Trong điện Chính Tẩm đêm ấy chỉ có ba anh em, vua Thái Đức, Tiết chế Nguyễn Lữ và Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ.
Từ ngày xưng đế, mỗi lần có cuộc họp mặt riêng tư của ba anh em, nhiều chính sách quan trọng đã được bàn thảo và định hình. Nhà vua rất thích những cuộc hội họp như thế vì nhiều lẽ: nhà vua và hai em được thoải mái muốn ngồi nằm thế nào tùy ý, không bị ràng buộc của các nghi thức triều đình, họ xưng hô thân mật, ăn nói nôm na như hồi còn ở Kiên Thành, khỏi phải uốn lưỡi tìm câu cho trang trọng đúng khẩu khí vương giả, họ lại được chân thành bàn cãi không chút e dè vì được tuyệt đối an toàn trong tình ruột thịt. Thường ngày Lữ rất ít nói, nhưng trong các cuộc họp mật ấy, Tiết chế cũng trở nên linh hoạt mau mắn khác thường.
Khi thấy hai em đã đến đủ, vua Thái Đức dựa ngửa lên trường kỷ, hai chân gác cả trên cái bàn chân nai, uốn mình cho xương sống kêu răng rắc một cách thú vị, cười hỏi Huệ:
- Chú Tám có đi đưa đám ông giáo nữa à?
Huệ đỏ mặt đáp gọn:
- Vâng.
Nhà vua cười to hơn, hỏi thêm:
- Chú không sợ thím ấy đổ ghè tương hay sao?
Huệ cười gượng, rồi quay sang phía Tiết chế trách:
- Đáng lý anh Bảy cũng phải đến.
Lữ đáp:
- Chú đến được là đủ rồi.
Vua Thái Đức suy nghĩ một lúc rồi buồn rầu nói:
- Dù sao cũng đáng tiếc. Giá thầy giáo chịu nhìn xa hơn một chút ra khỏi mấy trang sách nho... Chúng ta đang thiếu những người có hiểu biết rộng, có tài chữ nghĩa mà đầu óc không khư khư mấy câu "Khổng tử viết... Mạnh tử viết"!
Lữ nói:
- Có họ hay không có họ cũng thế thôi. Ông bà ta thật hay. Nhất sĩ nhì nông, nhưng hết gạo chạy rông thì nhất nông nhì sĩ. Chữ nghĩa bề bề mà không có gạo thì cũng chẳng đi đến đâu.
Huệ khó chịu nói:
- Chỉ vì lâu nay chúng ta nghĩ thế nên kẻ sĩ mới bỏ ta mà đi. Đến lúc cần một người có uy tín để nói cho dân nghe theo, ta không tìm được ai cả. Như chính sách biến ấp làm đội ta sắp ban bố đây. Chắc chắn dân chúng sẽ nghĩ là mọi người đều bị bắt lính phải xa vợ con cha mẹ cả đời như thời Chúa Nguyễn. Nhân tâm sẽ náo loạn. Nhiều trai tráng sẽ trốn làng trở thành dân xiêu tán, rồi thành bọn đầu trộm đuôi cướp. Ai có đủ uy tín và hiểu biết để giải thích cho họ hiểu đây, nếu không phải là những nhà nho được trọng vọng, vị nể?
Vua Thái Đức mỉm cười, chế giễu Huệ:
- Chú bênh chằm chặp nhà nho vì tình riêng, rồi dùng lý lẽ để bao che khéo léo.
Huệ vội nói:
- Không phải thế. Em nói những gì phải nói. Cũng như em đã nhiều lần thưa với anh là đừng xem thường vai trò các Hoa kiều. Họ là cái ngõ để ta liên lạc với nước ngoài.
Lữ chen vào hỏi Huệ:
- Như lũ đạo tặc Tập Đình Lý Tài chứ gì? Chú chưa thấm đòn của bọn Hòa Nghĩa hay sao mà còn bênh vực chúng.
- Không. Em chỉ muốn nói đến những con buôn Hoa kiều ở rải rác khắp các đường giao thông và cửa biển. Không có họ, ta không có hạng môi giới để buôn bán với các tàu buôn nước ngoài được. Anh Bảy vào Gia định chắc đã thấy vai trò quan trọng của họ trong Nam.
Nhạc chợt nhớ một điều quan trọng, ngồi thẳng dậy hỏi:
- Chú đã cho gửi chiếu chỉ gọi tên Tây dương lên đây rồi chứ?
Lữ đáp:
- Dạ rồi. Thằng Nhậm (Vũ Văn Nhậm rể của Nhạc) đích thân lo việc này. Em cũng đã bảo thằng Nhậm dành căn nhà kế cận cho hắn ở tạm.
Huệ ngạc nhiên hỏi:
- Tên Tây dương nào thế anh?
Nhạc đáp:
- Một tên người Anh cát lợi tên Chapman. Hắn vào cửa Thị Nại hôm 23. Hắn xưng với thằng Nhậm hắn là đại diện chính quyền Anh cát lợi tại Bengale Ấn Độ, có nhiệm vụ đến Đàng Trong để tỏ tình giao hảo và xem xét việc buôn bán giữa hai nước. Hắn xin lên đây triều yết. Ta đã chấp thuận và gửi chiếu chỉ hôm qua.
Rồi quay sang phía Lữ, Nhạc hỏi:
- Đã xếp đặt phương tiện đưa hắn lên đây chưa?
Lữ đáp:
- Dạ xong cả rồi. Đã ra lệnh cấp cho hắn một cái võng, còn bọn tùy tùng thì đi ngựa.
- Chừng nào hắn lên tới đây?
- Dạ theo xếp đặt của thằng Nhậm thì chiều 29 cho hắn vào cửa Thị Nại, sáng 30 bắt đầu khởi hành lên đây. Hắn sẽ tới chậm nhất là sáng mùng một tháng Sáu (1 tháng Sáu Mậu tuất).
- Đã tìm được người biết tiếng Anh cát lợi chưa? Lữ đáp:
- Thưa anh khỏi cần, vì hắn có mang theo một người thông ngôn.
Nhạc gắt:
- Nhưng tin ở tên thông ngôn đó sao được. ít ra bên ta phải có một người để nghe hiểu tiếng Anh, kiểm soát xem tên thông ngôn có dịch đúng lời đối đáp hay không. Chú cứ nhờ các ông trùm đạo dưới Mỹ Cang, hoặc xuống phố khách mà tìm, chắc chắn có nhiều người biết cả tiếng Bồ đào nha lẫn Anh cát lợi. Chú liệu xem, ta tiếp hắn vào sáng sớm ngày mồng hai có kịp không?
Lữ rụt rè đáp:
- Chắc kịp. Nhưng sao lại phải tiếp vào sáng sớm, thưa anh?
Nhạc lừ mắt có ý trách em, rồi nói:
- Chú quên là tiếp hắn xong, ta còn phải đi dự lễ cầu an à? Năm nay chúng ta bận lễ đăng quang, giao việc chinh phạt Gia Định cho Tổng đốc Chu và Hộ giá Ngạn thật bậy. Không biết ông Năm Ngạn có đánh thủng được tuyến chặn của Châu Văn Tiếp ở Bình Thuận không? Chính chú gợi ý phải làm lễ cầu an, bây giờ chú lại quên?
Lữ sa sầm nét mặt, không nói gì. Huệ chen vào hỏi: - Chẳng lẽ chúng ta cứ để mặc cho Châu Văn Tiếp quấy rối suốt một dọc từ Phú Yên vào đến Bình Thuận mãi. Tình trạng nhì nhằng kéo dài như vậy thật bất lợi. Dân vùng đó tuy thưa thớt, nhưng nếu ta không nắm được dân, thì Cù Mông vẫn thường xuyên bị đe dọa. Em muốn ta thanh toán một lần cho tuyệt gốc.
Nhạc nói:
- Ai chẳng muốn thế. Nhưng chú phải liệu cơm gắp mắm. Ta đâu có đủ binh đủ lương để cùng một lúc đánh cả hai mặt trận! Giữa Châu Văn Tiếp và Gia Định phải chọn một. Chúng ta chọn Gia Định, một là vì đó là cái gốc loạn, hai là ta khỏi phải lo lương cho quân ăn tại chỗ. Chẳng những thế...
