Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> SÔNG CÔN MÙA LŨ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 114396 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SÔNG CÔN MÙA LŨ
Nguyễn Mộng Giác

Chương 4

Từ bụi tre trước nhà ông giáo nhìn về hướng bắc, có thể thấy được hai ngọn gạo cao ngất vượt lên trên những lũy tre um tùm trong làng. Hoa gạo nở, mùi thối theo gió bấc thổi bay đến tận đây. Cho nên mùa hoa gạo đầu tiên, cả nhà ông giáo mất công nhìn nhau nghi ngờ, nói bóng nói gió đến những kẻ vo ý tứ. Khi tìm ra được cái mùi hoa đặc biệt từ khu chợ, không ai bảo ai, cả nhà cùng cười xòa. Hai dãy lều tranh cất song song dưới bóng mát của hai cây gạo, ngang trên miếng đất trống cạnh bờ sông, là nơi họp chợ. Địa điểm mua bán thuận lợi, một bên là con đường đá lên núi, một, bên kia là bến sông. Chuyên chở hàng nguồn xuống biển, hay chuyên chở hàng biển lên nguồn, dù đi bằng thuyền hay thồ ngựa, An Thái là trạm nghỉ đêm. Nhờ vậy, chợ An Thái mau chóng trở nên phồn thịnh. Hai dãy lều trước còn lụp xụp cột tre mái lá sơ sài, càng về sau càng được xây cất vững chãi đẹp đẽ hơn. Lúc gia đình ông giáo về, các cột chợ đều bằng gỗ, sườn nhà bằng tre cột mây, mái tranh dày hai năm mới phải thay một lần. Bên cạnh chợ, có thêm một tiệm thuốc bắc, hai tiệm buôn nông sản và đồ tạp hóa, một quán ăn và một nhà trọ đêm. Ngay dưới gốc cây gạo lớn, chủ quán trọ che tạm một chuồng ngựa cho các tay chở thồ. Chinh thường dẫn Lãng ra đây say sưa ngắm những con ngựa cao lớn, lông mướt, của khách buôn, tự nguyện mang cỏ đem bỏ vào máng, hoặc vốc lúa vào lòng hai bàn tay đưa đến tận mõm từng con ngựa một. Lãng thích nhất là được vuốt ve bờm và lông kỳ của các chú ngựa ham ăn. Cậu vốc một nắm lúa vào trong tay trái đưa tận mõm ngựa. Mấy con ngựa khỏe háu ăn di di cái mõm ướt và nóng vào tay Lãng, cậu cảm thấy nhột nhột, ấm áp một cách thích thú. Chinh thì thích ngắm những vó ngựa khỏe, những bộ yên sờn cũ ghi dấu bao chặng đường xa. Anh lân la trò chuyện với các khách buôn, hỏi họ về những con đường đá, những dốc núi, những đêm thâu lóc cóc vó ngựa thồ trên các vùng heo hút, những bọn cướp cạn, những dã thú gặp trên đường rừng. Để đánh đổi các mẩu chuyện phiêu lưu bịa đặt ấy, Chinh mất khá nhiều công sức. Anh tự nguyện đi cắt cỏ giúp thằng khờ, tự nguyện xuống sông múc nước cho ngựa uống. Và mỗi khi một đoàn ngựa thồ ra đi, bỏ lại máng cỏ héo và nền chuồng hôi hám vương vãi phân và nước tiểu, Chinh có cảm giác một phần ý nghĩa cuộc đời mình bị mang đi mất. Anh dắt Lãng về nhà, lòng bâng khuâng.
Lòng đam mê các cuộc phiêu lưu của hai anh em, lâu lâu cũng được đền đáp chút đỉnh. Thằng khờ bị lão chủ quán trọ lợi dụng, sai đi cắt cỏ để đổi lấy hai bữa cơm hẩm. Nó chỉ mặc độc một cái quần đùi cũ, màu đen đã ngả sang màu xám mốc. Tóc dài và bẩn, hai con mắt dáo dác như đang tìm kiếm trí nhớ đã đánh mất. Được cái tính ưa hát nghêu ngao luôn miệng, và dễ bảo, nên con người đã ngoài ba mươi trôi giạt đến đây không biết từ lúc nào, trở thành kẻ tôi tớ chung của mọi người. Chủ quán trọ cho nó một góc bếp để ngủ và ngồi tằn mằn nhổ từng sợi râu, nên tự nhiên được mọi người chấp thuận dành quyền ưu tiên. Thằng khờ chuyên lo cắt cỏ cho ngựa. Nhưng gặp những phiên chợ lớn vào mồng một hoặc rằm, ngựa thồ về nhiều, sức thằng khờ không lo cỏ đủ. Trong trường hợp ấy, Chinh sẵn sàng giúp sức, và được trả công nhiều ít tùy theo vui buồn của chủ quán.
