Điều dễ đoán là từ khi quan Tả thị lang Phan Huy Ích trực tiếp tra xét vụ án gạo Đồng Nai, Lợi theo dõi diễn tiến vụ án được dễ dàng hơn. Nó không còn là việc nhà của Bùi Đắc Tuyên nữa. Phan Huy Ích biết rõ những nguy hiểm mình phải đương đầu, nhất là những lời xuyên tạc về đức liêm khiết và vô tư của mình nên làm việc gì cũng thận trọng. Ông công khai hóa tất cả việc điều tra. Dù đã xin được lệnh của Chính Bình vương cho phép bộ Hình kiểm soát sổ sách xuất nhập của bộ Công, Phan Huy Ích còn cẩn thận đến mức cho lập hẳn một ban xét cung nho nhỏ, gồm đủ đại diện của bộ Hình, bộ Công, Tàu vụ và Trung thư đường. Lợi không cần nhờ đến Lãng cũng theo dõi từng ngày công việc của tiểu ban ấy.
Mấy hôm đầu, Lợi hí hửng về khoe với vợ:
- Xong rồi. Chúng nó có độn thổ cũng không khỏi được nhục. Có thế chứ. Dù sao người có ăn học vẫn biết điều hơn bọn võ biền tham lam nhà nó. Ha ha! Cứ tưởng tượng bộ mặt bí sị của chúng nó là không nín được cười.
An mừng rỡ hỏi:
- Thật không mình? Nhưng đầu đuôi ra sao kể em nghe với.
Lợi cười ha hả, đáp lời vợ:
- Lại không thật! Chúng nó cố ép cho anh cái tội làm phản. Hết dọa nạt đến dụ dỗ, cuối cùng mới ép được một tên lái buôn ký vào tờ khai viết sẵn như em đã biết. Nhưng nội vụ chuyển qua tay Tả thị lang, thì tên kia phản cung. Chẳng những thế, hắn còn khai rành mạch ai dọa những gì, ai hứa những gì, tờ thú tội do ai đưa tới, hắn ký vào đó lúc nào. Nghe nói tay chân lão Tuyên nhí nhổm như đỉa phải vôi, mắt lườm tên lái buôn hòng cứu vãn tình thế. Cứu thế nào được. Giấy trắng mực đen rành rành ra đó. Anh chỉ sợ chúng vu cho cái tội làm nội ứng cho Gia Định. Còn những chuyện khác, thấm gì! Tay ai cũng dính chàm cả. Chúng nó khui ra, có khác nào "lạy ông tôi ở bụi này".
Hôm sau, Lợi vui hơn nữa:
- Anh đoán như thần, anh đi guốc trong ruột chúng nó, đoán không đúng sao được. Bọn con buôn có khai vụ nhập kho như anh đoán, không khai làm sao gỡ tội! Quan Thị lang đòi xét sổ sách. Ha ha, có cho kẹo chúng nó cũng không dám trình sổ sách ra. Mình khỏi cần làm gì cả. Bây giờ chính chúng nó phải cứu hỏa. Chúng nó...
An sốt ruột chen vào hỏi:
- Tại sao họ lại sợ trình sổ sách. Sổ sách trong tay họ, họ vẽ thế nào chẳng được. Anh coi chừng họ gài bẫy đấy.
Lợi nhìn vợ, cười khinh nhờn:
- Đúng là trí óc đàn bà "sâu thẳm như cơi đựng trầu". Vẽ! Em tưởng vẽ dễ lắm sao! Sổ sách có mù mờ lộn xộn thì mới đổ thừa cho bọn thừa hành kém cỏi, bê trễ được. Kém cỏi đâu phải là cái tội đáng đóng gông.
- Nhưng họ làm gì được?
- Chúng nó làm khó, làm dễ quan Thị lang. Chúng nó phao lên nào ông ấy ăn không bao giờ biết no, nào ông ấy từng bị Nguyễn Hữu Chỉnh đem nhốt vào cái trống rồi cho quân lính đánh vào mặt trống liên hồi, đến nỗi ông ấy hóa ngớ ngẩn, nhút nhát. Ôi thôi, không biết bao nhiêu chuyện bịa đặt để bêu xấu quan Thị lang. Nghe đâu chúng nó đang vận động để bộ Công từ chối cung cấp sổ sách cho bọn xét án. Quan thượng thư bộ Hình cũng nói xuôi. Không biết chừng chúng nó muốn cho vụ này chìm xuồng, vì muốn hại anh, chúng nó cũng không thoát nạn. Đáng đời bọn nham hiểm. Sao anh ghét cha con lão Đắc Tuyên, Đắc Trụ thế!
Hai hôm sau, Lợi đi dò tin, trở về không nói năng liếng láu như trước. Anh tránh gặp vợ, lặng lẽ vào nhà nằm một mình trên sập, gác tay lên trán. An lo lắng nhón chân lên chỗ sập chồng nằm, hỏi nhỏ:
- Mình.
Lợi vờ ngủ không trả lời. An hỏi tiếp:
- Mình đau phải không?