Nhạc nói đến đấy, đột nhiên ngập ngừng, không nói tiếp. Sau một lúc trầm ngâm, nhà vua nói:
- Ta lo lắm. Đất Gia Định lắm gạo, tên Chủng lại được bọn cố đạo tận tình giúp đỡ. Cho nên ta đã ra lệnh cho quan phụ trách cửa Thị Nại tiếp đãi tử tế tên Anh cát lợi. Làm sao chuyến này ta phải khuyến dụ hắn để nước Anh chịu buôn bán với ta. Phải biến chợ Giã thành một nơi đô hội phồn thịnh, tàu bè ra vào tấp nập y như cửa Hội hay cù lao Phố (Biên Hòa). Ta còn định nhờ hắn mua giúp cả vũ khí và tàu Tây dương để ta tiêu diệt lực lượng của tên Chủng. Nước Anh mạnh nhất thế giới về hải quân. Được nước Anh bằng lòng cung cấp tàu và vũ khí, ta không sợ bọn cố đạo bên cạnh tên Chủng nữa.
Quay về phía Huệ, nhà vua nói:
- Chú cần những gì để tăng cường sức mạnh các đạo quân, ngay tối nay về ghi cho kỹ để mai cho ta biết. Ngày mồng hai chú dự cuộc yết triều chứ?
Nguyễn Huệ vội đáp:
- Em sợ không dự được. Em phải đi kiểm tra lại các đồn bố phòng ở mặt nam Phú Yên.
Nhà vua nói:
- Chú vắng cũng được, nhưng phải nhớ đưa gấp cho ta các nhu cầu vũ khí và tàu bè. Còn chú Bảy thì phối hợp với thằng Nhậm để chuẩn bị cho cuộc yết triều thật long trọng, chu đáo. Phải làm cho hắn nể trọng. Các quan văn võ không ai được vắng mặt. Triều phục thật chỉnh tề, quân lính hàng ngũ nghiêm chỉnh. Các chú nhớ rõ chưa?
*
* *
Mới đầu giờ mẹo, một viên quan bộ Lễ đã đến báo cho phái bộ của Chapman biết rằng nhà vua đang chờ tiếp kiến phái bộ. Chapman không ngờ cuộc triều yết chờ đợi bấy lâu xảy ra sớm như vậy, nên chỉ kịp rửa qua mặt mũi, cạo râu, mặc quần áo rồi cùng mấy người tùy tùng theo viên quan bộ Lễ vào triều ngay. Trong lúc vội vàng, Chapman không tìm ra xà phòng cạo râu nên lưỡi dao cạo để lại trên má phía trái và cằm mấy vết sướt rướm máu. Nhưng vì hồi hộp cho cuộc hội kiến quan trọng, Chapman quên cả cảm giác xót xa trên da mặt. Họ phải đi bộ cả dặm trên con đường đất còn phủ đầy sương sớm, nên đến trước cửa hoàng cung thì ai nấy đều đẫm mồ hôi. Chapman bắt đầu cảm thấy ngưa ngứa ở chỗ râu cạo vội và hai nách. Cả đoàn bị ngăn lại trước cổng. Theo yêu cầu của lính cận vệ, Chapman chỉ được dẫn theo một thanh niên cầm lọng và người thông ngôn. Thanh gươm quý cũng phải để lại ngoài trạm canh vì luật định không cho phép bất cứ ai được mang vũ khí vào triều.
Bên trong cổng, hai hàng quân dàn chào khoảng một trăm người ăn mặc tề chỉnh cầm gươm, giáo, kích đã đứng nghiêm như những pho tượng để đón phái bộ, có lẽ từ lúc gà gáy sáng. Cờ phướn đỏ rực phất phới, hai khẩu súng thần công bằng đồng được chùi sáng bóng hướng nòng về phía Chapman chờ đợi.
Giữa sân điện trải sỏi, ngay trước điện Chính Tẩm, các quan bộ Lễ đã đặt sẵn một cái mâm lớn ba chân bằng đồng, trên đó bày sẵn các lễ vật của phái bộ Chapman mang lên dâng cho vua Thái Đức. Quan bộ Lễ hướng dẫn phái bộ nhờ thông ngôn bảo Chapman quỳ xuống lạy ba lạy ngay tại sân rồng trước khi vào triều yết nhưng Chapman cho như vậy không thích hợp với phong thái và danh dự của người châu Âu, nên chỉ hơi nghiêng mình cúi chào vài lần chiếu lệ. Sau khi bước qua sáu bậc cấp, họ vào đến chính điện.
Điện Chính Tẩm có cửa ở phía trước và hai bên hông. Mái lợp ngói âm dương mầu ngọc bích, các cây cột trong điện đều bằng gỗ quý chạm trổ rất công phu. Ngay phía trước một cái vách gỗ đánh bóng nhoáng là bệ rồng. Ngai vua sơn màu đỏ trang trí hình đầu rồng mầu vàng ánh. Nhà vua đang ngồi oai vệ nghiêm trang trên ngai, hai tay đặt trên cái kỷ thấp lót đệm may bằng lụa đỏ thêu hoa. Hai bên ngai đặt hai chiếc ghế bọc gấm mầu xanh nhạt, một ghế do quan Tiết chế Nguyễn Lữ ngồi, chiếc ghế bên phải bỏ trống. Các quan văn võ trong triều thì ngồi trên những hàng kỷ thấp bằng gỗ tốt nhưng không bọc gấm hoặc tô vẽ trang điểm gì cả, thứ tự trước sau tùy theo địa vị, phẩm hàm.
Vua Thái Đức mặc một chiếc áo bào bằng lụa vàng đậm thêu rồng, dọc theo nẹp áo và hai cánh tay có thêu hình hoa văn bằng chỉ vàng. Vương miện gắn nhiều ngọc quý, trên chóp có một hạt châu lớn óng ánh, rung rinh theo cử động của nhà vua. Các quan đều mặc triều phục bằng lụa nhiều màu khác nhau, cả áo lẫn mũ đều có thêu hoa hoặc nạm ngọc.
Viên đại diện nước Anh nhận thấy khung cảnh triều đình tuy thiếu vẻ huy hoàng ở các cung đình của những ông hoàng Đông phương với châu báu rực rỡ, màn trướng thảm đệm thêu thùa quý giá, cung điện tráng lệ, nhưng sự uy nghi trật tự trước mắt khiến Chapman hiểu rõ rằng mình đang đứng trước một vị vua quyền uy và tự tin.
Viên quan bộ Lễ hướng dẫn cho phái bộ Chapman đến ngồi ở chiếc trường kỷ đặt sau lưng các quan. Chapman nhờ viên thông ngôn tâu lên nhà vua rằng với tư cách là một sứ giả và một người ngoại quốc, ông ta nên được xếp ngồi ở một chỗ thích hợp hơn, vả lại nếu ngồi ở phía sau xa, ông ta khó có thể tâu trình lên nhà vua và khó nghe thấy lời nhà vua nói. Vua Thái Đức nghe xong, cười một cách thiện cảm và tự nhiên, rồi truyền quan bộ Lễ xếp cho phái bộ ngồi ngay ở hàng kỷ đầu, gần sát chỗ ngồi của quan phò mã Vũ Văn Nhậm.
Yên đâu đó xong, Chapman bắt đầu nói. Bằng một giọng trầm lâu lâu ngắt quãng chờ viên thông ngôn dịch lại tiếng Nam, Chapman tự giới thiệu:
- Tâu thánh thượng, thần là một viên chức của vương quốc Anh tại Bengale, được phái đến quý quốc để nối tình giao hảo và đặt quan hệ mậu dịch giữa hai nước.
Vua Thái Đức gật gù ra vẻ bằng lòng với lời dịch nôm trân trọng lễ phép ấy, bàn tay trái vỗ nhè nhẹ lên mặt chiếc kỷ bọc lụa đỏ trước mặt, tay phải đưa lên vuốt nhẹ chòm râu đen. Sau khi nhìn quanh khắp các quan văn võ để thấy họ cũng gật gù thỏa mãn giống y mình, nhà vua nói:
- Lâu nay trẫm đã từng nghe danh tiếng lừng lẫy của quý quốc về các thành công lớn lao trên khắp biển cả. Trẫm được biết số tàu bè của quý quốc vượt xa tàu bè của tất cả các nước khác và hơn hẳn họ về khả năng hàng hải. Nhưng Trẫm cũng được biết quý quốc không dùng hết ưu thế hàng hải ấy vào các công việc chính đáng. Tàu của quý quốc tấn công, cướp bóc tất cả các tàu nào vô phúc gặp phải tàu của quý quốc, bất luận tàu đó của nước nào, bất luận lớn bé ra sao. Trẫm ước mong cho phép tàu của quý quốc được đi lại buôn bán tại các cửa biển thuộc vương quốc của Trẫm và hy vọng rằng, ngược lại, quý quốc cũng tỏ thiện chí bằng cách không cướp phá các ghe thuyền của dân nghèo nước Nam.
