Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Thượng Đế Tật Nguyền

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 47582 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thượng Đế Tật Nguyền
Khúc Thụy Du

Chương 15

Nội đi rồi, gia đình trở lại sinh hoạt bình thường. Ba tôi mỗi sáng vẫn đến cơ quan, hai anh em tôi tiếp tục đến lớp và mẹ thì vẫn bận rộn với việc nội trợ trong nhà. Ba đã mua cho anh Khương chiếc xe đạp hiệu Martin. Anh có vẻ thích chiếc xe màu xanh nước biển này. Anh Khương biết đi xe từ hồi còn là cậu học sinh cấp một. Nhiều lần anh đề nghị ba mẹ mua cho anh một chiếc nhưng ba mẹ tôi lo sợ anh bị tai nạn nên không chiều ý. Mãi sau có sự can thiệp của nội, anh tôi mới được toại nguyện. Bây giờ anh đến trường bằng chiếc xe đạp ấy, ba tôi không phải mất thời gian đưa rước.

 

Những lúc rảnh rỗi, anh Khương thường lấy giẻ lau xe. Anh làm công việc đó rất cẩn thận. Sau khi chắc chắn đã sạch anh mới cất giẻ, rửa tay và đừng từ xa ngắm nghía nó như một báu vật:

- Bé Vy có đi chơi không?

Tôi gât đầu:

- Đi!

- Leo lên anh chở.

 

Anh đạp xe chạy lòng vòng khắp phố đến khi mỏi chân thì ghé vào quán nước mía bên vệ đường. Hai anh em vừa uống nước mía vừa trò chuyện vui vẻ:

- Em thích đạp xe không?

- Thích!

- Chủ nhật này anh sẽ tập cho em đi xe nhé. Nhưng em không được nói cho mẹ biết. Xe cao, em chống chân không tới dễ bị ngã lắm.

Uống xong cốc nước, anh lại tiếp tục chở tôi lòng vòng. Đi ngang nhà sách, tôi đề nghị anh ghé vào đọc truyện tranh. Anh đồng ý.

- Em chỉ xem một quyển thôi nhé. Muộn rồi.

Tôi lấy một quyển chui vào một xó. Nhưng tôi không thể nào tập trung đọc sách. Tôi nhớ chú Trọng, nhớ khủng khiếp.

- Mình về nhà thôi, anh Hai.

Anh Khương nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Em chưa đọc trang nào mà. Sao lại đòi về?

Tôi im lặng không nói gì. Anh ra bãi lấy xe. Suốt đoạn đường về nhà hai anh em không nói với nhau lời nào.

 

Từ sau lần ông nội ghé thăm, ba tôi có vẻ biến thành người khác, mặc dù trước mặt chúng tôi ông vẫn cười nói vui vẻ, thỉnh thoảng ông vẫn buông ra những câu bông đùa khiến anh em tôi cười ngặt nghẽo. Nhưng tôi cảm thấy đàng sau những tiếng cười đó dường như chất chứa một nỗi buồn u ẩn. Ông thường rời nhà từ lúc sớm và trở về rất muộn, có khi, đến tận nửa đêm. Chúng tôi bắt đầu quen dần bữa tối chỉ có ba người.

- Mẹ ạ, dạo này con thấy ba kỳ lắm.

Mẹ gắp thức ăn cho anh Khương vừa ngước mắt nhìn tôi:

- Con thấy như vậy sao?

Tôi gật đầu:

- Vâng, dường như ba có chuyện phiền toái trong lòng..

Mẹ nạt ngang:

- Con chỉ khéo duy diễn lung tung. Dạo này cơ quan nhiều việc ba phải tranh thủ làm thêm buổi tối.

- Nhưng, chẳng lẽ ngày nào cũng vậy? Nhiều lần con ngửi thấy ba thở ra toàn mùi rượu.

- Ba con phải tiếp khách. Cuối năm khách khứa liên miên. Khách uống rượu thì ba con cũng phải uống chứ. Quy tắc xã giao đó con phải biết chứ.

 

Tôi không thể bắt bẻ những lý lẽ của mẹ. Nhưng rõ ràng có điều gì bất ổn bên trong, mà mẹ cũng cố tình giấu tôi.

 

Ăn cơm xong, chúng tôi tản ra mỗi người một hướng. Tôi về phòng mình lấy bài vở ra học. Trong tất cả các môn học tôi ghét nhất môn địa lý, bởi môn này rất khó học thuộc. Tôi cứ lẫn lộn giữa kinh tuyến với vĩ tuyến, thời gian chênh lệch giữa hai cực trái đất. Tôi cũng không sao nhớ được những ký hiệu, màu sắc biểu tượng rối rắm. Tôi thầm ước ao, giá như không có môn học này lũ học sinh chúng tôi sẽ hạnh phúc biết bao.

