Xuân Huề được giải phóng đột ngột nên bọn hào lý không kịp đem gia đình chạy theo đám quân phủ như ở An Thái. Huệ dẫn quân theo đường rừng, từ núi Chóp Vàng men theo núi Đồng Sim chận hết đường rút xuống phía đông. Hơn một nửa quân phủ bị kẹt lại, phải cởi quần áo trà trộn trong dân chúng, hoặc lội sông qua phía bên kia. Cho nên không giống như Hai Nhiều vô vọng tìm kiếm kẻ dám gỡ mấy khuôn cửa quí của nhà mình, Lợi về Huề gặp được gần đủ những kẻ liên quan xa gần đến cuộc tàn sát gia đình anh. Chỉ cần một buổi tối lân la trò chuyện với láng giềng cũ, Lợi đã biết hết: Người nào dẫn quân phủ đến chỉ nhà mẹ Lợi, người nào chỉ chỗ Phúc trốn, người nào sốt sắng tháo sợi dây xách nước cho quân phủ mượn trói các nạn nhân, người nào được bọn lính canh cho phép khiêng bộ phản gỗ về trước khi phóng hỏa. Kẻ cả những người vài hôm sau vào vườn nhà Lợi mót máy những rui mè cột kèo cháy dở về làm củi đun, Lợi cũng biết tất. Một thứ không khí nơm nớp lo sợ bao phủ khắp Huề. Người người chờ bão, run rẩy vì khủng khiếp hoặc tò mò.
Nhưng Lợi không làm gì cả. Công việc của Lợi buộc anh phải đi khắp nơi lo vận chuyển tiếp tế quân lương, tiếp thu số thóc tịch biên được nhập kho rồi phân phối đến các nơi. Kiểm soát thanh lọc, quản lý Huề là việc của người khác. Dân Huề chỉ thấy Lợi đi đi về về, mỗi lần Lợi về cả làng xôn xao, thấy Lợi đi họ kinh ngạc. Cứ như vậy mấy lần, cuối cùng sự chờ đợi cũng bớt căng thẳng. Kẻ tự cảm thấy có tội hoàn hồn, còn những bọn tọc mạch hiếu kỳ thì thất vọng.
Cho đến hôm Lợi đem vôi, cát về làm mả cho mẹ và anh chị. Nhũn nhặn, cẩn thận trong cách xử thế như một người đứng tuổi từng trải, Lợi đem quà cáp đến biếu cho những người thợ vôi trước khi ngỏ ý nhờ họ xây mộ cho thân nhân với một giá công quá cao. Đừng nói chuyện trả công! Lợi không trả gì cả, không biếu xén gì cả, họ cũng vui vẻ làm giúp cho Lợi mà! Cái chết thảm khốc của toàn gia đình đã gây xúc động mạnh cho dân Huề, họ quên ngay cái tính keo kiệt bủn xỉn của mẹ Lợi, xem đó là đức tính tảo tần đáng làm gương cho hết thảy những bà nội trợ.
Chỉ trong hai ngày, ba ngôi mộ trên khu đất cao gần bờ sông đã xây xong. Lợi đến nhà người đã khuân tấm phản gỗ nhà mình, bằng một giọng lễ phép gần như e dè, xin cho Lợi được mượn nhà bày một mâm cơm cúng mẹ và anh chị. Giọng Lợi buồn buồn:
- Hai bác tính, bây giờ cháu tứ cố vô thân, không nhà không cửa. Đến mâm cơm giỗ mẹ cũng không biết đâu mà đặt. Hai bác thương cháu, cho cháu được nhờ hai bác chút việc...
Chủ nhà sợ đến líu lưỡi nhưng cũng cố nói:
- Không có gì, không có gì đâu cháu. Không có gì đâu cậu. Bà con hàng xóm với nhau, thấy tình cảnh cậu chúng tôi ái ngại lắm. Đừng nói chuyện nhỏ nhặt như cho mượn nhà! Chuyện gì lớn hơn, chúng tôi giúp được thì dù tốn kém đến đâu chúng tôi cũng không ngại! Thôi, chúng tôi thưa với cậu thế này, cậu đừng giận thì chúng tôi mới dám nói.
- Hai bác quá lời. Cháu phận nhỏ đâu dám giận hai bác.
- Đấy là chúng tôi sợ quẩn thế thôi. Bây giờ cậu đã lớn rồi, đã là ông này ông nọ, đâu phải như trước. Chúng tôi có ý sắm sửa giúp cậu mâm cơm cúng. Cậu đừng từ chối. Chúng tôi buồn lắm. Không tốn kém gì lắm đâu. Gà vịt hoa quả có sẵn trong nhà cả. Cậu một thân một mình, bà con láng giềng không nấu nướng giúp cậu thì ai lo! Chẳng lẽ nhờ mấy cậu lính. Bằng lòng nhé, bằng lòng đi cho chúng tôi vui lòng nhé!
- Cháu sợ làm phiền bác gái và mấy em quá. Hai bác đã có lòng tốt thế, làm sao cháu dám từ chối. Nhưng cháu chỉ dám nhờ công nấu nướng thôi. Tiền mua gà vịt, rau ráy, cháu xin gửi trước để...
