Lên voi xuống chó, câu nói này khá đúng với nghề báo, có khi chuyến công tác trước lên voi, ngay chuyến sau đã xuống chó. Lần xuống chó của tôi vào cuối năm 1987, khi tôi mới về Đài. Kể ra ngay vào nghề, mà thảm hại vậy, sẽ nản. May mà tôi vẫn yêu nghề. Đặng Quang dắt tôi đi huyện Sơn Dương.
Chuyến đi Sơn Dương, chúng tôi đến bến Nứa vào khoảng bảy giờ sáng. Bến Nứa như cái chợ. Người ta nói, muốn tìm hiểu văn hoá vùng, miền nào, cứ kéo nhau ra chợ. Ra đó sẽ thấy văn hoá nơi ta đến. Có lẽ thời bao cấp, ra bến ô tô là hợp nhất. Bến xe là nơi bộc lộ đầy đủ bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội nước nhà. Người già, kẻ trẻ, nam thanh, nữ tú, ốm đau bệnh tật, ông bán nước, bà bán hàng, thằng kẻ cắp, con làm tiền, bà hát sẩm, đứa ăn mày, ông thày bói, bộ đội, thương binh, công an, cán bộ, đánh chửi, lừa lọc, đồ nghề, gạo thóc, củi lửa, bếp núc, xe vệ sinh, quầy tắm rửa, mùi mồ hôi, cống rãnh, trải chiếu giăng màn khách ngủ đợi qua đêm,...
Về chuyến đi Sơn Dương, chúng tôi đến bến sớm, mà nhà chờ đã đông nghìn nghịt. Dân phe vé ở bến Nứa xúm vào gạ chúng tôi. Hồi ấy bán vé xe khách thường có hai ô cửa, ô ưu tiên và ô thường dân. Đối tượng ưu tiên gồm nhiều chủng loại, thương binh, bộ đội, công an, nhà báo, con nhỏ, người bệnh,.... còn lại là ô dân thường. Chúng tôi thuộc diện ưu tiên, Đặng Quang có thẻ nhà báo. Lúc chúng tôi tới, còn hai tiếng nữa mới đến giờ bán vé. Dãy ưu tiên rồng rắn tới ba, bốn chục người. Dãy thường dân, tính cả suất xếp lốt dân phe vé, dài tới trăm suất. Cái xe khách dù có nhồi cứng, xếp chồng lên mui, cũng chỉ chứa hết một nửa. Một trận chen vé quyết chiến.
Chín giờ, cửa ưu tiên bắt đầu mở. Người ta xô đẩy. Lúc đó thì chẳng ai nhường ai, chẳng có nếp sống văn minh xã hội chủ nghĩa. Già trẻ, trai gái đè ép vào nhau, không còn ngượng ngùng, giữ gìn. Chen đến lòi áo, tốc quần, vẫn chen. Mấy ông thương binh cụt tay, què chân, lúc trước dùng nạng mới đi được, lúc này chen khoẻ ra phết.
Giữ trật tự trước ô cửa bán vé, nhà bến bố trí hẳn một trật tự viên. Ông này đứng trên lan can cao, chồm chỗm đè đít vào đầu khách, hò hét, quát tháo, dúi người này, đập người kia. Chúng tôi phải chui qua háng ông ta mới chen sát được vào ô cửa bán vé. Ô cửa to bằng cái quạt nan, bốn, năm cánh tay cùng chen, cùng đút tiền và đống giấy tờ vào trong đó. Người ngoài gào lên trình bày, kẻ trong gắt gỏng, quát ra. Lắm người trình bày đến khản giọng, song tra xét xong, phía trong vẫn ném tiền, ném giấy ra. Chưa đủ tiêu chuẩn ưu tiên. May nhờ có thẻ nhà báo, chúng tôi mua được đôi vé. Chúng tôi chẳng kịp xót thương cho một bà bị kẻ cắp rạch túi, móc sạch tiền, nhều dãi khóc, mà vội vàng ra xe.
