Những ngày sau đó là một chuỗi dài trăm cay nghìn đắng. Khiết Anh coi tôi như một kẻ tử thù, mỗi lần thấy tôi là chàng la hét ầm ĩ, mắng chửi tôi là đồ giả dối làm bẩn mặt chàng. Tôi có miệng mà nói chẳng nên lời trước những cơn giận dữ bão táp phủ chụp lên đầu tôi. Chưa bao giờ tôi thấy mình vô dụng như thế này. Chẳng biết làm gì khi chàng mắng chửi, chỉ biết khóc và cam chịu.
Những lúc chàng la hét mòn hơi ngủ thiếp đi, tôi lại lén vào phòng thu lượm lại đồ đạc bị chàng phá tan hoang, lượm quần áo chàng vất lấm lem đem đi giặt. Để đền đáp công ơn tôi, khi tỉnh dậy chàng lại đập phá những gì có thể đập phá được, gõ rầm rầm vào tường đồng thời gào thét phẫn nộ. Cơm nước do bà Lâm mang lên, có khi chàng ăn chút ít, có khi chàng đá phăng xuống sàn văng tung tóe. Tình trạng này kéo dài có lẽ chàng sẽ bị kiệt sức, không biết làm cách nào thăng bằng trở lại, tôi như cũng khủng hoảng lên theo.
Hạo Bình tới nhà vào buổi tối, chàng nhìn nét mặt buồn rười rượi thở dài:
- Em định chui vào lửa đến bao giờ nữa hả Kỳ?
Tôi đáp nhỏ trước khi bỏ đi:
- Cho đến ngày em thành tro tàn.
Đứng trước cửa phòng đóng kín của Khiết Anh, bao nhiêu kỷ lực lại tan rã như mảnh ván thuyền. Chàng đang làm gì bên trong? Chàng có đau khổ như tôi không?
Ba ngày qua tôi không dám gặp mặt Khiết Anh nữa, chỉ đứng chờ chực bên cửa như kẻ tôi đòi. Bà Lâm đem cơm vào, từng tiếng nặng nề như từng nhát búa gõ vào tim tôi, giọng nói của chàng chán chường:
- Bà Lâm, Phương Kỳ đâu? Nàng bỏ đi rồi phải không?
Bà Lâm còn ấm ờ, chàng đã cười chua chát:
- Cũng may là nàng khá thông minh nên đã bỏ đi sớm. Nếu không, có ngày nàng sẽ phải chết sớm vì tôi. Mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt ấy, tôi lại không giữ được bình tĩnh, đáng hận thật!
Yên lặng một lát chàng lại tiếp:
- Bà để đó, lát nữa tôi sẽ ăn, bây giờ bà đi ra, tôi muốn ở một mình.
Trở về căn phòng nhỏ ở đầu cầu thang, tôi ngồi đếm từng hạt của tấm sáo dài treo nơi cửa sổ, đêm đã khuya rồi tôi vẫn ngồi đó. Giờ này Khiết Anh đã ngủ chưa? Khoảng cách giữa tôi và chàng thật ngắn mà thật xa xôi muôn trùng. Biết làm sao hút sạch được nước biển để xóa sạch đại dương ngăn cách.
Đột nhiên trong đêm khuya thanh vắng, một tiếng động lịch kịch vang lên phá tan sự tĩnh mịch. Tiếng nạng của Khiết Anh! Tôi tắt vội ngọn đèn nhạt nhìn ra. Đứng dưới ánh sáng mờ mờ hành lang, bóng chàng gầy gầy in rõ. Khiết Anh đang tập sử dụng đôi nạng gỗ một cách vụng về. Chàng chập choạng bước đi, hơi thở mệt vang đến tận tai tôi. Vai nhô cao, một bên ống quần trống rỗng phất phơ, dáng người nghiêng đổ với bước ngắn không vững. Hình ảnh đáng thương ấy làm tim tôi nhói đau. Chàng không muốn ai nâng đỡ cả hay sao?
