Dịp mới về Đài, tôi có chuyến đi công tác với một nhà báo đàn anh. Hai thày trò tới một huyện thuộc tỉnh Hà Bắc. Chỉ một huyện thôi, mà chúng tôi cày kéo gần tuần. Giáo dục, y tế, thương nghiệp, công nghiệp, nông nghiệp,… không còn lĩnh vực, cơ sở nào không mò tới.
Lúc ấy, tôi thấy nghề báo oách thật. Xe ô tô đưa đi khắp cơ sở huyện. Còn tại phố thị, dân nhẵn mặt hai ông phóng viên. Hai nhà báo cứ máy ghi âm kè kè, lúc nào cũng có cán bộ huyện tháp tùng.
Tuy không nói ra, nhưng tôi sướng nhất là đám quà cáp cơ sở biếu. Nào lốp xe đạp, khi làm việc với công ty xuất khẩu ngoại thương, nào túi ba kích và xấp tắc kè khô, khi làm việc với ông công ty dược, nào bút Kim tinh khi làm việc với Hiệu trưởng trường Dân tộc, nào tấm vải trắng pô pơ lin khi làm việc với thương nghiệp, nào bao lạc vỏ tới ba mươi cân khi làm việc với phòng Nông nghiệp, nào.... Nghĩa là lắm lắm. Gần một tuần công tác, đống quà biếu chúng tôi tha về phòng khách ở huyện, xếp đầy ngăn tủ, còn tràn cả lên mặt bàn. Có tối nhà báo đàn anh ngủ rồi, tôi nằm trong màn lén ngồi dậy, ngắm nghía quà. Sung sướng thật!
Sung sướng, nhưng tôi không dám nói ra. Chỉ băn khoăn, hôm này về vào lúc nào đây. Một đôi lốp, hai túi ba kích, hai xấp tắc kè, bao lạc vỏ mấy chục cân, rồi vải, xà phòng,... chắc chắn phải khệ nệ khênh vác mới hết. Không lẽ cứ ngỗn nghện vác quà trước bàn dân thiên hạ ư? Cả tuần hai nhà báo hoành tráng diễu phố, dân huyện biết mặt, biết danh. Nhà báo không lẽ đeo lốp lên cổ, lễ mễ xách ca táp căng đầy quà và khệ nệ khênh bao lạc, vậy trông đớ quá.
Chiều trước hôm chuẩn bị về, tôi lưỡng lự thăm dò:
- Anh này! Sáng mai chúng mình về vào lúc nhỉ?
- Tớ cũng đang tính.
Tôi định tư vấn cho nhà báo đàn anh, mình về thật sớm, ra bến ô tô từ tờ mờ sớm, nhưng chưa dám. Đành ướm lời:
- Về muộn, em sợ .... nắng!
- Đúng! Nắng!
Đàn anh nhà báo gật gù, rồi lấp lửng :
- Mà khênh vác đám quà kia diễu phố, kể hơi…. chướng.
Được lời như cởi tấm lòng, tôi sốt sắng:
- Đúng, trông chả tiện chút nào!
Hai tư tưởng lớn gặp nhau. Chúng tôi chào cô quản lý phòng khách từ chiều tối hôm trước, sáng hôm sau, còn tờ mờ đất, chúng tôi đã vội vã rời phòng khách, mò mẫm ra bến ô tô huyện, đáp chuyến xe đầu tiên về Hà Nội. Trên xe, lòng tôi phơi phới với đống quà biếu. Tôi chẳng còn phân vân, ngượng ngùng và sợ hãi ai nhìn ngó thấy.