- Không, không. Ai lại làm thế. Cậu chỉ bày vẽ. Chúng tôi đã nói toàn cây nhà lá vườn cả, không hao tốn đồng nào đâu. Cậu đi định cúng vào giờ nào? Khách khứa bao nhiêu vị?
Lợi ngồi trên cái phản đặt ở hiên trước, gương mặt bần thần vì mãi lo lắng. Chủ nhà bồn chồn. Lợi e dè nói:
- Cháu cúng vào buổi chiều. Còn khách khứa thì... cháu sợ ồn ào quá. Thôi, cháu chẳng mời ai cả.
Chủ nhà dẫy nẩy:
- Đâu được! Chúng tôi đã bảo cậu không nên khách sáo. Ông nội mấy cháu có khó tính thực, nhưng chúng tôi sẽ thưa trước. Cậu muốn mời ai cứ mời đi. Đừng ngại.
Lợi lại suy nghĩ, hai bàn tay hết bóp vào nhau lại di di trên mặt phản bóng. Lợi nói:
- Cháu định mời một số anh em quen biết, ơn nghĩa từ trên Tây Sơn thượng.
- Thì cậu cứ mời đi. Mấy thuở họ đến làng mình!
Lợi đành phải vâng ý chủ nhà. Số "anh em quen biết ơn nghĩa" của Lợi là tất cả nghĩa quân trong toán hiện đóng tại Huề, nghĩa là gần năm mươi người trai tráng ăn khỏe, nói năng rổn rảng, cười đùa ầm ĩ.
Nghe tin Lợi về làng lo giỗ mẹ và anh chị, nhiều nhà có tai mắt rủ nhau đếm "phúng điếu", gọi là tỏ lòng thương tiếc những người quá cố oan uổng. Lợi mặc đồ tang trắng, đội mũ rơm, mắt rơm rớm đỏ, lâu lâu đưa vạt áo giơ lên quệt nước mũi, thân hình tiều tụy xơ xác như vừa mới mất mẹ và anh chị hôm qua hôm kia. Lợi đứng nghiêm trang bên bàn thờ, lạy trả những người đến phúng viếng. Anh còn nhờ một nghĩa quân lanh lẹ ghi sổ một cách tỉ mỉ các đồ phúng điếu. Ghi cả đến một nén nhang, một đèn sáp, một dĩa cam. Trong khi người bạn Lợi cắm cúi ghi chép, Lợi bối rối giải thích với người đến viếng:
- Ấy cháu nhờ ghi chép cẩn thận để sau này trả ơn. Hiện giờ thì cháu khổ sở, côi cút, nhưng biết đâu sau này cháu lập gia đình, làm ăn khấm khá, thế nào con cháu của cháu cũng lo đền đáp lòng tốt của bà con cô bác. Em ghi đi, bác Tám Thẩu một nải chuối và hai bao nhang. Thiếm Trực một dĩa trầu... Chú Bảy Thìn một hộp... hộp gì đây, thưa chú. Hộp bánh. em ghi đi, chú Bảy thìn một hộp bánh...
Bảy Thìn là người có lòng tốt tháo dây gàu cho quân phủ mượn để trói mẹ Lợi. Hộp bánh chú Bảy đem phúng điếu nặng khác thường. Những người có liên quan xa gần, nhiều ít đến cuộc thảm sát trước đây, không ai dám không đếm lạy bàn thờ mẹ Lợi mấy lạy. Họ cũng không đến tay không. phần lớn đều bắt chước lối xử thế khôn ngoan của chú Bảy!
*
* *
Từ đó, mỗi lần về Huề, Lợi thường ghé nhà chú Bảy. Số "anh em biết ơn nghĩa" của Lợi lại được dịp chè chén no say. Thím Bảy Thìn, một người đàn bà nhỏ thó, quần áo lôi thôi, nét mặt già nua khắc khổ đến nỗi mới gặp ai cũng tưởng đó là chị hai của chú Bảy, từ lâu quá chán ngán cho cái tính tham danh trái chứng của chồng, lần này mới có đủ lý dằn vặt, rằn rực chồng mà không bị la mắng chửi rủa.
Ngoài mặt thì lúc nào thím cũng đon đả, ân cần với đám bạn trẻ trung của Lợi. Nhưng ở chỗ khuất kín, sau khi tiệc tàn mâm bát bề bộn, thím vừa dọn dẹp vừa gạt nước mắt thầm. Ước vọng được chen chân vào hàng chức sắc, khỏi bị xem là thứ dân ngụ cư mạt hạng, cái ước vọng thầm kín đó thuở mới lấy nhau thím có chia sẻ với chồng,cùng chồng tủi cực trước sự khinh khi của làng xóm. Càng có tuổi, thím càng khác chồng. trong khi chú Bảy vẫn hăm hở dáo dác đi tìm một cơ hội nào đó thực hiện ước vọng của mình, thì thím Bảy cảm thấy tất cả mọi sự ở đời đều như cơn gió thoảng. Thím chín chắn trước chồng, già cỗi trước chồng. cho nên thím âm thầm chịu đựng hậu quả của các hành động vụng tính hời hợt của chú Bảy, với niềm cay đắng pha lẫn khoan dung. Đủ thứ hạng lưu manh dưới phủ Qui Nhơn đã tiêu phí khá nhiều tiền của của chú Bảy, mà lời hứa hẹn chỉ là lời hứa hão qua quít. Bây giờ thời thế chuyển xoay, lại thêm một lần trả nợ cho chồng. Một món nợ nặng nề không biết bao giờ mới trả hết, vì Lợi cứ ghé nhà vợ chồng thím hoài.
