Trong điện Quang Văn chiều hôm ấy chỉ có một mình Chính Bình vương và quan Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ. Nguyễn Huệ ngồi trên cái sập sơn son thếp vàng, một chân gác trên sập, chân kia bỏ thõng xuống nền điện. Vạt áo bào vàng che lấp bàn chân trên sập. Nhưng Trần Văn Kỷ có thể thấy bàn chân kia của Nguyễn Huệ để trần. Hai chiếc hia gấm nằm ngả nghiêng ngay dưới cái bàn thấp trên có đặt nhiều giấy tờ, một lọ sứ cao cổ để đựng bút, một cái nghiên mực son, khay trà trên sập còn bốc khói thơm.
Trần Văn Kỷ được Nguyễn Huệ vời vào có việc khẩn, lòng khá lo lắng, nhưng khi thấy thái độ ung dung thoải mái của Chính Bình vương, ông cảm thấy an tâm. Nguyễn Huệ trỏ cái ghế cạnh sập, thân ái bảo:
- Ông ngồi xuống đây. Lại có tin buồn rồi, quan Trung thư ạ.
Trần Văn Kỷ ngồi xuống ghế, ngửng lên chờ Nguyễn Huệ nói tiếp. Nguyễn Huệ cầm một tờ giấy trên bàn đưa lên nói:
- Ông cụ xứ Nghệ lại viết thư chối từ. Ông đọc đi.
Trần Văn Kỷ đưa hai tay nhận lá thư phúc đáp của La sơn phu tử. Nguyễn Huệ ân cần hỏi:
- Ông có mang kính theo không?
Trần Văn Kỷ vội đáp:
- Bẩm Vương thượng, có đây ạ.
Trong khi quan Trung thư lệnh lấy kính ra mang, Nguyễn Huệ lại hỏi:
- Cô út nhà ta tên gì?
Trần Văn Kỷ không hiểu Chính Bình vương muốn hỏi gì, vừa đeo kính vào vội giở kính ra, hấp háy mắt ngập ngừng nói:
- Bẩm Vương thượng hỏi gì ạ?
Nguyễn Huệ mỉm cười, hỏi lại:
- Tôi muốn biết tên cô út của ông. Có phải ông có một cô con gái út không?
Trần Văn Kỷ vội đáp:
- Bẩm vâng. Nhưng cháu nó...
Nguyễn Huệ cười lớn:
- Thôi. Ông hãy đọc thư của La sơn phu tử đi đã.
Trần Văn Kỷ lại mang kính vào, cúi xuống đọc:
"La sơn Nguyệt ao, tiện sĩ Nguyễn Khải Xuyên cúi đầu kính cẩn viết thư dâng Đại nguyên súy Tổng quốc Chính Bình vương.
Mùa xuân năm ngoái, hai quan ở quí quốc đem thư mời và lễ vật lại, chịu khuất mình rất kính cẩn mà truyền rõ ý chỉ. Tiện sĩ không dám nhận thịnh lễ ấy và đã kính cẩn đáp thư. Những lẽ không ra được, nói đã rất đủ.
Mùa thu này lại thấy hai quan thân tín đưa thư và lễ vật tới ân cần truyền ý.
Vương thượng, anh tư tột bậc khác hẳn người thường. Lòng thành chuộng lành so với Văn Vương, Huyền Đức chẳng hề kém thua.
Trộm nghĩ, tiện sinh này thô thiển, vụng về, già nua hèn yếu, đã không có tài Gia Cát, lại không có sức Thái Công.
Vương thượng muốn hậu đãi quá cao. Đối với cái thịnh danh ấy, sự thật khó mà xứng được. Thế đạo trọng trách ấy sao đủ gánh vác được.
Gần đây, mình lại rất suy hèn, thường khi đau lưng, đau gối. Từ tiện sinh đến cả nhà, không có ngày nào là không thuốc thang. Bối rối thay! Tự mình cứu mình chưa xong, sao cứu nổi được dân?
