Dù sao ba tôi cũng đã thực hiện lời hứa của mình, ông đã giảm bớt rượu dù không phải dễ dàng gì. Mỗi tuần chỉ uống một hai lần chứ không như lúc trước ngày nào cũng uống. Và ông cũng không uống nhiều như mọi khi, còn biết chừa đường về nhà và giữ tư cách đúng mực. Những trận cãi vã giữa mẹ và ba giảm dần rồi ngưng hẳn. Tôi không mong gì hơn thế. Anh Khương cũng rất vui. Buổi tối anh chở tôi đi ăn chè thập cẩm ở quán nằm cạnh nhà:
- Có vẻ ba mẹ đã hòa bình trở lại.
Tôi khẽ gật đầu:
- Em cũng nghĩ như vậy. Hy vọng lần này ba mẹ sẽ không cãi nhau nữa.
- Ừ, mỗi lần nghĩ đến ba mẹ cãi nhau là anh lại muốn bỏ nhà đi thêm lần nữa. Nếu đi, lần này nhất định anh sẽ không để ba mẹ dễ dàng tìm thấy như lần trước. Anh sẽ không tiết lộ với bất kỳ ai, kể cả em. Tại em mà hỏng kế hoạch của anh.
Tôi lảng sang chuyện khác:
- Anh Hai có nhớ chú Trọng không?
Anh gật đầu:
- Nhớ chứ. Chú ấy rất tốt với nhà mình.
- Anh có ý địnhđi thăm chú ấy không?
Anh suy nghĩ một lát rồi gật đầu:
- Có, Chủ nhật này anh em ta sẽ đến nhà chú ấy nhé? Em đừng hé răng để ba mẹ biết chuyện này.
- Tất nhiên rồi. Em cũng muốn gặp chú Trọng để hỏi cho ra lẽ, tại làm sao chú ấy không đến nhà mình nữa. Tại sao ba mẹ lại có thái độ khác với chú ấy. Chuyện gì đã xảy ra với mọi người. Nói chung, em muốn biết tất cả.
- Vậy thì, đúng tám giờ sáng ngày Chủ nhật tuần này chúng ta sẽ đến nhà chú ấy nhé?
- Gặp được anh em mình chắc chú ấy mừng lắm. – tôi tưởng tượng gương mặt chú ngạc nhiên và rạng rỡ như thế nào khi chú mở cửa ra và nhìn thấy anh em tôi. Tôi thích cái kiểu hấp háy mắt một cách khôi hài của chú.
- Gặp chú em sẽ yêu cầu những gì? – anh hỏi.
Không cần suy nghĩ tôi đáp liền:
- Tất nhiên, em sẽ bảo chú ấy dẫn anh em mình đi ăn kem, sau đó vào nhà sách đọc trộm truyện tranh. Còn anh thì sao? Nhất định anh sẽ đề nghị chú ấy đưa đến công viên, chứ gì?
Anh Khương lắc đầu:
- Anh không thích đi chơi công viên nữa. Anh đã lớn rồi không còn thích hợp với những trò chơi công viên nữa, có lẽ, anh sẽ đề nghị chú ấy đưa đến nhà văn hóa thanh niên xem ca nhạc, biểu diễn thời trang, hoặc đi câu cá, xem đá bóng, xem phim. Nếu chú ấy bận thì đơn giản là chú cháu ngồi bên cạnh nhau cùng tán gẫu để giết thời gian, thế thôi. Anh thích nghe chú kể chuyện. Phải thừa nhận là chú kể chuyện rất hay, nghe hoài mà không thấy chán.
Tôi gât đầu tán đồng:
- Đúng vậy,cũng là câu chuyện như thế nhưng qua cách diễn tả của chú mọi thứ trở nên hấp dẫn vô cùng. Chú có tài làm cho người nghe phải nín thở. Tại sao chú không lấy vợ, anh nhỉ?
- Anh cũng không biết. Đôi khi chú có vẻ khó hiểu. Có lần, anh từng nghe ba kể lại, chú ấy đã từng chuẩn bị lấy vợ nhưng không hiểu sao cuối cùng mọi việc lại không thành.
Tôi thốt lên ngạc nhiên:
- Ồ, có chuyện đó nữa à! Vậy mà, em chưa từng nghe chú ấy nói đến bao giờ cả. Em thấy chú có vẻ dửng dưng với phụ nữ. Trong những câu chuyện hàng ngày chú ấy chẳng bao giờ nhắc đến phụ nữ.
Anh Khương cầm thìa vét những hạt đậu cuối cùng trong cốc:
- Ai lại kể chuyện này cho trẻ con nghe bao giờ. Đó là chuyện của người lớn, anh em ta cũng không nên biết làm gì. – Ăn xong cốc chè, anh đặt cốc xuống rồi đưa mắt nhìn tôi:-Em ăn thêm cốc chè nữa nhé?
- Thôi, em ngán rồi. Nếu anh thích thì gọi thêm một cốc cho mình.
.- Ăn một mình buồn lắm. Vả lại anh cũng đã no rồi. Lúc chiều anh ăn những bốn bát cơm lai tráng miệng bằng hai quả chuối. Bụng anh no cành rồi chẵng chứa được thứ gì nữa.
Người phục vụ mang ra hai cốc nước đá bào nhuyễn. Tôi đổ nước vào đấy rồi đưa cho anh một cốc:
- Uống nước xong mình về anh nhỉ?
