Từ ngày Lợi ra đi bất thần, An sống trong trạng thái bồn chồn khác thường, đến nỗi chị phải tự hỏi mình: ta thương yêu, gắn bó với anh ấy đến thế sao?
An đặt câu hỏi, tìm cách trả lời, nhưng không câu trả lời nào chị cho là thỏa đáng cả. An thương yêu Lợi? Nếu nghĩ tình yêu là cái gì đẹp đẽ thanh khiết nhất, cái gì có thể làm cho An bâng khuâng bất cứ lúc nào nghĩ đến, cái quí nhất của một đời, niềm an ủi cuối cùng bù đắp tất cả thua thiệt nhọc nhằn phải chịu, niềm hãnh diện thầm kín khiến An dám tiếp tục thách đố với mọi trở ngại; nếu nghĩ tình yêu làm rộn rã cảnh phẳng lặng, làm mơn mởn héo úa, làm xôn xao kẻ chán nản, vực kẻ hấp hối dậy, xua bóng đêm tan; tóm lại nếu xem nó là mơ ước hạnh phúc tràn đầy của mọi người trước bậc cửa của đời sống trưởng thành, thì quả thật An không thương yêu Lợi đến như thế. Nói đúng hơn, An chỉ thương hại và cảm thấy một thứ yên ổn bình thường khi sống với Lợi. An vừa an tâm vì được che chở, vừa hãnh diện vì được chiều chuộng, nịnh bợ, tâng bốc. An thấy mình trở thành quan trọng trước chồng. Nếu có thể gọi niềm an lạc kiêu hãnh ấy cũng là hạnh phúc, thì vâng, có thể nói An đã được sống hạnh phúc, không xôn xao nô nức, không hồi hộp xao xuyến. Có Lợi bên cạnh, An yên tâm, như được sống trong một căn nhà ngăn nắp. Chị khỏi cần suy nghĩ gì, khỏi cần rướn người vươn lên cao hơn chút nữa. Cứ việc lười lĩnh buông thả trong tầm thường, với những công việc bình thường, ước mong bình thường. Chỉ có thế, và nên yên tâm với những tiện nghi trước mắt. Các mơ ước thời trẻ tuổi càng ngày càng xa vời, càng ngày càng tuyệt vọng. Bám vào nó chỉ thêm khổ thân thôi! An cố nghĩ như vậy, và tìm được yên ổn suốt bao năm!
Cho đến khi Lợi theo Nguyễn Huệ ra Phú Xuân, ra bắc, rồi chờ mong mãi vẫn chưa thấy Lợi về, An bồn chồn lo lắng.
Chị thấy mình thực sự lo âu cho Lợi, thực sự đau khổ khi nghĩ sẽ mất Lợi. Chị cáu kỉnh với con cái, biếng chải tóc, mặt mày bần thần như người mất hồn. Nếu An không yêu thương chồng, hoặc chỉ có cái nghĩa phu thê như một thói quen chịu đựng ràng buộc giữa hai người cùng chung sống bên nhau, chắc chắn chị không bồn chồn lo âu đến thế! Từ lúc nào không biết, Lợi đã trở thành một phần của cuộc đời chị, của thân thể chị, như một ngón tay, một mảng tóc. Bình thường chị không chú ý đến yêu hay ghét gì chúng cả. Nhưng có ai giật mảng tóc, chặt ngón tay An xem!
Khác với mọi người, càng nhận được tin chiến thắng dồn dập từ Phú Xuân, từ Thăng Long đưa về, An càng lo lắng. Lợi của chị càng xa, thì chị càng thấy mất mát, khổ sở. An tiếc những ngày cũ tầm thường đơn giản, lúc Lợi trở về từng ngày đúng thời khắc, và ngày nào cũng hí hửng đem về một tin vui, một món quà, một món tiền, hoặc một hứa hẹn. Lúc trước chị thấy chồng tủn mủn vụn vặt quá, trong lòng hơi thất vọng vì thấy Lợi không có những tham vọng lớn. Lợi dễ dàng thỏa mãn với những món tiền thu được nhờ khôn khéo xoay xở, và thực sự tìm thấy sung sướng khi làm việc ấy. Bây giờ, An mới thấy tội nghiệp cho chồng, và tự dày vò vì những lời xa gần xúi giục Lợi tìm kiếm những chân trời mới, địa vị cao sang hơn.
