mơ ước nhất của một đời người trước đôi mắt ghen tị, thèm thuồng của thiên hạ. Lãng nói tiếp hai ba câu gì đó Huệ không nghe rõ, anh chỉ nghe tim mình đập quá mức thường. Đến lúc tai Huệ tỏ hơn, anh nghe Lãng nói:
-... Chị ấy cứ nhất quyết bảo tại em. Em cũng nhất quyết bảo không phải thế. Người khác có thể không hiểu em, cho em là đứa hèn. Chứ anh thì không. Em nói: để anh ấy đến đây em sẽ hỏi. Chị đừng đoán già đoán non nữa. Chị ấy nói hỏi làm gì, có hỏi người ta cũng không nỡ nói thật. Em tức quá, hai chị em cãi nhau cả buổi tối.
Huệ chỉ hiểu lờ mờ, nên hỏi Lãng:
- Nhưng hỏi cái gì? Hỏi ai?
Lãng ngớ người, hỏi Huệ:
- Hỏi ai ư? Hỏi anh chứ còn ai nữa!
- Mà hỏi chuyện gì chứ?
- Em vừa nói đấy. Chị An cứ đổ thừa tại em hèn nhát bỏ trốn về đây mà anh giận, không thèm đến đây nữa. Có thực đúng như vậy không?
- Sao lại giận Lãng? Lãng về hay ở lại, có ảnh hưởng gì đến tôi đâu!
- Thế mới nói! Em bảo em ở đội của ông Tuyết, sau đó chuyển qua làm với anh Lợi...
Huệ vội hỏi:
- Rồi An bảo thế nào?
- Chị ấy nói em loanh quanh cãi nhăng. Em bảo chỉ có chị là lăng nhăng. Không thế tại sao bỏ công nấu nướng giúp người ta, lại ngăn không cho em dẹp quách cái bàn thờ kia đi.
Huệ quay lại, thấy cái bàn thờ Lợi bày hôm giỗ mẹ vẫn còn đó. Trong lư hương, một nén nhang tàn đã lâu, cọng tàn màu trắng cong mình gục xuống mặt gạo vương vãi những đám tro khác. Huệ cảm thấy đau nhói ở lồng ngực, lòng hân hoan tiêu tán hết. Sự thực chua chát đáng sợ đã xảy ra ở đây rồi. Điều ta lo âu, không thể tránh khỏi được. Những lời đồn đãi không phải hoàn toàn vô căn cứ. Tại sao điều mọi người đều thấy, đều đoán trước mà ta không thấy? Cái gì che mắt ta? Cái gì lừa dối ta? Cái gì? Niềm hy vọng vu vơ lãng đãng, bám víu vào một ánh mắt, một câu nói, một cái cúi đầu thẹn thùng, một vẻ bối rối, một cách nói lửng lơ? Tất cả chỉ là những lầm lẫn hay giả trá, đáng thương hay đáng ghét vì dù ở trong trường hợp nào, Huệ vẫn tự thấy mình ngu ngơ quá chừng. Huệ liếc nhìn cái bàn thờ một lần nữa, trước khi quay hỏi Lãng:
- Sao không có nhang khói gì cả?
- Em thì không ưa ngay từ đầu. chị An nói tội nghiệp, bà cụ chết thảm, chỉ còn một mình anh Lợi lo nhang khói thôi nên xin phép cha em cho đặt bàn thờ. Chị ấy thắp được vài hôm, sau cũng quên luôn. Nhưng khi em định dẹp bàn thờ đi, chị ấy không chịu.
Huệ cố giấu sự vui mừng, hỏi tiếp:
- Làm sao hai chị em biết tôi đã về?
-Mấy bác thợ rèn đi làm về kháo nhau, làm ồn cả xóm chỉ vì mấy bà vợ không muốn xa chồng. Với lại sáng hôm qua, tụi em có thấy anh đi lên trại. Em định gọi, nhưng chị An ngăn lại.
- Sao vậy?
