Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Bụi vết tháng năm

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 30188 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bụi vết tháng năm
Trọng Huân

CHƯƠNG II - 11

    Hồi tôi đang lay hoay tìm việc ở Hà Nội, thấy thằng cháu trong tình cảnh khó khăn, ông chú phi công sống ở sân bay Gia Lâm định tạo thêm thu nhập cho thằng cháu, ông bảo:
 - Chiều chiều, mày sang bên chú. Cứ cái túi nhỏ, xách mươi vỉ thuốc, về cửa hàng bên Hà Nội mà đổ. Chấp mấy thằng phòng thuế, công an gác cầu Long Biên, đố biết.
Về cái nhã ý của ông chú giúp thằng cháu buôn thuốc tây, tôi không nỡ từ chối ngay, chỉ ậm ừ. Tôi đem sang tham khảo ý kiến một ông chú  khác. Tham khảo là tham khảo, tôi biết chắc, ông này sẽ phản đối. Như vậy tôi có cớ để từ chối ông chú phi công. Ông chú mà tôi tham khảo là người bôn có tiếng, ông là Hiệu trưởng một trường kỹ thuật về phát thanh và truyền hình. Y rằng, vừa mới đưa ra, ông té tát mắng cho một chặp:
 - Học thì không học, làm thì không làm, lại nghe ông ấy đi buôn. Thôi, ông ấy buôn, thì mặc xác ông ấy. Tao cấm! Mày mà đi buôn lậu thuốc tây, tao từ.
 Tôi không buôn, nhưng vợ ông lại bí mật buôn. Bà giấu chồng, vào cữ tan tầm hằng ngày, đạp xe sang Gia Lâm xách túi thuốc lậu về rải ở mấy cửa hàng bên Hà Nội. Không có những chuyến buôn ấy, nhà lấy gì mà ăn? Ông thì suốt tuần cắm cúi vào công việc ở cơ quan, chỉ đảo qua nhà ngày Chủ nhật. Có dạo bà thím nuôi con lợn, nuôi một hai tháng, con lợn được chừng ba mươi cân, thì lăn đùng ra chết. Bà thím tôi tiếc của, khóc sưng húp mắt. Ông chồng về, khi biết nguyên nhân, bảo vợ, tôi lại tưởng có ai mất.
 Tôi thở phào nhẹ nhõm vì ý kiến phản đối của ông chú hiệu trưởng không cho tôi buôn lậu và có cớ để từ chối ông chú phi công. Trong thâm tâm, tôi thực có muốn đi buôn lậu đâu. Tôi từng tự hứa, không bao giờ dây vào cái khoản buôn bán.
Hằng tuần, ông chú phi công có vài chuyến bay ra vào thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài nhiệm vụ quốc phòng, ông còn kiêm thêm việc buôn hàng cấm, có khi chuyển thuê cả tiền. Rất lạ rằng, ông vốn là người có tác phong quân sự, sống giản tiện, ngày bé ham chơi, chẳng chú ý đến việc buôn bán làm ăn của gia đình, nay lại thành ông buôn lậu và rất thích tính tiền.
Khi nghỉ hưu, ông hay hỏi thằng cháu, thu nhập mỗi tháng được bao nhiêu, lương tháng thế nào, tiếp đó ông thông báo về lãi suất ngân hàng đang áp dụng và đem ra tính toán số tiền lãi gửi ngân hàng tháng đó. Buồn cười rằng, ông tính tiền lãi sẽ hưởng trong năm năm, mười năm tới, cứ y như tính cua trong lỗ. Nghe bài toán lãi suất của ông, có lần tôi đùa:
 - Với số gốc hiện nay, mười năm nữa, chắc chú giàu lắm. Nhưng chú ơi, nếu như ngân hàng họ nâng lãi suất cao hơn, chú đã tính tới khoản này chưa?
Nghe thằng cháu nói vậy, ông chú nghệt mặt ra:
 - Ừ nhỉ! Sao tao chưa nghĩ tới.
