Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tình Loạn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 37581 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tình Loạn
QUỲNH DAO

Chương 19

Không biết trải qua bao lâu, tôi mới phát giác ra Vũ Bội đang ngồi ở góc sa lông và hút thuốc lá. Tôi hỏi chàng:
- Đã mấy giờ rồi, anh?
- Anh không có đồng hồ, vì đồng hồ của anh đã đem cầm rồi.
Tôi cười buồn:
- Anh hãy vào trong phòng xem đồng hồ reo đi!
Vũ Bội đi xem đồng hồ rồi trở lại nói:
- Đã 12 giờ rưỡi rồi. Anh phải đi mới được.
- Vũ Bội, nếu không có chuyện gì cần thì tốt hơn hết anh chớ nên đến đây nhé. Nếu không, thằng cha già ấy nghi ngờ thì hỏng hết kế hoạch của chúng ta đấy.
- Phải, anh cần phải ít gặp em mới được, nhưng anh sẽ gọi điện thoại cho em. Chỉ có nghe tiếng nói của em thì anh mới được an ủi phần nào. Y Sa, cơ hồ vì em mà anh mới còn sống vậy.
Tôi mỉm cười nói:
- Anh hãy đỡ em dậy đi.
Vũ Bội đưa tay đỡ tôi ngồi dậy, rồi nắm lấy cằm tôi mà hôn lên mặt tôi:
- Tái kiến em yêu.
- Tái kiến.
Chợt Vũ Bội nói:
- Y Sa, chúng ta không thể không có tiền mặt được.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Tiền mặt để làm gì?
- Chúng ta cần phải có tiền mặt để lo thủ tục giấy tờ và mua vé phi cơ mới được. Anh tính rằng trong ngày sinh nhật của mẹ em, chúng ta phải bay ngay sang Vọng Các, nếu không, kéo dài thời gian rất nguy hiểm.
Tôi suy nghĩ một lúc, rồi cuối cùng biểu lộ sự đồng ý.
- Nếu chúng ta không kịp thời rời khỏi Hương Cảng, Trương Vĩnh Trọng đâm ra ngờ vực thì..
- Anh nói rất đúng. Nhưng số tiền mặt của em đang có chỉ không quá hai trăm đồng. Từ lâu nay, Vĩnh Trọng chẳng hề cho em nhiều tiền.
- Thế mẹ em có tiền không?
- Nhưng lấy lý do gì để hỏi mượn tiền của bà bây giờ?
Vũ Bội suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Ngày mai, em hãy về nhà nói với mẹ là hôm thứ bảy vừa rồi, Vĩnh Trọng đã thua cá ngựa hết ba ngàn đồng, đó là tiền của công quỹ. Nếu trong vài ba hôm nữa, ông chủ hãng đến thanh tra tiền bạc và phát giác ra sự thụt két ấy thì Vĩnh Trọng sẽ bị mất chén cơm ngaỵ Do đó em mới về nhà hỏi mượn tiền mẹ em. Tuy nhiên, em nên nói rằng Vĩnh Trọng là người rất coi trọng thể diện, do đó cần phải giữ bí mật chuyện ấy mới được.
- Đó là một ý kiến rất hay.
- Ngày mai em hãy về nhà bàn luận với mẹ em và khuyên bà nên giữ kín chuyện đó. Em cũng nói cho mẹ em biết rằng chuyện ấy rất quan hệ đến tương lai của Vĩnh Trọng, vậy bà đừng bao giờ hỏi đến Vĩnh Trọng cả.
- Em biết rồi.
- Sau khi mượn được tiền, em hãy đưa cho anh ngay để anh lo thủ tục xuất ngoại. à, còn hình của em và của con đâu? Giấy tờ chứng nhận nữa?
Tôi liền vào trong phòng lấy các giấy tờ cần thiết trao cho Vũ Bội, chàng nói:
- Ngày mai, anh sẽ đến sở di dân để lo giấy tờ. à, anh cũng chưa được biết em đang ở tại đâu nữa.
- Để em ghi địa chỉ đưa cho anh.
Tôi liền lấy giấy bút ghi đia chỉ của mình mà đưa cho Vũ Bội trong khi lòng tôi cao hứng vô cùng.
