Lợi vừa từ xưởng đóng chiến thuyền ở cửa Thị Nại về, nhưng thay vì ghé Bằng Châu cho vợ con đỡ nóng ruột chờ đợi, anh quyết định đi thẳng đến dinh quan Đô đốc Chỉnh.
Trông vẻ mặt hớn hở của Lợi, Nguyễn Hữu Chỉnh bảo ngay:
- Anh khỏi cần nói tôi cũng biết mọi sự dưới đó êm đẹp. Xong đến chiếc thứ mười chưa?
Lợi hãnh diện đáp:
- Tính đến chiều hôm qua, đã xong đến chiếc thứ mười lăm.
Nguyễn Hữu Chỉnh kinh ngạc:
- Thật thế à! Anh tài thật. Nhưng có làm đúng theo mẫu tôi vẽ hay không?
- Dạ không sai một ly.
Nguyễn Hữu Chỉnh tò mò hỏi:
- Tôi hơi tò mò một chút. Anh làm cách nào cho bọn lười nhớt thây đó chịu làm ngày làm đêm? Nếu có gì bất tiện, anh không cần trả lời.
Lợi hơi lúng túng, nhưng lấy ngay được tự tín, nhìn thẳng vào mắt Nguyễn Hữu Chỉnh đáp:
- Tôi hứa cho họ chia nhau số gỗ thừa. Hơn nữa, những lái gỗ và chủ ghe phải đóng góp chút ít cho bọn đóng thuyền ăn khao mỗi lần đóng xong một chiếc mới...
Chỉnh cười phát tay ra dấu cho Lợi ngưng kể, rồi bảo:
- Tôi hiểu. Còn nhiều cách khác nữa, nhưng đại loại phải lấy lợi ra thúc cho việc mau xong. Anh biết quyền biến đến thế, tôi ngạc nhiên thấy anh lận đận mãi về công danh. Này, anh đã hiểu vì sao không?
Lợi rụt rè hỏi:
- Thưa vì sao ạ?
- Vì anh chỉ chăm chú đến những cái vặt vãnh. Giữa anh với tôi, ta nên cởi mở, không nên khách sáo đãi bôi với nhau làm gì. Tôi biết anh hào hứng khi xoay được bọn buôn gỗ vài khoản tiền. Không, anh đừng ngại. Ở vào địa vị tôi, tôi cũng làm thế. Nhưng sở dĩ anh lận đận không ngoi đầu lên được, chỉ vì anh không nhìn qua khỏi tầm tay, như một người đi buôn từng bát gạo hũ mắm. Công việc đó nên dành cho bọn già yếu tàn tật. Mình sức dài vai rộng nên buôn cho ra buôn. Cắp cái rổ bán dạo vài quả ổi, quả lựu cũng là buôn. Lã Bất Vi cũng đi buôn. Nhưng buôn vua thích thú hơn buôn ổi, buôn lựu chứ!
Lợi lo lắng hỏi:
- Bây giờ tôi phải làm gì ạ?
Nguyễn Hữu Chỉnh vuốt râu gật gù một lúc, thích thú ngắm vẻ lúng túng của Lợi. Thật lâu về sau, Chỉnh mới nói:
- Anh phải tập nhìn quanh để biết đoán trước thời thế sẽ xoay về đâu. Nếu không, anh cắm cúi dành dụm được chút ít cho vợ con, đến lúc chỉ cần một mảnh giấy là công lao dành dụm chắt bóp của anh mất sạch!
Lần đầu tiên Lợi nghe một người hiểu biết nói đúng nỗi lo của mình. Lợi hốt hoảng đến líu lưỡi. Anh nuốt nước bọt, cố dằn sợ hãi hỏi:
- Tôi có mắt mà như người lòa. Xin ngài dạy bảo cho. Thời thế sắp chuyển rồi ư? Chuyển về phía nào? Tôi không bao giờ quên ơn dạy bảo hôm nay!
