Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Lão buôn thần

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 811 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lão buôn thần
Trọng Huân

Hàng phố thấy lão ăn mày lạ thất thểu đi qua. Trông lão già tiều tuỵ, đói khát, đội cái nón sùm sụp, nhìn không rõ mặt. Xin, lão chỉ chìa tay, chẳng nói năng gì. Dân phố nghĩ lão câm. Một tuần, hai tuần, lão ta vẫn lang thang khắp phố. Có điều, nếu để ý, thường thấy lão luẩn quẩn trước lũ con nhà Đồng Cái. Những lúc ấy lão ăn mày già bỏ nón nhìn vào lấm lét. Lão chính là kẻ coi đền ngày trước. Dân phố không ai nhận ra, duy có người đánh cá nay thành cụ già coi đền còn nhớ. Như mọi ngày, lúc bố thí, phân phát đồ lễ thì lão ăn mày tới, cụ vẫn bình thản bố thí cho kẻ đó. Lòng không gợn chút căm tức hay khinh bỉ, mà chỉ thoáng thương hại, cụ nghĩ: “ Luật nhân quả đâu chỉ đến kiếp sau. Đời cha ăn mặn thì ngay đời cha đã khát nước”.
* * *

Phố ấy dưới dãy núi, bên dòng sông. Dãy núi như dải phân cách, chỉ qua đèo là tới vùng thâm sơn cùng cốc, vượt sông là sang miền đồng bằng trải rộng ra biển, nơi có thành phố làng mạc. Con đường đèo là thang bắc từ đất lên trời. Thế đất ít ác nhiều thiện. Toà đền ngự sừng sững chân đèo. Đền hướng ra sông, thờ thuỷ thần. Ngày ấy, giữ đền lộng lẫy kia là một lão đồng, dân phố không gọi tên tục mà thường gọi lão là Đồng Cái. Đồng Cái có dáng người ẻo lả, giọng eo éo như đàn bà. Lão để tóc dài, búi một búi củ hành và chuyên vận kiểu áo quần ta, thứ lụa mỡ gà vàng bóng. Tay thì ba bốn ngón, nhẫn vàng tướng. Đi đâu người lão cũng sực nức nước hoa. Hình như mồm Đồng Cái không lúc nào ngơi nghỉ, không nói, không chửi thì chóp chép nhai, quết trầu đỏ đọng mép. Lúc phởn chí hắn cười, mồm ngoác ra trông rõ hàm răng bọc vàng choé. Ghét ai chẳng nể nang hắn vỗ mặt hoặc xỏ xiên ngay. Chửi, một tay Đồng Cái kéo quần đến tận bẹn, tay kia xỉa xói hay vỗ bành bạch, chân nhảy tênh tếch. Nhà hắn cách đền không xa, vậy mà hắn rất ít đi về. Đồng Cái có tính mê đàn ông, đứa trai nào càng to khoẻ, càng dữ dằn, hắn càng thích. Chẳng biết có thật vậy không, bởi hắn vẫn có bà vợ béo nung núc cùng đàn con bảy tám đứa. Cả lũ không nghề ngỗng gì, chỉ nhồng nhỗng rong chơi. Dân phố biết mọi khoản chi tiêu của nhà ấy đều từ tay lão Đồng Cái tất. Khinh người, đồng Cái nhìn dân phố bằng nửa con mắt. Riêng người đánh cá là hắn kỵ, nhác thấy xa đã lánh, bất đắc dĩ giáp mặt, cái bản mặt vốn vênh vang của hắn, thoắt biến thành lấm lét, như chó ăn vụng bột. Hắn sợ người đánh cá vì ông biết rõ chuyện xấu xa của hắn.