Sau khi tiễn Vũ Bội đi xong rồi, tôi trở vào phòng, bé Hoài Trọng đang khóc tôi đưa chai sữa cho nó bú và sung sướng nói:
- Đừng khóc nữa, con. Mẹ sẽ cùng con rời khỏi chốn này trong nay mai và có cả cha ruột của con nữa... Con có thích xem những tượng Phật thật vĩ đại ở Vọng Các không?
Bé Hoài Trọng mỉm cười.
Tôi nựng nịu nó từng cái rồi từng cái...
Khi tôi về nhà mẹ tôi, bà cười ha hả và bước ra đón tôi. Nhưng tôi lại cố ý giữ nét mặt đầy phiền não.
Thấy vậy, mẹ tôi liền ngưng tiếng cười và lo lắng hỏi ngay:
- Bộ con có chuyện cãi vã với Vĩnh Trọng phải không?
Tôi lắc đầu.
- Vậy thì có chuyện gì?
Mẹ tôi càng thêm lo lắng hỏi và cùng tôi vào trong phòng.
Tôi bèn đem câu chuyện Vĩnh Trọng thua cá ngựa mà nói mẹ tôi. Khi nghe xong, mẹ tôi mở to đôi mắt đầy ngạc nhiên.
Tôi nói với giọng cầu khẩn:
- Mẹ, con không thể không giúp đỡ Vĩnh Trọng được.
- Được rồi, xế trưa nay, mẹ sẽ đến ngân hàng lãnh tiền ra đưa cho con.
Nhưng bà lại hoài nghi hỏi:
- Vĩnh Trọng là người rất đứng đắn, bình thời không thích cờ bạc, thế sao lần này lại...
Tôi giật mình và buộc lòng phải nói dối:
- Vâng, trước đây anh ấy chẳng hề đánh cá ngựa bao giờ, nhưng lần này ảnh lại nghe theo lời người tạ Có người đã bảo với anh ấy là con "Hắc Thủy Ngưu" chạy rất hay thế nào cũng về nhất và lãnh thưởng rất to, nên anh ấy đã hùn vào đó năm ngàn đồng để đánh cá.
- Người ta nói như vậy mà Vĩnh Trọng chẳng hoài nghi gì hết sao?
Tôi tiếp tục nói dối:
- Người nói đó không ai khác hơn là chủ con ngựa "Hắc Thủy Ngưu", và ông ta đã đánh cá đến mấy chục ngàn đồng.
Mẹ tôi chẳng nói gì nữa.
- Chuyện này mẹ chớ nên nói gì với Vĩnh Trọng cả nhé. Anh ấy là người rất trọng thể diện, vì vậy mà con mới bàn riêng với mẹ mà thôi.
- Đương nhiên là mẹ chẳng nói gì với nó đâu. Vả lại, nếu chuyện này đổ bể thì ảnh hưởng tai hại không ít cho công việc làm của nó tại công ty, nên mẹ chẳng dại gì nói với ai đâu.
Tôi làm bộ than thở:
- Cờ bạc thật hại con người ta vô cùng! Mẹ, số tiền ấy, Vĩnh Trọng sẽ trả lại cho mẹ hàng tháng.
- Không hề gì, mẹ không cần tiền xài lắm đâu.
Thế là trưa hôm ấy, tôi đưa mẹ tôi đến ngân hàng lấy ra ba ngàn đồng. Sau khi chia tay mẹ tôi xong, tôi bèn đi tìm Vũ Bội.
Nơi Vũ Bội cư ngụ là một khách sạn hết sức tồi tàn, bẩn thỉu. Bàn ghế giường chiếu thật dơ dáy, hôi hám, lại thêm tối tăm dễ sợ.
Vũ Bội bảo tôi ra quán cà phê ngồi chờ chàng ra nói chuyên. Tôi không khỏi xúc động muốn rơi nước mắt khi thấy chàng mặc một chiếc áo sơ mi đã cũ mềm và nhầu nát.
Tôi đưa tiền cho Vũ Bội, chàng cảm động nói:
- Y Sa, em thật là tốt! Anh sẽ cố gắng lo giấy tờ càng sớm càng hay.
Độ một tuần sau thì Vũ Bội hẹn gặp lại tôi tại quán cà phệ Chàng đưa cho tôi giấy phi cơ, giấy tờ chiếu khán và nói:
- Đây là giấy tờ của em và Hoài Trọng, em hãy cất đi.