Nguyễn Hữu Chỉnh cười nhỏ, rồi nói:
- Ân với huệ gì! Anh giúp đỡ tôi tận tình, nên tôi có bổn phận trả ơn cho anh đấy chứ! Đúng là thời thế sắp chuyển. Chúng ta chưa chậm chân đâu. Còn nhiều thì giờ lắm. Điều quan trọng là phải khéo tiên liệu để khỏi bỏ lỡ cơ hội. Tôi hỏi anh câu này nhé. Theo anh thì hiện tại, ở đây, ai là kẻ nhiều uy quyền nhất?
Lợi mau mắn đáp:
- Dĩ nhiên là nhà vua.
Nguyễn Hữu Chỉnh lắc đầu, ra vẻ thương hại Lợi. Thấy vẻ mặt Lợi ngơ ngác, Chỉnh bảo nhỏ:
- Anh ra cửa xem có ai ngoài đó không?
Lợi ra cửa phòng, thấy tên lính hầu đang cầm giáo đứng gác ngoài cửa dinh quan Đô đốc. Chỉnh sai tên lính đi pha trà mời Lợi. Đợi tên lính hầu đi khỏi, Chỉnh bảo Lợi:
- Thực lực của cả vương triều này nằm cả trong tay ông Long Nhương, anh không thấy sao. Nhất là sau khi thắng được quân Xiêm...
Lợi ngạc nhiên hỏi:
- Sao thiên hạ đồn là bị bại?
Chỉnh lắc đầu:
- Bại sao được. Vừa có tin báo về là ông Long Nhương đã đánh ba vạn quân Xiêm tan tác, không còn lấy một mảnh ván để khỏi chết trôi. Sau trận này, thanh thế ông Long Nhương sẽ lấn át cả vua anh. Cái thế nghiêng về ai, đã rõ. Anh khư khư ôm lấy mấy miếng ván thừa, sẽ có lúc chết chìm với đống ván lẻ đó. Anh cứ theo thời thế xoay chuyển mà liệu việc. Cũng như đi buôn phải tìm người có thời mà hùn vốn. Anh hiểu ý tôi chứ?
Lợi vội nói:
- Dạ hiểu.
- Anh có nhiều cơ may để tiến thân, chỉ tiếc là anh chưa biết dùng các cơ may ấy. Tôi nhớ đã hỏi chuyện anh quen thân với ông Long Nhương từ thời niên thiếu, có đúng thế không?
- Vâng ạ.
- Cả đến chị nhà cũng không xa lạ gì với ông Long Nhương chứ?
Lợi đỏ mặt, lí nhí đáp:
- Dạ quả có thế.
- Thôi, mong anh gặp được nhiều may mắn hơn. Lận đận mãi sao được. Anh bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ đã 37.
- Chậm quá rồi. Nhớ liệu thời cơ mà ngoi lên. Không phải gặp ai tôi cũng nói những điều tôi vừa nói với anh. Nếu không thương quí anh, không tin cẩn anh, nói như thế là chuốc họa vào thân. Anh nhớ đừng hé môi nói lại với ai nhé.
Lợi cảm động quá, run run nói:
- Suốt đời không bao giờ tôi quên cái ơn hôm nay. Đúng là Trời đã đưa ngài vào tận đây để nâng tôi dậy, để mở mắt cho tôi.
Lúc đó tên lính hầu vừa bưng khay trà và cơi trầu vào. Nguyễn Hữu Chỉnh cười ha hả, bảo Lợi:
- Khá lắm. Chú phải thúc cho họ đóng xong mấy chục chiến thuyền ấy kịp ngày. Vâng, cần thứ gì trước, chú kê ra đi. Những điều tôi căn dặn, chú đừng quên, hỏng cả việc đấy. Lần trước chỉ vì sơ sẩy mà có chiếc vừa hạ thủy đã nghiêng qua một bên. Làm ăn như vậy làm sao qua được sóng gió!
Lợi hiểu ý Chỉnh, lẳng lặng xin lui để kịp ghé thăm nhà trước khi xuống Thị Nại vào hôm sau.
*
* *
An cằn nhằn với chồng:
- Hôm trước Lãng nó gặp anh trước bộ Lễ. Sao anh không tạt về nhà xem mẹ con em sống chết ra sao? Anh quên đường về Bằng Châu rồi phải không?