Lợi giả vờ uốn mình khó chịu, nhăn nhó đáp:
- Ừ. Có lẽ anh bị cảm gió. Nhức lưng ghê.
An không kiên nhẫn được nữa, hỏi:
- Có chuyện không hay phải không?
Lợi giật mình, chống tay ngồi dậy, bối rối:
- Có gì đâu. Em chỉ được nghĩ quẩn. Bảo tụi nó nấu cho anh nồi nước xông đi.
An ngồi hẳn xuống góc sập cạnh chồng, giọng nói đã run run:
- Không. Anh không nên giấu. Có phải chuyện mình gặp chỗ nguy không? Đừng giấu em.
Lợi vuốt tay vợ, cúi mặt đáp:
- Ừ. Không xong rồi em ạ. Có lẽ anh nên trốn thôi!
An mếu máo khóc:
- Nguy đến thế sao anh? Có thật không? Kể cho em nghe đi.
Lợi sửa lại thế ngồi, cầm hai tay vợ để lấy thêm hơi ấm can đảm:
- Ông ấy đã xin được lệnh của Vương thượng để bộ Công trình hết sổ sách.
An cố bám vào một chút hy vọng:
- Nhưng hôm trước chính anh bảo là nếu xét đến gốc ngọn, thì chúng nó cũng bị tội mà! Chẳng lẽ Hoàng hậu để mặc cho cha con Đắc Tuyên mang gông!
- Làm sao lão Tuyên mang gông được. Có dính chăng là thằng Đắc Trụ con lão.
- Vâng, Đắc Trụ cũng vậy. Anh... (An định nói "anh Huệ" nhưng kịp dừng lại)... Vương thượng muốn cứu Đắc Trụ thì phải cứu luôn anh.
Giọng Lợi tuyệt vọng, trở nên lời rên rỉ:
- Nhưng Đắc Trụ đã đi mất rồi!
An hoảng hốt hỏi:
- Trốn đi đâu?
Lợi đau khổ đáp:
- Chúng nó lấy cớ vùng Duy Xuyên chưa yên, nên cho Đắc Trụ vào đó. Lão Tuyên chỉ nói với bộ Hình một tiếng là mọi việc xong xuôi. Chỉ còn một mình anh ở đây gánh hết tai vạ.
An uất ức lớn tiếng:
- Chúng nó xảo quyệt như thế mà Trời để yên hay sao! Quan Thị lang đâu phải người mù. Cả... cả anh Huệ nữa, chẳng lẽ anh ấy không biết hành tung của cha con lão Tuyên. Nếu thật sự anh ấy chưa biết thì em phải cho anh ấy biết. Em liều vào cung nói hết, nói hết. Không thể như thế được!
Lợi thấy vợ dợm đứng dậy, vội níu tay An lại, cố can ngăn:
- Em đừng nóng. Anh chỉ mới nghe như thế, sự việc chưa chắc đã hoàn toàn tuyệt vọng. Em nóng quá, đôi khi anh càng bị vạ.
An nhìn vẻ sợ hãi của chồng, trong lòng cảm thấy khinh khi Lợi. An cười nhạt hỏi:
- Vậy anh muốn em làm gì?
Lợi buồn rầu suy nghĩ, rồi đáp:
- Hay là anh đi trốn.
An tức giận nói:
- Dù có trốn cũng phải làm cho sáng tỏ, để em và các con còn dám nhìn thiên hạ chứ.
Lợi nói nhỏ:
- Làm cho sáng tỏ? Em nói gì thế?
Bấy giờ An mới thấy mình vô lý. Chị cảm thấy hổ thẹn, tủi nhục. An bật khóc. Lợi không biết nói gì, cũng không biết làm gì, ngồi trân nhìn vợ gục đầu vào đầu gối, đôi vai run theo từng tiếng nấc. An vừa khóc vừa nói:
- Bấy lâu nay em cứ lo sẽ đến ngày như hôm nay. Bao nhiêu lần em can anh, anh cứ bảo không hề gì. Của phi nghĩa, em biết! Đã đành anh lo lắng cho vợ con, nhưng ăn bát vàng mà lòng dạ thế này thì thà ăn cơm hẩm bằng chén đất.
Lợi bực dọc, nói:
- Khóc có ích gì!
An không đáp, tiếp tục gục đầu vào gối thút thít. Lợi e dè hỏi:
- Hồi sáng Lãng nó có ghé đây không?
An vẫn gục đầu, đáp qua tiếng nấc:
- Không.
- Em rán tìm cho được Lãng. Còn nước còn tát. Có lẽ không ai muốn cho vụ này lở rộng ra đâu.
An hơi nghiêng mặt liếc nhìn chồng. Thấy vẻ mặt Lợi khổ sở, đôi mắt Lợi van lơn, An đâm thương hại. Đưa tay áo gạt bớt nước mắt trên má, An nói:
- Để em đi tìm nó ngay. Anh đừng đi đâu cả. ở nhà chờ em về. Cũng đừng nghĩ quẩn làm điều dại dột. Rán chờ em.