 

Học bài xong, tôi xuống phòng khách xem ti vi. Lúc này ti vi đang phát bộ phim hài của Mỹ. Mẹ tôi cũng đang có mặt ở đấy. Tôi bước đến ngồi xuống bên cạnh mẹ. Mẹ vừa dán mắt vào màn hình vừa nói chuyện với tôi:

- Đã thuộc bài chưa mà xuống đây?

- Thuộc rồi. – tôi đáp liều, thật ra môn địa lý tôi chưa thuộc lắm, có vài chỗ bị vấp:- Phim chiếu lâu chưa mẹ?

- Mới chiếu được khoảng mười phút. Con đã đánh răng tối chưa?

- Rồi, -  tôi đáp:- Ăn cơm xong là con đánh răng liền.

- Anh Hai con đang học bài hay đã ngủ?

Tôi lắc đầu:

- Con không biết. Con thấy phòng anh Hai không mở đèn.

- Có lẽ, anh con mệt quá đi ngủ sớm rồi. Đêm qua, anh con hầu như thức trắng cả đêm để học bài.

- Sao anh Hai học nhiều vây, mẹ?

Mẹ giải thích:

- Năm cuối cấp bài vở nhiều lắm. Thấy anh con học hành vất vả quá, mẹ thương đứt ruột. Vượt qua kỳ thi này mẹ sẽ cho cả nhà đi du lịch một chuyến xả hơi. Con cũng đi nghỉ sớm đi, trẻ con không được thức khuya.

Tôi nũng nịu:

- Lúc nào mẹ cùng xem con là trẻ con! Xem xong bộ phim con ngủ.

- Mười ba tuổi không phải trẻ con là gì. Con nhỏ này giỏi lý sự ghê nhỉ! – mẹ đưa ngón trỏ day day lên trán tôi.

Tôi cười vang. Chúng tôi vừa xem phim vừa cắn hạt dưa. Mẹ tôi chốc chốc lại xem đồng hồ và có vẻ sốt ruột.

- Ba về muộn quá, mẹ nhỉ?

 

Mẹ im lặng, gương mặt thoáng buồn. Trên ti vi đang diễn ra tình huống gây cười nhưng cả tôi và mẹ đều im lặng. Chuông đồng hồ gõ nhịp mười tiếng đều đặn. Mẹ nói lẩm bẩm, mười giờ rồi.

 

Tôi ngáp vặt mấy cái. Mẹ giục tôi đi ngủ nhưng tôi muốn xem nốt bộ phim:

- Phim, sắp hết rồi mà, mẹ.

Mẹ nhìn tôi trách yêu:

- Ngủ trễ thế nào sáng nay cũng dậy muộn cho mà xem. Con gái lớn đầu, khó dạy quá không biết.

Tôi cười cười:

- Tại con giống mẹ đấy!

Mẹ phì cười:

- Cô chẳng giống tôi điểm nào cả. Cô giống lão Lập nhà này.

- Con giống ba, mẹ không thích sao?

- Thích cái nổi gì! Chỉ mỗi mình ba con mẹ đã rầu sẩu mình rồi. Hết phim rồi đi ngủ đi.

 

Tôi đứng dậy chưa kịp bước đi thì bên ngoài có tiếng gọi cửa, lại là âm thanh kéo nhựa của ba tôi:

- Mở cửa! Mở cửa! Làm gì mà lâu thế?

 

Mẹ tôi bực mình đứng dậy, bước ra mở cửa. Ba tôi đã say quá, ông không thể dắt nổi chiếc xe vào nhà.

 

Mẹ tôi giúp ba đẩy xe vào. Ông đi thẳng vào phòng khách rồi gieo người nặng nề xuống bộ ghế xa lông. Ba hướng ánh mắt đờ đẫn về phía tôi.

- Sao giờ nay con chưa ngủ? Lấy cho ba cốc nước, khát quá.

Tôi lại tủ lạnh lấy nước cho ba. Ba cầm lên, lại đặt xuống rồi ôm mặt khóc rưng rức. Mẹ tôi cằn nhằn:

- Mỗi lúc anh càng trở nên bệ rạc. Ngày nào cũng nốc đầy bụng rượu rồi khóc lóc như trẻ con. Tôi cũng chán lắm rồi.