Lợi sà xuống ngồi cạnh vợ, giọng dỗ dành:
- Anh biết thế nào em cũng giận, nhưng quả thật hôm đó anh chạy không kịp thở nữa. Gỗ dưới sông sắp hết, mà chuyến bè nguồn chưa về. Anh lên bộ Công hỏi thăm, rồi phải theo ngựa trạm về dưới đó ngay. Anh vất vả vì ai, em biết rồi. Các con đâu rồi?
An hơi nguôi giận, nhưng vẫn giữ cái giọng dấm dẳng:
- Thằng Phát thành dân đá cá lăn dưa, còn con Thái thoi thóp sắp phải tìm sắm áo quan rồi. Anh về kịp, cũng may.
Lợi biết vợ nói dỗi, bẹo vào má An, cười giã lã:
- Em chỉ nói dại. Anh có mang về nhiều ốc đẹp cho con bé đây. Nó đâu?
An mỉm cười, giọng nói đã lộ vẻ đùa cợt:
- Anh vào giường bệnh mà tìm.
Lợi đã biết vợ đã hết giận, quay sang trách móc An:
- Đừng nói quàng nói xiên mãi. Nó đâu, gọi vào cho nó mừng.
An lớn tiếng gọi:
- Thái ơi!
Con bé từ sau vườn chạy ra, trông thấy cha, nó mừng rỡ chạy đến ôm chầm lấy Lợi. Lợi ngồi xuống hôn tóc bé Thái, hỏi:
- Anh Phát đâu?
Con bé lắc đầu đáp:
- Con không biết nữa. Ảnh chạy đi chơi từ sáng sớm.
Lợi trợn mắt hỏi:
- Đi chơi? Sao không mét mẹ?
Bé Thái ậm ừ không dám trả lời. An thấy lạ, hỏi con:
- Lúc nãy con đem cho mẹ xem trang tập viết của anh Phát mà!
Con bé rơm rớm nước mắt, không nói gì được.
An phải dỗ dành:
- Có gì lầm lỗi con cứ nói, mẹ không mắng đâu. Đừng khóc.
Lợi cũng bảo:
- Ngoan lên. Cha sẽ thưởng cho con bọc ốc đẹp.
Bé Thái được hứa hẹn, khuyến khích, nên đáp:
- Ảnh nhờ con chép giùm mấy chữ rồi mang cho mẹ. Ảnh dọa nếu không làm, ảnh không thèm chơi với con nữa.
Lợi có vẻ thích thú vì những điều con vừa kể, chẳng những không rầy con mà còn reo to:
- Khá lắm. Mới tám tuổi đầu đã biết bán chữ. Thế mới thực là người khôn phải không con?
An bực quá, gắt chồng:
- Anh nói thế mà được à! Tôi báo cho anh biết, thằng Phát đã trở thành đứa lêu lổng rồi đấy. Nó bắt đầu nhập bọn với bọn trẻ hoang chuyên đi phá phách cây cối vườn tược của người ta. Hôm kia có người đến đây mắng vốn. Hôm qua em nhốt nó ở nhà một ngày, sáng nay đã dậy sớm lẻn đi rồi. Một mình em không lo hết được. Anh đi hoài, con cái không ai dạy dỗ, sau này nó trở thành thằng ăn cướp cho xem.
Lợi cười, nói:
- Ăn cướp càng tốt. Chỉ mong nó có chí lớn, không thèm ăn cướp những thứ lặt vặt. Cướp được cả nước người ta, thì tự nhiên thành ngài, thành đấng, chứ cướp vài đồng tiền kẽm chẳng bõ công mà còn bị thiên hạ gọi xách mé là thằng, là đứa.
An ngỡ ngàng nhìn chồng, hoang mang hỏi:
- Anh mới học được của ai cái giọng đó? Chỉ sơ suất vài lời với lão Năm Ngạn đã nằm ngục mấy năm, anh chưa biết sợ hay sao.
An đã vô tình chạm đến những điều Lợi e ngại nhất. Đột nhiên Lợi nổi giận. Mặt anh nóng bừng. Anh nói:
- Cô cũng mới học được của ai cái giọng dạy đời hỗn xược đó? Cô hãy nhìn quanh xem có người vợ nào dám nói với chồng như cô không?