Chinh trở thành nhân vật quan trọng của chợ An Thái là do vậy. Cũng do vậy mà từ khi An theo lời khuyên của mợ, bắt đầu nghề hàng xáo, cô bé gặp mọi điều may mắn. An dành được một chỗ bày hàng thuận lợi nhất. An còn được thằng khờ phục vụ tận tụy, có lẽ còn tận tụy hơn cả đối với người chủ quán trọ. Đôi mắt thằng khờ không còn dáo dác tìm kiếm nữa. Hình như nó tìm thấy ở cái dáng nhỏ nhắn của An, ở chiếc áo đen tay dài bị rách ở bả vai, ở ánh mắt tinh nghịch và hai cái răng cửa hơi lớn của cô bé, một hình ảnh thân thiết từ lâu nó lạc dấu, nhập nhòe trong mông lung, ẩn hiện bất thường trong trí nhớ bệnh hoạn. An đi bán gạo lúc Chinh phải ra đồng với anh và cha, Lãng ở nhà canh chừng săn sóc bà giáo. Cô bé cảm thấy lo âu, cô đơn. Bữa đầu, An đòi Chinh phải ngồi bên cạnh mình cho đến lúc chợ vãn. Phiên chợ sau, Chinh mải ngắm đàn ngựa không chịu ngồi bó gối bên cạnh em. Cô bé không hiểu nổi anh, không hiểu thứ sức mạnh nào đủ lôi cuốn Chinh vào những công việc vô nghĩa vô ích như ôm cỏ cho vào máng, khệ nệ xách cả gàu nước nặng từ dưới bến sông xa lên gốc gạo, rờ rẫm những cái yên cũ. Cho đến ngày An bắt gặp đôi mắt trìu mến ngưỡng mộ của thằng khờ nhìn mình. An thấy lạnh ở xương sống vi cái nhìn mê dại ấy, nhưng sau đó nghĩ đến sự cách biệt tuổi tác, sự cách biệt của hoàn cảnh, và thái độ hiền từ, ngoan ngoãn của thằng khờ, An yên lòng. Từ đó về sau, An có thêm một người anh mới. Cô bé yên tâm ra chợ một mình, trả Chinh cho mấy đám ruộng miễu.
x xx
Hoa gạo rụng đầy trên các mái chợ nên mùi thối cũng loãng bớt. Đoàn ngựa thồ lên đường từ đêm hôm trước, thuyền chở cá luộc giao hàng xong đã về xuôi, nên buổi chợ hôm nay vắng vẻ. An bày hàng đã khá lâu mà chưa ai đến đong gạo. Thằng khờ rỗi việc, dựa vào cái máng cỏ nhìn về phía An, buồn rầu không có việc gì giúp đỡ cho cô bé để đổi lấy một cái cười biết ơn.
An đang định thu dọn quang gánh về sớm, thì Lãng hớt hải chạy ra chỗ gốc cây gạo. Cậu vừa nói vừa thở:
- Chị về ngay. Mẹ…
Lãng không nói hết câu, òa lên khóc. An chợt hiểu. Cô bé cảm thấy đau nhói trong lòng, nhưng An bình tĩnh hơn mình tưởng. An không khóc, chỉ thấy cảnh vật lao xao, chập chờn. An không buộc được sợi dây dừa vào đầu đòn gánh. Tay cô run quá. Vừa nhấc gánh lên vai, cái đòn bật, suýt tí nữa cả hai thúng gạo đổ ụp xuống đất ướt. Trong lúc đó, Lãng vẫn khóc. Gã khờ đến gánh gạo giúp cho An lúc nào An không biết. Bằng chút trí khôn ít ỏi còn lại, gã cũng đủ hiểu An đang có chuyện buồn. Hai chị em chạy lúp xúp theo gã khờ, không ai dám nói gì. An sợ phải biết sự thực, Lãng tâm trí rỗng không. Gần đến nhà rồi, An mới hỏi em:
- Cha đã về chưa?
