Kỷ niệm thơ
Trọng Huân
Thấy tôi mở cái hộp, Ủn và Ỉn, hai con gái rượu của tôi xán lại. Vốn chúng vẫn tò mò muốn xem trong cái hộp ấy của mẹ chúng có gì. Mấy thứ linh tinh thôi, của tuổi thơ và riêng tư thời con gái, ai mà chẳng có: cuốn nhật ký, cái nhẫn duya za, tập thư từ...
- Mẹ, cái gì thế này? Cho con nhé!
Tiếng con gái cắt dòng suy nghĩ tôi.
- Đồng xu đấy con ạ! Đồng năm xu.
Đồng xu trên tay con, chợt nhắc tôi nhớ đến câu chuyện thời thơ ấu của mình.
Ông già ấy hom hem lắm. Bao giờ cũng thấy ông khoác bị, lốc cốc gậy và đội chiếc nón rách. Không hiểu dãi dề mưa nắng hay lâu ngày huơ huơ ra xin làm chiếc nón tả tơi, nó chỉ còn cái chóp cũn cỡn như nón anh tốt rỉn. Cứ định kỳ dăm bữa nửa tháng, ông lão lại đến xin ở xóm tôi, một xóm nghèo hẻo lánh.
Đường vào xóm gập ghềnh, quanh co trên cánh đồng. Nhà tôi ngay rìa làng. Hễ ai vào xóm, từ nhà tôi đều trông thấy. Giáp cánh đồng và kế xóm có bãi trống, chơ vơ cây si già.
Các cụ trong làng bảo, cây si trồng từ hồi xửa hồi xưa, buổi mới lập làng, dễ đến mấy trăm năm.
Còn thày tôi bảo, hồi nhỏ ông đã thấy cây si xum xuê. Không hiểu sao tôi hay đem so cây si với ông lão ăn mày nọ, cây si và ông lão giông giống nhau, đều già nua và tội nghiệp.
Mỗi lần vào xin xóm tôi, hành trình của ông không thay đổi, lão cứ chầm chậm lần gậy, diễu khắp các nhà trong xóm. Có điều lạ, không bao giờ ông già ghé vào nhà ai, chỉ lóc cóc gậy, dừng lại gần cổng ngõ nhà ai đó, tận bên ngoài hàng rào, miệng lầm rầm và mắt thẫn thờ, chẳng ra chờ đợi, chẳng ra cầu xin. Tiếng lầm rầm nhỏ, lại đứng mãi xa, người trong nhà sao nghe rõ. ấy thế mà khi ông già tới, dừng cổng nhà ai, nhà đó khắc biết.
Xóm tôi nuôi nhiều chó. Con người già nua khốn khổ kia, dù bao lần đến cái xóm quạnh hiu của chúng tôi, lũ chó vẫn không nhận đấy là người quen, chúng cứ xúm lại, sủa râm ran. Rồi con này truyền con kia, ngõ này truyền ngõ khác, lão ăn mày tới đâu là người xóm biết tới đấy. Có con chó sủa chưa hả, còn nhũng nhẵng đuổi theo. Một bận có con chó đẻ không sủa, lão ăn mày vừa lóc cóc khua gậy dừng trước hàng rào chủ nhà nó, con chó xô ra đớp ngay một nhát. Vết cắn sâu quá, có người thương tình, cho lão nắm thuốc lào tướng, rịt vào máu còn chảy đẫm gấu quần, lướt thướt ướt xuống cả gót chân. Mấy tuần sau, lão già ăn mày quay lại xóm tôi xin, chân đi còn cà nhắc.
Xóm tôi nghèo, ông già đến xin ít người cho. Vậy mà dù nắng mưa, chả bao giờ lão thay đổi vệt hành trình.