Chapman vội đáp:
- Tâu thánh thượng. Về ưu thế hàng hải của nước chúng tôi, thánh thượng đã nghe đúng sự thật. Nhưng về điểm sau, thánh thượng đã nghe phải những lời xuyên tạc của những kẻ xấu lâu nay ghen tức trước sự phồn thịnh của vương quốc chúng tôi. Chúng có ác ý xấu xa là muốn loan truyền những điều bất lợi và sai lạc về chúng tôi. Hiện nay, vương quốc Anh cát lợi có mối quan hệ hòa bình với tất cả các nước trên thế giới, tàu bè của nước Anh cặp bến buôn bán khắp mọi nơi. ở đâu, các thương nhân Anh cát lợi cũng chứng tỏ đức tính đứng đắn và liêm khiết của mình.
Vua Thái Đức nói:
- Trẫm cũng mong đấy chẳng qua chỉ là những lời đồn đãi thiếu căn cứ vì cạnh tranh. Về phần Trẫm, đối với tất cả thương nhân nước ngoài, Trẫm đã đối đãi tử tế, công bằng như nhau. Nếu quý quốc muốn, Trẫm cho phép các thương nhân Anh đến đây buôn bán, giống như các thương nhân Bồ đào nha vậy.
Chapman suy nghĩ một lúc rồi đáp:
- Xin cảm ơn mỹ ý của thánh thượng. Thương nhân nước chúng tôi sẵn sàng trả mọi khoản thuế do thánh thượng quy định. Nhưng theo chỗ chúng tôi được biết, thì những thương nhân Bồ đào nha và người ngoại quốc khác từng đi lại buôn bán lâu năm ở xứ Đàng Trong đã gặp phải nhiều nỗi khó khăn và chậm trễ trong công việc. Lý do là các thứ thuế do quý quốc quy định không có gì rõ ràng, ngay các quan thu thuế của quý quốc cũng không biết áp dụng ra sao nữa. Chúng tôi thiển nghĩ, để tránh các phiền phức trên, thay vì giữ lại đủ các thuế biểu linh tinh phức tạp, thánh thượng gia ân chấp thuận một thuế biểu đặc biệt duy nhất theo hình thức thế nào mà thánh thượng cho là thích hợp.
Vua Thái Đức lại gật gù công nhận ý kiến của Chapman là đúng. Nhà vua gọi quan Tiết chế Nguyễn Lữ lên bàn bạc, sau đó gọi đến phò mã Vũ Văn Nhậm, quan Thái úy Bùi Đắc Tuyên và một vài quan ở bộ Hộ, bộ Công. Sau một hồi thảo luận, chờ cho viên quan cuối cùng lốm thốm trở về chỗ cũ, nhà vua nói:
- Trẫm vừa bàn luận với các quan trong triều về ý kiến của quý quốc. Để chứng tỏ thiện chí giao hảo buôn bán với quý quốc, Trẫm bằng lòng cho phép tàu buôn của Anh cát lợi được tự do đến đây buôn bán cả mùa, chỉ phải trả thuế biểu nhất định và duy nhất sau đây: mỗi tàu ba cột buồm trả mười ngàn quan, tàu hai cột buồm bảy ngàn quan, tàu nhỏ hơn nữa thì bốn ngàn quan. Khanh thấy thế nào?
Chapman ra bộ lo âu, cung kính đáp:
- Chúng tôi sợ đấy là những món tiền quá lớn, các thương nhân nước Anh không kham nổi. Chúng tôi ước mong thánh thượng gia ân hạ bớt thuế biểu, để khích lệ các tàu buôn nước Anh hăng hái đến đây.
Nhà vua cười ha hả vì tìm lại được không khí mặc cả mua bán quá quen thuộc, rồi với nụ cười lém lỉnh, đôi mắt linh hoạt, nhà vua nói:
- Thôi được rồi. Khanh thạo việc cò kè thêm bớt quá lắm! Trẫm đồng ý hạ thuế biểu như sau: tàu ba cột buồm bảy ngàn quan, tàu hai cột buồm bốn ngàn quan, tàu nhỏ hơn hai ngàn qua. Giá rẻ mạt đấy nhé. Việc thứ nhất coi như xong. Bây giờ qua việc thứ hai. Trẫm mong ước chúng ta cũng dễ dàng đồng ý giúp đỡ nhau như việc thứ nhất. Chắc quý quốc đã biết, hiện nay bọn đầu trộm đuôi cướp dưới áo bọn con cháu nhà Nguyễn đang quấy phá đời sống dân lành trong miệt Gia Định. Chúng được vài tên phiêu lưu ngoại quốc và bọn cố đạo Tây Ban Nha, Pháp giúp đỡ. Quí quốc có thể giúp đỡ tàu bè, vũ khí để Trẫm mau chóng tiễu trừ bọn giặc cỏ ấy không? Nếu sẵn sàng thì quý quốc cần điều kiện gì?
Chapman vội vã nói:
- Tâu thánh thượng, chúng tôi không được phép tham dự vào các hành động tấn công khiêu khích, hoặc xen vào các cuộc tranh chấp nội bộ của các nước khác. Chúng tôi rất lấy làm tiếc.
Nhà vua đổi ngay sắc mặt, buồn rầu nói:
- Trẫm cũng rất lấy làm tiếc!
Chapman chộp ngay cơ hội thuận tiện, mạnh dạn nói:
- Đã có nhiều điều đáng tiếc xảy ra, tâu thánh thượng. Năm ngoái, mấy người Anh Cát Lợi đã bị quan quân của thánh thượng giết chết tại cửa Hàn. Cái tin ấy đã khiến cả vương quốc Anh bàng hoàng xúc động. Nhân cơ hội may mắn chúng tôi được đặt chân đến đây, xin thánh thượng chỉ bảo cho chúng tôi được biết lý do các cuộc hành quyết đáng tiếc trên.
Vua Thái Đức nghiêm mặt đáp bằng một giọng cương quyết:
- Vụ đó xảy ra ở cửa Hàn, Trẫm chưa được quan sở tại tâu trình. Nhưng có điều Trẫm biết chắc chắn là không phải vô cớ mà mấy thương nhân quý quốc bị sát hại. Chắc chắn họ chỉ bị giết trong khi cầm vũ khí chống lại quan quân của nước Nam.
Nói xong nhà vua ra lệnh bãi triều. Phò mã Vũ Văn Nhậm được nhà vua gọi lại dặn dò điều gì trước khi nhà vua lên kiệu về cung. Khi kiệu của nhà vua đã ra khỏi cổng cả phái bộ Chapman lẫn các quan văn võ mới bắt đầu rục rịch bàn tán, di chuyển. Chapman được phò mã cho biết là nhà vua sẽ tiếp riêng Chapman ngay bây giờ tại nội cung, để tiếp tục thảo luận cho xong những điểm tế nhị khó bàn công khai ở chốn đông người.
*
* *
Mặc dù đã khá quen với các nghi thức gò bó ở triều đình, Nguyễn Nhạc vẫn cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn khi bước chân về biệt cung. Không đợi cô thị nữ, nhà vua tự tay cởi phắt cái áo bào vàng, vứt chiếc vương miện quý giá lên mặt kỷ đá vân, ngồi xuống cái sập gỗ quý, cúi xuống cởi ngay đôi hia nạm ngọc viền kim tuyến óng ánh. Đưa hai tay chống xuống mặt sập gụ làm thế tựa, Nhạc ngả người ra phía sau uốn xương sống cho bớt mỏi. Đoạn, nhà vua duỗi thẳng hai chân, ngo ngoe mấy ngón để tận hưởng cảm giác buông thả.
Cô thị nữ nhỏ tuổi mang chiếc áo lụa vàng đơm nút kim cương hạt nhỏ ra cho nhà vua, thấy cảnh chiếc hoàng bào, vương miện và đôi hia vứt bừa bãi, vừa cuống quít lo âu vừa bẽn lẽn thích thú. Nguyễn Nhạc vui lây trước niềm vui đơn giản của cô bé, kêu lại hỏi:
- Có bà ở trong đó không?
Cô thị nữ bất ngờ trước lối ăn nói bình dân của nhà vua, ấp úng đáp:
- Tâu thánh thượng... Tâu... lệnh bà đã... đã...
Thấy cô bé rặn mãi không nói được hết câu, nhà vua cười ha hả, trỏ chiếc áo bào, đôi hia và cái vương miện, bảo nó:
- Đem những thứ này cất đi. Mang ra đây cái khăn đỏ. Và bảo pha ngay một bình trà. Cơi trầu đâu rồi? Có đây. Thôi, cứ đem vào đi.