Lại một trận tranh cướp lên xe nữa. Xe chật chội và nóng. Hành khách tự giác lên ngồi hành tội mình thêm hai tiếng nữa. Hãy còn may, khối kẻ dưới bến thèm thuống nhìn người trên xe. Họ lại phải đợi đến chiều, chen nhau tiếp, không thì ngủ lại bến.
Cho đến sát chiều chúng tôi mới đến được Ban Định canh tỉnh Hà Tuyên. Làm việc rất nhanh, Ban giới thiệu chúng tôi lên công tác ở Sơn Dương và khách cứ tự sang nhà nghỉ mà ngủ. Đấy là cách tống tiễn vừa nhanh, vừa tiện, lại khỏi mất tiền. Tờ mờ sớm hôm sau, chúng tôi lọ mọ ra bến, nhảy xe về Sơn Dương.
Ngay khi bắt đầu làm việc, ông chánh văn phòng huyện hỏi, khách ăn uống suất bao nhiêu. May chúng tôi không tham, tưởng người ta bao, mà vống lên, không cuối đợt công tác, phải thanh toán ốm. Chúng tôi ăn mức phổ thông. Cả nhà ăn phục vụ có hai người là chúng tôi. Suất ăn, món sang trọng và độc nhất là bì trâu khô xào rau muống.
Chiều muộn, trong khi chờ hai ông khách nhai bì trâu và rau muống, cô nhân viên nhà ăn lúi húi trát bùn ủ bếp, giữ lửa lò cho ngày hôm sau. Cô này tuổi quá thì, da đen, mặt xấu, người thô. Lúc ngồi rửa bát sau bữa khách ăn, để làm công tác dân vận, tôi lân la trò chuyện, cô nàng tưởng tôi tâm sự thật, thẹn đỏ cả mặt. Thế mà lúc sau còn rủ tôi đi xem phim bãi ở huyện. Tôi phải từ chối ngay, kẻo không, lại kẻ ăn ốc, kẻ bị đổ vỏ oan.
Ăn ở nhà ăn tập thể huyện, dù thanh đạm còn đỡ lo, hai nhà báo được bữa cơm mời, nghĩ lại mà kinh. Hôm đó ông chủ tịch huyện đưa khách xuống cơ sở, đến trưa, xã có bữa cơm tiếp khách cấp trên. Cỗ bàn thịt thà bày ra, nhìn các món đều một màu xám xịt. Mới đầu tôi nghĩ, có thể do cách nấu nướng và gia vị họ cho vào, nên có màu này.
Trước khi ăn, ông chủ tịch xã người dân tộc thật thà giới thiệu, có con bò toi của dân bản, xã mua cỗ lòng và vài cân thịt, xương đãi khách. Thảo nào, tái như thịt trâu toi. Trong bữa ăn, tôi gắp lấy lệ, chỉ lo con bò mắc bệnh nhiệt thán. Ông chủ tịch xã lại hiếu khách, cứ thuận tay gắp cho tôi liên tục, làm cái bát trên tay tôi tú hụ những thịt trâu toi.
Ăn ngủ đã khổ, song khổ nhất là cảnh ngày cuối, hết đợt công tác, dốc ngược túi thanh toán, hai đứa chỉ còn chút tiền chen xe khách về Hà Nội trong những ngày đầu năm mới 1988.
Ngay sau chuyến đi xuống chó, tôi lại được lên voi. Chuyến đi gần một tháng qua mấy tỉnh Tây Nguyên và xuống tới tận Đất Mũi. Chuyến đi với nhà báo Trần Sơn.
Ông Sơn là người nóng tính. Trong chuyên môn, ông là tay cự phách số một về viết phóng sự điều tra của Đài. Chính những bài viết của ông đã làm lung lay và đổ vài ba ông Thứ, Bộ trưởng.
Từ Hà Nội chúng tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên tôi biết thế nào là máy bay. Hồi hộp quan sát quang cảnh nhà chờ, thủ tục lên máy bay,... Mọi động tác tôi đều kín đáo quan sát và bắt chước y chang ông Sơn. Phòng đợi mở cửa, khách ào ào lên xe, ào ào chen chúc lên cầu thang máy bay. Ông Trần Sơn lững thững đi. Thầy lững thững, làm trò cũng đành lững thững theo sau.
