Mất ngựa
Trọng Huân
Tôi ra ngoại ô thăm sếp, tổng biên tập cũ, nay đã nghỉ hưu. Chưa đến cái tuổi thích cảnh điền viên nhưng nhìn sếp chăm chút vườn cây cùng đứa cháu nội bi bô theo chân, “Hạnh phúc cuộc đời đấy.” - tôi chợt mỉm cười nghĩ - “ Câu nói đó của ông. Mình nói năng, triết lý hao hao giống sếp mất rồi! Có người bảo mình bắt đầu gàn, lập dị. ”
Sếp, một người uyên thâm, bao dung. Nhận xét đó là qua tiếp xúc, sống và làm việc sau này, chứ buổi đầu gặp ông, nghĩ đến tức cươì. Khoảng mười giờ hay mười rưỡi gì đó, như lời hẹn tôi đến, tổng biên tâp đang... dở việc - một ông già hom hem, luộm thuộm. Phòng làm việc của toà soạn thiết bị cũ kỹ, tồi tàn, lúc đó vào năm 1987. Chỉ cái cặp lồng trên bếp may xo đỏ rực, nước sùng sục sôi, Ông nhìn tôi cười xuề xòa, bảo đợi một chút và đưa tờ báo cho tôi đọc. Đánh mắt quan sát phòng làm việc của sếp, bộ bàn ghế xộc xệch, tủ tài liệu và cả trên mặt bàn sách báo khá lộn xộn. Ngay góc nhà, giáp với bếp điện là chiếc xô tôn Liên Xô lưng lửng nước, cạnh đó cái chậu nhôm cáu cạnh, dúm dó. Tôi ngồi đọc báo nhưng vẫn kín đáo quan sát sếp nấu ăn. Sếp đổ nhúm gạo từ túi ni lông, khoảng lạng gạo vào ca men, thứ gạo sổ mậu dịch vàng khè, nấu lên nở bung, hôi rình, đã ăn thì đừng ngửi. Ông vục ca gạo vào chậu nước, lấy đũa khoắng rồi gạn, làm tiếp vài lần, tức là vẫn nước ấy, chậu ấy, múc khoắng rồi đổ. Tiếp đó ông nhón mấy ngọn rau trên sàn thả vào chậu, lại dùng đũa khoắng. Nước trong chậu lấm tấm bèo, đùng đục trắng. Nghĩ chậu nước sẽ đổ đi, tôi đứng dậy định bê cho sếp, thấy vậy ông xua tay:
- ấy ấy, cậu cứ để đó. Dùng được nữa, còn sạch chán. Đổ đi có phí à!
Chắc ông để đó rửa đồ rếch sau bữa ăn trưa, tôi ngồi xuống tiếp tục đọc báo. Sếp đến ghế cạnh tôi ngồi, tháo bít tất, đôi tất rinh rích cũ, thủng cả mũi lẫn gót. Vì ngồi quá gần tôi thấy phảng phất mùi mồ hôi chân. Trừ khi ngăn tôi đổ nước, đến lúc này sếp mới lên tiếng, gọi là nói chuyện, giọng đủng đỉnh:
- Cậu nghĩ rằng chậu nước đó bẩn, nhưng tôi lại không, nó còn sạch chán. Suy nghĩ của mỗi người đôi khi là vậy đấy. Anh bảo rằng hay, tôi bảo không hay.
Bất ngờ sếp thả chân vào chậu nước, chậm rãi kỳ cọ. Buồn cười về cả triết lí lẫn hành động của ông, tôi cố nhịn. Sau này nhiều lần còn thấy sếp dùng cái chậu cóc cách dúm dó đó, ngâm rau sống, chứa bã chè. Đến khiếp!
Sếp nói có điều mới nghe đến lạ tai.
- Đời người nó ngắn ngủi lắm cậu ạ! Tại sao cứ khó chịu, mà “chịu vui” đi, thanh thản không?
