Con gái nhỏ của tôi nay đã chín tuổi. Rút kinh nghiệm đứa trước, mẹ nó chẳng định hướng đào tạo, hay nhồi nhét kiến thức cho con thành thiên tài, mà tuỳ theo sức và ý cháu lựa chọn. Chín tuổi mà xem ra cháu chưa rõ năng khiếu, sở trường gì. Con bé tính hơi rụt rè, không mạnh mẽ, bộc lộ chí hướng như con chị. Nói chuyện với ai, kể cả bố mẹ, cháu chỉ thủ thỉ. Hay cái tên Thục Anh vận vào cái số của cháu? Một dạo, khi còn năm, sáu tuổi, cứ sáng ra là cháu bi bô khoe với bố về giấc mơ đêm qua của mình: Bố ơi, hôm qua con mơ.... và cháu hăng hái kể những giấc mơ đêm qua của cháu. Một sáng tôi đùa: - Hôm qua bố cũng mơ nhé! Vừa nghe bố nói chuyện mơ, cháu hăm hở hỏi xem, bố mơ gì. Tôi tủm tỉm cười: Hôm qua bố mơ đi ăn phở. Con gái có biết, bố ăn mấy bát không? Con gái lắc đầu. Tôi giơ bàn tay ra năm ngón, bố ăn năm bát. Con gái rụt cổ: Khiếp, sao bố ăn nhiều thế. Tôi tỉnh queo, cao giọng phân tích: - Khi đã mơ, thì mơ ăn không phải mất tiền. Bố nhắc nhé, lần sau, hễ mơ, con cố mà mơ ăn, mơ uống. Ăn uống, mua bán thật nhiều vào. Riêng ăn uống trong mơ, bố không cấm. À, lần sau có mơ, thì nhớ mua cho bố cái ô tô. Hôm qua mơ ăn phở, bố cố ăn thật no. Sáng nay đỡ phải ăn. Mẹ mày sướng nhé. Bố tiết kiệm cho mẹ mày mấy chục nghìn. Không tin, con cứ hỏi mẹ mày xem. Con gái tôi ngây thơ hỏi mẹ: - Có đúng không mẹ? Cháu chỉ ngạc nhiên, bố mơ ăn lắm thế mà vẫn gầy. Ăn mơ thì làm sao mà béo được. Thử ăn thật xem, béo ú. Đấy, bây giờ nhiều người ăn quá, bụng béo chảy xệ ra, phải uống thuốc giảm cân, để giả gầy. Họ, có thuốc tiên mới làm giả gầy được. Trẻ con y như cái máy ghi âm. Chúng chơi đấy, mà nghe hết lời người lớn nói chuyện đấy. Một lần khi cháu đang chơi, tôi thử cháu, giả vờ như đang nói chuyện với vợ, tưng tửng: Nhà mình là nhà có văn hoá. Khi nào có khách, tất cả phải cầm sách lên nhé. Đang chơi, cháu quay lại hỏi ngay: - Cầm sách để làm gì hả bố? - Cầm sách để giả làm trí thức! Con bé bốn tuổi, nghe giọng bố nghiêm trang, không hỏi han gì nữa. Một lần Hương Chíp, bạn đại học của vợ tôi, hồi đó cô này còn sống ở thị xã Bắc Ninh, đến chơi, thấy con bé cầm sách chăm chú giương lên, ngạc nhiên, nghĩ cháu bé tý đã biết chữ: - Bé biết đọc rồi cơ à? Sách kể gì thế? - Toàn giả tri thức... Cô bạn há mồm, ngạc nhiên. Cháu bé tý đã biết tri thức giả, trí thức giả. Cô bạn phục cách dạy dỗ con cái của nhà tôi. Tôi và vợ đưa cháu đến chơi nhà Phương, ở làng Cót, dưới Cầu Giấy. Nhà Phương nuôi con vẹt. Vừa vào nhà, con vẹt chào véo von. Con tôi thích lắm, sán vào xem và nói chuyện với nó. Về nhà cháu hỏi: - Bố ơi sao nó nói ngọng thế? - Ngọng mới hay nói. - Bố ơi, sao nó nói bậy thế? - Chủ nó dạy nó thế. Nó nói, mà chẳng hiểu nó nói gì đâu. - Nó nói, mà chẳng hiểu nói gì là thế nào hả bố? - Vẹt nó thế. Người ta bảo nói như vẹt. - Người có thế không hả bố? - Khối. Con cứ xem ở lớp con ấy. Khối bạn như vẹt. Người ta nói, chẳng hiểu, chẳng nghĩ gì, cứ nói theo. Có con vẹt còn đi dạy người nói nữa. Hôm sau cháu về khoe luôn: Ở lớp con có một bạn vẹt bố ạ. Hôm qua có đoàn kiểm tra đến dự lớp. Họ hỏi, bạn ấy trả lời: Cô giáo dặn, ai hỏi thì cứ bảo là không học thêm, nhưng chủ nhật này, nhớ đến học phụ đạo ở nhà cô nhé! - Thế nó có nói ngọng không? - Nó nói ngọng