Tôi nhanh chóng thích nghi với những thay đổi mới. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi sống trong nhà chú Trọng. Thật tình cũng có những bất tiện nhỏ nhưng tôi đã nhanh chóng làm quen. Anh Khương lại khác, anh thích nghi rất chậm. Mấy đêm đầu do lạ chỗ anh không ngủ được cứ trằn trọc mãi. Những lúc không có việc gì làm, anh chỉ ngồi yên một chỗ không chạy nhảy nghịch ngợm như lúc còn ở nhà. Nhà vệ sinh của chú Trọng không lắp ổ khóa, mỗi lần đi vệ sinh tôi cứ sợ ai đó sẽ nhìn thấy. Chú Trọng bèn mua ổ khóa mới lắp vào. Trường của anh Khương cùng hướng đến cơ quan của ba. Trường của tôi cùng hướng với công ty chú Trọng. Mỗi buổi sáng hai người đàn ông có nhiệm vụ đưa hai anh em tôi đến trường. Chiều tan sở thì tạt qua rước chúng tôi về. Cũng có khi ba hoặc chú Trọng bị bận mẹ phải đi đón chúng tôi. Mỗi buổi sáng hai chú cháu rời nhà rất sớm. Chú đưa tôi đi ăn sáng trước khi đến lớp. Lần nào cũng vậy, hễ tôi vừa thót lên xe là chú luôn bắt đầu bằng câu nói:
- Sáng nay chú cháu ta ăn gì, cô sinh viên?
Chú gọi tôi là sinh viên. Và tôi thích cách gọi như thế:
- Ăn phở đi,chú.
- Ăn mãi một món không chán à? Chú cháu mình ăn cơm tấm nhé? Chú biết một quán cơm ngon mà rất rẻ.
Tôi gật đầu. Chú cho xe đi chầm chậm vượt qua những dãy phố ngoằn ngoèo rồi dừng lại trước quán cơm nằm cạnh bờ sông.
- Quán cơm này mở cửa từ sáng đến đêm, những lúc lười chui vào bếp chú thường đến đây giải quyết sự cố cái dạ dày.
Chú chọn một chiếc bàn trống kê sát vỉa hè rồi uống một cốc nước trà đá. Nhân viên phục vụ quán bước đến hỏi chúng tôi ăn gì. Chú nhìn tôi nói:
- Cháu ăn gì?
Tôi còn đang suy nghĩ thì chú liền gợi ý:
- Cơm sườn nhé.
Tôi gật đầu. Chú day mặt về phía người phục vụ:
- Cho hai đĩa cơm sườn.
Phải công nhận cơm ở đây rất ngon. Sườn nướng rất thơm. Chú cháu tôi vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.
- Hôm nay cháu học những môn gì?
- Toán, Anh văn và tự nhiên xã hội.
- Cháu học giỏi môn nào nhất?
- Tất nhiên là toán. Cháu luôn được điểm mười môn toán.
- Còn môn văn thì sao?
- Cháu học không giỏi môn này. Và thường viết sai chính tả.
- Vậy cháu phải chăm đọc sách vào.
Tôi ngơ ngác:
- Đọc sách thì có dính dáng gì đến chuyện học của cháu?
- Có chứ, – chú ngừng nhai:- Đọc sách thường xuyên sẽ giúp cháu học tốt môn chính tả và những bài tập làm văn. Chú sẽ mua cho cháu vài quyển sách.
- Cháu không thích đọc sách, chỉ thích đọc truyện tranh thôi.
Bao giờ chú cũng ăn xong trước tôi. Trong khi tôi cố ăn nốt phần cơm còn lại thì chú ngồi uống nước trà đá trong chiếc ca nhựa và hút một điếu thuốc.
- Hãy còn sớm. Ăn chậm thôi kẻo bị nghẹn. Lần sau chúng ta sẽ ăn cơm chả. Món chả ở đây rất ngon. Ở nhà chú, cháu có thấy thoải mái không?
Tôi gật đầu. Và đột nhiên hỏi chú:
- Chú làm công ty gì vậy?
- Chú làm việc ở nhà máy bia.
- Chú làm công nhân hay cán bộ?
Chú nhìn tôi bằng ánh mắt khôi hài:
- Sao điều tra lý lịch chú kỹ thế? Chú là trưởng phòng tổ chức.
Tôi lại hỏi:
- Vậy chức của chú có lớn hơn chức ba cháu không?