Khi vua Thái Đức và Đông Định công Nguyễn Lữ về tới Qui Nhơn mà không có đạo quân chiến thắng về cùng, dân Qui Nhơn loan truyền nhiều lời đồn đãi, đoán non đoán già về tình trạng bất thường đó. Quá quen với sự thay đổi bất trắc của tình thế, nhất là nhạy bén đoán trước thời cơ để tìm một chỗ kín gió trong thời giông bão, ngay tại trung tâm của quyền lực, dân Qui Nhơn điềm tĩnh bàn tán và rút ra được những kết luận khá đúng. Họ biết giữa nhà vua và Nguyễn Huệ có mối bất hòa lớn lao. Nguyên nhân? Nhiều lắm! Tùy trình độ từng người, họ suy đoán ra một nguyên nhân thích hợp với bản tính. An chạy khắp nơi hỏi tin chồng, hễ nghe ai vừa ở Phú Xuân về là cố tìm đến hỏi thăm tin Lợi. Phần lớn những người được hỏi đều biết Lợi. Họ xác nhận Lợi vẫn mạnh khỏe, không bị thương hoặc đau yếu gì. Nhưng tại sao Lợi chưa về? Họ lắc đầu, rồi dè dặt đưa ra một phỏng đoán. An rối mù vì những lời phỏng đoán đó, càng ngày càng hốt hoảng, không biết đâu là sự thực. Đến nỗi cuối cùng, An đánh bạo xin vào cung triều yết nhà vua để hỏi tin tức chồng. Chị nhờ Thọ Hương thưa giúp với hoàng hậu. Tuy đã khoác áo nâu sồng, gác bỏ mọi chuyện đời, nhưng Thọ Hương vẫn trở lại hoàng cung làm giúp việc bạn nhờ. Nhà vua dứt khoát từ chối, không tiếp kiến An.
Điều đó khiến An càng cuống cuồng lo lắng hơn. Chị chạy đi hỏi Kiên, không tin những lời an ủi của anh. (An nghĩ Kiên nói dối để mình đỡ khổ.) An chạy đến các am miếu linh thiêng để cầu khẩn. Chị tốn khá tiền cho các thầy bói mà vẫn chưa mua được yên tâm. Thần thánh cũng biết nói hàng hai để vừa xoa vừa vuốt những kẻ hoảng hốt chới với không biết tin vào đâu.
Đúng lúc đó, An được nhà vua cho vời vào cung về một việc khẩn cấp.
*
* *
Vua Thái Đức bảo Bùi Văn Nhật và Bùi Đắc Tuyên:
- Bầy "ngựa non háu đá" mê đường trường, không chịu về chuồng. Các người đoán đúng lắm. Mỗi đứa bịa ra một cái cớ để ở lì ngoài đó. Nào là quân gốc Thuận Hóa ngại qua đèo Hải Vân. Nào là giặc Chỉnh còn phía bắc phải ở lại giữ thành. Nào là... Nào là... Toàn một lũ vong ân bội nghĩa!
Bùi Văn Nhật nói:
- Hoàng thượng chỉ cần hạ chỉ triệu về, ai dám không tuân!
Vua Thái Đức cười chua chát, bảo:
- Ngươi chưa thấy bộ điệu của chúng, sau khi chiếm được Thăng Long! Ngươi tưởng triệu về được à? Nếu được, ta đã không về đây một mình.
Bùi Đắc Tuyên rụt rè thưa:
- Tâu Hoàng thượng, như vậy ta phải làm gì ạ?
Vua Thái Đức nói:
- Còn nước thì còn tát. Đầu têu là thằng Huệ. Thôi được, chú ấy đã muốn ở lại Phú xuân thì cứ cho ở lại đấy. Trước khi xuất quân, ông Chỉnh cũng có khuyên ta nên cho chú ấy ra riêng một nơi cho bớt hậu hoạn tranh chấp về sau. Ta sẽ phong cho chú ấy làm Bắc Bình vương coi giữ từ Hải Vân quan trở ra. Chú Bảy làm Đông Định vương, coi Gia Định, ta là trung ương hoàng đế. Hồi còn ở Phú Xuân ta có nói qua với chú Tám. Nó có vẻ bằng lòng. Ông Tuyên đem sắc phong ra cho chú Tám nhé. Ông là anh vợ, dễ xử hơn. Vả lại, chú Tám đèo bồng, càng phải sợ ông anh vợ.
Bùi Đắc Tuyên liền hỏi:
- Tâu Hoàng thượng, còn gia quyến của Bắc Bình vương thì sao ạ!
- Tùy thím ấy. Muốn ra ngay theo chồng cũng được. Hoặc chờ chú ấy về đem ra cũng được. Sẵn dịp ông ra, đem của cải tịch thu được ở Thăng Long về đây. à, con vợ thằng Lợi đã vào chưa?
Bùi Văn Nhật nói:
- Tâu Hoàng thượng, chị ta đang chờ bái yết Hoàng thượng.
Vua Thái Đức vội bảo:
- Thế à! Cho nó vào. Mà thôi, khỏi cần. Ông Nhật tiếp nó cũng được. Bảo nó viết cho thằng chồng một lá thư, để gọi thằng Lợi về đây. Viết thế nào để thằng Lợi hiểu rằng tính mệnh cả gia đình tùy thuộc ở nó. Nghề của ông, ta khỏi cần phải nói nhiều.