Khiết Anh nặng nề nhích đến đầu cầu thang. Chàng dừng lại dùng tay áo gạt mồ hôi trên trán rồi lại tiếp tục lần đi xuống thang lầu. Tôi bật dậy lao nhanh ra hành lang, xuống cầu thang không phải dễ, không khéo... Quả nhiên, một tiếng động vang rầm. Khiết Anh đã bị ngã rồi, tôi chạy vội xuống sót xa.
- Khiết Anh!
Chàng đang lồm cầm bò dậy, chiếc nạng văng ra một ngóc, một cái té không làm Khiết Anh đau bằng sự hiện diện của tôi, những thớ thịt trên mặt chàng co rút, tiếng nói bàng hoàng:
- Phương Kỳ! Em vẫn chưa đi sao?
Tôi đi xuống nâng chàng dậy:
- Em đã nói em không đi đâu hết, anh chưa tin em sao? Em đưa anh vào phòng ngủ nhé?
- Không cần, tôi đi một mình được, mặc xác tôi.
Chàng lại nổi nóng, tôi đã biết tình trạng này, đành cúi đầu nhặt cây nạng đặt vào tay chàng. Khiết Anh xiết chặt nó, gân xanh nổi lên mặt:
- Tôi lập lại là sáng mai em phải đi khỏi nhà tôi, tôi không cần nô lệ và cũng không phải là thằng bé lên năm mà cần có người bảo dưỡng. Em tưởng tôi là loài tầm gửi cần có em tôi mới đứng thẳng sao? Lầm tuốt!... Tôi không ngửa tay xin xỏ lòng bác ái của em đâu! Mẹ tôi đã đến nhờ em chứ gì? Hừ! Em cao thượng quá!
Tôi đưa tay định nắm tay chàng nhưng Khiết Anh đã trợn mắt nhìn bàn tay tôi, khiến tôi phải bỏ ngay ý định đó:
- Mẹ anh không nhờ em! Chẳng có ai ép buộc hay yêu cầu gì em cả! Em tự ý đến đây chỉ vì em yêu anh, em biết anh không cần em nhưng em cần anh! Em không ao ước gì hơn là sống mãi mãi bên anh!
Đáy mắt sâu thẳm, chàng cười chế nhạo:
- Sống bên một thằng què quặt như tôi có gì để em ao ước? Thế gian này còn đầy rẫy những con người nguyên hai chân mà Phương Kỳ!
- Nhưng thế gian này chỉ độc nhất có anh là người em yêu thôi! Em yêu anh thế nào anh cũng hiểu rõ sao anh cứ tàn nhẫn với em hoài vậy?
Không ngờ câu nói của tôi làm chàng nổi giận:
- Thôi im đi! Đừng để tôi phải nghĩ lại con người tôi ngày trước! Người yêu cô lúc đó không phải là kẻ tật nguyền!
Chàng đỡ nhanh hai tay lên đầu:
- Tôi không còn bước đi vững vàng nói gì đến chuyện dìu cô đi như xưa! Tôi có thể chịu sự bất hạnh này mà không than thở nhưng cô đã đập tan mọi nghị lực thiêng liêng của tôi. Cô mới là kẻ tàn nhẫn! Cô biết chưa?
Tôi chết lặng. Sự thật tôi chỉ mang đến cho chàng mặc cảm tật nguyền chứ nào giúp cho chàng yêu đời và tin tưởng vào cuộc sống. Khiết Anh nhìn nét mặt ngớ ngẩn của tôi chàng lạnh lẽo:
- Cái tôi cần bây giờ không phải là cô mà là đôi nạng này, tôi chỉ yêu mỗi bản thân mình mà thôi. Lòng tôi đã chết thực rồi Phương Kỳ à! Sáng mai tôi không muốn thấy cô nữa. Hãy để tôi yên tĩnh trong thế giới của tôi! Em nên đi đi!
Chàng loạng choạng bước đi, tôi đau như cắt nhìn theo. Mới được vài bước Khiết Anh đã suýt vấp té. Tôi theo phản xạ bước vội tới nhưng chàng đã quay phắt lại nhìn tôi:
- Cút đi!