Nhà vua vừa chít khăn xong, bên ngoài đã nghe tiếng chân bước lên thềm biệt điện. Nhà vua định sửa lại áo khăn cho chỉnh tề, nhưng nghĩ sao, cuối cùng cứ giữ nguyên cách ăn mặc và thế ngồi tự nhiên thoải mái như trước.
Phò mã Vũ Văn Nhậm dẫn Chapman và tên thông ngôn đến cửa điện xong, vội trở về. Chapman bỡ ngỡ tiến vào một căn phòng rộng trang trí bày biện đơn giản nhưng sang trọng trang nhã. Nhà vua mời Chapman ngồi ngay trên cái sập mình đang ngồi, viên thông ngôn lúng túng chưa biết nên đứng ở đâu, thì nhà vua đã cười tươi trỏ cái ghế gỗ mun chạm trổ đặt gần sập, thân mật nói:
- Chú ngồi xuống đây. Người miệt nào?
Viên thông ngôn ngạc nhiên vì giọng thân mật đơn giản khác thường của vua Thái Đức, đỏ mặt đáp:
- Dạ, tâu thánh thượng, thần người Hà Tiên.
Chapman ngơ ngác không hiểu hai người nói với nhau những gì, đôi mắt đầy lo âu và hoài nghi. Viên thông ngôn biết ý chủ, dịch lại các câu đối đáp ra tiếng Anh. Chờ cho viên thông ngôn dịch xong, vua Thái Đức nói:
- Người Hà Tiên? Có phải là thuộc hạ của Mạc Thiên Tứ không?
Viên thông ngôn vội đáp:
- Tâu thánh thượng không ạ. Thần là người Nam, không phải khách trú.
Nhà vua trêu cợt thêm:
- Thế thì chắc chắn là có đi đạo với Thầy Cả (Bá Đa Lộc).
Viên thông ngôn lo sợ đáp:
- Dạ không. Thần con nhà lương. Cha mẹ làm nghề chài, lưu lạc qua tận Ấn độ sau một trận bão lớn.
Vua Thái Đức cười ha hả rồi bảo:
- Nói cho vui thế thôi. Dù Mạc Thiên Tứ hay Thầy Cả cũng không làm được cơm cháo gì đâu. Lộc của họ Nguyễn Gia Miêu đã hết rồi.
Viên thông ngôn lo dịch lại một thôi dài các câu đối đáp. Chapman có vẻ thích thú trước lối đùa cợt của nhà vua, nên nghe xong, nhìn về phía Nguyễn Nhạc mỉm cười tỏ vẻ cảm phục. Nhà vua cũng gật đầu trả lễ, rồi bảo viên thông ngôn:
- Này, tuy gốc gác anh ở tận nơi hiểm địa, nhưng anh nên nhớ mình là người Nam đấy nhé. Anh gắng dịch thế nào cho có lợi cho dân mình. Hãy nói với hắn là ta thật lòng muốn giao hảo với vương quốc Anh, nếu cần sẵn sàng có biệt đãi với người Anh hơn các người ngoại quốc khác.
Chapman nghe dịch xong tươi cười đáp lại:
- Xin cảm tạ thịnh tình của thánh thượng. Chúng tôi bạo gan muốn biết ngay một cách cụ thể những biệt đãi ấy, để mừng cho mối giao hảo giữa hai nước.
Nhà vua cười nhỏ, ranh mãnh bảo viên thông ngôn:
- Chính hắn muốn nói trịnh trọng khách sáo, hay anh dặm thêm mắm muối cho đẹp lòng ta đó? Thôi, ăn nói cho giản dị đi. Bảo với hắn là ta sẵn lòng miễn thuế cho các tàu buôn Anh cát lợi. Lúc nãy trước mặt văn võ bá quan, ta không tiện nói ra biệt đãi ấy. Dịch ngay cho hắn biết.
Viên thông ngôn làm nhiệm vụ. Nét mặt Chapman rạng rỡ hẳn lên. Hắn nói một thôi dài. Viên thông ngôn dịch lại đơn giản theo ý muốn của nhà vua:
- Ông ấy bảo được như vậy thật mừng. Ông ấy muốn biết ở đây có thể bán gì, mua gì với các tàu buôn nước Anh? Tiền bạc thanh toán thế nào?
Vua Thái Đức thu hẳn hai chân ngồi xếp bằng trên sập như đang ngồi bên chiếu bạc, xòe bàn tay trái ra, rồi dùng ngón trỏ tay phải điểm từng món hàng:
- Ở đây thiếu gì thứ quý giá mà các nhà buôn Anh cần mua: tiêu này, đậu khấu này, quế này. Quế Quảng Nam tốt nhất thế giới đấy nhé, lại còn gỗ mun này, ngà voi này, thiếc này. Còn nhiều thứ khác các tàu buôn Quảng Đông ra vào cửa Hội thích lắm, không biết người Tây dương có thích mua hay không? Như cau khô chẳng hạn, (nhà vua cười ha hả). Hỏi hắn xem người Anh có biết ăn trầu không? Sau khi nghe dịch, Chapman vội lắc đầu:
- Không, chúng tôi không cần cau khô. Những thứ khác chúng tôi cần lắm. Nhưng xin nhắc lại câu hỏi về cách thanh toán tiền nong. Dĩ nhiên chúng tôi không cần đến tiền quan của quý quốc.
Vua Thái Đức xòe bàn tay phải ra trước mặt Chapman đáp:
- Năm. Ta tính năm quan ăn một đồng Tây Ban Nha. Được chưa?
Chapman suy tính một lúc, rồi gật đầu đáp:
- Giá ấy vừa phải, không thấp mà cũng không cao, trừ trường hợp quý quốc thay đổi chính sách tiền tệ, hoặc mất mùa đói kém, đồng quan bị sụt giá. Nhưng những chi tiết đó, chúng ta sẽ giải quyết sau. Điều quan trọng chúng tôi muốn biết ngay là quý quốc muốn mua gì của chúng tôi.
Vua Thái Đức lại cười ranh mãnh đáp:
- Một con ngựa!
Sau khi nghe viên thông ngôn phiên dịch ra tiếng horse, Chapman trợn mắt hô hoán:
- Chỉ cần mua một con ngựa thôi sao?
Nhà vua cười đến ngả nghiêng, vỗ vai Chapman bảo:
- Chưa hết đâu. Hãy bình tĩnh, ông bạn mắt xanh tóc vàng. Trước hết ta cần ngay một con ngựa tía của Tây dương để làm giống. Loại ngựa tía tai nhỏ và thẳng đấy nhé. Ngay chuyến tàu buôn đầu tiên, ông bạn chở con ngựa giống đó đến cho ta. Ta thừa biết ông bạn trố mắt kinh ngạc vì chẳng lẽ cả một chiếc tàu ba cột buồm chỉ chở có một chú ngựa sang đây. Ta không quên đâu. Ta cần mua đồng, sắt, diêm sinh. Tiện hơn hết là bán luôn cho ta các tàu chiến và khí giới tối tân của Tây dương. Ta đang cần các thứ đó để dẹp yên bọn giặc cỏ ở Gia Định, khống chế Cao Mên và đòi lại cho được Thuận Hóa. Thế nào, liệu các ông có đủ tàu để chở đến đây bấy nhiêu thứ hay không?
Chapman cũng tinh ranh chẳng kém, hỏi lại:
- Liệu quý quốc có đủ tiền để trả cho chúng tôi không? nếu không có tiền Tây Ban Nha, thì liệu có đủ tiêu sọ, đậu khấu, quế, gỗ mun, ngà voi tương xứng với số hàng chúng tôi chở tới không?
Quả nhiên, câu hỏi khiến Nguyễn Nhạc dàu dàu nét mặt. Nhưng nhà vua cũng cố vớt vát:
- Có đủ chứ. Có lẽ vì chưa tận mắt chứng kiến nên ông chưa tin lời ta. Ông cứ đi một vòng ra cửa Hàn, cửa Hội đi.
Chapman chộp ngay cơ hội tốt, xin nhà vua cấp giấy thông hành để ra Quảng Nam. Nguyễn Nhạc bằng lòng, hứa nội buổi chiều sẽ cấp cho phái bộ Chapman đầy đủ giấy tờ cần thiết.
*
* *
Cuộc tiếp đãi trân trọng của triều đình Tây Sơn đối với phái bộ Chapman không phải là trò chơi khăm của một ông vua xuất thân áo vải chân đất. Những lời hứa hẹn và nhượng bộ quá đáng của vua Thái Đức không phải là lời hứa hão. Nhà vua thật tâm muốn giao hảo buôn bán với các nước châu Âu, vừa để gia tăng thu nhập quốc dân nhờ những hàng hóa xuất khẩu vừa để học hỏi các tiến bộ kỹ thuật hàng hải và quân sự của nước ngoài.