Rồi quay về phía Bùi Đắc Tuyên, nhà vua bảo:
- Việc gấp lắm. Ông đi sớm để về kịp trước Tết. Mọi sự tùy thuộc ở ông cả. Gấp lên nhé. Xã tắc an nguy đều do ở sự thành bại của chuyến này. Ông chớ quên.
Bùi Đắc Tuyên nghe trong câu cuối của nhà vua giọng phẫn kích và chua chát khác thường. Ông ngước nhìn vua Thái Đức, nhưng nhà vua quay về phía cửa điện, nét mặt bần thần.
*
* *
Bây giờ thì mầm mống bất hòa giữa hai anh em, không còn có thể giấu được nữa. Vua Thái Đức không còn nén được cơn giận khi sứ bộ Phú Xuân vào Qui Nhơn mang theo tờ biểu của chính Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, em ruột của nhà vua. Một phần cũng do vua Thái Đức quá tự tin. Phái bộ đến vào lúc nhà vua đang thiết triều. Tưởng là một bài biểu tạ ơn, nhà vua cho vời sứ bộ vào hỏi han cực kỳ ân cần. Đến khi viên quan bộ Lễ trình tờ biểu lên, nhà vua hoan hỉ ra lệnh tuyên đọc giữa triều để đánh tan các lời đồn đãi ác ý lâu nay về mối chia rẽ trầm trọng giữa Qui Nhơn và Phú Xuân. Viên quan bộ Lễ tuân mệnh.
Mọi sự diễn ra sau đó khiến tất cả triều đình ngỡ ngàng. Họ đã nghe gì? Có đúng là lời của Bắc Bình vương không? Các quan văn võ ban đầu còn cung kính chắp tay ngửng mặt để trân trọng đón nghe những lời thân thiện nhún nhường, những tin vui từ biên thùy phía bắc. Được vài câu, họ sợ hãi liếc nhìn phản ứng của nhà vua, rồi họ cúi mặt xuống, nín thở chờ cơn thịnh nộ.
Cái gì phải đến, đã đến. Nhà vua giận quá, đập mạnh tay xuống cái kỷ gấm đỏ trước mặt, quát lớn:
- Thôi. Đưa đây!
Viên quan bộ Lễ sợ đến nỗi đầu gối khuỵu xuống, muốn bước mà bước không nổi. Nhà vua phải quát lần nữa:
- Đã bảo đưa đây! Điếc à?
ông ta mới vội tiến lên, run run đưa lá biểu bằng hai tay cho vua Thái Đức. Nhà vua chồm ra phía trước, chụp tờ biểu xé vụn rồi tung về phía sứ bộ, giọng nói run, lắp bắp vì giận:
- Cút đi. Về bảo cái bọn sai tụi mày vào đây là ta đã xé tờ biểu như vậy đó. Quân vô ơn bội nghĩa. Nếu không có ta gầy dựng thì cả lũ bây giờ quá lắm là những tên buôn trầu, những thằng mót củi, làm thuê, chứ đâu được ngồi sập vàng ăn mâm bạc. Thế mà chúng nó không biết nghĩ, dám trở mặt với ta. Tên nào, thằng nào xui khôn xui dại để có tờ biểu này? Hà hà, văn từ cũng khá lắm. Lý lẽ chặt chẽ, lời nói nhún nhường. Láo cả. Ta thấy hết gan ruột của tụi bây, đừng đem những lời đẹp đẽ để gạt ta. Nào than phiền Thuận Hóa mất mùa liên miên mấy năm không đủ gạo cho dân vào mấy tháng giáp Tết, rồi bắt qua chuyện trấn thủ Quảng Nam không cho thông thương qua đèo Hải Vân để xin được dùng cửa Hội, được đem thuyền vào Quảng mua lúa, được tự do ra vào. Lính Phú Xuân gốc Quảng được về thăm gia đình. Được miễn thuế cho tàu chở hàng cho Phú Xuân cập bến cửa Hội... Nếu vậy thì giao luôn Quảng Nam cho Phú Xuân cho rồi, lấy Hải Vân làm ranh giới chi cho mất công!
Về bảo chúng nó là nếu lần sau còn sai người vào đây dâng những tờ biểu thế này thì có đi mà không có về. Đáng lý ta phải ra lệnh chém các người, nhưng đây là lần đầu, làm thế thì không còn ai về Phú Xuân kể lại cơn giận của ta cho chúng nó nghe. Ngay bây giờ, các người lên ngựa chạy về Phú Xuân đi. Càng sớm càng tốt. Về bảo với chúng nó là ta đã xé tờ biểu để quăng vào mặt bọn vong ân bội nghĩa chúng nó, và thuật lời ta nhắn nhủ: nếu còn dám dâng biểu đòi này nọ ở Quảng Nam, thì thằng nào dẫn xác vào đây là vào chỗ chết.
Rồi vua Thái Đức đập kỷ hét:
- Xong rồi. Cút nhanh đi.