Anh Khương gật đầu:
- Ừ, về thôi. Anh còn nhiều bài tập phải làm. – Đoạn anh lấy tay che miệng ngáp vặt mấy cái:- Buồn ngủ quá. Thi tốt nghiệp xong, anh sẽ ngủ luôn ba ngày ba đêm cho đã mắt thì thôi.
- Thì những ngày nghỉ anh cứ việc ngủ thoải mái có ai cấm đoán anh đâu.
- Em không thấy những ngày ấy anh thậm chí còn bận rộn hơn những ngày thường nữa là đàng khác. Buổi sáng anh phải đi học thêm môn toán. Buổi chiều môn Anh văn. Tối học thêm môn lý, rồi còn phải chuẩn bị bài cho ngày hôm sau, rối tinh cả lên,đến nỗi anh chẳng còn thời gian để thở..
Tự nhiên tôi hỏi một câu lãng xẹt:
- Anh Hai ơi, anh đã có bạn gái chưa?
Anh nhìn tôi ngơ ngác rồi bỗng cười phá lên:
- Sao em lại hỏi anh câu ấy? Bộ trông mặt anh giống người đã có người yêu lắm hả?
- Không phải, tại em thấy nhiều người cũng độ tuổi như anh đã có người yêu nên mới hỏi thế.
- Anh chưa bao giờnghĩ đến chuyện này. Việc trước mắt của anh là vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và đủ điểm để vào đại học. Em toàn hỏi anh những câu quá bất ngờ.
- Anh sẽ có người yêu chứ?
Anh xòe bàn tay đặt lên đầu tôi và lắc lắc mấy cái:
- Xong rồi, mình về thôi, nhóc con ạ. Nói chuyện với em chỉ tốn thời gian.
Tôi lắc đầu:
- Nhưng em chưa muốn về. Em muốn ngồi lại thêm thêm chút nữa. Ở đây Thật dễ chịu. – tôi nhình anh cất giọng nghiêm trọng:- Anh sẽ thi vào khoa công nghệ thông tin chứ?
Đang vui, anh bỗng trở nên chán nản:
- Có lẽ như thế. Thật tình anh không thích công việc này. Dù sao đó cũng là ý muốn của ba mẹ.
- Không thích thì thi vào để làm gì? Tại sao người takhông thể sống theo ý thích của mình chứ? Tại sao anh không dám nói thẳng với ba mẹ chuyện này. Anh có cần em nói giúp không?
- Vô ích thôi, chẳng hy vọng gì đâu, bởi anh biết mọi người sẽ không đồng ý. Anh đã vài lần nói bóng gió thích nghề nhà giáo và lần nào cũng bị ba gạt phắt đi. ba bảo ngề bán cháo phổi đó bạc bẽo lắm lại thu nhập với đồng lương chết đói. Ba muốn anh trở thành một giám đốc công ty phần mềm danh tiếng tương tự như ông Bill Gate bên nước Mỹ. Buồn cười quá phải không em.–Im lặng một lúc. Anh nhìn tôi bằng ánh mắt giễu cợt:- Anh thật sự ngạc nhiên, sao hôm nay em nói chuyện giống hệtbà cụ non.
Tôi phì cười:
- Trông em giống bà cụ lắm hả, anh Hai?
Anh gật đầu, nheo mắt nhìn tôi tinh nghịch:
- Ừ, giống lắm, em là bà cụ non chưa trưởng thành. Thôi, anh em mình về kẻo ở nhà ba mẹ sốt ruột, anh em mình đi chơi cũng lâu rồi.
Chúng tôi trở về nhà. Vừa bước vào nhà, chúng tôi đã nghe tiếng mẹ sang sảng từ phòng khách vọng ra. Ba đang ngồi đối diện với mẹ, người rũ xuống như tàu lá héo. Mẹ nhìn cha bằng cái nhìn phán xét của một quan tòa nghiêm khắc trước tội nhân:
- Càng lúc em càng khinh bỉ…-mẹ chưa nói hết câu vừa nhìn thấy chúng tôi đã lảng sang chuyện khác:- Hai anh em đi đâu mãi giờ này mới về.
Ba đưa mắt nhìn tôi ngượng ngùng rồi day mặt sang hướng khác. Tôi và anh Khương bước thẳng lên phòng mình. Mẹ khinh bỉ ai, tôi nhủ thầm, nếu người ấy không phải là ba? Ba đã phạm những sai lầm gì khiến mẹ phải nặng lời đến thế. Và tại sao ba lại ngồi im cam chịu cơn thịnh nộ của mẹ? Bao nhiêu câu hỏi cứ ám ảnh tôi suốt buổi tối. Tôi tự nhiên cảm thấy ghét mẹ và tội nghiệp cho ba.
Cứ thế ba mẹ tôi trở thành những diễn viên hoàn hảo. Trước mặt con cái họ đóng vai hạnh phúc thật tròn trịa, và khi khuất mắt chúng tôi chỉ còn lại là sự đổ vỡ và căm ghét lẫn nhau. Có lúc, tôi thầm mong mình chóng lớn để rời khỏi ngôi nhà này. Cũng như anh Khương, tôi sẽ đi thật xa để không ai có thể tìm kiếm được.
Chưa bao giờ tôi chán ngôi nhà của mình như lúc này.