- Rồi. Em chạy ra miễu, rồi ra cho chị hay.
- Mẹ.. mẹ bị hồi nào?
Lãng ấp úng, vừa nói vừa run:
- Em không biết. Mẹ..mẹ lạ lắm. Em sợ, chạy tìm cha liền.
Chị em đến nhà, thấy cậu mợ Hai Nhiều và vài người hàng xóm đã đến. Ngoài cửa, mấy đứa nhỏ tụm lại tò mò nhìn vào. Ông giáo, Kiên và Chinh đều ngồi quanh giường bà giáo. An thấy mẹ ngồi dựa vào cái gối lớn kê sát vách đất, khuôn mặt trắng bệch nhưng vẫn còn phảng phất dáng dấp một người đang ngồi nghĩ ngợi mông lung, nhắm mắt trầm ngâm. Chưa có ai khóc. An len vào gần sát mẹ, và đúng lúc đó, ngã xuống ôm chầm lấy bà giáo khóc òa.
Bà giáo mở mắt nhìn đôi vai con gái run run. An ngỡ ngàng cảm thấy có một bàn tay nhè nhẹ vuốt tóc mình. Cô bé ngước nhìn lên, bắt gặp đôi mắt nhòe lệ của mẹ. An chưa kịp kinh ngạc đã nghe bà giáo nói:
- An của mẹ!
An mừng quá, khóc to hơn, vừa khóc vừa nói rối rít:
- Hóa ra mẹ chưa mất. Mẹ đừng bỏ chúng con, mẹ. Mẹ có hiểu con nói gì không. Mẹ ở lại với chúng con.
Bà giáo run run đáp:
- Mẹ mệt lắm. Mẹ không bỏ con đâu. Con ráng lo chăm sóc cho Út. Đừng la rầy thằng Lãng. Tính nó như vậy, đừng gây gổ với nó, tội nghiệp.
Ông giáo can vợ:
- Mình nằm nghỉ cho khỏe đi. Thấy mình tỉnh trở lại, thằng Lãng sợ, tưởng… Báo hại ai cũng hoảng hồn. Có anh chị Hai Nhiều lại thăm, mình có nhận ra không?
Bà giáo hiểu lời chồng, đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm. Ông giáo quên rằng bà giáo đã mê muội ngay từ lúc ghé Gò Bồi, không biết ông bà Hai Nhiều là ai. Bà Hai Nhiều tiến tới gần bà giáo, cầm tay người bệnh hỏi:
- Cô có còn cảm thấy mệt không? Mấy tháng nay thấy cô cứ mê mải, vợ chồng tôi lo quá.
Bà giáo hơi băn khoăn một chút, cuối cùng cũng biết người vừa nói chuyện với mình. Bà giáo hỏi:
- Thế anh Hai của tôi đâu?
Hai Nhiều đến gần vợ, tự giới thiệu:
- Tôi đây. Anh em với nhau mà từ lâu không biết mặt nhau. May quá, đến nay cô đã tỉnh.
Đột nhiên bà giáo bật khóc, vừa khóc vừa nói:
- Trăm sự nhờ anh chị. Em có mệnh hệ nào, anh chị can nhà tôi đừng lấy vợ, khổ cho lũ nhỏ. Em đã bắt nhà em hứa rồi, nhưng em chưa yên lòng.
Càng lúc bà giáo khóc càng lớn hơn. Và càng khóc bà càng nói nhỏ đi, tiếng được tiếng mất, ý nghĩa lan man từ chuyện nọ nhảy sang chuyện kia. Mọi người ùa nhau lại khuyên can bà giáo bình tĩnh, ông giáo cũng lớn tiếng hứa hẹn theo ý vợ. Nhưng bà giáo không nghe được gì nữa, hai tay ôm lấy đầu khóc lớn. Có vẻ mỗi lúc bà giáo càng mệt hơn, Kiên nhắc mọi người ra bớt phòng ngoài cho gian buồng bà giáo nằm được thoáng khí. Chỉ còn lại ông giáo, An và Lãng trong phòng. Tiếng khóc nhỏ dần, thưa dần. Bà giáo nhắm mắt, đầu lắc qua lắc lại trên gối, thân thể xiêu ngả mệt nhọc. Ông giáo biết vợ đã mê trở lại, tuy giờ phút tỉnh trí vừa qua không phải là dấu hiệu báo trước giờ lâm tử như ngọn đèn hết dầu lóe lên lần cuối trước khi tắt lịm.
