Buổi lễ tiếp ấn diễn ra đúng như ông giáo dự kiến. Nguyễn Hữu Chỉnh hơi thất vọng vì sự đơn giản của cuộc lễ. Không định được phương hướng nên Chỉnh cứ ngỡ rằng bệ rồng quay về hướng bắc. Điều đó khiến Chỉnh đỡ phải bối rối. Ít ra ông đã có bằng chứng cụ thể để báo lên Việp Quận công là anh em Tây Sơn thực sự muốn làm tướng biên khu của nhà Trịnh. Dĩ nhiên Chỉnh sẽ phải giấu không cho Hoàng Ngũ Phúc biết là: lúc Chỉnh đọc sắc, Nhạc và Huệ giả vờ không hiểu nghi lễ không chịu quì, và lúc nhận ấn kiếm khôi giáp, cả hai chỉ hơi ngả mình về trước để đón mà thôi.
Cách trưng bày ở dinh chính, giá trị của bàn ghế, màn trướng, hình khắc trên cột kèo v.v... tất cả không làm cho Chỉnh ngạc nhiên. Là một người từng trải và giàu có, Chỉnh thấy nhìn chung cách xây cất bày biện ở Qui Nhơn có vẻ thô kệch, hơi quê mùa. Nghiêm, dũng thì có, nhưng không được nhã. Có lẽ họ không hiểu gì nhiều về nghệ thuật, văn học, Chỉnh nghĩ vậy.
Với một vẻ trầm tĩnh tự tin, Chỉnh theo Nhạc bước qua phòng hội. Ông đi song song với cậu thanh niên có đôi mắt sáng và mái tóc quăn, miệng lúc nào cũng cười; cậu thanh niên vừa lãnh ấn Tiên phong Tướng quân của nhà Trịnh. Tự nhiên Chỉnh có cảm tình với Huệ, tuy gặp Huệ lần này là lần đầu. Ông mỉm cười cảm ơn Phan Văn Tuế (gặp Chỉnh lúc Tuế cầm đầu phái đoàn cầu hòa ra gặp Việp Quận công mấy tháng trước), từ chối lời mời đến ngồi gần, để đến ngồi sát cạnh Huệ. Với đôi mắt sành sỏi của một người mấy đời giàu có nhờ buôn bán, Chỉnh biết ngay lúc này, Huệ là nhân vật đang lên của Tây Sơn.
Huệ nhớ lúc nãy đi rước sứ bộ ngoài chùa Thập Tháp có lóa mắt vì con ngựa bạch tốt giống của Chỉnh nên hỏi Chỉnh trước:
- Ông mua đâu được con ngựa tốt quá?
Chỉnh cười, bảo Huệ:
- Tướng quân nói thế cho vui lòng tôi đấy thôi. Con ngựa này đâu có ra gì. Chỉ được cái sắc bạch huê dạng, còn thì chẳng ra sao. Tướng quân nghĩ xem...
Huệ cắt lời Chỉnh:
- Xin ông cứ gọi tôi bình thường, đừng gọi "tướng quân" nghe chướng lắm. Chúng tôi toàn dân núi, gọi nhau là tướng quân chẳng khác nào mặc áo gấm đi hài củi.
Chỉnh mau mắn điều chỉnh:
- Vâng, anh... anh nghĩ xem, con ngựa bạch đó chỉ được một điều là tránh khỏi tam luy (ba cái ốm) và ngũ nô (năm cái tồi). Còn lại thảy đều thường thường bậc trung, không có gì tốt.
Huệ thành thực hỏi:
- Tam luy, ngũ nô là gì ạ?
Chỉnh giải thích chậm rãi, như giọng thầy giảng bài:
- Phàm xem tướng ngựa, trước hết phải tránh tam luy ngũ nô rồi mới xem tướng những bộ phận còn lại.
Cổ to đầu nhỏ là nhất luy
Xương sống yếu bụng to là nhị luy
Đùi nhỏ mông to là tam luy
Ngũ nô gồm có:
Đầu to tai chậm là nhất nô
Cổ dài không gãy là nhị nô
Chân trước ngắn chân sau dài là tam nô
Đầu gối to xương sườn ngắn là tứ nô
Hông cạn vế mỏng là ngũ nô
Sau khi xét kỹ xem ngựa có phạm tám điều xấu trên kia không, mới xem xét đến các tướng tốt của ngựa. Theo ông Bá Lạc chuyên xem tướng ngựa bên Tàu thì: "Ngựa tốt đầu mong được vuông, mắt sáng, xương sống mạnh, bụng trương lên, bốn chân dài, khuôn mắt cao, lỗ mũi to, đầu mũi có chữ vương, trong miệng đỏ, xương đầu gối tròn mà dài, hai tai được gần nhau mà tướng hướng tới trước, thụ nhỏ mà đầy.
