Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> SÔNG CÔN MÙA LŨ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 114473 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SÔNG CÔN MÙA LŨ
Nguyễn Mộng Giác

Chương 58

Đạo thủy quân vừa oanh liệt chiến thắng quân Xiêm cập bến Thị Nại vào buổi trưa. Trời nắng như đổ lửa. Bãi cát bốc hơi rong tanh, nồng, và khét. Bao nhiêu ngày bị sóng biển nhồi xóc cộng thêm cái nóng khô người trên bãi khiến tất cả mọi người đều ngây ngây say. Quân lính không giữ được hàng ngũ trật tự, mạnh người nào người ấy đi tìm chỗ núp nắng và xin nước uống. Đạo quân khải hoàn quần áo xốc xếch, mặt mũi nhem nhuốc, trông ô hợp thất thểu chẳng khác nào một đám tàn binh.
Đã thế cảnh tiếp đón trên bờ càng khiến cho tinh thần quân sĩ dao động. Gần như chỉ có đám con nít da sạm nắng tóc hoe con nhà chài lưới và bọn hiếu kỳ chờ đón họ. Các chức sắc ở cửa Thị Nại, không thấy ai! Lạ lùng hơn nữa, là người ta đang vội vã dỡ bỏ những cổng chào dành đón những người chiến thắng. Không ai hiểu căn do của những điều lạ kỳ ấy, người mới về tìm hỏi người dân chài, dân chài lại ngơ ngác hỏi người mới về. Những người lính trẻ khỏe mạnh không bị say sóng và say nắng chạy đi hỏi mấy người đứng tuổi đang hạ những cột khải hoàn môn:
- Sao lại dỡ bỏ đi hở bác?
Họ được trả lời:
- Không biết. Mới có lệnh hồi sáng sớm. Quan trên hẹn đến trưa thì phải gỡ xong. Nhưng, các anh tính, chúng tôi chỉ có mấy người! Tụi trai tráng vạn chài đi lưới từ khuya, còn được ai bắt người nấy cũng chỉ được một nhúm. Này, lại đây tôi hỏi nhỏ chút việc: Trận này chắc thiệt nhiều lắm hả?
- Ai bảo bác thế?
- Lại còn giấu. Đánh nhau, thắng bại là lẽ thường. Chỉ trông qua hình dạng các anh, đủ biết hết!
- Nhưng biết cái gì mới được chứ?
- Cái gì nữa! Các chú bị đánh cho tan tác, lếch thếch thất thểu trở về đây chứ gì. Chẳng thế quan trên lại ra lệnh dỡ hết các cổng chào. Phải nọc mấy tên phu trạm mang tin thất thiệt! Báo hại dân làng bỏ công bỏ của dựng cổng chào, bây giờ lại vội vàng phá hết. Nhưng này, các chú trở về còn đông đấy chứ! Chẳng biết thằng con bà hai Cua sau nhà tôi có về được không!
Một chú lính láu táu đáp:
- Cháu biết anh ta, bác ạ. Con bà hai Cua chết rồi. Chỉ có con bà hai Còng thoát tay quân Xiêm trở về thôi.
Rồi anh ta trỏ người bạn đứng bên cạnh, cười bảo:
- Hắn đây này. Con bà hai Còng đấy!
Mấy người dân chài biết đám lính trẻ chế giễu mình, nên nghiêm mặt lại. Một anh lính lớn tuổi nhất thấy các bạn đùa quá trớn, vội nói:
- Ở nhà nhận tin sai đấy, bác. Chúng tôi giã cho quân Xiêm một trận chí tử. Anh em chúng tôi trở về gần đông đủ cả. Chẳng hiểu tại sao...
Anh lính ngưng nói vì có tiếng chiêng thu quân. Các nhóm lính nằm ngồi rải rác dưới các bóng cây vội chạy đến chỗ tập trung. Vài người vừa chạy vừa đưa khăn ướt lên lau mặt và cổ, hoặc tiếp tục cắn vội miếng dưa, miếng thơm. Họ đã bớt say nắng, nên dáng điệu nhanh nhẹn, khỏe mạnh hơn.
Mấy bác dân chài ngơ ngác nhìn nhau. Họ vẫn chưa hiểu đạo quân vào Nam diệt quân xâm lăng Xiêm thắng hay bại. Họ hỏi nhau:
- Thế là thế nào?
- Thế nào nữa! Thua liểng xiểng mười phần rồi!
- Không thua, tại sao quan trên ra lệnh dẹp bỏ cổng chào đi!
- Nhưng bọn trẻ này nói dối làm gì!
- Lỡ thua, mất mặt thì phải dối chứ!
- Chẳng lẽ quan trên không thạo tin hơn chúng nó!