Tôi đưa tay toan cầm lấy. Bỗng chàng giật lại và đút vào túi áo mình:
- Mà không được, những giấy tờ này phải để anh cất tốt hơn.
- Tại sao?
- Nếu chẳng may chồng em bắt gặp được thì...
- Anh nói rất có lý, nên để anh cất là hơn.
Vũ Bội hỏi tôi:
- Em đi với anh sang Vọng Các có sợ khổ không?
Tôi cương quyết đáp:
- Em không sợ.
Vì em ngại Vĩnh Trọng hoài nghi, nên lúc sau này tôi không còn giữ sự lãnh đạm đối với chàng nữa. Tôi tỏ ra thân thiết với chàng như trước kia.
Chẳng bao lâu sinh nhật của mẹ tôi đã đến.
Trước ngày sinh nhật một hôm, mẹ tôi gọi điện thoại cho tôi và ngỏ ý muốn tôi cùng Vĩnh Trọng đến dự lễ cùng bà. Tôi nhận lời ngay.
Tối hôm ấy Vĩnh Trọng về tới, tôi liền thuật lại cho chàng biết chuyện ấy và muốn chàng lấy nữ trang gởi ở ngân hàng về cho tôi đeo.
Vĩnh Trọng không có ý kiến.
Thế là trưa hôm sau, Vĩnh Trọng đưa tôi đến ngân hàng để lấy nữ trang gởi trong hộc tủ có bảo hiểm ra. Tôi lựa chiếc nhẫn cẩm thạch, đôi bông tai hột xoàn và chiếc vòng đeo tay.
Khi từ trong ngân hàng đi ra, tôi hỏi Vĩnh Trọng:
- Bây giờ anh trở về công ty phải không?
Chàng gật đầu:
- Còn em?
- Em định đi làm tóc.
- Tối nay, anh không về nhà ăn cơm được đâu. Vậy em hãy đi một mình đến tửu gia trước đi nhé.
- Như vậy cũng được. Chúng ta sẽ gặp nhau tại tửu gia sau.
Chia tay Vũ Bội xong, tôi không đến tiệm làm tóc, mà lại gọi taxi đi thẳng đến khách sạn nơi Vũ Bội đang cư ngụ.
Tôi cúi gầm mặt xuống và đi lên cầu thang để đến phòng Vũ Bội.
Chợt sau lưng tôi có tiếng gọi:
- Tiểu thơ! Y Sa, tiểu thơ.
Tôi quay đầu nhìn lại, thì ra đó là anh bồi phòng khách sạn, trên tay anh ta đang cầm một bức thư.
- Có chuyện gì đó, anh?
- Đây là thư của ông Vũ Bội gởi cho cộ Ông ấy đã dọn đi hồi tối hôm qua rồi.
Tôi sửng sốt hỏi:
- Ông ấy đã dọn đi rồi à? Nhưng ông ấy dọn đi đâu?
- Ông ấy không có nói.
Tay tôi bắt đầu run lẩy bẩy và cố gắng mở bức thư ra xem.
Bức thư viết như sau:
Y Sa, anh đã dọn đến tửu điếm ở tại Cảng Khẩu phòng số 938. Khi đọc xong thư này, em hãy đi ngay đến đó gặp anh.
Đọc xong bức thư, tôi vùi mừng mỉm cười, rồi đi ngay xuống lầu, gọi taxi, bảo chạy thẳng đến tửu điếm ấy.
Khi tôi tìm ra căn phòng số 938 thì gặp ngay Vũ Bội. Vừa thấy tôi, chàng đã hỏi ngay:
- Em lấy được nữ trang chưa?
Tôi không trả lời chàng. Tôi đặt chiếc sắc tay xuống giường, rồi mở sắc tay lôi ra một số nữ trang cho chàng thấy.
Vũ Bội sung sướng ôm tôi và hôn túi bụi lên mặt tôi. Tôi vội đưa tay lên sửa lại mái tóc đã bị chàng làm rối tung.
Chàng đề nghị với tôi:
- Em hãy đi làm tóc đi.
- Làm tóc? Nhưng thời giờ có cận lắm không?
- Đúng ba giờ rưỡi thì ra phi trường, bây giờ mới có 11 giờ rưỡi thôi.
- Nhưng em chưa có thu xếp hành lý xong.