Một hôm giữa hai cuộc rượu, thím thấy chồng xì xầm gì đó với một người "anh em" của Lợi. Hai người có vẻ tương đắc với nhau lắm, kéo riêng ra một góc vườn kín đáo nói chuyện với nhau. Lâu lâu "người anh em" nói giọng Phù Mỹ hơi chát của Lợi liếc nhìn về phía sân tiệc như sợ bạn bè khám phá thấy mình lén lút nói chuyện riêng với chủ nhà. Thím Bảy lòng như lửa đốt, sợ chồng lại phạm một sai lầm nữa do không bỏ được cái tính bồng bột xốc nổi, chộp vội chộp vàng cơ hội kiếm chút công danh. Không thể chờ đợi lâu được, thím tìm cớ để đi ra phía vườn. Người lạ vội lảng đi chỗ khác. Thím Bảy thấy chồng hân hoan ra mặt, như vừa được chính thức nhận một danh phận. Không chờ vợ hỏi, chú Bảy nói:
- Cao nhân tất hữu cao nhân trị. Để coi thử nó có dám vác mặt đến đây ăn cho hết nhà hết cửa người ta không!
Thím Bảy nói trong nước mắt:
- Tôi van ông. Làm cái gì cũng nhớ giùm đến vợ con. Chúng nó sắp chết đói, ông biết không. Hay gì mà gây thù chuốc oán với người ta!
Chú Bảy giận dữ gạt lời vợ:
- Bà biết gì! Cậu người Phù Mỹ hồi nãy, bà biết ai không?
Thím Bảy thở dài ngao ngán:
- Cá mè một lứa thôi, ông ơi.
Giọng chú Bảy đắc thắng:
- Em ruột ông Huyền Khê đấy.
- Huyền Khê à? Làm gì có quan huyện tên Khê ở đây?
- Không, tôi nói Huyền Khê. Cái bà này, mới chừng đó tuổi mà đã lễnh lãng. Ông ta là đệ tam trại chủ bên Kiên thành, lo việc quân lương, tức là người có quyền cho thằng Lợi sống thì sống, muốn nó chết thì không còn đường thoát.
Hà, hà! Mày tưởng có thể bám tao mà còn bòn rút đến thiên thu hay sao! Cao nhân tất hữu cao nhân trị. Ngoài vòm trời này còn có một vòm trời khác. Tao đâu có ngán gì mày!
Thím Bảy sợ đến tháo mồ hôi hột, mếu máo can:
- Mấy lâu nay ông không nghe mọi chuyện đảo điên hay sao mà còn tính ăn thua với người có thế! Gươm giáo thời này không có mắt đâu ông ơi! Mượn mũi giáo đầu này thọc đầu kia, nhiều khi thiên hạ không hề hấn gì mà mình chảy máu trước. Tôi lạy ông, cho mẹ con tôi được sống yên cái đời thừa này!
Chú Bảy giận lây đến vợ:
- Hứ, bà tưởng phải năn nỉ nó tha cho mẹ con bà sống hay sao! Sống như thế này thà chết quách đi cho mát thây! Bà cứ để mặc tôi. Mình cố thu vén lo cho một lần này nữa, chỉ một lần tốn kém đúng chỗ mà về sau khỏi phải bấm bụng cung phụng chè rượu cho tụi lâu la này. Chỉ một lần nữa, lần cuối cùng, bà nghe chưa. Xong việc này tôi thề không ham gì nữa. Bà bảo sao tôi nghe vậy.
- Ông thề như vậy biết bao lần rồi!
- Lần này tôi thề thật. Thấy mẹ con bà héo hắt, của cải dành dụm đổ ra hết, tôi phải biết nghĩ chứ. Không biết nghĩ tôi còn là người nữa không. Cậu ấy đã hứa chắc rồi. Không nhiều lắm đâu.
Bảy Thìn do dự trước khi cho vợ biết số tiền định lo lót cho Huyền Khê. Đàng nào thì cũng phải nói thôi! Chú bậm môi, nói nhỏ cho vợ hay con số. Thím Bảy tưởng đất trời đột nhiên điên đảo, cây cối trong vườn gốc ngọn ngược ngạo. Bảy Thìn phải dìu vợ vào nhà, trong khi tiếng cười ngoài sân tiệc vẫn ầm ĩ.