Không như các nhà khác, lão ăn mày chỉ đứng ngoài xa, duy nhất với nhà tôi, bao giờ lão cũng vào tận sân. Rất chiếu lệ lão lầm rầm cầu xin, lời cầu xin hình như nhỏ hơn các nhà khác. Và thường là sau đó, lão chầm chậm tệt xuống đầu hè, để cái gậy, cái nón xuống một bên, ngả bị trên vai. Lần nào tôi cũng tò mò ngó nghiêng bị của lão, xem trong ấy xin được những gì. Hôm thì mấy củ khoai lang, hôm ít lát sắn khô, hôm củ hùng tinh, nhà ai mới bới, chưa kịp rửa, vỏ còn bám đất. Trong bị có cái ruột tượng đen rách, vá buộc chằng túm. Cái ruột tượng ông già dùng đựng gạo người ta cho.
Nhà tôi không nuôi chó, nhưng mỗi khi lão tới, bu tôi vẫn biết. Nếu không do tiếng lục vấn đủ điều, hay tôi đòi xem trong bị có gì, thì tiếng gậy lóc cóc của lão đã đủ báo hiệu lão ăn mày đến. Từ trong nhà tiếng bu tôi vọng ra, trách mắng tôi sao lục vấn ông lão và cấm tôi không được thóc mách nhòm ngó bị của lão. Rồi bà chạy ra.
Một bận ông già đến vào đúng bữa cơm trưa nhà tôi. Chắc nghe tiếng bát đũa lách cách và cả mùi cơm độn khoai khô thơm lừng, lão ăn mày biết đang bữa cơm nhà người. Hình như lão đã định bước đi, rồi lại thấy gậy lốc cốc gõ xuống sân. Tiếng gậy ngập ngừng, nhỏ hơn mọi bận. Bu tôi biết ông lão đến. Bà sai tôi lấy thêm bát đũa, tự tay xới bát cơm đơm đầy, rưới tương và gắp mấy gắp rau lang, rồi bà dời mâm. Tiếng mẹ tôi mời ông lão vào nhà, đến mấy lần bà giục, mới thấy ông lão thập thò ở cửa. Dù cả thày tôi mời nữa, nhưng ông cụ chỉ run rẩy đón bát cơm, lùi lùi ra, lặng lẽ ngồi ở bờ hè ăn. Lúc thày bu tôi mời, tôi nghĩ ghê ghê, chỉ sợ lão ăn mày ngồi xuống, người ông ta hôi bẩn lắm.
Ông lão tới nhà tôi, không bận nào là bu tôi không cho, lần thì dúm khoai lang khô, lần dúm gạo... Cứ mỗi lần, nếu cho khoai thì bà nói, hôm nay nhà cháu không có gì, chỉ có mấy củ khoai đãi cụ; hôm dúm gạo thì bà nói, hôm nay nhà cháu không có gì, chỉ đãi cụ giúm gạo. Tôi rất lạ, sao đã cho, mà lại cho một ông ăn mày, việc gì phải nói “đãi”. Tôi thắc mắc hỏi bà:
- Bu ơi, sao phải nói vậy? ông ấy là ăn mày cơ mà!
- Ăn mày là ai? Ăn mày là ta! Đói cơm rách áo hoỏ ra ăn mày!
Đó là câu mẹ tôi, một người đàn bà chưa bao giờ được cắp sách đến trường, dạy bảo con. Sau này nghe từ “đãi” ấy, tôi không còn thắc mắc với bu tôi nữa.
Ngoài tiếng chó sủa và tiếng gậy gõ, tín hiệu lão ăn mày đến, cũn là tiếng nheo nhéo của lũ trẻ lau nhau kéo theo.
Xóm tôi hẻo lánh, ít người lạ đến, mỗi khi lão ăn mày tới, lũ trẻ đều bu lại, chúng lẵng nhẵng bám theo và bày ra đủ trò. Chúng nhòm ngó xem trong bị có gì, ào sát vào người ông già, rồi lại tán loạn chạy xa và bịt mũi kêu oai oái: Eo ơi, chúng mày ơi, hôi hôi lắm! Có đứa nhặt đất, bẻ que rào, ném lên người lão. Sự trêu chọc của đám trẻ không làm lão ăn mày tức giận. Hình như lão không biết tới sự vây bủa, trêu chọc của đám trẻ, lão ăn mày chỉ lầm lũi bước. Tuy thinh thích, nhưng chưa lần nào tôi dám hùa theo trò chơi của đám trẻ. Tôi biết thày bu tôi rất ghét trò ấy. Có bận ông già vào sân nhà tôi, lũ trẻ bám theo. Ông lão vừa ngả cái nón để xuống hè, một đứa chộp lấy, chụp vào đầu đứa khác và cả lũ hô hố cười. Thày tôi tức quá, quát cho một trận, cái thằng chộp nón suýt bị ăn vút.