Bàn tán chán rồi chưa ai tìm ra giải đáp. Nhưng rõ ràng họ do dự, việc tháo gỡ các cổng chào trở nên cầm chừng. Một người e dè gợi ý:
- Hay ta ngưng lại, chờ xem đã.
- Sao lại ngưng. Lệnh quan phải tuân theo. Lỡ bị quở trách, ai đứng ra chịu tội đây?
- Nhưng chính quan trên đã ra lệnh dựng gấp cổng chào. Biết đâu sau khi ta tháo gỡ xong xuôi, lại chẳng có lệnh dựng gấp cổng chào trở lại. Chỉ cần ra lệnh, dễ thôi. Có tốn chút mồ hôi nào đâu.
- Thôi, xin can đàn anh. Nói lắm chỉ mang vạ.
- Thế bây giờ làm gì đây? Nên dừng hay nên tiếp tục tháo gỡ?
- Sao lại hỏi tôi? Hỏi bác xã trưởng chứ!
Họ cứ tranh cãi cù nhầy như vậy cho đến lúc một toán lính có mang gươm giáo đến mời họ đến gặp vị tướng chỉ huy đạo thủy quân tiên phong. Mấy bác dân chài khốn khổ xanh cả mặt, tay chân lẩy bẩy, sợ hãi bước theo toán lính như những tội nhân. Họ oán mình, oán Trời, nhưng tuyệt nhiên không dám oán quan trên. Họ đã quen nghĩ quan trên bao giờ cũng đúng, vì sự khôn ngoan học được trong buổi loạn lạc, đổi thay!
*
* *
Long Nhương tướng quân quăng cương ngựa và kiếm cho tên lính gác đứng gần nhất, ra dấu cho đoàn tùy tướng chờ mình ở ngoài cổng thành, rồi vội vã vào hoàng cung gặp vua anh.
Lúc ấy vua Thái Đức đang ngồi nói chuyện vui vẻ với Đô đốc Chỉnh. Hai người ngồi trên cái sập thếp vàng, dĩa trầu đã vơi đi một nửa. Nguyễn Hữu Chỉnh mặc phẩm phục Đô đốc, ngồi ghé ở góc sập, hai chân bỏ thõng xuống nền bát tràng. Nhà vua thì ngồi xếp bằng trên sập, tay phải chống trên chồng gối kê ngũ sắc bọc nhung. Nhà vua tiếp khách thân mật nên chỉ mặc một bộ áo lụa vàng, đầu chít khăn đỏ.
Trông thấy Nguyễn Huệ đến với nét mặt hầm hầm thất thường, Nguyễn Hữu Chỉnh bối rối xin lui. Nhà vua không giữ lại. Quan Đô đốc quay chào Nguyễn Huệ. Huệ hơi nghiêng người chào trả, giọng nói cố ý kiểu cách:
- Không dám. Vâng, chào ông.
Chờ cho Nguyễn Hữu Chỉnh ra khỏi cửa, Nguyễn Huệ mới nóng nảy hỏi anh:
- Sao lại có chuyện lạ thế? Chẳng lẽ bọn lính trạm không đem tin về đây, thưa anh?
Vua Thái Đức đoán ngay nguyên do sự bất mãn của em, vui vẻ trỏ vào chỗ sập trước mặt mình, bảo em:
- Chú ngồi xuống đây đã. Ta cũng vừa được tâu là chú cập bến hôm qua. Mệt chứ?
Huệ vâng lời vua anh ngồi ghé vào cạnh sập. Nhà vua hỏi:
- Chú ghé bên dinh cho thím với lũ trẻ mừng chưa?
- Dạ chưa. Em từ Thị Nại lên thẳng đây. Thưa anh, vì sao...
Nhà vua cắt lời em:
- Chú thắc mắc việc hạ cổng chào chứ gì?
- Vâng ạ. Chẳng lẽ ở nhà chưa nhận tin chiến thắng...
Một lần nữa, nhà vua cắt lời Huệ:
- Có nhận chứ. Chú khá lắm. Chưa có trận nào oanh liệt cho bằng trận này. Ta giao một mình chú lo liệu, không phải là liều lĩnh đâu. Không cần phải sai thêm chú Bảy (Nguyễn Lữ). Một mình chú đã dư sức đập tan quân xâm lược Xiêm rồi.
- Nhưng tại sao...
- Ấy, chính vì chiến thắng oanh liệt ở phương nam mà ta phải dè dặt, đừng làm điều gì khiến phương bắc lo ngại. Dĩ nhiên không trước thì sau, thế nào ta cũng phải đòi lại dải đất từ Lũy Thầy trở vào. Đất đai Đàng Trong thì phải trả lại cho chúa Đàng Trong. Bắc Hà giữ làm sao được. Nhưng, vào lúc này, ta chưa nên làm điều gì khiến họ lo ngại. Phải chờ ít lâu nữa đã, chú Tám!
