Giai thoại một. Có lái xe mới được phân công đưa đón ông Phó chủ nhiệm Uỷ ban. Sáng đầu tiên đến nhà riêng đón, sau khi lên xe, thủ trưởng xã giao hỏi anh tài: - Cháu tên là gì? Anh tài lễ phép: - Dạ! Cháu tên là An! - Tốt! Buổi trưa, đưa thủ trưởng về nhà, sau khi lên xe, thủ trưởng xã giao hỏi anh tài: - Cháu tên là gì? Anh tài lễ phép: - Dạ! Cháu tên là An! - Tốt! Đầu chiều đến nhà riêng đón, sau khi lên xe, thủ trưởng xã giao hỏi anh tài: - Cháu tên là gì? Anh tài rất lễ phép: - Dạ! Từ sáng đến giờ cháu vẫn tên là An ạ! Giai thoại thứ hai. Một ông Phó chủ nhiệm khác, đi nước ngoài về, anh lái xe ra sân bay đón. Sau khi lên xe, thủ trưởng tươi cười: - Bây giờ chưa tiện mở hành lý! ... À mà cậu có hút thuốc lá không? - Dạ! Cháu không hút thuốc ạ! - Thế á. Vậy mà quà, tớ định tặng cậu là viên đá lửa đấy. Thế thì thôi nhá!
Giai thoại thứ ba.Có đoàn nhà báo bốn người ở Đài đi công tác, khi về, được cơ sở biếu bốn chai nước mắm. Món quà quá quý. Nước mắm xịn, đâu như thứ pha nước lã với kẹo đắng bày bán ở chợ, hay thứ thum thủm, phân phối tem phiếu ở cửa hàng mậu dịch.
Xe là xe com măng ca. Xe yếu, đường xóc, ổ trâu, ổ bò, nên cứ nhảy tênh tếch. Dù lái xe cẩn thận, vậy mà mấy bận sa xuống ổ gà, ổ lợn. Mỗi lần sa xuống, trên xe người hẫng đi như nhảy dù. Tới một đoạn đường, hình như xe sa xuống ổ trâu, chỉ nghe thấy tiếng rốp. Chết cha rồi, ai trên xe chẳng biết, tiếng rốp kia là sự xô nhau của mấy chai mắm, lại còn thoang thoảng cái mùi đặc trưng. Thôi, có chai mắm vỡ!
Của đau con xót, trên xe mọi người lặng đi, những chưa ai tiện nói ra. Trong đầu ít nhà báo không nghĩ, chốc nữa chia chác thế nào đây. Còn đang phân vân, bất chợt ông trưởng đoàn phá tan bầu không khí căng thẳng:
- Chắc chai mắm vỡ vừa rồi của chú lái xe!
Vừa nghe ông nói xong, thoáng có tiếng thở phào nhẹ nhõm của ai đó. Xe đi một đoạn, lại sa xuống ổ trâu, lại tiếng rắc tiếp. Rất bất ngờ, cậu phóng viên trẻ lên tiếng:
- Chắc chai vỡ vừa rồi là của cháu?
Ông trưởng đoàn cười khờ khờ, nói:
- Đúng quá!
Giai thoại thứ tư. Quy trình sản xuất của nhà Đài khá chặt chẽ. Bài vở sau khi phóng viên viết ra, biên tập viên trực sẽ rà soát và đưa vào chương trình. Tiếp đó đưa lên lãnh đạo cấp phòng, cấp ban duyệt. Chặt chẽ vậy, mà đôi khi vẫn còn lỗi. Chuyện kể rằng, có một biên tập viên nọ, khi biên tập chương trình, vì bí bài, nên lôi ra một bài cũ của sếp đưa vào. Nhất cử lưỡng tiện. Cậu kia nghĩ, sếp có thêm phần năng suất, chương trình lại êm thấm, trôi nhanh. Đưa lên phòng, vì hôm đó trưởng phòng đang vội cái hội nghị, nên chỉ liếc qua, ký roẹt.
Chương trình đưa lên Ban, sếp đang ngồi trong phòng. Thấy nhân viên đưa chương trình, ông ghếch kính nhìn, rồi buông câu: Cứ để đấy. Một lúc sau, lính nhận được điện thoại, cậu lính tí tởn, tưởng chương trình đã xong. Vào phòng sếp, cậu ta nhìn thấy nó bị tãi ra trên bàn, bài vở thì bị gạch toe toét. Lúc đó, nhìn cái bài bị gạch, mặt cậu lính ớ ra.
- Dạ…
- Dạ cái nỗi gì!