Một lần thày bu tôi ra đồng, tôi cùng đám trẻ trong xóm đang chơi ngoài bờ rào duối trước nhà. Chúng tôi chơi trò đánh cóc. Bốn chân con cóc bị căng ra, mỗi đứa cầm một roi dâu vụt. Con cóc bị những trận roi túi bụi, mới đầu còn phình bụng, đầu nghênh nghênh chịu trận, sau bụng xẹp dí, nằm đơ đơ.
Chơi mãi trò đánh cóc đã chán, chợt lũ trẻ thấy ông ăn mày tới, chúng hò reo vây quanh ông lão. Thế là lũ trẻ có trò mới, như mọi bận chúng thường bày ra với ông lão. Tôi nghe một đứa hét to: Con cóc cụ, cho lão ăn mày con cóc cụ chúng mày ơi! Đám trẻ nhao nhao hưởng ứng. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ, đó là câu nói đùa hoặc doạ ông lão. Lão ăn mày đâu có biết đâu trò đánh cóc vừa diễn ra, lão vẫn bình thản như mọi khi, chầm chậm lần gậy bước. Kẻ đầu têu xách dây buộc con cóc, tôi vừa ghê sợ vừa tò mò ngó xem. Thằng ấy giơ tay làm dấu cho đám trẻ chúng tôi im lặng, nhằm đánh lạc hướng chú ý của ông lão ăn mày, còn nó rón rén bước về phía sau lưng lão. Rất nhanh, ào một cái, nó tuồn con cóc vào cái bị. Tưởng chúng chơi trò giằng lục bị như mọi hôm, ông ăn mày vội kẹp tay cho cái bị chặt hơn. Nhìn phản ứng của ông già, đám trẻ nhảy cẫng lên, hò reo. “Ông ăn mày cóc chúng mày ơi! Ê ê! làng nước ơi có ông ăn mày cóc. Trong bị của lão ấy đựng cóc ê ê...” Con người khốn khổ kia dù già nua, phản ứng chậm chạp, cũng nhận ra đám trẻ vừa dở trò tai quái với mình. Cảm giác về sự động chạm cái bị vừa nãy, chắc chúng lại nhét vào một thứ bẩn thỉu gì đó. Lão ăn mày ngồi tết xuống đất, chậm rãi gỡ cái bị trên vai xuống. Tôi rùng mình hình dung, trong bị một con cóc máu mê, nhớp nháp mủ trắng, nằm sõng soài trên mấy củ khoai hay những lát sắn khô... Đám trẻ tò mò nhìn lão ăn mày thò tay rờ rẫm khua bị. Chúng chờ đợi. Thật ghờ sợ, tay ông ăn mày giơ ra và từ từ đưa vật lạ lên sát mặt. Khi nhận ra con vật bẩn thỉu và sống dở chết dở, lão lẳng lặng vứt tọt con vật xuống ngay bên cạnh chỗ lão ngồi. Đờ đẫn lão ăn mày quay ra nhìn đám trẻ. Từ đôi mắt già nua, cùi trắng lèm nhèm, dòng nước mắt rìn rịn, cái miệng lão thì méo xệch. Không lầm rầm như mọi khi, tiếng lão rên lên thống thiết:
Các con ơi, các con tôi đâu rồi. Sao để bố khổ thế này!
Đấy là lần đầu tiên tôi thấy một người già khóc, khóc thành tiếng, những tiếng khóc hầng hậc...
Nghe tiếng khóc của ông già, tôi sợ hãi chạy vụt về nhà, đám trẻ cũng sợ hãi, tán loạn chạy. Hôm đó không thấy ông già vào sân nhà tôi như mọi bận.