Đền thủy thần có khu vườn rộng. Đồng Cái mướn một đứa trẻ gái làm vườn. Tiếng là mướn mà thực ở không công, ngày hai bữa cơm thừa, chỗ Đồng Cái và lũ trai ngủ qua đêm với hắn ăn không hết. Dân phố không rõ đứa trẻ ấy từ đâu tới, họ chỉ nhớ, một sáng có đứa trẻ lạ ngơ ngác đứng góc chợ. Nó xấu xí, đen đúa, ai hỏi chỉ giơ tay quơ quơ. Nó là đứa trẻ câm. Sau đền có khoảng ao hoang rộng, người đàn ông đánh cá thường hay tới đó. Ông chứng kiến bao lần cảnh lão Đồng đánh con bé. Đánh vì nhiều cớ, nó ngủ quên, nó làm gãy nhành mẫu đơn hay Đồng Cái cãi nhau ở đâu về, trút tức lên con bé. Đánh thì cán cuốc hoặc rút guốc ra phang. Đánh bao giờ cũng chửi. Đánh chửi mệt hắn mới bỏ đi. Thương quá, nhưng người đánh cá can ngăn thế nào được. Chủ ngược đãi người ăn kẻ ở nhà nó, biết làm gì. Đợi đến lúc Đồng Cái bỏ đi, người đánh cá mới giúp được con bé. Ông hái lá láng, nướng lên, xoa những vết tím bầm khắp người nó. Câm, nhưng con bé biết. Lúc bị đánh không hề nghe thấy tiếng nó kêu hay khóc, nhưng lúc người đánh cá tới, nó nhìn ông ràn rụa nước mắt; nó lấy tay và đầu làm dấu, đau lắm. Dù không dư dả, người đánh cá khi mua nắm xôi lúc cái bánh đa, lén cho. Nhìn nó ăn đến tội nghiệp, nhồm nhoàm, cổ rướn lên như rắn nuốt ngoé. Nó đói.
Bận đó người đánh cá tới ao hoang. Ông thoáng nghe tiếng rẫy rụa, tiếng ơ ớ và cả tiếng vật vã. Con bé lại bị đánh, người đàn ông nghĩ. Nhưng sao không thấy tiếng chửi như mọi khi? Vườn rậm rạp... hay nó bị rắn cắn? Chết! Người đánh cá vội áp thuyền lao vào vườn. Ông khựng lại, quá bất ngờ cảnh lão đồng cái cưỡng bức con bé. Mất đến mấy giây người đánh cá mới kịp phản ứng, ông lao lại, thẳng tay túm đám tóc củ hành trên đầu lão đồng. Thình lình bị giật ngược, Đồng Cái ngã ngửa và sừng sững trước mặt lão người đánh cá. Sợ, Đồng Cái rũ ra như con gà bị cắt tiết. Thoáng cái hắn chắp tay, quỳ lết về phía người đàn ông, vừa lết vừa vái, hắn vái như thăng đồng, chỉ khác mồm không hú hét. Nhìn dáng quỵ luỵ ấy, người đánh cá thấy ghê tởm, ông nhổ bãi nước bọt vào giữa mặt thằng chó má. Bước lại phía con bé, ông quyết định đón nó về nuôi, không thể để đây với con quỷ đực cái ác dục. Người đánh cá vừa chạm vào con bé, nó đã giật ra, lết lùi, lết lùi, rồi bất ngờ vùng dậy, chạy thục mạng ra hướng bờ sông. Hôm sau đang bơi mủng thả lưới ven sông, vô tình nhìn rặng cây ven bờ người đánh cá giật mình, hình như có xác người lập lờ mé nước. Đó là xác con bé câm. Người đánh cá đứng ra chôn cất kẻ xấu số. Đám ma không thấy bóng dáng Đồng Cái. Dân phố có người xì xầm, tại sao con bé câm tự vẫn, tại sao người đánh cá đứng ra làm ma cho nó. Người đánh cá chỉ im lặng. Từ đó hễ gặp ông, lão đồng len lét như rắn mồng năm.
Dân phố vốn ghét lão đồng, họ ghét luôn cả ngôi đền, rất ít người đến lễ. Thế nhưng đền vẫn đông khách. Họ từ các thành phố xa xôi về lễ, toàn những bậc giàu có béo tốt, có bà ngồi chật cả chiếc xích lô, tay cổ trạt vàng. Bổng lộc của Đồng Cái ai trong phố cũng rõ, từ nguồn những người khách phương xa đó. Làm gì không tính ra, riêng khoản nhảy đồng, mỗi giá đồng con nhang đệ tử cung phụng số tiền bằng một nhà dân phố ăn cả tháng. Hợm của, Đồng Cái đem phô với bàn dân thiên hạ. Hắn phá ngôi nhà cổ. Dạo đó phố toàn nhà tranh, thảng hoặc mới có gian nhà ngói cổ, thế mà hắn xây ngất ngư cái mái bằng. Tấm ô văng đến lạ mắt, xỉa ra như vành mũ anh chàng bán phở. Dịp hoàn thiện ngôi nhà Đồng Cái khệnh khạng leo lên giáo, tay kéo quần lụa ngang háng, tay kia chỉ trỏ thợ tô trát tấm ô văng, phía trên đắp ba ô vuông, phía dưới đục bảy lỗ tròn. Dân phố nhìn thấy ngỡ ngàng, chẳng biết kiểu ấy là gì. Đúng là cái thứ không giống người! Mãi họ mới luận ra, ngầm ý của Đồng Cái phô với thiên hạ:
Ba vuông sánh với bảy tròn
Đời cha sung sướng, đời con sang giàu!
Dân phố trông mà tức nhưng làm gì được, nhà người ta muốn bôi trát gì là quyền của họ. Dây vào, nó réo tổ tiên sư cho thì khốn. Dân phố chỉ còn biết thì thầm cùng nhau: ừ, cứ đợi xem! Hay là đời cha ăn mặn, đời con khát nước! Năm ấy có chuyến bè xuôi dòng. Bè thả neo nghỉ lại quãng sông kế phố. Lệ qua đây, các ông lái làm mâm cỗ cúng đầu bè. Xong tuần hương họ lên lễ trình đền thuỷ thần. Như vô tình, hôm đó có chuyến xe hơi cũng về lễ. Nghe nói hai đám khách xin nhà đền cho hầu thánh. Cổng đền cửa đóng then cài từ sớm. Vẻ thì dấu mà như khoe, dân phố đều hay, tối đền có hầu bóng. Ngay sân đền, lão đồng còn ẽo ợt với khách:
- Nhà đền chỉ sợ mấy ông dân quân. Các ông ấy tuần tra mà túm được hầu bóng thì phiền lắm... Nhưng các vị cứ an tâm đi, trần sao âm vậy, cô có khoản tạ trước rồi...
Nói đến đó lão cười phe phé. Kiểu giấu diếm đến lạ. Mới chập tối đèn đuốc trong đền đã sáng choang. Lão đồng khăn chầu áo ngự ngồi xếp bằng, xung quanh cô con nhang đệ tử quỳ cung kính. Tiếng đàn dạo, tiếng hát chầu văn cất lên, hoà với tiếng xì xầm khấn lạy. Lão đồng đảo nhẹ, mâm lễ trên đầu lão cũng đảo nhẹ. Mười ngọn lửa nến bấc lượn lờ, chao đảo trong những ngón tay kẹp của lão. ánh sáng nến hắt tường, lúc sáng, lúc tối, mờ ảo. Lão đồng đảo nhanh dần, nhanh dần; mâm quả cũng chao đảo nhanh dần. Có tiếng thì thầm:
- Ngài nhập! Ngài nhập!
Cùng lúc ấy tiếng con nhang đệ tử rộ lên cầu khấn. Mùi khói hương, tiếng đàn hát, hú hét, lửa nến chập chờn... Không khí thật rùng rợn ma quái. Con nhang đệ tử thi nhau dâng trầu, dâng thuốc lên Thánh, cô một lúc xơi hai ba miếng, mồm ngậm năm bảy điếu thuốc, mỗi lần cô rít, bó thuốc đỏ rực, rồi cô phì phì nhả khói. Các thứ dâng lên, cô chỉ thưởng thức qua lại ban phát luôn. Ai được lộc Thánh, miếng trầu, điếu thuốc hút dở đều hỉ hả hưởng. Hết một giá đồng, mọi người xúm vào chăm sóc cô, người quạt, người mời nước, kẻ lau mồ hôi. Sắp giá đồng mới họ, thay cho Đồng Cái bộ khăn áo chầu mới. Lần này cô trùm khăn, tay cầm roi, đó là roi ngựa của Thánh- giá chầu quan Tuần Tranh. Bắt đầu đảo, bắt đầu múa, vòng đảo nhanh dần, tiếng roi vun vút. Con nhang đệ tử lại thành kính kêu cầu Thánh phù hộ... Thình lình, tiếng còi ré lên, mọi người giật mình nhớn nhác. Tiếp đó, tiếng hô, tiếng lên quy lát súng rôm rốp. Như đồng loạt, đàn hát cầu khấn ngưng bặt. Cô- Thánh cũng hết nhập, ngồi đơ đơ. Chỉ có đôi mắt cô còn trừng trừng, chẳng hiểu cô căm tức hay Thánh còn nhập dở. Chợt thấy công an, mặt Đồng Cái tái dại, rũ xuống. Đọc lệnh khám, công an lục soát, tìm thấy bó tướng thuốc phiện giấu dưới điện thờ. Lúc đó dân phố mới té ngửa, Đồng Cái và đám khách lễ là dây buôn đồ quốc cấm. Lão đồng đi tù, dân phố nghĩ, chuyến này rục xương.
* * *