Nguyễn Huệ cúi đầu suy nghĩ, đôi lông mày chau lại, răng trên cắn lấy môi dưới. Một lúc sau, Huệ ngước lên, hỏi anh:
- Lâu nay Đô đốc Chỉnh có thường đến đây không ạ?
Câu hỏi bất ngờ khiến vua Thái Đức ngợ đi một lúc mới đáp:
- Cống Chỉnh hả? À, có. Khi nào ông Nhật tâu trình những điều liên quan đến phương Bắc, ta đều có kêu ông ta lên hỏi cả. Ông ta thạo hết tình hình ngoài đó, biết rõ khả năng, tính tình từng người. Chú biết không, quận Tạo ngoài Thuận Hóa hay tin chuyện ma quỷ, còn Phó tướng Thể thì thật thà như đếm. Cả hai đều thuộc loại hữu dũng vô mưu.
Nguyễn Huệ nói:
- Chỉ có Cống Chỉnh là vừa dũng vừa mưu. Vụ tháo gỡ cổng chào chắc là cái mưu của lão ta!
Vua Thái Đức đang cười tự mãn, vội đổi sắc mặt, trố mắt nhìn Nguyễn Huệ, hỏi dồn:
- Chú nói gì thế? Ta nói nãy giờ chú chưa hiểu gì cả sao?
Nguyễn Huệ lầu bầu đáp:
- Không ạ. Mấy tháng nay ở nhà có gì lạ không anh?
Vua Thái Đức vui mừng tránh được một đề tài khó chịu, nên vồn vã đáp:
- Chẳng có gì lạ. Bả thì lúc nào cũng vậy, cằn nhằn mãi chuyện con Thọ Hương. Lại thêm mấy ông rể quí! Chúng nó cứ ganh tị mãi với thằng Nhậm (Vũ văn Nhậm). À này, con Thọ Hương đòi đi tu đấy. Chú gọi nó sang dinh cho nó vài tiếng. Xưa nay nó chỉ nể có chú.
Nguyễn Huệ ngậm ngùi, giọng buồn buồn:
- Kể cũng tội cho nó. Các anh các chị ai cũng thành thân thành danh cả, chỉ một mình nó chịu lỡ làng.
Vua Thái Đức nói:
- Biết thế này hồi đó gả quách cho cái thằng... cái thằng gì làm Thư ký cho chú đó, cho nó yên chuyện!
Nguyễn Huệ lắc đầu chầm chậm, nhưng không nói gì để giải thích ý kiến của mình. Nhà vua hỏi:
- Tinh thần quân lính thế nào? Họ vẫn khỏe đấy chứ?
Nguyễn Huệ đáp chậm:
- Thưa vẫn khỏe tuy vượt biển liên tiếp hơn mười ngày có nhiều người mệt nhọc. Nhưng họ thừ người ra khi vào đất liền thấy cảnh tiếp đón lạ lùng quá. Dân chúng tưởng chuyến này đại bại.
Vua Thái Đức vội nói:
- Phải giải thích cho chúng nó hiểu. Không phải lúc nào thắng trận cũng phải reo hò vang ầm trời đất mới vui. Phải chờ, phải nhịn cho đến lúc lấn ra được đến Lũy Thầy, lúc đó muốn dựng hàng vạn cái cổng chào, nổ hàng vạn phong pháo cũng được. Cả chú nữa, chú phải nhìn xa hơn nữa. Xong mặt nam ta còn phải lo mặt bắc. Chú về chuyến này, nghỉ vài hôm rồi ta sẽ gọi Cống Chỉnh lên bàn cho kỹ chuyện Thuận Hóa. Mấy lâu nay ta có cho gọi thằng Nhậm với chú Bảy vào dự bàn đấy, nhưng vì thiếu chú, nên chưa đâu vào đâu cả. Chú vào thăm chị hay về bên ấy trước đã?
- Em xuống Thị Nại liền bây giờ. Lòng quân đang hoang mang. Em nghĩ anh cũng nên xuống dưới đó.
Vua Thái Đức vội vã nói:
- Phải, ta sẽ xuống vào ngày mai. Cho khao quân ngay dưới đó cho tiện. Tránh đừng cho chúng nó ỷ công mà làm kinh động kinh thành. Cái loạn kiêu binh ngoài Bắc Hà vẫn còn sờ sờ ra đấy. Chú xuống trước báo cho các quan dưới ấy ngày mai ta xuống Thị Nại. Bộ Lễ và bộ Binh lo chung việc tiếp đón và khao quân. Chú uống chén nước đã.