Tôi nhớ mãi dáng đi của lão, trên con đường giữa cánh đồng thất thểu rời xa khỏi xóm.
Tôi đứng lặng nhìn theo, nhìn khi lão ăn mày bước qua cây si già, nhìn tận khi bóng lão còn như cái chấm, rồi mất hút trên cánh đồng.
Thày bu tôi không rõ bọn trẻ bầy trò gì trêu ông lão, song biết chuyện ông ăn mày thất thểu khóc.
Ông cụ ở làng bên, nhà ven sông. Xưa ông cũng có nhà, có ruộng, có vợ cùng hai người con. Ông vừa làm ruộng vừa thêm nghề sông nước, chống bè thuê. Mới đầu còn chân chống bè thuê, sau dần có lưng có vốn, ông mua một vài hộp nứa, tự mình xuôi dòng. Vừa làm chủ, vừa làm công, nhà khá lên. Những chuyến xa nhà sông nước của ông cũng lâu hơn, nửa tháng, một tháng. Cho đến một bận ông về cầm nhà, cầm ruộng. Nghe nói để có vốn xuôi bè lớn. Cũng từ đấy, cả vợ chồng con cái nhà ấy cùng nhau xuôi bè. Cậu con trai mười bốn tuổi đủ sức giúp bố làm chân chống sào, cô con gái mười hai phụ giúp mẹ cơm nước trên bè. Chuyến bè đó lớn lắm, nghe nói đến hơn chục hộp nứa, cả gỗ nữa và thuê đến mấy tay sào. Quá rằm tháng chín, ai cũng yên tâm chẳng còn bão lớn. Chuyến bè tận bến chợ Mới sông Đà, xuôi dòng. Nhổ sào được hai ngày, đã qua ngã ba Việt Trì, từ sông Đà vào sông Cái. Trời đang quang, mây đang tạnh, bất chợt một cơn bão lớn ập đến. Cứ như các cụ nói, trận bão ấy lớn lắm, bão làm đổ cả đình. Sóng to gió lớn, con bè chống chọi chẳng được mấy nỗi thì tan tác. Đến mấy tay chống sào quen sông nước, mà cũng kẻ mất, người còn. Gia đình ông chủ hai đứa con đều bị dòng nước cuốn mất, may vợ chồng ông chủ túm được cái mảng, dạt vào bờ mà thoát chết. Mất con, trắng tay, sau lần ấy người vợ ông trở lên điên dại. Gần mười năm sau thì bà ta chết....
Kể câu chuyện ấy, thày tôi chép miệng: Đấy buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện. Người ta có số, chả ai biết đời người thế nào. Còn bu tôi thì nói: Giá mà không chết đuối, người con trai lớn của ông lão giờ cũng trạc tuổi thày tôi, người con gái thì cỡ tuổi bu tôi.
Tôi thấy ân hận. Dù không phải kẻ đầu têu nhưng tôi đã a dua theo lũ trẻ. Sao lúc ấy tôi không ngăn cản?
Ý nghĩ cứ dằn vặt. Thế là tôi moi hai đồng xu trong ống tre, những đồng xu tiền mừng tuổi, mà chỉ khi thật thèm tôi mới dám moi ra một đồng mua cái bánh đa.
Thấp thỏm chờ đợi ông lão quay lại, tôi sẽ đãi ông lão ăn mày hai đồng xu. Một tuần, hai tuần trôi qua, tôi ngong ngóng về hướng cây si già, về con đường dẫn vào xóm. Thấp thoáng bóng ai đấy, tôi lại hy vọng, đó là ông lão ăn mày.
- Khổ thân chưa! Cái ông lão ăn mày vẫn đến xóm ta, chết rồi đấy! Vừa chết rét, vừa chết đói. Thấy bảo sáng ra, gác chợ biết thì người đã lạnh cứng...
Đấy là người xóm tôi đi chợ về kháo nhau. Hai đồng năm xu ngày ấy tôi chuẩn bị đã không bao giờ còn được đãi ông lão ăn mày nữa./.