Huệ thành thực thán phục sự hiểu biết của Chỉnh, vui vẻ khen:
- Ông thật sành về ngựa. Không biết có sành về người không?
Chỉnh quay hẳn lại nhìn Huệ một cách tò mò, ha hả cười:
- Anh hỏi thế khác nào đánh đồng ngựa với người! Xem tướng ngựa chẳng qua như lựa một cái xe sao cho tốt. Còn con người hả, biết được trọn vẹn và chính xác là một điều thiên nan vạn nan. Có những người bên trong vui buồn hờn giận thế nào hiện hết ra nét mặt, nhất là trong ánh mắt. Cũng có người kín đáo không cho ai đoán được. Thậm chí có hạng bên ngoài nói cười thơn thớt, nhưng bên trong chứa cả bồ gươm giáo. Đoán ngựa thì tôi còn võ vẽ, còn xem tướng người, tôi chịu thôi.
Huệ mỉm cười, nhìn thẳng vào Chỉnh chậm rãi hỏi:
- Nhưng dĩ nhiên mỗi người phải hiểu rõ mình. Ông xếp ông vào loại nào, khó đoán hay dễ đoán, hay là...
Chỉnh đang lúng túng chưa biết trả lời thế nào, thì vừa may trại chủ dẫn ông giáo đến chỗ Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh vội đứng dậy vái chào hai người. Nhạc nói:
- Giới thiệu với Ngài Gia cát chưởng thư ký, đây là thầy giáo Hiến, thầy dạy của các chú em tôi. Cũng như Ngài, thầy giáo ở đây với chúng tôi để giúp việc từ hàm.
Chỉnh cung kính cúi chào ông giáo lần nữa, lễ phép nói:
- Thật hân hạnh cho tôi quá. Từ lâu tôi đã được nghe danh thầy, hôm nay mới được vinh dự diện kiến.
Ông giáo ghét sự giả dối khách sáo, liền bảo: - Tôi chẳng qua là một thầy đồ nghèo ở chốn hang núi, làm gì có danh để vang đến tận tai ông. Ông dạy quá lời!
Nguyễn Hữu Chỉnh vội nói:
- Thưa thầy, thầy hiểu lầm tôi rồi. Chỉ vì thầy quá nhún đấy thôi, chứ hiện nay ai không biết thầy là quân sư của Tây Sơn trại chủ Tráng tiết Tướng quân, và là thầy học của Tiên phong Tướng quân đây. Hơn nữa, thầy ở kinh đô Thuận Hóa lâu ngày trước khi qui ẩn về đây. Lâu nay thầy được tin của Ái Trúc tiên sinh không ạ?
Ông giáo kinh ngạc vội hỏi:
- Ông muốn nói đến Ngô Thế Lân người Vu Lai phải không?
Chỉnh đắc chí cười nhẹ, rồi đáp:
- Vâng. Lúc Việp Quận công nhập Thuận Hóa, tôi có nghe danh Ái Trúc trai, dật sĩ số một đất Thuận Hóa nên vội tìm đến phố Hà Thanh để gặp. Dật sĩ có nhắc đến thầy!
Ông giáo xúc động quá, chỉ có thể hỏi một câu ngớ ngẩn:
- Thật thế ư?
Rồi nghẹn lời. Chỉnh nói tiếp:
- Tôi có hỏi sao tiên sinh không nhân cơ hội này giúp nước lập công. Trước kia thầy có làm hằng trăm bài biểu như bài luận về tiền tệ gửi Duệ Tôn cũng chẳng khác nào đem nước đổ lá khoai. Bây giờ thế cuộc xoay vần, đã đến lúc tiên sinh có đất sở dụng để thi thố sở tài rồi. Dật sĩ bảo người quân tử lấy sự xu thời cầu cạnh làm hổ thẹn. Kể cũng đáng tiếc.
Ông giáo xúc động, ngậm ngùi nói:
- Thế là phải. Ái-Trúc trai còn may mắn hơn tôi. Thế là phải.
Chỉnh hỏi:
- Thầy đã được đọc Phong Trúc tập của Ái Trúc tiên sinh chưa?
Ông giáo đáp:
- Chưa. Lúc tôi phải lánh nạn, bạn tôi chưa làm nhiều thơ.
Chỉnh lim dim cặp mắt đọc:
- "Gió là cái vật không có chất mà có hơi, trúc là cái vật có chất mà không có ruột, nên trúc nhờ gió mà có tiếng, gió nhờ trúc mà thành vết; cho nên gió đến thì trúc kêu, gió qua thì trúc lặng, gió to thì kêu to, gió nhỏ thì kêu nhỏ. Thế kêu là tại gió chứ không tại trúc. Trúc vẫn là hư không vậy."