x xx
Bà giáo mất hôm mười bốn tháng bảy. Trong những tháng cuối cùng, các cơ năng nuôi thân thể bà dần dần lãng quên mất nhịp sống quen thuộc. Bà gầy xọp nhanh chóng, nằm dán lên cái chõng tre lót chiếu, không động đậy. Kiên phải tìm một cái mo cau cắt tròn để lót hứng phân. Nước tiểu rỉ ra ướt hết cả vạt chiếu. Lưng bà giáo nổi sần, rồi lở lói phía thắt lưng. An thương mẹ quá, lấy cái gối nhỏ chèn phía dưới mông để xơ chiếu khỏi châm vào mảng thịt đỏ lầy, cuối cùng nước tiểu thấm cả vào bông gối. Mùi khai nồng tỏa khắp phòng.Tháng cuối cùng, An đút cháo cho mẹ, bà giáo không nuốt ngay. Các bắp thịt thực quản dường như mất liên lạc với ý chí sinh tồn. Sợ mẹ bị ngột, An phải múc từng muỗng nhỏ đùa vào tận cuống họng mẹ. Thức ăn rơi vào trong sâu, và do một phản xạ nào nó, lâu lắm, bà giáo mới nuốt. Không khí trong nhà luôn luôn ủ dột, người nào cũng có một nỗi buồn canh cánh bên lòng. Chỉ khi nào quá mệt nhọc ngủ vùi hoặc bận ra chợ ra đồng khuất mặt, họ mới cảm thấy đôi chút an tâm.
Cho đến lúc Lãng khám phá ra mẹ đã chết, tay chân lạnh, mắt trợn ngược lên đỉnh mùng, cảm giác đầu tiên của mọi người trong gia đình là sự nhẹ nhõm, như vừa được cất đi một gánh nặng. Ngay cả Lãng, vốn tính mẫn cảm và lần đầu tận mắt thấy hình ảnh cái chết, cậu bé không sợ hãi thái quá. Lãng chạy ra sau bếp gọi chị:
- Lên nhanh chị An ơi.
Giọng nói của Lãng và nét mặt của cậu khá bình thản, đến nỗi An không biết Lãng báo một tin dữ, quay ra gay gắt:
- Chỉ việc xếp mền mày không làm được hay sao mà nhặng lên thế. Để yên cho mẹ ngủ.
Lãng đến bên chị, thì thào:
- Hình như… hình như mẹ chết rồi. Tay mẹ lạnh ngắt.
An bỏ rổ khoai chạy lên buồng mẹ. Và cũng như lần trước, cô bé kinh ngạc cho sự điềm tĩnh kỳ lạ của mình. Nhưng sau đó, tình cảm từng người mon men quanh co theo từng lối khác nhau. Tin dữ truyền cho nhau qua tiếng thì thào. Từ ông giáo đến các con đứng lặng quanh xác bà giáo, nhìn trân trối lên thân thể gầy ốm xanh xao và nhỏ nhắn như thân thể một bé gái 11,12 tuổi. Sự nhẹ nhõm ban đầu nhường chỗ cho nỗi hoang mang, lơ láo. Mọi người như đột ngột bị lạc hướng, mắt còn trông thấy đấy nhưng tâm trí quờ quạng. Thằng Úùt giật mình tình dậy không thấy chị bên cạnh, khóc ré. Đúng lúc đó, Lãng bật khóc nức nở. Cái cổ của Lãng nhỏ và cao, khi khóc cậu ngước mặt lên trời nên mấy đường gân càng nổi rõ trên cái cổ ấy. Tóc dài phủ cả lên mắt, dán lên má vào thái dương, trông cậu giống như một con bê non ăn lúa của một chủ ruộng hung bạo, bị lão lấy rựa chặt gãy chân nên quị tại chỗ, rướn cổ thét lên thống thiết. Khúc rốn vô hình nối liền thân thể cậu với mẹ, khúc rốn giúp cậu tiếp được của mẹ sức xúc động nhạy bén đối với thời tiết; lòng đam mê cây cỏ, đồi núi, sông biển, chim chóc; sự vụng dại đáng thương hại trước những sự việc cụ thể thực tế; trí tưởng tượng lãng mạn muốn cái gì cũng tới cùng đỉnh; khúc rốn ấy đứt lìa đột ngột nên cậu không thấy đau đớn. Rồi dần dà, cậu cảm thấy trong tâm hồn cậu, trong thân thể cậu, một đoạn ruột đã đứt. Và cậu nức nở khóc, không ai dỗ được.
