Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Cánh Chim Bạt Gió

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 30626 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cánh Chim Bạt Gió
QUỲNH DAO

Chương 1

Dì Hoa vốn là người của tín đồ thần sòng bạc. Đã bao nhiêu lần tôi chứng kiến dì Hoa ôm hàng núi đồ ăn về nhà, nhảy nhót như kẻ khùng điên, dì nói với tôi rất ngọt ngào, đó là những lúc dì Hoa được bạc. Còn khi thua thì vào bàn dì đã nói:
- Phương Kỳ ơi! Con đi học về nhớ ghé qua nhà bà Phí mượn đỡ 5000 cho dì gỡ nghe! Mấy hôm nay xui xẻo quá!
Bộ mặt phì nộn của bà Phí lập tức nổi bật trong óc tôi với giọng nói xóc óc:
- Phương Kỳ! Tôi có phải là con tằm đâu mà dì cô định rút ruột tôi mãi thế!
Đồng thời cạnh đó là nét mặt xấc láo của gã con trai nhà họ Phí, một kẻ hay chận đầu tôi nhiều lần ở trường, lần trước hắn đã xía vào bảo:
- Phương Kỳ! Cần tiền không? Cười với tôi một cái đi, tôi sẽ cho nhiều tiền.
Bây giờ còn vác mặt đến đó xin xỏ nữa ư? Tôi lắc đầu:
- Con không đi đâu!
Dì Hoa lại hiểu lầm:
- Từ trường đến nhà dì Phí có bao xa mà con làm biếng!
- Không phải con làm biếng mà con không muốn, đi đến đó chỉ để bị làm nhục thôi.
Dì Hoa vỗ bàn một cái làm chén đũa trên bàn muốn nhảy lên:
- Thế là sao? Nhục cái gì? Mày định chửi xéo tao chứ gì? Không mượn thì lấy đâu mà gỡ? Tiền cổ phần trong hãng đã tới kỳ chia lãi đâu?
Tôi cúi đầu gầm mặt không nhìn dì:
- Dì đi mà mượn lấy đi!
- Mày bảo tao đi mượn sao? Coi sao được mày.
- Con đã nói không đi là không đi!
Thế là dì Hoa nổi cơn tam bành:
- Mười năm nay ai đã nuôi mày hở Kỳ? Cha mày hay tao? Cho đi học tử tế không biết ơn lại còn cãi lời, mày ỷ có cha mày về đây rồi cãi lời tao phải không con? Bộ mày tưởng tao sợ cái thằng già đó lắm hả?
- Bà nói cái gì? Cái gì?
Biết sắp xảy ra đại chiến, tôi vội chuồn đi học. Sau lưng còn vọng lại tiếng cãi nhau ỏm tỏi, hàng xóm chạy ra dòm ngó với nhau cười thích chí làm tôi phải rảo bước nhanh hơn. Sự thật tôi đã làm đúng hay sai hở? Ngọn cỏ lúc này đang lung lay trước gió, nó nhìn tôi như lắc đầu: những gì mi nghĩ đúng chưa chắc đã đúng đâu Kỳ ạ! Vứt nó xuống đất tôi nhỏ giọng:
- Tao đang tìm kiếm việc làm Bội Tần à!
Bội Tần xì một tiếng:
- Mày định tìm việc làm mấy lần rồi? Thôi mày, bằng tú tài đâu phải thảm hoa hay bảng nhãn. Bảng nhãn ở ngoài phố chở bằng xe ba bánh cũng không xuể.
- Nhưng tao không muốn làm một gánh nặng trong gia đình.
- Mỗi tháng tao đóng học phí cho mày nhưng tuyệt đối cấm không được tìm việc làm lang bang, mày đọc báo không thấy sao? Thiếu nữ đẹp như mày dễ làm mồi ngon cho đời lắm!
Nhìn nét mặt trang trọng của nó, tôi phì cười:
- Mày làm như rành đời lắm vậy. Tao không tin đời toàn người xấu, vả lại tao có đẹp hồi nào đâu?
Bội Tần ngắm nghía tôi:
- Ai bảo mày không đẹp? Này nhé để tao tả cho mày nghe, mắt trái nhãn này, mũi dọc dừa này, cái miệng như trái anh đào bé xinh xinh hay nếu còn không đẹp nữa thì trên đời này còn quái gì để quan niệm thẩm mỹ nữa. Tụi con trai chết mê chết mệt vì mày, mày không biết sao?
Tôi đỏ bừng mặt:
- Thôi mày đừng cho tao làm phi hành gia bay lên cung trăng nữa! Tao không thấy ai thích tao cả.
- Đó là tại vì mày không thích nhìn ai. Tụi nó đồn là mày kiêu ngạo, lạnh lùng hơn băng giá trên đỉnh Everest kiêu ngạo.
Ta có kiêu ngạo không? Tôi vuốt mái tóc trước trán hất ngược lên:
- Dì Hoa bảo tính tình tao thất thường, có lúc cứng đầu cứng cổ như ngựa vằn, có họa là tên khùng mới thích làm quen với tao.
Bội Tần ôm lưng tôi:
- Thôi mày cho tao làm người yêu của mày nhé.
Tôi khoác vai nó:
- Trên đời này tao chỉ yêu có mình mày thôi.
Chúng tôi cười khúc khích, nỗi bực dọc tan biến. Vâng! Trên đời này tôi chỉ yêu có Bội Tần thôi, con bé dễ thương này là bạn thân của tôi từ ngày còn học ở trường nội trú trung học. Chúng tôi đã sống những ngày trong ký túc xá với bao kỷ niệm ngộ nghĩnh. Tôi và Bội Tần có những ý nghĩ giống nhau, chẳng hạn như thích nghe Uông Khiết Anh hát và ban nhạc Hải Âu trình bày. Thích ăn ở quán ông già Sương Đông có cái bụng phệ ở đường Nguyễn Lăng. Thích cặp tài tử trong phim “Tình hận trong thiên thu” v.v...
Nhà Bội Tần khá giả nhờ việc kinh doanh, chỉ có hai anh em: Bội Tần và ông anh Thương Chương. Thương Chương vốn là con mọt sách chính cống, đọc quá nhiều đến nỗi gầy còm. Cả ngày chỉ cúi đầu nghiên cứu sách vở. Bội Tần đã có lần than:
- Anh ấy chắc cưới một nữ rô-bô về làm vợ, chỉ có người ấy mới chịu nổi anh ấy thôi!