Ông giáo thích chí quá, reo lên:
- Bài từ này tôi có được Ngô Ái Trúc đọc cho nghe. Đoạn sau phải thế này không: "Đến như tiếng cao như hạc rít, tiếng trong như rồng ngâm, nhanh chóng như sóng dồn, thong thả như rước tượng. Đến như tính âm u có thể luyện được tục, tính thanh bạch có thể rửa được phiền, càng ra càng lạ, càng kêu mà càng chẳng hết cũng là do chỗ vô tâm mà diệu ứng với gió vậy. Tuy thế nhưng sở dĩ xướng phát thiên cơ, du dương chân vận, thì cũng là ở chỗ người nghe nhận lấy thôi, chứ nhã nhặn hay tục tằn, xấu xa hay lành tốt thì có dự gì đến trúc. Ôi! Trúc ơi! Trúc ơi! Ta có sở đắc ở trúc đấy".
Nhạc ngẩn người khi thấy hai nhà nho đua nhau đọc thơ đọc phú, cười lớn bảo:
- Tri âm tri kỷ gặp nhau rồi nhá! Ông Cống Chỉnh, còn dám chê thầm bọn này là một lũ ngu phu dốt nát nữa thôi?
Nguyễn Hữu Chỉnh giả vờ sợ hãi đáp:
- Trại chủ muốn giết sứ hay sao mà đổ cho tôi cái tội tày trời ấy! Có thầy giáo đây làm chứng.
Nhạc cười xòa, quay bảo mọi người:
- Thôi, xin mời quí vị ngồi vào bàn. Ta làm việc nhanh để còn dự tiệc cưới. Sẵn dịp công Cống vào đây, chúng tôi kính mời ông dự tiệc cưới con gái thầy giáo cho biết phong vị của đất núi thế nào. Ông Cống đừng từ chối nhé!
*
* *
Vì Lợi gửi rể nên đám cưới khá đơn giản về nghi tiết. Đã thế, đám cưới trở thành một phần của nhu cầu chính trị cho nên cũng được sửa đổi theo chương trình lễ tiếp ấn. Thành thử phần quan trọng nhất của lễ cưới là cô dâu chú rể trình diện với quan khách, và lạy tạ ơn bà con hai họ tại một gian nhà rộng phía trái của chính dinh.
Vì muốn làm lóa mắt sứ bộ quân Trịnh nên Nhạc không tiếc công tiếc của trang hoàng cho tiệc cưới linh đình, lộng lẫy chẳng kém gì tiệc cưới của Đông Cung trước đây.
Nhưng màu sắc, hương thơm, tiếng đàn tiếng hát, thức ăn, những câu xã giao mỹ miều hoặc những lời pha trò thông minh đều không có chút quan trọng nào đối với Huệ. Huệ thắc thỏm chờ cô dâu xuất hiện, ruột rối mà cố giấu xúc động bằng nụ cười thản nhiên, ngạo mạn, kẻ cả.
Rồi giây phút Huệ chờ đợi xuất hiện. Cả phòng tiệc đột nhiên im lặng. Chỉ thay mặt trại chủ đóng vai chủ hôn, khăn đóng áo thụng xanh chỉnh tề, đang cùng với ông giáo dẫn cô dâu và chú rể lạy mừng quan khách.
Huệ cuối mặt xuống, nghe quanh mình tiếng xôn xao trầm trồ. Mặt anh nóng bừng. Anh trách thầm anh cả đã vô tình chơi trò oái ăm, bắt anh chứng kiến giây phút khốn khổ này. Tiếng trầm trồ ngày càng huyên náo hơn. Không thể dằn được nữa, Huệ ngước lên tìm An.
Huệ bị chấn động đến nỗi như có ai vừa đánh một vố thật mạnh vào sau ót anh. Anh hoa mắt, sự vật hơi nhòe và pha sắc đỏ. Phải cố định thần một lúc, anh mới nhìn rõ cô dâu hơn: Lần đầu tiên An trang điểm son phấn, đầu lại đội cái khăn vành vải vàng, áo cưới nhiễu xanh, trông An đẹp rực rỡ lạ thường.