*
* *
Nếu không có cái tật lắm lời và tính tham lam bon chen gần như bệnh hoạn của Bảy Thìn, thì có lẽ Lợi không thể biết những gì xảy ra sau lưng mình. Từ khi Huyền Khê nắm giữ việc quân lương theo thỏa ước hôm rằm tháng Tám, vì hiểu rõ mình chỉ là một tên tướng không có quân, lạc lõng giữa một tập thể xa lạ đáng ngờ, nên Huyền Khê giao hết mọi việc rắc rối nào nhập kho, ghi chú, phân phát, vận chuyển, kiểm soát, kết toán... cho Lợi. Huyền Khê kiên nhẫn chịu đựng thân phận một thứ con tin, vì hy vọng rằng với tài tháo vát của Nguyễn Thung, cộng thêm sự dũng mạnh liều lĩnh của Tập Đình, Lý Tài, thế nào phe mình cũng thắng thế. Phải biết tùy thời mà xuất xử! Đến như Lã Vọng mà còn có thời ngồi nghe tóc bạc bên bờ sông Vị nữa là!
Vốn khéo léo đối xử với người chỉ huy trực tiếp, không bao giờ Lợi tỏ ra dám vượt quyền Huyền Khê. Như mọi khi, Lợi chuyên đứng ở hậu trường, nhường cho hình nộm trước sân khấu sự hãnh diện phù phiếm. Lòng tự ái của Huyền Khê không bị động chạm. Mọi việc đều do Lợi xếp đặt, nhưng trước khi thi hành, bao giờ Lợi cũng nói qua Huyền Khê một tiếng. Cho là phải phép rồi, Huyền Khê gật. Nhưng dù sao Lợi vẫn còn ít tuổi hơn Huyền Khê nhiều. Lúc nào đưa ra đề nghị gì Lợi đều thấy Huyền Khê chấp thuận không đắn đo, do dự. Thế mà phải thật lâu về sau, Lợi mới thấy mình trở thành thuộc hạ ngoan ngoãn của Huyền Khê. Lợi bận quá nhiều việc, chuyển lương liên miên cho các toán quân phía bắc sông Côn. Còn mặt nam, như Du Thái, Xuân Huề thì có những người ít khả năng hơn phụ trách, vì công việc đơn giản hơn. Bẵng đi gần nửa tháng Lợi không có dịp về Xuân Huề vui vẻ với "anh em" nữa. Chỉ có một lần phải xuống Du Thái gọi Năm Nhiều lên Kiên thành gặp Nhạc gấp, trên đường đi ghé tạt Xuân Huề thăm mộ mẹ, Lợi lỡ đường ngủ tạm đó một đêm. "Các anh em" trách Lợi bỏ rơi họ, nhắc lại những đêm vui bên bàn rượu. Một người thuật cho Lợi nghe lời huênh hoang của Bảy Thìn. Thế là mọi sự sáng tỏ. Lợi biết hết những gì đã xảy ra, vì sao mình ít có dịp trở lại Xuân Huề.
Quá lắm rồi! Mình cho chúng nó lấy của đổi mạng mà chúng nó không biết ơn! Quá lắm rồi! Giở lại quyển sổ ghi danh sách những người đi điếu, dò tên từng người. Kiểm lại giá trị từng món, Lợi tức giận. Khám phá ra rằng chúng nó mua sự yên ổn của cả gia đình đông đúc với những giá quá rẻ. Bọn vô ơn bạc nghĩa! Quân sâu bọ! Quá lắm rồi!
Về đến Kiên thành, Lợi tìm gặp ngay Huyền Khê. Huyền Khê bảo:
- Chú về thật đúng lúc. Dưới Thuận Tuyên họ vừa cho người lên bảo sắp cạn lương. Chú xem lại thử kho An Vinh còn đủ không?
Lợi đáp:
- Vâng.
- Hay chú lấy ngựa đến tận nơi xem sao.
- Để xem đã.
Huyền Khê bắt đầu nhận thấy thái độ của Lợi có gì khang khác. Ông quan sát Lợi kỹ hơn, thấy đôi mắt oán giận và đôi môi mỏng mím lại. Huyền Khê hỏi:
- Chú mệt à?
- Vâng.
- Thế thì để tôi cho người khác thay chú cũng được. Chú về nghỉ cho khỏe. Có thuốc thang gì chưa?
Lợi nói:
- Cảm ơn bác. Chỉ xâm xoàng sơ sơ thôi. Nếu có người thay thế thì cháu xin phép bác được tạt qua Xuân Huề một hôm. Lâu quá không thăm chú Bảy Thìn được.
Lợi vừa nói vừa cố dò xem phản ứng của Huyền Khê. Quả nhiên nét mặt ông ta đanh lại. Sau một lúc im lặng đôi bên cùng dò dẫm, Huyền Khê hỏi:
- Chú bà con với lão Bảy Thìn thế nào?
Lợi quyết tâm nói thẳng vào vấn đề, không e dè quanh co nữa:
- Chẳng bà con gần xa gì cả.
- Thế thì cần gì phải thăm nom!
- Nói thế cho đẹp một chút thôi. Cháu xin nói thật, lão ta là kẻ thù của cháu. Chính lão giúp đỡ cho quân phủ trói mẹ cháu lại, đem đi hành hình.
Huyền Khê làm vẻ kinh ngạc:
- Thật thế à? Sao lâu nay không nghe chú nói gì cả?