- Chị ấy bảo người ta đã khinh không thèm đến, thì gọi làm gì.
Huệ cười, lòng hoàn toàn hớn hở. Lãng hỏi:
- Anh nói thật nhé. Anh có khinh em hèn nhát không?
- Sao lại hèn nhát?
- Ấy là người ta nói thế. Người ta xem em là đồ vô tích sự. Bảo em sợ chết nên trốn về đây. Em nghe chỉ cười, không thèm cải chính. Em tin là anh hiểu em.
- Có lẽ tôi hiểu Lãng thuộc một cuộc đời khác, cảm nhận mọi sự ở đời theo một lối không giống nhiều người. Chẳng hạn tôi đoán xem có đúng không nhé, chẳng hạn Lãng cho tất cả những gì mọi người đang làm, nào rèn vũ khí, nào đánh giết nhau, nào thua nào thắng, tất cả những cái đó đều không có ý nghĩa, đều vô ích. Đều chỉ là trò lăng xăng, chẳng những không đi tới đâu, mà còn lầm lẫn nữa.
Lãng nghẹn lời, không nói được gì thêm, nhìn Huệ như nhìn một người thấu thị, một thầy phù thủy đọc được huyền vi của đời sống như đọc chữ trên trang sách mở.
Lãng nuốt nước bọt cố dằn xúc động, hỏi Huệ:
- Nếu em nghĩ như vậy, thì đúng hay sai?
Huệ cười:
- Vừa đúng vừa sai. Nhưng chúng mình không nên tranh luận nhau làm gì. Chờ lúc khác vậy. Bây giờ Lãng cho tôi biết vài điều để xuống dưới trạm, thầy có hỏi tôi còn biết cách đáp. Sao, lâu nay ở nhà có gì lạ không?
- Không có gì lạ. Vẫn thường.
- Lãng làm gì?
- Em vào đội làm rẫy. Buổi chiều em có giúp anh Lữ vài chuyện vặt, như xem lại sổ sách, viết bản kết toán. Chừng nào cha em về, anh?
- Chắc còn lâu đấy. Thầy bận túi bụi.
- Thế mà hôm đi cha em bảo chỉ khoảng vài ngày.
- Vài ngày sao được! Nhiều nghĩa quân, kể cả các đội trưởng, đến nay vẫn chưa biết hoàng tôn Dương là ai, tôn phù hoàng tôn Dương thì được lợi cái gì. Chính mình khởi xướng mà còn ú ớ thế thì làm sao nói cho dân chúng họ tin được. Cho nên thầy phải đi hết đội này đến đội nọ giải thích. Tức cười, có nhiều người hỏi những câu bất ngờ lắm.
Lãng tò mò hỏi:
- Bất ngờ thế nào anh?
- Họ nói hoàng tôn cũng là hạng con vua cháu chúa, lấy gì bảo đảm khi hoàng tôn lên ngôi, đời sống của họ sẽ khá hơn trước? Họ hỏi thế Đức Thầy Cả đi đâu rồi? Giữa Đức Thầy Cả và hoàng tôn, sau này ngôi thứ phân làm sao, ai cao ai thấp? Họ còn đùa nghịch bảo hoàng tôn được gọi là chị Dương. Thế sau này khi đã thành công, hoàng tôn có buộc mọi người đàn ông phải gọi nhau bằng mụ, mệ, chị, mẹ thằng cu hay không? Vất vả lắm! Công việc của thầy không dễ dàng đâu!
*
* *
An ở ngoài rẫy về bắt gặp Huệ và Lãng đang cười đùa ồn ào về những câu pha trò của nghĩa quân. An về, cuộc nói chuyện khựng lại, mất hết tự nhiên. Huệ e ngại những câu nói tục giữa đàn ông con trai với nhau đã lọt vào tai An, còn Lãng đã bắt đầu nhận ra rằng Huệ đến đây không phải vì mình, và nếu biết điều, nên tìm một cớ nào đó để ra khỏi nhà. Nhưng Lãng vẫn còn thích nói chuyện với Huệ, nên cậu cứ lóng ngóng, nửa muốn đứng dậy, nửa muốn ngồi nán lại. An bảo em:
- Sao không rót nước mời khách. Thằng này chẳng được việc gì cả.
