Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> SÔNG CÔN MÙA LŨ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 114408 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SÔNG CÔN MÙA LŨ
Nguyễn Mộng Giác

Chương 66

Ngay sau khi vào phủ Chúa, Long Nhương tướng quân sai Lãng đem một toán quân đến giữ cung điện nhà vua. Nguyễn Huệ căn dặn:
- Tuyệt đối không được làm náo động cung khuyết. Cả Hoàng gia còn ở lại không đi đâu cả, như vậy tức là bản mật tấu đã đến tay nhà vua. Cậu thảo ngay một tờ thỉnh an, rồi đưa ngay cho ta đóng ấn.
Lãng xúc động vì được tham dự vào một công việc trọng đại của lịch sử, nghĩ tới lúc được diện kiến vua Lê, tay run, nét chữ cũng run rẩy theo. Anh phải viết đến lần thứ ba bản tâu mới tương đối chỉnh. Trong lúc đó, Nguyễn Huệ ra lệnh cho Phò mã Vũ Văn Nhậm:
- Kinh thành đang xao xác hoảng loạn, thế nào cũng có cảnh cướp bóc. Hãy coi chừng hỏa hoạn, vì phần lớn nhà cửa trong thành đều lợp tranh. Ta giao việc trị an cho anh đấy. Ra ngay nghiêm lệnh cấm quân sĩ không được động đến của cải dân chúng, dù là một cọng rau, bát nước. Ai phạm tội cướp bóc, bất kể dân hay lính, cứ chém đầu cho chúng nó sợ. Anh ra lệnh ngay đi. Những gì phải làm sau khi hạ được thành, anh đã quen quá rồi, ta khỏi cần nhắc!
Vũ Văn Nhậm vái chào Nguyễn Huệ, tất tả đi về lầu Ngũ Long. Ra đến cửa phủ Phò mã quay lại. Nguyễn Huệ ngạc nhiên hỏi:
- Còn gì nữa đấy?
Vũ Văn Nhậm do dự, hình như ngần ngại chưa muốn nói ngay. Nguyễn Huệ phải giục:
- Có gì cần cứ nói đi.
Vũ Văn Nhậm đáp:
- Ông Bằng (Nguyễn Hữu Chỉnh) cũng định đặt bản doanh tại lầu Ngũ Long. Bất tiện quá. Xin Tướng quân ra lệnh hắn tìm nơi khác.
Nguyễn Huệ chau mày bảo:
- Tìm chỗ nào nữa! Chẳng lẽ đem hắn vào phủ này. Thôi, tạm thời anh ở phía trước, hắn phía sau. Việc ai nấy lo. Hắn đâu rồi?
Vũ Văn Nhậm cười nhạt nói:
- Hắn đang được bọn xu nịnh Bắc hà công kênh, thầy tớ nói cười tíu tít. Ồn ào quá lắm. Vì vậy tôi mới...
Nguyễn Huệ cắt lời Phò mã Nhậm:
- Cho quân hầu sang báo ta cần gặp ông Bằng ngay. Còn chuyện kia, sau hãy tính.
Vũ Văn Nhậm đi rồi, Nguyễn Huệ mới cầm lấy tờ thỉnh an của Lãng vừa chép lại ngay ngắn cẩn thận để đọc thật kỹ. Nguyễn Huệ đọc lại lần thứ hai, quay hỏi Lãng:
- Sao lại đề niên hiệu Thái Đức? Phải dùng niên hiệu Cảnh Hưng chứ!
Lãng nhớ ra, lại chép tờ thỉnh an khác.
Khi anh đến cửa thành, bên trong cung điện mọi người đang dáo dác lo sợ. Lính tráng chạy qua chạy lại, nhiều người định chạy ra cửa thấy toán quân Tây Sơn, líu ríu sợ hãi, lại chạy trở vào. Rồi có ba bốn người mặc áo sa và lụa sang trọng Lãng đoán là người Hoàng tộc dìu một cụ già ra phía vườn sau. Vài người con gái Lãng đoán là cung nhân núp sau rèm nhìn ra, rồi trốn vào trong nhường chỗ cho người khác. Lãng vội đến ngay cửa vào Cung điện quì xuống, hai tay nâng tờ thỉnh an ngang trán.
Một lúc lâu mới có vài người rời chỗ núp ra sân điện, rụt rè chỉ trỏ về phía Lãng. Rồi hai người mặc áo lụa thắt lưng nhiễu đỏ không có râu (Lãng đoán là quan thị) mạnh dạn tiến về phía cửa. Theo sau có ba lính hầu. Hai quan thị không ai muốn đi trước, nên cứ liếc nhìn nhau, bước chân chậm để tránh trách nhiệm. Do đó hai người cùng tiến về phía Lãng. Anh muốn nói một câu gì đó cho thật trang trọng, thật văn hoa, cho phù hợp với nhiệm vụ quan trọng, nhưng cổ họng Lãng nghẹn. Anh không nói được gì cả, cứ lẳng lặng quì gối, hai tay run run cố giữ nguyên bản thỉnh an ngang trán. Hai quan thị thấy thái độ nhún nhường của Lãng, yên lòng hơn, đến thật gần viên tùy tướng Tây Sơn.
Họ chờ xem Lãng có nói gì không, còn Lãng thì nôn nao chờ họ nhận tờ thỉnh an cho xong việc. Cả hai bên đều lúng túng. Cuối cùng, viên quan thị đứng phía phải đưa tay nhận tờ thỉnh an, rồi vội vã quay vào.
(1) Hôm sau, trời vừa sáng rõ, Lãng đã tháp tùng Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh vào điện Vạn Thọ. Họ dừng lại ở cửa cung, viên quan thị nhận ra Lãng, liếc nhìn Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh giữa đám tùy tướng oai vệ nghiêm chỉnh, đoán ngay khách quí là ai. Ông ta lật đật trở vào tâu cho vua Lê Hiển Tôn biết.
Họ chờ không lâu, đã thấy một người tuổi trạc ba mươi mặc áo gấm mầu vàng tự xưng là hoàng tử ra kính cẩn vái chào, rồi lốm thốm đi trước dẫn đường. Qua hai căn phòng có phủ rèm hơi tối bài trí hơi sơ sài, họ đến một căn phòng mái cao hơn, đồ đạc quí giá, bày biện đẹp và trang nhã. Sát một vách tường gỗ màu nâu mặt bóng phản chiếu ánh nến, có một cái sập sơn son thếp vàng, chung quanh phủ màn the màu vàng nhạt. Trong phòng thiếu ánh sáng mặt trời vì cửa sổ phía bắc và phía đông đóng kín, nhưng đèn hoàng lạp đủ chiếu sáng mọi vật, tạo vẻ ấm cúng và hòa hợp với mầu vàng êm ả của màn trướng và đồ đạc. Các quan thị, và lính hầu đứng hai bên cái sập phủ màn the, lặng lẽ chờ đợi.
Nguyễn Huệ vừa đến trước sập ngự thì màn được vén lên. Vài tiếng xì xầm nhắc nhở. Hai viên quan thị vội đến sát sập nâng nhà vua dậy. Nguyễn Huệ biết nhà vua đang bệnh, nên không chờ trông rõ mặt vua Lê, cũng không chờ nhà vua lên tiếng, cung kính sụp xuống lạy năm lạy và vái ba vái. Bọn quan thị và lính hầu quên cả sợ, trố mắt nhìn con người oai danh lừng lẫy nam bắc đang khoan thai, chậm chạp lạy vị vua già bệnh theo cách lạy lạ mắt của phương Nam.