Nguyễn Huệ nhận chén nước trà từ tay nhà vua, uống cạn một hơi rồi trả cái chén về cái khay bạc chạm trổ công phu. Vua Thái Đức đăm đăm nhìn vẻ mặt em, cố kiểm chứng lại những gì Cống Chỉnh vừa nói lúc nãy, nhưng nhà vua không thấy gì khả nghi. Khuôn mặt Nguyễn Huệ có sạm đen hơn một chút, đôi mắt có sâu hơn một chút nên cái nhìn thêm sắc sảo, quả quyết. Chỉ thế thôi! Nhà vua băn khoăn, đến nỗi Nguyễn Huệ cúi chào xin lui mà nhà vua quên cả thốt vài lời ân cần đối với một người em vừa lập công lớn trở về.
*
* *
Cuộc lễ khao quân trang trọng, thịnh soạn, nhưng không phô trương ầm ĩ đúng theo lời hịch tướng sĩ của nhà vua. Bài hịch do Nguyễn Hữu Chỉnh soạn rất văn hoa, tế nhị, tình lý đầy đủ, nhất là khéo léo đến nỗi dù có đọc kỹ bài hịch, không ai hiểu nổi vì sao phải ăn khao chiến công một cách âm thầm, sẽ sàng như vậy. Người ta chỉ mơ hồ hiểu được là vì một cái gì cao hơn, xa hơn, hứa hẹn nhiều vinh quang hơn, mang lại cho toàn quân nhiều phần thưởng hơn, mà hôm nay ta không nên rầm rộ ăn mừng chiến công vĩ đại vừa lập được. Không đủ trình độ, mà cũng không muốn phí thì giờ, tâm não tìm hiểu những phức tạp tinh tế người ta muốn giấu kín sau các lời văn hoa, nên đám quân lính chú tâm chè chén no nê, đoạn ngủ một giấc nồng nặc mùi men rượu. Tỉnh dậy, họ chỉ còn một ước muốn là được phép gặp ngay cha mẹ, vợ con để vui vẻ báo tin trở về bình an. Những điều trọng đại, như ý nghĩa cuộc chống xâm lăng lịch sử, như cái thế tàn tạ của chúa Nguyễn, như hy vọng khôi phục toàn vẹn xứ Đàng Trong về Tây Sơn, như lẽ phế hưng theo ý Trời v.v... Đối với đa số quân sĩ góp công góp máu làm nên cái trọng đại ấy, không lớn hơn cục cơm vắt ăn độ đường. Nếu có gì đáng nhớ trong lễ khao quân năm ấy, có lẽ là đêm hát tuồng đặc biệt tổ chức riêng cho họ.
Đêm hát tuồng có nhiều yếu tố đặc biệt để trở thành kỷ niệm khó quên đối với đa số quân sĩ.
Trước hết đây là lần đầu họ được xem tài nghệ một đoàn tuồng nổi tiếng, lâu nay chỉ diễn cho nhà vua, hoàng tộc, và các quan trong triều thưởng lãm. Đào kép lịch sự, đẹp đẽ như trong tranh Tàu. Cách diễn xuất điêu luyện trong từng cử chỉ, lời ca ấm áp khi thì thánh thót bi thương, khi thì hùng tráng rộn rã. Họ vừa thưởng thức tài nghệ diễn tuồng, vừa có cảm giác khoái trá được ghé mắt dự vào cuộc giải trí của bậc vương giả. Thật là một cơ hội nghìn năm!
Điều bất ngờ thứ hai là tối hôm ấy, họ được xem một vở tuồng ngắn. Một vở tuồng hát toàn bằng lời Nôm dễ hiểu. Và nhân vật tuồng không phải ai xa lạ: chính là chú Lía của quê hương họ, chàng trai lao động nghèo khổ như họ, ăn mặc đơn sơ tầm thường như họ, chịu đựng những nỗi cay đắng bất công giống những gì họ từng chịu đựng, chỉ khác một điều căn bản là chú Lía dám nói "không" khi họ cúi đầu vâng dạ, dám ngửng mặt quắc mắt khi họ gục mặt lấm lét, dám mạnh tay bứt tung các trói buộc phi lý trong khi họ chắp tay chịu trói. Chàng Lía trên sân khấu khiến họ sảng khoái hả hê vì hãnh diện, nhưng đồng thời cũng gây cho họ những thẹn thùng, ưu tư. Chàng Lía thật là gần gũi với họ, mà cũng thật cao xa đối với họ. Họ chết điếng vì xúc động bất ngờ. Chưa bao giờ một vở tuồng tạo được cảm giác sâu sắc và phức tạp như vậy trong tâm trí đám lính vốn là những người cày ruộng, chài lưới, làm thuê, buôn bán nhỏ, suốt đời vất vả chỉ đủ nuôi thân qua ngày.