Mong Vương thượng đừng nghe người bàn quá, và để tiện sinh được ở yên cho trọn vẹn. May ra mới di dưỡng được tâm thần, sống thêm chút đỉnh. Để ngày khác, đứng ngoài mà làm một người cố vấn dự bị, thế mới phải hơn.
Đã can phạm tới uy nghiêm, nên sợ hãi khôn xiết. Xin Vương thượng lượng cho, thứ cho. Thế là may.
Tiện sinh Khải Xuyên cúi đầu kính cẩn mà phúc thư.
Có bản riêng kể những tiền bạc, lễ vật mà tiện sinh nhất thiết không dám nhận, và xin giao cho mệnh quan nạp lại y nguyên.
Chiêu Thống năm đầu, tháng chín, ngày mồng năm" (1787) (1)
Trần Văn Kỷ đọc xong, lòng buồn rười rượi. Như vậy là một lần nữa, bậc danh sĩ số một của Bắc Hà lại từ chối lời mời cộng tác của Phú Xuân. Ông giả vờ đọc tiếp, cố trì hoãn cái lúc phải bàn luận với Chính Bình vương về thất bại này.
Nguyễn Huệ có lẽ nóng ruột vì chờ khá lâu, hỏi:
- Ông dùng trà chứ?
Trần Văn Kỷ vội ngửng lên đáp:
- Xin cảm ơn Vương thượng. La sơn phu tử lại lấy cớ tuổi già thân bệnh để tránh né. Có lẽ ta...
Nguyễn Huệ cắt lời Trần Văn Kỷ:
- Ông định nói là ta không cần phải nài nỉ thêm nữa chứ gì? Ta hạ mình như vậy là quá đáng chứ gì? Có đúng thế không?
Trần Văn Kỷ đành phải gật đầu thú nhận:
- Bẩm đúng như vậy!
- Ban đầu ta cũng bực dọc rồi nghĩ y như vậy. Phú Xuân chúng ta có quá nhiều mối lo, thì giờ đâu nhọc lòng chiều lụy một ông già xứ Nghệ già nua, ốm yếu. Nhiều người còn báo với ta là La sơn phu tử còn bị chứng bệnh cuồng nữa. Phải. Ta đã có quá nhiều mối lo rồi. Thái úy Phạm Văn Hưng vừa báo cho ta biết tình hình Gia Định rất xấu. Bọn thằng Chủng vừa ở Xiêm về là Nguyễn Văn Trương đã đem binh thuyền ra hàng. Chủng liền phong cho tên phản trắc đó chức Tiên phong chưởng cơ, rồi xui hắn tiến chiếm Trà ôn. Có lẽ Đông Định vương không chống nổi bọn thằng Chủng đâu. Trước sau gì cũng mất Gia Định. Ngoài Thăng Long Nguyễn Hữu Chỉnh đang múa gậy vườn hoang, định đòi cả Nghệ An như ông đã thấy. Còn Qui Nhơn nữa. Nhà vua có chịu để cho ta yên không? Gia Định, Qui Nhơn, Thăng Long, việc nào giải quyết trước việc nào sau? Ý ông thế nào?
Trần Văn Kỷ đáp sau một lúc do dự:
- Mối nguy lâu dài vẫn là Gia Định.
Nguyễn Huệ vỗ mạnh tay lên vế nói lớn:
- Đúng. Ta cũng thấy trước như ông. Nhưng muốn gỡ mối nguy đó, ta còn nhiều cái vướng. Vả lại, cái gốc của nguy hiểm không nằm tại Gia Định, mà nằm ở đây, trong đầu óc của mọi người, nhất là trong đầu óc của lớp nhà nho các ông. Ta kéo quân vượt Lũy Thầy phải trương cờ "phù Lê diệt Trịnh". Tên Chủng ở Xiêm về, ta đoán thế nào hắn cũng rêu rao chuyện "khôi phục" để lấy lòng người. Đấy, mấu chốt là ở đấy. Cho nên ta đành phải chiều lụy ông lão xứ Nghệ một lần nữa vậy. Ông thảo ngay cho ta bức thư khác. Lần này phải ràng buộc thế nào để ông lão chỉ còn có tiến chứ không thể thoái. Làm sao dồn ông lão đến chỗ hết biện bạch. Có phải ông lão chê anh em ta là bọn mán mọi dốt nát, là bọn võ biền cục mịch, không thèm ra phải không? Ta tin tưởng ở sự khéo léo của ông.