Sứ bộ líu ríu rút ra khỏi điện, không dám quay nhìn lại. Họ đi rồi mà khắp triều không ai dám ho lên một tiếng. Nhà vua mắt đỏ ngầu, nhìn khắp các quan văn võ như muốn tìm một kẻ vô phúc để trút bớt cơn thịnh nộ. Vì hiểu sự đe dọa ghế gớm ấy nên ai ai cũng thu người lại, cúi gằm mặt xuống. Nguyễn Nhạc không tìm được nạn nhân nào, gọi lớn:
- Ông Nhật đâu?
Quan Hình bộ Bùi Văn Nhật khép nép tiến ra giữa triều, run run đáp:
- Tâu hoàng thượng, thần ở đây ạ!
Nguyễn Nhạc cố dằn bớt cơn giận, nói thật lớn:
- Chúng nó không kể gì tới vợ con, mới dám vòi vĩnh xấc láo như thế. Hay chúng nó quên rằng vợ con cha mẹ còn ở đây. Không có lý! Bọn vô lại lòng lang dạ thú như thế thì còn kể gì ai nữa. Không biết chừng chúng nó tự hãm hại gia đình rồi đổ vấy cho ta, lấy cớ mà gây hấn! Ngay hôm nay, ông cho tập trung vợ con chúng nó lại, canh gác thật nghiêm nhặt. Nghe chưa?
Bùi Văn Nhật nhận thấy từ đầu chí cuối nhà vua tránh nói thẳng đến Nguyễn Huệ, băn khoăn không biết tình cảm nhà vua đối với em như thế nào. Vả lại, vợ con Nguyễn Huệ là em ông, cháu ông. Có quản thúc cả vợ con Nguyễn Huệ không? Hay nhà vua chỉ muốn trả hận đối với các tướng tá không chịu theo nhà vua về Qui Nhơn? Bùi Văn Nhật cố trấn tĩnh, tằng hắng để lấy can đảm, lên tiếng hỏi rụt rè:
- Tâu Hoàng thượng, vợ con của... của Bắc Bình vương...
Vua Thái Đức cắt lời Nhật, quát lớn:
- Không chừa ai cả. Ngươi vị tình phải không? Ngươi theo ta hay lại theo tên vô ơn bội nghĩa đó?
Bùi Văn Nhật hấp tấp đáp:
- Muôn tâu Hoàng thượng, thần xin tuân chỉ. Thần luôn luôn là kẻ tôi mọi trung thành của Hoàng thượng. Nếu thần có lòng nào...
Nhà vua vội bảo:
- Thôi. Ngươi khỏi cần thề thốt. Ta không tin ngươi thì còn tin ai nữa. Ra lệnh bãi triều đi! Và tập trung ngay vợ con chúng nó lại.
*
* *
Cơn thịnh nộ công khai của vua Thái Đức được lưu truyền nhanh chóng khắp Qui Nhơn. Và chỉ một sớm một chiều, cả Qui Nhơn trở nên căng thẳng, xao xác như sắp phải chịu một trận cuồng phong ghê gớm. Nét mặt mọi người trong các công đường, trạm gác, kể cả nét mặt dân chúng trong các phố, chợ đều dáo dác, lấm lét. Nhìn không dám nhìn thẳng. Nói thì thào, chụm đầu vào nhau để chỉ vừa đủ nghe sau khi đã cẩn thận nhìn trước liếc sau. Cửa nhà khép. Đèn hạ thấp tim. Dù chưa có lệnh, phố xá, chợ búa vắng vẻ. Người đi lại thưa thớt. Trên đường cái, chỉ có những toán lính lầm lũi bước để đến tăng cường canh phòng ở các trục giao thông, bến ghe, đầu chợ.
Cảnh trong thành dĩ nhiên xao xác hơn! Các gia đình bị quản thúc nhanh chóng và các tin tức đầy đe dọa cũng lan đi nhanh không kém. Đâu đâu, người ta cũng thì thầm hỏi dò cho được những ai bị liệt vào bọn vong ân bội nghĩa để tự mình điều chỉnh lại cách giao thiệp, cách cư xử, cách nói năng. Vì con số vong ân bội nghĩa lên cao quá, bất cứ chức sắc nào, dù cao hay thấp, đều sợ hãi nhận thấy rằng, suốt bao nhiêu năm, mình đã dại dột ăn nói thân mật hoặc đi lại thăm viếng không người vong ân này thì kẻ bội nghĩa khác. Do đó ai nấy đều thấy mình sẽ bị xem là tay chân, hoặc tòng phạm với những kẻ bị kết tội. Và ai nấy đều nơm nớp chờ đợi. Trong khi đó các toán lính cứ lầm lũi bước ngoài đường, người nào cũng đầy đủ gươm, giáo, dây thừng, gậy gộc. Họ đi đâu đây? Sắp đến nhà mình phỏng? Nhờ Trời, họ đi qua khỏi cửa rồi! Nhưng còn các toán sắp đến? Vì sao người đi đầu cứ chăm chăm nhìn vào cửa nhà mình thế? Họ lại qua khỏi. Và lại có một toán khác sắp tới!