Lúc An bắt gặp Huệ nhìn mình, đôi mắt cô dâu hình như phảng phất vẻ hốt hoảng cầu khẩn, nửa xấu hổ muốn tránh nửa vương vấn bịn rịn cam chịu. Nhưng chỉ một lúc sau, hình như An tự chủ được mình. Cô mím môi, ánh mắt đanh lại. Hơi nghếch mặt lên để nhìn thẳng phía Huệ, cô dâu có thái độ thách đố bất cần. Huệ không hiểu vì sao tự nhiên An nhìn mình với đôi mắt căm hận ấy. Anh hoang mang, chẳng hiểu mình có lỗi gì. Và đến lúc đó, cảm giác tiếc nuối mới dần dần loang ra, xâm chiếm hồn anh. Nhiều chữ "nếu" đặt ra đầu những câu giả thiết, và câu nào cũng gây thêm cho anh sự tiếc nuối. Anh xoi mói nhìn chú rể, thấy cái gì của Lợi cũng là dấu hiệu sự tầm thường. Từ cách đưa hai bàn tay chắp lại vái chào, cách cười rụt hai vai lên cho thêm đậm đà, cách lâu lâu ghé miệng thì thầm gì đó với cô dâu để cố chứng tỏ chủ quyền trước mọi người... Tại sao nàng lại có thể yêu thương một người như thế được? Nàng có lầm lẫn không? Nàng lầm lẫn về hắn hay ta lầm lẫn về nàng? Câu hỏi oái ăm đó lại quấy rầy Huệ. Anh lại cảm thấy choáng váng, phải đưa tay lên chống trán.
*
* *
Như đã xếp đặt trước, sau tiệc cưới, có một cuộc chuyện phiếm thưởng trà ở văn phòng ấm cúng của Nhạc. Người tham dự có Nhạc, Huệ, Chỉnh, ông giáo và Nhật. Nhạc hy vọng cuộc chuyện phiếm thoải mái này sẽ ghi đậm lên trí óc sứ giả, và tạo hậu quả tốt đối với cuộc giao thiệp với Bắc Hà. Dĩ nhiên cái đinh của buổi hội kiến thu hẹp là Nguyễn Hữu Chỉnh, và người có trách nhiệm lèo lái câu chuyện đến kết quả tốt nhất, lợi nhất, là ông giáo.
Mọi người vừa an tọa, Chỉnh đã nhanh nhẩu nhìn quanh hỏi:
- Ơ kìa, cô dâu chú rể đâu rồi?
Ông giáo đỡ lời:
- Các cháu còn bận tiễn đưa bà con hai họ ra về, và lo thu xếp công việc.
Chỉnh bảo:
- Tiếc nhỉ. Tôi muốn hát mừng tân lang và tân giai nhân mà không có dịp.
Nhạc cười, nói:
- Ông Cống đa tài thế kia à. Nếu cần, chúng tôi xin cho gọi các cháu nó đến.
Chỉnh vội xua tay:
- Thôi, tôi nói đùa chứ hát hỏng ra gì đâu.
Ông giáo nói:
- Nhưng cái tài làm thơ quốc âm của ông thì ông không giấu được đâu. Xin được cho chúng tôi nghe một bài quốc âm.
Chỉnh hãnh diện vì có người biết tài mình. Không khách sáo, nhìn khắp mọi người rồi bảo: - Vâng, về quốc âm thì tôi thông hơn âm nhạc. Để tôi đọc bài thơ quốc âm mới làm cho chư vị thưởng lãm. Nhan đề bài thơ là Than Thân.
Tóc chen hai thứ chửa danh chi.
Thân hỡi là thân! Thì hỡi thì!
Chửa trả chửa đền ân đệ tử.
Thêm ngừng thêm tủi chí nam nhi
Kẻ yêu nên ít bề cao hạ
Người ghét càng nhiều tiếng thị phi
Tay bé khôn bưng vừa miệng thế
Giải lòng ngay thảo cậy thiên tri
Cả phòng vỗ tay tán thưởng bài thơ hay. Nhạc hỏi:
- Sao ông Cống có cái giọng phẫn đời thế? Nào " Thân hỡi là thân thì hỡi thì", nào "Tay bé"... tay bé... cái gì "miệng thế" nữa đấy?
Chỉnh nhắc lại:
- Thưa "Tay bé khôn bưng vừa miệng thế"!
Nhạc cười, nhìn Chỉnh nói:
- Việc gì phải lo bưng miệng thế? Cứ để mặc cho họ nói nhăng nói cuội, việc ta ta cứ làm. Phải thế không ông Cống?
Chỉnh đáp:
- Không phải ai cũng có cái đảm lược để gác ngoài tai tiếng thị phi. Tôi từng này tuổi đầu, tóc đã bạc, mà đôi lúc còn chưa chịu đựng nổi miệng thế. Những con mắt phàm tục đâu có thấy được giá thực của con người. Chúng nhìn chức tước mà định phẩm cách. Suốt mười mấy năm tôi ở dưới cửa Việp Quận công, có ai xem tôi ra gì đâu!
Ông giáo hỏi:
- Trước khi giúp việc từ hàm cho quận công, ông Cống giữ chức vụ gì suốt bao nhiêu năm mà thiên hạ dám khinh nhờn?