Lúc đầu Thương Chương cũng để ý đến tôi chút đỉnh, nhưng về sau anh cũng để ý thấy tôi không được thông thái bằng một nữ bác học nên anh mới trở về với sách báo khoa học. Tôi tự hỏi mình có thể thích hợp với cõi đời này không? Nghe tiếng chuông vang, Bội Tần vội thu sách vở nắm tay tôi chạy về lớp, vừa chạy Tần vừa lẩm bẩm:
- Chiều nay tao cho Giang Triết leo cây, biết đâu nhờ vậy mà chàng sẽ có một bức tranh chủ đề là đau khổ!
Đến đầu hành lang chúng tôi thấy Hà, Sinh, Hằng, Yến Lan, Yến Cúc đang xúm quanh Chu Hà cười ngặt nghẽo. Bội Tần tò mò:
- Ủa! Vô học rồi mà tụi bay còn đứng tán gẫu vầy nè!
Linh Hằng nói:
- “Bà Hồng” mỹ nhân hôm nay sao không thấy tới?
Uyển Uyển cười:
- Bội Tần mày biết không? Chu Hà đang khoe là đã dấu mất hàm răng giả của “Bà Hồng” để quên trong toilest, cho vàng bà ấy cũng không dám mở miệng nên đành nghỉ dạy.
Bội Tần hét:
- Ôi thôi! Đừng thèm tin anh chàng ba hoa ấy! Nếu không sẽ bán cả ngũ Hành Sơn đó.
Chu Hà bị chạm tự ái, gân cổ lên cãi:
- Có dám đánh cá không? Một chầu tôm chiên nhé!
Linh Hằng can:
- Thôi đừng sao tranh nữa. Bội Tần, hôm qua mày có đi dự sinh nhật Ánh Tuyết không? Nó mở bumb nữa đó!
- Hôm qua tao mắc bận ở nhà nghe nhạc, có gì vậy?
- Nếu mày đi gặp Uông Khiết Anh rồi!
Bội Tần sáng mắt la:
- Vậy sao? Vậy mà tao không biết!
Uông Khiết Anh là giọng ca trẻ rất được chúng tôi hâm mộ và ưa thích.
Uyển Uyển xen vào:
- Tao chưa thấy ai dễ thương bằng anh ấy cả. Bội Tần ơi, xem chừng tim mày đã nghiêng ngửa rồi chứ gì?
- Đừng nói bậy, Uông Khiết Anh là bạn của Ánh Tuyết đó, nó nghe được nổi ghen bây giờ.
Bội Tần dòm quanh:
- Ánh Tuyết đâu?
- Kia kìa!
Quả nhiên theo tay chỉ của Uyển Uyển, chúng tôi nhận ra Ánh Tuyết đang đứng giữa một đám đông con trai. Tuy thế, dáng điệu nàng vẫn thư thái như không có chi là khớp cả. Gã con trai với chiếc áo chemese Hong-Kong đang khua tay nói rất hùng dũng, bên này là Trương Kiến Tường, sinh viên ưu tú khoa ngoại ngữ. Trước đó, có thời kỳ Trương Kiến Tường theo đuổi tôi nhưng trước thái độ phớt lờ của tôi hắn nhảy sang Ánh Tuyết. Hình như tất cả các tên con trai đều ít một lòng, một dạ.
Ánh Tuyết vẫy vẫy tay chúng tôi rồi nàng thong thả đến chỗ chúng tôi. Đám cây si cũng lẳng lặng bám theo. Vương Ánh Tuyết vốn là bông hồng nổi tiếng của trường đại học Đài Bắc. Nét đẹp sắc sảo của nàng tỏ vẻ ung dung của kẻ xỏ mũi một bầy trâu ngu ngốc, mái tóc uốn theo kiểu mới nhất của nữ tài tử Địch Giả Lan, chiếc áo hở cổ và tay áo bó chẽn làm nổi các đường cong trên thân, thắt lưng dây bằng bạc, một chuỗi hạt lạ mắt ở cổ, chiếc túi khoác vai bằng da hải báo. Ánh Tuyết bao giờ cũng xứng với danh hiệu “Nữ hoàng thời trang” của lớp phong tặng. Bội Tần hỏi:
- Ánh Tuyết ơi! Làm sao mày quen với Uông Khiết Anh được vậy?
Ánh Tuyết nhún vai rồi trả lời (Hình như nàng cho chuyện quen biết với Uông Khiết Anh là quá tầm thường chẳng có gì đáng nói). Nàng ngồi xuống thành bức tường ở hành lang, đôi chân đong đưa trông thật khêu gợi:
- Mấy bồ biết không? Uông Khiết Anh đang mời tôi tham gia ban nhạc của anh ấy đó. Nhìn xem tôi có làm chim Hải Âu được không?
Nàng cất tiếng hát một đoạn của bài “Hãy nói yêu anh” rất tự nhiên, trong và cao:
- “Hãy nói yêu anh lời tình mặn mà say đắm. Hãy nói yêu anh rượu tình trong ly ngất ngây, uống cạn đợi nhau đêm nay - Đừng quên!”
- Hay! Hay! Rất hay!
Hát xong Ánh Tuyết cười nhỏ:
- Sao? Nghe được chứ các bạn?
- Ánh Tuyết mà! Tất nhiên là không chê vào đâu được.
Một nụ cười mãn nguyện trên môi, nàng quay chiếc túi xách tay nói tiếp:
- Tuần tới tôi đi hát, các bạn ủng hộ thật đông nghen! Ưu tiên cho các bạn đấy.
Uyển Uyển và Giáng Thu ở hai bên bả vai Ánh Tuyết, họ là bộ ba rất hợp nhau trong lớp:
- Sao? Tối nay có mục gì không Ánh Tuyết?
- Có chứ!
Ánh Tuyết quay sang nhìn tất cả chúng tôi:
- Tối nay nhà tôi mở band có mặt Uông Khiết Anh nữa, xin mời tất cả các bạn tham dự cho vui, hứa hẹn sẽ có nhiều tiết mục độc đáo!
- Thế thì nhất rồi!