Chinh khó chịu, gắt lớn y như mọi lần:
- Có im đi không. Đồ mít ướt!
Lãng ngưng khóc, cậu nhìn anh với đôi mắt hận thù. Cậu nghĩ: Anh ấy có còn chút tình cảm nào không? Anh ấy không phải là con của mẹ sao? À, phải rồi. Hôm nay mười bốn tháng bảy. Như vậy là công phu luyện tập khó nhọc bao lâu nay của anh ấy, bây giờ kể như bỏ. Ngày mai là ngày cúng cô hồn. Anh ấy không dự đổ giàn được nên đâm ra tức tối, giận lây đến mình. Mẹ mất, mà anh ấy còn nghĩ đến chuyện đấu võ được ư? Anh ấy có thương mẹ không? Đáng giận thực, biết thế mình không nên đứng ra làm chứng cho anh ấy học võ.
Lãng càng nghĩ càng giận, càng giận cậu càng tỉnh táo. Cậu không khóc nữa, đưa mắt nhìn cha xem cha có khám phá ra đứa con bất hiếu hay không. Ông giáo đến ngồi bên mép giường, nắm lấy cánh tay lạnh của vợ. Mấy ngón tay trắng đã cứng, đầu ngón tay đã móp. Cảm giác lạnh lẽo truyền vào bàn tay ông, thấm vào máu, len đến sống lưng. Ông giáo đặt nhẹ bàn tay vợ xuống mền. Đôi mắt mở của bà giáo đục lại, nhưng ông giáo tưởng như vợ đang nhìn ông trách móc. Bất giác ông đưa bàn tay lên vuốt mắt vợ. Con bên tả nhắm lại ngay, nhưng con mắt bên hữu chỉ khép kín khi ông vuốt đến lần thứ năm. Kiên đến bên ông hỏi nhỏ:
- Mình nên đi khai báo nay với xã trưởng hở cha ?
Ông giáo quay lại hỏi:
- Con nói gì?
Kiên chậm rãi nói:
- Con định đi khai tử cho mẹ. Sẵn tiện hỏi cậu Hai phải làm những gì.
Ông giáo cảm động nhìn con:
- Được. Con lo giùm cha. Hỏi cậu thủ tục ở đây như thế nào. Xin đất lập mộ ở đâu. Con giúp cha đi! Cha không còn nghĩ gì được nữa!
Kiên sẽ sàng bước ra khỏi buồng. Chinh định theo anh, nhưng Kiên ngăn lại, nói nhỏ gì đó. Chinh gật gù, trở vào nhẹ rút cái mo cau đựng phân đem đi ra vườn. Một lúc sau, Chinh lại vào đem cái gối thấm nước tiểu, cùng mớ quần áo bẩn thay từ hôm trước của bà giáo ra ngoài. Lãng bỏ ra nằm sấp trên phản gỗ khóc thút thít. Trong phòng, chỉ còn lại An và ông giáo.
