Ngày chủ nhật trời đẹp, phố phường rộn ràng, bến xe khách đứng chờ đông hơn ngày thường.
Tay cầm sách, Thiên Uy đi tha thẩn một mình trên hè. Đã gần giờ ngọ, nhẽ ra lên xe về nhà, song hơi người ngột ngạt, vả lại kim đồng hồ đeo tay mới chỉ 11 giờ 25 phút, vậy thì cũng chả vội gì, cậu không chen nữa.
Thiên Uy đi trên vỉa hè lông mày hơi nhíu lại đầu cúi xuống, vẻ ủ rũ. Tâm trạng cậu không giống ngày chủ nhật, không giống một ngày ánh nắng chan hoà, không giống tâm trạng trong sáng của một người bình thường.
Cậu thầm trách mình vì tâm trạng u ám đó chính từ mình gây ra.
Ngoảnh nhìn lại ngôi nhà thờ đã lùi lại khá xa, cây thập tự trên nóc chỉ còn lấp ló giữa ngọn cây. Các con chiên đã ra về hết, nhưng tâm hồn cậu vẫn vương vấn hình bóng người áo trắng váy đen - bộ đồng phục học sinh.
Hôm nay, Tào Thục Phân mặc váy Âu bằng vải hoa lăn tăn, nổi bật những đường nét uốn lượn. Bây lâu cậu không để ý, hôm nay cậu mới nhận ra bộ ngực nở nang nổi bật của cô ta. Cậu không dám để mắt nhiều, nhưng cậu thấy lồng ngực ngạt thở, đầu váng mắt hoa.
Đi tìm Tào Thục Phân với khí thế của kẻ đang hờn dỗi, giờ đây ra về không được việc gì, Thiên Uy giận mình vừa bốc đồng, vừa dũng cảm chưa biết chuyện sẽ thành hay bại, nhưng nửa vời như vậy thật là nhục nhã.
Thiên Uy với Tào Thục Phân học cùng trường. Nhưng do cách biệt trai với gái, hai người lại không cùng lớp, phòng học Thục Phân xa tít tắp đàng kia, giờ tan học mỗi người mỗi ngả, cho nên hầu như hai người rất ít khi gặp nhau. Mỗi lần tan học, cô phóng xe đạp ra về, chiếc váy đen bay bay, trong con mắt Thiên Uy, cô ta có một vẻ đẹp khó tả. Những năm trước, cậu không để ý, mãi năm ngoái cậu mới nhận ra điều đó. Sáu năm tiểu học, bạn cùng lớp với vô khối con gái, nhưng cậu không chút thiện cảm, thậm chí còn ác cảm nữa kìa, chính cô giáo đã gây ra sự thù địch giữa các học sinh, thường khích động sự cạnh tranh học tập giữa các học sinh nam với nữ. Mặt khác, mối ác cảm đối với em gái khiến cậu thấy bọn con gái khó thương thế nào ấy. Lên học sơ trung, kiến thức mở rộng ra, chất lượng học sinh xấu tốt tách bạch. Có những cậu bạn hay kể chuyện tiếu lâm tục tỉu, thường chuyền tay nhau những tranh ảnh và sách báo dâm ô. Điều đó làm cậu vừa xấu hổ, vừa tò mò. Không học cùng lớp với bạn gái cho nên không cần mối ác cảm do cạnh tranh trong học tập. Trong mắt Thiên Uy, bọn con gái hay khóc nhè, mách lẻo ngày trước nay bỗng trở nên bí hiểm, bộ tóc ngắn tôn gương mặt càng thêm sáng sủa, vẻ duyên dáng, nét yêu kiều của bọn con gái đầy sức hấp dẫn. Tiếc rằng lớp học giữa trai và gái cách nhau xa quá, cậu chỉ có thể ngắm nhìn chứ không thể với tới.