Và điều bất ngờ hơn hết là vở tuồng bị cắt đứt nửa chừng, theo lệnh của nhà vua. Sau khi chú Lía cướp quan tài của mẹ đưa đi chôn, sắp trở vào thành để trừng trị bọn tham quan thì một viên quan của bộ Lễ lên sạp hát bảo cho mọi người biết có lệnh vua cấm hát tiếp vở tuồng. Mọi người sững sờ vì kinh ngạc, nhưng sau đó, họ chỉ dám xì xào bàn tán rồi tản nhanh như một làn khói. Mãi về sau, họ vẫn không được giải thích vì sao vở tuồng lại ngưng nửa vời. Cho nên đêm xem hát ấy trở thành khó quên, như một tiếc nuối dai dẳng, thê thiết!
*
* *
Khi viên quan bộ Lễ mang chiếu chỉ đến cho Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ, vị tướng trẻ vừa lập công lớn không quên cung kính làm đủ các nghi tiết tiếp chỉ. Nguyễn Huệ quì xuống cúi đầu nghe viên quan già dùng giọng khao khao đọc chiếu. Nghe xong, Nguyễn Huệ lạy đủ hai lạy rồi mới chống gối đứng dậy, đưa thẳng tay ra trước nhận tờ chiếu từ đôi tay run của viên quan già.
Nguyễn Huệ đọc lại nội dung tờ chiếu một lần nữa, bàng hoàng không hiểu tại sao vua anh lại đột ngột xuống chiếu cấm diễn vở tuồng Chàng Lía của Lãng. Lúc đó Lãng đứng bên cạnh Long Nhương tướng quân. Trong khi Nguyễn Huệ ngơ ngác, thì Lãng lo sợ. Hóa ra những điều An nói đều đúng. Những gì An sợ đều đang tuần tự xảy ra, không có cách nào tránh khỏi. Lãng hối hận, nhưng có cảm tưởng cay đắng bất lực của người bị lôi cuốn vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm nhưng đúng sở nguyện. Anh liếc nhìn Huệ, dò xem phản ứng của viên tướng trẻ. Anh không thể đoán được Huệ đang nghĩ gì.
Quân lính lặng lẽ tản mạn về các doanh trại, như muốn tránh không dây dưa vào một vụ rắc rối lớn. Trên sạp tuồng, đám đào kép cũng đang ngẩn ngơ, chưa biết phải làm gì. Họ mặc y nguyên quần áo diễn tuồng, để nguyên khuôn mặt son phấn hoặc râu ria tụm năm tụm ba dưới sân khấu để bàn tán nho nhỏ.
Nguyễn Huệ kéo Lãng ra xa hỏi:
- Ở nhà lúc tập tuồng, có xảy ra chuyện gì không?
Lãng thấy tốt hơn hết là phải nói đầy đủ sự thật. Nhưng vì không bình tĩnh, nên anh nói không hết ý.
- Dạ anh em gặp nhiều khó khăn lắm. Nhiều người chê tuồng nôm na không chịu tập. Bác Mịch phải nhờ đến các đào kép phụ. Họ phải làm cả đôi việc một lúc. Vâng, bác Mịch khó chịu lắm. Họ vẫn tiếp tục diễn tuồng cổ. Khi nào rảnh mới tập tuồng này. Các quan Giáo phường biết chứ. Có một vài chỗ các quan bộ Lễ bảo nên sửa đổi cho hợp nghĩa trung quân hơn. Các quan không cấm nhưng cũng không khuyến khích. Anh em họ tập vì thích chuyện Chàng Lía, chứ không hy vọng được diễn. Nhờ tướng quân nhớ và hỏi, tuồng mới được ôn tập lại, và chuẩn bị diễn đêm nay.
Nguyễn Huệ hỏi:
- Hoàng thượng có biết Giáo phường đang cho tập tuồng này không?
Một lần nữa, Lãng phải nói thật:
- Dạ có. Một hôm vô tình Hoàng thượng đi qua Giáo phường, có dừng lại xem các đào kép tập diễn tuồng. Sau đó Hoàng thượng bỏ đi, không nói gì cả.
Nguyễn Huệ cắn môi suy nghĩ, lẩm bẩm:
- Lạ thật. Chắc bên trong... Mấy năm nay cậu ở bên Giáo phường có động chạm gì đến ai không?
- Dạ không.
- Thôi, cậu đừng buồn.
Lãng nói nhỏ:
- Có thể do nội dung vở tuồng. Chàng Lía là một người nổi dậy làm loạn. Có thể Hoàng thượng không ưa kẻ phản loạn đó, nên...
Nguyễn Huệ tức giận nói:
- Nhưng nổi loạn chống bọn tham quan ô lại thì xứng đáng làm trai quá rồi còn gì nữa. Chẳng lẽ...