Chỉnh cười ha hả ra vẻ xem khinh thiên hạ, đáp:
- Tôi chỉ coi đội Thiện tiểu mà thôi.
Nhạc ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại nhỏ vậy?
Chỉnh nhìn Nhạc, rồi quay lại nhìn ông giáo đáp:
- "Chớ chê điều thiện nhỏ mà không làm"
Cả phòng ồ lên cười. Riêng ông giáo thì khâm phục sự nhanh trí và học vấn uyên bác của Chỉnh, vì Chỉnh không tự ứng khẩu mà dùng ngay câu nói của vua Chiêu Liệt trong cổ thư để trả lời Nhạc. Ông giáo nói:
- Bậc thiên tử như vua Chiêu Liệt thì nói gì mà chẳng được thiên hạ tán thưởng. Đã là điều thiện thì lớn hay nhỏ cũng đáng phải làm.
Nhạc chen vào nói:
- Nhưng làm được điều thiện lớn thì vẫn tốt hơn điều thiện nhỏ chứ. Việc lặt vặt tủn mủn thì chỉ nên dành cho hạng tiểu tài. Chứ người như ông Cống, không phải tôi nói cho vừa lòng khách đâu nhé, hạng người như ông mà suốt đời chăm chắm mấy cái thiện lặt vặt, phí đi!
Bây giờ Huệ mới hỏi Chỉnh:
- Nhưng thế nào mới gọi là điều thiện? Chúng tôi xin được nghe ý kiến của ông Cống.
Chỉnh nhìn quanh để xem có phải mọi người đều chờ nghe mình nói không. Câu hỏi của Huệ đặt vấn đề đến tận căn bản nên ai cũng muốn nghe lối giải đáp của Chỉnh. Chỉnh cười mỉm, lừ mắt nhìn Huệ giả vờ trách móc, rồi chậm rãi nói:
- Vị tướng công trẻ tuổi này không nể tuổi tác, cứ bắt tôi trả lời toàn câu hỏi khó. Ở đây còn có trại chủ, tôi lên tiếng về một điều trọng đại như vậy chẳng khác nào múa rìu qua mắt thợ. Có phải không chư vị?
Nhạc cả cười bảo Chỉnh:
- Ông chạy trời không khỏi nắng đâu. Chúng tôi là một đám dân núi, học hành võ vẽ chưa hết một trang sách, tầm mắt chưa qua khỏi đọt tre làng, làm thế nào đủ kiến văn giải đáp được các điều lớn trùm thiên hạ. Vì không trả lời được mà lòng cứ thắc mắc, chờ ngóng người uyên bác để hỏi thăm, để học hỏi. May có ông Cống từ Thăng Long lạc bước vào đây, chú Huệ lợi dụng cơ may, đem thắc mắc ra hỏi. Xin cho biết tôn ý, ông cống Chỉnh ạ!
Chỉnh biết không thể từ chối được, bèn ngồi ngay ngắn, lấy mặt nghiêm trước khi nói:
- Thì tôi xin trả lời cho tướng công vậy. Thế nào mới là điều thiện? Theo tôi, đơn giản lắm. Điều thiện là sự thành công. Thế thôi!
Cả phòng chưng hửng vì câu trả lời bất ngờ ấy. Nhạc thắc mắc:
- Ông Cống nói gọn quá tôi chưa kịp hiểu! Chẳng lẽ vấn đề đơn giản như vậy sao? Và nếu nói như ông Cống, thì cái ác là sự thất bại ư?
Vì đón trước phản ứng của cử tọa, nên Chỉnh mỉm cười nhìn khắp mọi người. Ông bắt gặp nụ cười khinh bạc của Huệ, và vẻ mặt khó chịu của ông giáo.
Còn Nhạc và Nhật thì thích thú vì bất ngờ, lạ lùng. Chỉnh chậm rãi giải thích:
- Trước hết tôi xin nói ngay phân biệt thiện ác là điều không hợp với luật tự nhiên. Trời đất, sông núi, hoa quả, cây cỏ, muôn thú, côn trùng, không từng phân chia thiện ác, mà chỉ tuân theo một qui luật: Luật sống. Phải sống trước đã. Mà đã sống thì phải cạnh tranh nhau để giành lấy miếng mồi, chỗ núp trước hiểm họa, chỗ ngủ qua đêm. Mọi vật đều chịu sự cạnh tranh để tồn tại, mạnh thì được, yếu phải thua. Quí vị đừng vội bĩu môi chê tôi là thằng nhà nho vô hạnh. Xin ráng nghe tôi nói. Vâng, không có điều gì cao cả thiêng liêng cho bằng sự sống. Thiên địa chi đại đức viết sinh. Thánh nhân đã nói vậy. Ai cũng muốn sống, nói rộng ra là vật gì cũng chứa trong nó một thứ sức mạnh để sống và bảo tồn sự sống. Con người là một sinh vật khôn ngon nhất của trời đất nên chẳng những muốn tồn tại mà còn muốn được hiện điện đời đời, ai ai cũng nhớ tưởng đến mình ngay cả sau khi nhắm mắt. Tôi có thể để quí vị thấy ngay các bậc thánh hiền xem thường bon chen, danh lợi, đời sống cơm áo tầm thường dung tục như chúng ta, thực chất chỉ là những kẻ tham sống tham danh hơn ai hết. Sống. Sống, sống cao hơn mọi người, sống lâu hơn mọi người, đó là ước muốn tự nhiên của tất cả chúng ta.
