Ba tôi hình như muốn tránh mặt tất cả mọi người. Ông hạn chế những cuộc chạm mặt. Khi nói chuyện, mắt ông thường nhìn xuống, hoặc day mặt sang hướng khác. Thỉnh thoảng tôi thấy ba len lét nhìn mọi người bằng ánh mắt củatên trộm bị bắt quả tang rồi buông tiếng thở dài. Tôi nhiều lần muốn nói chuyện với ba, nhưng ông luôn tìm cách tránh mặt. Những lúc buộc phải nói chuyện thì ba chỉ nói nhát gừng cho qua chuyện. Có vẻ như, đấy là một cực hình đối với ông. Ông thường ngồi lì bên máy vi tính hút thuốc từ điếu này sang điếu khác. Có đêm tôi thấy ông ngủ trên xa lông phòng khách với tấm chăn mỏng.
- Con thấy ba lạ lắm. Tại sao ba lại như thế hả, mẹ?
Mẹ tôi đáp vu vơ:
- Có lẽ, ba con gặp phiền toái trong công việc, thế thôi, con đừng bận tâm đến chuyện người lớn làm gì.
- Không phải thế, - tôi lắc đầu:- Phải chăng ba đã làm điều gì có lỗi với mẹ?
- Con đừng suy viễn lung tung! – mẹ gắt:- Ba con đang gặp chuyện phiền muộn, con đừng hỏi đon hỏi ren nữa.
Tôi thở dài chán nản. Muốn nói chuyện với cha, thì ba lẩn mặt. Nói với mẹ, thì mẹ gạt đi. Tôi phải nói chuyện với ai đây trong thế giới cô đơn này?
Có một chuyện khiến tôi rất ngạc nhiên, từ khi dọn về nhà mới, chú Trọng chưa một lần ghé qua. Chẳng bù trước đây, tuần nào chú cũng ghé. Tôi nhớ chú và nhiều lần băn khoăn tự hỏi, chuyện gì đã xảy ra với chú.
- Ba ơi, tại sao chú Trọng không đến thăm nhà mình? – tôi nói chuyện này trong bữa cơm tối.
Ba bỗng rùng mình như bị điện giật, mặt tái lại. Ba hết nhìn tôi rồi quay sang nhìn mẹ.
- Chú ấy bận nhiều việc không đến chơi nhà ta được. – mẹ vừa xới cơm cho anh Khương, vừa nói.
- Chủ nhật đâu có làm việc, sao chú ấy vẫn không đến?
Mẹ xẵng giọng:
- Chuyện ấy làm sao mẹ biết được. Con đi mà hỏi chú ấy. – Rồi mẹ liếc về phía ba:- Không đến có khi lại hay hơn, đỡ phải phiền phức.
- Tại sao lại phiền phức? Chú ấy rất tốt với con.
Mẹ bỗng giận dữ, mặt đỏ bừng. Ba ghé vào tai tôi nói khẽ:
- Ăn cơm đi. Đừng nhắc tới chú Trọng nữa, mẹ con đang nổi giận đấy.
Tại sao mẹ lại nổi giận khi tôi nhắc đến chú Trọng? Phải chăng đã xảy ra chuyện gì nghiêm trọng giữa những người lớn với nhau? Chuyện gì chứ? Người tốt như chú ấy chẳng lẽ lại phạm phải lỗi lầm? Tôi không tin. Và tự nhủ phải tìm hiểu cho ra lẽ.
Tôi bước đến chỗ để điện thoại, nhấc lấy ống nghe và bấm dãy phím số.
- Con gọi cho ai thế? – mẹ hỏi.
- Chú Trọng! – tôi đáp:- Con muốn biết chuyện gì đã xảy ra.
Mẹ lập tức bước tới giằng lấy ống nghe và dập mạnh xuống. Trong lúc tôi còn đang ngơ ngác đã phải nhận liên tiếp hai cái tát đau điếng:
- Không gọi cho ai hết. Đi lên phòng!
Tôi nhìn mẹ bằng ánh mắt ngỡ ngàng xa lạ. Rõ ràng trước mặt tôi không phải là mẹ màlà mụ đàn bà hung dữ, độc ác:
- Con ghét mẹ!
Tôi gào lên và chạy về phòng mình khóc nức nở. Anh Khương đẩy nhẹ cánh cửa và bước đến ngồi bên tôi:
- Nín đi em. Mẹ đã hành động không đúng.
Tôi ngả đầu lên vai anh khóc thảm thiết. Anh cứ thế ngồi im.
- Tại sao mỗi lần em nhắc đến chú Trọng là mẹ lại nổi giận? Tại sao mẹ lại đánh em?
Cũng như tôi, anh Khương hoàn toàn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Thế giới của người lớn quá rối rắm và khó hiểu.
- Sáng mai anh sẽ đi.
Tôi giật mình, nín khóc:
- Anh đi thiệt sao?
Anh gật đầu:
- Thật. Trước đó anh đã suy nghĩ rất nhiều và có lúc anh định từ bỏ ý định này, nhưng những cái tát của mẹ vừa rồi như giọt nước đã làm tràn ly. Anh không thể ở lại ngôi nhà này thêm ngày nào nữa.