Ôm đầu gối ngồi xuống bên cầu thang, những lời chàng nói như tiếng trống đồng vọng rền vang cả vách đá. Khiết Anh bây giờ chỉ còn yêu có bản thân, tôi nên đi đi, ở lại chỉ khiến chàng thêm rối trí, nhưng... nhưng làm sao tôi rời xa chàng được?
- Khiết Anh! Thật ra chính em cần có anh mới sống nổi!
Tôi không dám đến cửa phòng Khiết Anh nhưng cũng không có nghị lực để bỏ đi, quanh quẩn trong nhà giặt giũ quần áo, nấu nướng cho chàng, làm tất cả những công việc tôi có thể làm được. Bà Lâm nhìn sự tận tụy của tôi cũng ái ngại lây:
- Cậu Khiết Anh bây giờ chắc loạn thần kinh rồi cô Kỳ ơi! Có lúc tôi cũng bị cậu ấy chửi như tát nước vào mặt. Thái độ của cậu ấy cũng bất thường lắm, có khi nằm hát lảm nhảm gì đâu không hà, có khi lại ngồi hàng giờ để hát một mình, đôi khi viết di chúc di ngôn gì đó, thôi thì đủ chuyện điên điên khùng khùng! Cô đừng bận tâm cho khổ thân nữa! Người như cô đâu phải là kẻ giúp việc tầm thường. Ồ! Mà có khi cậu ấy khóc nữa.
Chàng khóc? Chàng cũng đau khổ hay sao? Tôi phải ở đây dù không được ra mặt nhưng núp trong bóng tối cũng đủ lắm rồi.
Một tuần lễ Khiết Anh không ra khỏi phòng, chàng ăn uống cũng tương đối hơn và không đập phá đồ đạc nhưng tuyệt nhiên im lặng. Tôi đến ngồi ôm cây đàn của chàng bỏ ở xó nhà vào lòng vuốt ve, từng sợi dây trùng xuống buồn tênh, bây giờ những ngón tay chàng còn lướt nhanh trên nó không? Lòng tôi cũng lạnh phím tơ chùng.
Trời mùa hạ có những cơn mưa thật bất ngờ. Một đêm kia tôi đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng mưa rơi, vùng dậy mở mắt nhìn đồng hồ mới hai giờ. Tiếng mưa gió ngoài trời nghe thật dễ sợ, khí lạnh làm tôi chui rúc trong tấm chăn rộng: Lạnh quá! Không biết Khiết Anh có ngủ nổi khi nghe tiếng mưa rơi.
Một bản năng thúc đẩy tôi tung chăn nhảy xuống tìm chiếc áo khoác ngoài cho đỡ lạnh đoạn đi về phía phòng chàng. Vừa nhón chân nhìn qua khe cửa, cảnh tượng bên trong làm tôi hoảng hồn: cánh cửa sổ đã bật ra, đang đập liên hồi vào bức tường phía ngoài. Mưa tự do hắt xối xả vào chàng, nền nhà đã loang thành vũng nước. Khiết Anh ngồi yên trên giường, từng đợt mưa mù mịt tạt vào mặt, vào người chàng đẫm ướt. Có lẽ chàng đành bó tay không đóng cửa được. Tôi chẳng kể gì nữa, đẩy cửa chạy nhanh đến bên cửa sổ, mưa hắt vào mặt buốt như kim châm, ráng sức chống lại chiều gió để kéo cánh cửa khép kín, người cũng bị ướt hết, vừa mới quay lại là đã nhận ngay tiếng thét của chàng:
- Lại là cô nữa à?... Cô vẫn còn ở lì đây sao? Ai cho phép cô vào đây? Cô tưởng mình tôi không đóng nổi cửa hả?
Tôi quá buồn không muốn trả lời những câu hỏi vô lý của chàng nữa; im lặng đi tìm bộ quần áo khô đặt lên đầu giường. Sách vở ở trên bàn đã ướt sũng, có lẽ cần phải hong khô. Tôi ôm chồng sách đi thẳng ra khỏi phòng. Khiết Anh giận dữ:
- Tôi cấm cô không được ló mặt vào phòng tôi! Nếu cãi lời thì chớ trách!