Trần Văn Kỷ băn khoăn hỏi:
- Bẩm... đến hôm nào thì trình bản thảo cho Vương thượng?
Nguyễn Huệ trỏ cái bàn kê cuối phòng, ở cánh tả của điện:
- Ngay bây giờ. Ông có thể ngồi ở cái bàn kia. Có sẵn nghiên bút và mấy quyển giấy tốt đằng ấy.
Vừa lúc đó, quân hầu vào bẩm có quan thượng thư bộ Hình là Thuyên quang hầu Hồ Công Thuyên xin yết kiến.
*
* *
Sau vài lần sửa chữa, Trần Văn Kỷ đã thảo xong lá thư gửi cho La sơn phu tử. Thư viết như sau:
"An nam Đại nguyên súy, Tổng quốc Chính Bình vương, kính thư gửi để La sơn phu tử xét rõ:
Ngày trước, lần thứ hai, sai sứ thần thay quả nhân tới đón mời phu tử. Nay sứ về tâu rằng: Phu tử từ không ra, bởi vì già yếu.
Quả đức buồn mà tự phàn nàn và tự ân hận khôn xiết. Nghĩ đi nghĩ lại, những tăng lòng cảm thấy vận hội năm trăm năm trước, năm trăm năm sau sắp tới nơi.
Nay thử xét ý phu tử, thấy có ba lẽ này mà phu tử không thèm ra chăng:
Anh em quả đức nguyên chỉ trơ trọi là những người áo vải chân đất nổi lên ở phương Tây. May mà đánh được tụi yếu và dứt được kẻ hèn, gây dựng nên nghiệp bá, chưa ắt đã phải là bực chân nhân. Ấy là một lẽ.
Từ lúc khởi binh đến nay, thân trải trăm dặm, sùng chuộng võ uy. Chưa chắc đã khỏi làm việc bất nghĩa, giết kẻ vô tội để lấy được đất nước. Ấy là lẽ thứ hai.
Mời kẻ hiền, tuy là thành tâm sai sứ đến nhà, nhưng không chịu thân hành đến chào đón. Đối với bực xưa như kẻ chăm chăm ba lần tới đón, như kẻ thành cẩn ba lượt tìm mời thì khác xa. Ấy là lẽ thứ ba.
Vì ba lẽ ấy mà phu tử không thèm đến. Thật là phải vậy. Nhưng vì gánh lấy việc binh dân nặng nề, công việc xếp đặt rất bề bộn: sự làm đúng hay sai quan hệ không phải là nhỏ. Nên suốt ngày quả đức không dám rời ra một bước. Đã không thể thân hành tới cửa tiên sinh mà đón, quả đức rất lấy làm ân hận. Điều ấy không phải là dối, bày đặt ra đâu. Mong phu tử lấy đạo rộng lượng xét cho thì may lắm.
Vả chăng quả đức sinh ở chỗ hẻo lánh, học ở sự nghe trông. Gặp thời thế này, bấc đắc dĩ phải khởi binh. Những người giúp việc trong nhất thời đều là kẻ chiến đấu mạnh bạo. Trong lúc dùng quân không thể không xâm chiếm, tàn phá. Đạo trị dân đại để có nhiều điều làm cứng cỏi và phiền nhiễu. Tuy là tội ở những người ấy, nhưng kỳ thật là vì giúp việc chưa ai. Ấy là tội quả đức chưa biết cầu hiền để giúp đỡ.
Kẻ danh thế thỉnh thoảng ra đời. Quả đức hằng nghĩ và mơ tưởng đến. Trong mười lăm năm đến bây giờ, chưa hề phút nào dám quên. Không ngờ nay, trông lên thành Lục niên có người tài đang ở đó. Ấy là Trời để dành phu tử cho quả đức vậy. Tuy phu tử không thèm tới, nhưng lòng dân đen trông ngóng. Phu tử nỡ ngơ lãng được sao? Lòng cầu hiền, quả đức há dám sinh bụng đầu siêng sau lãng đâu.