Cả bọn vỗ tay hét lên khoái chí. Giữa cảnh nô hoạt đó, tôi như vì sao lạc không muốn ở lại tham gia câu chuyện của đám bạn sang giàu, tôi bỏ ra ngoài định xuống thư viện mượn mấy cuốn sách về nghiền ngẫm. Bội Tần níu lại:
- Ê Kỳ! Tối nay đi với tao nhé! Tao chờ mày!
Tôi khẽ cắn môi, tôi nào có quyền tự do muốn đi đâu thì đi, vả lại tôi không thích đám đông này. Tôi lắc đầu:
- Chắc tao không đi được. Tao còn mắc chuyện nhà.
Ánh Tuyết ném tia nhìn vào tôi:
- Phương Kỳ gương mẫu quá nhỉ? Việc nhà cũng không bỏ được nữa à?
Tôi lắc đầu bỏ xuống tam cấp, sau lưng tôi lại vang lên một vài câu nói châm biếm:
- Chắc lại bận việc ở sòng bài nhà họ Phí.
- Một đứa con gái nhà lành không bao giờ lui tới sòng bài cả!
Đấy là chốn hỗn tạp, tại sao tôi lại đến đó mỗi đêm để bây giờ đành nuốt nhục? Chắc hẳn mọi người nhìn tôi bằng đôi mắt khinh bỉ: “Ông bố là quân ăn cướp, bà mẹ bê tha, còn đứa con gái cũng chẳng ra gì. Chớ nên lại gần nó. Hãy tránh xa nó ra!” Bằng một thân thế như vậy, liệu tôi có tìm được chút tình yêu nào không? Chắc là không bao giờ!
Từ trường về nhà cũng khá xa, phải qua hai chặng xe buýt như cá mòi hộp, việc đó quả chẳng hấp dẫn tí nào, tôi quyết định đi bộ. Chia tay với Bội Tần ở cổng trường, nhà nó ở con lộ Đông Sơn, tôi phải đi ngược về phía chợ Hòa Bình. Đếm bước một mình trên con đường mùa thu êm ả, lá vàng khô rơi đầy trên những phiến đá lót màu đỏ già nua. Một người phu quét đường quét cây chổi lạp xạp, cơn gió nhẹ thoáng qua, lá úa lả tả lìa cành xoay tròn như uốn lượn rồi đáp nhẹ lên vai khách bộ hành.
Con đường có những hàng phong thưa lá, một trong những thú vui của tôi. Khi đơn độcc trên con đường ngập lá nhặt hạt phong rơi, những hạt màu nâu có đôi cánh tí hon này, và đã có lần tôi buồn hiu nhìn giấc mộng của mình rơi xuống đường mất hút. Tuổi con gái bao giờ cũng mơ, mộng của tôi là Uông Khiết Anh. Vâng Uông Khiết Anh, chàng ca sĩ có giọng hát tuyệt vời đậu thủ khoa trường quốc gia âm nhạc về môn ghi-ta mà chúng tôi cả thảy đều biết tiếng. Tôi vẫn thường mơ ước được gặp mặt Uông Khiết Anh nhưng hoài mong chẳng bao giờ thành sự thật. Chàng là ca sĩ tài tử phong lưu nhưng tiếp tân toàn giới thượng lưu, những nhạc viện đắc tiền. Một con bé nhà nghèo như tôi làm sao có thể đặt chân đến đó.
Tuổi mới lớn thường hay có những ý nghĩ ngông cuồng. Năm mười tám tuổi, trong buổi lễ mãn khóa của trường có tổ chức đêm dạ hội hóa trang vĩ đại, có cả sự tham gia của ban Hải Âu và Uông Khiết Anh. Tôi chả có gì hóa trang, trốn kín đáo ngoài phòng tiếp tân dán mắt nhìn qua cửa kính. Đêm đó Uông Khiết Anh hóa trang làm một vị hoàng tử. Tôi đã nghĩ rằng tôi đã yêu chàng. Đi qua con đường này nhặt hạt phong rơi đặt vào bàn tay nhỏ bé run rẩy chờ cơn gió tới mang đi lời nguyền ước của tôi:
- Bay đi! Bay đến nơi nào có Uông Khiết Anh bảo cho chàng biết ta yêu chàng, hạt phong nhé!
Bây giờ thì giấc mộng còn đâu! Vị hoàng tử ngày xưa cũng phai dần. Tôi đã lớn! Mười chín tuổi rời ký túc xá về nhà, những tiếp xúc với môi trường xung quanh ta. Trận mưa đá phũ phàng làm tắt ngọn lửa yêu đương phù du trong tim tôi. Uông Khiết Anh luôn luôn là cơn mộng thật xa, chàng là thượng khách trong ngôi nhà nguy nga của Vương Ánh Tuyết trong tối nay, còn tôi chỉ được phép lui tới sòng bài nhà họ Khương.
Mải suy tưởng, suýt nữa tôi tông phải một người đi đường, ông ta hét lên như còi xe hỏa:
- Cô để mắt ở đâu mà đi đứng như vậy? Ra đường phải chú ý chút chứ!
Tôi như từ cung trăng rơi xuống, vội vàng xin lỗi ông ta rồi bước thẳng. Một tiếng cười đùa cợt đuổi theo sau lưng làm tôi liếc nhanh lại, một gã thanh niên mặc áo chemese xanh đang đứng tựa lưng vào gốc cây phong nhìn tôi cười. Tôi bất bình quay lại đi tiếp, tiếng huýt sáo vang lên đằng sau, hắn bắt đầu đi theo tôi rồi. Tôi bước nhanh, hắn vẫn bám sát. Tôi đi chậm lại, hắn vẫn bắt chước theo. Lại một kẻ muốn làm đuôi sao chổi, cơn bực nhen nhóm trong lòng tôi, giọng huýt sáo của hắn làm tôi bực thêm: “Tại sao con trai lại đi huýt sáo sau lưng con gái nhỉ? Tôi có phải là con chim đâu mà cần những lời tỏ tình bằng giọng hát?”
Sau cùng tôi thấy việc bực mình phí công. Đây là trường hợp vẫn thường xảy ra, tất nhiên tôi không có quyền cấm hắn, vì đường xá đâu phải do tôi làm ra đâu? Tôi không quan tâm đến hắn nữa, tôi còn phải về. Nghĩ đến chuyện về nhà bỗng dưng tôi cảm thấy chán nản, nhà vốn là tổ ấm của loài chim sẻ nhưng đối với tôi thật lạnh lùng đáng chán! Đời sống chỉ là những cơn mưa vướng chân chứ chẳng mang lại một chút hơi ấm nào, mà tôi mãi mãi cứ là kẻ lạc loài cô đơn.