Hôm sau bà Lâm mang thức ăn lên phòng, trở xuống bà phàn nàn:
- Cậu Khiết Anh bị sốt, người nóng lắm! Tôi lấy thuốc đưa cho cậu ấy, cậu ấy đã không uống lại còn chửi mắng bảo tôi lắm chuyện.
Chắc chàng không chịu thay áo nên mới nóng lạnh trúng cảm. Cơm trưa Khiết Anh cũng chẳng ngó tới, tôi thấp thỏm lo cho bệnh tình của chàng. Mấy lần tôi định vào phòng nhưng lại chùn bước, thái độ chàng sẽ ra sao? Khi thấy tôi cứ mãi quấy rầu. Không biết làm sao vào thăm chàng mà chàng đừng nổi giận, tôi buồn chán đi xuống đi lên lòng nóng như lửa.
Buổi chiều khi tôi đang phụ bà Lâm ở trong bếp thì có tiếng Dạ Tú gọi rối rít:
- Bà Lâm ơi! Bà ra mở cửa cho anh Hạo Bình!
Bà Lâm ứng tiếng và vội vàng chùi tay vào khăn chạy đi. Chiều nay Lương Hạo Bình lại đến nghe Dạ Tú đàn, Tú đàn piano rất khá, còn Hạo Bình thuộc loại biết thưởng ngoạn. Tôi đã từng chứng kiến cảnh đầm ấm của họ ở phòng khách giữa tiếng nhạc reo vui. Hèn chi hôm nay cứ thấy Dạ Tú lăng xăng mãi bên bình hoa mới được cắm đầy công phu trên bàn dương cầm. Cười nhẹ một mình tôi lấy chiếc muỗng to khuấy trong nồi súp thơm phức vừa sôi trên bếp. Múc súp xong tôi phải tự mình mang lên cho chàng vì chờ mãi không thấy bà Lâm đâu, chắc bà đang bận.
Khẽ đẩy cánh cửa, tôi bưng chiếc khay sứ trên có tô súp nghi ngút khói, rón rén đi vào. Khiết Anh đang nửa nằm nửa ngồi ở đầu giường, chàng luồn tay sau gáy làm gối chống, trầm mặt nhìn một chú nhện to giữa hai song cửa. Chiếc áo sơ mi nhàu nát xốc xếch để phanh ngực, đôi nạng để trong góc vừa tầm tay chàng. Khung cảnh hỗn độn chẳng khác gì khu rừng thời nguyên thủy, bừa bãi không thể tả. Áo quần vắt trên thành ghế có cái buông thỏng xuống đất, chiếc ghế đổ nghiêng không ai dựng lên, một cái gối lăn lóc giữa nhà. Tôi nhè nhẹ tiến đến gần chàng dịu dàng nói:
- Khiết Anh, anh ăn súp đi cho nóng nhé!
Khiết Anh quay ngoắt lại, ánh mắt chàng nhìn tôi sừng sộ, bất thình lình chàng lồng lên như sư tử định chồm lấy nạng giáng mạnh vào tay tôi với tiếng gào man dại:
- Tôi đã cấm cô rồi mà! Cãi lời thì coi đây... Xoảng!
Tô súp bể vụn, chất lỏng nóng tràn vào tay tôi thiêu cháy. Tôi rụng rời ôm lấy cổ tay thoáng một khoảng đỏ ửng hồng lên, bàng hoàng, nhức nhối, phỏng rát. Tôi ứa nước mắt khom người xuống nhặt những mảnh tô vỡ, những ngón tay vụng dại, đôi vai nhỏ run rẩy như phiến lá lìa cành. Khiết Anh lại có thể ác như vậy sao?
Chưa kịp ngẩng lên thì một phát đòn đã giáng bổ xuống vai. Khiết Anh chồm xuống hung dữ phang vào người tôi bằng tất cả sức mạnh và lòng cuồng giận của chàng. Tôi như cây lan nhỏ văng đi trước cơn cuồng phong. Thân hình đau ê ẩm chỉ còn những giọt nước mắt nhỏ xuống như mưa. Khiết Anh đưa cao cây nạng định đập xuống đầu tôi, tôi khiếp sợ xanh mặt, đôi tay run rẩy che mặt, chàng không nỡ xuống tay mà ném cây nạng gỗ văng vào góc tường, đôi mắt đỏ rực với nụ cười độc địa:
- Thế đã đủ chưa? Bao giờ cô mới chịu bỏ đi?