và hay nói lắm. Thế nếu họ hỏi con, thì con trả lời thế nào? Con bảo, cô không dạy thêm. Con có phải vẹt đâu, phải giấu chuyện chủ nhật đến nhà cô học thêm chứ. Giáo dục, dạy thêm nhiều thế, kết quả đâu chưa thấy, thấy rõ là con tôi học được thói nói dối rồi. Nhân câu chuyện trên con gái kể và cái cảnh học thêm, tôi viết tiểu phẩm Học thêm, gửi báo Hà Nội mới, được anh Nguyễn Triều và nhà thơ Đặng Huy Giang trả cho nhuận bút trăm ngàn đồng, gần đủ tiền nếu con tôi đi học thêm nửa tháng. Tôi ghi lại tiểu phẩm này để làm kỷ niệm cho con: Tin con gái đỗ cấp ba, vợ chồng anh bạn tôi mừng, rồi lại lo. Nhà bốn người, Hà Nội bao thứ tiêu: tiền điện, nước, xăng xe,... Chỉ riêng khoản cung phụng cho hai trẻ bạn tôi đã tá hoả - sinh nhật, picnic, tiền tiêu vặt, nhưng tốn nhất vẫn là chuyện học thêm - đứa ôn đại học, đứa trung học. Vợ chồng bạn tôi cọc cạch người hưu non, kẻ cạo bàn giấy. Cái khó bó cái khôn. Năm ngoái, vợ anh bạn nghĩ ra kế, trông trẻ, nhận hai đứa tuổi còn bú mớm. Kể thì vất vả, song bù lại, mỗi tháng kiếm thêm dăm trăm ngàn. Cứ nhớ lại, tháng đầu nhận tiền công, cô vợ âm ỷ sướng cả tuần. Hôm nhận cái giấy báo điểm con đỗ, vừa toe toét cười, mặt cô vợ đã xị ra lo. Tối ấy, thị thì thầm với chồng: “Hay ta nhận trông thêm hai đứa nữa.” Nghe vợi nói vậy, anh chồng gạt phắt. Bởi anh bạn vốn thương vợ. Trông hai đứa đã bở hơi tai, nay thêm, hơi sức đâu. Cả ngày hôm sau, mặt vợ anh ta vẫn bần thần, chắc lo tiền ăn, tiền học,... Đến lúc cơm tối, cô vợ lên tiếng, mặt tý tởn: “Đã có cách! Ngay sau đó cô vợ hùng hồn tuyên bố - Lũ con mình học thêm bao thứ. Mà học là phải trả tiền. Thế thì tại sao hai đứa trẻ nhà ta giữ, ta không tổ chức dạy thêm cho chúng. Chuyến này em sẽ kèm cặp thêm: Giờ chúng bù ti, em dạy thêm chúng nhá cháy, xơi cơm; chúng mới biết ngồi, phải dạy trước chạy nhảy;... Đấy là chương trình dạy thêm mấy tháng đầu. Còn những tháng sau, bao môn phải học, như tập hát, tập múa, tập tư duy,... Em cam đoan, bố mẹ chúng nghe chương trình dạy thêm, nghĩ con cái mình ắt nên người, họ không mừng rơn. Bỏ rẻ mỗi môn thu năm chục, mà kỳ này dạy hai, à.. ba môn: múa, hát, nghĩ, tức hai trăm rưỡi nhân đôi, vị chi tháng thu ngon ơ năm trăm ngàn đồng.” Cô vợ say sưa đến mức, khó khăn lắm anh chồng mới chen được lời: “ Thế em không biết, có chỉ thị cấm dạy thêm à?” .Nghe, cô vợ ớ ra, nhưng lại tươi tắn ngay: “Thì cứ làm như cách của trường con mình đang học, tức là thảo ra đơn tự nguyện học thêm, phụ huynh ký vào, phạm luật vào đâu được. Nhỡ lộ ra, thì mình dạy thêm, cũng cốt cho con cái... học thêm cơ mà.” Bảo cháu chưa có năng khiếu, sở thích gì, thì chưa chính xác. Mới rồi tôi phát hiện ra, cháu thích xem gia phả và yêu thích làm quan. Một lần cháu mang gia phả ra đọc, rồi hỏi tôi: - Trên ông gọi là gì hả bố? - Gọi là cụ. - Trên cụ gọi là gì hả bố? - Gọi là kỵ. - Trên kỵ gọi là gì hả bố? - Gọi là kĩnh. - Trên kĩnh gọi là gì hả bố? - Gọi là …. cụ kĩnh kình kinh - Có phải bố viết gia phả, để sau này có người gọi bố là cụ kĩnh kình kinh? Một buổi đón con từ lớp học về, cháu hồ hởi khoe, con vừa được cô giáo phân công làm tổ trưởng. Nhìn con gái hơn hớn vì lên chân cán bộ, tôi nói: - Bố chúc mừng. Chuyến này cả nhà ta làm cán bộ - Tôi