Huệ vội can:
- Thôi, khách khứa gì. Khỏi phải đi nấu nước, Lãng ạ. Nếu siêng, đi nấu cơm giúp cho chị thì hơn.
An hấp tấp nói:
- Nó nấu không được đâu. Không khê thì lại sống.
Lãng ngơ ngác chẳng hiểu chị muốn mình đi xuống bếp hay muốn mình ngồi lại tiếp chuyện. Kể cả Huệ cũng không hiểu. Không khí trong phòng đầy e dè, ngượng ngập, không ai biết hai người kia định làm cái gì, định nói chuyện nào. Cuối cùng, Lãng phải đứng dậy nói với chị:
- Để em ra phía sau nhà ôm củi vào.
An định ngăn em lại, nhưng nghĩ sao, lại để mặc cho Lãng bước ra khỏi phòng. Hai người im lặng nhìn nhau, chưa ai tìm ra được câu nào cho tự nhiên để xóa tan sự lúng túng. An che giấu bối rối bằng cách cầm cái bình trà rót nước đã nguội lạnh ra chén. Tay cô hơi run, nước trà theo chiếc vòi cong chảy leo xuống đáy bình, nhỏ cả ra khay. An đẩy chén nước về phía Huệ, lấy hơi để thêm bạo dạn, cố hỏi Huệ bằng giọng vui vẻ, tự nhiên nhất:
- Anh về lúc nào?
Huệ trả lời mà quên cả suy nghĩ:
- Tôi mới về!
An cười nhỏ, nhìn thẳng vào mắt Huệ trách:
- Em hỏi thế thôi, chứ đã biết anh về ba hôm nay rồi.
Huệ lúng túng biện hộ:
- Nhiều chuyện gấp quá, tôi không có thì giờ đến thăm cô với Lãng.
- Vâng, em biết lúc nào anh cũng có nhiều việc quan trọng phải làm. Thăm em với Lãng, thì lúc nào chả được.
- Không phải thế đâu.
Chờ một lúc chưa nghe An nói gì, Huệ tiếp:
- Trước khi đi, thầy căn dặn mãi là phải tạt qua đây xem nhà có bình thường không. Thầy dặn nếu cái mái sau bị gió xốc lên, trời mưa dột thì khỏi cần phải thay tranh. Lãng nên tìm vài thanh nứa cột chặt lại là đủ. Thầy còn nhắn An lục trong cái hộp giấy để ở trên đầu tủ, gần chỗ bó sách đó, An tìm cho thầy chai rượu ngâm mật gấu gửi người mang xuống.
Những chi tiết vụn vặt của đời sống riêng tư trong gia đình có sức mạnh xua tan những e dè khách sáo giữa hai người, nhất là những lời dặn dò của ông giáo chuyển lại qua lời Huệ. An cảm động, nhìn Huệ thấy được hình ảnh một người anh ân cần lo lắng cho đời sống mình. Cô dịu dàng hỏi:
- Cha em có đau yếu gì không, anh?
- Thầy vẫn khỏe. Gần như thầy khỏe và trẻ hẳn lên. Đi đứng nhanh nhẹn, nói cả ngày không biết mệt. Nhiều lúc thầy vừa giảng giải vừa pha trò, còn chen cả chuyện tiếu lâm nữa. Anh em thích lắm.
An ngạc nhiên hỏi:
- Cha em giảng giải cái gì? Giảng giải cho ai?
Huệ kể sơ lược công việc ông giáo như vừa kể cho Lãng. Dĩ nhiên Huệ không nhắc đến các chi tiết có thể làm đỏ mặt An. Nghe xong, An lo ngại nói:- Thế là lại bắt đầu vào trận mới!