Khốn nỗi danh lợi thì ít mà tất cả mọi người đều cố cạnh tranh để tìm một chỗ đứng tốt. Người khỏe mạnh mưu trí thì muốn một mình chiếm lấy vai thủ lãnh, kẻ kém hơn thì tìm người hợp thành tập đoàn để cùng chiếm ưu thế, chiếm xong lại phải xẩy ra một cuộc tranh giành khác để kẻ bạo nhất, lanh nhất, xảo trá nhất thanh toán được đối thủ lên ngôi thủ lãnh. Những người kém thế, chậm chạp, nhút nhát còn lại thì suốt đời vâng vâng dạ dạ. Cuộc bon chen cạnh tranh đó là luật sống của tự nhiên, không thể xếp cái gì là thiện cái gì là ác. Nhưng sở dĩ có sự phân biệt thiện ác lâu nay là vì kẻ mạnh ở chỗ ưu thế không muốn mình kém mạnh hoặc suy yếu đi để bị kẻ khác thay thế. Hắn thành công hơn kẻ khác, nên lo sợ tất cả những người không thành công bằng hắn. Hắn ngồi trên chỗ cao mà không lúc nào an tâm. Cho nên hắn phải tìm ra một lý thuyết để buộc tất cả mọi người tin rằng hắn ở trên cao là do ý trời, vì những lý do cao cả, siêu linh, điều hắn làm là thiện, ai không nghe theo hắn là kẻ ác. Có thể tên chủ lãnh vụng về ăn nói, suy nghĩ nông cạn, giỏi bạo hành và âm mưu hơn là lập thuyết. Nhưng ở đời không bao giờ thiếu bọn lưu manh giỏi tài miệng lưỡi. Chúng đoán được ý của thủ lãnh, và với óc thông minh và tài lợi khẩu, chúng có thể đẻ ra hàng nghìn hàng vạn lý thuyết biện biệt phân chia thế nào là thiện, thế nào là ác. Xem thế thì thiện là gì? Ác là gì? Tôi mạnh bạo trả lời cho quí vị rằng: Thiện là thành, ác là bại. Hễ thành công thì tự nhiên thiện. Cho nên điều quan trọng là phải thành công. Quí vị nghĩ xem. Nếu Hàn Tín không thành công, thì ai không chê cười cái thằng hèn hạ đến nỗi chịu lòn trôn tên vô lại giữa chợ, và trên đời có ai biết đến bát cơm Phiếu Mẫu. Cái đẹp của tính nhẫn nhục và lòng nhân hậu của Phiếu Mẫu sở dĩ còn lưu truyền là nhờ sự thành công của Hoài Âm hầu. Do đó tôi mới dám bảo "Thiện là sự thành công"
Nhạc cười ha hả thích thú, nói lớn:
- Hay lắm! Ông Cống nói thật hợp ý tôi. Phải, thành công thì điều thiện tìm đến, thất bại thì điều thiện bỏ đi. Được làm vua thua làm giặc, tục ngữ đã nôm na thế từ lâu rồi. Phải không ông Cống? Nhưng này, theo ý ông thì anh em chúng tôi có thể thành công được không? Hay nói theo ông, có thể trở nên "người lương thiện" được không?
Chỉnh bối rối một chút, nhưng kịp trấn tĩnh ngay, Chỉ cười bảo Nhạc:
- Tại sao Tráng tiết Tướng quân lại hỏi tôi câu ấy? Tướng quân đã nhận khôi giáp của hoàng triều, tất nhiên là chịu vâng theo điều thiện rồi. Xin chúc mừng điều thiện lớn tướng công đã đạt được, là trở thành bề tôi của hoàng triều.