- Em nên thu xếp một mớ hành lý thật đơn giản thôi. Khi đã đến Vọng Các, em muốn gì, anh sẽ mua sắm cho em.
- Anh sẽ chờ em ở phi trường phải không?
- Đúng thế. Hai giờ, anh sẽ ngồi tại quán giải khát ở phi trường chờ em. - Mọi thủ tục đều đã lo xong hết rồi chưa?
- Xong cả rồi.
- Anh chớ có ngồi ở chỗ khó tìm nhé.
- Đương nhiên rồi.
- Tái kiến.
- Hãy để anh đưa em xuống lầu.
- Thôi khỏi anh ạ! Chớ để cho người khác thấy chúng ta đi chung với nhau. Hẹn sẽ gặp nhau tại phi trường.
Thế là tôi đi ngay đến tiệm uốn tóc để chải đầu. Sau đó, tôi về nhà thu xếp một số hành lý thật đơn giản mà cho vào va-ly.
Tôi mặc một chiếc áo màu xanh nhạt mà người thường dùng để đi du lịch và mang một chiếc kính đen đậm màu, vì tôi sợ bị người quen nhận được.
Xong xuôi tôi bồng bé Hoài Trọng xuống lầu, gọi taxi đi thẳng đến phi trường Khải Đức.
Khi đã tới nơi, tôi xuống xe và đi thẳng đến quán giải khát.
Tôi nhìn đồng hồ tay, đã hai giờ rưỡi.
- Mình đã trễ mất nửa tiếng. Chắc Vũ Bội sẽ trách mình chứ chẳng không.
Tôi cố đi mau hơn, nhưng tôi lại không sao đi nhanh được, vì một tay bồng Hoài Trọng còn một tay bận xách va ly.
Khi vào tới quán giải khát, tôi chẳng thấy Vũ Bội đâu, nên thất vọng vô cùng.
- Có lẽ Vũ Bội đang ngồi trên xe và bị kẹt đèn đỏ tại đường Thập Tự không chừng.
Tôi thầm nghĩ như vậy, rồi tìm một chỗ ngồi có thể nhìn thấy khách khứa ra vào mà để va-ly xuống.
Người bồi đến, tôi gọi một ly nước ngọt, rồi ngồi nhìn chăm chú từng người đàn ông đi vào trong quán.
Thế nhưng tôi vẫn không hề thấy Vũ Bội đâu. Tôi càng thêm thất vọng vô cùng.
Đã ba giờ mà Vũ Bội vẫn chưa tới.
Tôi bắt đầu sốt ruột, nên hỏi mượn cuốn điện thoại niên giám của người bồi để tìm số điện thoại của khách sạn nơi Vũ Bội đang trọ, rồi gọi điện thoại đến đấy tìm chàng.
Bên kia đầu giây, có người trả lời:
- Ông Vũ Bội đã dọn đồ đi vào trưa nay rồi.
Đã ba giờ 15 phút vẫn chưa thấy Vũ Bội đâu.
Tôi sốt ruột đến toát mồ hôi. Tôi nhờ người bồi xem chừng dùm va ly cho tôi, rồi bồng bé Hoài Trọng đi ra khỏi quán, đứng tại cột đèn nơi cửa ra vào phi trường mà chăm chú nhìn từng người đàn ông một và gọi tên chàng: Vũ Bội! Vũ Bội!
Nhưng vẫn không có một tiếng trả lời.
Tiếng thối thúc các hành khách hãy lên phi cơ phát ra từng chập từ trong máy phát thanh. Thế nhưng tôi vẫn chẳng hề thấy Vũ Bội đâu.
Tôi phát khóc lên.
Tôi lật đật chạy trở vào trong quán, trả tiền nước, rồi xách va ly trở lại nơi cửa ra vào để chờ Vũ Bội.
Đến khi khách đã lần lượt lên hết trên phi cơ, tại phòng khách quần chúng đã tản mất hết, chỉ còn có một mình tôi cô đơn đứng đó, khiến tôi cảm thấy cô độc lạ lùng.
Tôi đến văn phòng của Hàng Không công ty hỏi thăm:
- Xin cho tôi hỏi thăm, hành khách đi chuyến phi cơ Hương Cảng Vọng Các đã lên phi cơ chưa?
Cô nữ thư ký ngạc nhiên nói:
- Tôi không hiểu cô muốn nói chi?