Phong bì, có người còn nâng lên thành văn hoá phong bì Việt Nam ta. Cưới hỏi phong bì, giỗ chạp phong bì, hội nghị phong bì, quà biếu, hối lộ phong bì tuốt. Làm báo, món phong bì thành khoản thu nhập của ối người. Chuyến tôi và Chiều Chiều Lý cùng một số phóng viên báo bạn đi tìm hiểu Ban dự án xây dựng nhà máy xi măng Hải Phòng mới có chuyện khá hài. Chúng tôi túm được thông tin dự án có vấn đề, nên anh em kéo xuống. Khi phóng viên tới, cán bộ Ban dự án bắt buộc phải gặp, nhưng tiếp cảnh giác và hãi chúng tôi. Trước đó cánh nhà báo thống nhất, thái độ làm việc nghiêm túc, thông báo rõ giờ giấc, nếu họ mời ăn, cương quyết từ chối. Có người hỏi, nếu họ đưa phong bì thì sao. Người bảo không nhận, người bảo cứ nhận, nhưng cảnh giác. Chúng tôi thực hiện như kế hoạch. Buổi làm việc diễn ra khá căng. Sau buổi làm việc, cán bộ Dự án mời chúng tôi dùng cơm, đoàn từ chối ngay. Chủ nhà rụt rè cuốn sổ lấp ló xấp phong bì, ngó thăm dò chúng tôi.
Nghĩ tới chuyện anh em bàn lúc trước, tôi nảy ra ý đùa, liền tươi tỉnh nhìn ông cán bộ lấp ló phong bì kia. Được lời như cởi tấm lòng, ông ta liền mạnh dạn đến trao phong bì cho từng nhà báo. Vừa nhận phong bì, tay tôi nhoay nhoáy xé ra luôn, rồi cẩn thận đếm từng đồng, đếm thành tiếng. Mấy ông cán bộ ngạc nhiên quá trước hành động của tôi, mặt đớ ra. Sau khi đếm xong, tôi nói to:
- Đúng năm chục ngàn nhá. Chưa phải mức hối lộ. Xin cảm ơn các đồng chí!
Một dịp báo chí xì xầm địa phương nọ diễn ra đại công trường thủ công. Các chủ thầu như ngồi trên đống lửa, công trình xây xong, địa phương chưa chả đồng xu nào.
Dịp ấy mấy nhà báo lên địa phương đó công tác, chúng tôi tới nhà riêng ông chủ tịch. Cái nhà ông này cũng buồn cười, nhà có bốn tầng, mà thửa hẳn quả cầu tháng máy. Trước đó ông tính gỡ ra rồi, nhưng chưa kịp. Trong lúc chúng tôi ngồi nói chuyện ở phòng khách, đứa con nhà ông dùng thang máy chạy vào phòng khách hỏi bố gì đó.
Anh em nhà báo biết trước cái thang máy tai tiếng này, liền chạy cả ra xem và cứ trầm trồ, khen nó đẹp. Người thì đồ, giá nó tới chục nghìn đô la, người bảo, tới trăm nghìn đô ấy, có anh còn vào đi thử và khi ra, khen thang êm, chạy nhanh quá. Lúc này, ông chủ tịch không còn hơi sức đâu phổng mũi về cái thang máy của nhà mình. Lúc chúng tôi về, anh em mỗi người được ông chủ tịch tặng cho cái phong bì. Đây là lần đầu tiên đi công tác, đến nhà riêng làm việc, tôi được tặng phong bì.
Năm 1994 tôi cùng Quách Mạnh Đồng đến Uỷ ban dân số Vĩnh Phúc, Uỷ ban cử người đưa chúng tôi đến huyện Yên Lạc, huyện đưa luôn xuống cơ sở. Dân số là vấn đề quan trọng, nên hôm đó xã có nhiều thành phần tham dự, đại diện đảng uỷ, uỷ ban, hội Phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân, mặt trận,… Tại trụ sở uỷ ban, sau khi ổn định, tôi đứng lên phát biểu:
- Kính thưa các đồng chí! Không biết trưa nay, xã nhà sẽ tiếp đón nhà báo bằng khoản gì. Theo tôi, ta nên giết lợn, khoản tiết canh lòng lợn ngon lắm.
Các đại biểu sừng sờ. Dân số là vấn đề quan trọng. Trong không khí nô nức, đại biểu ban ngành đều chuẩn bị phát biểu về tầm quan trọng của dân số, ông nhà báo lại quan tâm đến tiết canh lòng lợn. Còn ăn trưa, xã đã dự kiến kỹ rồi, trưa đó đưa tất cả ra quán, đâu phải giết lợn như ngày xưa, khách ba chủ nhà bảy.