Tôi buông rơi những mảnh sứ vỡ lảo đảo đứng dậy, những giọt nước mắt hoen má, mắt mở thật to nhìn chàng, đôi môi lợt lạt thổn thức mãi mới nói thành tiếng, giọng ướt sũng:
- Khiết Anh! Ngay cả anh cũng đánh đập em nữa sao?... Em...
Tôi nấc lên chạy ra cửa, đâm sầm xuống cầu thang như điên khùng, một bóng người bị tôi tông phải chới với nhưng đã kịp giữ tôi lại... Lương Hạo Bình!
Hạo Bình đau xót nhìn tôi:
- Em làm sao thế? Anh ta hành hạ em phải không?
Tôi cố nuốt nước mắt trả lời:
- Không sao đâu, tôi đi lấy thuốc mỡ bôi vào bây giờ.
Bình vẫn giữ chặt cườm tay tôi, chàng cúi xuống thổi nhẹ vết bỏng:
- Em đã sáng mắt ra chưa? Đừng tự thiêu thân nữa Kỳ! Em đã bị cháy bỏng rồi!
- Anh định khuyên cáo tôi đó sao?
- Một cô bé ngu như em cần phải khuyên cáo.
- Hãy để em làm theo ý em! Mặc em đi Hạo Bình.
- Mặc em! Anh đã nín thinh nhìn em tự đọa đày như thế này có dám can ngăn đâu? Anh đến ngôi nhà này chỉ để gặp em, chỉ vì muốn xem em sống ra sao? Nhìn em cực nhọc vất vả anh đã đau lòng huống hồ em lại bị đối xử tàn tệ như vầy, anh thấy em không có lý do gì để lưu lại căn nhà này nữa hết!
- Thế à?
Giọng nói rít lên của Dạ Tú làm Hạo Bình chấn động quay lại. Dạ Tú đứng dưới chân cầu thang tay vịn vào lan can, khuôn mặt xinh xắn tái nhợt, nàng nhìn Hạo Bình run giọng:
- Còn tôi, tôi cũng thấy anh không có lý do gì để lưu lại nhà tôi nữa cả, xin mời anh về cho!
Hạo Bình như chạm phải đá, chàng thất thần nhìn Dạ Tú đoạn lẳng lặng bước xuống, ngang trước mặt Dạ Tú chàng quay mặt đi.
- Từ bây giờ trở đi anh đừng bao giờ đến đây, vì nơi đây không còn gì đáng cho anh lui tới nữa đâu!
Quay sang tôi, Tú ngẩn cao đầu, giọng nói lạnh như tiền:
- Chị Phương Kỳ! Té ra người yêu của chị là Lương Hạo Bình! Vậy mà thời gian qua tôi đã hiểu lầm nên mới thân thiết với anh ấy, xin lỗi chị nhé! Bây giờ xin trả lại anh ấy cho chị!
Dạ Tú nhìn xoáy vào mắt tôi để tìm đọc ý nghĩ:
- Anh ấy đến mượn cớ để dạy học, nghe đàn với mục đích được gần gũi chị, tại sao hai người lại phải dụng công khổ nhọc như thế nhỉ? Chị nên rời khỏi đây đi để việc gặp gỡ thuận lợi hơn, dễ dàng hơn. Chị đã không còn yêu anh tôi nữa thì nấn ná ở nhà tôi làm gì?
Nàng cười mỉa mai:
- Hay chị định quy lụy để anh tôi mủi lòng nhận chị làm vợ? Lúc đó chị tha hồ mang tiền bạc của nhà tôi ra trao tặng cho người tình? Chị đừng tưởng bở, cuốn gói khỏi đây càng sớm càng tốt. Thời gian qua tôi đã thiếu bổn phận với anh tôi, bây giờ tôi sẽ lo lắng cho anh ấy, không cần phải mướn người ở đợ nữa!
- Dạ Tú.