Vua Lê thì thào sai hoàng tử đến nâng Nguyễn Huệ dậy, và mời đến ngồi vào cái sập đặt ngay cạnh sập ngự. Nguyễn Huệ từ chối, lễ phép bảo không dám. Vua Lê phải lên tiếng kéo nài hai ba lần. Nguyễn Huệ mới đến ngồi ghé vào một góc cuối sập, một chân bỏ thõng xuống dưới sập
Vua Lê cố dằn một cơn ho do xúc động thái quá, nheo mắt nhìn về phía Nguyễn Huệ nói:
- Hôm qua quả nhân có nhận được tờ thỉnh an. Hôm nay lại được diện kiến, thật đáng mừng. Chỉ tiếc quả nhân không được khỏe, tiếp quí ông thế này, thật là không phải.
Nguyễn Huệ vội nói:
- Thần vốn là một tên dân ở đất Tây Sơn, gặp thời nổi dậy, chưa từng được mặc áo của bệ hạ, ăn đến lộc của bệ hạ. Nhưng vì thánh đức của bệ hạ truyền đi xa rộng, nên tuy ở nơi mán mọi, thần vẫn rất kính mến. Ngày nay được thấy long nhan, cũng do lòng chí thành của thần xui nên đấy thôi.
Vả lại, cũng vì họ Trịnh vô lễ, lấn bức Hoàng thượng đã lâu, cho nên hoàng thiên mới mượn tay thần diệt trừ họ Trịnh, cho tỏ oai quyền của bệ hạ. May mà thành công được thế này, cũng do hồng phúc của bệ hạ mà ra. Nay thần chỉ cầu mong thánh thể được khỏe mạnh, cai trị thiên hạ, cho thần được may nhờ chút phúc thừa.
Nhà vua đáp:
- Đa tạ ông có lòng quá hậu đối với quả nhân, phải trèo đèo lội suối đến đây, lính tráng tôi tớ đều phải một phen vất vả. Tiếc rằng quả nhân làm vua thanh bạch giản dị, không có gì để biếu tặng.
Nguyễn Huệ nói:
- Thần vì nghĩa tôn phù mà đến đây, đâu dám kể công lao. Vả chăng chuyến này thần ra cũng bởi ý Trời, không phải sức người làm được. Nếu bảo là thần có hậu tình riêng với bệ hạ mà kéo quân ra, thì những quân lính, thuyền bè thần có thể điều khiển, nhưng đến chuyện nước lụt rút xuống, gió nồm mạnh lên, há phải sức thần làm nổi? Đó thực là Trời muốn bệ hạ thống nhất bờ cõi, để lưu lại nền móng cho vạn ức năm sau. Từ nay, thần xin bệ hạ chấn chỉnh giềng mối, yêu kẻ trong, nuôi kẻ ngoài, đưa cõi đời này lên cảnh thái bình. Ấy là thần được bệ hạ ban tặng nhiều lắm vậy!
Rồi quay về phía Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ nói:
- Người này là bề tôi cũ của bệ hạ đấy.
Nguyễn Hữu Chỉnh liền bước đến trước sập ngự lạy chào. Hoàng tử ghé sát nhà vua thì thầm. Vua Lê phán cho Chỉnh ngồi. Nguyễn Huệ lại nói:
- Ông này đội ơn tước lộc của bệ hạ chưa được nhiều lắm. Thế mà lòng trung thành của ông ấy đối với bệ hạ thật có một không hai trong nước. Thần được đến đây chính là nhờ phần lớn vào công sức giúp đỡ của ông ấy.
Vua Lê nói:
- Chỉnh biết trung nghĩa như vậy, cũng nhờ ông gây dựng nên.
Nguyễn Hữu Chỉnh dập đầu tạ:
- Thật đúng như lời dạy của Thánh thượng.
Nhà vua vỗ về an ủi vài câu, rồi Nguyễn Huệ cáo từ:
- Hiện giờ thánh thể không được yên lắm, ứng tiếp mãi e mệt quá, thần xin tạm lui về nơi đóng quân. Từ nay trở đi, thần xin thỉnh thoảng lại vào chầu thăm. Nếu bệ hạ muốn hỏi han điều gì, thần xin cung kính vâng lời.
Vua Lê nói:
- Quả nhân có nước mà không được dự, khoanh tay, rũ áo hơn bốn mươi năm. Nay lại già yếu lẩm cẩm, việc nước, việc quân đều không quen thạo. Ông đã có lòng tôn phù, thì xin ở lại "tệ quốc" để giúp quả nhân. Đừng bỏ quả nhân!
Nguyễn Huệ vội đáp:
- Thần chỉ vâng mệnh vua anh đi lấy Thuận Hóa. Nay đã ra đến đây, cũng là mượn việc nọ mà làm việc kia, nên không dám ở lâu. Tuy vậy bốn phương vẫn còn chưa yên, thần cũng phải đánh dẹp một phen cho yên rồi mới xin về.
Nhà vua cảm tạ, rồi nhắc hoàng tử bảo trà đồng bưng trà ra đãi khách. Nguyễn Huệ ung dung ngồi uống mấy tuần trà rồi mới xin phép cáo lui.
*
* *
Nhờ kinh nghiệm quân lương, mà Lợi được cử theo đạo quân tiên phong của Nguyễn Hữu Chỉnh, để phụ trách chuẩn bị lương thực sau khi chiếm được kho thóc hơn một trăm vạn hộc ở Vị Hoàng. Việc điều động dân Sơn Nam xay giã bấy nhiêu thóc trong vài ngày, việc trưng dụng tất cả ghe thuyền để vận lương chờ sẵn tiến về phố Hiến, với biết bao nhiêu phức tạp bên trong, không phải người nào cũng đảm đương nổi. Chỉ có Lợi! Bao nhiêu kinh nghiệm ở Gia Định thật hữu ích cho anh, nhờ vậy Lợi trở thành một thứ chuyên viên khó tìm được một người thứ hai.
Do đó khi tiến từ phố Hiến lên Thăng Long, Lợi lại được ủy thác trách nhiệm kiểm kê, tịch thu, thu hồi tất cả của cải tài sản thuộc công khố và gia đình những đại thần, tướng tá nhà Trịnh đã bỏ chạy. Anh dẫn một toán lính đông đảo đến chiếm giữ các kho tàng, công thự, và những nhà vắng chủ (dĩ nhiên chỉ chú trọng đến các thế gia vọng tộc và nhà giàu có trong thành). Ngay sau khi vào Thăng Long, Lợi đã lo đi rảo khắp nơi để cắt đặt công việc.
