Sau lễ an táng Phạm Ngạn khoảng năm ngày, vua Thái Đức mới tiếp Long Nhương tướng quân. Nét mặt nhà vua còn nguyên nét ủ rũ, buồn phiền do cái chết của viên Hộ giá thân tín. Nguyễn Huệ thấy trước cuộc bàn cãi sẽ rất gay go, nhưng sự xáo trộn ngoài phố phường do cuộc tàn sát Hoa kiều cần phải chấm dứt ngay, không chờ đợi được nữa. Do đó, dù nhà vua uể oải không muốn bắt chuyện, Nguyễn Huệ cũng nói:
- Mấy hôm nay tụi đầu trộm đuôi cướp hoành hành phá phách khắp nơi. Muốn cướp của nhà nào, chúng nó vu cho người ta cái tội có liên lạc buôn bán với Hoa kiều. Chúng còn ăn cướp ngay giữa chợ búa. Hoặc chúng giả làm lính Tây Sơn. Hoặc chúng hô hoán món hàng chúng lấy đi là hàng Tàu. Người dân lương thiện chỉ biết gạt nước mắt lẳng lặng chịu thiệt thòi vì không ai dám can thiệp vào cái gì có mùi Tàu.
Vua Thái Đức đăm đăm nhìn em, chưa hiểu tại sao Nguyễn Huệ dài dòng kể lể những chuyện đó cho mình nghe. Giọng nhà vua vẫn còn đầy phẫn nộ:
- Chú nói cái gì? Mùi Tàu à? Phải. Chúng nó toa rập giúp đỡ tiền bạc vũ khí cho thằng Chủng, thì bây giờ phải đền tội. Từ Lý Tài cho đến Trần Phượng, bây giờ lại thêm Trần Công Chương. Luật đời có vay có trả. Mùi Tàu! Thối lắm, ai dây dưa vào đó dĩ nhiên phải mang họa.
Nguyễn Huệ thấy nhà vua chưa nguôi giận, đâm ra do dự. Nhưng không nói lúc này thì chờ đến lúc nào? Huệ đằng hắng lấy bạo, nói tiếp:
- Tin tức ở đây lan nhanh khắp nơi. Những nơi có người Tàu ở đều rúng động. Một số khá đông lén lút dùng thuyền trốn đi. Các phố buôn bán đều tiêu điều. Nguy hiểm nhất là việc giao thông. Lâu nay các chủ ghe thuyền, các vựa buôn bán đồ nông phẩm, cá mắm, hoa quả đều là người Tàu. Kể cả các cửa hàng tạp hóa ở các nơi hẻo lánh cũng do người Tàu làm chủ. Hiện nay, việc giao thông, buôn bán ở Gia Định bị tê liệt, trong khi cảnh cướp bóc gia tăng.
Nhà vua không giữ bình tĩnh được nữa, quát lên:
- Chú con cà con kê như thế để làm gì? Chú hạch tội ta đấy phải không?
Nguyễn Huệ vội đáp:
- Em đâu dám vậy. Nhưng tình trạng này không thể kéo dài thêm nữa. Phải xuống chiếu trấn an người Tàu và ra lệnh chấm dứt ngay các vụ vu cáo để cướp bóc. Nếu cần đem vài tên trộm cướp ra xử chém bêu đầu ở các chợ. Nếu chúng ta còn muốn giữ đất Gia Định lâu dài, nếu chúng ta muốn diệt cho tuyệt nọc ý đồ khôi phục của Nguyễn Ánh, thì không nên đẩy đa số người Tàu ở đây vào chỗ tuyệt lộ, phải chạy theo tìm ẩn nấp về phía Nguyễn Ánh. Vụ cửa Hội mấy năm trước, chắc anh còn nhớ!
Nhà vua bắt đầu nhận thấy Nguyễn Huệ có lý. Nhưng thi thể đẫm máu của viên Hộ giá vẫn còn chập chờn trước mắt nhà vua. Phân vân giữa thù hận và lẽ phải, nhà vua phát tay bảo em:
- Chú thấy cần làm cái gì, cứ làm đi. Mấy hôm nay anh không được khỏe. Có tin gì thêm về tên Chủng không?
- Hắn đã trốn về lại Giồng Lữ cùng với bọn Trần Xuân Trạch, Nguyễn Kim Phẩm. Có thêm hai phụ tá...
Nguyễn Huệ định nói: "có thêm hai phụ tá người Tàu là Thống binh Hạp và Thống binh Kính", nhưng kịp nghĩ lại, ông ngưng đúng lúc. Nhà vua không chú ý điều khác thường, lơ đễnh hỏi:
- Chú đã sai ai đi đánh chúng nó chưa?