Tôi làm cái chức trưởng phòng, một chức quan con con, vậy mà thỉnh thoảng có lính mang quà biếu. Thôi thì nghĩ, có phải trước khi giúp đỡ, mình mặc cả, ra giá đâu. Đây là tình cảm anh em, đành nhận. Nhận thì nhận, nhưng nhiều khi cũng lo, biết đâu, sẽ làm gương xấu cho con. Con cái nhìn, nghĩ ông bố ăn hối lộ.
Một tết có lính đến chơi, mang gói quà. Trước đó lính nói mấy lời chúc năm mới gia đình mạnh giỏi. Tôi cũng chẳng tiện từ chối, đun đẩy đâm bất tiện, dông cả năm.
Khách vừa rời nhà, hai con gái xúm lại xem. Con nhỏ, cháu tám tuổi, bô bô với bố, họ hối lộ bố đấy phải không? Tôi bật cười trước câu nói của con và đùa, giọng thì thầm: Chúng mày nói nhỏ thôi! Công an họ biết, đến trói gô cổ bố chúng mày lại bây giờ, đồ ăn hối lộ. Con gái tôi tưởng thật, im thin thít, vội giấu ngay gói quà vào tủ. Đấy, giá trị gói quà đấy, bài học nhãn tiền về đạo đức và tấm gương cho con, bày ngay ra trước mắt.
Một lần tôi được cậu lính biếu cho chai rượu. Gọi cậu ta là lính cũng không đúng lắm. Có dạo cậu ta nhờ tôi chạy giúp về cơ quan, việc không thành. Sau này cậu ta vào được cơ quan khác. Chai rượu Tây cậu ta biếu đẹp quá! Cái nhãn in hình ông Tây chống gậy trông rất oai. Uống thì tiếc, chai rượu đẹp cỡ vậy. Nghĩ ngợi đến mấy tuần, hay mình lại đi biếu. Biếu sếp nào đây? Mãi mà chưa nghĩ ra ông sếp nào quan trọng nhất.
Cuối cùng, nhân vợ chồng về quê trong dịp hội làng, loé ra trong tôi sáng kiến, mang chai rượu Tây về biếu ông nhạc. Cầm chai rượu Tây của chàng rể, ông nhạc run run, cảm động đến lạc cả giọng. Chai rượu này mà chưng ra, thì mát mặt trước bàn dân thiên hạ. Chai rượu bày đến mấy tháng và chắc nó được giới thiệu với hàng xóm láng giềng tỷ mỷ gốc gác: Thằng rể làm báo, lính nó biếu; chai rượu Tây này đắt lắm, nghe nói mua từ Pháp; thấy bảo, tới mấy ngàn đô cơ...
Quý thì quý cũng phải đem ra uống. Rượu có phải tranh, hay tượng đâu mà bày mãi. Nhân một cuộc họp mặt đông đủ gia đình, chai rượu được mang ra dùng. Tôi long trọng cầm chai rượu rót vào mấy cái ly pha lê sáng long lanh. Những giọt rượu sóng sánh, vàng xuộm chảy xuống. Rượu quý nên tôi chỉ rót chừng non nửa ly. Hết một lượt, tôi khẽ nhón ly rượu lên. Trong khi đó, ông bố vợ tôi cũng nhanh nhảu nhấc ly. Tôi biết, ông chỉ quý rượu chàng rể biếu thôi, chứ có uống được bao nhiêu. Tôi nghe tiếng ông bố vợ khen:
- Thơm! Đúng là anh rượu Tây có khác!
Tôi cũng kịp đưa ly rượu lên. Ô hay, hình như mùi nó khum khủm. Hay là mình không quen anh rượu Tây, mùi rượu Tây nó phải vậy. Tôi thoáng nghĩ ngợi, không tin vào khứu giác mình, ông nhạc vừa chả khen thơm đấy ư?