Đã bao lần tôi bắt gặp mình đã than thầm như vậy. Cha và chai rượu, dì Hoa với quân bài, bạn bè của tôi ở nhà chỉ là những công việc bận đến bù đầu. Hiện giờ tôi có cả lô công tác chờ đợi ở nhà. Đời sao buồn thế! Đột nhiên tôi không muốn về nhà sớm, hôm nay được nghỉ hai giờ tội gì không đi chơi cho thoải mái?
Nghĩ là làm, tôi bước chân lên xe buýt đi ngược lại trung tâm thành phố. Xuống xe ở đại lộ Sùng Dương, tôi bắt đầu bách bộ một mình, những bước chân lãng du đều trên hè. Tôi lang thang khắp nơi, mở mắt to ngắm nghía các hàng rực rỡ của một gian hàng bán kem và bánh kẹo ngọt, một tấm gương lớn phản ảnh một đứa con gái. Dáng cô kiêu ngạo thế! Chiếc nón đỏ chụp nghiêng mái tóc đen bóng ôm gọn khuôn mặt thon nhỏ trắng hồng, áo chemese ngắn tay. Tôi đi vòng lại khu tiệm sách, một vài tia mắt hau háu của những gã con trai đi ngược chiều làm tôi vội kéo sụp vành nón rộng xuống tận chân mày.
La cà chán chê, chân đã mỏi, giờ đã điểm, tôi đến đứng dưới mái hiên chờ xe buýt. Tiếng nhạc dồn dập từ một cửa hiệu nào đó làm tôi chú ý, tôi ngước nhìn lên: đó là một gian hàng bán máy và đĩa nhạc. Điệu nhạc vừa dứt người bán hàng đã thay dĩa mới, bài hát “Tình khúc muộn màng” với giọng hát quen thuộc Uông Khiết Anh! Tôi ngẩn người ra một chút, rồi đôi chân như bị một sức hút kỳ lạ tiến về phía phát ra tiếng nhạc. Bước chân vào tiệm tiếng hát còn rõ hơn, chiếc máy to tướng nằm ở góc tường, một dĩa hát đen bóng đang quay chầm chậm. Trong tiệm cũng khá đông người, trên quầy bán hàng một chồng dĩa mới tinh còn bọc giấy chất cao. Ôm giỏ trước ngực len lỏi đến sát quầy hàng, chống tay vào cằm tôi giả vờ ngắm nghía những chồng dĩa trên mặt quầy nhưng tất cả tâm hồn đều đặt vào chiếc máy thu thanh, vào giọng hát của Uông Khiết Anh. Giọng hát buồn thiên thu giữa tiếng ghi-ta và kèn rầu rĩ, hết bài “Tình khúc muộn màng” đến bài “Dân ca Hoa Kỳ”. Nhiều khi tôi như đứa bé không mẹ, tôi mải say đắm trong mộng tưởng mãi đến khi ông bán hàng chạy đến trước mặt, tôi mới giật mình:
- Thưa cô, cô muốn mua gì ạ!
Thật là tôi không định mua gì, nhưng không muốn cho ông ta biết tôi chỉ định nghe ké nhạc. Tôi hắng giọng:
- Tôi muốn mua vài dĩa nhạc.
Ông ta liền sốt sắng quảng cáo:
- Có phải cô muốn mua mấy dĩa nhạc này không ạ? Đây là mấy dĩa mới nhất, âm thanh tuyệt diệu, chủ đề rất điềm tĩnh, diễm tình. Cô không tìm được đâu loại dĩa mới nhập cảng hoàn hảo nhưng bộn tiền.
Nhà tôi không có máy và vả lại túi cũng không tiền, tôi tìm kế rút lui:
- Tôi không thích nghe nhạc loại này.
Ông bán hàng đưa ngay hai dĩa mới:
- Đây là chương trình nhạc trẻ của ban nhạc Hải Âu! Chắc cô không chê nó!
- Ban Hải Âu của Uông Khiết Anh! - Tôi buộc miệng - Thích lắm chứ!
Ông ta chỉ chờ có thế thôi, nhanh chóng gói lại trong lúc tôi hết hồn thầm than khẽ. Gói xong ông ta trao cho tôi, một nụ cười tươi tỉnh:
- Thưa cô 300 đồng! Đối với cô, tôi đã tính quá đặc biệt!
Hồi nào tới giờ tôi chưa bao giờ chơi dĩa hát cho nên không ngờ hai cái dĩa nhỏ bé này lại mắc đến thế! Mặt tôi đỏ lên ngượng ngùng:
- Ô... tôi không mang đủ tiền, phiền ông gởi lại, mai tôi sẽ đến lấy!
Bộ mặt đang tươi cười chợt sa sầm, tôi đoán biết ông ta đang rủa thầm trong bụng. Tôi vội quay người định bỏ đi thì trước mặt bị một bóng người chặn lại, gã con trai cao dỏng với chiếc áo chemese xanh và nụ cười trêu cợt như lúc nãy, tôi không ngờ lại chạm trán hắn. Đang bực mình thì hắn lên tiếng, giọng thật ấm:
- Cô cho phép tôi trả tiền thay cô nhé!
Không chờ phản ứng của tôi gã quay sang ông bán hàng, trả tiền xong hắn trao tôi cười nhẹ:
- Thôi! Xin chào cô!
Đoạn bình thản bước ra khỏi cửa, tôi vội bước theo:
- Khoan đã!
Hắn dừng lại, tôi đến trước mặt hắn để trao trả hàng:
- Hai dĩa nhạc này của ông mà!
- Nhưng cô đã mua nó.
- Ông mới là người trả tiền, nếu tôi giữ nó làm sao hoàn tiền lại cho ông?
- Có bao nhiêu mà cô bận tâm, cô cứ giữ lấy hai dĩa nhạc này - Hắn cười khẽ - Coi như một món quà hội ngộ vậy mà!
Đàn ông luôn luôn lợi dụng cơ hội để làm quen, tôi đâu có nghe. Lật nghiêng nón nhìn hắn, tôi lên giọng:
- Rất tiếc tôi không thể nhận được, xin cám ơn ông!
- Sao vậy? Cô cho rằng tôi có dụng ý gì à?