Lên năm thứ hai sơ trung, Thiên Uy thấy mình già dặn ra, nhìn lại bọn năm thứ nhất cậu thấy chúng nó non nớt quá. Học sinh năm thứ ba phải lo thi tốt nghiệp cấp sơ trung, cho nên mọi hoạt động trong trường do học sinh năm thứ hai đảm nhiệm. Thiên Uy có chân trong đội bóng, là biên tập viên trong ban biên tập báo trường. Thừa hưởng di truyền của bố mẹ, trí lực cậu khá cao, trong học tập cậu không để người lớn phải bận tâm. Tuy nhiên, năng lực văn chương của cậu không được loại xuất sắc, vậy mà không hiểu từ đâu, hứng lên, cậu cũng làm đôi ba vần thơ và cũng được đăng lên báo trường, từ đó nổi chút danh tiếng. Trong ban biên tập, có cô bạn gái cũng hay làm thơ.
Tào Thục Phân là một nữ sinh nhan sắc hết sức tầm thường. Mặt to, vuông chằn chặn, ngũ quan bé tí, đôi mắt bé húp híp, trông đến là quê, nhưng tài hoa về văn chương đã tô điểm vẻ đẹp cho cô. Có bài thơ của Tào Thục phân khiến Thiên Uy hết sức cảm phục, từ đó cậu để ý và thường kiếm cớ trò chuyện. Tiếc thay mỗi lần giáp mặt, cậu căng thẳng đến nổi như người phạm lỗi. Mặc dù đã chuẩn bị từ trước, khi gặp mặt cậu vẫn ấp a ấp úng, lời lẽ không đâu vào đâu, thành ra cậu trở nên một diễn giả vô cùng kém cõi. Trong ân hận, cậu tự động viên và hứa hẹn đến một dịp khác.
Hôm nay, cậu không có ý định đi tìm Tào Thục Phân. Sáng chủ nhật thật buồn tẻ, bố không đi làm, nhẽ ra cậu có thể ngủ trưa thêm nhưng bạn gái đến tìm Thiên Nhu, chúng cười nói huyên thuyên trong buồng ầm ĩ khiến cậu buồn bực, càng cảm thấy cô đơn không chịu nổi. Thôi thì ra ngoài phố cho thoáng, thuận tay cầm quyển lý hóa, cậu đi tìm thằng bạn có biệt hiểu "khỉ ranh".
Khỉ Ranh ở trong ngõ dân nghèo, nhà xây kiểu tạm bợ. Với đồng lương tối thiểu của một viên chức nhỏ, ông bố phải nuôi năm anh em cậu, quả là vất vả. Do thiếu dinh dưỡng thành thử Khỉ ranh còi cọc, nhưng tính tình tinh nghịch hồn nhiên, cậu thích nói đùa mọi người, nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận mọi lời trêu chọc.
Thiên Uy có tờ bạc năm chục, đó là tiền tiêu vặt trong ngày chủ nhật. Thiên Nhu cũng có một tờ y như vậy, mẹ cho rằng thế mới công bằng. Kỳ tình chả công bằng tí nào, Thiên Nhu ít hơn một tuổi, cớ gì nó cũng được nhận tiêu chuẩn như cậu?
Thiên Uy đưa tay sờ sờ túi áo, tờ bạc mới toanh mẹ vừa cho đêm qua phát ra tiếng kêu khoái tai. Tối qua mẹ lại thù tạc đến tận khuya, cậu đã đi ngủ, mẹ đặt tờ bạc trên bàn, đó cũng là một nếp quen từ lâu. Những khi mẹ quên, tuy điều này hiếm khi xảy ra, cậu sẽ lấy tiền chỗ bà quản gia. Trước đây, sáng chủ nhật cậu thường học bài ở nhà, lên năm thứ ba bài vở căng hơn, nhưng thần kinh cậu lại dãn ra, không sao tập trung tư tưởng để học bài được. Mặc dù phòng ngủ Thiên Uy khá rộng, cậu vẫn cảm thấy bi bí, ngột ngạt và chật chội.
Hoàn cảnh gia đình Khỉ ranh không cho phép cậu ta có số tiền to để tiêu vặt. Bố mẹ nó thích bạn bè rủ nó cùng học, nay Thiên Uy tay cầm sách đến, hẳn bố mẹ nó sẽ sẵn sàng cho chúng đi với nhau. Số tiền đó chi tiêu ra sao, để khi gặp nhau hẵng hay.