Nay riêng sai... kính cẩn mang thư lại đón. Mong phu tử soi xét đến tấm lòng thành, vụt dậy mà đổi bụng, lấy lòng vì Nghiêu Thuấn quân dân mà dạy bảo, giúp đỡ. Quả đức xin im nghe lời dạy bảo, khiến cho quả đức thỏa được lòng ao ước tìm thầy, và đời này được nhờ khuôn phép của kẻ tiên giáo. Thế thì may lắm lắm. Nay kính thư.
Thái đức năm thứ mười, tháng chín, ngày..." (1787) (2)
Trần Văn Kỷ đọc lại bản phác thảo một lần nữa, chữa lại các chữ không được rõ, xóa các chữ không được trang nhã. Ông tạm bằng lòng với bản nháp, lòng pha trộn lẫn lộn nào kiêu hãnh, nào phân vân. Lúc đó, Chính Bình vương đang to tiếng với Thuyên quang hầu:
- ...Này, ta nhắc lại cho ông nhớ một lần nữa, là từ nay về sau đừng quấy rầy ta về những chuyện lăng nhăng như thế. Bên bộ Hình các ông hết việc rồi chăng? Bọn con cháu họ Nguyễn đã thôi xúi giục dân Thuận Hóa trốn lính chưa? Các chùa chiền đã hết giấu chuông chưa? Bọn cướp của giết người đã hết quấy phá xóm làng chưa? Ngay ở kinh thành này, bọn bội phản nhị tâm còn bao nhiêu người? Ông trả lời đi!
Hồ Công Thuyên cúi đầu im lặng.
Nguyễn Huệ tiếp:
- Các ông lánh việc nặng, tìm việc nhẹ, nên chuyên bươi móc những cái lặt vặt để hại nhau. Hay chỉ vì chia chác không đều mà sinh chuyện?
Hồ Công Thuyên run run đáp:
- Bẩm Vương thượng, tôi cũng thấy chuyện này không quan trọng đến nỗi phải tâu lên làm rầy Vương thượng. ở Tàu vụ không có việc này thì việc kia. Đáng lẽ bộ Hình giải quyết được rồi. Nhưng ông Bùi Đắc Tuyên khuyên tôi nên tâu cho Vương thượng để đề phòng. Ngoài vụ rắc rối ở Tàu vụ, hắn còn lem nhem với các ghe buôn gạo nữa. Mới tháng trước đây...
Chính Bình vương mất kiên nhẫn, giọng thêm gắt gỏng:
- Nếu ông tiếp tục làm việc theo kiểu này, sẽ đến lúc vợ chồng người ta ghen tuông đập vỡ một cái chén cũng kéo nhau đến xin gặp quan thượng thư bộ Hình. Thôi, ông đem mớ giấy tờ này về. Ông có thể lui được đấy.
Chợt thấy Trần Văn Kỷ tiến về phía mình, Nguyễn Huệ vội chữa:
- Không. Ông rảnh quá thì ta giao việc cho ông làm đây. Xong rồi chưa quan Trung thư? Cho ta xem nào. Dài nhỉ. à này, quan Hình bộ chịu khó ra ngoài tiền sảnh đợi ta một chút.
Chờ cho Hồ Công Thuyên ra khỏi, Chính Bình vương mới hỏi Trần Văn Kỷ:
- Chuyến này giao cho Thuyên quang hầu cầm thư ra Nghệ An, được không?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Lần trước, giao việc cho Danh phương hầu và Giác lý hầu. Một vị là lưu thủ, một vị là thị lang. Lần này cử một quan thượng thư đi, tất nhiên La sơn phu tử phải thấy rõ nhiệt tâm thiện chí của ta. Chỉ sợ Thuyên quang hầu đa đoan công việc.