Với đôi mắt nhà nghề, Lợi dạo khắp Thăng Long với nỗi thất vọng ê chề. Gần như anh bước hụt, vì không ngờ kinh thành Bắc hà có vẻ đơn sơ, tầm thường như vậy. Nói là thành cho lớn chuyện, thực ra chỉ là một loại hàng rào làm bằng tre (2), trừ phủ Chúa và cung điện nhà vua lợp ngói, còn thì hầu hết phố xá đều là nhà tranh cất chen chúc hai bên những con đường hẹp. Lính dưới quyền Lợi khỏi phải nhọc công vì cửa ở các dinh thự và nhà giàu có đều mở sẵn. Chỉ có những ngôi nhà tranh nghèo nàn là kín cửa. Liếp phên cửa sổ hạ xuống. Cửa lớn phần nhiều là khuôn gỗ bọc quanh tấm phên tre trát phân trâu được khép chặt, nhiều nơi gia chủ còn cẩn thận dùng dây mây buộc kỹ. Lợi tò mò tìm đọc những hàng chữ viết bằng than trên tường phía trước. Chỗ thì chủ nhà viết: "Nhà có chủ". Chỗ khác: "Nhà không có gì, cứ đẩy cửa vào", hoặc "Chờ cha lâu quá, con và mẹ chạy về phía Từ Liêm" hay "Cửa không cài then, xin đừng phá". Lợi suýt phá lên cười khi đọc một lời dặn dò rất kinh điển "Sở kỷ bất dục, vật thi ư nhân". Anh đoán đây là nhà của một nho sĩ. Thử đẩy cửa vào xem phía trong, Lợi thấy cảnh nhà tiều tụy, đồ đạc không có gì quí giá. Chỉ có sách vở vứt bừa bãi khắp gian trước. Đúng là mạt thời của nghiệp nho rồi!
Không phải tất cả dân chúng Thăng Long đều đã chạy trốn khỏi kinh thành. Nhiều người còn ở lại, phần lớn là dân lao động nghèo không còn gì phải sợ, kể cả cái chết và viễn tượng phải sống dưới một tên bạo chúa, tham quan khác. Nhưng những kẻ cùng đinh này còn biết sợ tai bay vạ gió, nên họ cũng khép cửa lại, chờ toán lính Tây Sơn qua khỏi mới dám hé cửa nhìn trộm những người Đàng Trong vừa chiến thắng.
Ngoài đường phố, cảnh hỗn loạn tan tác còn bày ra đó. Chỗ nào cũng có quần áo lính Tam phủ, gươm giáo, súng ống, gậy, nón vứt bừa bãi. Trong cơn hoảng hốt, chúng đã cởi bỏ quân phục vũ khí để hoặc tìm thay đồ thường dân, hoặc cứ ở trần như vậy mà chạy chung với dân Thăng Long. Chúng tưởng khôn ngoan, quên rằng ở trần mà chạy và cái giọng Thanh-Nghệ nặng tai của chúng khó che mắt được ai. Vì thế chạy đi đâu, lính Tam phủ cũng bị dân Thăng Long làm nhục nhã đủ đường. Họ không bao giờ quên thái độ kiêu lộng của chúng trong những năm qua. Lợi nghe bọn lính dưới quyền kể lại một mẩu chuyện vui: ( 3) Hôm đó, có một người cởi trần trùng trục từ phía trong thành hốt nhoảng chạy ra, khi qua cửa ô, bị dân ở đó trông thấy. Họ liền chỉ mặt và nói: "Thằng bụng phệ kia có lẽ là lính Nhưng-Kiệu, kéo cổ nó lại đánh chết đi". Người ấy vội đáp: "Không phải. Tôi là quan Huyện úy huyện Thọ Xương đây mà". Mọi người cùng cười ồ. Họ kháo nhau: "Người ta vẫn bảo ông Huyện to bụng, thật không sai tí nào".
Phố xá buồn thiu, xơ xác, khói còn bốc lên từ những ngôi nhà bị cháy trong chiến trận. Mùi thuốc súng lởn vởn trong không khí. Những xác chết vô thừa nhận nằm lây lất khắp nơi, máu loang thành vũng kéo đến hằng hà sa số ruồi nhặng. Những con chó hoang đến kề mõm ngửi vào xác chết, do dự, gần như bần thần chán ngán, rồi lại tìm ngửi những xác khác như cẩn thận lựa lọc cho được một thức ăn hợp khẩu vị nhất. Đường sá vắng vẻ, nhưng không phải không có ai đi lại. Lâu lâu, Lợi gặp những toán người ăn mặc lam lũ hình hài tiều tụy đi nép theo lề phố trở ngược vào trong thành. Đàn ông, phần lớn là người già cả, đi trước. Phía sau là đàn bà và con nít, người nào cũng ôm trước ngực hoặc mang ở cánh tay một bọc nhỏ đựng quần áo và lương thực. Người lớn mặt mày hớt hải lo âu, còn trẻ em thì phụng phịu có lẽ hờn dỗi vì lỡ một chuyến phiêu lưu thú vị. Lợi chận một gia đình hồi cư khác thường ấy lại. Họ sợ hãi dồn lại một góc phố, trẻ con và đàn bà chạy núp sau lưng đàn ông. Lấy giọng ôn tồn hiền lành, Lợi hỏi:
- Sao các bác lại về? Không sợ chúng tôi à?
Cụ già đứng phía trước cố dằn sợ hãi, đáp:
- Quý ngài tha tội cho. Chúng tôi nhà nghèo, không đủ tiền trả tiền đò.
Lợi cười, hỏi tiếp:
- Chúng nó đòi giá cao quá phải không?
- Dạ vâng. Bọn bất lương, thừa cơ vơ vét của người ta. Chúng đòi như vậy chỉ có bọn nhà giàu đủ tiền mà thôi. Vả lại ngoài bến sông cũng không còn được mấy chiếc. Các nhà quan và bọn các lái đã thuê bao đò từ hai hôm trước.
Lợi nói:
- Việc gì phải chạy. Mà dù có chạy, việc gì phải trả tiền. Cứ ùa nhau xuống đò, chúng nó dám đuổi lên không?
Cụ già đỡ sợ hơn trước, phân bua:
- Ấy, người ta cũng cứ chen lấn trèo đại lên đò. Có chiếc chìm. Có chiếc phải tách bến sớm, con cháu đi được còn cha mẹ ở lại. Nhiều đứa bé rơi xuống nước không ai thèm cứu. Gia đình tôi toàn già cả yếu đuối, không có sức chen, nên phải liều trở về thôi. Xin quí ngài thương xót, không nỡ...
Lợi vội nói:
- Về là phải. Chúng tôi ra đây để diệt họ Trịnh tôn phù vua Lê, chứ có muốn làm khổ dân nghèo các bác đâu. Để tôi sai lính đưa các bác về. Các bác ở phố nào?
Cụ già vội đáp:
- Dạ không dám phiền các ngài. Chúng tôi ở gần đây thôi. Không biết bọn vô lại có vào nhà vơ vét mọi thứ hay không?
- Bọn trộm cướp hôi của à? Bác biết chúng nó là ai, đã cướp của nhà bác thứ gì, cứ báo cho chúng tôi. Đã có nghiêm lệnh của bề trên rồi đấy. Bác báo cho biết, chúng tôi phập (Lợi giơ bàn tay lên cao giả làm lưỡi đao chém xuống) thế là xong.
