Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Thằng đói

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 917 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thằng đói
Trọng Huân

Tiếng phanh rít, xe xịch đỗ ngay trước mặt tôi. Còn chưa hoàn hồn, tôi đã nghe tiếng cười hơ hơ. Trước mặt tôi, một người cổ nổi u, nổi múi, bàn tay đẫy đà, chìa phắt về phía tôi... Tôi không quen. Hắn ta vẫn ghếch chân trên chiếc @ trắng toát, nhăn nhở cười, nhìn tôi. Quái lạ, sao tôi vẫn chưa nhận ra là ai nhỉ. Chắc chắn phải là người quen mới có cử chỉ suồng sã vậy.
- Sao? Không nhận ra người quen à? - hắn hỏi và đến lúc này, mới bỏ cặp kính đen sì, trùm gần nửa mặt ra.
- Ông là...
- Hà hà... Hoàng, Hoàng số rách đây...!
Tôi nhớ ra rồi! Hắn, một thuở từng là hàng xóm cùng căn hộ, cùng cơ quan với tôi. Không thể nhận ra nổi, hắn như được lột xác, một thằng cha ngày trước tong teo, nay thành ông kễnh. Nhác nhìn đã thấy sự no nê, thừa đủ. Cái dây chuyền lủng lẳng đến vài cây quanh cổ và bàn tay, vằn vện những chiếc nhẫn, có chiếc gắn hột xoàn to ngật.
Ngày ấy hắn ở cùng căn hộ với tôi. Nhà tập thể, xây sau giải phóng bảy lăm. Tôi ở tầng bốn, căn hộ diện tích ngót nghét 40 mét vuông, gồm cả nơi ăn, ở, hành lang và tuốt tuột công trình phụ, công trình chính. Nếu tính cả 2 khẩu độc thân như tôi, gia đình hắn, cùng một gia đình khác 5 khẩu, lô lốc mười mấy mạng người, vỏn vẹn trong không gian 40 mét vuông ấy. Căn phòng được ngăn ba, mỗi “nhà” đều được chia đầy đủ, gồm diện tích ở, diện tích đi lại, riêng bếp và nhà vệ sinh, thì dùng chung. Không thể hình dung nổi, hơn chục mạng người, nhét trong cái diện tích toen hoẻn vậy, mà vẫn sống.
Sống như vậy cãi cọ, chạnh choẹ nhau như cơm bữa là chuyện thường, nhưng khó chịu nhất vẫn là hắn, cái tính bủn xỉn, hà tiện. Kể ra ngày ấy, lấy đâu ra để hào phóng, song hà tiện như hắn, thì trên đời này có là một. Kể ra, thành kẻ dòm ngó người khác. Nhưng mỗi khi nghĩ lại cái thuở chen chúc ấy, tụi không quên được những chuyện của hắn. Nhiều chuyện cứ như chuyện bịa, như cái chuyện định mức dùng diêm chẳng hạn.
Hắn định mức mỗi ngày nhà hắn chỉ được sử dụng một que diêm. Làm sao nhà người ta có thể sử dụng được như vậy nhỉ? Vì ít ra nhà nào ngày chẳng phải hai, ba lần nổi lửa? Mua bao diêm mới về, mỗi que hắn dùng con dao sắc, tách làm đôi, cả thuốc lẫn thân gỗ. Thế là một bao diêm, tự nhiên thành hẳn hai bao, hắn tự hào khoe bô bô với hàng xóm lỏng giiềng về sáng kiến tuyệt vời đến như vậy. Hắn ra cái luật ở nhà mình, mỗi ngày chỉ được dùng hai que diêm tách đôi này. Hôm nào vợ con hay bản thân trót đánh diêm, lấy lửa không thành, thì miễn, đừng bao giờ được dùng thêm một que diêm tách đôi nữa. Vậy thì lấy lửa ở đâu? Cứ việc đi xin lửa hàng xóm. Đã đi xin thì phải đợi, đợi cho kỳ được gia đình hàng xóm nổi lửa. Có bận, tính trong ngày hôm đó, đã đánh đến que diêm thứ hai, mà nhà hắn vẫn không lấy được lửa. Không may, hôm đó mấy nhà háng xóm đều đi vắng cả, đến tận sáu, bảy giờ, chẳng thấy nhà ai về. Thế là hôm đó, nhà hắn nguội bếp. Điều đó chẳng làm hắn bận tâm, mà lại lấy thế làm hay, tiết kiệm được một bữa cơm chiều. Chỉ có lũ con, oai oái khóc. Sự kẹt xỉ, bủn xỉn là việc riêng của hắn, miễn là không ảnh hưởng đến ai. Nhưng nhiều cái sự bủn xỉn của hắn, còn ảnh hưởng đến mấy nhà trong căn hộ. Một dạo, cứ mỗi lần nhà hắn nổi lửa, nhóm bếp, hàng xóm không ai chịu nổi. Có người phải ra cầu thang đứng. Kỳ cho đến khi nào hết làn khói bếp của nhà hắn, mới dám quay vào. Mọi người kỹ tính, không thông cảm hay khó chơi chăng? Cùng lắm việc đun bếp, khói lửa, thì nó cũng chỉ là các bô níc. Không phải vì khói bếp, mà là cái tính chất khói, nguồn gốc khói. Thứ giấy nổi lửa nhóm bếp của nhà hắn là giấy báo ở cái thùng trong nhà vệ sinh. Sau này, để chống cái làn khói ấy, ai trong căn hộ đi xong, đều giội nước hoặc cho giấy tọt vào lỗ thoát.