*
* *
Trong không khí xao xác căng thẳng ấy, An thấy rõ hơn ai hết sự đe dọa đang rình chờ mẹ con chị. Từ hôm được triệu vào cung, sau đó lại bị gọi tới bộ Hình để nghe quan Hình bộ Bùi Văn Nhật truyền lệnh viết thư gọi chồng về, An đã băn khoăn, lờ mờ đoán có điều gì bất thường đã xảy ra giữa Phú Xuân và Qui Nhơn. Tại sao ban đầu bảo là có lệnh vua, sau đó lại chuyển qua bộ Hình? An đã có những kỷ niệm không mấy vui về cái bộ ấy rồi, nên lần này trở lại, An thắc thỏm lo ngại. Rồi tại sao bộ Hình lại nói xa gần đến tình vợ chồng, đến cái tật ham chơi của Lợi, để bảo chị viết thư gọi Lợi về? Việc gì phải quanh co như thế? Nhà vua là bậc toàn năng, chỉ cần hạ chỉ là lập tức Lợi phải về ngay, cần gì phải nhờ đến An? Chị không dám hỏi quan Hình bộ, Bùi Văn Nhật thì lúng ta lúng túng không muốn nói nhiều, chỉ bảo lệnh vua đơn giản có thế.
Cho đến lúc nghe được tin có lệnh quản thúc, An giật mình kinh hãi. Chắc chắn rồi! Anh ấy đã bị liệt vào hạng "vong ân bội nghĩa"! An sợ đến lặng người. Nhưng bản năng sinh tồn, vào lúc chỉ có một mình An ở nhà, đã mau chóng vực chị dậy. Không thể chần chờ được! Phải trốn gấp, trước khi quá muộn!
Nhưng trốn đi đâu? Về đâu? An nghĩ đến An thái, rồi ngay sau đó, công nhận ý nghĩ dại dột ấy đến không đúng lúc. Chị chạy qua quán rượu tìm Kiên. Kiên đi vắng. Trở về nhà thì thằng Phát đã lén chui rào đi tắm sông, An phát khóc vì giận, và sợ. Dặn con gái trông chừng nhà, nhất là nếu có ai kêu cổng thì cứ im lặng đừng lên tiếng, An chạy gấp ra chợ. Chị được tin Nguyễn Thung (lâu nay do bất đắc chí, say rượu lê la khắp kinh thành chửi đổng mà không việc gì) vừa bị nhà vua ra lệnh chém bêu đầu buổi sáng. Cây cọc cắm đầu lâu tử tội vẫn còn, cắm gần cửa thành nam cho thiên hạ xem.
Chân tay An tự nhiên bủn rủn. Làm sao bây giờ? Chạy trốn đâu? Chị tìm các bạn hàng xáo trước kia ở chợ, nhưng chợ vắng hoe, không có ai khác ngoài những người ăn mày nằm rên hừ hừ cạnh đống rác hôi thối đầy ruồi nhặng, con chó đói gặm khúc xương bò sát sạp hàng thịt, và ba người lính vác giáo đi qua đi lại gần cổng chợ. An chạy ra bến ghe. Chị gặp một chủ ghe từng làm ăn với Lợi, lúc Lợi còn làm việc tại kho lương. Hỏi sắp đi đâu? Đáp là về chợ Giã. An mừng quá, xin quá giang để thăm một người bà con làm quan dưới đó.
Ngay tối hôm ấy, ba mẹ con và đứa ở gái trốn được khỏi Bằng Châu!
*
* *
Trong thời gian căng thẳng nơm nớp ấy, Qui Nhơn được chứng kiến một cuộc lễ phong vương uy nghiêm rực rỡ, tổ chức trên gò Vân Sơn bên ngoài Hoàng đế thành, để công chúng được tham dự.
Vua Thái Đức có nhiều dụng ý khi ra lệnh tổ chức lễ.
Trước hết, nhà vua muốn xoa bớt cảm giác hãi hùng, lo âu bàng bạc khắp trong thành ngoài chợ từ khi có lệnh quản thúc thân nhân những tướng tá, quan lại về phe với Nguyễn Huệ. Sau cơn giận dữ, nhà vua đã bén nhạy để thấy hậu quả xấu của lệnh ấy đối với đời sống và sinh hoạt của Qui Nhơn. Chợ không họp. Phố đóng cửa. Ghe gác chèo. Khi ai ai cũng lo lắng đến tai bay vạ gió, thì giá cả hàng hóa tăng vọt. Ngay tại kinh thành, gạo và mắm đã bắt đầu khan hiếm. Đấy là chưa kể những hậu quả khó lường khác về mặt tinh thần, như niềm tin ở vương triều, sự phục tòng, sự phán đoán theo khuôn mẫu đức lý, niềm hy vọng ở ổn định, mơ ước một tương lai. Nét mặt lầm lì, đăm chiêu, hay trầm tư của đám cận thần, của cả bọn lính hầu, cử chỉ uể oải của họ là dấu hiệu xấu. Nhạc chịu không nổi một thứ triều đình lặng lẽ. Từ xưa, lúc rảnh rỗi, nhà vua đã thích không khí náo nhiệt xô bồ ở chiếu bạc hơn là cái lặng lẽ nghiêm nghị của cửa chùa. Nhà vua vẫn chế giễu chú Bảy Lữ về sở thích hiu quạnh kỳ quái ấy! Bây giờ, hằng ngày, nhà vua phải chứng kiến những bộ mặt lấm lét, phải nghe những lời run run lắp bắp thiếu hơi! Không! Nguyễn Nhạc thà thích nghe họ chửi mình, hơn là chịu đựng không khí nặng nề ngại ngùng. Phải làm cái gì cho rộn rã, cho vui, cho ồn! Ngoài những buổi hát bộ do Giáo phường diễn, nhà vua nhận thấy phải tổ chứa lễ lạc thêm vào!