nói - Chị Ủn thì làm lớp phó, còn Ỉn thì tổ trưởng, bố mẹ đều trưởng, phó phòng. Nói tới đây tôi nghiêm sắc mặt, cao giọng: - Thế có muốn chức lớp trưởng, hay liên đội trưởng, bố mày chạy cho. Cứ chủ nhiệm, hiệu trưởng bố chạy. Nhưng con nhớ nhé, cuối tháng, phải nhắc cô giáo phát lương chân tổ trưởng. Thầy, cô chúng mày bây giờ là hay ăn bớt, ăn xén học sinh lắm! Con gái út tôi tưởng bố nói thật: - Tổ trưởng cũng có lương hả bố? - Có chứ! Nghe hai bố con đối thoại, vợ tôi cười: - Cái ông này. Chỉ nhảm nhí. Con nó lại tưởng thật! Thỉnh thoảng cháu được tôi và vợ tôi cho lên cơ quan chơi vào những ngày nghỉ, hay ngày cơ quan rỗi việc. Thường thì cháu lên cơ quan của mẹ nhiều hơn. Nếu không nhớ nhầm, tôi đưa cháu lên được bốn, năm bận. Lên cơ quan tôi, cháu thường mặc cả, hôm nay cơ quan của bố có đông người không. Nếu vắng, con mới lên. Vào một ngày chủ nhật, tôi đưa cháu lên. Đưa con lên, tôi bấm trò chơi điện tử trên máy tính cho cháu chơi, còn mình lúi húi làm việc bằng máy tính khác. Sau một hồi chơi, khi đã chán, cháu lượn một vòng quanh căn phòng, rồi sán lại bên bố, thì thầm - cháu vốn tính rụt rè, dù lúc này cơ quan chẳng có ai, ngoại trừ hai bố con: - Bố là trưởng cái phòng này? Cháu khoát tay, chỉ cả căn phòng rộng chừng hơn trăm mét vuông. Tôi lắc đầu. - Không phải. Đây là cả Ban của bố. Quản lý gian phòng này là ông Trưởng ban Trần Đức. - Ông ấy to bằng ai, cháu hỏi. Có bằng ông Đức không? Ông Đức là Giáo sư Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn, cơ quan của mẹ cháu. Vì hay lên chơi bên cơ quan mẹ, nên cháu biết rõ cả chức và tên ông Viện trưởng ấy. Tôi gật đầu, đáp: - To bằng. Nghe tôi nói vậy, cháu tần ngần một chút, rồi tiếp: - Thế bố là trưởng phòng, thì là trưởng cái phòng nào? Tôi khoát tay, chỉ hai, ba cái bàn trước mặt, bảo: - Đấy, bố làm Trưởng phòng mấy cái bàn này. Nghe tôi nói vậy, cháu hết sức ngạc nhiên, rồi thần mặt ra. Chẳng thấy cháu hỏi tiếp gì nữa. Trong bữa ăn tối, cháu bô bô thông báo với con chị: Phòng của bố chỉ có mấy cái bàn. Trưởng phòng bố chỉ bằng trưởng bàn lớp em. Nghe con nói, tôi phì cười về sự so sánh của cháu và chợt hiểu sự im lặng, thất vọng ra mặt của cháu lúc trước ở cơ quan. Ước mơ quan chức nó có ngay từ tuổi thơ ư? Thảo nào lắm người tranh nhau đến đổ máu đầu cái chân cán bộ. Làm quan, ai mà chẳng thích, thích làm to, chỉ có khác là kẻ thích nhiều, người thích ít, thích ra mồm, hay thích trong tâm. Tôi cũng thích. Dưới thời phong kiến, các cụ dùi mài kinh sử để ra làm quan. Buổi đầu thực dân, người Pháp lập hẳn trường quan hậu bổ, đến thời ta, bao trường đại học, cao cấp tuyển và dạy người làm quan. Người ta chỉ khác nhau động cơ, động tác được làm quan và khi hành quan thôi. Có ông nọ ở cơ quan tôi. Lúc làm việc thì chỉ quát lăng băng, nói lăng nhăng. Người ta gọi là ông quan quát, quan phán. Quát phán thôi, còn chả làm việc gì cả. Đến lúc về hưu rồi, vẫn nhớ quát, nhớ phán, lại lên cơ quan và quên cả mình nay đã nghỉ hưu, tiếp tục quát phán. Có hôm ông nọ đến cơ quan, anh em đang ngồi uống nước, mọi người cứ lảng dần đi. Mải quát phán, ông nọ không hay, anh em đi ráo cả rồi, chỉ còn trơ lại cái phích nước và ông nọ vẫn quát, vẫn phán với nó. Nó trả đối lại ông gì cả.