Và ông sung sướng như bắt được vàng, nhờ thằng cháu mà ông phát hiện ra một khoản lớn sẽ có. Vội vàng lấy bàn tính, giấy bút, ông tính tính toán toán. Nhìn vẻ sung sướng của ông, tôi đâm băn khoăn: Một người từng bao lần vào sinh ra tử, chỉ vì khoản tiền lãi giả định của thằng cháu trong mười năm tới, mà sung sướng vậy sao? Đồng tiền có sức mạnh thật đấy.
Cuối năm 1949, đang trong thời kỳ căng thẳng của cuộc kháng chiến chống Pháp, ba anh em ông, gồm cha tôi là anh lớn, ông và người em trai, dắt díu nhau định vượt sông Hồng tòng quân đánh giặc. Không rõ vì lý do gì, cha tôi và chú em quay lại, chỉ có ông đi thoát. Ông an toàn vượt qua cuộc chiến tranh. Bao lần xông pha, bom rơi đạn lạc, ông chỉ bị một viên đạn bắt xướt qua mông, làm đổ tý máu. Do có sức khoẻ, ông được tuyển vào không quân và được đào tạo lái máy bay tại Trung Quốc.
Tết Mậu Thân Sáu tám, để phối hợp với lực lượng nổi dậy, không quân Việt Nam tổ chức đợt không kích vào một số cứ điểm ở thành phố Huế và tiếp tế cho bộ đội khu vực xung quanh. Ông là một trong những quân nhân được tuyển lựa trong nhóm cảm tử quân ấy. Hỏi tại sao có tấm ảnh treo tại Bảo tàng Phòng không không quân ở đường Trường Chinh, ông giải thích:
Máy bay được dùng là loại vận tải IL-14, cải tiến thành máy bay tấn công và đổi tên là T.14. Lực lượng chuẩn bị gồm 6 tổ, với ba mươi sỹ quan, chiến sỹ, mỗi tổ năm người trên một máy bay. Máy bay cất cánh từ sân bay Gia Lâm vào lúc chiều muộn. Để bảo đảm bí mật, khi cất cánh, ta chỉ dùng pháo hiệu, không dùng điện đài. Đưa máy bay cánh quạt vào sào huyệt địch ở cự ly năm trăm cây số, không có ra đa dẫn đường và đài chỉ huy dưới đất, chưa kể ba tàu sân bay của Mỹ, hệ thống ra đa rà soát cực mạnh, cùng hệ thống phòng không của địch dưới đất, là nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm.
Nhưng người tham gia thực sự là những cảm tử quân. Trước khi lên máy bay, đơn vị tổ chức nghi thức mặc niệm, đọc lời thề cảm tử và chụp hình lưu niệm. Chuyến xuất kích đầu tiên vào ngày mồng bảy tháng hai, cả sáu tổ đều xuất kích. Điểm tập kích là đồn Mang Cá, thành phố Huế. Xác định xong mục tiêu, máy bay chú chúc xuống đến độ cao bốn trăm mét, thì cắt bom. Lần tấn công thứ hai, thì chúc xuống đến độ cao hai trăm mét, mới cắt bom. Bay trong vùng địch, nhất là lúc lao xuống tấn công, đạn địch ở dưới bắn lên dữ dội. Trên đường trở về, máy bay ta bay là là, không bật đèn. Lúc quay về, chú quay đầu lại nhìn, thấy đèn của máy bay địch trên cao đang săn đuổi. Hôm đó bốn máy bay trở ra sân bay Gia Lâm an toàn, một chiếc phải hạ cánh bắt buộc xuống Thọ Xuân, còn một chiếc hy sinh.
Ngày mười một tháng hai, ta lại tổ chức chuyến xuất kích thứ lần hai, gồm một máy bay. Chú cũng tham gia đợt này. Khi ném bom xong, máy bay của ta quay ra. Do máy bay ta tốc độ chậm quá, chỉ hơn ba trăm cây, còn máy bay giặc tốc độ gấp rưỡi, gấp đôi, chúng rượt đuổi tới tận Phủ Lý. Nhờ máy bay MIC của ta lên trợ chiến, máy bay chú mới hạ cánh an toàn.