An thấy cha ngước lên nhìn mình, ngần ngại. Ông ngồi thừ một lúc, rồi chống hai tay qua vai vợ, nhìn đăm đăm lên khuôn mặt bà. Lòng ông chùng xuống, yếu đuối. Ông bắt đầu khóc. Giọng của ông khàn, tiếng khóc nghẹn lại nơi cổ họng khao khao, nghe tiếng được, tiếng mất. Hai vai và cánh tay ông run. Nước mắt chảy lặng lẽ trên má, qua 45 năm thăng trầm lặn lội với bao hệ lụy ở đời, những giọt đau khổ còn sót lại rỏ lên ngực áo vợ, không đủ sức ấm hồi sinh. Ông khóc vì hối hận. Phải, dù cuộc tình duyên giữa hai ông bà không do những vồ vập hấp tấp hoặc toan tính so đo, nhưng thành thực mà nói, những lời qua tiếng lại xung quanh có ảnh hưởng đến cách cư xử của ông đối với vợ. Trong đời sống vợ chồng, đôi lúc ông xem thường bà. Có những lời càu nhàu vô cớ, giận dữ quá đáng vì những chuyện cỏn con. Nếu gia thế của bà khá hơn, ông giáo phải dè dặt nhiều trước khi nói điều gì với vợ. Tính bà quen nhẫn nhục, chịu đựng lặng lẽ mọi lời rầy rà. Ở chỗ giao tế, bị ràng ruộc tứ bề vì những sự tế nhị rào đón, nương nhẹ, nể nang, ông giáo không phát lộ được hết cá tính. Về nhà, ông được dịp trút mọi bực bội lên gia đình. Ông được càu nhàu tự do. Ông được mạnh dạn xổ hết những gì bực dọc, đến độ còn tìm thấy ở sự phóng túng đó một thứ lạc thú bệnh hoạn. Lúc trước ông không thấy tất cả những điều ấy. Bây giờ, ông giáo thấy hết. Trên gương mặt im lìm của vợ, ông soi được những xấu xa tàn nhẫn của cả đời ông. Ông nhớ lại đôi mắt lo âu thảng thốt của vợ những năm đầu tiên mới lấy nhau, những lúc ông không chịu đựng được nhục nhã của nghèo đói, trút hết lòng hận đời lên đầu cô gái nhút nhát, ốm yếu là vợ ông. Ông nhớ cái khuôn mặt trầm tư những năm về sau, đôi lông mày thường nhíu ở sống mũi, môi trên chúm lại cố chặn một tiếng nấc. Ông nhớ những ý nghĩ bạc bẽo tàn ác của ông, những khi một mình ngồi canh bệnh bên giường bà. Sau bao dày vò, kết cuộc lại, vợ ông nằm đây. Mắt sâu. Má hóp. Thân thể da bọc xương. Cánh tay gầy guộc. Bàn tay co quắp, nhăn móp ở đầu năm ngón. Vợ ông có tội tình gì? Ông đã làm được gì để bà nở được nụ cười hiếm hoi? Nếu không có An ở đây, ông đã ôm chầm lấy xác bà mà van xin, năn nỉ bà tha tội cho ông. Ông giáo quay nhìn con gái. Mắt An buồn rầu, có ý hỏi cha muốn sai bảo điều gì. Có tiếng nhiều người nói chuyện, hỏi han lao xao ở cửa ngoài. Được dịp chạy trốn cái nhìn tra hỏi của con, ông giáo đưa ống tay áo chùi nước mắt, đi ra nhà ngoài.
x xx
Trong gia đình ông giáo, chỉ có Kiên và Chinh là đủ bình tĩnh lo liệu việc tang ma. Ông giáo như người mất hồn, ngồi thừ một chỗ, trả lời gióng một các câu chia buồn của thân quyến và hàng xóm. Ai đến thăm cũng tìm cho được ông, hỏi qua tuổi tác, căn bệnh của bà giáo. Ông trả lời dấm dẳng, ba phải. Người nghe không lấy đấy làm điều, và quả thật, cũng không mấy chờ đợi những câu trả lời rõ ràng, dứt khoát. Họ hỏi vì bổn phận phải hỏi, chứ không phải để nghe trả lời. Như một cái máy, ông vái chào khi có ai đến, gật đầu khi họ chia buồn xong, rồi lại vái chào khi họ về.