Chỉnh nâng chung rượu lên mời mọi người. Nhạc cười ha hả lần nữa, mạnh dạn đưa cao chung rượu nốc cạn. Nhật bắt chước Nhạc, ngửa cổ uống hết rượu trong chung bạc. Ông giáo do dự, mãi đến lúc gặp Chỉnh xoi mói nhìn mình, ông mới đưa rượu lên nhắp vài ngụm cho có lệ. Chỉ một mình Huệ thản nhiên không cầm đến chung rượu. Chỉnh mỉm cười hỏi:
- Tiên phong Tướng công suy nghĩ gì thế?
Huệ nhìn thẳng vào mặt Chỉnh đáp:
- Cảm ơn ông Cống. Hình như ngài vẫn chưa tìm ra điều thiện lớn cho riêng mình, nên tạm uống rượu mừng cái thiện có sẵn của kẻ khác. Chung rượu hôm nay chưa được uống là vì vậy...
Nhạc sợ em làm mất lòng khách quí, vội cắt lời Huệ:
- Chú em tôi hay thắc mắc chuyện dưới đất trên trời. Nhưng phải nhận hôm nay chú ấy khá lắm. Đáng thưởng một chung rượu. Chú Huệ, chú chưa uống vì chưa tìm ra lẽ thiện, thì bây giờ phải uống cạn chung rượu thưởng của anh. Không được chối từ đâu!
Huệ vâng lời Nhạc, nhưng lúc ngước cổ nốc cạn chung rượu đắng, anh nhìn trại chủ với đôi mắt trách móc, gần như hờn giận bi thiết. Không ai nhận ra ánh mắt bi phẫn ấy, ngoài ông giáo.
*
* *
Cả Huệ lẫn ông giáo đều muốn nói chuyện riêng với nhau. Không nói không được! Nhất là phải nói ngay hôm nay!
Nhưng lúc chỉ còn hai thầy trò trước thềm dinh phủ, chung quanh là đêm trăng non và gió se lạnh, họ đâm ra lúng túng không biết phải nói với nhau điều gì. Lòng cả hai thầy trò đều nôn nao, khốn khổ. Họ bứt rứt, áy náy nhìn nhau, ái ngại cho nhau, thương hại lẫn nhau. Mãi một lúc lâu, ông giáo mới tìm được một đề tài không động chạm đến nỗi đau chung. Ông hỏi Huệ:
- Anh có thấy ông ta nhai lại giọng phẫn kích của Tử Trường hay không? Anh còn nhớ bài Tựa truyện Du Hiệp trong Sử Ký chứ? Người nhà quê có câu rằng: Biết đâu nhân nghĩa, làm lợi cho ta kẻ có ơn. Cho nên Bá Di cho nhà Chu là xấu, chịu chết đói ở núi Thú Dương; vậy mà Văn, Vũ chẳng vì cớ đó kém vẻ vang. Chích Cược ngang ngược mà đồ đệ nhớ nghĩa vô cùng. Do đó mà coi: "Ăn trộm lưỡi câu thì chết chém. Ăn trộm nước người thì phong hầu. Cửa nhà hầu, nhân nghĩa thiếu gì đâu".
Huệ trầm ngâm lắng nghe lời thầy, bùi ngùi nhớ lại những ngày An Thái. Tự nhiên nước mắt rơm rớm, và cổ anh nghẹn. Ông giáo chờ mãi không thấy Huệ trả lời, hỏi lại:
- Anh nhớ đoạn đó chứ?
Huệ nuốt nước miếng trả lời được mấy tiếng:
- Dạ nhớ.
- Ông ta cũng nói cùng một ý đó, nhưng tại sao tôi tự nhiên ác cảm với lập luận của ông ta, trong khi vẫn thông cảm với Tử Trường? Anh có thấy được điều khác biệt không?
Huệ cảm động, vì hiểu ý nghĩa lời ân cần săn đón của thầy, hiểu chủ đích của ông giáo khi kiếm chuyện bàn luận dông dài với anh. Huệ ngước lên nhìn ông giáo chớp chớp đôi mắt và đáp:
- Con cũng cảm nhận điều đó. Cái khác nhau giữa Tư Mã Thiên và ông cống Chỉnh là ở tâm trạng phát ngôn: Tư Mã Thiên phát biểu trong lúc tuyệt vọng phẫn chí, nghĩa là vẫn tin ở điều tối thiện nhưng đau đớn vì chưa đạt tới được. Ngược lại, ông cống Chỉnh xem tất cả chỉ là phương tiện để tư lợi, và phủ lên sự thấp hèn ích kỷ ấy lớp khói thuyết lý.
Ông giáo vui mừng tìm được người hiểu mình, reo lên:
- Anh nói đúng lắm. Tôi cũng nghĩ như vậy. Cách ngụy biện này còn nguy hiểm hơn cả chính sự xác nhận đời là sự cạnh tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua. Nó hợp lý hóa một điều bất đắc dĩ, như đem chuyện buồng the ra kể trước công chúng.