Toán người hồi cư vui mừng, líu ríu cảm ơn, rồi tiếp tục men theo dọc phố đi khuất sau một khúc quanh. Lợi gặp một toán khác gồm một người chồng mặc áo the ôm khư khư chiếc tráp gỗ mộc và một người vợ mặc áo nâu đang ẵm đứa bé bọc trong cái khăn cũ và bẩn mầu cháo lòng. Lợi hỏi lại:
- Ông bà dám trở về à?
Người chồng sợ quá, líu ríu không nói được gì. Người vợ thút thít khóc trả lời thay chồng:
- Trăm lạy các ông. Nhà tôi chỉ là một ông ký quèn ở Giáo phường ty. Ngàn lạy các ông. Xin tha cho nhà tôi.
Lợi trỏ cái tráp hỏi:
- Ông giấu thứ gì trong này?
Người vợ được dịp trách móc chồng:
- Dạ ai đời người ta chạy loạn thì ôm vàng ôm bạc để lo thân. Ông nhà tôi lại sợ mất giấy tờ quan trên quở trách, đi đâu cũng kè kè mang theo. Giặc đã đến bên đít còn lục soạn ba cái tờ giấy vụn. Chạy đến bến đò thì không còn chiếc đò nào nữa. Ông đã sáng mắt ra chưa. Không nộp cho quan còn ôm khư khư nó làm gì! Khổ thân mẹ con tôi!
Lợi nhìn kỹ anh chồng, thấy mặt anh ta xanh xám vì sợ. Lợi không nỡ làm tình làm tội anh ta nữa, trỏ về phía trước nói:
- Thôi. Ông ấy muốn giữ để chờ quan nhà Trịnh về thì cứ việc giữ. Chúng tôi không lấy làm gì. Nhưng này, ông có thấy nhà Chúa trốn đằng nào không?
Người vợ cướp lời chồng:
- Dạ xin quí ông xét cho, chúng tôi thấp cổ bé miệng làm sao biết được mặt mũi nhà Chúa.
Lợi bắt đầu chán, cho phép họ đi không hỏi gì nữa. Người vợ sợ Lợi đổi ý, đẩy mạnh vào lưng anh chồng nhát. Đi được một quãng xa, hai vợ chồng cùng ngoảnh lại xem chừng. Thấy Lợi và toán lính còn đứng đó nhìn theo, họ ù té chạy. Bọn lính phá ra cười.
*
* *
Vài hôm sau, số người lục tục kéo nhau về càng đông. Vấn đề lương thực cung cấp cho cả quân lính Tây Sơn lẫn dân Thăng Long hồi cư trở nên cấp bách. Lợi lại phải lo tổ chức các trạm phát chẩn cho dân nghèo. Nhờ số thóc lớn lao tịch thu được ở Vị Hoàng, Tây Sơn đã tạo được thiện cảm và lòng tin của dân kinh thành bằng phương thức cụ thể, thiết thực nhất. Các chiến thuyền thì được lệnh sang bên kia sông chở tất cả dân chúng hồi hương, nên số người trở về thật đông. Phố xá mở cửa trở lại. Những liếp tre cửa sổ được chống lên, giống như những đôi mắt bạo dạn bắt đầu dám mở và nhìn thẳng ra đường. Tàn tích chiến tranh được dọn dẹp mau chóng. Sinh hoạt trở lại bình thường dần dần. Bắt đầu bằng tiếng cười nô đùa của trẻ thơ. Chúng chạy ra đường vây quanh những người lính Tây Sơn tò mò nhìn y phục lạ mắt của họ. Có đứa rắn mắt dám đến sờ lên giáo mác, súng điểm thương và hỏa hổ của họ. Đứa tinh nghịch thì hỏi chuyện lính Thuận Hóa để nghe những tiếng "mô, tê, răn rứa" rồi chạy thật xa, nhại lại, để cười với nhau. Rồi đến lượt các cụ già. Họ rủ nhau ra cửa Đại Hưng để xem Hịch chiêu an, và các bố cáo quan trọng ngày nào cũng có dán. Thôi thì đủ thứ bố cáo, tờ nọ dán chập lên tờ kia: nào là lệnh truyền cho dân chúng phải đem nộp tất cả vũ khí và tài sản công hiện còn cất giữ, lệnh báo ngay tên tuổi chỗ ở những tên vô lại vừa phạm tội trộm cướp, hôi của; lệnh truyền các quan lại triều trước phải đến trình diện tại lầu Ngũ Long; lệnh truy nã tay chân họ Trịnh; lệnh phát chẩn lương thực cho dân đói; lệnh cấm ra đường ban đêm; lệnh nộp các giấy tờ sổ sách của các Bộ, Ty, Sở thất lạc trong lúc giao tranh hỗn loạn; lệnh cấm oa trữ đầu cơ gạo thóc; lệnh họp chợ...
Chợ trong kinh thành bắt đầu đông, nhưng dễ hiểu là người mua nhiều mà kẻ bán không được bao nhiêu. Người ta đi sắm thức ăn từ dầu mỡ cho đến tương chao, mắm muối như là săn cọp giữa đồng. Thấy có ai mang chút ít đồ mặn nào là các bà nội trợ bu đến giành giật, đến nỗi dù có muốn bán lấy tiền đong thêm gạo, những người có của cũng không dám mang hàng ra bày giữa chợ. Phải bán dấm dúi như là buôn hàng trái phép.
Rồi người ta lại nhớ đến các món rau quả tươi. Dân ngoại thành chưa hoàn hồn, e ngại tên bay đạn lạc trong chỗ kinh thành khói lửa nên không dám mang đồ xanh vào thành. Con buôn phải thuê đò qua bên kia sông mua rau tại vườn mang về. Họ bán lại giá gấp đôi gấp ba ngay tại bến, và khi ngọn rau đến tay người mua, giá đã tăng lên gấp năm gấp mười. Nhu cầu thúc đẩy sự cung cấp. Chẳng bao lâu, các cô hàng rau chung quanh Thăng Long ríu rít gánh đủ các thứ hoa quả, rau ráng vào Thăng Long. Họ thích bán thẳng cho các trại lính Tây Sơn, vì được giá cao, lại bán trọn cả gánh một cách chóng vánh. Họ lại được nghe giọng nói lạ tai, nhìn cách cư xử, sinh hoạt của những con người mà qua lời đồn đãi, họ tưởng là những hung thần chỉ biết trợn mắt quát tháo.
Thực tế hoàn toàn trái ngược. Các cô các bà chỉ gặp những con người bình thường. Có người đã lớn tuổi bằng chú bác các cô. Có anh mặt mày non choẹt như em các cô. Họ cũng ăn uống kham khổ như các cô, bữa cơm chỉ có rau luộc và mắm. Cho nên từ e dè, sợ sệt, người mua và kẻ bán trở nên thân mật gần gũi. Những anh lính Tây Sơn bắt đầu chòng ghẹo các cô hàng rau Bắc hà, theo cái kiểu bộc trực thẳng tuột hết sức ngộ nghĩnh.