An và Lãng ngồi bên xác mẹ, bây giờ đã được tắm rửa và thay quần áo mới, Kiền và ông hai Nhiều đã giúp An luộc hai quả trứng và vắt ba nắm cơm đặt vào một cái dĩa sành, cắm ba nén nhang để lên đầu giường người chết. Cửa sổ được chống lên, căn nhà từ lâu kín gió và tăm tối đã thoáng khí hơn trước. Mùi hôi thối theo gió loãng đi. Nhang cháy liên tiếp từ nén này sang nén khác, hơi khói mỏng mang theo mùi trầm đậm ngọt. Hai chị em thần trí căng thẳng vì xúc động, cảm giác bây giờ tê dại. Gần như cả An lẫn Lãng không còn ý thứ được những gì thuộc về thực tế, sống trong trạng thái ngơ ngẩn mù mờ. An chỉ ghi nhận được chung quanh có người vào người ra, tiếng nói thì thào, cử động sẽ sàng. Một vài người đàn bà đến vuốt tóc An, hỏi An điều gì đó. An trả lời những gì ít ai nghe rõ, lời nói buột miệng vô tình. Có điều khi có tiếng sụt sịt khóc nhắc nhở, thì An nhớ ngay đến cái chết của mẹ. Cô bé quay nhìn mẹ đang nằm in trên giường, hai bàn tay gầy guộc đặt dài trên mép chăn, mặt xanh tái, mắt nhắm nghiền. Rồi chỉ trong khoảnh khắc, An ý thức trọn vẹn thân phận côi cút từ đây, nghĩ đến những ngày sắp tới vô định và cô độc trên đường đời. An bật lên khóc, Lãng cũng khóc theo chị, tiếng khóc thê thiết dai dẳng. Bà Hai Nhiều thấy ngay tình trạng mẫn cảm của hai cháu, nên dẫn An và Lãng sang nhà mình. Công việc ma chay như vậy do gia đình hai Nhiều và bà con hàng xóm quán xuyến cả. Vợ chồng cô Ba Lý trên Xuân huề cùng với Lợi có xuống chia buồn. Vợ chồng cô Hai Nhõi bên Trường định cũng về. Thêm một số bạn võ của Chinh. Gã khờ ngoài chợ. Đám đàn ông lo việc xin đất, đào huyệt, đóng áo quan. Ông Hai Nhiều cùng với Kiên và Lợi lo đi báo cho các chức sắc trong xã và làm giấy tờ khai tử. Người ra vào đông đúc, nhờ ai nấy đều giữ gìn cử chỉ và lời nói cho hợp với đòi hỏi một đám tang, nên suốt buổi sáng chuẩn bị tẩm liệm và tang lễ tiến hành lặng lẽ và điều hòa. Đến trưa, đám đàn bà con gái lo thổi cơm dọn ăn cho những kẻ hảo tâm đến giúp không công. Người lo chạy đi mượn thêm bàn ghế, mâm bát. Nhà chật chội. Phải làm thêm một nhà rạp ở hiên trước. Lũ trẻ hiếu kỳ bu đến ngày càng đông. Thợ mộc đóng áo quan, tiếng đục đẽo nghe vui tai rộn rịp. Thêm tiếng bàn ghế va chạm, tiếng bát đũa loảng xoảng. Thực khách dần dần quên mất sự ràng buộc, cười nói tự nhiên. Câu chuyện hào hứng vì xoay quanh cụ cướp giàn truyền thống giữa dân An Vinh và An Thái trong dịp lễ vu lan hằng năm. Heo quay, gà vịt, gạo muối, hoa quả dùng để cúng cô hồn được đặt trên một giàn tre cao, dựng ngang trên bãi sông. Trong thời gian hành lễ, các tay võ giỏi hai bên đã chia nhau mai phục quanh giàn. Kinh giải oan dứt. Hồi chuông thong thả từng tiếng, gõ vào không gian căng thẳng. Những đôi mắt đăm đăm. Nhịp tim đập mạnh. Những bàn tay nắm lại, gân nổi trên thớ thịt săn cứng. Những cái liếc mắt âm mưu hoặc nghi kỵ. Giờ phút chờ đợi kéo dài theo ba hồi chuông chậm. Tiếng chuông cuối cùng vừa điểm, thì võ sĩ của hai làng có quyền dùng bất cứ thế võ hiểm độc nào để hạ đối phương, giành cho được con heo quay về phần mình. Cuộc loạn đả truyền thống luôn luôn có máu đổ, có quả phụ và con côi. Nhưng con heo quay đem về bên này sông hay bên kia sông đã trở thành tiêu chuẩn đặt định niềm vinh dự may mắn cho cả cộng đồng suốt một năm. Cho nên phép vua thua lệ làng, cái trò chết người năm nay vẫn tiếp diễn, và số cô hồn cần giải oan tăng theo năm tháng. Trong lúc những người thân thuộc của ông giáo giúp ông lo việc mai táng, thì các võ sĩ An Thái đã vất vả lắm mới mang được con heo quay về bên này sông Côn. Hai xác chết nằm vắt lên mép nước vô tình, một bị dập lá lách và một bị vỡ đầu. Câu chuyện hào hứng, bàn cãi ồn ào là vì vậy. Bữa cơm trưa nay có nhiều tiếng cười hể hả, và đám đàn bà sống giữa vùng đất chuộng võ từ tấm bé không hiểu nổi sự quyến rũ của bạo lực, nhìn đám mâm chén ngả nghiêng với đôi mắt chịu đựng, khoan thứ.