Đôi mắt đen của hắn thoáng vẻ ngạc nhiên, dù sao hắn cũng là người tốt. Tôi khẽ thở dài:
- Không phải vậy! Mà vì nhà tôi không có máy hát, mang về chỉ bỏ uổng thôi!
Hắn có vẻ không tin:
- Thế sao cô lại mua dĩa hát?
Tôi không khỏi tức cười nhưng phải bậm môi cố nín để giải thích:
- Chẳng qua là sự hiểu lầm, tôi chỉ định vào đó để nghe nhạc một chút, không ngờ gặp ông bán hàng quá nhanh nhẩu, tôi vẫn cám ơn ông vì ông đã làm tôi đỡ phải mất mặt.
Hắn nhìn tôi chăm chú:
- Cám ơn tôi? Điều đó không cần thiết bằng cô nhận hai dĩa hát này.
- Tôi đã nói là nhà tôi không có máy! Mà có đi nữa tôi cũng không nhận vật tặng của người lạ.
Hắn hơi nghiêng đầu:
- Biết đâu nhờ đó mà chúng ta không lạ nữa.
- Tôi thiết nghĩ không bao giờ có chuyện đó cả.
Cúi đầu chào hắn một cách lịch sự, tôi bước đi, gã thanh niên bước theo:
- Coi như vừa rồi tôi giúp đỡ cô chút đỉnh phải không? Bây giờ tôi muốn cô nhận dùm tôi nhé, kẻo trao đi rồi nhận lại kỳ quá!
Giọng hắn êm như dỗ dành, tôi xiêu lòng nhưng vẫn nghiêm chỉnh trả lời:
- Nhưng tôi không thích mắc nợ người khác!
- Coi kìa, đây đâu phải là món nợ.
- Là quà tặng tôi càng không thích nhận hơn.
Hắn nhăn mặt nhìn tôi:
- Lần đầu tiên tôi mới bị quê như vậy đó nhé!
Tôi làm hắn quê? Luận điệu của hắn làm tôi buồn cười. Hắn lẩm bẩm:
- Cô thật khác người.
- Tôi không hiểu người ta khác tôi ở chỗ nào?
- Tôi chưa gặp cô gái nào từ chối quà tặng của tôi hết!
Trời đất ơi! Bộ hắn tưởng hắn là hoàng tử sao chứ? Tôi hất vành nón lên nhìn hắn từ đầu đến chân, khuôn mặt đẹp trai và dáng dấp thật khá, hèn chi hắn dám tự hào như vậy. Tôi lạnh lùng:
- Tại sao tôi lại bắt chước người khác? Tốt hơn chúng ta nên chấm dứt đối thoại để khỏi tiếp tục gây khó khăn cho ông.
Gã thanh niên nhún vai, gã xoay xoay dĩa hát tròn trong tay rồi bất thần ném vút vào một bụi rậm bên đường. Hành động của hắn làm tôi bất ngờ, mở to mắt nhìn, hắn không biết tiếc sao? Thật ngu. Tôi dịu giọng:
- Đáng lý ông không nên có thái độ bực dọc đó!
Gã con trai như nói một mình:
- Bực tức? Nói là lạ lùng thì đúng hơn, lúc cô đứng trong tiệm cô dễ thương hơn bây giờ nhiều, nét mặt cô hồn nhiên nhiệt thành chứ đâu có kiêu ngạo như bây giờ! Tôi chưa thấy người nào thưởng thức một bài hát bằng cả tâm hồn mình như vậy. Tôi nghĩ rằng cô yêu thích giọng hát Uông Khiết Anh lắm do đó tôi định tặng cô vài dĩa hát mới. Ông bán hàng đã cho tôi một dịp tốt thế, nhưng cô lại không nhận, tôi còn giữ mấy dĩa đó làm gì? Tôi đâu phải kẻ ái mộ Uông Khiết Anh!
Tôi ngạc nhiên ngó hắn, tại sao hắn lại chú ý đến cảm tình riêng của tôi như vậy? Tại sao hắn nhận ra sự yêu mến Uông Khiết Anh của tôi? Niềm vui nén lại trong lòng:
- Thật tình tôi không ngờ ông lưu tâm đến tôi như vậy, sao ông chú ý đến tôi làm gì?
- Tôi muốn làm quen với cô.
Hắn nói một cách thành thật. Tôi thoáng thở dài:
- Làm quen! Ông vừa nói tôi chẳng giống ai kia mà!
- Cái khác của cô thật dễ thương.
Tôi nhíu mày, bước vội đi:
- Tôi không thích quen với ai hết, ông nên tìm cô gái khác mà tán, thôi chào ông nhé!
Một chiếc xe buýt vừa trờ tới, tôi nhảy phóc lên, mặc cho gã con trai đứng ngẩn ra trên hè phố. Một tí thương hại nằm trong mắt tôi khi thấy hắn thừ người ra một chút, đoạn thọc tay vào túi quần lững thững bỏ đi. Chiếc xe rời khỏi trạm, chẳng biết tôi có còn gặp hắn nữa không? Một thứ tình cảm nuối tiếc xuất hiện làm tôi muốn cốc cho mình một cái.
Chiếc xe ngừng ở đầu đường, nhà tôi nằm trong một góc, màu vôi đã cũ loang lỗ chẳng có gì đẹp mắt. Tôi im lặng bước tới, vừa định mở cửa thì tiếng cha và dì Hoa vọng ra làm tôi hết muốn bước vào. Tiếng cha khàn khàn:
- Lấy tiền ra cho tôi mau!
Dì Hoa giọng the thé:
- Ông lấy tiền để làm gì? Lại đi mua rượu nhậu nhẹt nữa chứ gì?
- Nhậu nhẹt hay không là quyền của tôi, chẳng lẽ ngồi như con chó há mõm trước cửa để nhìn bà đi hết thằng già này đến thằng già khác à?
- Ông đừng nói bậy! Ông Vương là chỗ làm ăn của tôi, kinh doanh thì phải giao dịch người này người nọ, tôi đâu có cắm sừng ông đâu mà ông sợ!
Cha lạnh lùng:
- Dù bà có cắm sừng tôi cũng bất cần!
- Tôi biết mà, ông đâu có cần tôi. Có bao giờ ông coi tôi là vợ ông đâu! Ông chỉ cần người nuôi con cho ông.
- Tôi đã nói với bà điều đó ngay lúc đầu.