Lợi chua chát:
- Làm sao cháu dám nói. Lão ta có nhiều thế lực. Có nhiều người bao che cho lão.
- Bọn chánh tổng ư? Hay là quan huyện? Chú còn sợ gì chúng nó nữa! Chúng nó cao chạy xa bay cả rồi mà!
Lợi giận quá nói lớn:
- Không. Chính lão dựa vào thế lực ở đây, ở tại Kiên thành này này, để tiếp tục huênh hoang không kiêng dè ai cả.
- Lão ta khoác lác, chú tin làm gì!
- Thế bác biết lão ta à?
Huyền Khê vội chữa:
- Không. Tôi mới lên đây lạ nước lạ người, ngoài chú với ông Nhạc có quen biết ai đâu. Nghe chú thuật, tôi đoán thế!
Lợi mạnh bạo tiến thêm một bước nữa:
- Bác có nghe lão huênh hoang gì không?
- Làm sao tôi biết được. Chú hỏi như vậy là có ý gì?
- Cũng có chút ý nghĩa chứ. Vì có liên quan đến bác.
Sợ Huyền Khê cắt lời mình, Lợi vội nói luôn một mạch:
- Lão ta khoe là người thân thuộc với bác. Lão thách đứa nào lớn gan thử động đến sợi lông chân của lão xem, thử có sứt đầu mẻ trán hay không. Đặc biệt lão thù ghét cháu. Lão nói: Mở mắt cho to, xem tao trị thằng Lợi. Nó biết thân thì lánh mặt đi. Vác mặt về Xuân Hề, có chuyện đa. Bà con cô bác xem lâu nay nó có dám thò đầu về đây đâu! Nó về, một gáo nước lạnh tao cũng không cho, chứ đừng nói rượu thịt.
Huyền Khê nóng cả mặt, trừng trừng nhìn Lợi, lớn tiếng hỏi:
- Thế ra chú về đây để vấn tội phải không? Chú muốn bảo tôi bao che cho kẻ thù của chú lộng hành phải không? Chú trả lời đi! Có hay không? Việc này không phải nhỏ. Nếu ông Nhạc không chịu giải quyết, tức là đã ngầm sai chú đến đây làm nhục tôi. tôi chịu lên đây lãnh cái chức giấy bồi thợ mã này, không phải để người ta muốn làm gì thì làm. Chú trả lời ngay cho tôi. Chú muốn gì? Ai sai chú đến đây?
Lợi bắt đầu thấy việc làm của mình có nhiều nguy hiểm. Lợi biết cái thế liên minh giữa Nhạc và Nguyễn Thung có nhiều lỏng lẻo, nghi ngờ, và chỉ cần một hiểu lầm nhỏ mọn cũng đủ cớ để xé lời thỏa ước tạm bợ hôm rằm. Càng nghĩ Lợi càng sợ, gai ốc nổi trên sống lưng Lợi. Lưỡi anh líu lại, tay chân run. Huyền Khê thấy hết vẻ sợ hãi của Lợi, càng làm tới:
- Chú không nói. Được. Tôi phải gặp ông Nhạc để hỏi cho ra lẽ. Nếu ông Nhạc không sai chú, thì chính chú là kẻ phá hoại, đâm bị thóc chọc bị gạo cho anh em ông Nhạc với anh em dưới Tuy Viễn gây gổ nhau, xích mích hiểu lầm nhau. Chuyện này quan trọng lắm, không thể bỏ qua được.
Nói xong, Huyền Khê vội vã lên trại chính gặp Nhạc.
*
* *
Chưa bao giờ Nhạc giận dữ như buổi trưa hôm ấy. Mắt ông đổ lửa. Giọng nói cà lăm vì khắp người ông run lên. Mép môi trên co giật, dấu hiệu sự xúc động đã lên đến tột độ. Gần như một hội đồng kỷ luật được triệu tập khẩn cấp, gồm có Nhạc, Huyền Khê, Bùi Văn Nhật và Chỉ.
Nhạc cho xếp hai bộ tràng kỷ thành một hàng dài, bàn phía trước đặt một dĩa trầu và một khay trà. Chỉ sai lính hầu nhen thêm một lư trầm, mang lên đặt giữa khay trà và dĩa trầu. Cửa lớn cửa sổ phòng họp đóng kín, bên trong thắp hai cây đèn bạch lạp lớn. Không khí phòng xử trang nghiêm đến lạnh lùng, khiến Huyền Khê cũng phải e ngại. Ông hối hận vì quá nóng giận mà xé to một chuyện không ra gì. Huyền Khê muốn bỏ qua, nhưng Nhạc cương quyết phản đối. Nhạc nói:
- Đây không còn là chuyện riêng giữa bác với thằng Lợi, mà trở thành chuyện lớn của tất cả chúng ta. Không nghiêm trị nó, tất sẽ có nhiều lời xuyên tạc, gây bất hòa giữa anh em với nhau. Chúng tôi cảm ơn lòng khoan dung của bác đối với bọn trẻ con, nhưng xin bác nghĩ đến đại cuộc, cho phép chúng tôi trị nó. Tụi bay đâu, dẫn nó về đây!