* * *
Từ lúc vụ gạo Đồng Nai vỡ ra, thành cái bung xung cho cuộc tranh chấp giữa các phe phái ở thành Phú Xuân, Trần Văn Kỷ tìm cách xa dần Lãng. Nại cớ quá bận việc quan, Kỷ nói thẳng với Lãng là ông không có thì giờ dạy thêm thơ phú sử truyện cho anh nữa. Vài lần Lãng tìm cớ đến nhà quan Trung thư "vì chính việc quan", ông đồ Kỷ bảo gia nhân ra tạ khách, nói dối hoặc quan đang ngủ, hoặc quan vừa đi vắng.
Lãng đau khổ, ray rứt, cố nghĩ xem mình có làm điều gì phật lòng quan Trung thư hay không. Anh chỉ nhớ được những điều lặt vặt như một lần tan chầu Lãng vô ý đi trước Trần Văn Kỷ không tránh đường nhường lối cho vị lão thần, một lần anh nghĩ vơ vẩn không đáp ngay câu hỏi của quan Trung thư, một lần khác anh đem trả cuốn Tống thi cho ông đồ trước buổi chầu hầu làm cho bọn võ quan ít học khó chịu. Lãng không tin những chuyện vụn vặt ấy khiến cho Trần Văn Kỷ lạnh nhạt với mình. Anh băn khoăn, đào bới trí nhớ để tìm các lý do khác, đôi khi cố ý tô đậm những sự việc vụn vặt nhạt nhẽo để cố tin đó là duyên do. Công việc giả tạo ấy không thuyết phục được chính Lãng. Đến một lúc, Lãng nghĩ, rồi không dám nghĩ vì nó ghê gớm quá, rồi lại quyết đoán rằng chính vì cô con gái quan Trung thư "trở lòng", nên bắt buộc Trần Văn Kỷ cũng phải "trở mặt" để Lãng khỏi hy vọng hão. Lãng lẩm bẩm:
- Vô lý. Ta có làm gì cho nàng khó chịu đâu. Ta chưa hề được nói thẳng với nàng câu nào. Cũng chưa hề được nhìn thẳng vào mắt nàng để ngắm nàng e lệ bối rối, đôi má đỏ au vì thẹn thùng. Hay là có kẻ xấu miệng nói ra nói vào? Phải, chúng nó, bọn tranh hôi, chúng nó phao truyền rằng nàng đã từng bị chồng chê không thèm cưới, thì về phía ta, nhất định chúng nó cũng đã đặt điều để khiến nàng hiểu lầm ta. Nhưng chúng nó là ai? Thì còn ai nữa? Bọn trai tráng của cả thành Phú xuân này đứa nào không mê nàng, và ghen tị với ta. Chính miệng lưỡi dơ dáy của chúng nó đã đặt điều chia rẽ ta với nàng. Không còn nghi ngờ gì nữa!
Lãng hơi yên lòng vì tin rằng đấy là duyên cớ chính. Anh như người lòa, không nhìn thấy gì khác ngoài tình yêu của mình. Anh không thấy được những sự thực đơn giản ai cũng thấy là: ở vào địa vị của Trần Văn Kỷ, quan Trung thư rất sợ bị xuyên tạc là cố ý bao che cho gia đình Lãng trong vụ gạo Đồng Nai.
Làm gì Trần Văn Kỷ không biết lý luận thâm độc mà phe Bùi Đắc Tuyên âm thầm loan truyền từ lâu để tìm cách bảo vệ quyền lợi và địa vị của phe nhóm mình. Ban đầu là những lời than vãn lơ lửng chen vào giữa cuộc rượu về thế thái nhân tình như "vắt chanh bỏ vỏ", "tham đó bỏ đăng". Về sau mức độ các lời bông đùa chua chát có tăng lên, thành lời trách móc, lo âu cho an nguy của xã tắc. Nếu Bề Trên cứ mê văn tự, thi phú, kinh sử, để cho gươm giáo rỉ mục, thì thế nào xã tắc cũng lâm nguy. Rồi đến các giai thoại kể rằng sau hai lần ra bắc, nhất là do những lời nỉ non bên gối của một nàng công chúa Đàng Ngoài, Bề Trên bắt đầu "mê hát chèo". Bọn đào kép Bắc hà (lấy ranh giới là đèo Hải Vân) quây quần chung quanh Vương thượng ngày càng đông đảo, giọng hát Thuận Hóa phụ họa với giọng hát Thăng Long, ở ngoài triều hát vào, ở trong cung hát ra, khiến cho Bề Trên mê mệt điên đảo. Bằng chứng hùng hồn của bấy nhiêu xếp đặt điên đảo ấy, là Vương thượng đã giao vụ án gạo Đồng Nai cho một "tên kép Bắc hà", để hắn bôi xấu "anh em chân đất từng theo Vương thượng từ thời củ khoai lùi bẻ làm đôi". Nếu không có sự xếp đặt từ Thăng Long thì tại sao bổ hắn làm Hình bộ tả thị lang? Nếu không có một thế lực tối cao che chở thì làm gì một hàng thần dám mạnh dạn đòi xét sổ sách của bộ Công, hạch sách đủ điều? Một bà công chúa giỏi làm thơ, một quan Thị lang cũng giỏi thơ, một trung thư lệnh mê thơ phú, làm gì có sự trùng hợp hi hữu như vậy, nếu không phải do sự sắp xếp công phu lấy văn thơ làm chiêu bài che giấu âm mưu tiếm quyền?