Nhà vua sa sầm nét mặt khi Chapman hỏi liệu triều đình có đủ tiền hoặc hàng hóa để trả cho bấy nhiêu nhu cầu nhập khẩu hay không, vì Chapman đã động đến mối lo cốt tủy của nhà vua.
Thật vậy, anh em Tây Sơn khởi nghĩa và thành công do sự ủng hộ nồng nhiệt của những người chân đất nghèo đói, hoặc tiếp tục bám lấy mảnh đất cằn cỗi để sống thoi thóp hoặc phải nuốt nước mắt lìa quê cha đất tổ lang thang nay đây mai đó kiếm miếng cơm, nhập vào đoàn người xiêu tán vốn đã đông đảo. Tình trạng kinh tế suy kém từ dưới thời Trương Phúc Loan còn tác oai tác quái, anh em Tây Sơn phải đưa tay nhận lấy như một thứ di sản cay đắng. Bao nhiêu năm bận rộn với các cuộc tranh chấp nội bộ, hết đối phó với mặt bắc lại phải quay về đối phó với mặt nam, đó là chưa kể đối phó với các vụ bội phản đầy nguy hiểm trong hàng ngũ mình, anh em Tây Sơn chưa có thời giờ suy nghĩ về các vấn đề kinh tế. Chính sách nông nghiệp vẫn không có gì thay đổi so với thời trước. Chủ trương lấy của nhà giàu cho nhà nghèo chỉ là biện pháp giai đoạn để thu phục nhân tâm, sau đó mọi sự trở lại như cũ. Trai tráng ở thôn xóm phần lớn gia nhập vào các đạo quân, sức lao động thiếu thốn trầm trọng trong sản xuất. Chiến tranh chà qua xát lại tàn phá nhiều vùng vốn phì nhiêu như Quảng Nam, Gia Định nên sản lượng sút giảm. Không lúc nào người dân ở các vùng tranh chấp cảm thấy đủ an cư để lạc nghiệp. Tầng lớp lao động chính là trai tráng lúc nào cũng ngay ngáy lo toan cái ngày nhập ngũ, không thiết việc đồng áng. Cái cày, cây liềm giao cả cho người già và lớp phụ nữ. Diện tích canh tác thu hẹp lại dần theo đà tăng của các cuộc trưng binh. Nguyễn Huệ tuổi trẻ chỉ thấy những nhu cầu quân sự trước mắt, đã trách anh tại sao cứ để mặc cho Châu Văn Tiếp quấy phá suốt một dọc đất từ Phú Yên vào đến Bình Thuận, tuy thực lực của Châu Văn Tiếp chưa đáng là bao. Nguyễn Nhạc phải dùng một câu tục ngữ nôm na "liệu cơm gắp mắm" cho em thấy những hạn chế về mặt kinh tế, lương thực không cho phép mở ra nhiều cuộc hành quân lớn lao.
Đã đành theo nhận xét của Chapman thì phong cảnh Qui Nhơn thời đó có đầy đủ dấu hiệu thanh bình sung túc. Lúa xanh mượt khắp cả thung lũng bao quanh bằng những dãy núi cao, cây hồ tiêu trồng kín đến tận đỉnh đồi, ruộng lúa được tiếp tục chăm bón tươi tốt ngay cả trong thành. Triều đình lại không quá hoang phí, cách xây dựng cung điện, đền đài, thành quách đơn giản và tiết kiệm. Lính tráng cũng không phải mặc đồng phục, ai có gì mặc nấy, đội nón lá, đi chân đất. Trừ các cuộc lễ lạc long trọng mà vua Thái Đức cần biểu diễn sự hào nhoáng uy nghi phải có của một vương triều đầy sức sống như cuộc tiếp phái bộ Chapman, (Nhạc đã ra lệnh cho các quan phải mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất), thường ngày cách sống của quan lại không cao hơn cách sống dân dã bao nhiêu.
Nhưng dù hết sức cần kiệm, tài ngân của vương quốc cũng bị sút giảm trầm trọng do cuộc chiến tranh tàn khốc tiếp nối chưa biết đến lúc nào dứt. Có thể nói từ lúc khởi dấy cho đến khi xưng đế, anh em Tây Sơn không được lấy một ngày thanh thản, một ngày để tùy nghi. Họ có quá nhiều kẻ thù, và kẻ thù nào cũng mạnh hơn họ về quân số lẫn vũ khí. Cuộc chiến đấu tàn khốc để sống còn bắt buộc họ phải mạnh tay phá vỡ một số nguồn tài nguyên có thể là cuống rún nuôi dưỡng cho triều đại của họ sau này. Đất Quảng Nam giàu có phồn thịnh đồn đãi đến tận Quảng Đông, Phúc Kiến qua các tàu buôn ghé cửa Hội trở thành vùng đất đói và dịch. Rồi ngay cửa Hội cũng bị tàn phá, phố ngói san sát thuyền bè tấp nập trở thành một bãi sông hoang vắng lơ thơ mấy túp lều tranh khi Chapman đến thăm. Từ Phú Yên tới Bình Thuận biết bao đạo quân thù nghịch nhau lấn qua chiếm lại, mỗi lần đổi chủ là một lần làng xóm vắng vẻ, vườn tược tiêu điều, tiếng khóc át cả tiếng cười đùa của trẻ thơ. Gia Định vùng đất mới liên tiếp là bãi chiến trường đều đều mỗi năm, người dân chưa kịp dựng lại căn nhà vừa cháy đã bắt đầu lo cho chiến cuộc của mùa sau. Những người làm lịch sử ở mọi phe phía tưởng đã chủ động lèo lái lịch sử theo ý chí kiên quyết và lòng dũng cảm của mình. Nhưng chính họ cũng bị các biến cố liên tiếp của lịch sử cuốn đi, đẩy họ vào cơn lốc bạo tàn, kẻ yếu ngã gục, kẻ mạnh qua được cơn thử thách để bàng hoàng nhận thấy sự bất lực rời rã của mình trước các hậu quả khốc liệt của cơn lốc. Họ chùn chân lại, bắt đầu đặt ra các câu hỏi, lo lắng, sốt ruột trước mớ bòng bong phức tạp của thực tại. Họ chịu khó kiên nhẫn nghe ngóng, họ nhũn nhặn, dè dặt hơn. Họ bắt đầu biết nói những câu đại loại như "liệu cơm gắp mắm". Chính đó là tâm trạng của vua Thái Đức sau khi xưng đế năm Mậu tuất (1787), vào thời gian phái bộ Chapman đến Qui Nhơn.
Cuộc thất trận của Tổng đốc Chu và Hộ giá Phạm Ngạn ở Gia Định, các hoạt động dai dẳng của Châu Văn Tiếp ở Bình Thuận, ý đồ khôi phục của Nguyễn Ánh, và nhất là đời sống ngày càng kham khổ của dân nghèo ngay hai bên đường vua ngự đã khiến Nguyễn Nhạc băn khoăn trăn trở.
*
* *
Sau ngày ông giáo gánh nặng gia đình. Chị chưa hề được chuẩn bị để đón nhận trách nhiệm ghê gớm ấy. Đáng lý vào những ngày đầu sau ngày chồng bị câu lưu, An phải chới với tuyệt vọng như một người bị sa lầy kinh hãi nhìn cái chết ngập dần ngập dần lên đến ngực, vai, cổ, miệng, mũi mà không còn cách nào kêu cứu. Nhưng lòng tự ái bị xúc phạm đã vực An dậy. Cho rằng những người quyền thế muốn đùa cợt bằng cách chà đạp lên cuộc đời chị, An mím môi lại, xăn tay áo lên, kiêu hãnh nhìn thẳng vào đời sống khốn khó với đôi mắt thách thức. Không cần nhờ vả ai, cũng không cần hỏi ý kiến ai, An trở lại nghề hàng xáo đã bỏ từ thời còn ở An Thái.
Thân thể mảnh dẻ yếu đuối, lại vừa mới qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh, An đã liều lĩnh lựa chọn một nghề cần đến nhiều sức lực và tài xoay trở. Cả hai điều kiện cần thiết ấy của nghề nghiệp, An đều thiếu. Nhưng thế cùng đã làm nẩy sinh nơi An những tiềm lực bất ngờ. Qua một thời gian đầu khó khăn An quen dần với công việc. Vai chị quen với cái đòn gánh sáng bóng mồ hôi và oằn xuống vì đôi thúng gạo. An cũng quen dần với nắng gió, ăn uống thất thường, và những va chạm với bạn hàng do cạnh tranh nghề nghiệp. Chí quật cường không cho phép chị thua cuộc. Chị nhắm mắt dấn tới, và sự liều lĩnh của chị hoặc khiến người ta sợ hãi thực sự, hoặc đã khiến người ta thương hại nhường nhịn, nhờ thế An tìm được một địa điểm tốt hơn để bày hàng, tranh mua được những nguồn cung cấp gạo và bắp đậu khá đều và rẻ, cũng như có riêng được một số khách mua nhờ tài ăn nói và trí thông minh của chị.