Hơn nữa, long trọng tổ chức lễ phong vương cho Nguyễn Lữ còn có lợi về lâu dài. Đêm nằm suy nghĩ, nhà vua nhận thấy phía bắc không thể nào còn chi phối được Bắc Bình vương. Đấy là một con ngựa khỏe, bắt đầu nhận ra căn chuồng chật hẹp của Qui Nhơn. Nguyễn Huệ còn tiến xa, thật xa. Nhà vua biết. Biết và ngại. Nhưng không làm gì được nữa. Chỉ còn cách quay nhìn về phương nam, ổn định Gia Định làm cái thế tương trợ, ỷ dốc. Nhà vua biết tính tình Nguyễn Lữ không như Nguyễn Huệ. Nhưng... nhưng biết đâu đấy! Lấy gì bảo đảm sự trung thành, tuân phục của Lữ ngoài một niềm tin mỏng manh! Làm lễ trọng phong tước Đông Định vương cho Nguyễn Lữ, một là xác định trước thần dân quyền uy tối thượng của Trung ương hoàng đế, hai là nhắc nhở cả Phú Xuân lẫn Gia Định bổn phận tuân phục tuyệt đối với Qui Nhơn. Vì thế, nhà vua mới ra lệnh tổ chức lễ.
Nguyễn Lữ chính thức công khai nhận vương tước với bộ mặt rầu rầu quen thuộc.
Chính Nguyễn Lữ cũng không biết mình vui hay buồn!
Ông hoang mang, đi đứng tiến lui như một người ngoại cuộc. Phải, như một người ngoại cuộc. Từ lâu, ông đã có tâm trạng ấy. Từ thời khởi dấy, ông đã nghĩ mình phải tham dự vì cái thế chẳng đặng đừng, vì em ruột thì phải vâng lệnh anh, thế thôi. Ông chỉ mơ ước được sống an nhàn, thảnh thơi trong một mái nhà, khu vườn đẹp đẽ, yên tĩnh như khu vườn của "chú Thung". Khi nào có cơ hội, ông sẽ xin anh cho được toại nguyện. Cơ hội ấy không bao giờ đến. Biến cố này tiếp biến cố khác. Anh em ông phải đối phó liên tiếp với nhiều kẻ thù, từ bắc vào, từ nam ra, từ cả bên trong nữa. Ông dừng lại chăng? Rút ra khỏi cuộc chăng? Như một kẻ đã cưỡi lưng cọp bước xuống khỏi chỗ đang ngồi tất phải làm mồi cho con cọp. Phải theo. Phải đeo! Nguyễn Lữ thấy cuộc sống cứ băng băng đổi thay trước mắt mình, với một tốc độ càng ngày càng lớn. Ông choáng váng, muốn dừng mà không được. Mọi sự xảy ra dồn dập ngoài tầm mong ước, và khả năng của ông. Nguyễn Huệ kéo quân ra bắc, ông không ngăn được. Bây giờ Nguyễn Nhạc quản thúc gia đình Nguyễn Huệ và vợ con cha mẹ các tướng tá tài giỏi, ông cũng không nói gì được. Lại sắp phải vào Gia Định sông rạch chằng chịt bất trắc. Ông sẽ làm gì đây? Thu mình trong đồn Cầu Sơn với Phạm Văn Tham, nơm nớp lo ngại cả đến những dề lục bình trôi trên sông rạch miền Nam ư? Nguyễn Lữ tìm gặp Kiên trong lúc đang băn khoăn như vậy!
*
* *
Hôm ấy quán rượu ế khách.
Bọn lính và mã phu sợ tai bay vạ gió không dám la cà đến chỗ đông người, sợ cả đến ma men. Rượu vào thì lời ra. Và một câu nói lỡ vào giai đoạn này, có thể là cái vạ lớn cho cả dòng họ!