- Tôi có mua vé phi cơ của quí công ty vào ba giờ rưỡi thì khởi baỵ Nhưng vé phi cơ của tôi đang ở trong tay một người bạn trai của tôi và giờ này anh ấy vẫn chưa thấy đến.
Người nữ thư ký dùng tiếng Anh nói với tôi:
- Thưa bà, xin bà cho biết bà đã ghi tên gì khi mua vé?
- Vũ Bội và Y Sa.
Tôi đáp.
Người nữ thư ký ấy cúi đầu xuống dò trong sổ. Rất lâu, rất lâu sau, cô ta mới ngước lên nhìn tôi và nở một nụ cười lấy làm tiếc, nói:
- Xin lỗi bà, trong danh sách các hành khách đi chuyến phi cơ ba giỡ rưỡi không hề có tên ông bà. Phải chăng bà đã mua vé phi cơ của công ty hàng không nào khác chăng?
Tôi buồn bã đáp:
- Dạ, không!
Đã 3:30 rồi, nhưng Vũ Bội vẫn không thấy đến.
Sau đó, bỗng tôi nghe có những tiếng nổ dữ dội làm chát chúa cả tai vang lên. Tôi biết ngay đó là tiếng phi cơ đang bắt đầu cất cánh bay đi.
Loạt tiếng nổ ấy khiến lòng tôi thêm tan nát và đau đớn cùng cực. Tôi một tay bồng Hoài Trọng, một tay xách va ly và thẫn thờ bước xuống từng nấc cầu thang.
Từ trong phi trường ra, tôi lủi thủi đi trên đường Thái Tử và thẫn thờ đi băng qua con đường lớn.
Giữa lúc ấy, bỗng bên tai tôi có tiếng xe hơi thắng rít lên vang dội, liền đó tôi cảm thấy như trời xoay đất chuyển...
Đến khi tỉnh lại, tôi nhận ra mình đang nằm trong một gian phòng rất tĩnh mịch. Lát sau, tôi lại cảm thấy chân bên phải của mình đau đớn vô cùng. Tôi kinh hoảng la lên một tiếng, tức thì cánh cửa phòng mở ra, một nữ hộ tá bước vào, nhìn tôi và hỏi:
- Có chuyện gì đó, bà?
- Chân phải của tôi đau đớn quá.
- Bác sĩ sẽ đến ngay bây giờ, ông ấy sẽ tiêm cho bà bớt đau.
- Đây là bệnh viện ư?
Cô nữ hộ tá cười đáp:
- Vâng. Hôm qua, bà đã bị xe hơi đụng mang thương tích và bà đã hôn mê đến hai ngày rồi.
Tôi sửng sốt nhìn người nữ hộ sĩ:
- Tôi đã hôn mê đến hai ngày rồi ư?
- Vâng. rất may là thương thế của bà không nghiêm trọng lắm. Bằng không thì cái chân của bà đã bị cưa rồi.
Tôi lặng người nhìn người nữ hộ tá lom lom.
Đến hai giờ trưa hôm ấy thì Vĩnh Trọng bồng bé Hoài Trọng và cùng đi với mẹ tôi vào thăm tôi.
Gương mặt hai người đều nghiêm trọng và lộ đầy vẻ thương xót. Tôi đưa hai tay lên ôm lấy mặt và òa ra khóc nức nở. Tôi không còn có đủ can đảm để nhìn mẹ tôi và Vĩnh Trọng nữa, vì tôi quá xấu hổ, hối hận bởi đã làm khổ họ.
- Chớ khóc nữa! Vĩnh Trọng nói. Mọi chuyện anh đều sẵn sàng tha thứ cho em.
Chàng tha thứ cho tôi, nhưng lòng tôi vẫn không nguôi nỗi đau khổ chút nào. Tôi càng khóc to hơn và đau đớn nói:
- Em đã lầm. Em đã lầm. Em đã bị Vũ Bội lường gạt lần nữa...
Mẹ tôi, Vĩnh Trọng và cả người nữ hộ tá đều cố tìm lời an ủi tôi, nhưng tôi vẫn không ngớt khóc lóc vì quá đau khổ.
Tôi khóc một lúc lâu, rồi sau đó vì quá mỏi mệt, ngủ thiếp đi.