Đúng chín giờ, khỉ ranh đã quần áo chỉnh tề, Thiên Uy chưa kịp mở mồm, cậu đã láu táu nói ngay:
- Cả nhà tao đi ăn sáng rồi đi xem xi- nê, mày ạ!
Các em nó là một lũ khỉ con. Trong gian nhà xấu xí kia lúc nào cũng chứa đầy âm thanh. Bố khỉ ranh là con vượn già, ông ta gầy nhom lưng gù, mặt hằn sâu nhiều nếp nhăn, nhưng đó là những nếp nhăn biết cười, đâu như bố cậu, mặt lúc nào cũng nghiêm đến phát sợ.
Mẹ khỉ ranh là hắc tinh tinh, bà ta vừa đen vừa to khỏe, ăn mặc chẳng những không mốt, còn quê mùa nữa là khác. Nhưng bà ta đúng là một người mẹ, không như mẹ cậu, khi nào cũng trang điểm như bông hoa lòe loẹt. Lúc còn nhỏ, có lần mẹ đến tận trường đón cậu, bạn bè đua nhau gọi: "Thiên Uy ơi, chị đàng ấy đến kia kìa!". Thiên Uy chẳng những không thấy tự hào, trái lại cậu thấy ngường ngượng là. Cho dù các bạn khen mẹ cậu trẻ trung, nhưng cậu chỉ ao ước mình có người mẹ luống tuổi. Đã là người mẹ, phải để cho con cái cảm thấy đó là chỗ dựa ấm cúng và nhân từ thực sự, như bà ngoại chẳng hạn. Mẹ, chứ có phải là vật trang sức đâu.
Thấy bạn lộ vẻ thất vọng, Khỉ ranh nhảy cẩng lên , kéo tay Thiên Uy:
- Này hay đi chơi với chúng mình nhé?
Thiên Uy lắc đầu, tuy cậu có thể sử dụng số tiền riêng khỏi tốn kém của nhà người ta, nhưng dù sao cậu cũng không muốn chen vào gia đình đầm ấm của người khác.
- Cậu đi đâu bây giờ? Nhìn sau lưng Thiên Uy, Khỉ ranh cảm thấy áy náy.
- Đi thăm bạn. - Thiên Uy trả lời bâng quơ cho qua chuyện, cậu định quay về nhà.
- À, đi thăm Tào Thục Phân chứ gì?
Mặt Thiên Uy hơi đỏ. Vì coi Khỉ ranh là thằng bạn thật sự, cậu đã thố lộ chút tâm sự, dù sao nó cũng không nên kê kích mình như vậy.
- Đúng thế, thì đã sao nào? Thiên Uy cố tình nói to.
- Cậu chỉ nói phét thôi, tớ biết!
Thiên uy nổi tự ái, ra khỏi ngõ, cậu không quay về nhà nữa.
Tuy biết chỗ ở của Tào Thục Phân, nhưng Thiên Uy chưa hề tới đó lần nào. Nay bị Khỉ ranh kích, máu "anh hùng" nổi lên, cậu đến thẳng nhà cô ta.
- Chị em đi nhà thờ rồi anh ạ. Nhà thờ lớn kia kìa. - Em gái Tào Thục Phân đưa tay chỉ xa xa trước mặt.
Thiên Uy vừa lau mồ hôi vừa cảm ơn cô bé tốt bụng. Ừ, có phải con gái đứa nào cũng khó thương như Thiên Nhu đâu nhỉ.
Cậu đi thẫn thờ vòng quanh nhà thờ, màu "anh hùng" ban đầu đã xẹp mất đôi ba phần, cậu chưa vào nhà thờ lần nào, vả lại cũng không muốn vào, với nhà thờ cậu có một khoảng cách khá xa. Năm xưa, tuy ông ngoại nhiều năm trời làm lãnh sự Ở nước phương Tây, nhưng tín ngưỡng vẫn không thay đổi. Gặp khi tết nhất, ông bà ngoại vẫn giữ truyền thống kính tổ tiên, nghêng tiếp chủ thần. Còn bố mẹ cậu bận túi bụi suốt ngày suốt tháng, họ chỉ tin ở bản thân mình thôi. Thiên Nhu học ở trường đạo, lúc cao hứng cô ta cũng hát đôi ba câu thánh ca, nghe đến là ớn, thành ra ở Thiên Uy chút thiện cảm còn lại đối với đạo thiên chúa thế là tiêu tan nốt.