- Tôi không hiểu sao tôi lại ngu dại nhận lời làm vợ ông làm gì? Về đây làm vú lại còn mang tiếng chẳng tốt đẹp trên đầu, rồi bây giờ ông làm cái nợ đời của tôi nữa. Tôi là con đàn bà khốn khổ nhất đời.
- Thôi đừng cà kê dê ngỗng nữa, lấy tiền đưa đây.
- Tiền đâu mà lấy! Hết tiền rồi!
- Tiền tôi đưa cho bà mấy triệu rồi bà làm gì mà hết? Đánh bạc phải không?
- Ông coi như tiền ông có phép! Tôi còn lỗ vốn với con gái ông kia kìa, đáng lẽ tuổi đó phải đi làm chứ có phải nuôi báo cơm mãi đâu! Đại học! Sinh viên! Xì! Đói dã họng mà còn giữ mãi được không?
- Con tôi muốn học thì để cho nó học, tiền đó là của tôi không phải của bà, đừng nhiều chuyện không xong với tôi đâu! Bây giờ qua nhà bà Khương mượn đỡ ít tiền cho tôi! Còn mấy món nữ trang đó, chiều đem cầm đi.
Dì Hoa rít lên:
- Thánh thần ơi! Ngó xuống mà coi tôi có khổ không nè!
- Lắm mồm quá! Đi đi!
Tôi lặng lẽ bước vào, cha đang ngồi trên chiếc ghế ở góc nhà hút tẩu thuốc, ông nóng nảy nhổ phì nước bọt xuống sàn nhà. Tôi lại gần ông:
- Thưa cha con mới về.
Dì Hoa có lẽ đi ra bằng cửa sau. Cha vỗ vào chiếc ghế đẩu bên cạnh:
- Phương Kỳ! Con ngồi xuống đây, cha muốn hỏi con một chuyện.
Chờ tôi ngồi xuống, ông thở dài qua một hơi khói thuốc:
- Từ hôm cha về đến nay con luôn tránh mặt cha, tại sao thế?
Tôi cúi đầu:
- Dạ đâu có, tại vì lúc con ở nhà thì cha đi vắng, còn con đi ngủ sớm thì cha về khuya đó chứ!
Cha gật gù có vẻ hài lòng:
- Ít ra cũng phải vậy. Giờ cha hỏi con, mười năm nay con sống có sung sướng không? Dì Hoa có lo cho con chu đáo không?
Tôi đáp như cái máy:
- Con vẫn sống đầy đủ.
- Được lắm! Món tiền đó cha đã đổi bằng mười năm tù, nếu nó không lo cho con mà lấy cho con trai thì cha sẽ giết nó.
- Cha đừng nói bậy!
Cha cười ngắm nghía tôi:
- Phương Kỳ! Con càng lớn càng giống mẹ con, giống quá, nhất là đôi mắt.
Đột nhiên ông đẩy vai tôi:
- Đi đâu thì đi, cha không muốn thấy mặt con nữa, con giống hệt mẹ con. Hiển Vân ơi!
Khạc lên một tiếng, cha lấy tay chà mạnh lên mắt, đoạn lầm lũi đứng dậy. Tôi đã biết tính thất thường của ông nên không nói gì, bước lại gần bàn đặt sách vở xuống.
Đã lâu rồi cha vẫn không quên nổi cái chết đau lòng của mẹ. Ngày đó tôi còn nhỏ quá, mới tám tuổi. Cha với mẹ gây lộn ầm ĩ. Sáng hôm sau tôi thức dậy đã thấy mẹ nằm chết cứng trên giường. Đường vết cắt trên tay sâu hoắm, người ta bảo mẹ tôi quẫn trí nên đã tự tử. Từ trước cha tôi vẫn thờ ơ với tôi nhưng sau khi mẹ chết ông ôm tôi vào lòng nghẹn ngào:
- Kỳ con! Cha sẽ làm cho con sung sướng!
Ông đã cưới dì Hoa về để lo cho tôi, một buổi tối cha bị hai người cảnh sát áp giải về nhà, người như chuột lột, hai tay bị còng chặt. Ông hôn lên má tôi và bảo:
- Cha đi nghen con!
Ông can tội giết người để lấy tài vật, cảnh sát đã điên đầu vì không tìm ra món tiền tang chứng. Cha bị sử hai mươi năm tù khổ sai, nhưng mười năm thì được chính phủ ân xá, nhà ngục đã biến cải ông rất nhiều. Còn tôi thì có được sướng như cha mong tưởng đâu! Tôi không đến nỗi đói rách. Dì Hoa tuy khắc nghiệt nhưng không hành hạ tôi, tuy thế án tích của cha tôi lúc nào cũng lởn vởn trong đầu tôi như áng mây đen. Tại sao ai cũng ghi tâm tạc dạ: “Đó là con gái Phương Nhất Gia, đó là con gái tên tù khổ sai.”
Làm con gái một kẻ nổi danh có phải là thích thú đâu? Tội lỗi của cha đã di truyền cho tôi rồi sao? Quá khứ và hiện tại như một tấm thảm giăng móc. Muốn thoát ra, tôi chỉ còn độc nhất là thả hồn vào mộng.
Buổi tối trong nhà thật hoang vắng, tôi ngồi nơi trước bàn nhìn ra khung cửa sổ mở rộng, tiếng ếch nhái kêu ộp ộp ở bãi cỏ trước nhà càng làm cho không khí giống như thảo dã. Ngoài trời mưa rơi lất phất, hơi lạnh theo gió lùa vào làm cho tôi rùng mình. Tuy vậy tôi vẫn mở toang cửa hứng gió thu. Cha đã đi đâu không biết. Ông Hứa, một khách quen của gia đình cũng tới đưa dì Hoa đi ăn cao lầu, khá nhiều người đồn đãi về giao tình giữa hai người, nhưng tôi chẳng để ý. Đối với tôi chuyện đó chẳng thành vấn đề gì, chỉ biết là tối nay tôi được tự do không phải theo dì tới sòng bài nhà họ Khương nữa!
Tay chống vào cằm, một tay tôi lơ đễnh nghịch con lật đật bằng vỏ trứng, lại còn làm hai bím tóc giả và chiếc nón ngũ lông xinh xinh, bộ mặt hề của nó đã giúp vui cho tôi cho đến ngày nó vỡ tan tôi vẫn hỏi nó:
- Bao giờ thì cha tôi về?