Huệ hăng hái đáp:
- Vâng, chuyến này ta sẽ xuống sâu hơn... Ta nhất quyết phải về cho được quê nhà. An sửa soạn về An Thái đi!
An buồn rầu nói:
- An Thái đâu phải quê em.
- Không phải An Thái thì quê An ở đâu nữa!
- Em cũng chẳng biết.
Huệ an ủi:
- An đừng buồn. Người ta thường nói "về quê". Nhưng đâu mới là quê hương ta? Như gia đình tôi chẳng hạn. Nếu căn cứ vào nguồn gốc tổ tiên, thì quê hương chúng tôi ở tận Hưng Nguyên ngoài Nghệ. Gần hơn, nếu kể đến đời ông nội thì quê hương là đây, nơi ông tôi bị đày lên phá rừng lập nghiệp. Đến đời cha tôi, dời nhà xuống Kiên Thành thì quê hương là Kiên Thành. Cho nên quê hương là chỗ để về, nơi có một mái nhà, có những người thân yêu, có những kỷ niệm đẹp nhất của một đời. Nơi một hòn sỏi, một gốc cây cũng đủ khiến ta bồi hồi xúc động. Đó, tôi nghĩ quê hương phải như vậy. An xem thử mái nhà quay về hướng tây đó, chái nhà học, cái chợ gần bến sông, cây gạo "thơm tho" từng làm chúng ta nghi ngờ nhau, cái miễu giữa đồng trống, những mùa gặt, rồi nào chuyện vui buồn... tất cả những thứ đó ở An Thái có làm cho An bồi hồi hay không. Nếu có, thì An Thái nhất định là quê An rồi.
An cảm động quá, bao nhiêu kỷ niệm cũ dồn dập hiện về, cô rơm rớm nước mắt khi nhớ lại những vui buồn đã qua, muốn trả lời Huệ mà không nói được. Huệ bảo:
- An có nhớ cái thời đó không?
An đáp nhỏ, hơi nghẹn:
- Suốt đời không bao giờ em quên được!
Giọng Huệ mừng rỡ:
- Thế thì An Thái là quê hương của An đó!
An thì thào:
- Em mong thế!
- Sao lại mong.
- Em sợ lúc trở về, chỉ còn cảnh điêu tàn mà thôi!
- Điều đó không thể tránh khỏi. Rồi ta lại xây nhà mới. Không thể nào tìm lại mọi thứ y như lúc trước đâu. Chính chúng ta đây cũng đổi khác rồi. Chúng ta lớn khôn hơn, dày dạn hơn. Thời đó An chỉ mới là một cô bé. Bây giờ... Huệ nhìn đăm đăm vào mặt An, chỉ thấy một mái tóc lòa xòa, một cái trán da trắng, và một cái mũi thanh tú. Huệ không dám nói hết ý mình, sợ có điều gì quá lộ liễu, ba hoa, xúc phạm đến lòng tự ái và khiêm nhường của cô gái. An hơi ngửng mặt lên. Huệ thấy thêm một cặp mắt buồn, và đôi môi mím lại, như cố nén một tiếng khóc.
Bên ngoài, đột nhiên gió rừng thổi mạnh, chỗ mái nhà dột ông giáo căn dặn Lãng sửa, tranh bị xốc lên, những mụn tranh mục rơi lả tả xuống chỗ Huệ ngồi. Huệ ngồi im không dám đưa tay lên phủi bụi trên áo và mái tóc, sợ làm xao động sự suy nghĩ của An. An nói thật nhỏ:
- Lại sắp có bão rừng. Em sợ lắm! Chừng nào anh lại đi?
Huệ cảm thấy lòng chùng xuống, nói dối:
- Công việc ở đây còn nhiều. Chắc phải ba bốn hôm nữa!
(1) Theo Nguyễn Văn Huyên trích lại trên Văn Nghệ Nghĩa Bình số 11 xuân Kỷ Mùi 1979.

<< Chương 16 | Chương 18 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 182

Return to top