- Cái bài này…
- Viết thế mà cũng viết hả. Bài này của ai?
- D…ạ … bài của … của chú đấy ạ. Bài viết lâu rồi…
- Thế á! Sao không bảo trước. Thế mà tao quên béng đi rồi đấy.
Ông nhà báo này thâm niên tới ba mươi năm trong nghề, tức dạng cây báo đa đề. Nay nếu ai có thời gian, mở sổ chương trình ra xem mặt tác phẩm của cây đa đề báo này, sẽ nhòm thấy toàn dạng tác phẩm hút tiếng. Nghĩa là xuống cơ sở, đưa cái míc vào mồm người ta, hút tiếng vào máy, rồi về nhờ công nhân cắt trích cho, phát lên không trung. Nhà báo này có bận xuống địa phương, làm việc bằng cách, đưa míc cho ông cán bộ trả lời phỏng vấn, còn nhà báo ta chạy đi đâu đó. Độ một tiếng sau quay lại, ông cán bộ địa phương vẫn say sưa phát biểu với cái míc, nào là kính thưa quý thính giả, nào là kính thưa đồng chí Trưởng ban nhà báo, tương đương chức vụ Vụ trưởng, huyện nhà rất phấn khởi và nô nức….. kính thưa.
Nếu ai có nghe, hay xem những tác phẩm hút tiếng kể trên ra đi ô, hay truyền hình, thì thông cảm, cắt hộ cái kính thưa giúp nhé!
Giai thoại thứ năm.
Chuyện này tôi định không kể, kể ra họ bảo mình tủn mủn, tầm nhìn không vượt nổi cái phong bì… Song nó thành giai thoại rồi, ai cũng rõ vị phong bì kia.
Đoàn đi công tác, cơ sở tặng chung cho cái phong bao. Ông này rút ruột trước, sau mới chia. Rút thì phải bí mật, tức là nhồi phong bì vào túi quần, rồi lần nó trong túi. Thế quái nào, ông này lại lần hết ráo tiền bên trong, lúc đem ra chia, nó là cái phong bì không. Ông ta bí, đành chửi bọn cơ sở là bố láo. Giai thoại này còn đỡ, cũng về ông này, giai thoại ở nhà vệ sinh mới kinh:
Có chuyến công tác kia, đoàn gồm mấy người. Sau buổi làm việc căng thẳng, toàn những vẫn đề to tát nhà báo đặt ra, như tháo gỡ cơ chế chính sách, lo cho nước cho dân thế nào cho tốt,... Cuối buổi làm việc, ông lãnh đạo cơ sở trân trọng đưa cho trưởng đoàn cái phong bì. Nội dung công việc của ông trưởng đoàn đã xong, chỉ có cậu phóng viên trẻ trong đoàn dở chứng, lại hỏi thêm vấn đề nữa, hỏi lại hăng.
Ông trưởng đoàn đứng lên, ra ngoài, kiểu như ông buồn đi... giải. Đi giải thì tự do rồi, ai cấm. Khi ông trưởng đoàn đứng lên, một đồng nghiệp khác tần ngần nhìn theo. Không phải ông ta nghi ngờ gì thủ trưởng mình đâu. Hình như anh này cũng buồn đi... giải. Anh đồng nghiệp ta lại đứng lên... đi. Trong phòng chỉ còn ông lãnh đạo cơ sở tiếp tục trả lời cậu phóng viên trẻ còn đang hỏi dở.
Tại nhà vệ sinh kia, diễn ra cảnh bi hài. Nền nhà nhớp nháp nước và lả tả những tiền là tiền. Nguyên do, ông trưởng đoàn xuống đây, ông không đại, trung, tiểu tiện gì, mà lại rút phong bì ra xem. Nếu chỉ dùng tay xem độ dày, mỏng, to nhỏ của nó, thì không sao. Đằng này ông ta lại định xem nó cả trong ruột. Trong khi đang xé, bất ngờ thấy đồng nghiệp, ông giật mình, tuột tay,… Cái phong bì cứ liềng liệng rơi. Khi chạm đến mặt đất, thì tiền đi đằng tiền, phong bì đi đằng phong bì.
Chẳng rõ sau đó nhà báo ta có nhặt tiền lên không. Sạch cũng là tiền, bẩn cũng là tiền, tiền rơi trên nền nhà vệ sinh cũng là tiền. Vớ phải tôi, tôi sẽ nhặt, rồi đem đi rửa, tiền sạch chán.
Giai thoại thứ sáu........... Giai thoại thứ bảy.................