Lững thững, mà tôi chỉ lo, lên chậm, tý nữa hết chỗ, phải đứng. Tôi và ông Sơn là hành khách cuối cùng leo vào máy bay. Trên máy bay, tôi mới hay, ngồi theo số ghế đề trên vé, không phải cứ chen trước là giành được chỗ tốt.
Tuy háo hức lần đầu đi máy bay, những vốn nhát, khi đã bay trên không trung, tôi mới lo, nghĩ nó như cái quan tài bay. Tờ báo giơ lên, mà tôi không tập trung đọc nổi mẩu tin. Thỉnh thoảng liếc xéo ra ô cửa, thấy mây trằng bồng bềnh trôi, tôi càng sợ tợn. Bụng nghĩ, cao thế này, nói dại nó rơi xuống, thì mất xác. Đúng là thích không bõ lo, lo suýt chết. Chỉ đến lúc nghe tiếng kịch máy bay tiếp đất, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Đấy là tôi lại nghe ông Sơn nói, chứ đã bao giờ bay đâu mà biết, nghe tiếng kịch máy bay tiếp đất là an toàn.
Xuống sân bay Tân Sơn Nhất có ô tô đón chúng tôi thẳng lên Đà Lạt. Xe đón oách thật, cái Toyota láng coóng của ông Giảng, giám đốc Trung tâm Giống lâm nghiệp Đà Lạt. Hồi ấy, ngoài Bắc đường xấu, xe cũ, tốc độ rùa bò, giờ ba, bốn chục cây số. Vào trong này, xe mới, đường đẹp, lái xe phóng vèo vèo. Nhìn hai bên đường tôi thấy chóng mặt. Cứ thỉnh thoáng liếc nhìn công tơ mét, kim đồng hồ chỉ bảy, tám mươi cây, nghĩ mà kinh. Trong đầu tôi lẩm nhẩm khấn trời, khấn Phật cho xe không đâm. Xe mà xô chắc chết.
Đất cao nguyên màu mỡ, lá mồng tơi to bằng cái quạt nan. Chỉ hái vài ba lá, nấu đủ nồi canh. Thành phố Đà Lạt lãng đãng sương mờ và thông. Con gái Đà Lạt nhẹ nhàng tà áo dài, bên ngoài khoác hờ tấm áo lạnh. Hoa quả xanh đỏ xếp tràn khắp chợ và biệt thự lô nhô đủ mọi dạng hình kiến trúc Âu châu. Tôi cứ như người đi trong mơ.
Chúng tôi được bố trí ở toà biệt thự sang trọng, nhà khách Hà Nội tại Đà Lạt. Cả toà biệt thự chỉ có tôi, ông Trần Sơn và Đặng Quang vào sau đó, là khách nghỉ. Biệt thự này của một viên trung tá nguỵ. Rảo qua căn biệt thự, tôi đếm được tới mười mấy phòng. Ở gì mà khiếp thế. Tôi ao ước, giá như nó là của mình.
Đêm ngủ, nhìn qua ô cửa, kính trắng suông, không chấn song bảo vệ, tôi đâm sợ. Đêm hôm, nhỡ trộm cặp đập kính, chui vào, mất ráo cả bây giờ. Nghĩ lại, mình có cóc khô gì, ngoài tấm thân gày nhẳng và đói khát. Vậy là bình tâm lại, ngủ tiếp.
Mười lăm ngày ở Đà Lạt, gần như tối nào, ông Nhu, giám đốc công ty Thương nghiệp Lâm Đồng cũng tổ chức tiệc tùng. Đón tiếp đến mức tôi phát sợ. Lại sợ. Lần này sợ ăn uống. Có hôm tôi thoát được ra ngoài cuộc tiếp, đi lòng vòng mấy phố, tạt vào một quán, xơi đến hai ly chè, quay lại, nhìn lên gác, vẫn thấy đèn sáng và tiếng zô... zô bia tiếp.
Khổ thế đấy, những thứ nhiễm vào mình rồi. Ra đến cái mới, gặp gì cũng khiếp. Lên máy bay, thì sợ máy bay rơi; ô tô sang, lại lo phóng nhanh, nhỡ xô nhau; nhìn ô cửa số kính trong suốt, kinh kẻ trộm nó đập; người ta cho uống, kinh say...