ở nhà đã đầy sự khó chịu, đến cơ quan hắn còn gây nhiều thứ khó chịu hơn. Khi còn là công nhân, do tay nghề yếu, tổ này đẩy ra, tổ kia dun lại, cuối cùng hắn được phân cái chân coi kho. Vài tháng sau, nhỏ to thế nào ấy, hắn lên chân giao phát linh kiện, vật tư ở kho. Thủ kho to hơn thủ trưởng, quyền ấy ai chẳng biết. Tự nhiên hắn trở thành một nhân vật quan trọng. Chưa kể, do sự bầu bán, cơ cấu, hắn lại có chân công đoàn. Từ khi sang chức thủ kho, tự dưng hắn hay lý luận. Hắn lý luận mọi nơi, mọi chỗ. Cái anh học vấn, văn hoá thấp, đánh vần chữ đánh máy không dấu còn chật vật, tên các linh kiện tiếng Tây, tiếng Tầu, đánh vần sao nổi, mà lại hay lý luận. Cái lý luận của hắn chung quy như sau: Tiết kiệm, chống lãng phí, quan điểm giai cấp, phe xã hội chủ nghĩa anh em....
Anh em thợ trẻ càng bị nghe nói nhiều, mỗi lần đến lĩnh vật tư, linh kiện, họ tức nổ máu mắt. Có cậu sinh viên thực tập, đến lĩnh thỏi thiếc, ai đời chờ viết, ký sổ, rồi cân, đo, đong đếm đến nửa tiếng. Xong rồi hắn vẫn chưa tha, mà tiếp tục bài giảng chính trị: Cậu còn là sinh viên, thì phải biết học cái đức tính tiết kiệm. Cậu có biết không, đây không chỉ là thỏi thiếc đơn thuần, mà nó còn mang ý nghĩa chính trị, tình đoàn kết giữa phe xã hội chủ nghĩa chúng ta. Vì vậy khi dùng, mỗi mũi hàn, cũng phải biết tiết kiệm... Lần đó tôi có việc đi qua, thoáng nghe cái điệp khúc giảng dạy lệch chỗ này, nóng mặt quá, tôi sấn lại. “Tiết kiệm, tiết kiệm cái gì. Chính cậu, cậu hãy học cách tiết kiệm đi. Bao nhiêu linh kiện, máy móc quý giá trong kho, vì dốt, cậu xếp tịt chúng xuống sàn kia kìa. Đấy chính là lãng phí, phá hoại đấy. ”
Rồi không hiểu sao, sau bảy lăm, tự dưng hắn bỏ cơ quan, chuyển nhà. Vốn chẳng ưa nhau, chẳng ai để ý thông tin về hắn. Hôm nay, bất ngờ tôi gặp lại người quen cũ. Hắn hỏi có bận gì không, chẳng thèm nghe ý kiến của tôi, hắn hất hàm về phía ngôi nhà hàng sang trọng gần đó. Ly rượu Tây khai vị và cậu chạy bàn lễ phép đứng bên cạnh. Tôi lúng túng khi hắn e hèm hỏi, chọn món ăn gì. Biết chọn thứ gì, khi mà đến cái tên món ăn, tôi cũng ma tịt. Đến ly rượu thứ hai, hắn nhìn tôi cười, rồi nhẩn nha hỏi: Ông còn nhớ cái bếp ăn tập thể ngày nào chứ? Ông... còn nhớ món canh rau muống chứ? Mặt tôi chợt bừng nóng. Chắc là tại ly rượu ngoại chăng. Hắn cười khùng khục...