Có người trong phố nhìn lão ăn mày thấy khuôn mặt quen quen, hình như kẻ coi đền xưa? Nhưng họ lại phân vân, có lẽ mình nhầm. Vì nếu là Đồng Cái thì lũ con phải nhận ra bố chứ. Chẳng biết lũ con có nhận ra bố chúng không, hay nhận ra mà cứ lờ đi? Hồi ấy sau khi bố vào tù, đám con Đồng Cái hùa nhau bán cái nhà ba vuông sánh với bảy tròn, đến lúc tiêu hết tiền, chúng đánh chửi nhau một trận tơi bời, rồi mạnh đứa nào đứa ấy sống, coi như không anh em, quen biết gì nhau nữa. Chúng làm đủ nghề, từ lừa đảo, đánh đĩ, đến trộm cắp. Trong lũ con có thằng cả phất nhanh. Hắn vốn là đứa tinh ranh. Bây giờ dân phố đồn nhà nó có bạc tỉ. Lão ăn mày lảng vảng trước nhà thằng cả đã mấy ngày mà vẫn chưa giáp mặt con. Nhà ấy đông khách, toàn người sang đến giao dịch. Có lần Đồng Cái mon men qua được cổng thì gặp mấy thằng tá túc trong nhà nó. Lũ ấy tống ngay Đồng Cái ra ngoài. Không gặp con, Đồng Cái còn bị bồi thêm mấy cái đá và cốc bia uống dở lũ đó hắt theo. Không nản, Đồng Cái nghĩ: “Nó giầu, bỏ ra chút tiền nuôi bố thấm tháp vào đâu. ắt thằng này sẽ nhận mình, sẽ không như mấy đứa mất dạy kia.”
Tự dưng phố ấy náo loạn, cảnh bắt nợ, nhà này xiết nợ nhà kia; người khiêng ti vi, kẻ bắt tủ; có người còn tróc con nợ cả giấy thổ trạch. Phố, mấy chục nhà khóc khóc cười cười vì vỡ nợ. Mới đầu họ còn giằng xé nhau, sau cả con nợ lẫn chủ nợ rầm rầm kéo đến nhà thằng cả, con lão đồng. Chính hắn là thủ phạm, lừa đảo người này, lường gạt người kia. Đám giật nợ đang đùng đùng trên đường kéo tới thì có chiếc xe con rú còi ầm ầm chạy vào phố. Xe ập vào nhà thằng cả. Phố càng náo loạn hơn, từ đứa cởi truồng đến ông lão cập kề miệng lỗ, suốt ngày chỉ kháo nhau, kẻ tưởng giàu nhất phố lại là đứa lừa đảo và còn trong đường dây buôn ma tuý. Đúng là rau nào sâu ấy.
Đồng Cái biết ngay tin đó. Mặt lão rũ buồn. Lão khóc, khóc tức tưởi. Từ lúc ấy Đồng Cái không câm lặng nữa. Dân phố đã rõ lão là ai. Thấy tay lão huơ huơ, người bảo lão giống con bé câm ngày trước thế! Hay hồn ma con bé câm nhập vào lão? Thấy lão nhảy múa, vừa nhảy vừa hú như nhập đồng, người bảo lão điên rồi. Riêng cụ già coi đền - người đánh cá xưa, nghĩ: Không, kẻ ăn mày già nua ấy không điên, lão chỉ giả điên. Nhìn vào mắt lão, cụ thấy sự sám hối.

                                                                                       1996



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 709

Return to top