Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Bụi vết tháng năm

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 30197 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bụi vết tháng năm
Trọng Huân

CHƯƠNG II - 18

       Nhớ chuyện học đàn của con gái, suýt thì tôi mất đi tình bạn với  Trường Doãn, cậu em nhạc sỹ, Phó đoàn ca nhạc nhà Đài. Trường Doãn là con trai tác giả bài hát về binh chủng xe tăng nổi tiếng mà ai cũng biết.
 Suýt mất bạn vì câu nói đùa khi tôi nhờ Doãn mua giúp cây đàn cho con gái học. Doãn dắt tôi lên phố Nhà Chung. Trước khi đi, tôi bảo:
 - Con tao mà có khiếu âm nhạc là... vô phúc.
Thằng em tròn xoe mắt, mặt sầm xuống.
 - Sao anh lại nói vậy?
Tôi vội thanh minh:
 - À không. Ý tao không phải vậy. Cái nghề của mày khó khăn, khắc nghiệt quá! Cả vạn, triệu người, mới có một, hai người thành danh, thành danh như mày chẳng hạn.
Đến một lúc Doãn mới nguôi ngoai.
Nhớ chuyện Hùng Béo, Trưởng phòng Thư ký, đùa Doãn: Cái nghề chỉ huy dàn nhạc của ông, bất nhã quá. Ai đời, cả một nhà hát toàn người lịch sự đến nghe, vậy mà các ông cứ chổng đít vào mặt người ta múa đũa.
Cứ chê người, chứ người ta bảo, nghề báo, toàn những kẻ nhòm mồm và nghe lời người khác, viết.
Tôi làm quen và chơi với Trường Doãn có mục đích hẳn hoi. Trước đó thì mình hâm mộ cậu ta - nhạc sỹ. Mục đích của tôi là chơi với nhạc sỹ, mình cứ nhẩn nha tìm hiểu, chắc chắn  kiến thức âm nhạc dần dần nâng lên. Như tôi cứ túc tắc hỏi cậu ta những câu đại để như: Để thưởng thức, rung động được một tác phẩm âm nhạc, cần phải tư duy như thế nào?...
Cậu em Doãn mười lăm năm học trường nhạc, mình chỉ mất tý thời gian và chầu bia dăm chục nghìn, đã học được khối rồi, vừa rẻ lại nhanh, thật hiệu quả. Trong quá trình chơi với Doãn, tôi cũng giấu tiệt cái dốt âm nhạc và khiếu thưởng thức nhạc hơi lùn của mình. Đại ý là lúc trao đổi với Doãn về âm nhạc, tôi thường nói:
 - Tớ thích nhạc thính phòng lắm! Rồi nhạc cổ điển cũng thích. Thích lắm! 
Nghe vậy, Doãn đưa cho tôi mấy cái đĩa. Về nhà tôi cố gắng nghe, vặn vô lum rõ to, mà chả thấy hay cái gì. Thực ra thì tôi chỉ thích anh dân ca và chèo, khoái nhất cái món tân cổ giao duyên, song không thể khoe ra thẩm mỹ cải lương kia. Một lần Trường Doãn rủ tôi đi nghe buổi trình diễn ở Nhà Hát Lớn, chỉ huy dàn nhạc là một ông người Tây nổi tiếng. Tôi không nhớ rõ tên ông ta là gì, hình như Pô - đếch, hay Pô - đéc gì đấy, chỉ đọc báo thấy ông ta nổi tiếng.
Vào nhà hát, nhìn lên sân khấu, tôi choáng ngợp vì số lượng nhạc công, nhạc cụ, đông và nhiều quá. Nhạc cụ, cái thì to như cái dậm, cái thì sáng loáng, loe ra như cái mâm đồng.