Những khó khăn về kinh tế triều đình không giải quyết nổi, ngược lại là cơ may cho An.
Lương thực ngày càng khan hiếm nên giá cả rất thất thường. Đã thế sự phân vùng về chính trị đã khiến cho việc giao lưu hàng hóa từ chỗ này sang chỗ khác gặp trắc trở. Gạo của Qui Nhơn không đem được ra Quảng Nam Quảng Ngãi. Bò trâu ở Phú Yên, Bình Khang không được phép vượt Cù Mông. Các ghe chài thường xuyên bị trưng dụng vào việc binh nên số có trên thị trường sụt giảm. Nhiều lúc cá đánh được đầy thuyền nhưng không có phường rỗi hoặc ghe nhỏ chở lên bán ở vùng giáp nguồn. Giá cả mọi thứ ở phủ này chênh lệch quá xa với phủ khác, huyện này với huyện khác. Tình trạng đó là cơ hội tốt để những con buôn chuyến giỏi luồn lọt, lo lót cho các quan thu thuế và bọn mã phu chở hàng từ chỗ này sang chỗ kia thu được các món lời khổng lồ. Trong khi đó người làm ruộng, đánh cá cũng như dân tiêu thụ ở chỗ phố phường chịu nhiều thiệt hại vì giá cả không hợp lý.
Nhờ óc thông minh theo thời cuộc đoán ra biến động sắp tới của giá cả, An liên tiếp trúng được những món lời lớn. Việc buôn bán phát đạt trông thấy. Từ một gian hàng lèo tèo vài mủng gạo hẩm, đậu đen, bắp tẻ bầy ngay dưới gốc bàng sát lối qua lại, An dựng được một cái lều tranh ở gần trạm xe ngựa. Mặt hàng tăng thêm, An có thể mua bất cứ loại ngũ cốc nào với số lượng lớn, và có thể đủ gạo để bán liền cả một chuyến ngựa thồ. Khi gặp mối, chị còn dám buôn cả đường Quảng Ngãi, quế Quảng Nam, hoặc măng le đầu nguồn. Những người quen biết cũ không thể nhận được ra chị. An đen hơn, người mập ra, quần áo xốc xếch lôi thôi. Nhưng biến đổi quan trọng nhất vẫn là tính xông xáo lạnh lùng, sự tính toán trong cách nhìn đời. Trong cơn hoạn nạn, đầu tiên lòng tự ái vực chị dậy, sau đó sự tham lợi thúc chị chạy quanh, quên cả mệt nhọc và cái quá khứ "cấm cung" yếu đuối của mình.
Người thân thuộc cũng ngỡ ngàng trước biến đổi của An. Mấy năm khó khăn ấy, quán rượu của Kiên cũng đông khách nhờ bọn mã phu kiếm được rất nhiều tiền trong các vụ chuyên chở lương thực lén lút. Họ vung phá tiền bạc qua các cuộc rượu chè. Cảnh nhà quá ồn ào, ngày nào cũng xảy ra những cuộc ẩu đả, Kiên tìm cô tịch bằng cách lấy cớ qua Bằng Châu giúp em gái trông nom vườn tược và các cháu bé. Kiên khuyên An nên để bé Thái ở nhà cho con ở giữ. An ngoan ngoãn vâng lời anh, nhưng thằng Phát càng lớn càng hay nghịch, nhất định đòi theo mẹ ra chợ để được ăn quà, và đùa giỡn với đám ngựa thồ. Nó nhiễm nhiều tật xấu ở chợ búa: tật ăn vặt, tật lười biếng, tật vô phép với người lớn, tật ưa chửi thề theo cách tục tĩu của bọn phu ngựa và phu khuân vác. Đó là chưa kể cái tính nông cạn và ba hoa lắm lời di truyền từ người cha.
Nhiều hôm Kiên trách em đã không lo lắng gì cả trong việc giáo dục đứa con trai đầu. Anh ngạc nhiên biết bao khi nghe An khoe khoang những lời bốp chát của thằng bé đối với những khách hàng lắm mưu mẹo tinh ranh của mẹ. Kiên chỉ biết thở dài, quay sang săn sóc âu yếm con bé Thái.
Con bé càng lớn càng giống mẹ, nhất là đôi mắt và khuôn mặt. Sau những giờ tìm chỗ vắng vẻ để trầm tư, hoặc tiếp tục cuộc thử thách cam go để hòa nhập vào sự nhất quán của vạn vật, Kiên thường lấy việc thủ thỉ trò chuyện với bé Thái làm thú vui cho mình. Trong thâm tâm, anh vẫn tiếc rằng em gái đã thay đổi tính nết, nhưng đồng thời anh phải cảm phục tài xoay xở quán xuyến của An.
*
* *
Phần Lãng, thì anh thất vọng não nề. Lãng không tìm ra chị nữa! Lãng bất lực không thể giữ An lại nguyên vẹn như thời trước, và mỗi lần hai chị em gặp nhau, câu chuyện trao đổi giữa hai người gượng gạo, rời rạc như cuộc đối thoại giữa hai người điếc. Một hôm Lãng hí hửng báo cho An tin vui:
- Hôm qua tướng quân có hỏi thăm chị đấy!
An lơ đãng hỏi:
- Tướng quân nào?
Lãng trố mắt nhìn chị:
- Còn tướng quân nào nữa! Trí óc chị để đâu thế?
An tiếp tục đếm số tiền kẽm bỏ vào cái hộp giấy:
- Sao bỗng dưng ông ấy hỏi thế? Gớm, tiền gì mà rỉ hết cả. Càng ngày tiền đúc càng mỏng dính, chắc có lúc gió thổi bay đi mất. Hai mươi ba, hai mươi bốn, hai mươi lăm. Hay mày lại xun xoe gạ chuyện để xin xỏ người ta chứ gì! Mày có xin cho mày thì tùy, nhưng tuyệt đối không được nhắc đến tao. Hai mươi chín, ba mươi, ba mươi mốt. Lại tiền rỉ. Buôn bán kiểu này chắc có ngày vỡ nợ. Ba bảy... Ủa, cái dây xâu tiền đâu rồi. Lại thằng nhỏ Phát... Nhưng ông ấy hỏi gì nữa?
Lãng nhặt cái dây mây bị gió thổi rơi xuống gầm chõng, đưa cho An, nhăn mặt vì thái độ dửng dưng của chị. Dù không muốn, Lãng cũng phải tiếp:
- Anh ấy hỏi độ rày sức khỏe chị ra sao?
- Đủ rồi. Xâu giùm cho tao đi. Hỏi thăm sức khỏe! Vẽ chuyện! Chắc không có chuyện gì để sai bảo mày, mà đuổi mày đi cho khuất mắt thì bất nhẫn, nên mới quay ra hỏi chuyện trời mưa trời nắng. Đồng kẽm đó vỡ rồi à. Thôi vất đi, thay đồng này vào cho đủ xâu. ờ, tao chẳng biết đến lúc nào người ta mới vất mày đi như vất một đồng tiền kẽm rỉ mục.
Lãng giận quá, giọng cáu kỉnh:
- Chị nói hay chưa! Chị có biết anh ấy đối đãi với em ra sao đâu mà ăn nói độc địa vậy. Vì chuyện anh Lợi mà chị mất cả bình tĩnh. Chị thay đổi hẳn tính tình. Thú thật, em không nhận ra chị nữa. Chị xem mọi người giống như những bọn mã phu lưu manh và bọn con buôn lường đảo hàng ngày bu quanh chị như đàn ruồi.
An bĩu môi chua chát:
- Phải. Mày nói đúng. Tất cả mọi người, kể cả tao cả mày, kể cả cái bọn mặc áo lụa đi kiệu mà mày xem như thần thánh, đều là ruồi nhặng tất. Ba năm lăn lóc để kiếm sống làm cho tao sáng mắt ra. Tao nhìn thấy tim đen của mọi người. Chúng nó cần gì trước tiên? (An hốt một nắm tiền kẽm ném tứ tung trước mặt em). Đó, tiền. Tiền. Tiền. Có tiền trong tay, mày có thể vứt thẳng vào mặt chúng nó, chúng nó chẳng những không dám giận mà còn hí hửng rối rít cám ơn mày nữa. Bài học tao học được sau ba năm đi buôn đấy!