Những lúc tâm sự riêng hay khi trao đổi họp hành tòa soạn, ông thường mang triết lý sống, triết lý đối nhân xử thế mình rút ra, đặc biệt ông hay dẫn cái anh điển tích Tàu. Đến mức, mỗi khi ông chuẩn bị nói, nhiều anh em, nhất là đám trẻ cứ bấm nhau tủm tỉm hoặc ở phòng lại lôi ra bắt chước giọng ông, trêu chọc nhau. Đại ý những câu: “à, điều này tớ biết 20 năm rồi!...” Cái điển tích Tàu ông lão nước Hồ mất ngựa, sếp tâm đắc lắm. Tôi nhớ mấy câu sếp trích: “ Mất ngựa, thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu! .... Được ngựa, thế mà họa cho tôi đấy, biết đâu!”
Có người bảo ông lập di, gàn. Họ kể nhiều chuyện gàn của ông. Hồi ông là trưởng ban, thời ấy đi nước ngoài như cơ hội đổi đời. Nếu đi Đức, không được chiếc mô kích thì ít ra cũng kiếm cái đi a măng. Còn đi Nga là chiếc đài mô nô đi a. Ngù ngờ thì dăm chiếc bàn là, cái nồi áp suất. Anh nào đụp cũng khuân về cho vợ chiếc chậu nhôm Liên Xô, đựng cả thùng nước, thả con vào tắm sung sướng không. Thế là tranh cướp nhau đi. Họ nói xấu, dựng chuyện, moi móc nhau đủ điều: từ chuyện cổ xưa nhất, tay ấy từng có tin đồn trái gái hủ hoá, bắt được quả tang; đến chuyện, hắn hễ xuống cơ sở là xin xỏ, nghe nói có thư về toà soạn phản ánh. Toàn kiểu thông tin nghe với đồn hoặc loại thư nặc danh. Đủ chết rồi. Lần ấy có suất đi Nga, bình đi chọn lại mãi trong danh sách đề cử ứng cử trừ ông ra, không anh nào không có vết. Ngay từ đầu, biết mình trong danh sách, ông xin rút. Mọi người nghĩ, lẽ đời từ chối là một chuyện, nhưng bụng nghĩ thế nào lại là chuyện khác, có trời biết. Đến khi làm hộ chiếu ông vẫn khăng khăng từ chối, lại tiến cử một tay phóng viên trẻ. Ông bảo: “ Cậu ta đi là xứng. Đi học hỏi, mở mang đầu óc, chứ đi mua nồi áp suất, bàn là đâu.” Gàn đấy! Nếu không ai lại nói ra mồm vậy.
Tết năm đầu tiên tôi về báo. Vào quãng đầu tháng chạp, chúng tôi có chuyến công tác Tây Bắc. Kể đi viết tết thế là quá muộn. Đoàn có ba người: sếp, tôi và lái xe với chiếc com măng ca cà khổ. Đây là chuyến đi xa đầu tiên đời làm báo viết tết của tôi. Tôi biết sếp muốn trực tiếp đưa đi nhằm dìu dắt truyền kinh nghiệm cho lính mới. Chuyến đi suôn sẻ, gần như dự kiến. Đường về chỉ còn điểm nữa chúng tôi vào làm việc. Tuy sát tết bề bộn công việc, nhưng vừa thấy đoàn, anh em Ban Định Canh Định Cư tíu tít đón chào. Tình người ngày ấy rất chân thật. Làm việc xong trưởng ban ĐCĐC huyện nhất quyết kéo chúng tôi về nhà, gọi là ăn tết sớm. Lại trưa sau, chiều sau, người này mời, người kia giữ, chúng tôi không biết từ chối ai. Sếp vốn cả nể, tôi còn cả nể hơn, nhất là ai nỡ khước từ lời mời rượu. Chủ nhà bữa cơm trước hôm chia tay là vị phó ban, người Thái. Tôi lính mới tò te chưa có kinh nghiệm, lại ngựa non háu đá, thích khẳng định mình, nên liên tiếp mấy trận say bí