- Ba cháu làm phó giám đốc. Tất nhiên chức vụ cao hơn chú. Ăn xong rồi thì uống nước đi không thôi vào lớp bị khát nước.
Chú rót cốc nước đưa cho tôi rồi thanh toán tiền cơm. Tôi trèo lên xe. Chú cho xe vọt đi. Đường phố vào giờ này đông như mắc cửi. Tiếng động cơ ầm ầm hòa lẫn cùng mùi khói khét lẹt đến ngạt mũi.
- Chú với ba cháu quen nhau từ khi nào vậy?
Chú lách xe, vượt qua chiếc xe tải rồi ngoảnh mặt về phía sau, nói:
- Sao hỏi nhiều vậy? Chú và ba cháu quen nhau từ khi còn học chung một trường đại học. Ba cháu học trên chú hai khóa. Trả lời như thế được chưa, cô sinh viên bé bỏng?
Chú dừng xe trước cổng trường. Tôi bước xuống xe và khoác chiếc cặp lên vai.
- Cháu có tiền ăn quà vặt chưa?
- Có rồi ạ, sáng nay mẹ cháu đã đưa cho cháu.
Chú đưa cho tôi vài tờ tiền lẻ:
- Cháu cầm thêm một ít tiêu vặt.
Tôi lắc đầu từ chối. Chú nhét tiền vào túi áo của tôi:
- Thôi chú đi đây. Hôm nay phải mang về cho chú điểm mười nhé.
Buổi tối cả nhà quây quần bên mâm cơm. Mẹ tôi bao giờ cũng chuẩn bị vài món để hai người đàn ông nhấm rượu. Chú có vẻ rất vui. Cả ba tôi cũng thế, ông cười nói luôn miệng trong suốt bữa ăn.
- Nhờ có chị Thương mà tôi đã chữa khỏi chứng suy dinh dưỡng mãn tính – chú vừa nói vừa gắp thức ăn cho mọi người:
- Chị biết rồi đó, đàn ông độc thân rất lười chui vào bếp. Vả lại tôi cũng chẳng biết nấu món gì ngoài món trứng rán và rau luộc.
- Sống mãi như thế này không phải là cách hay. Sao anh không chịu lập gia đình. Người phụ nữ là bếp lửa trong ngôi nhà, không có những người đàn bà chúng tôi ngôi nhà trở nên hiu quạnh.
Chú nhấp một ngụm rượu rồi mân mê chiếc cốc rỗng trong lòng bàn tay. Chú bao giờ cũng biết điều độ, mỗi bữa cơm chỉ uống vàichung nhỏ:
- Trên đầu gần có hai thứ tóc rồi , lấy ai được nữa hả, chị?
- Đàn ông lấy vợ chẳng bao giờ muộn cả. Có học thức, có nhà riêng, thu nhập ổn định, muốn lấy ai mà chả được. Chỉ cần anh hét lên một tiếng là các cô rồng rắn đến đây ngay.
Ba tôi nheo mắt nhìn chú cười cười:
- Để anh giới thiệu một cô cho chú. Công ty của anh có vài cô chưa chồng tốt nghiệp đại học hẳn hoi và hình thức cũng dễ nhìn.
- Anhcó cần người giới thiệu không? Tôi sẽ giúp anh. – mẹ tiếp lời.
Chú lắc đầu xua tay lia lịa:
- Sống như thế này đã quen rồi. Tôi không muốn thay đổi.
Mẹ nhìn chú thở dài:
- Có ai quen được với cô đơn đâu. Anh là người đàn ông lập dị nhất mà tôi từng biết đến.
Ba đưa mắt nhìn chú. Cái nhìn đầy ẩn ý. Rồi mọi người cùng im lặng đến cuối bữa cơm.
Buổi tối. Mẹ tôi loay hoay với việc dọn dẹp,giặt giũ, tôi và anh Khương dán mắt vào chiếc ti vi, thì ba tôi và chú Trọng tót lên gác tán gẫu. Chẳng biết hai người đàn ông đã nói những gì mà thỉnh thoảng ba tôi lại cười ré lên có vẻ thích thú lắm. Ba tôi tỏ vẻ vui và yêu đời hơn lúc còn ở nhà cũ.
Do tầng trệt hơi chật, mẹ tôi định để anh Khương ngủ với chú Trọng. Nhưng anh không chịu, vin cớ là không quen nằm với người lạ.
- Để anh ngủ với chú ấy.