Đợt ấy ông giám đốc Nhu dành hẳn chiếc pô giô, hàng ngày, đúng bảy rưỡi xe đậu dưới sân, pim còi, đón chúng tôi. Lái xe người Nam, nghiêm chỉnh, chỉn chu. Tác phong chủ thợ và công nghiệp ngấm vào họ, chứ không kiểu dân chủ, cá mè một lứa như ngoài ta, chủ không ra chủ, tớ chả ra tớ. Hàng ngày xe đến đón, chúng tôi muốn đi đâu, bảo lái xe đưa đi ngay. Đến nơi, bác tài chỉ quanh quẩn đâu đó, thoáng thấy khách ra là có mặt ngay. Còn nếu chúng tôi ngẫu hứng, yêu cầu rẽ vào quán, dù nhiệt tình mời, lái xe vẫn từ chối, ngồi ngoài xe đợi.
Có lần anh lái xe kể: Vì lái xe người Nam đùa sếp người Bắc một từ, mà sếp đuổi ngay tắp lự. Ngoài Bắc dùng từ ăn để chỉ mức độ phanh hãm của xe, còn trong Nam dùng là từ thắng.... Anh lái xe đùa, dùng từ xơi, khi sếp hỏi phanh xe ra sao.
Từ Sài Gòn xuống thị xã Cà Mau, tối đó chúng tôi nghỉ tại nhà khách tỉnh uỷ. Buổi tối lạo dạo mấy phố. Giáp nhà nghỉ có cây cầu lớn. Cầu dài tới hơn trăm mét. Trên cầu và hai đầu cầu ngàn ngạt những người. Cứ từng tốp ba, bốn cậu trai lượn đi vòng lại. Quầy giải khát đèn đóm sáng choang, túm tụm bốn, năm cô đứng, ngồi, phấn son choe choét. Bán giải khát mà không thấy ai uống gì. Lạ quá, chúng tôi nghé vào xem. Nước non gì đâu, mà là mua bán dâm. Công khai, rầm rộ, mặc cả cứ như mua bán cá ở chợ.
Tôi tuổi trẻ, tò mò, lại hăng tiết vịt, định lấy tư liệu làm cái phóng sự, liền chọn một cô, mặc cả. Nghe giọng nói Bắc kỳ, cô này tưởng của bở, sán vào. Cô ta táo tợn thật, chưa tiền nong, đã chiêu đãi tay tôi luôn. Phát hoảng, tôi tháo lui bằng cách, chỉ vào nhà khách tỉnh ủy, bảo quên tiền trong ấy, chờ vào đó lấy. Nghe vậy, cô ta bĩu môi: Tưởng ở đâu. Ở đó mà dám dùng của này à.
Ngoài Bắc cũng có chuyện mua bán dâm, nhưng thời đó, nó còn xì xầm. Chứ đây, ngay cạnh nhà khách tỉnh uỷ, cứ công khai, hồn nhiên mua, bán. Tôi lo, không biết các ông tỉnh uỷ có biết không. Độc lo bò trắng răng.
Nhớ một chuyện trước văn phòng sở Lâm nghiệp Minh Hải. Khi ngồi uống cà phê trong quán trong khuôn viên Sở, trông sang bên kia đường là khoảng ao rộng, trên mặt ao có nhà vệ sinh. Đang dùng cà phê, thì từ trong đó, phên quây lưng lửng, nhìn rõ cả phần trên người ngồi, một ông oang oang chõ sang tâm sự với bạn đang uống cà phê quán bên này. Dân miền Nam tự nhiên thật. Tôi lạ mãi về cái văn hoá đi cầu tiêu mà cứ tâm sự oang oang.
Chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi từ thị xã Cà Mau ra Đất Mũi. Sông nước mênh mông, bạt ngàn rừng đước. Có quãng đi trong rạch, tài công mất phương hướng, đành nhìn trời và xem hướng nước chảy để định vị. Hồi ấy dư luận ầm lên về nạn phá rừng, Chủ tịch nước vào tận nơi thị sát. Tỉnh đưa đi những con kênh chính, hai bên rừng còn rậm rạp, có thấy cảnh phá rừng đâu. Nếu đi như chúng tôi, thì thấy ngay cảnh phá rừng hầm than và đào vuông tôm khắp nơi.