Các cô cũng gặp nhiều điều bất ngờ đến thú vị. Một hôm cô hàng rau làng Đông Anh bị các bạn cặp đôi với một anh lính trẻ Tây Sơn. Anh ta lúc nào cũng đội khư khư cái nón mo cau sơn bạc trên đầu, dù đứng trong chỗ bóng mát cây cối um tùm. Nghe các cô gái tinh nghịch cắp đôi như vậy, bạn bè anh lính vùng phá lên cười. Còn nạn nhân thì đỏ mặt tía tai, hai bàn tay bối rối hết líu ríu chắp lại van nài tha cho, lại đưa lên níu chặt lấy hai đai nón. Bọn lính trẻ tinh nghịch xô lại ôm lấy anh ta, giằng cái nón xuống. Các cô hàng rau thấy gì nào? Thấy một cái đầu trọc tuếch. Và các cô cười đến chảy cả nước mắt rồi bẽn lẽn bỏ đi khi biết anh lính Tây Sơn tội nghiệp là một sư chú ở Thuận Hóa. Mô Phật! Các cô đâu có ngờ đem chuyện tình ái tinh nghịch vào cửa Thiền!
*
* *
Lãng lật đật vào báo với Nguyễn Huệ là có một tên Tuần huyện mang xác Chúa Trịnh Khải đến nộp để xin lãnh thưởng. Lúc đó Nguyễn Huệ đang nói chuyện với Vũ Văn Nhậm. Cả hai đứng bật dậy. Nét mặt viên Tả quân (Vũ Văn Nhậm) hớn hở trông thấy. Nguyễn Huệ cố giữ vẻ điềm tĩnh, ngón tay phải cứ đưa lên quệt nhiều lần trên đỉnh mũi theo thói quen mỗi khi xúc động. Nguyễn Huệ ngơ ngác như muốn tìm vật gì. Tả quân Nhậm hỏi:
- Tướng quân tìm gì vậy?
Nguyễn Huệ vỗ tay vào thanh kiếm vẫn đeo bên hông, cười chữa thẹn:
- Lẩm cẩm quá đi mất. Nào, ra xem mặt mũi Chúa xem sao!
Xác Trịnh Khải được khiêng đến kinh thành bằng một chiếc võng trân cũ đã rách ở vài chỗ. Khi Nguyễn Huệ đến, phu khiêng võng đã hạ đòn tre xuống, cái võng trải trên nền đất xộc xệch nên thân thể Chúa cũng sõng soài, đầu và hai chân thò ra khỏi mặt võng. Cái khăn chữ đinh Chúa dùng để cải trang đã rơi ra ngoài, và tên Tuần huyện xem đây là bằng chứng quí giá tài xét đoán nhanh nhẹn chính xác của mình, đã cẩn thận buộc vào thắt lưng xác chết. Trịnh Khải có khuôn mặt khá đẹp trai, tuy tóc tai bù xù da xanh mét nhưng từ khuôn mặt ấy vẫn tỏa ra vẻ kiên cường tự tín. Nguyễn Huệ cúi nhìn vết thương sâu và dài ở trước cổ, rồi ngước lên hỏi:
- Ai là người chém được Chúa Trịnh?
Một người đàn ông trạc bốn mươi có đôi lông mày rậm và khuôn mặt lưỡi cày tiến đến trước, cúi đầu chắp tay vái chào Nguyễn Huệ, rồi nói với giọng hãnh diện:
- Dạ thưa Ngài, chính tôi.
Nguyễn Huệ nghiêm mặt hỏi:
- Anh tên gì? Làm gì?
Người đàn ông hơi khớp, giọng bắt đầu ấp úng:
- Dạ.. dạ thưa...
Lãng đứng bên cạnh nhắc:
- Đây là Long Nhương tướng quân.
Người đàn ông mừng rỡ tiếp lời:
- Dạ thưa Tướng quân, tôi là Nguyễn Trang, làm chức Tuần huyện.
Nguyễn Huệ hỏi:
- Làm sao anh chém được Chúa?
Tuần huyện Trang đáp:
- Dạ thưa không ạ. Chúng tôi bắt được ông ấy định giải về đây cho Tướng quân. Nhưng đến nửa đường, ông ấy chụp dao tự đâm cổ chết.
- Một mình anh bắt được Chúa à?
- Dạ một mình tôi ạ!
Nguyễn Huệ cười, mỉa mai:
- Anh giỏi nhỉ.
Tuần huyện Trang chột dạ, ấp úng nói tiếp:
- Dạ cũng có thêm bạn bè và thuộc hạ của tôi giúp đỡ. Nếu không...
Nguyễn Huệ cắt lời Trang, hỏi:
- Chúa cải trang thế này, làm sao anh biết là Chúa?
Huyện Trang đáp:
- Dạ chỉ nhìn qua cảnh thầy trò ông ấy đóng trò vụng về là đoán ra ngay. Vả lại...
- Thầy trò nào? Anh nói chẳng đầu đuôi gì hết. Kể lại từ đầu xem nào.
Một người vóc nhỏ có khuôn mặt choắt như quả cau đứng gần Huyện Trang vội lên tiếng:
- Dạ thưa Tướng công, ông ấy nghi có đến hỏi tôi, tôi xác nhận đúng là Chúa. Nhờ thế...
Nguyễn Huệ hỏi Tuần huyện Trang:
- Người nào nữa đây?
Huyện Trang liếc nhìn người vừa lên tiếng, cau mày khó chịu, nhưng cũng phải trả lời:
- Dạ thưa đây là ông Ba Đóm.
Người ấy vội nói:
- Thưa tôi là Nguyễn Noãn, cháu Lan Quận công Nguyễn Trực.
Nguyễn Huệ thấy câu chuyện nhì nhằng mãi, đâm bực, lớn tiếng bảo:
- Thôi, hai người kể lại từ đầu xem. Ai nói trước?
Nguyễn Noãn tranh lời Tuần huyện Trang, kể:
- Dạ khi "ông ấy" trốn đến huyện Yên Lãng thì gặp tôi. Lúc đó ông ấy còn dẫn theo nhiều quân quan voi ngựa, chứ chưa có vẻ thất thế lắm. Vì vậy tôi phải vờ qui thuận, ra quì bên đường mà tâu rằng: (4) Ngày trước tôi vâng mệnh Chúa đi mộ quân, hiện đã mộ được 500 tên đang chờ ở bờ bắc con sông này. Xin Chúa ngự giá qua bắc về tạm làng tôi, đóng tạm ở đó ít lâu rồi hãy tính việc sau này". Ông ấy tin tôi, sai gọi lái đò chở qua sông. Nhưng bao nhiêu chân sào bến đò nghe gọi sợ hãi lánh đi hết cả. Tìm mãi mới được ba chiếc thuyền nhỏ, mỗi chiếc chỉ chở được mười ba, mười bốn người.
Nguyễn Huệ sốt ruột, giục:
- Kể gọn lại. Về sau tại sao Chúa sa vào tay Tuần huyện Trang?
Tuần huyện Trang được dịp may, láu liến nói:
- Ông Ba Đóm nói quanh khiến ông ấy nghi, mới hỏi quanh đó có viên Tiến sĩ nào không. Ông Ba Đóm bảo chỉ có viên Thiêm sai Lý Trần Quán hiện đóng quân tạm tại Hạ Lôi.
Nguyễn Huệ bực quá, gắt:
- Lại thêm tên Thiêm sai nào nữa? Sao lúc nãy anh bảo chỉ có một mình anh?