- Dạ đã cử Đô đốc Học đem hơn một trăm chiến thuyền về Giồng Lữ rồi.
Vua Thái Đức uể oải đứng dậy, dặn em lần cuối:
- Thôi, được rồi. Việc kia, chú cứ tùy ý thấy điều gì cần làm để chiêu an thì làm.
*
* *
Lãng không phải là kẻ mù quáng, ngây thơ đến nỗi không hiểu những lời cảnh cáo nghiêm khắc nhưng thành thực của Huệ.
Bắt đầu từ đấy anh ghi nhật ký chiến dịch theo lối biên niên nhát gừng, đại loại như sau (dịch nôm):
Ngày... tháng Tư năm Nhâm tuất (1782)
Đô đốc Nguyễn Học nhận lệnh truy kích tàn quân Nguyễn Ánh ở Giồng Lữ, bị thua. Đô đốc Học tử trận, mất hơn tám mươi thuyền.
Ngày... tháng Tư năm Nhâm tuất (1782)
Hoàng thượng hạ chiếu chiêu an, kết tội bọn tay chân xấu xa của Ánh đã nhân lúc hỗn loạn tàn sát Hoa kiều để cướp của cải và gây chia rẽ giữa người Nam và khách trú, giữa dân Gia Định và quân Tây Sơn. Chiếu cũng đe dọa trừng trị nghiêm khắc những tên lưu manh gây rối và bọn phao tin đồn nhảm.
Ngày... tháng Tư năm Nhâm tuất (1782)
Chém bêu đầu những tên cướp của, phá phách các phố Hoa kiều ở khắp các chợ chính như: chợ Bến Sỏi, Chợ Điều Khiển, chợ Nguyễn Thực, chợ Thị Nghè, chợ Tân Kiểng, chợ Sài Côn... Tình hình chung đã yên tịnh, nhưng ghe thuyền cặp bến còn thưa thớt. Thiếu tôm cá vì không ai dám đánh lưới, vả lại đến nay thiên hạ vẫn còn ngại tôm cá rỉa xác chết, không ai dám mua.
Ngày... tháng Tư năm Nhâm tuất (1782)
Có tin Ánh táo tợn kéo quân về dàn trận ngay sông Ngã Tư. Nguyễn Huỳnh Đức làm tiên phong, Nguyễn Phúc Cốc làm trung quân, Trần Xuân Đàm, Nguyễn Kim Phẩm làm hộ giá.
Long Nhương Tướng quân biết Ánh đã chọn chỗ có nhiều lợi thế để dọn sẵn chiến trường, nếu kéo quân đến tất gặp nhiều bất lợi. Nhưng tướng quân vẫn quyết định đánh. Áp dụng phương cách bối thủy (dàn binh xoay lưng ra sông để chỉ có tiến chứ không thể lùi) của Hoài Âm hầu (Hàn Tín), Long Nhương Tướng quân đã đánh tan thế trận của Ánh. Ánh phải chạy về Bến Lức. Quân ta truy kích đuổi hắn chạy về Hậu Giang. Tin cuối cùng nhận được cho biết Ánh đã trốn về Rạch Giá.
Lãng cũng nhận được những tin xáo trộn xảy ra ở khắp nơi, từ Cần Thơ, Long Hồ, Định Tường, cù lao Phố, Hà Tiên dồn dập báo về. Tinh thần bài ngoại, cộng thêm với lòng ganh tị và hận thù tích lũy một khi đã bộc phát thì không dễ gì dập tắt. Đâu đâu cũng xẩy ra những vụ cướp phá các phố khách, trước hết do những kẻ vong mạng và những tên cơ hội, sau đó đến lượt các nông dân cùng khổ từ lâu phải bán lúa non và mua hàng đắt giá của các con buôn Hoa kiều. Nghiêm lệnh của vua Thái Đức chỉ giới hạn các vụ cướp phá ấy, chứ không trừ hẳn được không khí khủng bố căng thẳng bao phủ khắp các bến ghe, phố xá, chợ búa, làm đình trệ việc mua bán và giao thông. Hàng hóa, lương thực, thực phẩm bắt đầu khan hiếm. Lãng có thể ghi chép những điều ấy không?