Bám vào cầu thang bỗng nhiên tôi cảm thấy đuối sức, dần dần ngất xỉu, từng âm thanh rời rạc và chán nản:
- Tú khỏi nặng lời. Tôi sẽ đi khỏi đây ngay bây giờ.
Nàng quay người bỏ đi:
- Biết vậy là tốt!
Úp mặt vào lòng bàn tay, tôi khóc mướt. Tình yêu và thù hận, gió bão luôn vô tình bẻ gẫy những đôi cánh ước mơ như đã chôn cánh chim mong manh. Tôi không thể ở lại ngôi nhà này nữa rồi, mọi cố gắng như loài chim tinh vệ thu đá lấp biển cạn hơi mòn mỏi vẫn không cạn hết biển. Tôi sẽ ra đi, không còn thấy tôi chắc mọi người toại nguyện!
Nhét nhanh những món đồ tầm thường vào xách tay, tôi để lại mọi vật y nguyên trong phòng, tôi chỉ lấy đi những gì tôi mang đến gia đình này.
Ngang qua cửa phòng Khiết Anh tôi chậm bước. Trong phòng này là người yêu tha thiết của tôi, nhưng bây giờ không biết còn là chàng nữa không. Trái tim tôi như bị xé rách.
- Khiết Anh! Em đi đây! Nhưng em vẫn yêu anh đến trọn đời.
- Phương Kỳ! Kỳ ơi... đừng đi em...
Mạch máu tôi căng ra, Khiết Anh vừa gọi tôi? Tôi nín thở lắng nghe tiếng gọi lại cất lên bi thương như tiếng chim tìm bạn:
- Ở lại đi Phương Kỳ! Ở lại với anh!
Tôi bay vào phòng Khiết Anh, chàng đang lăn lộn trên giường, thở hổn hển trong tiếng gọi khẩn khoản:
- Đừng đi đâu hết! Anh không đuổi em đâu, nghe anh đi Phương Kỳ...
Tôi ngồi xuống mép giường đặt tay lên trán chàng, chàng nóng quá! Nóng thế này làm gì không mê sảng, đôi mắt ngây dại vì cơn sốt của Khiết Anh mở to không chớp. Tôi vừa định đứng lên gọi thì chàng đã ôm ngọn lưng giữ lại:
- Em đây phải không Phương Kỳ? Đừng giận anh! Đừng bỏ đi đâu hết, ở lại với anh nghe em!
Chàng kéo đầu tôi ép sát vào lồng ngực đang thở dồn dập, đôi môi nóng rực lướt trên mặt tôi:
- Anh yêu em! Anh yêu em Kỳ ơi! Đừng bỏ anh,anh chẳng còn gì cả, em cũng nỡ bỏ anh sao?
Nước mắt như con suối nhỏ khơi trúng mạch chảy ngập tràn, tưới mát mảnh hồn tưởng như đã khô cháy. Khiết Anh vẫn còn cần tôi, xin đa tạ ân xủng của Thượng đế! Chàng đưa tay sờ nhẹ lên má tôi ngơ ngác:
- Em khóc phải không? Anh đánh em đau lắm chớ gì? Tội nghiệp cho em, anh đã xua đuổi em, mắng chửi, đánh đập, vậy mà em còn ráng chịu đựng anh, sao em ngốc vậy Phương Kỳ? Nhìn em đau khổ anh có vui sướng gì đâu!
Định mạng! Định mạng sao mà cay nghiệt quá vậy?
Chàng thở ra mệt nhọc, ngả đầu ra trên gối bắt đầu mê man nhưng tay vẫn giữ chặt như sợ tôi đi mất.
Tôi nhẹ nhẹ gỡ tay chàng ra đứng lên đi lấy chiếc nhiệt kế và mấy ống thuốc, nhiệt độ của Khiết Anh thật cao, tôi lo lắng nhờ bà Lâm gọi bác sĩ rồi ngồi xuống cạnh chàng chậm những giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên thái dương chàng.