Ngày ấy, cách trung tâm thành phố dăm, bảy cây số là cái xưởng sơ tán của chúng tôi. Anh em đa phần từ nội thành, sáng tối đi về, bữa trưa ăn cơm tập thể tại xưởng. Riêng hắn không ăn bếp tập thể, mà nấu ăn một mình. Hắn nói bị bệnh dạ dày, không ăn cơm tập thể được. Tuy là nấu ăn riêng, nhưng thực ra hắn vẫn nấu, vẫn ăn ở cái bếp tập thể đó. Ai cũng biết, hắn chả dạ dày, dạ mỏng gì, nấu và ăn riêng là hắn có ý đồ, mục đích hẳn hoi. Nấu riêng, tiền than củi không mất, cứ đun ké vào bếp than tập thể, mỗi ngày đã nhẹ đi khoản năm, ba xu củi lửa. Bếp chung, mắm muối hắn xin, ai nỡ từ chối. Đất xưởng rộng mênh mông, rau hắn trồng được, thế là hắn chỉ mất tiền gạo. Mấy bà nhà bếp tức lắm, cứ nay tí muối, mai tý mắm, họ chỉ biết xì xầm, thi nhau kể xấu về hắn. Hắn biết, hắn biết quá rõ, biết những ánh mắt tức bực, khinh thị, nhưng hắn vẫn phớt, vẫn nấu và một mình một nồi, một bát, ngồi xổm giữa nhà bếp tập thể, ăn. Từ lâu các bà nấu bếp biết cái trò trộm mỡ, khoắng mì chính của hắn, song chưa ai một lần rình bắt quả tang được. Cũng có người đã cố công rình, những vừa xểnh ra, đến khi quay lại nhìn, thấy xoong canh của hắn lềnh bềnh những mỡ là mỡ. Hôm thì hắn tưng tửng nói, đấy là cái xoong của hắn hôm qua rửa chưa kỹ, nên hôm nay nấu váng quá; hôm thì hắn bảo, sáng nay cô vợ gói cho hắn túi ni lông mỡ tướng, chẳng nhẽ bớt lại nấu bữa sau, chỉ tổ rây rớt, tanh tưởi. Hắn còn ca cẩm, sao cô vợ lãng phí, hoang toàng đến thế không biết.
Hôm ấy tôi đã biết âm mưu của mấy bà nhà bếp và ngấm ngầm quan sát. Từ sáng sớm mấy bà nhà bếp dóng ra dóng vào bảo, nhà bếp mới mua được loại mỡ mới, mỡ hộp viện trợ. Hình như là mỡ cừu của Mông Cổ, nên đặc quánh và trắng phớ. Không như mọi khi, hôm ấy hộp mỡ để chềnh ềnh, gần ngay bệ bếp than, chẳng đậy điệm, giấu diếm, hay phải cho vào chạn khoá như mọi khi. Đến bữa trưa, mấy người cứ diễu qua diễu lại, quanh quẩn chỗ hắn đang ngồi ăn. Có người còn như vô tình, đi sát chỗ hắn ngồi. Hắn vẫn thản nhiên ăn như mọi khi, không nhanh, không chậm, tất nhiên cơm hắn đánh đến tận đáy nồi, cuối bữa kết thúc bằng tiếng húp soàm soạp nồi canh. Chỉ có điều lần này, sau tiếng soàm soạp húp canh của hắn, thấy tiếng của ai đó rinh rích cười - dù đã cố kìm nén. Có bà còn ôm bụng, chạy ra ngoài sân cười sằng sặc.
Thế mà chuyện đã xảy ra gần ba chục năm rồi. Sau khi nhắc lại, hắn khùng khục cười, rồi thong thả rót rượu vào ly tôi, ly hắn. Lưng lửng ly rượu, hắn nhấc lên, hướng về tôi, tôi cũng gượng nhấc ly. Khi hai chiếc ly sắp cụm vào nhau, hắn chợt dừng lại, nghé mắt nhìn tôi:
- Hờ... Tiếng hắn cười - Chắc đến giờ ông vẫn chưa rõ cái món rau nấu của tôi lúc đó nó ra làm sao? Chát, đắng, nhục... nhưng mà đói, mà tiếc của, mà ki bo, kẹt xỉ, thì vẫn phải nuốt cái nồi canh mỡ xà phòng ấy... Nói đến đây hắn cụm cái ly khá mạnh vào ly của tôi, mà cười khẩy. Tôi ấp úng rằng, thế mà tôi không nhớ, không nhớ cảnh một người phải húp cả nồi canh xà phòng.
Người ta bảo rằng, nghèo là hèn. Cái đói là thứ người ta chóng quên nhất và cái giàu là thứ người ta dễ quen nhất. Không nhớ bởi vì bây giờ hắn giàu, rất giàu và tôi thì vẫn nghèo chăng?./.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 928

Return to top