Từ trong giáo đường, vẳng ra tiếng giảng đạo ề à ngân nga. Tuy không nghe rõ, nhưng âm thanh đều đều đã xoa dịu thần kinh cậu. Để tránh những đôi mắt tò mò, cậu giở sách ra, tựa lưng vào thân cây. Thực ra, cậu chả trông thấy chữ nào trên trang sách, nóng lòng mong sao buổi lễ chóng kết thúc.
Gặp cô ta sẽ nói sao đây? Tất nhiên phải chào cái đã rồi nói rằng đã lâu không gặp nhau.
Không ổn! Chiều qua lúc tan học, mình vừa giáp mặt với cô ta. Hay cứ nói thẳng rằng mình đang chờ cô ta, nếu cô hỏi chờ làm gì, mình sẽ trả lời thẳng có chuyện muốn giải bày.
Rất có thể cô ta nhận lời, mình sẽ nói ngay nơi đây không phải chỗ tâm tình, mình sẽ mời cô ta đến hiệu kem.
Trong một góc kín đáo tại hiệu kem, hai người ngồi đối diện nhau tâm sự, xem ra cũng khá giống những câu chuyện ba hoa chích chòe của tụi bạn đấy chứ. Còn cậu sẽ ghi lại áng văn chương lâm ly về mối tình này. Bản thảo trong óc đã thuộc làu làu, nhưng đến khi gặp Tào Thục Phân, bao nhuệ khí hầu như biến mất, cậu đã định đánh bài chuồn, may sao còn chút dũng khí rơi rớt để đưa chân cậu bước lại gần Tào Thục Phân.
Thục PHân không khỏi ngạc nhiên, đứng sững sờ, dưới ánh nắng chói chang, đôi mắt ti hí híp lại như sợi chỉ đang nhìn cậu thăm dò. Trong lúc căng thẳng, cậu vẫn còn kịp nhận thấy đôi mắt húp híp kia cực đẹp, tỏa ánh hào quang của trí tuệ.
Thiên Uy luống cuống quên mất lời chào hỏi, cô ta hỏi ngay:
- Đàng ấy cũng đi nhà thờ ư?
- Không!
- Thế đàng ấy đến tìm mình đấy hả?
- Không! Thiên Uy không quen nói dối nhưng để dấu sự ngượng ngùng lúng túng, cậu buột miệng:
- Tớ tình cờ đi qua đây.
- À! Tào Thục Phân thở hắt ra chứng tỏ cô ta cũng đang căng thẳng, hồi hộp. Nhưng vẻ ngoài tỏ ra lão luyện hơn, cô nói:
- Vậy thì chào bạn nhé!
Tào Thục Phân ôm quyển thánh kinh, chạy dồn lên mấy bước, làm như sợ Thiên Uy tóm cổ cô ta lôi trở lại. Cô ta đi thẳng không ngoái đầu lại.
Thiên Uy cúi đầu bước thẫn thờ vừa xấu hổ vừa ân hận.
Cậu sợ gì vậy? Đã sợ thì sao lại còn thách thức với Khỉ ranh?
Chủ nhật, nhẽ ra không nên đi tìm Tào Thục Phân, cũng chả nên đi tìm Khỉ ranh. Nếu không vì gia đình lạnh lẽo đến dễ sợ, cậu cũng chả phải đi chơi loăng quăng vô vị như vậy.
Ngày chủ nhật, gia đình người ta đầm ấm, kéo cả nhà đi chơi đó đây, Thiên Uy chả bao giờ được hưởng cảnh gia đình vui vẻ. Giả dụ bà ngoại còn sống, ngày chủ nhật thế nào bà cũng sang đón đem cậu đi xem phim, làm những thức ăn cậu ưa thích. Bà ngoại luôn luôn chăm sóc tình cảm cậu, không bao giờ để cậu phải sống cô đơn thui thủi một mình.
Từ ngày bà ngoại mất, cậu trở nên côi cút. Mặc dù bố mẹ song toàn, giữa cậu và những người ấy vẫn có một khoảng cách xa vời.