Nguyễn Lữ để mặc bọn lính hầu ở cửa quán, ra thẳng vườn sau để gặp Kiên. Đã quen với những cuộc thăm viếng bất thần của Nguyễn Lữ, nên Kiên không chút e ngại, mời Đông Định vương ngồi ngay dưới gốc mít để nói chuyện với mình. Từ lâu, hai người coi nhau như đồng đạo. Đạo gì? Họ chưa tìm ra, chưa hiểu hết, nhưng họ biết là đang cùng đi tìm.
Kiên thấy Nguyễn Lữ không mặt triều phục, chỉ mặc một bộ quần áo nâu đơn giản. Dấu vết vương giả còn lại là cái khăn lụa màu vàng thắt ở trên đầu, và dải thắt lưng trắng bằng một loại vải Tàu có vân. Kiên biết Đông Định vương đã cẩn thận dọn mình để đến đàm đạo, và cách ăn mặc đủ thấy Nguyễn Lữ tha thiết muốn tìm một cái gì không thể tìm trong cuộc sống vương giả. Kiên chờ cho Nguyễn Lữ ngồi xếp bằng ngay ngắn trên chiếc chiếu dứa, mới hỏi:
- Chừng nào ngài mới vào Gia Định?
Nguyễn Lữ vội ngước lên nhìn thẳng vào mắt Kiên dò xét, e ngại trong cách xưng hô trang trọng ấy có chút gì khinh thị, hoặc khách sáo mỉa mai. Vương yên lòng khi thấy Kiên mỉm cười thân ái, nên đáp:
- Sắp đi rồi. Sợ không được gặp anh khá lâu đấy.
Kiên đổi cách xưng hô:
- "Anh" nặng "nợ" hơn nên phải khó lắm mới dứt được "lụy". Chỉ sợ lòng chưa tận thành, còn nặng hay nhẹ không nên quan tâm.
Nguyễn Lữ buồn rầu nói:
- Nhưng nợ càng nặng thì lụy càng nhiều. Tôi sợ không đủ sức cưỡng lại, càng ngày càng chìm mất thôi.
Kiên hỏi:
- Sao lại phải cưỡng?
Nguyễn Lữ trố mắt hỏi Kiên:
- Anh nói gì thế? Không cố chống lại các điều ràng buộc, thì làm sao giải thoát? Ngay cách ngồi tĩnh tâm để cố dứt bỏ lo âu phiền toái của đời sống như lâu nay anh làm, không phải là một cách cưỡng lại, chống lại hay sao?
Kiên hỏi tiếp chứ không trả lời:
- Nhưng anh định cưỡng chống cái gì?
Lữ bối rối trước một câu hỏi quá rộng, lúng túng đáp:
- Cưỡng lại cái gì ư? Biết trả lời thế nào bây giờ? Có thể là sự hèn nhát không dám làm theo ý mình. Không dám làm phiền kẻ khác. Thấy cuộc đời có nhiều điều không như ý mà không dám chối bỏ, hoặc cương quyết thay đổi. Cứ để mặc cho nó dẫn đến những chỗ không đúng ý nguyện, như buổi lễ phong vương hôm qua chẳng hạn.
- Vậy chỗ nào mới là chỗ anh thích đến?
Một lần nữa, Lữ lúng túng. Sau một lúc cắn môi suy nghĩ, Nguyễn Lữ đáp:
- Tôi không biết rõ.
- Anh không muốn đến chỗ chết chứ?
- Lúc nào chán nản thì có nghĩ đến. Bình thường thì không. Tôi vẫn thích được sống hơn là chết. Dĩ nhiên phải sống cho đáng.
- Anh vẫn quanh quẩn trong những điều mơ hồ. Chưa biết thích sống thế nào. Chưa biết đời sống đích thực ra sao. Nhưng cái quí là anh khao khát đi tìm chứ không xem cuộc sống trước mắt là tất cả chân lý của đời mình. Lần hồi cũng gỡ được rối. Miễn là biết cách.
Nguyễn Lữ hân hoan hỏi:
- Cách nào? Anh đã tìm ra chưa?
Kiên dè dặt đáp:
- Tôi chỉ mới mon men bước đầu. Chưa biết đúng sai thế nào.
- Thế với cách tĩnh tọa lâu nay anh vẫn làm, có tìm thêm được gì không?
Kiên buồn rầu đáp:
- Mãi đến nay tôi mới thấy mình sai lầm.
Nguyễn Lữ giật mình, vội hỏi:
- Thật à? Sai ở đâu?
Kiên nói thật chậm, gần như rặn từng tiếng:
- Ở chỗ ta cố cưỡng lại, cố chống lại, ở chỗ ta phân biệt từ đầu cái nên và không nên, cái đúng và không đúng.