Nguyễn Huệ không đáp, cúi xuống chăm chú đọc thư. Đọc một lúc, Nguyễn Huệ ngước lên hỏi:
- "Những tăng lòng cảm thấy vận hội năm trăm năm trước, năm trăm năm sau sắp tới nơi". Nghĩa lý thế nào?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Bẩm do câu: "Sông Hoàng hà cứ năm trăm năm nước lại trong một lần. Lúc ấy trong nước có thánh nhân sinh ra".
Chính Bình vương gật gù, rồi chăm chú đọc tiếp. Trần Văn Kỷ hồi hộp thấy nét mặt Nguyễn Huệ đăm chiêu, hai lông mày nhíu lại như khó chịu, rồi băn khoăn. Vương định nói gì đó, nhưng đổi ý, tiếp tục đọc xuống đoạn dưới. Nét mặt vương tươi dần, gật gù, tỏ vẻ khoái chí. Đột nhiên Nguyễn Huệ đập tay xuống mặt sập, hớn hở nói:
- Hay lắm. Ông lão đã kể ba lẽ không ra, nay ta gán cho ba lẽ khác mà ông lão không thể nhận. Giọng thư vừa thành thực để cảm động được lòng ông lão, vừa mỉa mai để ông lão phân vân. Ta cố ý làm sao cho ông lão núng lòng, trả lời không được. Gán cho ông lão ba lẽ mà ông lão phải chối, mà chối những lẽ ấy, tức là phải nhận ra hợp tác với ta là lẽ phải. (3)
Nguyễn Huệ đọc lại một lần nữa, lâu lâu mỉm cười liếc về phía Trần Văn Kỷ để tỏ lòng hân hoan, khen ngợi. Đột nhiên, Nguyễn Huệ mím môi suy nghĩ, rồi ngước lên hỏi:
- "Anh em quả đức, nguyên chỉ trơ trọi là những người áo vải, chân đất nổi lên ở phương Tây". Ông thấy đã chỉnh chưa? "Áo vải, chân đất" đó là chúng tôi tự hãnh diện mà xưng vậy, chứ đối với sĩ phu Bắc Hà, họ thầm nghĩ anh em chúng tôi là một tụi mán mọi, một tụi ấp trưởng. Không nên né tránh, quan Trung thư ạ. Cứ viết thẳng thừng những gì họ nghĩ. Chữa lại đi. "Anh em quả đức nguyên chỉ trơ trọi là một tụi ấp trưởng nổi lên ở phương Tây". Cứ viết như vậy đi! Còn phần cuối thì điền tên quan thượng thư bộ Hình Thuyên quang hầu vào. Ngày tháng đề ngày hôm nay. Mười ba rồi phải không. Vâng, đề ngay hôm nay. Ông cho chép lại gấp đi, sẵn tiện ông báo cho Thuyên quang hầu biết, để sứ bộ khởi hành ngay sáng mai.
*
* *
Hồ Công Thuyên ngồi chờ trên cái ghế gỗ đặt sát bức tường ván đánh bóng của tiền sãnh, lòng thắc thỏm không yên. Thấy tên lính hầu lâu lâu liếc về phía mình, quan thượng thư ngồi ngay người trên ghế để giữ thể diện, hai bàn tay đặt lên đầu gối, mắt nhìn thẳng tới trước. Nhưng chẳng bao lâu, quan thượng thư quên hẳn việc giữ thể diện, ngồi chồm hẳn về phía cửa vào văn phòng Chính Bình vương, bàn tay vo nhàu cả vạt áo triều. Quan Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ đi ra, nhìn về phía Hồ Công Thuyên mỉm cười. Quan Thượng thư hơi yên tâm, đã định chạy lại hỏi chuyện nhưng cuối cùng đã dằn lại được, cố ngồi yên tại chỗ đợi Trần Văn Kỷ tới.
Trần Văn Kỷ đến ngồi trên chiếc ghế sát cạnh Thuyên, vui vẻ bảo:
- Ngày mai ông phải đi sớm đấy.