An nổi bù lu bù loa:
- Em biết mà. Anh về nhà là chuyện bất đắc dĩ, nên mới bước vào cổng là đã tìm chuyện gây gổ để làm cớ ra đi. Được, anh muốn đi đâu thì đi, khỏi cần phải tìm cớ.
Lợi không chịu kém, la lớn:
- Nhà tôi tôi ở, không ai được quyền đuổi. Cô nên nhớ...
Lợi nói đến đó mới chợt nhớ cái nhà này không phải tài sản của anh, mà cũng không phải tài sản nhà vợ. Đó là tài sản của triều đình, tịch thu được của một tên duyện lại trốn tội. Lợi ngập ngừng một lúc chưa biết xoay xở thế nào, khiến An có cơ hội lấn tới:
- Anh bảo nhớ nhớ cái gì? Nhà này của ai? Của anh phải không?
Lợi giận dữ đáp:
- Nhưng cũng không phải của nhà cô.
Con bé Thái thấy cha mẹ cãi nhau găng quá, sợ đến xanh mặt. Nó bắt đầu mếu máo khóc. Nó đến ôm chân mẹ van lơn:
- Mẹ. Mẹ ơi. Đừng nói lớn con sợ quá mẹ!
Hai vợ chồng lúc ấy mới nhớ đến con, nên cùng dằn cơn nóng giận lại. Nhưng Lợi cảm thấy bị thương tổn nếu không nói gì thêm, nếu để cho An nghĩ mình đã thắng thế. Trước khi bỏ vào nhà, Lợi gằn giọng bảo:
- Lần nào về cũng sinh chuyện. Biết thế này thà đi cho khuất mặt còn hơn.
An định trả lời, nhưng bé Thái đã kịp ôm chặt lấy mẹ van nài:
- Mẹ! Mẹ ơi!
Bữa cơm chiều hôm đó nặng nề, không vui.
*
* *
Tuy nhiên vào buổi tối, Lợi nhớ những lời khuyên của Đô đốc Chỉnh, nên cố gắng làm lành với vợ. Anh nói cười luôn miệng, âu yếm săn sóc các con. Chính Lợi dẫn thằng Phát đi tắm rửa, thay quần áo cho nó trước khi buộc thằng bé đứng vòng tay cúi đầu để nghe cha dạy bảo. Con Thái thấy sự khác thường, đôi mắt ngơ ngẩn hết nhìn cha lại quay sang dò nhìn mẹ. Thấy mẹ vẫn làm mặt nghiêm, nó càng không hiểu nổi những gì đang diễn ra trước mắt, Lợi đem tập giấy viết nhem nhuốc của Phát ra làm chứng để răn dạy con. Anh nói:
- Hồi trưa cha về mới biết con bỏ học đi lêu lổng với bọn mất dạy. Chẳng những thế, con còn dối mẹ, nhờ em viết giùm để đi chơi. Con không được trừng mắt với em như vậy. Không phải em nó tự tiện đi mét cha mẹ đâu. Cha mẹ không nhận ra nét chữ của con với nét chữ của em Thái hay sao. Em nó nhỏ tuổi hơn con, lại là con gái, mà nét ngang nét sổ đẹp đẽ, cứng cỏi hơn con nhiều. Cha bận việc không có thì giờ, chứ mẹ thì còn lạ gì nét chữ nguệch ngoạc của con nữa. Tại sao biếng nhác vậy Phát? Con không sợ làm mẹ buồn hay sao? Con nên nhớ trên đời không ai thương con bằng mẹ, không ai hy sinh cho chồng cho con bằng mẹ. Không có mẹ thì ai nuôi các con, ai lo lắng cho các con từng miếng cơm, giấc ngủ. Mẹ khổ sở vì các con, các con có biết không? Tại sao các con không ngoan ngoãn để vui lòng mẹ, lại còn làm khổ mẹ. Mẹ héo hắt từng ngày, con không thấy hay sao?