Hai người lính dẫn Lợi vào. Nét mặt Lợi còn nguyên sự hãi hùng, chân chùn lại không dám bước đến trước hai bộ tràng kỷ. Cách bày biện bàn ghế khác thường, ánh nến lung linh, khói trầm tỏa lên, bao nhiêu sự xếp đặt cố ý của Nhạc và Chỉ rõ ràng đã tác động lên cân não mọi người, kể cả những nhà dàn cảnh. Không ai dám thở mạnh. Khuôn mặt người nào cũng bất động, mắt nhìn thẳng, hai bàn tay xếp ngay ngắn trên hai đầu gối. Thế ngồi thiếu thoải mái ấy một lần nữa tăng thêm vẻ cau có nghiêm khắc trên mặt các quan án. Lợi chịu đựng sao nổi cái không khí đầy đe dọa ghê gớm ấy. Anh mất cả tài miệng lưỡi, và linh động quyền biến. Anh như cái xác chỉ biết vâng dạ, gật đầu chấp nhận hết. Mọi tội lỗi đều do anh. Mọi lời phao truyền cũng do anh. Các quan án cao lời buộc tội theo thói quen suy nghĩ của mình, gán cho Lợi những điều mình cho là không thể dung thứ trên đời. Chẳng hạn Nhật khép cho Lợi cái tội xem thường phép tắc. Chỉ thì bảo Lợi bài biếm lễ nghi, bất kính đối với tôn trưởng. Huyền Khê không dám nói gì thêm, chỉ e dè bảo tuy Lợi rất nhanh nhẹn tháo vát trong công việc, nhưng đôi lúc do sơ ý, cũng có vài trường hợp qua quyền. Kết quả phiên xử gần giống như mọi người đoán: Lợi phải chịu một bản án khá nặng nề. Vì dám xúc phạm đến vị chỉ huy khả kính của mình, vì lơ là trong công tác, Lợi bị truất hết mọi quyền hành, không được phụ trách quân lương nữa. Trong thời hạn một tháng, Lợi phải về trại Kiên thành làm một người bình thường, làm tạp dịch và giúp việc lặt vặt không quan trọng để có thì giờ ăn năn suy gẫm về lỗi lầm của mình. Sau một tháng, nếu Lợi phục thiện, biết tự sửa đổi tính nết, bấy giờ ban tham mưu sẽ họp để xét ân giảm cho Lợi, giao những trách vụ xứng đáng hơn.
Huyền Khê không dám ước mình được trọng vọng đến bậc đó. Ông bớt hối hận, tự thấy mình đáng kính. Vâng, nếu ông có giận dữ mách chuyện đó với Nhạc, chẳng qua chỉ vì đại cuộc. Xưa nay ông vẫn được tiếng đại lượng khoan dung, nhất định không bao giờ có tâm địa nhỏ nhen. Phải chờ đến lúc men chiến thắng và tự mãn tan đi, Huyền Khê mới bắt đầu thấy lúng túng. Lâu nay việc quân lương do Lợi lo liệu cả, từ việc xuất nhập, sổ sách, cho đến điều động phương tiện chuyên chở. Quen biết rộng, giao thiệp giỏi, ăn nói khéo léo vừa ràng buộc vừa ve vuốt, lại luôn luôn kèm theo những món quà nhỏ gửi đúng lúc đúng nơi, Lợi giải quyết các khó khăn một cách dễ dàng, như một trò đùa. Đột nhiên Huyền Khê phải một mình lo lấy tất. Ông lúng túng, sợ không làm xong việc, sau đó sợ vì không làm được việc mà mất hết thể diện. Các trở ngại không biết từ đâu ùn ùn kéo đến phá quấy ông: đằng này kêu thiếu lương, đằng kia báo động lương sắp cạn. Kho thóc tịch thu được không đưa kịp về nơi an toàn, ngựa thồ chở quá sức con bị ốm con bỏ ăn. Lính dưới quyền kiếm cớ lánh nặng. Mới toàn quyền bao liệu hết mấy ngày, ông đã nghe những tiếng kêu ca, than phiền. Theo cái đà đó, rồi sẽ đi đến đâu? Ông loay hoay, lúng túng như một tay chèo ngược dòng mà không có bánh lái, không có cả mái dầm. Tệ hơn nữa, ông không dám mở miệng cầu cứu Nhạc. Là đệ tam trại chủ, đặc trách quân lương, mà không lo xong được những cái việc vặt vãnh lâu nay một thằng con nít vẫn làm, thì còn thể thống gì nữa!
Cho nên không lấy gì đo được niềm hân hoan biết ơn của Huyền Khê, khi Nhạc gửi Lữ qua giúp ông giải quyết các khó khăn nan giải về vận chuyển. Các đoàn ngựa thồ khỏe hơn. Cần người gánh thêm gạo, có ngay. Kẹt kho ư? Nội một đêm Lữ truyền tất cả già trẻ lớn bé trong làng phải gánh, vác, bưng, đội, khiêng, xách...làm gì thì làm miễn phải dời số thóc từ chỗ này sang chỗ kia trước lúc hửng sáng. Lệnh của Kiên thành đấy. Nghe hay không tùy ý!