Nguyễn Huệ cũng biết lối xuyên tạc đó, nên Vương nhất quyết muốn điều tra tận gốc vụ gạo Đồng Nai. Cách lập hẳn tiểu ban tra xét và công khai hóa các cung từ của Phan Huy Ích rất hợp ý của Nguyễn Huệ. Công việc tiến triển đều đặn, đến lúc Bùi Đắc Tuyên gửi Đắc Trụ vào Duy Xuyên thì Vương phải xét lại vấn đề. Đã đến lúc mổ cái ung nhọt này chưa? Tin tức Gia Định mỗi lúc mỗi thêm bi đát. Thành Gia Định bị vây chặt. ở Đồng Nai, quân của thái bảo Phạm Văn Sâm bị Nguyễn Văn Nghĩa phá tan. ở lũy Ngũ Kiều, đốc chiến Lê Văn Minh bị Nguyễn Phúc Hội vây chặt rồi lại phải thua trận hỏa công do thủy binh Nguyễn Ánh từ Ba Giồng tiến lên. Trận bao vây thành Gia Định bắt đầu. Nguyễn Ánh đóng binh ở rạch Thị Nghè trong khi Phạm Văn Sâm dàn binh từ chợ Điều Khiển đến chợ Khung Dung. Ánh sai Võ Tánh đi vòng phía nam đồng Tập trận thẳng tới bến Nghé để chận đường lui quân của Sâm. Hai bên giáp công, Phạm Văn Sâm không địch nổi phải bỏ chạy. Quân Nguyễn Ánh vào thành ngày đinh dậu tháng 8 Mậu thân (7-9-1788). (1) Phía Bắc, Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đã dẹp được các đám cần vương, nhưng Chiêu Thống vẫn còn lẩn lút đâu đó chưa bắt được, đám quan lại và tôn thất nhà Lê đã trốn được sang Tàu, chưa biết họ đang mưu tính chuyện gì, và phản ứng của nhà Thanh thế nào. Nói chung tình thế đang bấp bênh, sự im lặng ở Bắc hà chẳng khác nào không khí căng thẳng trước một cơn bão lớn sắp tới.
Đã đến lúc thích hợp để mổ xẻ cuộc tranh chấp nội bộ nhỏ nhen ở đây chưa? Nguyễn Huệ chọn nhanh được một quyết định. Khi biết quan thái sư đã gửi Đắc Trụ vào Duy Xuyên, Nguyễn Huệ ra lệnh cho Phan Huy Ích ngưng cuộc xét án lại.
* * *
Lãng mù mờ không hay biết nhiều về những điều phức tạp, nguy hiểm đang xảy ra quanh mình. Anh không biết nhiều, rất nhiều người theo dõi thái độ của anh, ghi nhận từng cử chỉ, lời nói, ánh vui buồn trong mắt anh để suy đoán này nọ. Thấy anh ray rứt, thắc thỏm, ngơ ngẩn, đứng ngồi không yên, họ suy đoán rằng "phe hát chèo" đang lâm nguy. Mỗi lần Lãng tất tả lấy ngựa ra khỏi thành họ đều cho người đuổi theo để dò cho đích xác Lãng đi đâu. Họ kinh ngạc thấy Lãng không về nhà chị, cũng không đến tư dinh Trần Văn Kỷ. Lãng không đi đến đâu cả. Anh lang thang trên những bờ sông, thả dây cương cho ngựa khỏe mặc sức thong dong đi đâu thì đi. Có khi Lãng phi ngựa lên các ngọn đồi, đứng trên đỉnh nhìn mông lung xuống các cánh đồng, các dòng sông, lòng hoang mang vô định. Những kẻ theo dõi anh cũng hoang mang không kém!