Tuần huyện Trang sợ hãi, vội đáp:
- Dạ Thiêm sai là thầy cũ của tôi. Thầy tôi gọi tôi đến bảo: "Có quan Tham tụng Kế liệt hầu Bùi Huy Bích tránh loạn đến đây, ta muốn phiền anh hộ tống ra khỏi địa phận". Tôi chưa hay biết gì, nên xin vâng. Tôi theo thầy đến gặp Kế liệt hầu. Tôi cũng chưa có ý nghi ngờ gì cả. Đến chỗ hẹn, tôi thấy một người trẻ tuổi đứng giữa ba bốn người nét mặt đã già mà không có râu. Người trẻ tuổi thấy chúng tôi đến, liền trỏ thầy tôi hỏi: "Người nào thế?". Một người không có râu khép nép thưa: Đấy là Thiêm sai Lý Trần Quán. Tôi chú ý quan sát thầy tôi, thấy Thiêm sai còn khép nép cung kính với người trẻ tuổi hơn cả bọn không râu nữa. Tôi đâm nghi, tự hỏi: Nếu thầy là chỗ quen biết cũ với Kế liệt hầu, sao thầy lại khúm núm quá độ như thế. Vả lại, tại sao Kế liệt hầu không biết mặt thầy? Hơn nữa trước đây tôi có nghe bọn lính kháo nhau rằng Kế liệt hầu là viên Tham tụng lão nhược ra cầm quân nhất định phải thua Tây Sơn, sao bây giờ ông lão hóa thành thanh niên? Lại thêm bọn không có râu này nữa! Đích thị là bọn quan thị trong cung cấm rồi! Tôi nghi, nhưng trong lúc thầy tôi thì thầm với "ông ấy", tôi giả vờ như chưa hiểu gì. Thầy tôi yên tâm giao cho tôi hộ vệ ông ấy ra khỏi địa phận Hạ Lôi. Tôi xin vâng. Chờ thầy tôi đi xong, tôi tụ tập thêm chục thủ hạ đến đưa ông ấy qua một tòa nhà khác, rồi lớn tiếng hỏi: "Ông có phải là Đoan Nam vương thì cứ nói thật với tôi. Nếu không, hễ có việc gì, ông đừng có trách". Ông ấy liền đáp: "Sao anh đoán xằng vậy? Ta là quan Hành Tham tụng Bùi Huy Bích đây mà". Tôi nói: "Ông chớ nói dối người ta. Cái ẩn trạng của thầy trò nhà ông, lúc nãy tôi thấy cả rồi, còn che mắt được ai nữa. Từ xưa đến nay, hưng phế là việc thường, ông cũng không thể tránh khỏi. Đừng có giấu diếm làm chi cho nhọc thân". Ông ấy đổi sắc mặt.
Nguyễn Huệ không dằn được tò mò, vội hỏi:
- Chúa có nói gì không?
Tuần huyện Trang đáp:
- Dạ ông ấy tức giận, tất nhiên phải thế. Ông ấy tận số mà còn hách dịch cái giọng đế vương. Ông ấy nói: "Vua chúa phải có mệnh trời. Chính thật Đại nguyên súy Đoan Nam vương là tao đây. Nếu có chết về tay mày cũng là mệnh trời. Tha hồ cho mày làm gì thì làm".
Nguyễn Huệ hỏi:
- Anh giải Chúa đi nộp sao để cho ông ta tự vận?
Trang bối rối, lo sợ đáp:
- Dạ tôi không ngờ trước. Giải đến giữa đường, ông ta kêu mệt. Tôi không nỡ ép, cho vào nghỉ tạm trong một quán nước. Ông ấy vớ ngay con dao của nhà hàng tự đâm vào cổ. Tôi vội dằng con dao lại, nhưng vết thương khá sâu, máu phun tung tóe. Ông ấy muốn mau chết, đưa ngón tay chọc vào vết thương xé to ra. Tôi vội giữ tay lại. Máu vẫn phun như suối. Một lát, ông ấy vật vã đau đớn, đòi được uống nước. Tôi bưng nước đến, ông ấy hớp vài ngụm thì chết.
Nguyễn Huệ xúc động, đưa tay lên quệt chóp mũi hai ba lần, rồi cúi xuống vỗ vào xác Trịnh Khải nói:
- Tiếc cho cậu trai trẻ đẹp. Giả sử lúc đầu sớm chịu hàng, thì đâu có mất phú quí. Sao lại phải tự giết mình cho khổ? (5)
Nói xong, Nguyễn Huệ đứng lặng một lúc lâu. Mọi người đều im lặng chờ. Một con nhặng xanh bắt mùi máu tanh tìm đến, tiếng vo ve rõ mồn một. Nguyễn Huệ quay lại bảo Tả quân Nhậm:
- Cho đem xác bêu ở cửa Tuyên Vũ cho thiên hạ biết, rồi sai khâm liệm tống táng theo cung cách vua chúa. Vũ Văn Nhậm băn khoăn hỏi:
- Theo cách tống táng vua chúa là thế nào ạ?
Nguyễn Huệ bật cười:
- Ta cũng không biết. Đi hỏi Hữu quân (Nguyễn Hữu Chỉnh), nhất định ông ấy sành quan hôn tang tế theo kiểu Bắc hà.
Vũ Văn Nhậm sa sầm nét mặt. Mọi người dợm bước vào thì Tuần huyện Trang vội nhắc:
- Thưa Tướng quân, chúng tôi từ Hạ Lôi lên đây...
Nguyễn Huệ chợt nhớ, cười lớn, rồi hỏi:
- Anh đòi thưởng công chứ gì? Được. Anh xứng công lắm. Ta phong cho anh làm Tráng nghĩa hầu, gia chức Trấn thủ Sơn Tây.
Tuần huyện Trang hớn hở ra mặt, liên tiếp cúi gập người lạy tạ. Yên tâm với chức vị mình, Trang mới nổi lòng hào hiệp nghĩ đến các cộng sự viên. Trang ấp úng thưa:
- Dạ... dạ thưa Tướng quân... dạ...
- Chưa đủ sao? Còn gì thêm nữa?
- Dạ còn ông Ba Đóm, bạn tôi...
Nguyễn Huệ quay phắt về phía Nguyễn Noãn hỏi:
- Anh cũng đòi thưởng chứ gì? Anh là gia thần của họ Trịnh phải không?
Nguyễn Noãn đoán Nguyễn Huệ đặt câu hỏi để đề cao thái độ dứt khoát với họ Trịnh của mình, nên vội vã đáp:
- Thưa phải. Thân phụ tôi là Nguyễn Thưởng, vốn là gia thần Chúa Trịnh.
Nguyễn Huệ liền bảo Tả quân Nhậm:
- Tên phản trắc này có dùng cũng chẳng ích gì. Chỉ nuôi ong tay áo. Đem chém hắn đi!