tỉ. Với người miền núi, đã làm khách đến nhà uống rượu, chưa say là không được. Bữa cơm cuối cùng tôi còn say hơn mấy bận trước. Tối đó không rõ chúng tôi về phòng khách bằng cách nào, bò, dìu hay gia chủ phải khênh. Có người lay gọi, trời còn tối om, tôi cố loạng choạng ra xe. Rét thế mà anh em trong Ban ĐCĐC huyện vẫn tận tình ra tiễn. Mệt quá, tôi bắt tay chiếu lệ và tót trước vào xe. Lên sau, sếp loay hoay ngoái lại hàng ghế tôi ngồi, ông xếp đồ, bấm đèn pin soi soi gì đó. Chợt tiếng sếp hốt hoảng: “ Rắn xổng...!”. Sếp lao bật khỏi xe. Ô hay, anh lái xe cũng như điện giật, vọt khỏi ghế trước. Nghe tiếng la và họ lao ra, tôi giật mình, chẳng hiểu mô tê răng rứa gì, theo bản năng rụt vội chân thu lu lên ghế. Lúc đó tiếng người hô ngồi yên, tôi chẳng rõ thế nào, sợ toát mồ hôi. ánh đèn pin dưới đất rọi lên trên ghế và cả sàn xe. Tôi đánh mắt nhìn xuống. Quái, có cái lồng nứa chềnh ềnh trên sàn. Trong lồng... trời ơi! Một con rắn vằn vện to cỡ ngang cổ tay. Lưỡi và mắt nó bắt đèn loang loáng. Lúc này tôi mới hiểu. Thảo nào người ta hét, bảo chớ động đậy. Tôi nổi da gà nghĩ bụng, nhỡ mà nó bổ cho một nhát thì toi đời. Mặc ai hô tôi vẫn co giò phi tót qua cửa xe, đầu va một cái đau điếng. Cũng mừng không bị sao. Ai đó bắt đầu dùng gậy gõ vào thành xe, một cậu thanh niên bạo gan bám vào khung cửa, ghếch đèn soi kỹ. Chẳng thấy rắn xổng đâu. Chắc chúng cao chạy xa bay từ khuya rồi.
Trên xe hỏi anh lái tôi mới hay, quý khách, ban ĐCĐC huyện chuẩn bị bộ tam xà, tối qua đưa cái “lồng quà” biếu lên xe luôn. Lúc đó say, tôi nào biết gì. Khi sếp soi đèn kiểm tra, giật mình thấy còn mỗi con, mới hay chúng xổng. Xe chạy được quãng xa sếp vẫn im lặng. Nghĩ sếp chưa hoàn hồn sau sự cố vừa xảy ra, thì chợt tiếng ông cười, rồi cất giọng đủng đỉnh, phong thái mọi khi:
- ừ, trong cái không may, có cái may. “Mất ngựa thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu! Được ngựa thế mà họa cho tôi đấy, biết đâu!” Như cái chuyện xổng rắn của cánh ta vừa nãy, tưởng là không may à? Chưa hẳn. Nếu hôm qua tỉnh, cẩn thận đem lồng rắn vào phòng ngủ thì...
Nghe sếp nói tôi nghĩ mà kinh! Đúng là may thật, không thì đêm qua có vị rắn quấn cổ. Xe chạy quãng xa tôi vẫn ngơm ngớp, thỉnh thoảng ngoái cổ kiểm tra con rắn sót lại đó, nó xổng nữa là khốn. Định bụng bảo sếp quẳng béng cái của nợ đó thì tiếng sếp nhẩn nha:
- Các cậu ạ, cái giống này đại bổ. Quý lắm, quý lắm! Các cậu còn trẻ không biết, chứ già như cánh tớ, trở giời là mình mẩy ê ẩm. Nhưng nếu được cái tang anh rượu rắn, dãn xương dãn cốt.
Sếp nói vậy tôi sao dám bàn quẳng cái thứ đại bổ, đại quý kia đi. Ngồi ghế sau, chốc chốc tôi lại liếc mắt xem thứ của quý đó còn không. Gần tới Hà Nội sếp quay lại nhắc tôi:
- Cậu xách con rắn về ngâm cho cụ nhà. Quý, quý lắm đấy!