Thế là từ đêm hôm ấy, ba lên gác ngủ với chú Trọng. Còn lại ba người chúng tôi nằm ở dưới nhà. Có đêm tôi chợt thức giấc thấy đèn trên gác còn sáng, ba từ trên bước xuống đi thẳng vào nhà vệ sinh. Lát sau đến lượt chú Trọng.
Dạo ấy ba mẹ tôi bị quay tít như đèn cù. Ba tôi ngoài giờ làm việc ở cơ quan còn phải tranh thủ đảo qua ngôi nhà đang xây xem xét như thế nào. Mặc dù bên thầu nhận khoán toàn bộ nhưng cũng cần phải kiểm tra cẩn thận lơ tơ mơ là họ qua mặt dễ như bỡn, chỉ cần đổi mác xi măng và đường kính của thép là đã thiệt hại khối tiền. Mẹ tôi ngoài việc cơm nước, giặt giũ cũng phải có mặt tận nơi để giải quyết công việc khi cần thiết. Do quá vất vả và lo lắng nên chỉ chưa đầy một tháng mà cả hai đã sụt cân thấy rõ. Nhất là mẹ, gương mặt hốc hác, đôi lưỡng quyền nhô cao trông mẹ già đi mấy tuổi.
Buổi chiều ba tôi đang làm việc ở cơ quan thì có điện thoại của ông Quyền chủ thầu. Giọng ông hơ hải trong ống nghe:
- Anh Lập đó hả? Anh về ngay đi, xảy ra sự cố rồi!
- Chuyện gì thế? Tôi đang bận họp. Chốc nữa nhé?
- Họp hành gì nữa. Việc gấp lắm, anh phải về ngay. Lão Sáu Khoan, chủ nhà bên cạnh gây khó dễ không cho chúng tôi tiếp tục thi công. Họ đông và rất dữ tợn, và còn đe sẽ phá sập ngôi nhà. Tình hình như thế này tôi cũng đành bó tay thôi.
Ba tôi tức tốc chạy về nhà. Lúc này mẹ tôi và chú Trọng cũng đã có mặt. Ba tôi lách khỏi đám đông bước vào. Lão Sáu Khoan cởi trần, mặc quần xà lỏn đang hò hét chỉ huy đám con cháu khiêng đống dụng cụ thợ nề vất ra phía ngoài.
- Dừng tay! Chuyện đâu còn có đó, các người không được làm như vậy.
Đoạn ba day mặt về phía lão Sáu Khoan, nói bằng giọng từ tốn:
- Nhà tôi cất có giấy phép, không vi phạm thiết kế trong bản vẽ tại sao chú lại cản trở công việc của chúng tôi.
- Nhà này xây lấn phần đất của tao, vì thế, tao không cho xây, thế thôi.
Ba tôi lấy bản vẽ đưa cho lão:
- Chú xem đi. Chúng tôi xây cất hoàn toàn trên phần đất của mình, chẳng vi phạm ranh giới của ai cả. Đây là phần đất của chúng tôi, trước kia tôi không sử dụng đến nênlàm hàng rào, bây giờ tôi đưa phần đất đó vào sử dụng. Tất cả đều thể hiện trong bản vẽ hồ sơ nhà.
- Tao không xem. Đứa nào léng phéng tao chém!
Đám con cháu của lão cũng hùa vào. Một người nói ngang ba làng cãi không lại, đàng này có đến cả chục người chẳng phải ít. Ba tôi nhìn chú Trọng thở dàibất lực. Mẹ tôi bèn xuống nước nhỏ:
- Chú Sáu à, chúng ta cùng là chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau..
Lão Sáu Khoan nóng nảy cướp lời:
- Tôi chẳng xóm giềng gì với các người. Tôi nghèo trớt, còn các người giàu nứt vách làm sao là xóm giềng với nhau.
Chẳng qua, con gà ghét nhau bởi tiếng gáy. Lời quatiếng lại, rốt cuộc xảy ra xô xát. Người con trai út của lão bỗng xông vào xô ba ngã ngược về phía sau. Thấy vậy, chú Trọng bèn xông vào can ngăn lập tức bị một cú gậy vụt ngayđầu, chú té úp mặt xuống đất và xỉu ngay tại chỗ. Đám đông lập tức tản ra. Ba vội đưa chú Trọng vào bệnh viện.