Người ta lo việc mái táng ngay buổi chiều hôm ấy, và theo lời khuyên của bà Hai Nhiều, ông giáo không cho An và Lãng đi theo quan tài. Cô Ba Lý nói dối với hai chị em là mãi sáng mai, mới có giờ tốt thích hợp việc chôn cất. An yên tâm ngủ được một giấc ngắn. Gần nửa đêm, cô bé thực dậy, thấy mình nằm trên giường lạ. Mãi một lúc lâu, An mới biết mình đang ở nhà cậu mợ. Cửa lớn đóng, cửa sổ nhìn sang nhà An mở. Cô bé len lén ngồi dậy đến gần cửa sổ nhìn sang nhà mình. Thấy có ánh đèn leo lét ẩn hiện sau mấy lớp lá chuối, An yên tâm. Mẹ vẫn còn đó. Mẹ vẫn còn ở trên trần gian với mình. Cô bé nghĩ như vậy. Đột nhiên, An cảm thấy trong thân thể mình có điều gì khác thường. Đầu cô nhức, tay chân rã rời. Chỉ vì mình vật vã khóc cả ngày đấy thôi. Nhưng… nhưng sao mình tệ thế này? Thằng Úùt mới lên ba còn có thể đái dầm, Lãng những hôm bệnh có thể… Nhưng mình chừng này tuổi đầu? Chao ôi, nếu mấy chị biết được! An lo sợ nhìn trước nhìn sau, tưởng như mọi người đã nhìn rõ cái cảm giác nhớp nháp nóng ướt đang lăn chậm hai bên vế An. Không dám bước nhanh, An vịn vách nhè nhẹ lần xuống nhà bếp. Trấu un cháo heo đang ngún đỏ, phát ra một vùng ánh sáng mờ mờ. Cảm giác nóng ướt lan xuống gối, rồi xuống bắp chân. Đến gần vùng ánh sáng, An vén ống quần lên định chùi vội dòng nước tiểu. Và đúng lúc đó, An hãi hùng đến líu lưỡi, quên cả việc thả ống quần xuống. An ngột thở vì sợ. Trên ống chân trắng, An vừa nhìn thấy một dòng máu. Tại sao lại thế này? Mình mắc bệnh quái gở gì đây? Cả ống chân kia cũng có máu. Máu trên hai vế… Mẹ ơi, mẹ cứu con. Chỉ có mẹ mới cứu được con thôi, vì ngoài mẹ ra, không bao giờ con dám thổ lộ cho ai biết là con đã mắc một thứ bệnh khủng khiếp ở một nơi xấu hổ. Nhưng mẹ bỏ con rồi còn đâu. Làm thế nào bây giờ? Có ai cứu tôi nữa không?
An ngồi xuống bên bếp trấu, gục mặt vào hai đầu gối nhớp nháp khóc ấm ức. Nước mắt càng chảy, cô bé càng thấy nỗi thống khổ đậm thêm, mênh mông. Vì xấu hổ cô không dám khóc lớn nên sự đau đớn càng tăng. An chịu đựng một mình, trong âm thầm, cái kinh nghiệm dậy thì của đời con gái. Sáng hôm sau, cùng với Lãng và các anh ra thăm mộ mẹ, An đã thành một người lớn. Cái chết của bà giáo, kinh nghiệm một đêm có kinh nguyệt lần đầu đã quá đủ để tạo một vết đau buốt đến tê dại lên tâm hồn cô bé. Và An đã mất tuổi thơ!

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 701

Return to top