Nguyễn Lữ chưa hiểu "đồng đạo" nói gì, nhưng kiên nhẫn chờ Kiên giải thích. Kiên nhắm mắt một lúc thật lâu, cố tập trung những điều suy nghĩ tản mạn lại, chọn lựa, sắp xếp cho thành ngôn từ hiểu được. Anh biết trước việc giải thích sẽ rất gay go, có thể có nhiều hiểu lầm hoặc nhiều điều mù mờ, mâu thuẫn. Nhưng Lữ chờ lâu quá rồi. Kiên phải nói vậy:
- Chúng ta không bằng lòng với cuộc sống trước mắt mới đi tìm một cái gì khác. Cái đó cho đến nay ta chưa nói được ra sao. Nó chỉ mới là một hy vọng mơ hồ. Cái đó chứa đựng điều gì thì ta chưa rõ. Thế mà ta lại tưởng đã rành rẽ những cái không phải nó. Điều đó cũng vô lý như một người chưa từng biết Đông Định vương là ai, lại nằng nặc bảo rằng đây không phải là Đông Định vương. Anh nghiệm mà coi, có phải lâu nay chúng ta lầm lẫn vô lý như thế không? Chưa tìm được chân lý, chưa biết mặt mũi nó ra sao mà ta đã quả quyết bảo những cái sau đây không phải là chân lý: đời sống này không phải là chân lý nên ta phải tìm cái gì khác; làng mạc phố phường bụi bặm ồn ào không phải là chỗ trọ của chân lý nên ta phải tìm nơi yên tịnh; sống chung đụng với vợ con tất bật vì cơm áo danh lợi thì chân lý xa lánh nên ta phải sống cách ly; cử động múa may thì chân lý không tụ nên ta phải tĩnh tọa; còn nhiều, nhiều cái "không nên", "không phải", "không thể" nữa.
Lâu nay tôi đã mắc phải sự phân biệt sai lầm đó, nên cố ép mình tĩnh tọa để thoát khỏi mọi ràng buộc của xác thân, của đời sống tầm thường, đạt được sự thanh tịnh cao khiết, sự hòa đồng đáng mơ ước vào đại thể, và nghĩ rằng nhờ thế, tìm ra được chân lý hạnh phúc.
Tôi thử tĩnh tọa theo lối kiết già của Đức Phật, và cũng bắt chước nhà Phật, cố gắng trừ bỏ vọng niệm. Có lúc tôi tưởng đã thành công, tìm được thông cảm với cả loài vật, cây cỏ, hay đất đá. Tôi cảm thấy lâng lâng, ngây ngất, như bay lên được trên mây cao, như lìa khỏi được mặt đất. Nhưng cảm giác đó là cái gì? Nếu nó là chân lý thực sự, là hạnh phúc cao cả thì tại sao nó mơ hồ lãng đãng và tạm bợ như vậy. Tôi nói tạm bợ vì phải bắt đầu trở lại luôn luôn. Tôi đâm hoài nghi. Tôi tự hỏi: Cái cách ép mình ngồi yên thật lâu thế này phỏng có lợi gì? Để làm gì? Để quên xác thân ô uế phiền trọc ư? Càng ép buộc thân thể để quên nó, thì nó càng vùng vẫy để nhắc nhở ta, không cho ta được quên. Thật vậy, ta tự buộc phải ngồi thẳng lưng thật lâu thì lưng mỏi, lưng mỏi thì ta quên cái lưng sao được! Xếp bằng kiết già thì đau chân. Ta nhớ mãi bàn chân tê. Rồi mắt nhắc, tay nhắc, miệng nhắc, mũi nhắc. Ta muốn quên mà lại chọn một cách quên dại dột, khiến rốt cuộc ta nhớ xác thân ta hơn lúc nào hết. Lầm lẫn ở chỗ đó.
Cho nên cái cách để quên thân xác ta hay nhất là cứ sống tự nhiên đừng thúc ép, đè nén nó. Anh thích ngồi dựa vào gốc cây gác chân lên cái ghế cao ư? Cứ việc! Nếu ngồi như vậy anh thấy thoải mái đến độ quên nghĩ đến cái lưng và đôi chân. Tôi đã thử làm, quả nhiên thấy hiệu quả hơn. Tôi quên được thân xác tôi, ngồi ở quầy hàng mà quên được cảnh rượu thịt chè chén, nghe vợ cằn nhằn mà quên được cảnh "thê tróc tử phọc". Tôi chưa tìm được gì, nhưng đã tìm được một điểm nhỏ, là đừng thúc ép tự nhiên mới mong đến chân lý. Cái gì đã đến, đang đến đều là một phần của hạnh phúc. Hãy nương nhẹ với nó, chiều theo cách uốn éo quanh co của nó, thì chẳng mấy chốc, sẽ tiếp cận được bí quyết của hạnh phúc.
Nguyễn Lữ lắng nghe chăm chú những lời Kiên nói. Khi Kiên dừng lại, Đông Định vương ngỡ ngàng hỏi:
- Chỉ có thế sao? Cứ để mặc tự nhiên ư? Anh có lầm lẫn không?
Kiên mỉm cười không đáp. Họ không nói gì với nhau thêm, cho đến lúc chia tay.
Hôm sau, Nguyễn Lữ lên đường vào Gia Định!