Rất may, kết quả chụp cắt lớp chú không bị chấn thương sọ não, tuy nhiên cũng phải điều trị vài ngày. Ba tôi xin nghỉ không lương để chăm sóc chú. Việc cất nhà bị hoãn lại. Sau khi xảy ra sự cố, lão Sáu Khoan có đến bệnh viện xin lỗi và xin chịu toàn bộ chi phí điều trị:
- Tôi thật hồ đồ. Thành thật xin lỗi chú. Bây giờ xảy ra sự việc đáng tiếc này, tôi xin chịu hoàn toàn chi phí điều trị, chỉ xin chú bãi nại để thằng út, con tôi được thả, tội nghiệp, nó còn vợ con nheo nhóc.
Tôi theo anh Khương vào bệnh viện thăm chú. Lúc ấy ba đang cho chú ăn cháo. Thỉnh thoảng ba ngừng đút, lấy khăn lau miệng cho chú. Nhìn ánh mắt lo lắng của cha, nhìn thấy cảnh ba chăm sóc chú như người anh đang chăm sóc cho đứa emruột thịt của mình, tôi thật sự xúc động, tình cảm của hai người đã vượt qua ranh giới tình bạn đơn thuần. Cho chú ăn xong bát cháo, ba đỡ chú nằm xuống rồi lấy tờ báo cạnh đấy đọc cho chú nghe. Vừa trông thấy chúng tôi, ba có vẻ lúng túng:
- Hai đứa vào đây làm gì?
- Chúng con đi thăm chú Trọng – tôi đáp liền.
Nghe tiếng tôi chú lật đật gượng dậy, gương mặt bừng sáng:
- Cháu Vy đấy hả? Lại đây ngồi với chú. Lại đây!
Giọng chú giàu cảm xúc. Tôi ngồi xuống mép giường bên cạnh. Đầu chú quấn băng trắng toát. Nét mặt xanh xao, mỏi mệt:
- Chú có đau lắm không? Chừng nào chú ra viện?
Chú cười phô hàm răng trắng bóng:
- Bớtđau rồi. Hôm đầu tiên đau đến không ngủ được, bây giờ chỉ đau âm ỉ thôi. Có lẽ, vài hôm nữa chú sẽ xuất viện, nằm mãi trên giường chán lắm.
Anh Khương từ đầu chỉ ngồi im theo dõi câu chuyện cũng xen vào:
- Chú chóng khỏe để còn đưa chúng cháu đi nhà sách nữa chứ. Bé Vy cứ nhắc chú hoài.
- Không có chú thì hai anh em tự đi cũng được chứ sao.
Tôi lắc đầu:
- Không có chú buồn lắm, đọc chẳng vào. Chú chóng lành bệnh nhé. Mấy hôm rồi cháu phải đi học bằng xe ôm. – Nhìn thấy mấy quả táo để trên bàn, tôi nói:- Chú ăn táo không để cháu gọt cho nhé.
Chú quan sát tôi gọt táo bằng ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Tôi cắt quả táo ra làm bốn. Chú bảo anh Khương đưa cho mỗi người một miếng. Ba cầm lấy, không hiểu sao lại đặt vào đĩa:
- Mẹ con đâu?
- Mẹ đang nấu cháo cho chú Trọng, chốc nữa sẽ vào sau. – anh Khương đáp.
- Cháu kể chuyện ở trường cho chú nghe đi. – chú đề nghị.
Tôi hắng giọng chưa kịp nói gì thì mẹ từ ngoài bước vào. Một tay mẹ xách cặp lồng đựng thức ăn, tay kia xách chiếc túi đựng quần áo và các thứ linh tinh. Mẹ hỏi chú Trọng đã ăn uống gì chưa, chú bảo vừa mới ăn xong. Mẹ đưa cặp lồng thức ăn cho ba và dặn:
- Trước khi ăn, anh nên đem đi hâm lại cho nóng, cháo cá lóc để nguội tanh lắm.
Chú nhìn mẹ vừa cảm động vừa ngại ngùng:
- Cám ơn chị. Tôi làm phiền chị nhiều quá.
- Vợ chồng chúng tôi mang ơn anh mới phải. Cũng vì chuyện nhà cửa của chúng tôi mà anh bị nạn. – Đoạn mẹ hướng ánh mắt về phía ba:- Để anh Lập chăm sóc anh tôi không yên tâm chút nào, anh ấy rất vụng.
Chú phì cười:
- Chị đừng lo lắng thái quá. Anh Lập "đảm đang" lắm. Không có anh ấy tôi không chóng khỏe như thế này.