Một lần họ thấy anh giữ cương cho ngựa dừng lại ở ngã ba đường. Con ngựa dậm vó bực dọc còn Lãng thì ngần ngừ. Anh rẽ về phía tư dinh Trần Văn Kỷ. Bọn do thám mừng thầm. Có thế chứ! Có lẽ những lần trước hắn biết chúng ta theo dõi nên đi lang thang để đánh lạc hướng. Nhưng Lãng đi được một đoạn lại dừng, rồi đi tiếp, rồi lại dừng. Lãng cột ngựa vào một gốc tre, lom khom chui qua nhiều lớp gai dại để đến một mô đất cao nhìn vào khu vườn nhà quan Trung thư. Thấp thoáng bên kia rào có bóng ai áo trắng. Bấy nhiêu đủ rồi. Lãng trở ra đường, mỉm cười chào những người lạ mặt vì thấy họ có vẻ tử tế, đáng yêu quá chừng. Lãng níu một nhánh tre định rút đọt lá non để nhai khúc mềm nõn nà cho vui miệng, nhưng đến nửa chừng, bỗng thấy thương cho lá. Bọn người lạ vội vã trở về hướng chợ, Lãng cho ngựa bước chậm theo họ. Thân ngựa nhấp nhô đều đặn nhẹ nhàng ru ngủ tâm hồn anh. Lãng lim dim mắt, mỉm cười. Lúc ngựa phóng qua một chỗ lội hẹp, suýt chút nữa Lãng ngã xuống đường. Rồi đột nhiên anh thấy nỗi vui mong manh, vô nghĩa. Chẳng lẽ mãi mãi thế này sao? Nhìn trộm được một bóng áo trắng. Trời hỡi! Ba mươi tư tuổi đầu mà vẫn bông lông, phù phiếm như một đứa trẻ ham chơi! Lòng ta có gì thất thường chăng? "Tam thập nhi lập" ta đã lập được gì? Lãng cảm thấy khổ sở y như lúc lấy ngựa ra đi!
Một lần khác, Lãng lấy bạo đón đường để gặp cho được cô con gái Trần Văn Kỷ lúc cô cùng đi chợ với hai đứa hầu gái.
Hôm ấy Cúc mặc một cái áo dài lụa màu hồng, chân đi guốc sơn, đầu đội chiếc nón mới còn mướt màu dầu. Lần đầu tiên Lãng được ngắm Cúc trọn vẹn, thỏa thuê. Anh núp sau một chái lều, nhìn Cúc đang xì xầm bàn luận gì đó với hai đứa hầu gái, dưới một mái lều khác. Hai đứa hầu gái có lẽ tính rất lí lắc và được cô chủ xem như người quyến thuộc, vì Lãng thấy cách ăn nói của họ tự nhiên, linh hoạt, lâu lâu cười thật lớn. Còn Cúc thì không chịu rời chiếc nón lá dù đứng dưới mái lều. Ba người nói với nhau một lúc, hai đứa hầu gái quàng vai nhau đi qua lều khác. Cúc ở lại giữ hai giỏ mây đã đầy rau quả và thức ăn. Lãng ước mong Cúc quay mặt về hướng mình, nhưng anh thất vọng. Cúc không chịu bỏ nón. Người bán trầu thuốc thấy anh cứ đứng chùng chình mãi bên hàng mình, đuổi khéo Lãng bằng cách tươi cười mời chàng mua trầu. Lãng đỏ mặt, lí nhí đáp:
- Cảm ơn cụ. Tôi... tôi...
Bà cụ càng lấn tới:
- Thầy không mua cho già thì làm ơn tránh chỗ cho người khác mua.
Lãng đành phải rời chỗ núp. Anh sợ Cúc ngửng lên trông thấy anh, nên đi thật nhanh đến chỗ đang có nhiều người chen chúc. Bước vài bước, anh lại nghĩ: "Tại sao ta không dám đến nói chuyện với Cúc thử một lần? Ta sợ gì?" Chỗ đám đông đột nhiên ồn ào vì có đám cãi lộn. Những người đứng gần giạt ra vì sợ liên lụy nếu có đánh nhau, trong khi những kẻ tò mò ở xa lại bu đến. Lãng lúng túng chưa biết xử trí ra sao. Đúng lúc đó, Cúc nhìn về phía anh. Không còn lối nào khác, Lãng phải đi về phía Cúc.
Trong khoảnh khắc ngắn ngủi được nhìn vào mắt Cúc, Lãng đọc thấy ở đó sự cuống quít mừng rỡ, tiếp theo là vẻ hớt hải như mắt đứa trẻ chập chững đột ngột bị mẹ rời tay dìu dắt phải lo liệu lấy một mình. Lãng không hiểu vì sao Cúc thay đổi tình cảm lạ lùng như vậy. Anh cũng ghi nhận được làn da trắng, đôi má ửng, và chiếc nón quai nhung tím nâng lấy một cái cằm nhỏ. Chỉ được bấy nhiêu! Vì Lãng đến gần thì Cúc đã cúi đầu xuống, vành nón che hẳn khuôn mặt.
Lãng hồi hộp, hỏi:
- Cô Cúc đi chợ?
Đằng sau vành nón, có tiếng "dạ" nhỏ ngọt ngào. Lãng lúng túng không biết hỏi gì thêm. Trước mắt anh, Cúc đang dùng đầu guốc di di một cái vỏ bắp trên nền chợ. Lãng lại hỏi:
- Cúc thường đi chợ không?
Cúc vẫn giấu mặt sau vành nón đáp:
- Dạ ít lắm.
- Chắc chỉ đi chợ phiên thôi?
- Không phải thế ạ.
- Mọi lần đến nhà tôi vẫn thấy cô đi chợ đều đều.
- Dạ vì độ trước...
- Độ này tôi bận quá. Với lại... Muốn đến học thêm ở quan Trung thư lắm, nhưng...