*
* *
Lợi tìm đến lầu Ngũ Long để hỏi Nguyễn Hữu Chỉnh về Kiến xuyên hầu Trương Đăng Quỹ. Khi kinh thành thất thủ Kiến xuyên hầu đem gia đình chạy ra vùng ngoại thành. Đến khi có ngự chỉ triệu về, Kiến xuyên hầu phải đem gia đình trở lại kinh. Lúc đó mới thấy dinh cơ của mình đã có một toán lính Tây Sơn chiếm giữ. Việc rắc rối lên tới Lợi. Lợi cũng không hiểu Kiến xuyên hầu là ai, thuộc phe cựu thần Chúa Trịnh phải sung công tài sản hay chỉ là một văn thần có thể lưu dụng? Lợi phải đến hỏi Hữu quân Nguyễn Hữu Chỉnh. Cảnh lầu Ngũ Long phía sau ồn ào đông đúc bao nhiêu, thì phía trước vắng vẻ hiu quạnh bấy nhiêu. Chỉnh là người Bắc hà, quen biết giao thiệp rộng. Nay đang ở buổi đắc thế, không thiếu người tìm đến nhờ vả đủ việc. Các quan được vua triệu hồi cũng phải đến ra mắt Chỉnh để nghe sắp xếp công việc. Bà con thân nhân đến nhờ nhõi. Bạn bè đến chúc mừng để nhắc nhở tình cũ. Kể cả kẻ thù hiện thất thế cũng đến van xin để được yên thân. Trong lúc đó, phía trước lầu nơi Tả quân Vũ Văn Nhậm đóng, không có ai ra vào cả.
Chỉnh biết cái thế khó xử của mình, nên đặt một tên lại ngồi ở trước cổng khu Ngũ Long, hễ có ai đến thì mời họ sang phía trước lầu để yết kiến Nhậm. Lợi cũng bị "hướng dẫn" như thế. Nhưng anh phải giải quyết gấp vụ trả nhà cho Kiến xuyên hầu, nên vào cổng xong, Lợi rẽ về phía sau lầu.
Từ sau trận Vị Hoàng, Nguyễn Hữu Chỉnh không trực tiếp điều khiển Lợi nữa, nên lần này hai người cư xử với nhau thân mật tự nhiên, bỏ qua tất cả dè dặt tôn ti giữa kẻ trên và người dưới.
Lợi nhận thấy Nguyễn Hữu Chỉnh hí hửng, linh hoạt như cá gặp nước. Chỉnh có cái vẻ bận rộn tíu tít của một người đang tận hưởng sự quan trọng của mình. Ngồi nói chuyện với Lợi, Chỉnh không hoàn toàn chú tâm vào các lời trao đổi. Khi gọi một viên lại già vào dặn điều này, khi sai bảo quân hầu điều khác. Không còn ai để sai nữa, thì luôn tay lục soạn giấy tờ, rồi than quá nhiều việc, làm đêm làm ngày không xuể. Lợi định đứng dậy ra về thì một người khách nữa bước vào phòng Chỉnh.
Viên Hữu quân vội vã chạy ra tận cửa phòng rối rít chào mừng:
- Kìa, bác Long. Từ trưa đến giờ tôi chờ bác mãi. Không, bác cứ vào đi. Toàn anh em trong nhà cả mà. Sao bác đến chậm thế?
Người khách cười, rồi bảo:
- Hữu quân hại tôi, rồi còn hỏi! Đặt chi cái tên lại già ngoài cổng thế? Tôi thì hắn còn lạ gì, ngày nào không tới đây. Thế mà lúc nẫy hắn cứ nằng nặc đòi tôi phải vào trước lầu gặp Tả quân cho được. Tôi giả vờ thuận, vào trong cổng rẽ về phía này. Hắn tức quá, chạy theo lôi áo tôi lại. Nhì nhằng cả buổi hắn mới cho đi.
Nguyễn Hữu Chỉnh mời khách ngồi đối diện với Lợi. Lợi chắp tay vái chào. Người khách chào lại, gương mặt do dự e dè vì chưa biết Lợi là ai, có thể tiếp tục ăn nói tự nhiên thân mật với Chỉnh được không. Nguyễn Hữu Chỉnh đoán được tâm trạng bạn, vội nói:
- Đây là ông Lê Tấn Lợi, người thang mộc ấp, quan Bộ binh phụ trách quân lương. Chỗ thân tình của tôi đấy. Thân tình chẳng kém gì giữa tôi với bác. Còn đây là bác Đỗ Thế Long người Thanh Trì, cũng bị họ Trịnh bỏ ngục một chỗ với tôi. Tôi thì may mắn vào được Qui Nhơn, còn bác Long thì chịu cực khổ cho đến ngày ta hạ được họ Trịnh. Chính tôi sai người thả cho bác Long ra đấy.
Hiểu rõ thân thế của nhau, Đỗ Thế Long và Lợi bớt dè dặt hơn. Không khí trong phòng bớt khách sáo. Long thấy cần phải nói vài lời cầu thân với Lợi:
- Chắc ông quen biết với Hoàng gia ngay từ thời chưa dựng nghiệp?
Lợi được vuốt ve niềm tự ái tự cao lớn nhất, hãnh diện đáp:
- Vâng. Quả có thế. Tôi làm việc với nhà vua từ thời còn buôn nguồn. Lúc đó mọi việc thu chi trong nhà đều do tôi cả.
Long nói:
- Thảo nào nhà vua giao việc quân lương cho ông. Nghe nói các kho tàng trong phủ Chúa vẫn còn nguyên không mất mát gì, phải thế không ạ?
Lợi đáp:
- Vâng. Chúa Trịnh bị bọn quan văn xúi dại, không biết người biết ta, nên không tẩu tán kho tàng dắt gia đình trốn đi, lại dàn quân chống cự, tưởng giữ được thành. Đến lúc thua chỉ chạy thoát lấy thân. Rồi cả cái thân cũng không thoát. Gớm, dân chúng bu đen ở cửa Tuyên Vũ cố xem cho được mặt Chúa. Tôi đến đây, phải chật vật lắm mới chen qua được. Họ có xem thấy gì đâu! Bọn lính lười khiêng xác đến vứt đó rồi giao cho bọn canh cửa Tuyên Vũ lo. Cái xác nằm nghiêng, đầu tóc xổ ra che kín mặt, làm sao mà xem!
Nguyễn Hữu Chỉnh liền nói với Long:
- Chúa không chịu tin lòng ta, nên tự hủy hoại đời mình. Nếu Chúa còn sống, chắc ta sẽ đặt vào một địa vị thanh nhàn, không để phải mất cả danh tộc. (6)
Đỗ Thế Long định nói gì đó, nhưng liếc nhìn Lợi, ngần ngại. Chỉnh thấy vẻ do dự của Long, liền nói:
- Tôi đã bảo bác chớ ngại! Tôi với anh Lợi đây tuy kẻ bắc người nam nhưng gan ruột của nhau đã hiểu nhau cả. Tôi thích cái đức nói thẳng của bác, chẳng kém những bài hát quốc âm của bác đâu! Mấy ngày nay từ khi bác ra khỏi ngục, bác khuyên điều gì, tôi đều tuân theo. Chắc bác đã thấy.
Đỗ Thế Long liếc nhìn Lợi một lần nữa, rồi mím môi suy nghĩ một chút, trước khi hỏi Chỉnh:
- Ông có ra cửa Tuyên Vũ chưa?
Chỉnh đáp, mắt mở to vì kinh ngạc:
- Tôi cần gì phải ra đấy? Ra xem mặt Chúa à?
Đỗ Thế Long nói:
- Thế thì đáng tiếc. Ông phải ra đấy mà không có quân đi trước dẹp đường, quân đi sau hộ tống, ra đấy như một sĩ phu Bắc hà lỡ vận, mặc áo the vá cắp dù gẫy chen chúc với mọi người. Ra đấy để nghe thiên hạ nói về ông.