Mẹ lại nhắc chuyện chú nên lấy vợ:
- Lúc này anh mới thấy sự có mặt người phụ nữ bên cạnh là cần thiết như thế nào rồi chứ? Lần này ra viện, nhất định tôi sẽ giới thiệu cho anh một người. Anh không được từ chối đâu nhé, đấy là lệnh.
Ba đột nhiên nổi giận:
- Đã bảo chú ấy không thích mà cứ ép mãi. Đàn bà sao mà lắm chuyện thế nhỉ?
Mẹ nhìn ba ngơ ngác:
- Ô hay, sao bỗng dưng anh lại nổi giận với em? Chẳng có chuyện gì quan trọng bằng chuyện lập gia đình, sinh con đẻ cái cả. Không lẽ, anh thích nhìn người bạn thân của mình sống trong tuổi già hiu quạnh hay sao.
- Chú ấy biết mình phải làm gì không cần em phải có sự can thiệp thô bạo của em. Nói tóm lại từ nay em không nên nói chuyện này trước mặt anh lần nào nữa. Anh không muốn nghe.
Đoạn ba đứng dậy hậm hực bước ra ngoài, trước những ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người.
Tuần sau chú xuất viện. Và việc xây nhà lại tiếp tục. Lão Sáu Khoan sau lần nhận được đơn bãi nại của chú Trọng, bỗng thay đổi hẳn. Lão trở nên chân tình cởi mở một cách giả tạo. Dù sao thì mọi việc đang có chiều hướng tốt.
Sáng hôm sau, mặc dù chưa hoàn toàn khỏe mạnh nhưng chú vẫn chở tôi đi học. Chú đưa tôi vào quán phở vẫn thường ăn và gọi hai tô phở tái.
- Phở ăn ngon là nhờ rau. Cháu không ăn rau làm sao thưởng thức hết vị ngon của phở?
Tôi bắt chước chú lặt mấy cọng ngò gai, rau om, húng cây và quế, rồi ăn thử vài gắp.
- Chiều nay chú sẽ đón cháu. Chú sẽ khao cháu một chầu kem Ý, sau đó chúng ta sẽ vào nhà sách.
Quán kem Ý nằm đối diệnvới rạp chiếu phim rất yên tĩnh và lịch sự. Khách đến ăn kem đều là những cặp tình nhân trẻ tuổi, họ vừa ăn kem vừa nhìn nhau âu yếm.Hai chú cháu tôi trở nên lạc lỏng.
- Chúng ta cũng là tình nhân chú, hén!
Chú cười vang. Và gọi hai cốc kem. Lần đầu tiên tôi thấy chú ăn kem. Tôi đã ăn kem nhiều nơi nhưng chẳng nơi nào kem ngon như ở đây. Lúc tính tiền tôi mới giật mình, những hai chục nghìn một cốc.
Sau đó chúng tôi đi nhà sách đến gần bảy giờ tối mới về đến nhà. Vừa nhìn thấy chúng tôi mẹ đã lăng xăng:
- Trời đất, hai chú cháu đi đâu không nói khiến mọi người ở nhà lo sốt vó. Thảo Vy đã ăn gì chưa?
Tôi giúp mẹ dọn cơm. Khác với không khí sôi nổi thường ngày, ba có vẻ lo lắng, không vui.
- Có chuyện gì vậy,anh Lập? – chú nhìn ba lo lắng.
Ba thở ra một cái thật mạnh như muốn trút bỏ những lo lắng trong lòng:
- Nói thật với chú, việc xây nhà lại gặp trục trặc, thử hỏi làm sao tôi nuốt trôi miếng cơm cho được.
- Lão Sáu Khoan lại kiếm chuyện nữa à?
Ba lắc đầu:
- Sau vụ xô xát, lão im như thóc. Tôi đang đau đầu về chuyện khác.
- Chuyện gì?
Mẹ tiếp lời ba bằng giọng buồn não ruột:
- Kinh phí xây nhà dự trù bấy nhiêu đến giờ chót bỗng phát sinh đủ thứ. Bây giờ chẳng biết đào đâu ra tiền.
Chú nói ngay:
- Tưởng chuyện gì chứ chuyện ấy có gì là to tát. Tôi có khoản tiền tiết kiệm dành để xây nhà nhưng nghe tin sắp giải tỏa nên gác lại, anh chị có thể lấy mà xoay xở, khi nào có tiền thì hoàn lại.