Nhạc đã gài Lữ làm việc bên cạnh Huyền Khê đệ tam trại chủ phụ trách quân lương như vậy! Nhạc cũng gửi Chinh xuống làm tùy viên liên lạc cho Tập Đình, Lý Tài, trong một trường hợp khác.
*
* *
Được tin Nguyễn Nhạc gửi thêm quân tăng cường cho lực lượng đóng ở An Thái, Nguyễn Thung càng thêm lo âu. Toán thuộc hạ cắm mốc ở Thủ Thiện chỉ là cái chuông báo động, chẳng bỏ bèn gì nếu Nhạc thay lòng, xé thỏa ước đêm rằm, sai Huệ thúc quân sâu xuống phía Tuy Viễn. Bằng nhiều hứa hẹn và kích thích hiếu thắng, Thung đưa được toán quân của Tập Đình, Lý Tài lên phía tây. Đám bạn bè bộ hạ của Tập Đình, Lý Tài quá ít ỏi, họ lại quen đánh nhau trên biển hơn là trên đất liền. Nguyễn Thung chọn trong số thuộc hạ của mình những kẻ to lớn khỏe mạnh, bắt cạo đầu gióc tóc cho giống người Tàu trước khi gửi họ tăng cường cho toán quân vốn đã hung hãn liều lĩnh ấy. Để phô trương thanh thế, nhất là để vuốt ve lòng tự cao tự đại của Tập Đình, Lý Tài, Nguyễn Thung gọi hai toán quân đó là Trung nghĩa quân và Hòa nghĩa quân. Không phải Thung không đủ chữ nghĩa để tìm những danh xưng kêu to hơn Nhạc. Thung có thừa sức thổi căng những cái bong bóng. Nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, Thung quyết giữ y nguyên những cái tên Nhạc đã dùng, vì hai lý do: thứ nhất, là vì Tập Đình, Lý Tài đều thỏa mãn ra mặt, mũi phồng to lên vì hai cái tên đó; thứ nhì, Thung chưa muốn công khai đối đầu với Nhạc, nhất là khi cán cân lực lượng còn chông chênh, chưa biết được lực đã nghiêng về phía nào. Lấy cớ đề phòng quân tiếp viện của chúa Nguyễn từ Phú Yên kéo ra, Thung đưa Trung nghĩa quân và Hòa nghĩa quân tiến lên gần giáp với An Thái. Như vậy đầu tháng Chín năm Tỵ ở vùng giáp ranh Phù Ly. Tuy Viễn hai bên sông Côn, có tất cả ba lực lượng lặng lẽ gờm nhau chờ cơ hội giơ vuốt ra vồ lấy đối phương: toán nghĩa quân của Huệ, đám quân phủ bên kia cầu Phụng Ngọc, và đám quân ở trần trọc đầu của Tập Đình, Lý Tài. Quân phủ vẫn án binh bất động vì khiếp nhược. Đối với Huệ, hướng cần đề phòng là đám Tàu ô của Thung. Họ gây náo loạn và gieo sợ hãi trong các vùng họ kéo qua. Thích rượu và sự náo động, họ buộc dân chúng phải cung phụng đủ thứ. Bọn con buôn người Tàu được dịp kiếm những món lợi khổng lồ, nhờ bán rao chức tước và độc quyền chuyên chở hàng hóa từ Tuy Viễn sang Phù Ly. Dân nghèo không chịu đựng được khốn khổ bắt đầu bỏ nhà chạy lên miệt trên. Các va chạm giữa hai lực lượng sinh sôi mau chóng. Mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt, chỉ cần một mồi lửa là mọi sự bùng nổ. Trong khi Huệ cố tránh các va chạm, kiên nhẫn chịu đựng các khiêu khích thì Tập Đình và Lý Tài lại kiếm cớ gây sự. Chúng truy đuổi những người dân khốn khổ lên tận An Thái. Chúng còn đòi Huyền Khê phải tiếp lương cho Trung nghĩa quân và Hòa nghĩa quân, lấy cớ đệ tam trại chủ có trách nhiệm về quân lương cho cả hai phía.
Nhạc tiếp nhận các đòi hỏi xấc xược ấy với nụ cười trên môi. Ông bảo tất cả ý kiến đó đều hợp lý, đều đúng với tinh thần của thỏa ước. Đáng lẽ Nhạc phải thấy trước, phải tiên liệu những khó khăn của Trung nghĩa quân và Hòa nghĩa quân để vận lương cho họ trước khi họ lên tiếng đòi hỏi. Nhưng chậm còn hơn không. Huyền Khê sẽ đích thân về Tuy Viễn gặp Thung để biết rõ nhu cầu cần thiết là bao nhiêu, quân số dưới Tuy Viễn đã lên đến đâu rồi. Về phần Nhạc, phải liên lạc chặt chẽ hơn với Tập Đình, Lý Tài. Trước mắt, Kiên thành phải gửi ngay một người xuống bản doanh của Trung và Hòa nghĩa để đảm nhiệm trách vụ tùy viên liên lạc. Không chờ hỏi ý kiến ông giáo (lúc đó có việc gấp về Tây Sơn thượng). Nguyễn Nhạc chỉ định Chinh giữ vai trò khó khăn và nguy hiểm ấy. Chinh nhận lệnh không chút sợ sệt hay do dự, ngược lại, anh còn có cảm giác ngây ngất say sưa vì sắp được tham dự vào một cuộc phiêu lưu mới.