Bây giờ thì cha tôi đã về rồi nhưng tôi không hề tìm được hình bóng thân yêu nữa. Khẽ lắc đầu nhìn chú lật đật, bộ mặt vẽ bằng mực tàu với mặt mũi cười toe toét của nó không làm cho tôi vui hơn. Bỏ rơi nó, thẫn thờ nhìn ra cửa sổ, những giọt mưa đọng trên sợi dây điện dưới ánh đèn đường lấp lánh muôn nghìn sắc như những hạt ngọc trai, chúng tạo thành một xâu chuỗi thật đẹp nhưng không bao giờ có thể đeo được.
Ánh mắt tôi lại dời về cảnh vật bên trong căn phòng dán giấy màu sữa kẻ sọc hình thoi nâu nâu này là giang sơn của tôi trên gác. Đồ đạc chỉ là một chiếc giường con, bàn học với chiếc ghế mây độc nhất, một kệ sách đơn sơ ở góc phòng. Trên bàn, ngoài chú lật đật ra còn chiếc đèn ngủ, chụp đèn bằng giấy rô-đê chính tay tôi xếp lấy. Một chùm hạt châu đủ màu đủ cỡ trên mấy sợi cước trắng cắm trong chiếc ống nhỏ, chúng không ngớt chạm nhau tạo thành tiếng lách cách. Ngoài ra trên cửa sổ giữa những giây trường xuân leo quấn quanh chấn song, tôi còn treo một lẵng hoa nhỏ cắm vài nhánh antigone hồng nhạt lại cột thêm ba cái lục lạc bé xíu. Mỗi khi gió thổi lẵng hoa đu đưa, tiếng lục lạc reo lên nghe vui tai. Cách trang trí nhằm giảm bớt sự cô đơn của tôi, nhưng sao tôi cứ thấy sầu muộn mãi?
Ngồi một lát đã chán tôi nằm dài xuống giường vớ lấy cuốn Thi Tuyển ở đầu giường, lật ra tình cờ tôi gặp được bài thơ ngụ ngôn của Lưu:
Gửi mộng theo gió bay
Hồn cuốn bay theo mộng
Soi gương chiếc bóng gầy
Trách đời sao quá rộng
Buông rèm nghe mưa rơi
Hỡi người sao chưa về?
Cánh sen tàn không nói
Bỏ dở câu hẹn thề!
Đêm qua ngoài sân lạnh
Cành mai cội nở hoa
Ta nhấc hương vào mộng
Ngủ yên giấc năm kia!
Ngân nga được mấy câu tôi lại quẳng quyển thơ vào một xó, không hiểu sao hôm nay tôi lại thấy chán đời và muốn chết chi lạ. Sự trống rỗng của gian nhà làm tôi khó chịu muốn hét lên, ước gì giờ này được nghe Uông Khiết Anh hát! Uông Khiết Anh! Đó có phải là nguyên nhân sự bứt rứt của tôi nãy giờ? Chàng hiện giờ đang ở đâu? Trong căn phòng khách tráng lệ bên Vương Ánh Tuyết diễm lệ? Bội Tần cũng đã quên tôi để tham dự vào đám đông náo nhiệt đó, cả nhân loại này không ai thèm nghĩ đến tôi. Tôi bật khóc rấm rứt:
- Tôi khổ quá! Cô đơn quá!
Tiếng khóc vừa thoát khỏi môi, tôi chợt ngưng lại. Hình ảnh của gã con trai áo xanh lại hiện lên. Thật ra tôi cũng có người thông cảm đó chứ, tại sao cứ nhất quyết chối từ? Để rồi phải khoác danh hiệu cô đơn lên mình. Ngậm ngón tay cái giữa môi, tôi tự nhủ: “Không bao giờ có người tri kỷ của mi đâu! Phương Kỳ ơi! Hắn cũng chỉ là kẻ tán tỉnh lăng nhăng như bao nhiêu kẻ khác, đừng nghĩ đến hắn nữa!”
- Phương Kỳ! Mở cửa! Mở cửa mau!
Tiếng cha thình lình vang lên cùng tiếng đập cửa rầm rầm. Tôi giật mình, thực tại đã về gõ cửa, ảo mộng vội bay ra cửa sổ biến mất. Chạy vội xuống mở cửa là cha đã đâm đầu vào như chiếc phi cơ bị đạn. Tôi thầm kêu khổ đỡ vội lấy cha, quần áo lấm lem, hơi rượu rực lên, mt tay ông vẫn cầm chai rượu khư khư, phải khó khăn lắm tôi mới dìu được cha ngồi trên chiếc ghế đẩu, vì ông cứ khăng khăng đòi lên nóc tủ chén ngồi. Tôi ra ngoài đóng cửa, lũ trẻ con hàng xóm bu lại xem làm tôi khó chịu. Quay vào tôi thấy cha ngồi ủ rũ trên ghế, chân xoạc rộng, đôi giày lấm bùn thật dơ. Tôi lắc đầu quỳ xuống cởi giày cho cha, cha nhìn tôi cười mếu:
- Tiểu Kỳ! Con có sợ cha không?
- Thôi cha đi ngủ đi, cha mệt rồi đó!
Cha gục gặc đầu, đôi mắt đục ngầu, mái tóc muối tiêu rối như tổ quạ:
- Đúng! Cha mệt thì có chứ say thì không bao giờ nhưng để lát nữa cha đi ngủ. Bây giờ cha phải uống hết chai rượu này, cha vừa làm được một việc khoái chí, cha chả là khoái.
Tôi lo sợ:
- Cha làm gì thế?
Cha đưa chai rượu lên miệng tu một hơi đoạn khà lên một tiếng rồi nheo mắt nhìn tôi:
- Cha đập bể đầu thằng chủ quán Tô Mộc rồi!
Tôi giật nẩy người kêu thất thanh:
- Trời ơi! Sao cha đánh người ta? Ông ấy có sao không? Cảnh sát tới bắt cha thì cha làm sao?
Cha chìa ngón tay lên trời cười hà hà:
- Làm gì mà con cuống lên thế! Cha con anh hùng mà, tao dám ngồi ở quán nó cả buổi, tao dám đi gọi cảnh sát, có đứa nào dám vuốt râu cọp đâu! Bây giờ nó đang lo cho cái đầu như trái dưa bể của nó. Thằng nào thấy mặt cha, mặt mày cũng đều xanh lè hết. Con thấy cha có hách không? Ai cũng sợ cha.