Tối mười hai có ba máy bay xuất kích. Hôm ấy không có máy bay nào trở về. Đợt ấy có hai mươi chiến sỹ hy sinh.
 Sau đó ông chú tôi lại được phân công bay tiếp. Đến lần này, ông phản đối. Lý lẽ đưa ra là: “Không phải tôi thoái thác nhiệm vụ. Tôi tham gia lần bay thứ hai rồi. Bây giờ, cứ luân phiên cho đều. Hết lượt, sau đó tôi bay tiếp.
Chẳng còn đến cái lần bay thứ ba, máy bay và phi công ta đã vãn. Sau chiến dịch này, ông được nhận Huân chương Quân công hạng ba.
 Chú tôi còn kể tên những người trong bức ảnh treo tại nhà Truyền thống quân chủng là các chiến sỹ và sỹ quan: Sen, Sửu, Trung, Quý và ông. Còn một người nữa, ông không nhớ rõ.
Ông bình phẩm rằng: Lúc bình thường, thì mấy ông chính trị suốt ngày lên lớp về lòng yêu nước, sự hy sinh, tinh thần chiến đấu, nhưng vào những ngày đoàn bay bị thiệt hại nặng nề, trước lúc xuất kích, chẳng thấy bóng vía ông nào ra động viên tinh thần anh em. Họ sợ, anh em mà choảng cho một câu, các ông có xuất kích đâu,.... Có lần trước giờ xuất kích, ông là dân kỹ thuật, phải đứng ra động viên anh em. Ông thì động viên được, bởi chính ông từng tham gia rồi.
 Khi tìm kiếm trên mạng, thấy dư luận phương Tây bình phẩm, họ cho rằng, không có hoạt động chi viện của không quân Bắc Việt năm Mậu Thân Sáu tám. Máy bay ta lạc hậu, tốc độ chậm, làm sao có thể hoạt động được trong vùng kiểm soát của lực lượng không quân Hoa Kỳ hùng hậu, hiện đại và hệ thống ra đa dày đặc. Đó là lý lẽ của họ. Còn về phía ta, dịp ấy tuyệt đối bí mật, nay bằng chứng lấy ở đâu? Ông chú tôi, một thành viên từng tham gia, giờ đã mất rồi. Giá mà hồi ấy, tôi dùng máy cát sét ghi lại lời ông, đem ra làm bằng, thì anh phương Tây cứng lưỡi.
Có dịp vào thành phố Huế, tôi hay thẩn thơ ở khu vực đồn Mang Cá, địa danh mà ông chú tôi kể, đấy là một trong những mục tiêu ông từng bay tới làm nhiệm vụ. Tôi cứ hy vọng, biết đâu đấy, sẽ tìm thấy một cái biển, trên biển đề: Không quân Việt Nam từng chiến đấu tại vùng trời nơi đây, năm Mậu Thân 1968. Tôi chẳng tìm thấy đâu. Có lẽ không ai biết, hay biết, nhưng lâu quá, quên hết mất rồi?
Cũng về ông chú phi công, có chuyện liên quan tới nhà báo quân đội nổi tiếng, đại tá Bùi Đình. Năm đó, báo Hà Nội mới họp cộng tác viên. Sau cuộc gặp mặt, khi xuống tới sân toà soạn, tôi chào bậc nhà báo cha chú:
- Chào chú! Cháu là phóng viên Đài. Cháu vừa đọc nội dung cuộc phỏng vấn của chú mới thực hiện với phi công Nguyễn Văn Kính và xem tấm hình ông ấy đăng trên báo. Ông ấy là chú ruột cháu đấy. Thay mặt gia đình, cháu xin rất cảm ơn chú!
Nhà báo Bùi Đình cảm động lắm, nắm chặt tay tôi, lắc lắc:
- Thế à! Cậu là cháu ruột ông ấy?
- Vâng ạ! Nhưng thưa chú, … ông ấy cấm khẩu, liệt giường gần một năm và mất lâu lắm rồi ạ!

<< CHƯƠNG II - 10 | CHƯƠNG II - 12 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 726

Return to top