- Thôi, ngại lắm.– mẹ tôi nói:- Đã ăn nhờ ở đậu nhà anh lại còn mượn tiền nữa, tôi không dám nhận thêm lòng tốt của anh đâu.
- Cùng là người nhà với nhau cả nói chuyện khách khí làm gì. Thật sự tôi chưa cần đến khoản tiền đó, gửi ngân hàng lãi suất không được bao nhiêu. Để sáng mai tôi ra ngân hàng rút hết số tiền gửi đưa cho anh chị. Nhất trínhư thế nhé.
- Trăm sự nhờ chú – ba tôi nói:- coi như kiếp này vợ chồng tôi mắc nợ chú vậy.
Chú cười sang sảng. Tiếng cười vô tư, phóng khoáng:
- Thôi, chúng ta ăn cơm thôi. Mấy đứa trẻ đói lắm rồi.
Bữa cơm hôm ấy thật vui, đầy ắp tiếng cười. Hai người đàn ông còn uống rượu hết ly này sang ly khác. Mẹ cũng uống vài chung. Mặt đỏ bừng.
Cơm nước xong, tôi đi tắm rồi lấy bài ra học. Lúc này anh Khương đang nằm trên chiếu, mắt nhắm lại như say ngủ nhưng khi tôi bật ti vi thì anh lập tức ngỏm dậy như chiếc lò xo. Mẹ tôi rửa bát xong cũng mang quần áo đi tắm. Ba tôi có lẽ đã thấm mệt, lên gác ngủ sớm hơn mọi khi. Chú Trọng ngồi nói chuyện với mẹ một chút rồi cũng lên gác đi nằm.
Sáng hôm sau chú Trọng cùng ba đến ngân hàng rút tiền. Sau đó chú Trọng đến thẳng công ty, nơi chú làm việc, còn ba tôi quay trở về đưa tiền cho mẹ:
- Đây là tiền của chú Trọng, hơn trăm triệu. Em đưa một nửa cho tay thầu, phần còn lại cứ giữ lấy để xoay xở lúc cần. Thôi, anh đi làm đây.
- Vợ chồng mình mắc nợ chú ấy nhiều quá biết chừng nào mới trả xong. Chúng ta may mắn có được người bạn tốt.
Việc xây nhà đang trong giai đoạn nước rút. Phần xây dựng cơ bản đã hoàn tất, tuy nhiên khâu trang trí nội thất cũng chiếm không ít thời gian. Lão chủ thầu bảo khoảng một tháng nữa sẽ hoàn chỉnh. Mẹ tỏ vẻ sốt ruột, thấp thỏmnhư người ngồi trên đống lửa, trong khi ba tôi chẳng lấy gì làm vội. Ông bảo, xây nhà là một việc hệ trọng, làm một lần ở một đời, không nên vội vả. Và ông phản đối việc cho thêm chất phụ gia vào bê tông để chóng đông cứng, vì làm như thế sau này bê tông dễ bị nứt, mặc dù tay chủ thầu cam đoan nếu cho một lượng phụ gia vừa phải sẽ không xảy ra sự cố gì. Và tất cả các công trình xây dựng đều làm như thế. Vì không cho thêm phụ gia vào bê tông mà việc xây dựng bị kéo dài thêm một thời gian. Không phải chỉ mỗi mình mẹ mà cả tôi và anh Khương cũng nóng lòng muốn về nhà mới. Vì chuyện này giữa mẹ và ba đã xảy ra to tiếng.
- Anh không phải là dân xây dựng can thiệp vào chuyên môn của họ làm gì?
Ba cãi lại:
- Nhưng, đây là tài sản mà vợ chồng chúng ta ky cóp cả đời mới có được. Anh không muốn chỉ vì muốn chóng vài hôm mà xảy ra những sự cố đáng tiếc. Đã từng xảy ra những vụ sập nhà, báo chí đăng ầm lên đó chẳng lẽ em không biết.
- Đấy là vấn đề khác. Người ta rút ruột công trình, bớt xén xi măng. Anh nghĩ thử xem, nếu chất phụ gia gây nên sập nhà thì người ta sản xuất làm gì. Chẳng lẽ, anh không cảm thấy áy náy cứ làm phiền anh Trọng mãi hay sao.
- Cứ nghe anh đi, cẩn tắc vô áy náy!
Mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình, chẳng ai nhịn ai. Anh Khương ủng hộ quan điểm của mẹ, còn tôi lại thấy ba có phần đúng.