Nguyễn Hữu Chỉnh xúc động, chồm người về phía Long hỏi gấp:
- Họ nói gì về tôi? Bác đừng giấu. Cứ nói thẳng những gì họ nói kể cả những gì bác nghĩ.
Đỗ Thế Long không dè dặt nữa, nhìn thẳng vào đôi mắt hoang mang chờ đợi của Chỉnh mà nói: (7)
- Cái việc mà ông đã làm, tiếng là nhân nghĩa, thật ra chỉ là tàn tặc. Ngày nay, ông có thể nghiêng non, lật bể, cố nhiên là nhờ "quí quốc" giúp cho. Nhưng khi ông mới xuất thân, nào cầm quân, nào phong hầu, cái gì không phải là ơn nhà Chúa. Nay ông lấy tiếng phù Lê diệt Trịnh để kéo quân ra, thật là quá tệ. Nếu bảo nhà chúa hiếp chế nhà vua là việc có lỗi, thì sao không nghĩ đến cái công tôn phù hằng hai trăm năm trời. Theo người mới phản người cũ tức là bất nghĩa, bới cái lỗi để lấp cái công tức là bất nhân. Bất nghĩa, bất nhân tức là tàn tặc. Kẻ đại trượng phu lập thân, có thể tự mình đứng vào chỗ tàn tặc được ư?
Nguyễn Hữu Chỉnh bị bất ngờ, da mặt tái mét, môi trên run run. Ông thảng thốt hỏi:
- Đấy... đấy là lời thiên hạ, hay ý của bác?
Đỗ Thế Long thấy Chỉnh xúc động, hơi sợ, nhưng vẫn mạnh mẽ đáp:
- Đấy là những điều sĩ phu Bắc hà nghĩ về ông.
Nguyễn Hữu Chỉnh im lặng hồi lâu để trấn tĩnh, rồi mới đáp chậm:
- Gây dựng là ơn riêng của một người, cương thường là nghĩa lớn của thiên hạ. Tôi vì sự tôn phù nhà Lê mà làm việc này, cốt để chống đỡ cho nền cương thường. Đó là một việc chí nhân, đại nghĩa. Vậy mà bác lại bảo là tàn tặc, chẳng phải là bác nói quá tệ ư? Nếu không phải tôi nghĩ sai, thì chắc là bác nói quá.
Đỗ Thế Long như một mũi tên đã bắn ra, không dằn được phẫn kích, nói:
- Nhà vua vốn đã được tôn sẵn, cần gì đợi ông tôn phù? Chẳng qua ông chỉ mượn cớ đó để làm trôi cái mưu cướp bóc đó thôi. Nhưng nhà nước đương như cái bình vàng không mảy may sứt mẻ, bỗng chốc vô cớ ông đưa "người ngoài" tới đây (Long cố gắng lắm mới khỏi liếc về phía Lợi), làm hại chủ súy, làm hại nhân dân, người trong thiên hạ sẽ cho ông là beo, sói, diều, quạ. Gọi là tàn tặc chưa phải là quá lời. Nay ông dựa vào thế lực nước ngoài, chẳng qua cũng như cáo mượn oai hùm mà thôi. E rằng lòng người còn nhớ họ Trịnh, chắc phải có ngày sinh biến. Rồi nữa "người ta" bỏ ông mà về (lần này Long không dằn được, phải liếc về phía Lợi), ông đem cái thân cỏn con để cõng cái tội tày trời, làm thế nào mà đứng vững được với thiên hạ?
Nguyễn Hữu Chỉnh càng tức giận hơn, hai hàm răng cắn chặt lại. Nhưng cuối cùng, ông cố đổi sắc mặt, vui vẻ hỏi theo giọng nửa đùa nửa thật:
- Vậy thì "ông bạn của giống heo, sói, diều, quạ" bảo "giống heo, sói, diều, quạ" nên làm thế nào đây?
Đỗ Thế Long thấy Chỉnh đổi sắc mặt ra vui, và nghe cái giọng đùa cợt của Hữu quân, lòng mừng vì nghĩ bạn cũ không giận vì lời nói thẳng thô bạo, nên hạ thấp cái giọng công kích gay gắt xuống thành lời tâm sự nhỏ nhẹ:
- Tôi hiểu lòng ông, ông ra chuyến này, chẳng qua vì ngài Trấn thủ trước (chỉ Quận Huy) mà trả thù với bọn lính Tam phủ. Nay bọn kiêu binh đã bị diệt, ấy là chí ông đã toại. Nếu ông xoay lại những điều đã định từ trước, khéo điều đình với "quí quốc", khiến họ mãn nguyện ước muốn mà rút quân về, rồi ông chọn ở trong dòng họ Trịnh, kiếm người khá lập nên làm Chúa, còn ông thì làm vị Phù tá. Đó là cái công không mấy đời có.
Nguyễn Hữu Chỉnh nheo mắt với Lợi, bảo Long:
- Phải, để tôi nghĩ xem. Bây giờ bác hãy về nhà, tìm một người nào đáng nói (nhớ sửa lại lời cho khéo hơn nhé) rồi đợi lúc nào người ấy thích nghe, bác hãy dùng lời nói mà làm con đường tiến thân.
Đỗ Thế Long biết Hữu quân muốn từ khách. Hơn thế nữa, ông hiểu từ nay về sau, Nguyễn Hữu Chỉnh không muốn gặp mình nữa. Long cảm thấy bồi hồi, như đứng trước một sự đã rồi. Sự đó hay hay dở, tốt hay xấu, đúng hay sai, đến lúc này, ông không xác quyết rành rọt được như lúc đang nói. Cho nên Đỗ Thế Long đứng dậy chào Chỉnh và Lợi ra về với tâm trạng bập bồng, như người say.
Long đi khỏi, Chỉnh liền nói với Lợi:
- Long (rồng) thì phải đưa xuống nước, không nên cho ở trên cạn, để làm mê hoặc thiên hạ.
Lợi vô tình tham dự vào cuộc đấu khẩu bất ngờ, cũng đang hoang mang chưa tìm được lối ra, cho chính mình. Nghe Chỉnh nói xa nói gần như vậy, Lợi mừng rỡ.
Chỉnh gọi quân hầu vào sai chặn ở ngoài cổng bắt Long trói lại, đem dìm chết ở sông Phú Lương.
Dựa theo chương 7, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dịch Ngô Tất Tố
Thư giáo sĩ Sérard đề ngày 31- 7 viết: "Ngày 21, bọn này (Tây Sơn) cầm súng cầm gươm tiến vào thủ đô, một chỗ mà tất cả đang ở trong tình trạng hỗn độn. Vào như thế không khó lắm, vì thành chỉ là một hàng rào bằng tre, binh sĩ cũng như nhà giàu đã trốn đi để mở cửa".
(Cadière - Documents relatifs à l’époque de Gia Long, trang 40)
Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, chương 7
Theo Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 88
Liệt Truyện chính biên, quyển 30, tờ 22a
Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 94
Sách đã dẫn trang 95 trở đi.

<< Chương 65 | Chương 67 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 718

Return to top