Đây là cha tôi sao? Tôi buộc miệng:
- Ngay chính con còn sợ cha nữa nói chi ai!
Vết sẹo đỏ au trên trán cha giật giật, cha lại đưa chai rượu lên nốc ực ực, rượu rơi ướt cả bộ râu xồm xoàm như rễ cây của ông:
- Sao con lại sợ cha? Cha có giết con, ăn thịt con đâu? Nhưng thằng nào dám đụng đến con là nó phải chết! Con có biết thằng Tô Mộc dám nói với cha gì không? Mẹ nó! Cha quên mang tiền, bảo đưa rượu không đưa lại còn đuổi cha ra khỏi quán. Cha mới quát vào mặt nó “Đừng quên tao là Phương Nhất Gia!”... nó lại trả lời cha... cái điều mà... không ai quên điều đó... “Vừa thôi! Hãy để con gái anh lấy chồng!”
Tôi lặng người, cha đứng lên, bắt đầu đi khệnh khạng chân nam đá chân chiêu nói:
- Tổ bà nó! Cha cần nó dạy đời à? Bây giờ thằng khốn ấy đã có một kỷ niệm để không quên những gì nó nói. Tiểu Kỳ! Con là con của cha, từ ngày mẹ con mất cha tự hứa là sẽ làm cho con được sung sướng. Cha cho con đi học đàng hoàng, cha có bắt con đi hốt rác ăn xin đâu. Vậy mà thằng chó chết đó lại bảo cha hại con không cho con lấy chồng được!
Ông cầm chai rượu đập mạnh vào góc bàn bể tan:
- Con gái cha bộ buộc phải lấy chồng mới sống được sao? Kỳ con! Ai cũng coi chúng ta như là một bệnh truyền nhiễm, tại sao con lại buồn vì chuyện thối tha đó! Họ đã khinh ta, tại sao ta không khinh lại họ? Phải cười cả đám mặt mẹt đó! Cười như cha vầy nè! Ha... Ha... Ha!
Cha cười lên thật to:
- Chúng mày đừng hòng đụng đến con gái tao! Đừng hòng! Đã có ai đến xin cưới con chưa? Chưa à! à được! Con đẹp như thế này khối người bu quanh. Thằng nào đeo theo, cha sẽ đập nó vỡ sọ. Con gái cha ngạo nghễ đứng giữa trời chẳng ai với tới được!
Nói rồi người co một chân, tay khuỳnh ra như thể Kim Kê độc lập, người xiêu vẹo rồi đổ đánh sầm xuống nhà rồi ngủ thiếp trong hơi rượu sặc nồng; lại phải chăm sóc cho ông, quét dọn nhà cửa bề bộn, cha đã ngủ mệt. Tôi ngồi ở ngạch cửa bẻ từng lóng tay:
- Đời sống là thế này sao?
Hơi thở cha ồ ồ làm chiếc giường muốn rung rinh. Trong lúc nhất thời tôi không minh xác được tình cảm của mình đối với cha, yêu thương hay oán hận, ông đáng trách hay đáng kính? Tất cả đều lẫn lộn, chỉ biết là tôi đang buồn đến não lòng. Có tiếng giày cao gót nhọn sắc. Dì Hoa đã về, không phải một mình mà còn có cả Hứa Kim. Hai người thân mật cặp tay bước vào, phát giác ra tôi đang ngồi dựa cửa, dì Hoa hỉnh mũi đánh hơi rồi cau mày:
- Lại say nữa rồi chứ gì? Biết ngay mà!
Tôi im lặng đứng lên toan quay vào nhà thì dì Hoa gọi giật:
- Ông Hứa có mua một hộp bánh ngọt, ra nhận rồi cám ơn ông đi!
Quay nhìn người đàn ông họ Hứa, ông đã ngoài ngũ tuần, tướng người ngũ đoản, rất bần tiện. Cách ăn mặc lại lòe loẹt để cố níu kéo một ảo tưởng thanh xuân. Tôi không quên năm mười lăm tuổi đã bị dì Hoa đẩy đến trước mặt lão già này, ấn đầu xuống và bảo:
- Chào bác đi nào!
Ông ta nựng má tôi và nháy mắt với dì Hoa:
- Con bé xinh quá! Chị có chịu cho tôi làm con rể chị không?
Thế là hai người cười với nhau. Từ đó tôi ghét cay ghét đắng lão già này. Trong tim tôi đột nhiên phát sinh tình cảm độc kháng, nhìn sắc diện bị thịt khó ưa của lão, tôi nói móc:
- Con không phải loại hảo ngọt! Dì bảo ông ấy đem về cho đám cháu nội thì hơn.
Dì Hoa vội hét:
- Mày ăn nói như vậy mà nghe được hả?
Hứa Kim vội can để lấy lòng tôi:
- Có sao đâu! Tôi biết cô Kỳ nói đùa. Cô Kỳ nói đùa có duyên lắm, tôi có giận gì đâu!
Lão già nhìn tôi cười bành miệng để lộ cái răng vàng sáng chói:
- Nghe nói Phương Kỳ học giỏi lắm nhỉ?
Dì Hoa dài giọng:
- Ôi... lúc nào cũng học. Tôi không biết nó làm gì ăn được nữa đây?
- Nếu cô Kỳ muốn, tôi sẽ nhận cô Kỳ vào làm thư ký riêng cho công ty chăn nuôi gia súc của tôi hiện thời đang trên đường phát đạt, cần tuyển thêm nhiều nhân viên.
Đã có ba cô thư ký riêng trở thành vợ bé của lão. Tôi không muốn mình trở thành vị tiểu linh thứ tư nên chặn lời:
- Xin đa tạ! Thật ra tôi chỉ là đứa vụng về nên việc làm không thích hợp với khả năng kém cỏi của mình, lòng tốt của ông tôi không dám nhận đâu!
Đoạn tôi chẳng cần chào lão, tôi đi thẳng về phòng. Dì Hoa giận dữ:
- Thứ đồ con hỗn láo mất dạy!
- Mười năm nay ai đã dạy tôi?
Tắt ngọn đèn ngủ, bóng tối ngập đầy. Tiệc trà ở nhà họ Vương chắc vẫn còn, có ai còn nhớ đến tôi không?

<< Đoạn Kết |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 176

Return to top