Anh đọc lại những lời ghi chép mà Long Nhương Tướng quân đã đọc, đã nghiêm khắc cảnh cáo. Lãng đủ khôn ngoan để nhận thức sự nguy hiểm có thể xẩy đến cho mình, nếu anh giữ lại các trang ghi chú ấy. Anh phải xé bỏ ngay! Nhưng để thay thế vào các trang trống, anh phải ghi những gì? Ghi rằng chính bọn tay chân Nguyễn Ánh đã tàn sát mấy nghìn Hoa kiều ở Sài Côn ư? Giấy mực bút nghiên vô tri, nhưng cũng có hồn để nghiêm khắc phê phán anh. Chép thay vào đó y nguyên bài chiếu của nhà vua ư? Lãng ôm đầu không biết phải làm gì, anh quyết định không ghi gì cả.
*
* *
Lãng không thể che giấu cơn khủng hoảng nội tâm với Long Nhương Tướng quân. Đôi mắt sắc sảo của Nguyễn Huệ xuyên thấu được tâm can anh. Tuy nhiên, cả hai người đều lơ lửng giữa tình bạn bè thân thiết và tôn ti phải có của thuộc hạ đối với cấp chỉ huy, nên quan hệ giao tiếp của họ trở nên ngượng ngập, phức tạp. Họ cùng hối tiếc những giây phút được thẳng thắn nói cho nhau nghe những gì đang nghĩ, bất chấp khác biệt về tâm tính và địa vị. Cho nên họ tránh chạm mặt nhau, nếu phải gặp mặt thì tránh nói chuyện thẳng với nhau.
Sau khi tình thế đã khá ổn định, Lãng xin Huệ cho phép được xuống Cần Thơ để bốc mộ Chinh. Huệ tưởng ý định ấy chỉ là một chuyện nông nổi nhất thời, Lãng nói chỉ để biểu lộ tình ruột thịt thiêng liêng hơn là chuyện cần thiết phải làm cho bằng được, với bất cứ giá nào. Cho nên lúc nghe Lãng nhắc lại lời yêu cầu, Huệ cứ nhìn chằm chằm vào mắt Lãng, không tin ở tai mình. Long Nhương Tướng quân hỏi:
- Cậu muốn đi thật à?
Lãng vội đáp:
- Thưa tướng quân, tôi đã hứa với gia đình là sẽ cố hốt cốt của anh Chinh đem về cải táng tại quê nhà (Lãng tự nhiên cảm thấy lối xưng hô cũ không còn thích hợp nữa, bắt đầu xưng tôi với Huệ).
- Nhưng đâu mới thực là quê nhà của gia đình Lãng?
Lãng bối rối không biết trả lời thế nào. Thấy Lãng lúng túng Huệ nói tiếp:
- Ta nhớ có lần đã bảo cậu là đừng nên làm cho đời sống thêm rắc rối. Sống gửi thác về. Chỗ đất nào chẳng là quê nhà của những người đã khuất.
Lãng đã tìm ra cái lý để chống chế:
- Nhưng được yên nghỉ ở gần anh em bà con, được thường xuyên hương khói vẫn đỡ tủi hơn là nằm khuất lấp ở chỗ gò đống đầy cỏ dại. Nếu để anh ấy trong này, chẳng bao lâu không ai còn có thể tìm ra dấu tích nữa. Huống chi mộ anh ấy lại nằm bên bờ rạch.
Nguyễn Huệ không nói gì thêm, nét mặt dàu dàu không vui. Lãng e ngại vội nói:
- Nếu tướng quân thấy không cần thiết, thì...
Nguyễn Huệ vội cắt lời Lãng:
- Không. Cậu cứ đi Cần Thơ. Ngày mai có đoàn thuyền đi Long Hồ tăng cường quân trấn thủ cho Đô đốc Loan. Cậu xin theo họ càng tiện. Đến Long hồ gặp Đô đốc Loan để tìm phương tiện qua Cần Thơ. Ta sẽ viết cho Đô đốc Loan vài lời.
Lãng cảm động, lí nhí nói:
- Cảm ơn tướng quân.
Huệ chớp chớp mắt, lặng lẽ nhìn Lãng. Một lúc sau, Huệ hỏi:
- Cậu có buồn ta điều gì không?
Lãng vội đáp:
- Dạ không. Tướng quân có làm điều gì khiến tôi buồn đâu.
Huệ không tin, đáp lại:
- Có, chắc chắn có.
Lãng nói:
- Chỉ tại tôi làm phức tạp thêm cho đời sống đấy thôi.
- Cậu thành thực nghĩ như vậy chứ?
Lãng không muốn dối lòng, nên đáp:
- Vâng. Nhưng tôi vẫn tin đời sống phức tạp ấy mới đúng là đời sống. Không có gì đơn giản cả.