*
* *
Chinh như một cô gái không chịu đựng nổi các lời dằn xóc của bà gì ghẻ, sẵn sàng gật đầu làm vợ bất cứ người đàn ông nào đến trước. Từ khi về đồng bằng, chiến đấu trong đội quân của Tuyết, anh chưa bao giờ cảm thấy hoàn toàn thoải mái, tự do. Lúc nào đôi mắt vô hình của cha cũng theo dõi anh, nghiêm khắc xoi mói cái tính ngang tàng liều lĩnh của anh. Chinh không bao giờ quên trận đòn ở Tây Sơn thượng. Dù muốn quên, anh vẫn cứ nhớ từng lời của ông giáo đêm hôm ấy.
Sau khi nhận lệnh của Nhạc, Chinh thấp thỏm sợ cha về Kiên thành trước ngày mình ra đi. Anh không muốn nghe thêm những lời răn đe của ông giáo. Anh đoán trước cha sẽ nói những gì, ánh nhìn của cha ra sao. Có thể ông giáo lại yêu cầu Nhạc tìm chọn một người khác, và nếu như vậy, thế nào ông Nhạc cũng chiều lòng ông giáo. Chinh muốn mọi sự đã rồi trước khi cha về.
Khốn nỗi đáp của Tập Đình, Lý Tài lên chậm. Ông giáo lại xuống sớm. Ông giáo không yêu cầu trại chủ xét lại sự chọn lựa, nhưng y như Chinh đoán trước, ông giáo không vui. Lại nói xa nói gần đến điều nhân nghĩa, đến sự bất đắc dĩ của bạo lực, đến chỗ ranh giới của thiện ác... Chinh cúi đầu nghe lời cha, lòng ngán ngẩm, tự hỏi tại sao cha có thể bỏ cả cuộc đời nhai đi nhai lại những tiếng rỗng tuếch nhạt nhẽo như vậy.
Hình như ông giáo đọc được ý nghĩ thầm kín của con. Ông hỏi:
- Cha lẩm cẩm quá rồi phải không?
Chinh giật mình vội chối:
- Thưa cha, không. Con vẫn lắng nghe cha dạy.
Giọng ông giáo chua chát nhiều hơn là mỉa mai.
- Cha hiểu con rõ hơn mấy đứa khác nữa. Đừng giấu cha. Trí óc con đơn giản quá, bụng nghĩ thế nào, hiện cả ra cử chỉ nét mặt. Cha không biết phải chờ đến lúc nào con mới hiểu hết những điều cha vừa nói. Cha cũng biết hiện giờ, lời cha như nước đổ lá khoai mà thôi. Nhưng không nói, cha không yên tâm. Tình thế mỗi ngày thêm gay go. Mỗi người, ngay cả những người luống tuổi yếu ớt như cha đây, phải quyết định những điều liên quan đến sống chết của kẻ khác. Một mạng người. Cha nghĩ mà sợ, tay chưa đụng tới chuôi kiếm đã chùn lại. Miệng định nói đã nghẹn. Huống chi con lúc nào cũng lăm lăm gươm giáo nhọn hoắt. Con phải dè dặt. Nhất là chuyến này, sống giữa bầy hùm sói...
Ông giáo run giọng, lắp bắp không tiếp được nữa. Chinh xúc động, thấy lòng man mác, ngùi ngùi. Anh hiểu tuy đối xử với anh cha có nghiêm khắc xa cách nhưng ông giáo vẫn thương con, lo lắng cho con trước một khúc quanh nguy hiểm. Sau một lúc cố trấn tĩnh, ông giáo nói:
- An nó tưởng con còn ở Kiên thành, nên nhờ con đón hai chị em nó.
Chinh kinh ngạc vội hỏi:
- Chúng nó sắp xuống đây sao, cha?
Ông giáo đáp:
- Cha ngăn cản, bảo hãy chờ ít lâu nữa. Nhưng cả hai chị em đều nằng nặc đòi về. Chúng nó bảo cậu mợ Hai Nhiều về được thì mình cũng về được. An Thái quá gần phủ thì ở Kiên thành để săn sóc cha. Con biết không, cả Tây Sơn thượng thấp thỏm như ngồi trên lửa. Ai cũng ngong ngóng chờ ngày về xuôi.
Hai cha con im lặng, tránh nhìn nhau. Ông giáo nói:
- Lúc chúng nó về đây, con đã đi rồi. Thật tiếc.
Không hiểu sao khi nghe cha nói vậy, lòng Chinh đau nhói. Anh mường tượng cái gì sắp đổ vỡ mà không thể tránh được, cái gì đã rồi. Anh lo âu, khác với bản chất vô tâm lâu nay. Anh muốn diễn tả xúc động bất chợt đối với cha mà không đủ khả năng, chỉ cúi đầu im lặng.
Hai hôm sau, Lý Tài viết thư cho Nhạc, chấp nhận Chinh về Tuy Viễn.