Quá tò mò, không kìm được, tôi hỏi Doãn, cái to và loe ra là đàn gì? Doãn trả lời, kèn ô boa. Cái ... đang định hỏi tiếp, chợt nghĩ ra, thế thì lộ toé toè loe trình độ âm nhạc của mình, tôi đành nín thinh, tự quan sát, học hỏi lấy. Tôi cố nhập tâm về hình thù và nhẩm đếm số nhạc công, nhạc cụ. Thôi thì sau này có ai hỏi cũng biết, trình tấu một bản giao hưởng, người ta cần đến bao nhiêu cái đàn, bao nhiêu người đánh nhạc.
 Đúng bảy rưỡi, đêm trình tấu bắt đầu. Ông nhạc trưởng người Tây to cao, tay cầm cái đũa vung lên, tiếng đàn, tiếng trống rầm rầm chuyển động. Tôi tự nhủ, mình phải hình dung xem bản nhạc này thể hiện điều gì.
Tiếng trống bung bung, đây là trống trận, tôi đoán. Thùng, thùng, thùng, nghe như trống hộ đê mùa lũ. Tiếng ken tò te tý te.... diễn tả gì nhỉ, khó hình dung quá, chẳng ra buồn, chẳng ra vui, tôi tạm đặt là công bố sổ xố. Giá cứ ai oán, buồn đau như mấy ông phường kèn đám ma, thì lại dễ hình dung. Phân tích, tưởng tượng mãi, không ra cái gì, chã lẽ vừa đánh trận, vừa hộ đê, vừa công bố sổ xố, tôi đâm chán. Chả lẽ ngồi không, tôi đành xoay ra ngắm ông nhạc trưởng.
Công nhận rằng, ông Tây Pô - đếch này múa khoẻ, cứ vung tay, vung chân liên tục, một phút vung phải đến một trăm nhát. Thảo nào, trông ông ta to khoẻ thế. Sau một lúc quan sát ông nhạc trưởng, tôi rút ra quy luật, cứ khi tay ông này vung cao, thì trống phách nổi lên rầm rầm, khi hạ xuống, tiếng đàn nhẹ bẫng đi.
Sự phát hiện ra quy luật ấy không giúp cho tôi chú ý được bao lâu, tôi chẳng còn chăm chú quan sát ông nhạc trưởng vung tay, vung chân nữa. Tiếng nhạc, tiếng đàn thập thình làm tôi lơ mơ buồn ngủ. Giấc ngủ nhẹ đến từ lúc nào. Đang là rà, bỗng bên tai, tiếng vỗ tay đôm đốp làm tôi choàng tỉnh. Nhìn sang Doãn, thấy cậu ta đang vỗ tay, tôi vội vỗ tay theo.
Lại một tác phẩm khác. Bản này âm thanh cũng hoành tráng, lên bổng xuống trầm như bản trước. Nó cũng làm tôi lơ mơ buồn ngủ. Song tôi cố kìm. Mình mà ngủ, đến lúc người khác vỗ tay, không vỗ theo, thì chướng. Tôi ngủ mà như thức, thức mà đang ngủ, cứ dựa lưng vào thành ghế, lim dim, y như người đang thưởng thức âm nhạc. Bản nhạc vừa kết thúc, mọi người vỗ tay, tôi cũng vội vàng vỗ tay theo. Khi họ đứng lên, tôi cũng đứng lên, vỗ to, vỗ dài y như họ.
Tôi phải vỗ và đứng lên đến mươi lần, buổi trình diễn nhạc giao hưởng của ông nghệ sỹ chỉ huy người Tây Pô - đếch mới kết thúc. Trước khi ra về, anh bạn nhạc sỹ Doãn quay sang hỏi tôi:
 - Anh thấy thế nào?
 - Hay! Hay tuyệt!
 - Thế thì... khi nào có chương trình, em lại mời anh.
Không hay lại bảo rằng hay. Không biết lại giả như biết. Biết mà lại như không biết. Buồn cười thế đấy!

<< CHƯƠNG II - 17 | CHƯƠNG III - THUỞ HỌC TRÒ >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 670

Return to top