Huệ nói:
- Con nhớ có lần đã thưa với thầy là trước sau gì bọn cơ hội tứ phương cũng đánh hơi thấy mùi mật ngọt mà bu đến đây như một đàn ruồi. Chúng còn đông hơn, nguy hiểm hơn bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn du thủ du thực lâu nay nhan nhản quanh chúng ta. Nguy hiểm hơn vì chúng thông minh hơn bọn trộm cướp, được việc hơn bọn vong mạng dốt nát, ngoan ngoãn giỏi nịnh hơn bọn cố chấp hẹp hòi. Khó phân biệt được người thiện chí và kẻ xu thời cạnh tranh. Con nghe hắn lý thuyết dông dài, nhìn đôi mắt hắn láo liên, tự nhiên rờn rợn. Không hiểu tại sao con đâm ghét cay ghét đắng hắn ta. Rồi nhìn cái cười đắc chí của anh con, con ghét lây cả...
Huệ chợt nhớ đến giới hạn, vội ngưng lại. Dù sao đi nữa, anh không có quyền nói xấu anh mình. Ông giáo cảm động vì sự tin cậy của Huệ, ngầm hiểu nguyên do của sự phẫn kích, sự quá đáng trong cách xét đời xét người. Ông an ủi:
- Rồi mọi sự không đến nỗi bi quan như anh nghĩ đâu. Trên đời lẽ thiện vẫn sáng, và phải thắng. Những gì buồn khổ, bất như ý rồi cũng qua đi. Thời gian cuốn hết những thống khổ. Ông trời thật hay: vừa cho người ta trí nhớ, nhưng cũng cho người ta sự quên lãng. Ngày mai thức dậy, tối hôm nay đã thành một kỷ niệm. Mà kỷ niệm nào rồi cũng phải mờ, như một cái gương cũ.
Huệ đột ngột nắm tay ông giáo, giọng nói run run:
- Con cảm ơn thầy nhiều. Vâng, con hiểu lòng tốt của thầy. Ngày mai con đi xa rồi, không biết có mau được dịp trở lại thăm thầy hay không. Tuy nhiên dù ở đâu, xa xôi cách mấy, con vẫn không quên ơn thầy. Có điều này con thành thực thưa với thầy, là hiện nay vị thế của thầy bấp bênh lắm. Nguy hiểm là khác. Con nói chuyện qua với Bùi Văn Nhật và ông Chỉ, là hiểu hết. Cũng may anh con vẫn còn xem trọng những ý kiến của con. Nhưng con sợ... con vẫn sợ...
Ông giáo ôm lấy hai vai Huệ. Ông muốn khóc vì xúc động. Không ai hiểu ông bằng Huệ, không ai thấy rõ cuộc đời ông, tâm tình ông, cả sự nguy hiểm trắc trở về sau của ông bằng người học trò đang giữ vai trò lịch sử quan trọng này. Ông vỗ nhẹ vào lưng Huệ, cố dằn xúc động, lẩm bẩm:
- Cảm ơn anh. Tôi hiểu... Chúng ta quá hiểu nhau. Như vậy là quí lắm rồi, may lắm rồi. Ráng giữ gìn sức khỏe, và niềm yêu đời, Huệ nhé!
Hai thầy trò chia tay nhau dưới vòm sương khuya và ánh trăng thượng tuần lờ mờ. Huệ quay về dinh phủ, mắt còn xốn xang vì hình ảnh hai cái lồng đèn vẻ hình loan phượng treo trước cửa nhà ông giáo. Anh bước gấp như chạy trốn, lưng nhột nhạt vì ý nghĩ hai ánh sáng lay lắt ấy giống y hai con mắt tinh ranh đùa cợt trên nỗi đau khổ đầu đời của anh. Tới lúc vào hẳn trong dinh, nghe tiếng đàn tiếng hát Nhạc chiêu đãi sứ bộ, Huệ mới bớt ám ảnh ray rứt. Sau khi Mịch biểu diễn xong một đoạn ghen tuông trích trong vở Phụng Nghi Đình, Chỉnh cao hứng hát một bài quan họ Bắc Ninh để đáp lễ. Lời ca bài Trèo lên cây gạo như sau:
Trèo lên cây gạo cao cao
Bước xuống vườn đào thấy áo người phơi
Thấy áo sao chẳng thấy người
Như đứng nhà giột như ngồi chuồng chim
Thấy chuồng sao chẳng thấy chim
Để tôi chỉ quyết đi tìm một đôi
Tưởng rằng chim lẻ bắt chơi
Không ngờ chim đã đủ đôi cả rồi.
Huệ ngồi phía sau sân hát, nên lúc anh bỏ về, không có ai trong cuộc vui hay biết gì!