Chàng vẫn lảm nhảm mơ hồ gọi tên tôi. Bác sĩ đến chích thuốc và dặn tôi ướp đá để hạ nhiệt độ. Mồ hôi Khiết Anh tuôn ra ướt đẫm, tôi cởi áo cho chàng, lau khô mình mẩy rồi thay chiếc áo khác, Khiết Anh bớt nói mê, chàng đã nằm yên. Tôi ngồi bên nhìn vẻ phờ phạc của chàng cho đến sáng, lòng vừa thấy xót xa vừa thấy êm dịu, qua bao nhiêu khổ ải mãi đến giờ Khiết Anh mới chịu nhận sự hiện diện của tôi.
Trận mưa và nửa tháng ăn uống thất thường đã quật ngã Khiết Anh. Suốt ngày tôi bên giường chăm sóc cho chàng từng miếng ăn ly nước, đêm đến lại ngồi bó gối canh chừng giấc ngủ cho chàng. Đến ngày thứ ba Khiết Anh đã tỉnh hẳn. Chàng ngồi lên được, khi tôi mang cháo tới chàng nói cộc lốc:
- Để đó đi!
Chàng lại tiếp tục dùng mặt lạnh nhưng không la hét hung tợn nữa, tôi đã biết trước ý nghĩ của chàng nên không nói gì chỉ mỉm cười, không tỏ vẻ bực bội, Khiết Anh chăm chú nhìn tôi:
- Mấy ngày qua tôi làm rộn em lắm phải không?
Tôi lắc đầu, chàng thở dài thật nhẹ:
- Tôi đã khỏi hẳn rồi! Em về phòng ngủ đi cho khỏe, mắt em cuồng thâm hết rồi kìa!
Chìu ý chàng nhưng tôi không trở về phòng, một mình yên lặng ngồi xuống bên cửa, lỡ nửa đêm Khiết Anh cần gì thì biết gọi ai? Bà Lâm ở mãi dưới nhà, chân chàng như thế đâu tiện đi đứng.
Ngồi chụm chân lại, một tay đỡ lấy cằm, tay kia đùa nghịch với mấy ngón chân và lắng nghe tiếng động trong phòng. Ngồi như thế một lúc cơn buồn ngủ kéo đến, tôi cố mở mắt lên, cố thức như hai hôm trước, sự mệt nhoài làm mi mắt sụp xuống nhướng hết lên. Những tiếng động dần dần xa hẳn, tôi tựa vào bức tường ngủ quên lúc nào không hay.
Ngủ như chết chẳng bao lâu tôi có cảm giác được đặt nằm thoải mái dưới đáy biển yên tĩnh, đồng thời đó có ai đó hôn lên mí mắt tôi, tôi lắc đầu mở mắt không nổi, buồn ngủ quá! Ta nằm mơ rồi, ta đang ngủ gục trước phòng Khiết Anh cơ mà!
Giấc ngủ phai dần, vừa hé mắt ra ánh sáng chói lòa làm mắt tôi nhắm vội lại. Tuy thế tôi vẫn nhận ra mình nằm trên chiếc giường trong phòng. Dụi mắt ngẩn ngơ, tối hôm qua tôi đâu có ngủ ở đây. Chẳng lẽ mình đã mộng du? Ai đã mang tôi vào phòng? Khiết Anh thì chắc hẳn không được rồi! Dạ Tú thì chẳng bao giờ thức dậy nửa đêm lên lầu! Bà Lâm thì ngủ say từ chập tối. Vậy là ai? Không lẽ các vị thần đã làm phép hô biến? Tôi nghĩ rồi mắng mình sao quá trẻ con, tung mền nhảy xuống đất, vừa lùa chân vào gầm giường tìm dép tôi phát hiện ra một mẩu thuốc lá đang cháy dở vẫn còn ngút khói, khe khẽ lắc đầu, trên môi thoáng một nụ cười âu yếm: “Chàng lúc nào cũng bê bối như vầy cả!”
Cúi nhặt mẩu thuốc lá tàn đã từng nằm trên môi chàng, tôi hôn nhẹ đặt nó lên bàn. Ánh nắng rộn rã làm lòng tôi ấm lại! UÔNG KHIẾT ANH! Cầu mong tình yêu phục sinh trong chàng.