Lãng vất xâu tiền vừa xâu xong trả về phía An, gằn giọng nói:
- Chị ở giữa đám ruồi nhặng, bùn lầy quen rồi, nên nhìn đâu cũng thấy dơ bẩn, ở đâu cũng nồng nặc mùi thối.
An ngước mắt lên, đôi mắt long lanh gần như hung dữ, thách thức:
- Mày thấy ở đâu thơm, nói cho tao biết đi! ở đâu? Lúc nào?
Lãng đáp ngay:
- Ở chỗ mà chị đã bỏ đi. Vào lúc, vào cái thời mà chị không dám nhớ lại nữa. Như thời An thái.
An cười nhỏ, chậm rãi nói:
- Đó là cái thời ta còn ngu dại. Mày nhắc lại tao thêm trẽn. Tại sao lúc ấy mình ngây thơ đến thế! Mình cung kính trước những gì mình tưởng là cao thượng, hợp lý. Mình phẫn nộ trước sự tầm thường, hèn nhát, không thành thực. Lầm, lầm hết. Mình mù lòa mà tưởng sáng suốt. Bây giờ tao học được nhiều điều ở bọn mã phu chuyên buôn hàng lậu. Chúng không cần nói nhiều. Chúng biết các ngài muốn gì sau bao nhiêu lời quanh co văn hoa, và bộ điệu oai vệ nghiêm trang. Không cần nói nhiều, chúng vất ra một túi tiền. Mọi sự trót lọt, cả hai bên đều vui lòng.
Lãng tức quá, cãi lại:
- Đó là những điều xấu xa mà ở thời nào cũng có, như nhà nào cũng có rác. Chỉ khác là tùy ăn ở sạch sẽ hay không mà rác rưởi ruồi nhặng nhiều hay ít. Nhưng không phải vì cả đống rác ở trong xó tối mà nói đại rằng nhà này không có bàn thờ. Thời nào, ở đâu cũng phải có những điều lý tưởng, bất biến, vĩnh hằng như là chân lý.
An cười khinh bạc:
- Lý tưởng! Chân lý! Lý tưởng là thứ gì? Chân lý là thứ gì? Mày muốn nghe bọn mã phu định nghĩa mấy cái chữ hào nhoáng lòe loẹt đó không? Lý tưởng là cái mình tưởng có lý. Chân lý là cái lý có chân. Ha ha! Bọn mã phu đúng là bọn thầy đời!
Lãng đăm đăm nhìn An, rồi mạnh dạn nhận xét:
- Bây giờ em mới hiểu vì sao chị bằng lòng lấy anh Lợi. Chị giống anh ấy như hai giọt nước.
An cho lời em là một lời phỉ báng cả hai vợ chồng mình. Đột nhiên An giận run lên. Chị vứt mạnh xâu tiền xuống mặt chõng, giọng run run, lắp bắp:
- Không... không có những bọn "hạ cấp" như hai vợ chồng tao thì cả nhà này cạp đất mà ăn. Mày lên giọng khinh khi anh Lợi? Suốt bao nhiêu năm ai lo lắng bát cơm thang thuốc cho cha? Ai lo chuyện tống táng? Anh Kiên hay là mày? Nói đi! không có hai vợ chồng tao làm bánh xe lăn lộn trong bùn thì mày có được ngồi yên trên xe để huyênh hoang chuyện lý tưởng hay không? Mày không được giở cái giọng đó ra với tao nữa! Người ta đã giúp được gì cho gia đình này? Cho cha, cho anh Kiên, cho tao? Kể đi!
Lãng không kể được. Vì những gì anh muốn nói, Lãng biết chắc An không còn hiểu nổi nữa. Đưa tay đẩy đống tiền về phía An, Lãng nói:
- Chị nổi giận rồi, em có nói chị cũng không nghe lọt tai đâu. Thôi, ta đừng cãi nhau, vô ích. Em chỉ tin cho chị biết việc này. Hình như nhà vua lại sắp vào Gia Định. Chị thử xin gặp quan Tiết chế, để... để xin tha cho anh Lợi. Như một cách đái công chuộc tội. Quan Tiết chế vẫn thường khen ngợi cái tài tổ chức nhanh nhẹn và quán xuyến của anh Lợi trong vụ vận lương năm Bính thân (1776). Chị thử xin xem sao!
Nói xong, Lãng đứng dậy bỏ đi.
*
* *
Ngay đêm hôm đó, An làm một con tính. Cái tin Lãng cho biết không phải không có chút giá trị nào. Tại sao không? Nếu Lợi được thả ra, với cái tài giao thiệp và xoay xở ấy, với kinh nghiệm ấy, trong giai đoạn kinh tế bất thường này... sức lực hai vợ chồng cộng lại nhất định phải đưa số lợi hằng ngày tăng lên gấp đôi, gấp ba, hoặc nhiều hơn nữa. Hoặc có thể y như trước đây, chỉ một mình Lợi xoay xở cũng đủ nuôi sống cả gia đình, và An sẽ được an nhàn lo lắng dạy dỗ các con. Chị bắt đầu nhận thấy cuộc sống xô bồ ở đầu chợ bến ghe đã ảnh hưởng xấu đến tính tình con cái, nhất là thằng Phát.
Cho nên sáng hôm sau, An nhất quyết nghỉ bán hàng một hôm để xin gặp quan Tiết chế Nguyễn Lữ. Không nói gì với Lãng cả, An lặng lẽ thực hiện ý định một mình. Chị chọn một bộ quần áo tồi tàn nhất, tóc tai để mặc cho dã dượi để gợi lòng thương xót của quan Tiết chế. Chị cũng định ẵm theo cả bé Thái như trước đây chị đem nộp giấy khiếu oan cho bộ Hình. Trong lúc chờ con Gái cho bé Thái ăn cháo, An kịp suy nghĩ lại dự tính của mình: Sao lại tìm gặp quan Tiết chế? Mà không gặp ngay Long Nhương tướng quân? Còn gì nữa đâu mà phải e ngại! Nếu tính đến cơ may thành công, thì gặp Nguyễn Huệ có lợi hơn gặp Nguyễn Lữ. Nhanh chóng như phải quyết định ngay một vụ mua bán, An vào buồng thay đổi quần áo. Chị chọn một bộ áo lụa bạch may từ hồi đám cưới, lục lọi khắp các góc tủ để tìm lại hộp trang điểm. An chải kỹ mái tóc, dồi phấn thoa son. Con Gái ngạc nhiên không kịp nhận ra cô chủ nữa. An bảo nó:
- Thôi, để em ở nhà cho khỏi nắng. Cô đi một mình.
Con Gái rụt rè khen:
- Cô đẹp quá. Cô đi đâu hở cô?
An đỏ mặt vì sung sướng và ngượng ngùng, liếc nhìn khuôn mặt của mình trong gương, rồi đáp: - Có việc. ở nhà coi chừng thằng Phát.
An đi một mạch đến dinh Long Nhương tướng quân với lòng rộn rã, thanh thản lạ thường. Chị tự thấy mình đổi khác, nhưng chưa đủ trầm tĩnh để hiểu đổi khác ở đâu.
An qua trạm gác không chút khó khăn, và cũng không gặp chút trở ngại nào khi giục người lính hầu của Nguyễn Huệ vào bẩm với chủ tướng cho An được yết kiến.
Lúc đó Nguyễn Huệ đang tiếp một tùy tướng mang tin mặt trận Bình Khang về Qui Nhơn (mùa hạ năm 1781). Huệ hỏi viên tướng trẻ có khuôn mặt chữ điền và đôi mắt hơi xếch.
- Bọn Thanh, Vĩnh ở Phú Yên có vào kịp tiếp ứng cho Châu Văn Tiếp không?
Viên tùy tướng đáp:
- Bẩm tướng quân, chưa kịp. Có lẽ chúng không liên lạc được với Gia Định!
Nguyễn Huệ cười, lục tìm một mẩu giấy đưa cho viên tùy tướng rồi nói:
- Anh lầm rồi. Đây, anh xem thư Châu Văn Tiếp gửi cho chúng nó đây. Để ta đọc luôn cho anh nghe nhé: "Vừa rồi, khi về triều kiến, vương thượng đã ban cho Tiếp chức đại tướng để điều khiển các đạo quân ra đánh Tây Sơn. Nay ta đang duyệt binh và sắp đặt khí giới cho mọi sự được sẵn sàng. Tướng sĩ ta ở lại ngoài ấy, hoặc ai có thiếu thốn đồ dùng, các ông cứ giúp đỡ họ, bao giờ Tiếp ra, Tiếp sẽ trả lại cho bội hậu". (1) Gớm nhỉ! Chưa đánh đã tính đến chuyện thưởng công. Đúng là mánh lới của tên con buôn Đồng Xuân phản trắc. Hắn đem quân Gia Định ra đóng ở đâu?