Đến tối, tôi thức dậy thì người nữ hộ tá nói với tôi:
- Bên ngoài có một người thanh niên muốn vào thăm bà, và bà có cho phép ông ấy vào không?
- Một thanh niên à? Tôi kinh ngạc lặp lại.
- Vâng. Ông ta nói là không thể nào không vào thăm bà được. Thật ra, vào giờ này không một ai được vào thăm bịnh nhân cả. Nhưng ông ta đã năn nỉ tôi nhiều quá, nên tôi đành phải phá thông lệ mà cho ông ta vào đây vậy.
- Xin cô hãy cho ông ấy vào đi.
Cô nữ hộ tá đi ra được một lát thì tôi nghe có tiếng gõ cửa. Tôi nói to: "Xin cứ vào" thì cánh cửa hé mở và một bóng người bước vào. Tôi nhìn kỹ thì nhận ra người ấy không ai khác hơn là Trình Diệu Quang, trên tay chàng đang ôm một bó hoa.
Tôi kinh ngạc thốt:
- Ồ, anh đó ư?
Chàng nhìn tôi và nói:
- Phải, anh đây. Khi anh vừa đọc báo thấy có tin em bị xe hơi đụng, anh đã muốn vào thăm em ngay, nhưng anh không dám tới.
- Tại sao thế?
- Vì em đã là Trương Thái Thái rồi.
Tôi ngượng ngùng cúi đầu.
Chàng đi chầm chậm đến trước mặt tôi, đem bó hoa cắm vào trong chiếc bình và nói:
- Đây là hoa "Vô Vong Ngã" (tức Chớ Quên Tôi)
- Vô Vong Ngã? Tôi buồn bã lặp lại.
- Phải. Vô Vong Ngã.
Tôi mỉm cười với chàng và nói:
- Cám ơn anh.
Trình Diệu Quang nhìn tôi một lúc rồi nói:
- Có lúc anh tưởng mình đã chiếm được cái gì đó, nhưng rồi... cũng như em, lúc em chiếm được cũng như lúc em chiếm không được đều có ý nghĩa cả.
- Tôi đồng ý với anh về điềm đó. Tôi nhớ có người đã nói một câu như thế này: "Sự khoái lạc và hạnh phúc đều được con người ta mơ ước tới. Nhưng khi anh đã có khoái lạc và hạnh phúc rồi, rất có thể anh không cảm thấy khoái lạc và hạnh phúc chút nào ". Đúng vậy, có lúc sự thiếu thốn cũng có cái đẹp của nó.
Trình Diệu Quang không nói gì. Chàng chăm chú nhìn tôi một lúc rồi thu hồi nhãn tuyến của chàng lại.
Cái nhìn của chàng thật đặc biệt, nó cơ hồ như có từ tính, hấp dẫn tôi một cách lạ lùng, khiến tôi phải né tránh cái nhìn ấy đi.
Tôi cũng muốn hỏi thăm về cái cận huống của chàng, nhưng rồi tôi chẳng có can đảm để hỏi nữa.
Cô nữ hộ tá bỗng bước vào trong phòng. Cô ta mỉm cười như muốn nói rằng: ông bà đã nói chuyện hơi nhiều rồi.
Tôi bèn nói với Trình Diệu Quang:
- Xin cám ơn anh đã đến thăm tôi.
Chàng đưa mắt nhìn cô nữ hộ sĩ, rồi nói:
- Y Sa, tôi về nhé!
- Vâng, tái kiến.
Khi ra tới cửa, chàng còn quay đầu lại nói:
- Y Sa ráng mà tịnh dưỡng nhé, khi Y Sa xuất viện, tôi sẽ lại thăm Y Sa sau.
Tôi nở một nụ cười để thay câu trả lời.
Khi cô nữ hộ tá đi rồi, trong phòng thật là tịch mịch. Tôi cô đơn nằm trên giường, nhìn những cánh hoa "Vô Vong Ngã" trong bình mà không khỏi bùi ngùi cảm động đến rơi lệ khi nghĩ tới người đã tặng hoa.
Sự xuất hiện của Trình Diệu Quang đã làm tăng cường thêm sự can đảm để sống của tôi.
Tôi vùi đầu vào chiếc gối và nằm nghĩ ngợi miên man.
 

<< Chương 18 | Chương 20 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 154

Return to top