- Anh đi có lâu không? Em nhớ anh Hai!
- Chưa biết. Có lẽ là lâu, rất lâu. Tình hình mỗi lúc càng tồi tệ, ba mẹ khó mà hàn gắn trong một sớm một chiều.
Tôi nói trong nước mắt:
- Anh Hai cho em đi theo với.
- Em phải ở nhà. Em còn quá nhỏ để làm cuộc phiêu lưu như anh. Anh đã tìm được chỗ dạy kèm. Tuần tới anh sẽ bắt đầu công việc. – Đoạn anh cười nhẹ:- Từ trước đến nay, anh chỉ biết đi học và đi học, bây giờ bỗng nhiên làm thầy giáo, anh thấy ngượng vô cùng.
- Mấy giờ anh đi?
Anh đáp:
- Bốn giờ sáng, trước khi ba thức dậy tập thể dục. Em cho anh mượn chiếc đồng hồ báo thức nhé. Anh lo sẽ ngủ quên làm hỏng kế hoạch.
Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Em sẽ tiễn anh một đoạn.
- Không cần phải làm như thế đâu. Mọi người biết được thì hỏng việc.
- Nhất định em phải đi, vì em là em của anh Hai. Anh không được phép từ chối.
Cuối cùng thì anh cũng đành nhượng bộ:
- Thôi được, anh đồng ý. Em ngủ sớm đi. Sáng anh gọi em dậy. Nhưng anh nói trước, anh chỉ gọi em một lần thôi đấy.
Tôi không thể nào ngủ được. Mấy cái tát của mẹ và cuộc trò chuyện với anh Khương cứ ám ảnh tôi mãi. Vả lại, tôi sợ mình sẽ ngủ quên, không đưa tiễn anh Hai được. Anh Khương vừa về phòng mình được một chốc thì mẹ đến gọi cửa.
-Thảo Vy mở cửa cho mẹ vào!
Tôi nằm im. Những giọt nước mắt tức tưởi cứ trào ra. Chưa bao giờ tôi giận mẹ như lúc này. Tôi nằm im không động đậy. Mẹ từ ngoài nói vọng vào:
- Mẹ xin lỗi vì đã tát con. Mẹ biết con còn giận mẹ. Thôi, con ngủ đi. Mai mẹ con ta nói chuyện.
Tiếng bước chân mẹ xa dần, tôi bèn ngồi dậy bật chiếc đèn học. Tôi kéo cần đèn thấp xuống để ánh sáng hội tụ một chỗ rồi lấy sách ra đọc. Đọc đến nửa đêm thì mắt tôi díp lại, tôi chống lại cơn buồn ngủ bằng mấy động tác thể dục vẫn tập ở trường học. Đọc xong quyển truyện tranh, tôi bèn đọc lại một lần nữa. Từ ngoài, tiếng chó sủa vọng vào, tiếng xe đạp cọc cạch của người đấm bóp dạo, tiếng trẻ con khóc nhếu nháo tạo thành bản hợp xướng buồn thảm.
Đúng bốn giờ sáng tiếng chuông đồng hồ reo vang. Mãi gần một phút sau, anh Khương mới tỉnh dậy. Anh bật đèn, thu xếp quần áo cho vào chiếc túi du lịch. Rồi cho sách vở và những thứ linh tinh vào chiếc túi khác. Tôi đứng bên ngoài khẽ gõ nhẹ lên cánh cửa:
- Anh Hai mở cửa đi, em nè.
Anh Khương mở cửa, tôi lách vội vào bên trong. Anh nhanh chóng đóng cửa lại rồi nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Em không ngủ à? Anh định thu xếp xong đồ đạc sẽ thức em dậy. Thế nào, sáng mai vào lớp em cũng ngủ gật cho xem.
Tôi giúp anh thu xếp các thứ. Chuẩn bị xong xuôi, hai anh em rón rén bước ra, bỗng sực nhớ một việc anh lại quay trở vào.
- Anh để quên thứ gì à?
- Không, anh để lại vài chữ cho ba mẹ.
Đoạn anh xé trang vỡ học sinh viết vội vài dòng rồi đưa cho tôi:
- Em thấy anh viết như vậy có được không?
Tôi đọc lướt qua rồi gật đầu:
- Được rồi. Ta đi thôi. Ba sắp dậy tập thể dục rồi.
Tôi đi trước dò đường. Đi đến phòng khách, tôi thấy ba đang nằm ngủ trên ghế. Tôi quay người lại ra hiệu anh Khương cẩn thận rồi nhón gót bước qua. Anh Khương cũng làm như tôi. Chúng tôi ra đến ngoài mà không gặp trở ngại nào.
Tôi tiễn anh Khương ra đến đường cái thì dừng lại. Hai anh em chuyện trò một lúc thì phát hiện một chiếc xe ôm từ xa đi tới. Anh bước lên xe. Và dặn tôi phải học hành chăm chỉ.