Nghe giọng nói cương quyết và đôi mắt long lanh của viên thư ký, Nguyễn Huệ biết không thể tranh luận cho rốt ráo ngay bây giờ. Ông cười nhẹ rồi bảo:
- Để lúc khác chúng ta sẽ tranh luận. Lãng sắp xếp chuẩn bị để mai lên đường. Tình hình chưa hoàn toàn yên ổn, phải cẩn thận lắm đấy!
*
* *
Sau khi Phạm Ngạn chết, công việc của Lợi càng thêm nặng. Việc kiểm kho, vận chuyển thu góp lương thực, do thiếu ghe thuyền vốn đã khó khăn. Nếu mọi sự bình thường như năm 1776 thì Lợi đã xin lệnh trưng dụng các ghe chài để chở thóc kho từ các dinh Cần Thơ, Long Hồ, Trấn Biên... về Gia Định dễ dàng. Nhưng sau cuộc tàn sát Hoa kiều, ghe thuyền mất bóng trên các sông rạch. Thuyền chiến chỉ được dùng vào việc hành quân lúc đó còn rất phức tạp và cấp bách. ở vị trí của Phạm Ngạn (viên hộ giá ai cũng biết là rất thân tín của vua Thái Đức), việc điều động thuyền chiến đi vận lương kể ra không quá khó khăn. Lợi là một cấp thừa hành lại chịu trách nhiệm lớn, dĩ nhiên khó khăn phải tăng gấp bội.
Nhưng Lợi vượt qua được hết mọi trở ngại, bằng sự khôn khéo của mình. Vừa giải quyết tạm ổn việc chuyển lương, xáo trộn do cuộc tàn sát Hoa kiều ập đến. Nhiều nhà cửa, kho hàng chủ đã bị giết, hoặc đã nhanh chân bỏ trốn. Hàng hóa, nhất là hàng xa xí phẩm nhãn hiệu Tàu bị vất bừa bãi khắp đường. Quản lý của cải vô chủ trở thành một công tác cấp bách, hết sức phức tạp, hết sức nguy hiểm. Không thể nào tránh được các vụ thất thoát, cất giấu các món quý giá đem về làm của riêng. Không biết thế nào là thiếu, mà cũng không biết thế nào là đủ. Lệnh trên ban xuống là phải thu góp tất cả tài sản vô chủ, không được cho lọt vào tay bọn vô lại và kẻ tham lam, thu góp thứ gì phải có sổ sách ghi chép phân minh, thứ nào xếp theo thứ đó, chờ xử lý của nhà vua.
Muốn thi hành cho đúng lệnh, cần phải có một đội ký lục đông đảo thạo việc và tuyệt đối liêm khiết. Thời bình tìm cho ra số người ấy còn khó huống chi thời loạn. Và lạ lùng thay, Lợi vẫn vượt qua được cuộc thử thách!
Ba năm mang gông đã giúp cho Lợi những kinh nghiệm quý báu. Trước cuộc thử thách quyết định cả tương lai của đời anh, Lợi tự buộc mình đổi tính. Không ba hoa lắm lời, Lợi lặng lẽ, kín đáo, âm thầm lo liệu công việc của mình. Lợi cũng cố biến mình thành tấm gương của liêm khiết. Bánh trái hoa quả quý lạ mang từ bên Tàu sang, rượu trà hảo hạng ê hề, chất đống, nhưng tuyệt đối Lợi không chạm đến. Anh chỉ ăn khẩu phần dành cho mình, dùng cái bát sành đã mẻ để uống thứ trà dở quân lính vẫn quen uống. Những người làm việc với Lợi lấm lét nhìn Lợi để cố đoán trong lòng Lợi nghĩ gì, muốn gì. Họ không đoán ra. Họ chỉ thấy sau một ngày làm việc cực nhọc, đóng cửa kho lại, Lợi ngồi rung đùi, lâu lâu mỉm cười một mình: Lợi đang ngây ngất vì một niềm hoan lạc còn lớn hơn cả sự chiếm hữu vàng bạc, của cải. Anh cười khoái trá vì kẻ đã đẩy anh đến cửa ngục, buộc anh mang gông suốt mấy năm đằng đẵng đã bị chết chém dưới lưỡi gươm Hòa nghĩa. Lợi thầm nghĩ, đúng là trời cao có mắt!