Mẹ tỏ vẻ mệt mỏi. Tôi đưa mắt nhìn ba. Dạo này, ba khác nhiều quá, ba gầy hơn và có vẻ buồn nhiều.

- Bé Vy đi ngủ, - mẹ tôi ra lệnh. Đoạn mẹ day mặt về phía ba:- Nếu anh cảm thấy rượu có thể giải quyết được tất cả thì cứ việc uống, uống đến chừng nào chết thì thôi.

- Mặc xác tôi! – ba gào lên:- Tôi không muốn ai quan tâm đến tôi cả. Nếu chán tôi, cô cứ việc đi ra khỏi nhà này!

- Anh không phải đuổi. Tôi cũng chẳng muốn nấn ná trong  ngôi nhà này nữa, nếu không có lũ trẻ tôi đã ra đi từ lâu rồi. Chồng với con!

 

Thế là xảy ra cãi vã. Tôi chán nản trở về phòng mình. Lát sau tôi nghe tiếng khóc của mẹ. Mẹ tôi vốn là người mau nước mắt. Tự nhiên tôi nhớ đến chuyện anh Khương bỏ nhà ra đi. Giá như tôi đừng nói ra, có lẽ, bây giờ ba mẹ tôi đang sốt vó đi tìm và chẳng có thời gian để cãi nhau, tôi nhủ thầm rồi chìm dần vào giấc ngủ.

 

Tỉnh dậy, ba tôi có vẻ biết lỗi, ông tìm cách bắt chuyện với mẹ nhưng mẹ tôi chẳng thèm đả động đến, bà im lặng thực hiện phận sự của mình với gương mặt vô cảm. Thỉnh thoảng mẹ ném về phía ba những cái nhìn khinh bỉ.

 

Anh Khương thường rời nhà sớm hơn mọi người, đơn giản là anh đi bằng xe đạp. Mẹ tôi cho tiền mỗi ngày chỉ đủ ăn sáng và gửi xe. Mỗi tuần, ba tôi lén cho anh một ít tiền để tiêu vặt. Tất nhiên mẹ không biết chuyện này. Thỉnh thoảng tôi cũng xin tiền anh Khương và bao giờ anh cũng cho tiền một cách vui vẻ.

- Bao nhiêu đây đủ không, nhóc?

- Anh lớn hơn em bao nhiêu mà gọi em là nhóc? Em giận rồi, chẳng cần tiền của anh nữa.

Anh phì cười:

- Thôi mà, nhóc, tại anh quen miệng rồi, để từ từ anh sửa.

Lời hứa của anh như cá trê chui ống. Anh vẫn gọi tôi là nhóc. Đồ nhóc con. Tôi ghét cay ghét đắng cách gọi này. Bỗng dưng tôi nhớ đến chú Trọng. Chú vẫn thường gọi tôi là nhóc.

Ba đưa tôi đi học. Hôm nào có thời gian, ba đưa tôi đi ăn sáng. Ba thích ăn món mỳ hoành thánh. Tôi không món ấy. Tôi thích món hủ tíu Nam Vang.

- Chú Trọng cũng rất thích món mỳ hoành thánh – ba nói.

- Sao lâu quá không thấy chú Trọng đến nhà mình vậy, ba? Con nhớ chú ấy quá hà!

Ba im lặng, mắt nhìn mông lung, nén tiếng thở dài rồi lãng sang chuyện khác:

- Ăn nhanh đi con kẻo trễ giờ vào lớp.

Không khí bữa ăn bỗng trở nên nặng nề kém vui. Tôi muốn biết thêm nhiều điều về chú Trọng, nhưng thấy ba buồn nên không tiện nói.

- Sao ba uống rượu hoài vậy?

- Tại ba buồn.

- Ba buồn chuyện gì? Có phải ba buồn mẹ không? Tại sao ba lại buồn mẹ? Con thấy mẹ chẳng có lỗi gì cả. Thỉnh thoảng con thấy mẹ ngồi khóc một mình. Tất cả là tại ba đấy. Con thấy anh Hai cũng buồn.

Ba thốt lên ngạc nhiên:

- Có chuyện đó nữa à? Ba sai rồi. – ba đưa tay ôm lấy mặt rồi thở hắt ra một cái:- Ba hứa từ nay sẽ giảm bớt rượu chè.

Tôi nói như reo:

- Ba hứa với con rồi đấy nhé. Người lớn là không được nuốt lời đâu.

 

<< Chương 14 | Chương 16 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 705

Return to top