Đưa chúng tôi đi là hai cán bộ trẻ sở Lâm nghiệp. Sóng nước làm chiếc vỏ lãi chòng chành, tôi thấy một cậu nhăn nhó. Qua câu chuyện thì thầm của họ, tôi mới hay, một anh chàng mới bị bệnh lậu. Bệnh hoa liễu này dễ lây lắm. Khi phát hiện ra cậu ta bị mắc bệnh kín, tôi đâm ngại ngùng. Trên cái vỏ lãi bé con con, tôi không dám ngồi vào những chỗ cậu ta ngồi nữa.
Trên đường đi, chúng tôi tạt vào vài nhà dân nằm hai bên kênh rạch. Một nhà dân anh em ghé vào, vừa thấy khách, ông chủ rổn rảng:
- Các chú trên tỉnh xuống à? Vào nhà qua uống chén rượu cho vui.
Chỉ có thế thôi, cho đến lúc chia tay, ông chủ chẳng biết chúng tôi là khách tỉnh nào. Khách vừa vào nhà, ông chủ đã giục vợ đi mua rượu. Bà vợ nhanh nhảu xách can chạy đi liền. Trong khi bà vợ đi mua rượu, ông chồng mang luôn ra chai rượu dở, rót một lượt cho khách. Cụm trước một ly, rồi ông lôi bịch tôm khô ra, nổi lửa than đước, nướng. Cứ như câu chuyện ông chủ, thì chuyện làm ăn ở đây dễ lắm. Tính nhanh, diện tích vuông tôm và số rừng đước ông hầm than, nhà này phải thu tới mươi cây vàng.
Tôi theo mấy đứa trẻ ra dãy vuông tôm chạy dọc trước cửa nhà, thả câu. Chỉ mấy cần câu, một nhoáng lũ trẻ đã nhấc lên dăm con cua bể to tướng. Tôi nhấc trượt một con, xuýt xoa tiếc. Đúng là rừng vàng biển bạc.
Căn nhà mái tranh, tường thưng lá, rộng gần hai chục mét vuông, sàn gỗ cao hơn mặt đất khoảng một mét. Sàn nhà ghép cao để đề phòng thuỷ triều lên xuống hằng ngày. Nhìn căn nhà tềnh toàng và mức thu nhập của chủ nhân, trong lúc ông chủ có việc, ra ngoài, chúng tôi đùa nhau, vàng nhà này giắt hay chôn ở đâu, thuổng lấy vài cây, tiêu đỡ cho ông chủ.
Lai rai tôm khô, cua bể, cả chủ lẫn khách sáu người, đi hết chai dở và can ba lít đế bà vợ xách về, chúng tôi láng tráng say.
Khi chia tay, ông chủ hẹn, hôm nào xả vuông tôm, chúng tôi nhớ quay lại làm một trận tới bến. Chưa kịp trận rượu xả vuông tôm, hôm sau chúng tôi đã được ông chủ tịch Đất Mũi cho một cuộc lên bờ xuống… kênh. Hôm đó trên đường nhậu về, say, ngã tòm xuống nước, về chẳng thay quần áo ướt nước lợ, tôi ngủ luôn. Muỗi rừng đước lại được một bữa nhậu tôi. Hôm sau, tôi mặt mũi, cánh tay, cẳng chân, vết muỗi đốt đỏ rực như ma tịt cắn.
Gần một tháng công tác, đến lúc về, Trưởng phòng Đinh Sơn hỏi bài vở, tôi ú ớ. Rất may anh Đinh Sơn dễ tính và hiểu, cả chuyến đi toàn đồng bằng và thành phố, lấy đâu ra đồng bào thiểu số mà viết. Lại nữa, chuyến đi này với ông Trần Sơn, lính mới chỉ nhìn ông giao tiếp, uống rượu và đối thoại đã là học rồi.