*
* *
Lãng từ Cần Thơ về mang tin Nguyễn Ánh đã trốn ra đảo Phú Quốc. Vua Thái Đức nhận tin vui với một nụ cười chua chát trên môi. Cuộc tấn công Gia Định lần này có quá nhiều chuyện đáng buồn: quân số hao hụt trầm trọng qua hai trận ác liệt ở sông Ngã Bảy và sông Ngã Tư, cái chết bi thảm của Phạm Ngạn, cảnh thây chất đống trên các phố xá Gia Định, không khí u ám và oi bức của những chiều ảm đạm, sức khỏe giảm sút của nhà vua... Gần như vua Thái Đức không còn thiết gì nữa. Cho nên khi Long Nhương Tướng quân tính đến kế hoạch tổ chức hành chánh và bố phòng lâu dài ở Gia Định, nhà vua gạt đi. Nguyễn Huệ ngỡ ngàng hỏi anh:
- Thế khi đại binh ta rút về, Gia Định được giao cho ai trấn giữ?
Nhà vua đáp bằng giọng mệt nhọc:
- Ai chẳng được. Tên Chủng còn có manh giáp nào đâu mà sợ! Cứ giao cho tên tướng Đông sơn đã quy hàng chúng ta đó. Hắn tên gì?
- Dạ tên Đỗ Nhàn Trập. Nhưng tin hắn sao được!
Nhà vua cười nhẹ, bảo em:
- Tại sao không tin được. Hắn là tướng Đông sơn, tức là tay chân của Đỗ Thành Nhân. Tên Chủng giết Đỗ Thành Nhân, trở thành kẻ thù của hắn rồi. Bây giờ quân Đông sơn lại giết Tống Phước Thiêm cánh tay phải của Chủng, thì Chủng cũng xem hắn là kẻ thù. Hắn còn đường nào khác, ngoài con đường theo về Qui Nhơn.
Nguyễn Huệ vẫn còn thắc mắc, hỏi thêm:
- Vậy ta giao cho hắn bao nhiêu quân?
Nhà vua suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Không quá ít để đủ chống lại đám tàn quân của tên Chủng, cũng không quá nhiều để hắn nổi lòng tham, tự lập thành một cơ đồ riêng biệt. Chú cho hắn hai nghìn quân.
- Hai nghìn thì không đủ. Tuy Nguyễn Ánh bị đại bại, nhưng thế lực của hắn trong dân chúng vẫn còn lớn. Hắn lại được Hoa kiều và bọn cố đạo giúp đỡ tận tình. Ta về Qui Nhơn xong chắc chắn hắn lại trở vào đất liền qui tụ bọn tàn binh tiến lên uy hiếp Long Hồ, Gia Định.
Giọng nhà vua trở nên gay gắt:
- Thế ba nghìn có đủ không? Bấy nhiêu quân mà chưa đủ, thì hắn là tên bất tài, đáng bị Chủng nó chém cho một nhát. Để hộ bộ Bá ở lại với tên Trập, cho hai bên vừa giúp đỡ vừa kiềm chế lẫn nhau. Chú chuẩn bị mọi việc thế nào để đầu tháng năm ta rút quân về.
Nguyễn Huệ muốn yêu cầu anh xét lại chính sách đối với Gia Định, nhưng nhìn dáng ngồi uể oải, nét mặt buồn hiu của nhà vua, ông biết có nói cũng vô ích. Ông thở dài, rồi xin phép được về trại.
Lãng lên gặp ông, kể tỉ mỉ cuộc hành trình đến Cần Thơ, cho ông biết thêm ảnh hưởng tai hại của vụ tàn sát Hoa kiều đối với vùng đồng bằng miền tây. Nghe xong, Nguyễn Huệ thở dài, bảo:
- Như vậy là hằng năm ta phải kéo quân vào đây rồi!
Lãng chưa hiểu, nên hỏi:
- Vì sao thế? thưa tướng quân!
Nguyễn Huệ lớn giọng nói:
- Vì ta vào đây chỉ trồng những thứ cây đã ngắt rễ. Ta không bám được vào đất, làm sao sống nổi quá vài tháng. Để rồi cậu xem, về tới Qui Nhơn, chắc chắn ta lại được tin cấp báo Nguyễn Ánh đã mon men về tới Long Hồ hay Ba Giồng. Biết đâu chính Đỗ Nhàn Trập chạy về mang theo tin đó! Rồi không muốn bàn tiếp đến một điều không vui, Nguyễn Huệ xoay câu chuyện hỏi Lãng:
- Vụ hài cốt thế nào?
Lãng đỏ mặt như một người phạm tội, đáp:
- Dạ tôi đã mang về đây.
Huệ ân cần hỏi:
- Cốt còn tốt không?
- Dạ đã bị mục nhiều. Chỗ đó bị úng thủy.
Nguyễn Huệ ân cần căn dặn:
- Cậu cẩn thận. Dân đi biển rất kỵ mang hài cốt lên thuyền. Cậu phải giấu cho thật kỹ, không lại sinh chuyện.