Có lẽ Cúc chờ Lãng nói "nhưng" thế nào, vì chiếc nón thôi lay động. Lãng tưởng tượng phía sau chiếc nón đó có một nụ cười lém lỉnh, một đôi mắt chớp ngóng đợi. Anh bạo dạn hỏi:
- Nhưng... tôi đến Cúc lại phải lo trà lo thuốc, phiền lắm.
Tiếng Cúc đáp nhỏ:
- Không có đâu ạ.
Lãng không tìm được gì để hỏi thêm nữa. Anh nhìn hai chiếc giỏ, hỏi Cúc:
- Cô đã mua đủ thức ăn chưa?
- Gần đủ rồi ạ.
Lãng hơi bực vì Cúc chỉ trả lời cầm chừng, hỏi lại:
- Sao cô chẳng nói gì cả?
Có lẽ Cúc ngạc nhiên vì cái giọng hơi xẳng của Lãng, nên một lúc sau, Cúc mới hỏi nhỏ:
- Dạ?
Lãng mím môi, cố gắng hỏi một câu cho xứng đáng. Anh tìm lời một lúc lâu khiến Cúc định ngửng lên. Vành nón hơi nghiêng, Lãng thấy được cả quai nón và cái mũi dọc dừa thanh nhã. Nhưng Cúc đã cúi xuống đúng lúc Lãng tìm được ý để hỏi:
- Đứng nói chuyện thế này, Cúc có phiền không?
Giọng Cúc hấp tấp như lo sợ:
- Không đâu ạ.
Lúc đó hai đứa hầu gái đã trở lại. Một đứa nhận ra được Lãng lễ phép chắp tay chào, ánh nhìn dò hỏi, ngạc nhiên. Lãng áy náy, nói trước:
- Tôi có việc quan vừa qua đây. Thôi, tôi phải đi đây. Chào cô Cúc nhé.
Cúc vội ngửng lên, lí nhí:
- Dạ. Hôm nào...
Lãng lại được dịp nhìn thấy đôi mắt cầu khẩn, hoảng hốt và đôi má hồng ửng. Hai đứa hầu gái xách hai giỏ thức ăn đi trước. Cúc gật đầu chào Lãng rồi bước nhanh theo. Bấy giờ Lãng mới để ý thấy chân Cúc có quấn xà cạp trắng, giống như những phụ nữ Tàu bó chân theo tục lệ nhà quyền quí.
* * *
Vào những lúc hốt hoảng tuyệt vọng nhất, An không tìm được Lãng. Đến khi có tin vui (Chính Bình vương lại cho ngưng cuộc điều tra), Lãng lại ghé thăm nhà. An không dằn được giận dỗi, hỏi em:
- Mấy hôm nay Lãng chui rúc ở xó nào vậy? Sợ liên lụy đến mình nên không dám bước chân đến đây phải không?
Lãng ngơ ngác không hiểu chị nói gì:
- Sợ liên lụy? Ai liên lụy ai? Chị nói gì em không hiểu.
An tưởng Lãng giả vờ, càng tức giận hơn:
- Chị em quí hóa chỉ vào những lúc hoạn nạn. Có thất thế mới biết lòng người. Em sợ chúng nó dọa, nên không dám đến đây, có đúng thế không?
Lãng thành thực hỏi:
- Chúng nó là ai mà em sợ?
An bắt đầu ngờ có điều hiểu lầm giữa hai chị em. An hỏi, giọng dịu dàng hơn:
- Thế mấy hôm nay em có vào triều không?
- Có chứ ạ.
- Nhưng em được giao làm những gì?
- Chẳng làm gì cả. Em vào, không thấy ai hỏi han gì tới nên lại về.
- Về đâu? Sao không về đây?
Lãng đỏ mặt:
- Em đi quanh quất.
An hấp tấp hỏi:
- Họ không nói gì với em cả à?
- Họ là ai?
- Cánh Bùi Đắc Tuyên. Kể cả quan Trung thư nữa.
- Không. Thấy rộn ràng ra vào, chắc là có nhiều việc quan trọng. Hình như tin Gia Định xấu lắm. Và hình như các quan không muốn nhiều người biết chuyện cơ mật, nên em biết ý, lánh đi.
An thở ra, như trút được gánh nặng:
- Thảo nào. Nhà vừa trải qua một cơn phong ba chết người, em biết không?
Lãng giật mình hỏi:
- Thật à? Chuyện gì vậy?
An lắc đầu chán nản, lòng còn sợ hãi:
- Vẫn chuyện ấy. Dây dưa không biết lúc nào mới được yên.
- Chuyện gạo ấy à?
- Vâng.
- Chúng nó còn bịa thêm điều gì nữa?
- Không. Chúng nó không bịa. Chỉ có điều đáng sợ là càng ngày sự thực càng rõ hơn.
- Chị nói gì em không hiểu.
An kể lại diễn tiến vụ xét án. Lãng bần thần cả người, nói như người đang mơ:
- Thảo nào ông ấy tránh không muốn cho em gần gũi thân mật như trước. Mọi người đều không muốn nói chuyện với em. Em cứ tưởng vì việc Gia Định. Ai ngờ...