Huệ muốn nói gì nữa, nhưng do dự, rồi im lặng. Lãng hỏi:
- Chắc thế nào em cũng bị ghép tội?
- Tội gì?
- Có thể là tội dùng "Yêu ngôn hoặc chúng". Các quan Hình bộ giỏi luận tội lắm, thế nào cũng tìm ra. Dù thế nào chăng nữa...
Nguyễn Huệ quay phắt lại nhìn Lãng, giọng trách móc:
- Cậu đã trưởng thành, ba mươi tuổi đầu rồi mà không dám nói điều gì dứt khoát. "Chắc thế nào", "Có thể" "Dù thế nào chăng nữa". Ta ghét cay ghét đắng cái giọng ngập ngừng đó. Cậu phải bỏ tính yếu đuối ấy đi. Cậu trả lời thẳng và gọn cho ta xem: Cậu soạn tuồng này có phải là một cái tội hay không?
- Theo em thì...
- Lại "theo em thì", có lẽ, nhưng mà. Cậu trả lời gọn đi: Có tội hay không có tội?
Lãng lấy đủ cương quyết đáp:
- Không.
- Như vậy thì không nên sợ sệt gì cả. Cậu sẵn sàng ý tưởng để làm trần tình văn nếu bị khép tội. Nhưng không đến nỗi thế đâu.
*
* *
Cái tin cả quan Giáo phường lẫn bác Mịch bị bộ Hình tống giam, khi gánh hát vừa về đến kinh thành bắt buộc Long Nhương tướng quân phải gác cuộc thanh sát công xưởng đóng thuyền lại, và vội vã lên Qui Nhơn.
Đến nơi, Nguyễn Huệ xin được bái yết vua Thái Đức ngay, nhưng điều khác thường đã xảy ra. Vua anh lấy cớ không được rảnh, hẹn gặp Huệ vào sáng hôm sau.
Nguyễn Huệ ngỡ ngàng, cảm thấy sự việc trầm trọng hơn ông tưởng. Ông ghé qua bộ Lễ, để chỉ gặp những bộ mặt dáo dác, sợ hãi, nghe những lời nhát gừng quanh co. Dường như mọi người đều cố giấu mình để khỏi phải liên lụy vào một vụ nguy hiểm ghê gớm.
Nguyễn Huệ định vào hoàng cung gặp nhà vua vào buổi tối hôm ấy, nhưng về sau kịp nghĩ lại, ông nhận thấy làm như vậy là dại dột. Ông qua một đêm trằn trọc, nhờ không ngủ được nên ông ôn lại cả quãng đời dài, từ lúc anh em ông mới khởi dấy ở Tây Sơn thượng cho đến ngày nay. Càng nghĩ, ông càng thấy sự cách biệt giữa những người chân đất từng hăng hái theo anh em ông từ thuở đầu với đám quan lại của triều đình Tây Sơn, giữa ông và nhà vua, giữa con người ông trong quá khứ và hiện tại, sự cách biệt trùng trùng, gần như không còn có hy vọng gặp gỡ hoặc tiếp nối nào nữa. Có thể như vậy được không? Đâu là nguyên do sự biến đổi, mâu thuẫn, hay nói cho mạnh hơn, sự phản bội ghê gớm ấy? Tại sao lại cấm diễn một vở tuồng phản ảnh cái quá khứ kiêu dũng ban đầu của chính mình? Sợ cái gì, nếu không phải là sợ sự thực phũ phàng, sự phán xét của những người từng trải từ đầu, những người có đủ trí nhớ chưa quên những lời hô hào khởi loạn của anh em ông?
Một đêm mất ngủ khiến Nguyễn Huệ kém điềm tĩnh khi vào gặp vua anh sáng hôm sau. Nhà vua không tiếp Nguyễn Huệ ở điện Chánh Tẩm, mà gọi em sang hoàng cung. Chỉ có hai anh em, nên vua Thái Đức không dè dặt điều gì, gần như mắng trách em ngay từ câu đầu. Nguyễn Huệ vừa ghé ngồi xuống sập, vua Thái Đức đã bảo:
- Chú muốn gì thì nói thẳng cho ta biết. Đừng giấu diếm. Đừng quanh co. Chú muốn khích động bọn lính đang say chiến thắng để làm loạn phỏng? Chú vuốt ve lòng tự ái của chúng, nhân chuyện dẹp bỏ cổng chào kích thích cho chúng bất mãn. Rồi chú kéo gánh hát xuống ngầm xúi chúng bắt chước thằng Lía. Có đúng như thế không?