Hai đứa trẻ càng hoang mang hơn, không hiểu tại sao đột nhiên cha mình dài dòng kể lể công lao của mẹ. Nhưng An thì hiểu chủ ý của Lợi. Chị thấy con gái ngáp, bảo nó:
- Thái, đi ngủ đi. Con đã nghe cha dạy chưa? Từ nay về sau phải giúp mẹ lo lắng việc nhà, chứ không phải cứ nhong nhong ngoài đường. Con nói thì giỏi lắm, nhưng sau đó đâu vẫn hoàn đấy.
Bé Thái trố mắt nhìn mẹ, chẳng hiểu vì sao mẹ lại trách mắng mình. Nó lắp bắp phản đối:
- Mẹ, mẹ lầm rồi. Mẹ mắng anh Phát chứ sao lại mắng con. Con có nhong nhong ngoài đường hồi nào đâu!
Lợi gật gù, mỉm cười, bảo con gái:
- Ừ, mẹ giận anh Phát nên rầy chung cả nhà đấy. Con cha ngoan lắm, đi ngủ trước đi. Cả thằng Phát nữa. Thôi, cho phép con nghỉ học tối nay.
Hai đứa bé vui mừng, len lén bước ra khỏi phòng, mắt lấm lét liếc nhìn cha mẹ, sợ họ đổi ý. Chờ cho hai con đi khỏi, Lợi mới ngồi ghé xuống gần chỗ vợ đang ngồi. An vẫn giữ nét mặt lạnh lùng, mắt nhìn chăm chú mạng lại cái áo rách của Thái. Lợi tằng hắng, rồi húng hắng ho, An vẫn không ngước lên nhìn chồng. Quá lâu, thấy vợ điềm tĩnh làm công việc mình, Lợi sốt ruột, phải lên tiếng trước. Anh nhỏ nhẹ nói:
- Hồi trưa anh thật bậy! Có lẽ đi về mệt quá, đâm cáu.
An không nói gì. Lợi rụt rè tiếp:
- Tối nay trời oi thật. Không có lấy một chút gió!
Im lặng!
- Không biết hai đứa trẻ đã chịu ngủ chưa. Không có tiếng cằn nhằn hoặc cười khúc khích. Có lẽ chúng ngủ cả rồi.
An hít hà vì vô ý để kim đâm vào ngón tay trỏ. Chị đưa ngón tay lên miệng nút hết máu. Được dịp tốt, Lợi xuýt xoa:
- Có sao không? Ấy, đừng để máu bầm làm độc. Hãy nặn cho hết ra, rồi xoa tí dầu khuynh diệp.
An không nhịn được nữa, bật cười, nhưng vẫn giữ giọng gay gắt:
- Anh cứ để mặc tôi. Việc ai nấy lo, không việc gì phải chen vào.
Lợi vui mừng, ngồi dịch lại gần vợ hơn:
- Hết giận anh rồi nhé! Đừng giận anh, tội nghiệp. Ai không có lúc lầm lỗi. Khổng Tử còn có khi lầm, huống chi anh!
An đã quá quen với tài mơn trớn làm lành của Lợi, đưa tay đẩy chồng ra xa, và nói:
- Thôi, tôi biết anh đang cần tôi làm gì đây mới hạ giọng như vậy. Có việc gì nói quách ra đi.
Lợi chối đây đẩy:
- Có việc gì đâu. Em chỉ quen nghĩ xấu cho anh. Thực ra hồi chiều, lúc kình cãi với em xong anh ra đường, lên phố, mới biết tin quân ta đã phá tan quân Xiêm. Cả phố phường như mở hội. Em không ra đó mà xem. Mai em đi chợ chắc vẫn còn được thấy cảnh rộn rã.
Quả nhiên An quên ngay giận, hỏi chồng:
- Thật không anh? Thế mà những kẻ độc mồm độc miệng cứ xì xào bảo nhau là trận này ta thua to, ta mất sạch chiến thuyền y như hồi ông Năm Ngạn cầm quân.
Lợi thấy vợ bị chuyện thời cuộc cuốn hút, vui vẻ nói:
- Chúng nó điên mới nghĩ ông Long Nhương thua trận. Thua sao được! Chuyến này ông Huệ về, thế nào cũng có nhiều thay đổi.