An căn dặn:
- Nhưng như em thấy đó, việc chưa êm đâu. Em phải chú ý mới được. Khổ. Nếu biết chồng con thế này thì...
An bắt đầu thút thít. Một lúc sau, An bảo em:
- Chị chẳng hiểu được đàn ông. Tại sao cuộc sống gia đình đơn giản như vậy, vợ chồng thương yêu nhau, con cái ngoan ngoãn, đủ ăn đủ mặc, họ còn đòi cái gì nữa. Kể cả em cũng vậy. Không bao giờ trong bữa cơm gia đình, các ông chịu chú ý xem con cá con tôm vợ con kho thế nào, bát cơm có được thơm dẻo là nhờ ai. Hình hài thì tạm ở bên vợ con, mà trí óc thì chực dịp bay nhảy đến những chỗ độc địa, hiểm nghèo. Họ mê cái gì kia chứ? Chém giết nhau vì một chức vị, lừa lọc nhau do quyền hành. Nắm quyền thì được cái thú gì? Chỉ được người khác sợ. Thật nực cười. Được kẻ khác khiếp sợ là một cái thú hay sao? Chịu, chị không hiểu nổi bọn đàn ông.
Lãng không còn lòng dạ nào để tranh luận với chị như mọi lần, chỉ nói xuôi:
- Vâng. Kể ra cũng vô lý lắm.
An được khuyến khích, hăng hái tiếp:
- Cả em cũng thế. Chị có cảm tưởng cả đời, em chạy theo đuổi bắt một cái gì đó, cái gì phù phiếm vô cùng. Tại sao em không chịu lập gia đình? Em chờ cái gì? Lãng nghĩ lại xem, cả gia đình ta không ai được cái may mắn trọn vẹn, hạnh phúc. Anh Kiên nghe nói đã được tha, bây giờ làm thầy pháp, cái nghề trước đây chúng ta mỉa mai cười chê biết bao nhiêu. Anh Chinh chỉ còn nắm xương trắng, và khoảng thời gian ngắn anh ấy sống cũng không để lại được gì vẻ vang. Chị thì thế này, em thấy hết cuộc đời chị rồi, khỏi cần nói thêm nữa. Chỉ còn hy vọng ở em. Người nối dõi tông đường là con trai em. Người còn chút hy vọng tiến thân là em. Em để cho chị nói hết đã. Đừng khiêm nhường. Chị thấy trước thế nào anh Huệ cũng làm nên nghiệp lớn. Và chị hy vọng do tình thân thiết, em sẽ được cất nhắc. Cha có ngậm cười nơi chín suối là nhờ em, chỉ còn em thôi. Lãng đừng quên điều đó.
Lãng cảm thấy phấn khởi vì thỏa mãn tự ái, trong lòng rộn rã. Anh quên cả dè dặt, khoe với An:
- Thì em vẫn có ý định lập gia đình đấy chứ. Hôm qua em có gặp cô Cúc.
An ngơ ngác hỏi:
- Cúc nào?
Lãng thấy mình vội vàng, bất cẩn, nhưng không còn lối lùi, đỏ mặt đáp:
- Con gái quan Trung thư Trần Văn Kỷ đó.
An hốt hoảng bảo:
- Chị đã bảo em lần trước, sao em còn...
- Chị có bảo gì đâu?
- Nhưng thiên hạ rì rầm khắp thành, em không nghe thấy sao?
- Chị muốn nói chuyện nhà trai hoãn lễ chứ gì?
- Vâng.
Lãng cười, thách đố cả thiên hạ:
- Nói xấu con gái nhà quan bằng chuyện lẩm cẩm đó... thật là... thật là...
- Nhưng vì sao có chuyện rắc rối, em biết chưa?
- Thì chuyện ganh tị.
An nhìn thẳng vào mắt em, không tin Lãng thành thực. Cuối cùng, chị nhất quyết nói, dù biết trước Lãng sẽ khổ sở:
- Thôi. Em chưa biết thì chị cho em biết. Cô Cúc bị ngờ có bệnh phong đấy. Hai má cô ấy đỏ au khác thường, vài người quen thân còn bảo vành tai cô ấy cũng đỏ và dày...
Lãng ngồi yên chờ chị nói hết. Anh chết lặng vì đột nhiên mọi sự trở nên rõ ràng, không thể nghi ngờ gì được. Đúng như thiên hạ đồn, Cúc có dấu hiệu của bệnh phong. Anh nhớ lại thái độ khác thường của Cúc hôm gặp anh ngoài chợ, nhớ đến ánh mắt đổi từ vui mừng sang hốt hoảng chới với. Nhớ cách nghiêng nón giấu mặt, nhớ đôi chân quấn xà cạp...
An thấy em ngồi sững, tìm cách an ủi:
- Thôi, số phần cô ấy hẩm hiu thì còn biết làm gì nữa. Đầu tiên chị cũng tưởng thiên hạ ganh tị nên đặt điều. Về sau, chị mới biết tất cả sự thực. Em thương người ta, đôi khi càng khiến người ta tủi thân. Lãng nên nghĩ lại.