Nguyễn Huệ đăm đăm nhìn vua anh không tin rằng vua Thái Đức lại có thể nghĩ được những điều như vậy. Ánh nhìn bi phẫn khiến nhà vua chạnh lòng, bắt đầu hối hận vì đã trót nói những câu nặng nề đối với người em vừa lập công lớn. Nguyễn Huệ cảm thấy nghẹn ở cổ họng, mạch máu đập mạnh hai bên thái dương. Hai bàn tay tự nhiên run, ông phải nắm lấy vạt áo bào để cố trấn tĩnh. Nhưng phải cố gắng lắm, Nguyễn Huệ mới hỏi được một câu ngắn:
- Tâu Hoàng thượng, có phải đó là những lời mật tấu của Đô đốc Chỉnh? Hoàng thượng có thể tin được những lời sàm tấu như thế sao?
Vua Thái Đức vội lắc đầu:
- Chú đừng nghĩ quàng xiên cho người ta. Những điều dại dột chú làm đã rõ như ban ngày, cần gì phải chờ trình tấu ta mới biết! Chú nghĩ ai cũng đơn giản, ngây thơ như chú sao? Kéo một đoàn tuồng cung đình xuống hát cho quân lính xem, người ta phải đặt câu hỏi. Rồi lại hát tuồng Nôm, thuật chuyện thằng Lía khởi loạn chống triều đình. Chú không ra chợ, đâu có nghe được tất cả những lời bàn tán độc địa. Ngựa trạm mới trễ vài giờ, ngoài phố đã xì xào bảo nhau rằng ta cấm đường để ngăn bọn kiêu binh tiến về kinh thành. Chú đã biết những điều đó chưa?
Nguyễn Huệ đã hoàn toàn bình tĩnh, nên nhìn thẳng vào mắt vua anh, chậm rãi đáp:
- Những lời đồn đãi thì lúc nào chẳng độc địa. Như cái tin đồn quân ta đã bị quân Xiêm đánh tan tác. Lúc nào cũng có những bọn xấu chụp tất cả những cơ hội để vu khống, chống phá, xúi giục. Có cơ hội vô tình chúng chộp được. Có cơ hội do chính chúng ta tạo ra để biếu chúng. Như vụ hạ cổng chào. Như vụ cắt ngang buổi diễn tuồng.
Vua Thái Đức tức giận, đập tay xuống mặt sập, nói lớn:
- Ta đã giải thích cho chú rồi, chú nhắc lại làm gì. Vì sao không nên khoa trương chiến công phạt Xiêm, chú rõ rồi chứ? Có cần nhắc lại lần nữa không?
Nguyễn Huệ im lặng không trả lời. Vua Thái Đức chờ một lúc, rồi bảo:
- Chú có vẻ cay cú về buổi diễn tuồng. Chú cho ta hạ lệnh như vậy làm mất mặt chú chứ gì?
Nguyễn Huệ vội nói:
- Dạ không phải thế.
Vua Thái Đức hỏi dồn:
- Hay vì quá thương thằng em con An mà chú...
Nguyễn Huệ đỏ mặt, hấp tấp cắt lời anh:
- Không phải. Không phải đơn giản là chuyện cảm tình riêng ...
Nhà vua cũng vội cắt lời em:
- Không phải thế thì là cái gì? Vì nặng tình nghĩa thầy trò mà chú lo bảo bọc hết cho gia đình con An đến thằng Lãng. Vụ can thiệp thả thằng Lợi, chú tưởng ta không biết gì sao! Cả đến vụ chú gửi cái thằng vô tích sự ấy qua Giáo phường để học lão Mịch cách viết tuồng nữa. Nhưng chú Tám à, chú phải biết anh em ta đang làm việc lớn, đang thay Trời hành đạo, chú biết chưa? Vì nghĩa lớn, chú phải dẹp những tình riêng. Anh phải nói thế nào cho chú hiểu đây! Sá gì chuyện thường tình! Chú là một viên tướng lẫy lừng cả nam bắc, chẳng lẽ không dẹp được chút tình riêng hay sao?
Thấy giọng nói của nhà vua đã dịu dàng hơn, Nguyễn Huệ cũng lễ phép đáp:
- Nhưng thưa anh, ở đây không phải là chuyện thường tình. Không phải vì là vở tuồng của Lãng mà em lên đây. Anh hiểu lầm em rồi. Điều quan trọng chính là nội dung vở tuồng. Lúc nãy anh bảo đem chuyện chú Lía ra làm tuồng tích là đã kích động quân sĩ làm loạn. Em thì em không nghĩ vậy. Chính em gợi ý cho Lãng soạn một vở tuồng Nôm về Chàng Lía, vì theo em, Chàng Lía là kiểu mẫu đẹp đẽ nhất cho những người dân nghèo bất khuất, nghĩa là cho tất cả anh em chúng ta. Tại sao chúng ta giống Chàng Lía mà lại sợ Chàng Lía? Ta sợ cái gì? Chẳng lẽ ta đã trở thành bọn tham quan bị dân nghèo chán ghét nên phải sợ bóng sợ gió, không dám nhắc đến tên một dân nghèo khởi loạn chống triều đình?