- Bẩm tướng quân, theo lời khai của một tên tướng bị ta bắt thì trận này chúng nó định đánh lớn. Cả ba đạo quân được điều động. Một đạo do Châu Văn Tiếp kéo từ Gia Định ra đóng tại Diên khánh. Một đạo của Nguyễn Phúc Dụ từ Bình Thuận ra tiếp ứng cho Tiếp, đóng ở Hòn Khói. Một đạo thủy quân do Tống Phước Thiêm, Nguyễn Hữu Thụy, Dương Công Trừng chỉ huy, dự định xuất phát từ Gia Định phối hợp với hai đạo bộ binh kia vây đánh Bình Khang và chặn đánh thủy quân ứng cứu của ta. Nhưng không hiểu vì sao đạo thủy quân này không ra được.
- Anh đã tra hỏi kỹ bọn tù binh chưa?
- Dạ rồi, nhưng chính chúng nó cũng kinh ngạc không hiểu vì sao.
- Sau khi bị tượng binh của các anh đánh cho tan tác, tàn quân của chúng chạy về ngã nào?
- Nguyễn Phúc Dụ chạy về lại Bình Thuận. Còn Châu Văn Tiếp nghe đâu đã chạy ra căn cứ cũ của hắn ở Chà Rang.
Nguyễn Huệ gật gù, đăm chiêu suy nghĩ:
- Lại Chà Rang. Cái hang ổ này cứ dây dưa mãi. Trước sau gì cũng phải quét một lần cho xong. Nhưng việc trước mắt là tìm hiểu ngay do đâu thủy quân của tên Chủng không ra Bình Khang. Hắn tốn bao nhiêu công lao gầy dựng được mấy vạn thủy binh trên bốn trăm bảy mươi chiếc thuyền các loại, và vài chiếc tàu Tây dương (2) không lẽ vô cớ sai hẹn với quan "đại bại" Châu Văn Tiếp. Ta sẽ tìm hiểu việc này. Phần các anh, về Bình Khang cũng phải dò xét gấp, có tin báo về đây ngay nhé.
Vừa lúc ấy, người lính hầu vào trình với Nguyễn Huệ "có con gái ông giáo Hiến" xin được yết kiến tướng quân. Huệ không tin ở tai mình. Dù đã trải qua biết bao cơn nguy hiểm, kề cận bao lần với cái chết, lần này đột nhiên Huệ sợ hãi vu vơ. Ông liếc nhìn cả viên tùy tướng lẫn người lính hầu, sợ họ thấy được vẻ mặt xúc động của mình. Nguyễn Huệ bảo người lính hầu:
- Được. Ra mời bà ấy vào đây.
Rồi quay về phía viên tướng Bình Khang, Huệ nói:
- Xong rồi. Anh nhớ lời ta dặn rồi chứ?
Viên tùy tướng ra khỏi, Nguyễn Huệ cảm thấy ngộp thở, phải đứng dậy đi đi lại lại trong phòng. Có thể như thế được sao? Nàng đã gặp chuyện gì để phải đến đây gặp mình? lâu nay nàng vẫn tránh gặp ta mà! Nàng có gặp điều nguy hiểm gian nan nào không? Có tiếng chân bước nhẹ ngoài cửa phòng. Tim Huệ đập dồn dập. Ông vội quay lại. An đã đứng đó: mầu áo lụa bạch, đôi má hồng, ánh mắt buồn như sắp bật khóc, tấm thân nhỏ nhắn yếu đuối! Nguyễn Huệ tưởng như thời gian lùi trở lại tận cái thời ông liều lĩnh vượt lệnh anh đưa quân dấn sâu xuống An Thái. An vẫn đứng đấy, đôi mắt bối rối sau bao năm mặt đối mặt với con người hết sức quen thân mà cũng hết sức xa lạ. Phải cố gắng lắm Nguyễn Huệ mới thốt được câu hỏi vô nghĩa:
- An đấy phải không?
An cũng xúc động, gần như choáng váng trước hình ảnh vị tướng trẻ tuổi khuôn mặt da ngăm rắn rỏi vận bộ nhung phục mầu đỏ, lưng thắt một dải gấm vàng đang đăm đăm nhìn mình. Bao nhiêu quyết tâm bạo dạn của An biến đâu mất hết! An cảm thấy mình nhỏ nhoi, yếu đuối, luyến tiếc, tủi thân, bất giác nước mắt từ từ lăn xuống má.
Thấy An khóc, Huệ càng cuống lên. Ông vội đẩy chiếc ghế đệm bọc gấm xanh về phía An, dịu dàng bảo:
- An ngồi xuống đây đã. Lâu nay vẫn thường chứ?
An đang thút thít khóc, không trả lời được, chỉ gật đầu, đưa tay áo lên chặm nhẹ lên hai má.
Huệ lại hỏi:
- Các cháu vẫn khỏe?
Bây giờ An mới đáp được mấy tiếng:
- Dạ. Vẫn khỏe.
- Nghe Lãng nói đứa lớn khó nuôi lắm. Nó lên mấy rồi? Lên sáu thì phải? - Dạ, lên sáu.
Huệ thở dài, giọng thật buồn:
- Chóng nhỉ. An mới đi lấy chồng đây, thoắt một cái đã hơn sáu năm. Lãng cũng bảo cháu gái sau giống An lắm.
- Dạ vâng. Bé Thái nó...
Huệ vội hỏi:
- Tên Thái à? Thái... Tên hay đấy!
An đỏ mặt vì xấu hổ, không dám ngửng lên nhìn Huệ. Hai người bồi hồi im lặng, một lúc lâu cả hai không tìm được gì để nói, đúng hơn là không dám nói những điều muốn nói hết cho nhau. Huệ nhìn vẻ bối rối của An, ân cần hỏi:
- An có cần... có cần tôi giúp gì không?
Rồi như sợ câu hỏi quá sỗ sàng tự đại làm mếch lòng thiếu phụ, Huệ tiếp:
- Suốt đời tôi vẫn không bao giờ quên ơn giáo dục và lòng thương yêu của thầy.
An quên hết những tính toán lạnh lùng, quên cả những ý nghĩ cay đắng và chua chát về thế thái. An trở thành An của thời cũ, với đầy đủ lòng tin vào cuộc đời, ước vọng được hạnh phúc và sống thật trọn vẹn một cuộc đời ý nghĩa. Ôn lại mấy năm gian truân, lăn lóc, ôn lại những mất mát, những tuyệt vọng, đột nhiên An lại bật khóc. Giọng nói của An bị ngắt quãng vì những tiếng nấc:
- Em khổ quá. Một mình, nuôi cha già yếu, rồi nuôi hai đứa con dại... Biết thế này, thà...
An không thể nói được hết câu. Huệ xót cả lòng, bảo An:
- Tôi cũng cố gắng, nhưng có nhiều việc không thể làm được. Kể cũng quá lâu rồi. Đã tròn ba năm... An vẫn đi thăm nuôi đều đấy chứ?
- Dạ vâng.
Huệ nói nhỏ, như tự nói với mình:
- Ba năm. Lâu quá rồi.
An ngửng lên, lấy hết can đảm nói:
- Tướng quân giúp em. Em đã gần mỏi mòn kiệt sức. Hai đứa bé thì càng ngày càng lớn, cần có cha để dạy dỗ. Nếu cần sai anh ấy làm bất cứ việc gì, cho dù nguy hiểm đến đâu, để lấy công chuộc tội, anh ấy cũng sẵn sàng. Tướng quân...
An chỉ nói được bấy nhiêu. Nhưng cũng đã đủ lắm rồi! Nguyễn Huệ không chút do dự, vội vã hứa:
- Tôi hiểu. Tôi hiểu tình cảnh đơn chiếc của An trong ba năm qua. Được rồi. Thế nào tôi cũng cố gắng hết sức để An vui lòng.
An vui mừng ngước lên nhìn Huệ. Qua màn nước mắt, An thấy Huệ mỉm cười, đôi mắt sáng lên vì xúc động. Chị đứng dậy, lí nhí nói:
- Cảm ơn tướng quân. Mẹ con tôi nhớ ơn tướng quân đời đời.
Rồi không chờ Huệ trả lời, An vội vã bước ra phía cửa. Chị không muốn Nguyễn Huệ nhìn thấy những giọt nước mắt sướng vui của chị!
(1) Chính biên liệt truyện, quyển 6, 23a
(2) Theo thư của Giáo sĩ Ginester viết ở Sa Đéc năm 1784