Lãng ngồi lặng lẽ thật lâu, mắt nhìn lên trần nhà như sợ phải nhìn thấy sự thực ngang tầm cuộc đời. An lẳng lặng đi pha nước trà. Lúc trở lên, chị vẫn thấy Lãng giữ nguyên cách ngồi ấy. An nhắc:
- Em uống nước!
* * *
Lãng xấu hổ vì sự khác thường của mình.
Anh không hiểu người khác nghĩ về mình như thế nào, chứ riêng anh, anh không tìm được cái lý nào đủ vững để biện giải cho sự thờ ơ trước vận hội mới.
Làm sao quanh anh mọi người đang lăng xăng, cuống quít, đang đăm chiêu lo lắng, đang hăng hái rộn ràng, đang quằn quại đau đớn mà Lãng không hay biết gì? Giá anh xa lánh chỗ ồn ào bụi bặm, sống riêng biệt nơi một chùa vắng chỗ hang núi thì còn hiểu được. Đằng này anh vẫn chạm mặt họ hàng ngày. Nói cười với họ. Chịu đựng các va chạm với họ. Phải nghe tiếng lao xao của một cuộc sống lúc nào cũng hối hả, hoặc ngửi mùi mồ hôi của đồng loại. Tự nhiên trước mắt anh mỗi người không còn giữ được những nét riêng biệt, sắc sảo đủ để phân định rõ ràng người này với người khác. Họ nhòa đi, nhập thành cái gì trừu tượng, trở nên một ý niệm chung chung. Đối với Lãng chỉ có một điều cụ thể mà huyền diệu như một giấc mơ có thực: đó là tình yêu của anh. Phần còn lại nhòa đi như một ảo ảnh. Tình yêu ấy đã trải qua cơn thử thách tàn nhẫn, nghiệt ngã. Lúc An báo cho Lãng biết căn bệnh nan y của Cúc, Lãng chết lặng cả người vì điều bất ngờ. Nhưng buổi tối hôm ấy nằm một mình suy gẫm về mình, Lãng vẫn thấy lòng mình không đổi. Hơn thế nữa, hình như màu sắc của mối tình ấy đậm lại do cách trở không thể vượt nổi, và lạ lùng thay, cảnh huống éo le ấy khiến Lãng ngây ngất như uống rượu say. Anh đã nếm qua cảm giác say dại ấy một lần, lúc gặp Thọ Hương ở nhà chị. Lần này Lãng tìm lại đầy đủ niềm khoái lạc trước kia. Anh tự hỏi: Thế là thế nào? Ta thực sự yêu người, hay chỉ yêu một hình bóng? Ta mơ ước đoàn tụ, hay ta yếu đuối đến nỗi sợ chạm trán với thực tế, quay sang thờ phượng cách trở? Ta có bình thường như mọi người hay không?
Sau hôm gặp chị, Lãng tránh né không dám trở lại nhà An. Anh vẫn lén lút nhìn trộm bóng Cúc bên kia vườn. Hình như chuyện đó bị khám phá nên về sau, Cúc chỉ ở trong nhà. Anh phải tháp tùng viên Thị lang bộ Lễ ra Nghệ An biếu quà cho La Sơn phu tử mất nửa tháng. Trở về Phú Xuân, anh được tin bệnh của Cúc phát nặng. Vết lở ở chân loang ra làm co rút mấy ngón, da mặt sượng sần, mí mắt bắt đầu húp. Trần Văn Kỷ khổ sở, và mỗi lần gặp Lãng, quan Trung thư nhìn anh vừa xót xa vừa ái ngại. Nhưng tuyệt nhiên họ không nói xa nói gần gì đến chuyện Cúc. Lãng nhận thấy cách đối xử của Trần Văn Kỷ đối với mình đổi khác, gần như thân ái bao dung như cha đối với đứa con bất hạnh. Quan Trung thư trở lại bàn luận với Lãng về văn chương, về đạo học, về tình thế. Đi xa hơn nữa, ông dám thổ lộ với Lãng nhận xét của ông về các quan trong triều. Lúc đó, Lãng mới ý thức trở lại tất cả sự phức tạp của đời sống, sự bất trắc của đường đời, và gần hơn hết là dấu hiệu báo trước những biến cố vĩ đại sắp xảy đến như cơn bão làm đảo lộn toàn cõi đất nước. Như người vừa đau dậy, Lãng nao nức được sống trọn vẹn, được tham dự, được xông pha giữa cõi bất trắc. Nhớ đến lời An hôm trước, Lãng tự hỏi: "Ta sắp đuổi theo cái gì nữa đây?" Anh không vội tìm câu trả lời, nhưng đã tự tín hơn nhiều. Như một kẻ có khả năng đoán trước thời tiết, anh tin sẽ có cái gì mới mẻ, vĩ đại, đẹp đẽ, trọn vẹn, như một giấc mơ có thật đang thành hình. Đó là tâm trạng của Lãng khi mùa đông Mậu Thân bắt đầu.
(1) Theo tóm tắt chiến sự của Tạ Chí Đại Trường trong Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, trang 194.