Giọng nói của nhà vua đã mất tự tin. Nhà vua bảo em:
- Chú nói như vậy vì chú chưa phải gánh vác những việc phức tạp rắc rối như anh. Lâu nay chú chỉ lo việc binh. Hễ có quân lính can đảm mạnh khỏe, đủ lương thực, đủ gươm giáo, hễ tính toán mưu kế cho khéo, là chú an tâm. Kẻ thù của chú ở trước mặt. Chú kéo quân vào đó đánh một trận bất ngờ, quét sạch thành lũy của chúng, rồi kéo quân về mở tiệc khao, chờ lần tiến công tiếp theo. Còn anh, chú nhớ cho, anh có đủ mọi loại kẻ thù. Ở phía bắc cũng có, phía nam cũng có, kẻ thù trước mặt không khi nào thiếu. Mà kẻ thù núp sau lưng, kẻ thù nguy hiểm nhất, kẻ thù đáng sợ nhất, lại càng đông đảo hơn. Anh phải đề phòng mọi mặt, sẵn sàng dẹp tan các cuộc phản kháng bất cứ lúc nào. Chú nghĩ mà xem, anh đâu được yên tâm như chú. Anh không ăn ngủ yên nếu kẻ thù tứ phía chưa được dẹp hết. Đã thế, vô tình (vâng, anh biết vì lý tưởng nên chú vô tình thôi, chú không cố ý) chú vô tình đề cao một mẫu người làm loạn cho bọn kiêu binh đó bắt chước. Chúng nó đâu có nghĩ đủ đầu đủ đuôi như chú. Xem tuồng xong, chúng nghĩ gì? Chúng nó nhớ những tên quan hống hách từng làm phiền chúng, so sánh họ với tên tham quan trong tuồng. Rồi chúng thấy thằng Lía làm loạn, và được tán thưởng. Chúng sẽ nghĩ: Mình làm gì đây? Thằng Lía làm được, chẳng lẽ mình là thằng Xoài, thằng Mít lại không làm được. Đứng dậy đi, anh em! Tìm giết cho hết bọn tham quan đang làm khổ chúng ta. Chỉ cần một tên bợm nào đó hô lên một tiếng, đám lính kiêu của chú sẽ kéo nhau đi tìm giết... giết ai chú biết không? Giết anh em chúng ta, giết những người được chúng ta cử đi làm quan ở đây, ở dưới đó. Chú đừng nên xem thường các tuồng hát bội. Nguy hiểm lắm! Lời hát, tiếng trống, tiếng đàn cũng mạnh như mũi tên mũi giáo, chứ không phải đùa. Không phải không có lý khi từ xưa đến nay, các triều đình chỉ cho hát tuồng ca tụng tôi trung, con hiếu, vợ hiền, nghĩa là ca tụng sự ngoan ngoãn, phục tùng. Không có ông vua nào dại dột ca tụng những tên nổi loạn. Chú ngẫm mà xem anh nói có đúng không!
Nguyễn Huệ im lặng suy nghĩ, không biết trả lời với anh thế nào. Thấy nét mặt trầm ngâm của em, vua Thái Đức biết Huệ chưa hoàn toàn đồng ý với mình. Nhà vua vẫn còn nghĩ động cơ chính thúc đẩy em, khích động em, là động cơ tình cảm. Vì vậy, vua Thái Đức cười nhỏ, rồi nói:
- Thôi được. Chú giỏi chiến trận, nhưng vẫn là một kẻ thường tình. Ta sẽ ra lệnh tha cho quan Giáo phường và lão Mịch, không khép tội ai cả. Nhưng từ đây về sau không được tự tiện diễn các tuồng như thế nữa. Ta sẽ nhờ ông Nhật tìm người qua thay quan Giáo phường. Còn thằng Lãng thì...
Nguyễn Huệ vội thưa:
- Dạ em xin nó về làm Thư ký trở lại. Mấy tên nhà nho bị ta bắt từ trận Đồng tuyên cũng có năng lực đấy, nhưng không tin họ được.
Nhà vua vui vẻ gật đầu, vì tin rằng Huệ đã được thuyết phục. Rằng không còn vấn đề gì chưa được giải quyết giữa hai anh em. Khi Huệ xin lui, nhà vua giữ em lại, dẫn em vào hậu cung thăm hỏi Hoàng hậu và các Quận chúa, rồi giữ lại dự bữa cơm của hoàng gia.

<< Chương 57 | Chương 59 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 728

Return to top