Rồi mọi người nâng ly. Vì có thời gian thăm dò trước, nên tôi dè chừng, chỉ làm một ngụm nho nhỏ. Ôi chao, rượu Tây gì, sao lại có hương vị này! Nó lờ lợ, chua chua và khăn khẳn. Ông nhạc và hai người anh vợ tôi vừa tớp một tớp nhỏ, mặt mũi đã nhíu lại. Đến lúc này thì không đừng được nữa, thôi vớ phải chai rượu giả rồi, tôi đành phải lên tiếng:
- Hình như... là rượu rởm!
Bố vợ tôi vội đỡ lời:
- Không... rượu Tây đấy chứ!
Đấy là ông bố vợ muốn vớt vát thể diện cho chàng rể. Đến nước này thì không còn được nữa, tôi cương quyết khẳng định:
- Đúng, đúng là rượu giả bố ạ!
Hai anh vợ tôi cũng khẳng định vậy. Hơi bẽ mặt, không biết gỡ gạc bằng cách nào, chợt trong tôi nghĩ tới kẻ biếu rượu kia! Thôi đúng rồi, thằng này chơi khăm mình. Quên béng cả ông nhạc và hai anh vợ đang ngồi quanh mâm, tôi buột miệng:
- Xỏ lá thật !
Buông ra rồi tôi mới thấy mình bất nhã, vội vàng thanh minh, tôi tức là tức thằng lính biếu đồ rởm kia. Nghe giải thích, ông nhạc vội xoa dịu:
- Có khi người ta cũng không biết.
- Không biết là không biết thế nào. Chắc thằng này không xin được vào cơ quan con, giờ nó xỏ lá. Con là con không để yên vụ này cho nó đâu. Sếp cơ quan nó con biết, chuyến này phải viết bài đánh cho thằng sếp nó một bài.
Thấy chàng rể nổi xung, ông bố vợ tôi đâm hãi, sợ việc nhỏ thành sự to:
- Ấy, ấy... anh đừng thế! Việc này làm to ra, mình cũng là người có lỗi! Chẳng gì cũng nhận…. hối lộ đấy sao.
Không phải vì há miệng mắc quai, song sau đó tôi cũng chẳng viết bài đánh cho thằng sếp nó một trận nào cả.
Đã từng nhận hối lộ rồi, mà có bận tôi còn dám đi răn dạy người khác. Đó là một lần về Hải Dương chơi với cậu em Nguyễn Trọng. Giờ Trọng là Giám đốc sở Nội vụ. Anh em chơi với nhau từ hồi đại học. Lần về chơi đó tôi bảo:
Giúp được ai thì giúp, vị đừng có hành người ta.
Nghe tôi nhắc, Thừa "bẩu" luôn, quê tôi nói từ "bảo" thành "bẩu":
- Không, em chả chơi. Giúp được ai thì giúp, một đồng em cũng không nhận. Anh tính, ở cái tỉnh quê này, dân còn nghèo. Xin việc, đi hối lộ, hết nước là mươi triệu. Mà đâu phải một lần đến là được. Phải rình rập, chầu chực trước cửa nhà người ta. Cứ đứng trực cả tuần, hàng xóm hai bên biết tất. Chả thà, vợ em gắng thêm kinh doanh, bằng tỷ lần chồng nhận hối lộ.
Hồi Nguyễn Trọng về quê nhậm chức Bí thư huyện được một tuần, tôi xuống phủ lỵ chúc mừng tân quan. Anh em tôi lạo rạo trên đê, vừa ngắm dòng sông quê vừa nói chuyện, tôi bảo Trọng:
- Thôi, chẳng gì, giờ vị cũng là ông phủ, ông huyện. Dưới thời phong kiến, quan không được về trị nhậm ở quê đâu nhá. Tránh là tránh trù úm, rồi bao che, thiên vị họ hàng.
Trọng Hỏi tôi có biết ông quan nửa thực dân, nửa phong kiến cuối cùng trị nhậm phủ này là ai không?
Biết chứ, biết cả ông Chủ tịch Uỷ ban cách mạng lâm thời.
Trên đê, nhìn dòng sông mùa nước đông ken, tôi lại nhớ đến những cánh vờ vờ tuổi thơ …. mỏng mang, lơ vơ,.../.