Vừa nghe tôi đã thất kinh, khước từ liền. Có lẽ anh lái xe cũng như tôi, khiếp mà từ chối... Chuyện con rắn tưởng hết, thôi không đại bổ tam xà thì cũng hoá kiếp nó vào chai cho độc xà tiểu bổ. Chả phải lo lắng nữa. Đi công tác về tôi được sếp cho ở nhà viết bài vài hôm rồi mang lên sếp sửa. Ngày hẹn tôi đến nhà sếp trình bài. Căn hộ gác ba tập thể vỏn vẹn 15 m2, gồm cả bếp, lẫn ban công. Chật vậy nên đồ đạc lỉnh kỉnh, chồng đống xếp hai ba tầng. Nhà chỉ còn khoảng trống bằng cái chiếu một. Lúc tôi tới có mâm cơm úp lồng bàn, để ở khoảng sàn ấy. Sếp giải thích, phần cơm bà xã làm ca chưa về. Sếp tiếp tôi trên chiếc giường một duy nhất. Trước khi đưa bài sếp xem, tôi hỏi thăm độc xà ngâm tẩm ra sao. Nghe tôi hỏi, giọng sếp thản nhiên:
- Nó lại xổng rồi!... Mất là rủi nhưng rủi... biết đâu rồi lại may đấy?
Đang ngồi giường, chân đặt trên sàn, nghe vậy tôi hoảng qúa vội lén thu chân lên luôn. Kể khách đến nhà ngồi thu lu vậy, lại ngay trước mặt sếp là bất nhã quá, tôi cũng biết, nhưng... sợ. Định bảo sếp hãy cẩn thận, song thấy ông bình thản như không, nên tôi ngại, sợ sếp nghĩ mình thần hồn nát thần tính. Hỏi ý kiến sếp về bài vở tết mà đầu óc tôi cứ loay hoay với ý nghĩ, tý nữa ra bằng cách nào đây. Lớ xớ con cạp nong hay cạp nia ở đám xó xỉnh đồ đạc nhà sếp xổ ra thì rồi đời. Sợ nên tôi nấn ná mãi chưa dám về. Còn sếp, hình như đang dở việc gì, giục: “Thôi cậu về được rồi, chỉ cần sửa đôi chút. Về cơ bản, ý tứ khá. Văn cậu ít lời nhưng nhiều ý. Khá!” Cuối cùng tôi cũng phải chào sếp, ngồi mãi thế nào được, nhà độc cái giường, tý nữa vợ người ta lại về. Lúc trước tôi tính kỹ, chào sẵn sếp trên giường, rồi phi thật nhanh, quãng từ giường đến cửa ra vào ấy. Thực hiện đúng vậy, song khốn khổ thay, tôi mới sải được vài bước chân, đã đến cửa đâu thì sếp giật giọng gọi. Tôi giật bắn cả mình, nhắm mắt phi ào ào, nghĩ sếp hô rắn. Ra đến ngoài hành lang mới biết, mình nhầm, sếp gọi tôi để quên bài viết. Giờ thì bố tôi cũng không dám quay vào. Dù không bản nháp nào ở nhà, tôi vẫn nói dối vọng vào với sếp :
- Em... em còn bản thảo nữa mà!
Lúc ngồi uống nước trên giường thì lo cho mình, khi về đến nhà đi nằm, tôi lại nghĩ ngợi, lo cho vợ chồng sếp, nguy hiểm quá. Song chả nhẽ đêm hôm khuya khoắt, tới nhà người ta gọi, bảo cẩn thận, rắn xổng đấy(!) Sáng sau lên toà soạn, tôi thấp thỏm đợi, thấy sếp tới, mới thở phào nhẹ nhõm, sếp chưa bị rắn cắn. Tâm trạng phấp phỏng diễn ra mất mấy hôm. Chiều hai chín, khi chào nhau nghỉ tết, sếp có lời mời anh em trong toà báo chiều mùng hai đến nhà uống rượu. Tôi vội từ chối luôn, lấy cớ tết này mình về quê. Thực ra tết ấy tôi có về quê đâu. Tôi không nhận lời vì... sợ con rắn xổng. Nó mà còn luẩn quẩn trong nhà là khốn.
May... không may, rủi... không rủi. Trong cái rủi có cái may, trong cái may có cái rủi. Ôi, đến rối rắm. Hồi ấy tôi chỉ đơn giản nghĩ sếp duy tâm, kiểm nghiệm thuyết rủi may bằng con rắn xổng, tôi không dám.
8/12/1997