An không hiểu ý chồng, vội hỏi:
- Thay đổi? Thay đổi cái gì hở anh?
Lợi cố lấy giọng nghiêm trọng, thì thào với vợ:
- Em chưa thấy sao? Bao nhiêu công trận đều do ông Huệ lập cả. Chẳng lẽ ông Long Nhương cứ giữ mãi phận em út. Anh em với nhau trong nhà thì sao cũng được. Nhưng đây là việc nước. Phải xử thế nào cho công bằng chứ.
An ngạc nhiên hỏi:
- Thế lâu nay nhà vua xử bất công với anh Huệ à?
- Không phải thế. Nhà vua không xử ép ông Long Nhương, nhưng nhà vua xem đây là chuyện nhà, ai làm cũng được, còn lợi lộc thì nhịn nhường nhau theo thứ bậc lớn nhỏ. Nhưng nếu đứng ngoài mà nhìn thì càng ngày càng có nhiều bất tiện. Nhất là đối với những ai đã từng vào sinh ra tử với ông Long Nhương, với anh Huệ. Anh Huệ nhường nhịn hai anh được tiếng là em thảo, nhưng các tùy tướng của anh Huệ lại bị thiệt thòi. Họ đâu có chịu!
An bắt đầu lo sợ, nên run run hỏi:
- Họ định làm loạn để đòi hỏi quyền lợi ư? Sao anh biết?
- Không. Họ đã định gì đâu, nhưng anh đoán thế nào họ cũng đòi. Không sớm thì muộn họ phải đòi. Lúc đó, tất có nhiều điều rắc rối xảy đến. An chợt nhớ cuộc tranh cãi về tuồng Chàng Lía giữa hai chị em An, Lãng, nên bắt đầu sợ hãi. Chị hỏi:
- Anh Huệ dám đứng ra chống nhà vua sao anh?
Lợi càng hạ thấp giọng:
- Chưa hẳn như thế. Nhưng ông Long Nhương sẽ bắt đầu chứng tỏ rằng mình không còn là cậu em út ngoan ngoãn nữa. Vua anh có thể khó chịu, nhưng làm sao được. Đánh tan mấy vạn quân Xiêm, nhổ sạch lũ giặc cỏ Nguyễn Gia Miêu đều là công lao của ông Long Nhương. Chuyến này ông ấy về, vua Thái Đức không thể xem em như một người bé bỏng được.
- Nếu... nếu hai anh em họ kình chống nhau, nhà ta sẽ thế nào? Em sợ cho thằng Lãng. Còn anh nữa. Nhà vua có vẻ tin cậy ông Chỉnh lắm. Nhưng nam bắc cách biệt, liệu nhà vua có tin thật không. Em lo anh làm việc với ông Chỉnh, có ngày... Lỡ xảy ra chuyện gì, chắc mẹ con em...
An nghẹn lời, không dám nói hết câu. Lợi cũng bắt đầu thấy tầm nguy hiểm có thể đến với gia đình mình, nhưng thấy vợ sợ hãi quá, anh cố lấy hết bình tĩnh trấn an vợ:
- Không đến nỗi như thế đâu. Coi kìa! Chưa chi đã xanh mặt! Anh chỉ nói đùa cho vui chứ sự thực dễ gì xảy ra như vậy.
An cãi:
- Không. Cái gì cũng có thể xảy ra cả. Thà thấy trước để còn liệu đường tránh. Làm sao đây anh?
Lợi ôm hai vai vợ, thấy An run rẩy, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Lợi ôm chặt vợ vào lòng, vỗ vào lưng An như dỗ một đứa bé cho nó ngủ:
- Em nên tin ở anh. Dù thời thế ra sao chăng nữa, anh cũng xoay xở được. Anh không để cho em với các con khổ như hồi trước đâu. Bây giờ anh đã từng trải, không sốc nổi như trước nữa. Anh khôn ngoan hơn nhiều. Anh liệu trước được thời cơ chứ không cắm cúi vùi đầu trong những chuyện tẹp nhẹp. Em nên tin anh.