Thuyên giật mình, giọng hỏi hơi run:
- Vào Qui Nhơn hay Gia Định?
Trần Văn Kỷ cười nhẹ:
- Không. Ra Nghệ An!
- Sao lại ra Nghệ?
- Ông cầm đầu sứ bộ đi cầu hiền. La sơn phu tử ở Nguyệt ao, chắc ông đã nghe Giác lý hầu Lê Tài nói chuyện rồi chứ gì?
Quan thượng thư thành thật nói:
- Dạ không. Gần đây bộ Binh với bộ Hình có nhiều chuyện hiểu lầm. Mấy cái vụ khép án các tùy tướng của quan đô đốc Tuyết trong chuyện trưng binh, ngài biết rồi chứ.
Trần Văn Kỷ không biết gì cả, nhưng không muốn cà kê, vội đáp:
- Biết. Tôi cũng đang lo âu, nên hạ thấp giọng hỏi Trần Văn Kỷ:
- Chỗ thân tình, xin hỏi riêng ngài điều này, ngài đừng phiền nhé.
Trần Văn Kỷ xua tay nói:
- Không đâu. Giữa tôi với ông... Có gì, ông cứ nói.
Hồ Công Thuyên ghé sát tai Trần Văn Kỷ, hỏi thầm:
- Thời hàn vi, Vương thượng có mắc ân nghĩa gì với ông Lợi không?
Trần Văn Kỷ vội hỏi:
- Lợi nào?
- Lợi làm bên bộ Hộ ấy. Cái anh lanh lẹ thường ra vào phủ nhiều lần lắm. Tôi có nghe nhiều người kháo nhau là chị vợ anh ta trước đây là...
- À, tôi biết rồi. Đúng. Anh ta giúp việc cho nhà vua từ lúc gia đình còn buôn trầu ở Tây Sơn. Chị vợ anh ta, bà An đấy mà, vâng, chị vợ anh ta... cũng đúng như thiên hạ đồn. Nhưng có chuyện gì vậy?
Hồ Công Thuyên hơi ngả người về phía sau, giọng giải bày đượm vẻ thành khẩn, chua xót:
- Ngài tính, anh ta lanh quá, nên đơn khiếu tố anh ta lên cả chồng cao thế này này. Nhất là Tàu vụ trong cửa Hội, và bọn lái buôn giữa Hội An với kinh đô. Bên bộ Hộ cũng có nhiều thư nặc danh tố cáo anh ta đủ điều. Tôi có nghe phong thanh liên hệ giữa anh ta và gia đình... và hoàng gia, nên làm ngơ. Nhưng Ông Tuyên (Bùi Đắc Tuyên) cứ thúc giục tôi, bảo phải báo động lên Vương thượng. Ông Tuyên là người nhà của Vương thượng, nên tôi mạnh dạn. Ai ngờ...
Trần Văn Kỷ hiểu hết chuyện, cười xòa, vỗ vai Thuyên an ủi:
- Thôi, chờ lúc khác đi. Hiện giờ Vương thượng bận biết bao nhiêu việc, mà việc nào cũng là việc sinh tử cả. Ông gắng thành công chuyến này, mọi sự khác tất dễ dàng.
Hồ Công Thuyên thắc mắc:
- Nhưng... việc gì phải cầu khẩn ông già điên ấy thế? Ông ta có phép thần thông, hay là có thuật trường sinh?
Nói xong, Thuyên mới biết mình nói hớ. Trần Văn Kỷ nghiêm mặt đáp:
- Ông không hiểu hết việc lớn đâu. Chốc nữa, khoảng xế ông lại đằng tôi để nhận thư và lễ vật. Người tháp tùng thì tùy ông chọn. Tôi còn phải lo cho xong nhiều việc khác. Ông về nhé. Nhớ xế chiều đấy.
(1) Trích trong La sơn phu tử. Hoàng Xuân Hãn, trang 103, 104
(2) La sơn phu tử. Hoàng Xuân Hãn, trang 105, 106, 107.
(3) Theo ý của Hoàng Xuân Hãn trong La sơn phu tử, trang 107.